THẬP LUẬT TỤNG
Hán dịch: Hậu Tần Phất Nhược Đa La cộng La Thập dịch
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 54

ƯU BA LY VẤN PHÁP (Tiếp Theo)

10. Hỏi Về Pháp Thọ Giới

Lại hỏi: Khi Bạch tứ yết ma thọ giới, Tỳ-kheo không nói tên mấy việc thì không được gọi là thọ giới cụ túc?

Đáp: Nếu không nói tên của bốn việc, đó là Hòa thượng, chúng tăng, người cầu thọ giới và yết ma thì không gọi là thọ giới cụ túc. Lại nữa, nếu không nói tên của ba việc, đó là chúng tăng, người cầu thọ giới và yết ma thì không gọi là thọ giới cụ túc. Lại nữa, nếu không nói tên của hai việc, đó là người cầu thọ giới và yết ma thì không gọi là thọ giới cụ túc.

Lại hỏi: Có trường hợp Tỳ-kheo cho bốn người ở trong giới, cùng một lúc thọ giới cụ túc mà được gọi là thọ giới không?

Đáp: Có, nếu ở bốn chỗ lần lượt dởi dục thì được

Lại hỏi: Tỳ-kheo cho người ở cõi Câu-da-ni thọ giới, người này có được gọi là thọ giới không?

Đáp: Được gọi là thọ giới, nhưng người cho thọ giới cụ túc thì phạm tội; cho người ở cõi Phất Bà-đề cũng vậy.

Lại hỏi: Tỳ-kheo cho người ở cõi Uất đơn việt thọ giới, người này có được gọi là thọ giới không?

Đáp: Không được, vì người ở cõi đó không có sở thuộc.

Lại hỏi: Tỳ-kheo cho người trước đã phá giới thọ giới thì người này có đắc giới không?

Đáp: Không đắcgiới. Cho người Tặc trụ thọ giới cũng không đắc giới.

Lại hỏi: Tỳ-kheo cho người câm, người điếc, hoặc người câm điếc thọ giới thì người này có được gọi là thọ giới không?

Đáp là không được.

Lại hỏi: Nếu xếp đặt cho người câm, người điếc, hoặc người câm điếc vào trong túc số thọ giới thì có được gọi là thọ giới không?, đáp là không được.

Lại hỏi: Nếu nuôi trẻ muốn cho xuất gia thì nên hỏi người mẹ nào?

Đáp: Nên hỏi người mẹ nuôi dưỡng.

Lại hỏi: Như Phật đã dạy, nếu cha mẹ không cho phép thì không được độ cho xuất gia thọ giới, có trường hợp cha mẹ không cho phép mà vẫn được độ cho xuất gia thọ giới hay không?

Đáp; có, nếu cha mẹ là súc sanh.

Lại hỏi: Như Phật đã dạy, người giết cha mẹ không được cho xuất gia thọ giới, nếu đã cho xuất gia thọ giới thì nên diệt tẫn. Nếu người giết cha mẹ, Tỳ-kheo cho xuất gia thọ giới, người này có được gọi là thọ giới hay không? Đáp: Có, nếu cha mẹ là súc sanh. Lại nữa, nếu tưởng khác, nhân duyên khác mà giết cha mẹ thì người này được gọi là thọ giới, không nên tẫn.

Lại hỏi: Như Phật đã dạy, nếu cho người xuất gia phải hai lần bạch Tăng, đó là khi cạo tóc và khi xuất gia. Có trường hợp không có hai lần bạch Tăng mà vẫn cho xuất gia không?

Đáp: Có, nếu người này có cha mẹ là súc sanh.

Lại hỏi: Như Phật đã dạy, người làm ô nhục Tỳ-kheo-ni thì không được cho xuất gia thọ giới, nếu đã cho xuất gia thọ giới thì nên diệt tẫn. Nếu Tỳ-kheo cho người làm ô nhục Tỳ-kheo-ni xuất gia thọ giới thì người này có được thọ giới không?

Đáp: Có, nếu tám người dùng tám việc làm ô nhục Tỳ-kheo-ni, Tỳ-kheo gọi là bị làm ô nhục, nhưng tám người này không gọi là làm ô nhục Tỳ-kheo-ni. Lại nữa một người dùng tám việc làm ô nhục Tỳkheo-ni, Tỳ-kheo-ni gọi là bị làm ô nhục, nhưng người này không gọi là làm ô nhục Tỳ-kheo-ni.

Lại hỏi: Như Phật đã dạy, người Tặc trụ không được cho xuất gia thọ giới, nếu đã cho xuất gia thọ giới thì nên diệt tẫn. Sao gọi là Tặc trụ?

Đáp: Nếu Tỳ-kheo ở trong bốn pháp Ba-la-di tùy phá một pháp nào, sau đó vào trong Tăng nghe Đơn bạch yết ma, bạch nhị yết ma, bạch tứ yết ma, bố tát, tự tứ, yết ma cử mười bốn hạng người… thì gọi là Tặc trụ.

Lại hỏi: Như Phật đã dạy, người việt tế (người phá nội ngoại đạo) không được cho xuất gia thọ giới, nếu đã cho xuất gia thọ giới thì nên diệt tẫn. Sao gọi là người việt tế?

Đáp: Nếu Tỳ-kheo không xả giới của ngoại đạo, mang hình tướng ngoại đạo, nói pháp của ngoại đạo và thọ nghiệp của ngoại đạo.

Lại hỏi: Như Phật đã dạy, người giết A-la-hán không được cho xuất gia thọ giới, nếu đã cho xuất gia thọ giới thì nên diệt tẫn. Nếu Tỳkheo cho người giết A-la-hán xuất gia thọ giới thì người này có được thọ giới không?

Đáp: Có nếu người giết A-la-hán mà không phạm tội nghịch.

Lại hỏi: Nếu người cầu thọ giới ở trong giới, người cho thọ giới ở ngoài giới; hoặc người cầu thọ giới ở ngoài giới, người cho thọ giới ở trong giới, hoặc người cầu thọ giới ở dưới đất, người cho thọ giới ở trên, hoặc người cầu thọ giới ở trên, người cho thọ giới ở dưới thì có được gọi là thọ giới không?, đáp là không được.

Lại hỏi: Nếu người cầu thọ giới và người cho thọ giới đều ở trong giới thì có được gọi là thọ giới không?

Đáp: Cả hai đều ở trong giới đứng hay ngồi đều được gọi là thọ giới.

Lại hỏi: Các Tỳ-kheo ở dưới đất, một người trong túc số ở trên cao; hoặc các Tỳ-kheo ở trên cao, một người trong túc số ở dưới đất; hoặc các Tỳ-kheo ở trong giới, một người trong túc số ở ngoài giới; hoặc các Tỳ-kheo ở ngoài giới, một người trong túc số ở trong giới thì có được gọi là cho thọ giới hay không?

Đáp: Không được, nếu các Tỳ-kheo và người trong túc số đều ở trong giới đứng hay ngồi cho thọ giới đều được gọi là cho thọ giới.

Lại hỏi: Có một người ở trong bốn trú xứ, các Tỳ-kheo cho thọ giới có được gọi là thọ giới không?

Đáp: Nếu để giường hoặc ván cây nối liền bốn giới lại, các Tỳkheo ở trong đó cho thọ giới thì được gọi là thọ giới.

Lại hỏi: Có một người trong túc số ở trong bốn trú xứ cho thọ giới thì được gọi là cho thọ giới không?

Đáp: Nếu để giường hay ván cây nối liền bốn giới lại, người trong túc số ở trong đó cho thọ giới thì được gọi là cho thọ giới.

11. Hỏi Về Pháp Bố Tát

Lại hỏi: Nếu Tỳ-kheo ở trước chúng tăng gởi dục, ai nên cho nói?

Đáp: Các Tỳ-kheo tùy ý cho nói.

Lại hỏi: Nếu Tăng phường ở gần tụ lạc thì phạm vi bao nhiêu gọi là không mất y?

Đáp: Phạm vi bằng bên ngoài giới tụ lạc.

Lại hỏi: Các Tỳ-kheo ở trong tụ lạc, trước không có Tăng phường, cất Tăng phường chưa kết giới thì phạm vi bao nhiêu gọi là giới?

Đáp: Phạm vi bằng chỗ thông hành của giới tụ lạc.

Lại hỏi: Ở nơi A-lan-nhã không có tụ lạc, Tỳ-kheo cất Tăng phường chưa có kết giới thì phạm vi bao nhiêu gọi là giới?

Đáp: Phạm vi chừng một Câu-lô-xá, ở trong phạm vi này, các Tỳ-kheo nên ở một chỗ hòa hợp thuyết giới và tác pháp yết ma, không được bố tát riêng, yết ma riêng; nếu bố tát riêng, yết ma riêng thì tất cả Tỳ-kheo đều phạm tội.

Lại hỏi: Người thuyết giới ở dưới đất, các Tỳ-kheo ở trên cao; hoặc người thuyết giới ở trên cao, các Tỳ-kheo ở dưới đất; hoặc người thuyết giới ở trong giới, các Tỳ-kheo ở ngoài giới; hoặc người thuyết giới ở ngoài giới, các Tỳ-kheo ở trong giới thì có được gọi là bố tát không?

Đáp: Không được, nếu người thuyết giới và các Tỳ-kheo đều ở trong giới, đứng hay ngồi đều được gọi là bố tát.

Lại hỏi: nếu đêm sắp qua hết, các Tỳ-kheo mới nhớ hôm nay là ngày bố tát thì các Tỳ-kheo có nên thuyết giới không?

Đáp: Không nên, vì nếu có thuyết giới xong cũng không thành bố tát.

Lại hỏi: Nếu Tỳ-kheo thọ thanh tịnh của nguời khác rồi xuất giới thì phạm tội gì?

Đáp: Phạm Đột-kiết-la.

Lại hỏi: ai nên giáo thọ Tỳ-kheo-ni?

Đáp: Cựu Tỳ-kheo.

Lại hỏi: Nếu tăng bị phá làm hai bộ, Tỳ-kheo-ni nên đến bộ nào thỉnh giáo thọ?

Đáp: Nên theo bộ nào nói như pháp, nếu không có người nói như pháp thì Tỳ-kheo làm Thác lại tra nên ra ngoài giới giáo thọ Tỳ-kheoni.

Lại hỏi: Khi các Tỳ-kheo xả giới thì giới không lìa y cũng xả hay không?

Đáp là cũng xả.

Lại hỏi: Nếu xả giới không lìa y thì đại giới cũng xả hay không?, đáp là không xả.

Lại hỏi: Nếu giới trước không xả thì có được kết lại giới lớn hay nhỏ không?

Đáp là không được.

Lại hỏi: Các Tỳ-kheo khi bố tát, nói Tựa giới, bốn pháp Ba-la-di cho đến bảy pháp diệt tránh thì tất cả Tăng có được gọi là thuyết giới bố tát không?, đáp là được.

Lại hỏi: Như Phật dạy, có một trú xứ khi thuyết giới bố tát, các Tỳ-kheo, phi pháp biệt chúng, phi pháp hòa hợp chúng, như pháp biệt chúng, như pháp hòa hợp chúng. Sao gọi là phi pháp biệt chúng thuyết giới?

Đáp: Các Tỳ-kheo chia làm hai bộ, không như pháp thuyết giới, việc nên nói thì không nói, người nên nói lại không nói. Đây gọi là phi pháp biệt chúng thuyết giới.

Lại hỏi: Sao gọi là như pháp biệt chúng thuyết giới?

Đáp: Các Tỳ-kheo chia làm hai bộ, như pháp thuyết giới, việc nên nói thì nói, người nên nói thì nói. Đây gọi là như pháp biệt chúng thuyết giới.

Lại hỏi: Sao gọi là phi pháp hòa hợp chúng thuyết giới?

Đáp: Các Tỳ-kheo nhất tâm hòa hợp nhưng không như pháp thuyết giới, việc nên nói thì không nói, người nên nói lại không nói. Đây gọi là phi pháp hòa hợp chúng thuyết giới.

Lại hỏi: Sao gọi là như pháp hòa hợp chúng thuyết giới? Đáp: Các Tỳ-kheo nhất tâm hòa hợp ở một chỗ như pháp thuyết giới, việc nên nói thì nói. Người nên nói thì nói. Đây gọi là như pháp hòa hợp chúng thuyết giới.

Lại hỏi: Như Phật đã dạy, có một trú xứ các Tỳ-kheo không hiểu biết chút gì, giống như dê câm (nhu dương). Sao gọi là không hiểu biết chút gì giống như dê câm?

Đáp: Các Tỳ-kheo không biết bố tát, không biết yết ma bố tát, không biết thuyết giới, không biết yết ma thuyết giới và không biết nhóm họp.

Lại hỏi: Có trường hợp Tăng sự chưa xong, Tỳ-kheo đứng dậy bỏ đi mà không phạm Ba-dật-đề không?

Đáp: Có, nếu bỏ đi đại tiểu tiện hoặc không rời chỗ nghe.

Lại hỏi: Như Phật đã dạy, người thọ dục qua đêm không nên cùng thuyết giới bố tát, trừ tăng chưa đứng dậy. Sao gọi là Tăng chưa đứng dậy?

Đáp: Cho đến bốn người còn ngồi, chưa đứng dậy; ngược lại thì gọi là đứng dậy.

Lại hỏi: Người điên cuồng, tâm loạn, tâm bịnh hoại ở trong túc số thuyết giới có được gọi là thuyết giới không?

Đáp: Không được, nếu tăng chưa cho Tỳ-kheo yết ma cuồng si thì không nên lìA-tỳ-kheo này mà thuyết giới; nếu đã cho yết ma cuồng si rồi thì Tỳ-kheo này có mặt hay không có mặt, các Tỳ-kheo được tùy ý thuyết giới bố tát và tác pháp yết ma .

Lại hỏi: Các Tỳ-kheo ngồi dưới đất, người ở trong túc số ngồi trên cao thuyết giới; hoặc các Tỳ-kheo ngồi trên cao, người trong túc số thuyết giới ở dưới đất; hoặc các Tỳ-kheo ở trong giới, người trong túc số thuyết giới ở ngoài giới; hoặc các Tỳ-kheo ở ngoài giới, người trong túc số thuyết giới ở trong giới thì có được gọi là thuyết giới không?

Đáp: không được, nếu các Tỳ-kheo và người trong túc số thuyết giới đều ở trong giới, đứng hay ngồi đều được gọi là thuyết giới.

Lại hỏi: Người câm, người điếc, hoặc người câm điếc ở trong túc số thuyết giới có được gọi là thuyết giới không?

Đáp: Không được.

Lại hỏi: Tỳ-kheo thọ pháp thuyết giới cho Tỳ-kheo không thọ pháp, hoặc Tỳ-kheo không thọ pháp thuyết giới cho Tỳ-kheo thọ pháp; hoặc Tỳ-kheo thọ pháp lấy túc số Tỳ-kheo không thọ pháp để thuyết giới, hoặc Tỳ-kheo không thọ pháp lấy túc số Tỳ-kheo thọ pháp để thuyết giới thì có được gọi là thuyết giới không?, đáp là không được.

Lại hỏi: Có trường hợp một Tỳ-kheo thuyết giới cho bốn chỗ, được gọi là thuyết giới mà không phạm tội không?

Đáp: Nếu để giường hoặc ván cây nối liền bốn giới lại, Tỳ-kheo ở trong đó đứng hay ngồi thuyết giới đều được.

Lại hỏi: Có trường hợp Tỳ-kheo trong túc số ở bốn trú xứ thuyết giới, được gọi là thuyết giới mà không phạm tội không?

Đáp: Nếu để giường hoặc ván cây nối liền bốn giới lại, Tỳ-kheo trong túc số ở trong đó đứng hay ngồi thuyết giới đều được gọi là thuyết giới mà không phạm.

12. Hỏi Về Pháp Tự Tứ

Hỏi: Có trường hợp còn mười ngày nữa mới đến tự tứ, Tỳ-kheo tự tứ được gọi là tự tứ mà không phạm tội không?

Đáp: Có, nếu còn hai, ba, bốn ngày thúc ngày làm bố tát, Tỳ-kheo xuất giới đi, trong thời gian đó tự tứ thì không phạm.

Lại hỏi: Có trường hợp chưa đến hậu tự tứ, Tỳ-kheo tự tứ mà không phạm tội không?

Đáp: Có, nếu Tỳ-kheo hậu an cư thọ pháp bảy ngày xuất giới, trong thời gian đó tự tứ; hoặc trong thời gian đó cựu Tỳ-kheo ít nên theo khách Tỳ-kheo tự tứ thì không phạm.

Lại hỏi: Người tự tứ ở dưới đất, các Tỳ-kheo ở trên cao; hoặc người tự tứ ở trên cao, các Tỳ-kheo ở dưới đất; hoặc người tự tứ ở trong giới, các Tỳ-kheo ở ngoài giới; hoặc người tự tứ ở ngoài giới, các Tỳkheo ở trong giới thì có được gọi là tự tứ không?

Đáp: Không được, nếu người tự tứ và các Tỳ-kheo đều ở trong giới, đứng hay ngồi đều được gọi là tự tứ.

Lại hỏi: Các Tỳ-kheo ngồi dưới đất, người ở trong túc số ngồi trên cao tự tứ; hoặc các Tỳ-kheo ngồi trên cao, người trong túc số tự tứ ở dưới đất; hoặc các Tỳ-kheo ở trong giới, người trong túc số tự tứ ở ngoài giới; hoặc các Tỳ-kheo ở ngoài giới, người trong túc số tự tứ ở trong giới thì có được gọi là tự tứ không?

Đáp: không được, nếu các Tỳ-kheo và người trong túc số tự tứ đều ở trong giới, đứng hay ngồi đều được gọi là tự tứ.

Lại hỏi: Các Tỳ-kheo ngăn Tỳ-kheo câm, người điếc, hoặc người câm điếc tự tứ thì có được ngăn không?

Đáp: Không được ngăn.

Lại hỏi: Người câm, người điếc, hoặc người câm điếc ngăn các Tỳ-kheo tự tứ thì có được ngăn không?

Đáp: Không được ngăn.

Lại hỏi: Như Phật đã dạy, khi tự tứ không nên đi, có Tỳ-kheo có trú xứ, có Tỳ-kheo không có trú xứ, có Tỳ-kheo có trú xứ và không có trú xứ. Có trường hợp Tỳ-kheo khi tự tứ đi đến 3 chỗ này mà không phạm tội không?

Đáp: Có, nếu Tỳ-kheo an cư nghe tin Tỳ-kheo kia sắp đến đấu tranh tránh loạn Tỳ-kheo nơi này tự tứ, liền nghĩ: “Ta không muốn nghe biết đến việc đấu tranh tránh loạn này”, nghĩ rồi liền đi đến chỗ có Tỳkheo có trú xứ, có Tỳ-kheo không có trú xứ, có Tỳ-kheo có trú xứ và không có trú xứ thì không phạm.

Nếu có Tỳ-kheo bịnh ngăn Tỳ-kheo không bịnh tứ tứ, Tăng nên nói với Tỳ-kheo bịnh: “Trưởng lão bịnh chớ ngăn Tỳ-kheo không bịh tự tứ, vì sao, vì người bịnh ít an ổn”. Nếu có Tỳ-kheo không bịnh ngăn Tỳ-kheo bịnh tự tứ thì Tăng nên nói với Tỳ-kheo không bịnh: “Trưởng lão chớ ngăn Tỳ-kheo bịnh tự tứ, vì sao, vì người bịnh ít an ổn”. Nếu có Tỳ-kheo bịnh sai sứ ngăn Tỳ-kheo không bịnh tự tứ, Tăng nên nói với sứ rằng: “Trưởng lão chớ nghe lời của tỳ-kheo bịnh ngăn Tỳ-kheo không bịnh tự tứ, vì sao, vì người bịnh ít an ổn”, sứ giả này nên đến bên người bịnh nói: “Trưởng lão, Tăng dạy bảo thầy bịnh chớ ngăn Tỳ-kheo không bịnh tự tứ, vì sao, vì người bịnh ít an ổn”, nếu người bịnh nói hãy ngăn giùm thì Tỳ-kheo bịnh này phạm Đột-kiết-la, nếu sứ giả nghe lời người bịnh ngăn Tỳ-kheo không bịnh tự tứ thì sứ giả này phạm Độtkiết-la. Tỳ-kheo không bịnh sai sứ ngăn Tỳ-kheo bịnh tự tứ cũng giống như vậy.

Lại hỏi: Như Phật đã dạy, có một trú xứ khi tự tứ biết việc mà không biết người. Sao gọi là việc, sao gọi là người?

Đáp: Việc là chỉ cho tội, tội nhân nơi duyên mà khởi; người là chỉ cho người phạm tội.

Lại hỏi: Như Phật đã dạy, Tỳ-kheo thanh tịnh được ở chung với Tỳ-kheo đồng kiến. Sao gọi là đồng kiến?

Đáp: Các Tỳ-kheo thấy tội Ba-la-di rồi, như điều đã thấy mà nói; cho đến thấy tội Tăng-già-bà-thi-sa, tội Ba-dật-đề, tội Ba-la-đề-đề-xáni, tội Đột-kiết-la đều như điều đã thấy mà nói. Đó gọi là đồng kiến.

Lại hỏi: Có trường hợp Tỳ-kheo ngăn Tỳ-kheo khác tự tứ hoặc Tỳ-kheo-ni ngăn Tỳ-kheo-ni khác tự tứ mà không thành ngăn không?

Đáp: Có, nếu Tỳ-kheo ngăn Tỳ-kheo khác tự tứ, Tỳ-kheo kia chuyển căn thì ngăn Tỳ-kheo-ni tự tứ không thành ngăn; Tỳ-kheo ngăn Tỳ-kheo khác tự tứ mà tự mình chuyển căn, thì Tỳ-kheo-ni ngăn Tỳkheo tự tứ không thành ngăn. Nếu Tỳ-kheo-ni ngăn Tỳ-kheo-ni khác tự tứ, Tỳ-kheo-ni kia chuyển căn thì ngăn Tỳ-kheo tự tứ không thành ngăn; Tỳ-kheo-ni ngăn Tỳ-kheo-ni khác tự tứ mà tự mình chuyển căn, thì Tỳ-kheo ngăn Tỳ-kheo-ni tự tứ không thành ngăn.

Lại hỏi: Tỳ-kheo thọ pháp cùng tự tứ với Tỳ-kheo không thọ pháp, hoặc Tỳ-kheo không thọ pháp cùng tự tứ với Tỳ-kheo thọ pháp thì được gọi là tự tứ không?

Đáp: Không được.

Lại hỏi: Tỳ-kheo thọ pháp lấy túc số Tỳ-kheo không thọ pháp để tự tứ, hoặc Tỳ-kheo không thọ pháp lấy túc số Tỳ-kheo thọ pháp để tự tứ, thì có được tự tứ không?

Đáp: Không được.

Lại hỏi: Tỳ-kheo lấy túc số người câm, người điếc, hoặc người câm điếc để tự tứ thì có được tự tứ không?

Đáp: Không được.

Lại hỏi: Có bốn trú xứ ở trong giới cùng một lúc tự tứ thì được gọi là tự tứ không?

Đáp: Nếu lần lượt gởi dục thì được.

Lại hỏi: Một Tỳ-kheo ở bốn trú xứ tự tứ, được gọi là tự tứ mà không phạm tội không?

Đáp: Nếu để giường hoặc ván cây nối liền bốn giới lại thì được .

13. Hỏi Về Pháp An Cư

Lại hỏi: Nếu Tỳ-kheo an cư, sanh tâm nghi hối không biết có đắc an cư không thì người này có được gọi là an cư không?

Đáp là được.

Lại hỏi: Người này được chia y an cư không?

Đáp: Được chia.

Lại hỏi: Nếu Ưu-bà-di muốn xuất gia, sai sứ đến bạch Tỳ-kheo: “Đại đức hãy đến, tôi muốn xuất gia”, Tỳ-kheo này có nên phá an cư đi đến không?, đáp là nên đi

Lại hỏi: Có Tỳ-kheo-ni trong hạ an cư nên cho Ức niệm Tỳ-ni, Bất si Tỳ-ni, sai sứ đến bạch Tỳ-kheo: “Đại đức hãy đến để Tăng cho con Ức niệm Tỳ-ni, Bất si Tỳ-ni”, Tỳ-kheo này có nên phá an cư đi đến không?

Đáp là nên đi.

Lại hỏi: Nếu Tỳ-kheo ở giữa đường nghe tin Tỳ-kheo-ni này qua đời hoặc phản giới hoàn tục, hoặc vào ngoại đạo, hoặc một trong tám nạn xảy ra thì có nên đi đến đó không?

Đáp: Không nên đi.

Lại hỏi: Nếu đi đến đó thì phạm tội gì?

Đáp: Phạm Đột-kiết-la

Lại hỏi: Ba tháng hạ chưa hết, các Tỳ-kheo tẫn Tỳ-kheo thì người này có nên tẫn không?

Đáp là nên tẫn.

Lại hỏi: Có nên chia cho y an cư không?

Đáp: Không nên chia. Lại nữa, nếu Tỳ-kheo còn bảy ngày nữa tự tứ, thọ pháp đêm xuất giới đi thì không tội; hoặc còn sáu, năm, bốn, ba, hai, một ngày nữa tự tứ, thọ pháp đêm xuất giới đi thì không tội.

Lại hỏi: Tỳ-kheo an cư có mấy tự thệ?

Đáp: Có năm, đó là bất tự thệ, y tự thệ, thời tự thệ, an cư tự thệ và ngữ tự thệ.

Lại hỏi: Có trường hợp Tỳ-kheo ở trong phòng kia, y cũng ở trong phòng kia mà gọi là phá an cư, cũng gọi là lìa y ngủ đêm và cũng gọi là hoại tự thệ hay không?

Đáp: Có, nếu Tỳ-kheo hậu an cư, một mình vào phòng để ba y trên giường hoặc trên giá y, không thọ pháp bảy ngày mà bay lên ở trên cao cho đến sáng. Đó gọi là phá an cư, cũng gọi là lìa y ngủ đêm, cũng gọi là trái tự thệ,

Lại hỏi: Các Tỳ-kheo của nhiều trú xứ cùng an cư trong một giới, tự tứ xong liền xả đại giới này, mỗi nơi kết lại lấy vách chùa mình làm giới. Đàn việt thí y vật an cư, Hiện tiền tăng nên chia thì y vật thí này nên thuộc về ai?

Đáp: Tuy xả đại giới nhưng y vật vẫn thuộc về Tăng an cư trong đại giới cũ.

Lại hỏi: Nên chia như thế nào?

Đáp: Nên theo thứ lớp chia đều, phần thứ tư nên chia cho Sa-di .

Lại hỏi: Có trường hợp một Tỳ-kheo an cư trong bốn trú xứ cũng được gọi là an cư không?

Đáp: Nếu để giường hoặc ván cây nối liền bốn giới lại, Tỳ-kheo ở trong đó an cư thì được gọi là an cư

Lại hỏi: Chỗ nào nên cho Tỳ-kheo này y vật thí an cư ?

Đáp: Cả bốn chỗ họp lại chia cho một phần.

Lại hỏi: Tỳ-kheo ở giữa hư không an cư, có được gọi là an cư không?

Đáp: Không được, vì hư không không có giới nên tất cả Tăng sự và các pháp yết ma làm đều không thành.

Lại hỏi: Tỳ-kheo an cư trên thuyền bè có được gọi là an cư không?

Đáp: Nếu thuyền bè ở trên nước hay dưới nước thì không được, phải neo thuyền lại một chỗ mới được an cư.

Lại hỏi: Tỳ-kheo này nên ở chỗ nào chia cho phần y vật an cư?

Đáp: Tùy an cư ở trên thuyền bè nào thì chỗ đó nên chia y vật an cư.

Lại hỏi: Nếu Tỳ-kheo không tiền an cư, không hậu an cư thì gọi là người thế nào?

Đáp: Là người phá an cư, không có sở đắc gì.

14. Hỏi Về Pháp Dược

Lại hỏi: Tỳ-kheo để tô, dầu trong rượu thì có được uống dùng không?

Đáp: Nếu bịnh thì được uống, không bịnh thì không được uống. Lại nữa, ngay ngày nay thọ bốn loại dược: Thời dược, thời phần dược, thất nhật dược và tận hình dược hòa hợp lại một chỗ thì trước giờ ngọ nên dùng, vì hiệu lực của thời dược là quá ngọ không được dùng. Nếu ngay ngày nay thọ thời phần dược, thất nhật dược và tận hình dược hòa hợp lại một chỗ thì trong thời phần nên dùng, vì hiệu lực của thời phần dược là quá thời phần thì không được dùng. Nếu ngay ngày nay thọ thất nhật dược và tận hình dược hòa hợp lại một chỗ thì trong vòng bảy ngày nên dùng, vì hiệu lực của thất nhật dược là quá bảy ngày thì không được dùng. Nếu là tận hình dược thì trọn đời được tùy ý lấy dùng.

Lại hỏi: Bốn loại dược: Thời dược, thời phần dược, thất nhật dược và tận hình dược để cách đêm có được thọ dùng không?, đáp là không được.

Lại hỏi: Tỳ-kheo nếu tự lấy trước rồi mới theo tịnh nhân thọ thì có được dùng không?, đáp là không được.

Lại hỏi: Bốn loại dược này nếu tay thọ, miệng thọ, Tỳ-kheo không bịnh có được dùng không?

Đáp: Không được dùng, nếu bịnh thì được dùng.

Lại hỏi: Nếu lửa ở tịnh địa, người tác tịnh ở bất tịnh địa; hoặc lửa ở bất tịnh địa, người tác tịnh ở bất tịnh địa; hoặc lửa ở bất tịnh địa, người tác tịnh ở tịnh địa lấy lửa hay ngọn lửa hay than hay tro than tác tịnh thì có được tịnh không và được ăn không?

Đáp: Được tịnh nhưng không được ăn.

Lại hỏi: Nếu lửa ở bất tịnh địa, người tác tịnh ở trên cao lấy lửa hay ngọn lửa hay tro than tác tịnh thì có được tịnh và được ăn không?

Đáp: Được tịnh nhưng không được ăn; nếu lấy tro nóng rưới lên hoặc lấy ngọn lửa ném để làm tịnh thì được tịnh và được ăn.

Lại hỏi: Nếu lửa ở tịnh địa, người tác tịnh ở tịnh địa lấy ngọn lửa hay than hay tro than làm tịnh thì có được tịnh và được ăn không?

Đáp: Được tịnh nhưng không được ăn, nếu lấy tắt lửa làm tịnh thì được tịnh và được ăn.

Lại hỏi: Nếu lửa ở tịnh địa, người tác tịnh ở trên cao lấy lửa hay tro than làm tịnh thì có được tịnh và được ăn không? Đáp: Được tịnh nhưng không được ăn, nếu lấy ngọn lửa ném hay tắt ngọn lửa hay rưới tro nóng lên để làm tịnh thì được tịnh và được ăn.

Lại hỏi: Nếu lửa ở tịnh địa, ba hòn đá ở bất tịnh địa; hoặc môt hòn đá ở tịnh địa, hai hòn đá kia ở bất tịnh địa; hoặc hai hòn đá ở tịnh địa, môt hòn đá kia ở bất tịnh địa thì ở trong đó nấu thức ăn, có được ăn không?

Đáp: Không được ăn, nếu lửa ở bất tịnh địa, ba hòn đá ở tịnh địa, ở trong đó nấu và lấy tắt lửa làm tịnh thì được ăn.

Lại hỏi: Nếu Tỳ-kheo tự lấy lửa hay dao hay móng tay làm tịnh thì có được tịnh và được ăn không?

Đáp: Được tịnh, trừ lấy lửa làm tịnh, các cách làm tịnh khác đều được ăn. Nếu Tỳ-kheo lấy lửa làm tịnh thì người này không được ăn, các Tỳ-kheo khác cũng không được ăn.

Lại hỏi: Trái cây ở bất tịnh địa, người tác tịnh ở tịnh địa; hoặc trái cây ở tịnh địa, người tác tịnh ở bất tịnh địa; nếu dùng dao, lửa hay móng tay làm tịnh thì có được tịnh và được ăn không?

Đáp: Được tịnh nhưng không được ăn .

Lại hỏi: Nếu để tô, dầu vào trong rượu nấu thì có được thọ dùng không?

Đáp: Nếu lìa mùi rượu thì được thọ dùng.

Lại hỏi: Sữa voi, lạc, tô có được uống không?

Đáp: Được uống.

Lại hỏi: Tám loại nước uống phi thời có được uống không?

Đáp: Nếu không có mùi vị rượu, không có thức ăn, thanh tịnh thì được uống.

Lại hỏi: Thức ăn của trời quá ngọ có được ăn và có được thọ pháp bảy ngày không?

Đáp: Được ăn và được thọ pháp bảy ngày.

15. Hỏi Về Pháp Y

Lại hỏi: Người bị tẫn có được yết ma chia y không?

Đáp: Người không bị tẫn được chia.

Lại hỏi: Nên chia y như thế nào?

Đáp: Nên chia làm ba, đó là phần tự thọ, phần triển chuyển chia và phần bỏ thẻ để rút thăm.

Lại hỏi: Có trường hợp Tỳ-kheo đến cư sĩ, vợ cư sĩ không phải bà con xin y mà không phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề không?

Đáp: Trừ y ở phòng riêng, y thí trong nhà bạch y và y an cư; nếu đến người xuất gia không phải bà con xin y thì phạm Đột-kiết-la .

Lại hỏi: Đưa y cho một người mà bốn người đồng ý lấy thì có được lấy không?

Đáp: Không được lấy; nhưng nếu đưa y cho bốn người, một người đồng ý lấy thì được lấy.

Lại hỏi: Giá tiền y có được lấy không?

Đáp: Không được lấy.

Lại hỏi: Nếu chuyển tiền này để làm y bát và những tịnh vật khác thì có được thọ không?

Đáp: Được thọ.

Lại hỏi: Có trường hợp y thí cho Tăng, Tỳ-kheo tự lấy đem về cho mình lại được phước mà không tội không?

Đáp: Có, nếu Tỳ-kheo ở một mình một chỗ, trong đó được y thí Tăng, Tỳ-kheo khác không đến, mình tự lấy dùng thì được phước mà không tội.

Lại hỏi: Nếu Tỳ-kheo nói với Tỳ-kheo khác là thí y vật cho Tăng, nói xong liền qua đời thì vật thí cho tăng này có nên dùng yết ma để chia không?, đáp là không nên.

Lại hỏi: Nên chia y như thế nào?

Đáp: Nên chia làm ba, đó là phần tự thọ, phần triển chuyển chia và phần bỏ thẻ để rút thăm, vì sao, vì y vật thí này không thuộc Hiện tiền tăng.

Lại hỏi: Tỳ-kheo an cư bị tẫn có được chia y không?

Đáp: Không được.

Lại hỏi: Tỳ-kheo bị điếc như thế nào gọi là được y?

Đáp: Nếu khi thấy cho y mà tôi cũng được phần.

Lại hỏi: Tỳ-kheo mù như thế nào gọi là được y?

Đáp: Để y vào tay hay để trên đầu gối, tâm nghĩ là tôi được y.

Lại hỏi: Nên chia y cho Sa-di như thế nào?

Đáp: Cho một phần trong các phần của tỳ-kheo .

16. Hỏi Về Pháp Y Ca-Hi-Na

Lại hỏi: Tỳ-kheo không tuổi hạ cho đến dữ học Sa-di (Sa-di học hối), người bị tẫn, người hành Biệt trụ làm y thọ làm y Ca-hi-na có được gọi là thọ không?

Đáp: Không được.

Lại hỏi: Nếu Tỳ-kheo như pháp làm y hoặc nạp y đúng lượng thì có được thọ làm y Ca-hi-na không?

Đáp: Được.

Lại hỏi: Thọ y Ca-hi-na có mấy lợi ích?

Đáp: Có chín lợi ích, đó là được đến mười đêm, sáu đêm, một đêm không có nhân duyên được cất giữ y Tăng-già-lê, không Có năm nhân duyên được cất giữ y tắm mưa, được thường thường ăn, đươc ăn biệt chúng và hai thời không bạch được vào tụ lạc.

Lại hỏi: Các Tỳ-kheo thuộc nhiều Tăng phường cùng kết chung một giới để an cư, thì đều được an cư không?

Đáp: Được an cư.

Lại hỏi: Các Tỳ-kheo nên ở chỗ nào?

Đáp: Tùy ý ở

Lại hỏi: Nên ở đâu tự tứ?

Đáp: Tùy ý tự tứ.

Lại hỏi: Ở chỗ nào gọi là an cư xong?

Đáp: Tùy ý ở chỗ nào cho đến sáng.

Lại hỏi: Ở chỗ nào nên cho y vật an cư?

Đáp: Tùy ở chỗ nào tự tứ thì ở chỗ đó cho y vật an cư. Lại nữa, tùy chỗ nào an cư nhiều ngày thì ở chỗ đó nên cho.

Lại hỏi: Các Tỳ-kheo thuộc nhiều Tăng phường cùng an cư trong một giới, sau khi tự tứ xong liền thọ y Ca-hi-na, thì các Tỳ-kheo này đều được thọ y Ca-hi-na không?

Đáp; đều được thọ.

Lại hỏi: Các Tỳ-kheo thuộc nhiều Tăng phường cùng an cư trong một giới, sau khi tự tứ xong liền thọ y Ca-hi-na, thọ rồi liền xả đại giới này, thì các Tỳ-kheo này đều được thọ y Ca-hi-na không?, đáp là đều được thọ.

Lại hỏi: Các Tỳ-kheo thuộc nhiều Tăng phường cùng an cư trong một giới, sau khi tự tứ xong liền thọ y Ca-hi-na, thọ rồi liền xả đại giới, xả đại giới rồi sau đó xả y Ca-hi-na, thì các Tỳ-kheo này đều được xả y Ca-hi-na không?

Đáp: Tùy người nào xả thì xả, người nào không xả thì không xả.

Lại hỏi: Các Tỳ-kheo an cư xong, cùng nhiều Tăng phường kết chung một giới để thọ y Ca-hi-na, thì các Tỳ-kheo này đều được thọ y Ca-hi-na không?

Đáp: Đều được thọ.

Lại hỏi: Các Tỳ-kheo an cư xong, cùng nhiều Tăng phường kết chung một giới để thọ y Ca-hi-na, thọ rồi sau đó xả đại giới này, thì các Tỳ-kheo này đều được thọ y Ca-hi-na không?, đáp là đều được thọ.

Lại hỏi: Các Tỳ-kheo an cư xong, cùng nhiều Tăng phường kết chung một giới để thọ y Ca-hi-na, thọ rồi sau đó xả đại giới, xả giới rồi sau đó xả y Ca-hi-na, thì các Tỳ-kheo này đều được xả y Ca-hi-na không?

Đáp: Tùy người nào xả thì xả, người nào không xả thì không xả.

Lại hỏi: Có trường hợp Tỳ-kheo thọ đàn việt thỉnh thực, sau bữa ăn trước đi đến nhà khác mà không phạm Ba-dật-đề không?

Đáp: Có, nếu chỗ thỉnh thực này ở bên ngõ hẽm, chợ búa.

Lại hỏi: Các Tỳ-kheo thuộc bến bên Tăng phường, hoặc tám, chín, mười hoặc nhiều hơn cùng kết chung một giới để an cư, thì các Tỳ-kheo này đều được an cư không?

Đáp: Được an cư.

Lại hỏi: Các Tỳ-kheo nên ở chỗ nào?

Đáp: Tùy ý ở

Lại hỏi: Nên ở đâu tự tứ?

Đáp: Tùy ý tự tứ.

Lại hỏi: Ở chỗ nào gọi là an cư xong?

Đáp: Tùy ý ở chỗ nào cho đến sáng.

Lại hỏi: Ở chỗ nào nên cho y vật an cư?

Đáp: Tùy ở chỗ nào tự tứ thì ở chỗ đó cho y vật an cư. Lại nữa, tùy chỗ nào an cư nhiều ngày thì ở chỗ đó nên cho.

Lại hỏi: Các Tỳ-kheo thuộc bến bên Tăng phường, hoặc tám, chín, mười hoặc nhiều hơn, cùng kết chung một giới an cư, sau khi tự tứ xong liền thọ y Ca-hi-na, thì các Tỳ-kheo này đều được thọ y Ca-hi-na không?, đáp là được thọ.

Lại hỏi: Các Tỳ-kheo thuộc bến bên Tăng phường, hoặc tám, chín, mười hoặc nhiều hơn, cùng kết chung một giới an cư, sau khi tự tứ xong liền thọ y Ca-hi-na, thọ xong liền xả đại giới này, sau đó lại xả y Ca-hi-na, thì các Tỳ-kheo này đều được xả không?

Đáp: Tùy người nào xả thì xả, người nào không xả thì không xả.

Lại hỏi: Các Tỳ-kheo an cư xong, cùng bến bên Tăng phường hoặc tám, chín, mười hoặc nhiều hơn, kết chung một giới để thọ y Cahi-na, thì các Tỳ-kheo này đều được thọ y Ca-hi-na không?

Đáp là đều được thọ.

Lại hỏi: Các Tỳ-kheo an cư xong, cùng bến bên Tăng phường hoặc tám, chín, mười hoặc nhiều hơn, kết chung một giới để thọ y Cahi-na, thọ rồi liền xả đại giới này, thì các Tỳ-kheo này đều được thọ y Ca-hi-na không?, đáp là đều được thọ.

Lại hỏi: Các Tỳ-kheo an cư xong, cùng bến bên Tăng phường hoặc tám, chín, mười hoặc nhiều hơn, kết chung một giới để thọ y Cahi-na, thọ rồi liền xả đại giới này, sau đó xả y Ca-hi-na, thì các Tỳ-kheo này đều được thọ y Ca-hi-na không?

Đáp: Tùy người nào xả thì xả, người nào không xả thì không xả.

Lại hỏi: Các Tỳ-kheo thọ y Ca-hi-na nhằm tháng nhuần, khi nào xả y Ca-hi-na?

Đáp: Tính theo số ngày an cư.

Lại hỏi: Các Tỳ-kheo thọ y Ca-hi-na đã làm vào ngày mười bốn, các khách Tỳ-kheo đến làm ngày mười năm. Nếu cựu Tỳ-kheo thao khách Tỳ-kheo lấy ngày này làm bố tát, ngày đó được y vật thí thì nên thuộc về ai?

Đáp: Thuộc về tất cả.

Lại hỏi: Nên chia như thế nào?

Đáp: Nên chia đồng đều, phần thứ tư cho Sa-di.

Lại hỏi: Cựu Tỳ-kheo thọ y Ca-hi-na rồi xuất giới, Tỳ-kheo khách đến xả y Ca-hi-na, nếu ngày nay được vật thì thì nên thuộc về ai?

Đáp: Thuộc về Tỳ-kheo an cư hoặc thuộc về Tỳ-kheo hiện tiền. Lại hỏi: Người nào thuộc về Tỳ-kheo an cư, người nào thuộc về Tỳkheo hiện tiền?

Đáp: Nếu vào tháng cuối mùa hạ được vật thí thì thuộc về Tỳkheo an cư, nếu vào thời khác thì thuộc về Tỳ-kheo hiện tiền.

Lại hỏi: Sau khi thọ y Ca-hi-na,Tăng chia làm hai bộ thì tất cả chúng tăng này có được gọi là thọ y Ca-hi-na không?

Đáp: Tất cả được thọ.

Lại hỏi: Sau khi thọ y Ca-hi-na, Tăng chia làm hai bộ, một bộ xả y Ca-hi-na thì y Ca-hi-na này có được gọi là xả không?

Đáp: Nếu xả như pháp thì gọi là xả, xả không như pháp thì không gọi là xả.

Lại hỏi: Y bất tịnh thọ làm y Ca-hi-na có được gọi là thọ không?, đáp là không được.

Lại hỏi: Người hậu an cư có được thọ y Ca-hi-na không?

Đáp là không được.

Lại hỏi: Trú xứ thọ y Ca-hi-na được vật thì, có trường hợp Tỳkheo ở một chỗ này tự tứ được chia không?

Đáp: Có, nếu vào tháng cuối mùa hạ thọ y Ca-hi-na, ngay tháng cuối hạ này xả, Tỳ-kheo ở trong đó được vật thí thì được chia.

Lại hỏi: Như Phật đã dạy, cho đến ở chỗ nghe được cũng gọi là xả y Ca-hi-na, sao gọi là chỗ nghe được?

Đáp: Nếu Tỳ-kheo thọ y Ca-hi-na ở ngoài giới, nghe tiếng Tăng xả y Ca-hi-na thì củng gọi là xả y Ca-hi-na.

17. Hỏi Về Pháp Câu-Xá-Di

Lại hỏi: Nếu tăng bị phá làm hai bộ, Tỳ-kheo-ni nên đến bộ nào thỉnh giáo thọ?

Đáp: Nên theo bộ nào nói như pháp, nếu không có người nói như pháp thì Tỳ-kheo làm Thác lại tra nên ra ngoài giới giáo thọ Tỳ-kheoni.

Lại hỏi: Tỳ-kheo Câu-xá-di và Tỳ-kheo Tỳ-da-ly xả giới, có được gọi là xả không?

Đáp: Không được.

Lại hỏi: Tỳ-kheo Tỳ-da-ly và Tỳ-kheo Câu-xá-di xả giới, có đuợc gọi là xả không?, đáp là không được.

Lại hỏi: Chỗ Tỳ-kheo Câu-xá-di bố tát, hai bộ họp chung một chỗ, Tỳ-kheo làm Thác lại tra làm sao bố tát?

Đáp: Nên xuất giới làm bố tát.

Lại hỏi: Nếu đàn việt nắm tay Thượng tòa nói là thí vật cho Tăng, thì vật thì này nên thuộc về ai?

Đáp: Bộ nào làm Thượng tòa thì bộ đó được vật thí.

Lại hỏi: Nếu đàn việt nắm tay đệ nhất Thượng tòa, đệ nhị Thượng tòa nói là thí vật cho Tăng, thì vật thì này nên thuộc về ai?

Đáp: Nếu hai Thượng tòa này ở chung trong một bộ thì vật thí thuộc về một bộ; nếu hai Thượng tòa ở trong hai bộ thì vật thí thuộc về cả hai bộ.

Lại hỏi: Nên chia như thế nào?

Đáp: Nên chia đồng đều, phần thứ tư cho Sa-di.

Lại hỏi: Nếu Tăng sắp bị phá, người biết pháp theo thứ lớp trải giường độc tọa, ở giữa chừa một chỗ ngồi, Tỳ-kheo ngồi trong đó nên tác tăng pháp yết ma, cũng nên giáo thọ Tỳ-kheo-ni, trong đây như thế nào gọi là thành pháp?

Đáp: Nếu hai bộ tùy thuận, Tỳ-kheo làm Thác lại tra cùng hòa hợp.

18. Hỏi Về Pháp Chiêm-Ba

Lại hỏi: Nếu Tỳ-kheo ngủ, Tăng làm pháp tẫn, có được gọi là tẫn không?

Đáp: Nếu nghe bạch rồi ngủ thì được gọi là tẫn.

Lại hỏi: Nếu chúng tăng ngủ khi tác pháp tẫn một Tỳ-kheo thì Tỳkheo này có được gọi là tẫn không?

Đáp: Nếu nghe bạch rồi ngủ thì được gọi là tẫn.

Lại hỏi: Nếu khi nói lộn xộn ồn ào mà tác pháp tẫn, thì Tỳ-kheo này có được gọi là tẫn không?

Đáp: Cho đến có bốn Tỳ-kheo nghe tiếng bạch, thì được gọi là tẫn.

Lại hỏi: Tỳ-kheo tặc trụ tác pháp tẫn Tỳ-kheo, người phạm Bất cọng trụ, người hành Biệt trú, người điên cuồng tâm loạn, tâm bịnh hoại xếp vào trong Túc số để tác pháp tẫn Tỳ-kheo thì có được gọi là tẫn không?

Đáp: Không được, nếu tăng chưa cho Tỳ-kheo yết ma cuồng si thì không nên lìA-tỳ-kheo này mà làm bố tát và các pháp yết ma; nếu đã cho yết ma cuồng si rồi thì Tỳ-kheo này có mặt hay không có mặt, các Tỳ-kheo được tùy ý làm bố tát và tác pháp yết ma.

Lại hỏi: Có trường hợp Tăng sự chưa xong, Tỳ-kheo đứng dậy bỏ đi mà không phạm Ba-dật-đề không?

Đáp: Có, nếu bỏ đi đại tiểu tiện hoặc không rời chỗ nghe.

Lại hỏi: Như Phật đã dạy, Tỳ-kheo không hiện tiền thì không nên tác pháp yết ma, nếu tác pháp yết ma thì các Tỳ-kheo phạm tội. Có trường hợp Tỳ-kheo không hiện tiền tác pháp yết ma mà không phạm không?

Đáp: Có, nếu Ni tăng vì Tỳ-kheo không hiện tiền tác pháp yết ma không lễ bái, không cùng nói chuyện, không cúng dường.

Lại hỏi: Như Phật đã dạy, không tự thú thì không nên tác pháp yết ma, có trường hợp Tỳ-kheo không tự thú, tác pháp yết ma mà không phạm không?

Đáp: Có, nếu Tỳ-kheo không tự thú, Ni tăng sẽ tác pháp yết ma không lễ bái, không cùng nói chuyện, không cúng dường.

Lại hỏi: Người tác pháp ở dưới đất, các Tỳ-kheo ở trên cao; hoặc người tác pháp ở trên cao, các Tỳ-kheo ở dưới đất; hoặc người tác pháp ở trong giới, các Tỳ-kheo ở ngoài giới; hoặc người tác pháp ở ngoài giới, các Tỳ-kheo ở trong giới thì có được gọi là tác pháp yết ma không?

Đáp: Không được, nếu người tác pháp và các Tỳ-kheo đều ở trong giới, đứng hay ngồi đều được gọi là tác pháp yết ma.

Lại hỏi: Tỳ-kheo thọ pháp tác pháp cho Tỳ-kheo không thọ pháp, hoặc Tỳ-kheo không thọ pháp tác pháp cho Tỳ-kheo thọ pháp thì có được gọi là tác pháp yết ma không?

Đáp: Không được.

Lại hỏi: Tỳ-kheo thọ pháp lấy túc số Tỳ-kheo không thọ pháp, hoặc Tỳ-kheo không thọ pháp lấy túc số Tỳ-kheo thọ pháp để tác pháp yết ma thì có được gọi là tác pháp yết ma không?, đáp là không được.

Lại hỏi: Có trường hợp ở trong giới của bốn trú xứ cùng một lúc tác pháp yết ma mà không phạm không?

Đáp: Có, nếu ở bốn chỗ lần lượt gởi dục thì được.

Lại hỏi: Có trường hợp một Tỳ-kheo ở trong bốn trú xứ tác pháp yết ma mà không phạm không?

Đáp: Có, nếu để giường hoặc ván cây nối liền bốn giới lại.

Lại hỏi: Có trường hợp một Tỳ-kheo xếp trong Túc số ở trong bốn trú xứ tác pháp yết ma mà không phạm không?

Đáp: Có, nếu để giường hoặc ván cây nối liền bốn giới lại.

19. Hỏi Về Các Pháp Yết Ma Trị Phạt

Lại hỏi: Các Tỳ-kheo tác pháp yết ma tẫn một Tỳ-kheo, các Tỳkheo lại xả yết ma này, thì có được gọi là xả không?

Đáp: Được xả, nhưng các Tỳ-kheo phạm tội.

Lại hỏi: Các Tỳ-kheo ở dưới đất, Tỳ-kheo bị tẫn ở trên cao; hoặc các Tỳ-kheo ở trên cao, Tỳ-kheo bị tẫn ở dưới đất; hoặc các Tỳ-kheo ở trong giới, Tỳ-kheo bị tẫn ở ngoài giới; hoặc các Tỳ-kheo ở ngoài giới, Tỳ-kheo bị tẫn ở trong giới thì có được gọi là giải yết ma bị tẫn không?

Đáp: Không được, nếu các Tỳ-kheo và Tỳ-kheo bị tẫn đều ở trong giới, đứng hay ngồi đều được gọi là giải yết ma bị tẫn, nhưng các Tỳkheo phạm tội.

Lại hỏi: Nếu Tỳ-kheo ở trong trú xứ không có Tỳ-kheo phạm Tănggià-bà-thi-sa, không được phát lồ thì có gọi là che giấu tội không?

Đáp: Không gọi là che giấu.

Lại hỏi: Nếu Tỳ-kheo phạm Tăng-già-bà-thi-sa, trải qua một ngày không phát lồ với Tỳ-kheo cùng ở chung, xuất giới đi cho đến sáng hôm sau thì có phạm tội phú tàng không?

Đáp: Không gọi là che giấu.

Lại hỏi: Nếu Tỳ-kheo phạm Tăng-già-bà-thi-sa, không đến nói với Tỳ-kheo tặc trụ, Tỳ-kheo bị tẫn, người hành Biệt trú, người phạm Bất cọng trụ, người điên cuồng tâm loạn, tâm bịnh hoại thì có gọi là che giấu không?

Đáp: Không gọi là che giấu.

Lại hỏi: Nếu không đến nói với người cùng ở chung là người câm, người điếc, hoặc người câm điếc hoặc người biên địa thì có gọi là che giấu không?

Đáp: Không gọi là che giấu vì người câm không nói được, người điếc không nghe được, người câm điếc thì không hiểu được, người biên địa không hiểu ngôn ngữ trong nước.

Lại hỏi: Nếu Tỳ-kheo đến nói với Tỳ-kheo-ni, cho đến Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di thì có được gọi là phát lồ không?

Đáp: Không gọi là phát lồ.

Lại hỏi: Nếu Tỳ-kheo đến hỏi Tỳ-kheo khác: “Nếu làm tội như vậy như vậy thì phạm tội gì, trị như thế nào”, không tự nói tội đã làm thì có gọi là phát lồ không?

Đáp: Không gọi là phát lồ

Lại hỏi: Nếu Tỳ-kheo tùy che giấu tội, không hành biệt trụ, không hành Ma-na-đỏa; các Tỳ-kheo lại cho yết ma Xuất tội thì Tỳ-kheo này có được gọi là xuất tội hay không?

Đáp: Được gọi là xuất tội, nhưng các Tỳ-kheo phạm tội.

Lại hỏi: Nếu Tỳ-kheo tùy che giấu tội, hành biệt trụ, không hành Ma-na-đỏa; các Tỳ-kheo lại cho yết ma Xuất tội thì Tỳ-kheo này có được gọi là xuất tội hay không?

Đáp: Được gọi là xuất tội, nhưng các Tỳ-kheo phạm tội.

Lại hỏi: Nếu Tỳ-kheo tùy che giấu tội, hành biệt trụ, hành Ma-nađỏa; các Tỳ-kheo liền cho yết ma Xuất tội thì Tỳ-kheo này có được gọi là xuất tội hay không?

Đáp: Được gọi là xuất tội, các Tỳ-kheo không phạm.

Lại hỏi: Nếu Tỳ-kheo tùy che giấu tội, hành sáu đêm Ma-na-đỏa; các Tỳ-kheo lại cho yết ma Xuất tội thì Tỳ-kheo này có được gọi là xuất tội hay không?

Đáp: Được gọi là xuất tội, nhưng các Tỳ-kheo phạm tội.

Lại hỏi: Nếu Tỳ-kheo không che giấu tội, hành sáu đêm Ma-nađỏa; các Tỳ-kheo liền cho yết ma Xuất tội thì Tỳ-kheo này có được gọi là xuất tội hay không?

Đáp: Được gọi là xuất tội, các Tỳ-kheo không phạm.

Lại hỏi: Các Tỳ-kheo ở dưới đất, Tỳ-kheo phạm tội ở trên cao; hoặc các Tỳ-kheo ở trên cao, Tỳ-kheo phạm tội ở dưới đất; hoặc các Tỳ-kheo ở trong giới, Tỳ-kheo phạm tội ở ngoài giới; hoặc các Tỳ-kheo ở ngoài giới, Tỳ-kheo phạm tội ở trong giới thì có được gọi là xuất tội không?

Đáp: Không được, nếu các Tỳ-kheo và Tỳ-kheo phạm tội đều ở trong giới, đứng hay ngồi đều được gọi là xuất tội.