THẬP LUẬT TỤNG
Hán dịch: Hậu Tần Phất Nhược Đa La cộng La Thập dịch
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 39

TẠP TỤNG (Tiếp Theo)

2. Hai Mươi Pháp Tạp Kế (Tiếp Theo):

Phật tại nước Sô-ma, lúc đó Phật đang thuyết cho năm trăm Tỳ kheo về năm ấm, đó là sắc thọ tưởng hành thức. Trong lúc nghe pháp, các Tỳ kheo để bát ở ngoài đất trống, Thiên ma liền biến thành con bò lớn đi đến chỗ để bát, có Tỳ kheo trông thấy liền nói với các Tỳ kheo : “Hãy nhìn xem, có một con bò lớn đang đi đến chỗ để bát, ắt sẽ làm bể bát của chúng ta”, Phật bảo các Tỳ kheo : “Đó không phải là bò mà là thiên ma biến hóa ra muốn phá hoại tâm của các thầy. Từ nay nên làm chỗ để bát ở trong phòng”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có một số Tỳ kheo tháp tùng theo các thương nhơn du hành từ nước Kiều-tát-la đến nước Xá-vệ, khi đi ngang qua đường hiểm, trong số các xe chở dầu cùa các thương nhơn này có một xe bị hư, chân bò bị thương, chủ nhân của xe chở dầu này nói với các thương nhơn bạn rằng: “Tùy theo khả năng hãy chở giúp tôi ít nhiều số dầu này, đừng bỏ lại nơi đây”, các thương nhơn bạn nói: “Xe của chúng tôi đều đã chở đầy rồi, không thể chở giúp thêm”, nói rồi liền cùng nhau bỏ đi trước, người này ở lại với số dầu trên xe nên trong lòng ưu sầu. Lúc đó các Tỳ kheo này đi tới, họ đi sau đoàn vì hai lý do: Một là sợ bụi dơ, hai là sợ nghe tiếng xe; thương nhơn này thấy Tỳ kheo vui mừng nghĩ rằng: “Ta nên đem số dầu này cúng cho các Tỳ kheo”, nghĩ rồi liền nói: “Các vị hãy tập họp lại, tôi muốn cúng số dầu này”, các Tỳ kheo nhận dầu cùng chia nhau đựng đầy trong bát lớn, bát vừa, kiền tư… gánh mang đi. Khi đến chợ gặp lại các thương nhơn đã đi trước, họ thấy các Tỳ kheo gánh dầu đi đến liền nói rằng: “Các thầy mua dầu từ đâu mang đến đây, định bán ở đâu…”, các Tỳ kheo nghe rồi trong lòng không vui, đem việc này bạch Phật, Phật bảo: “Từ nay không được gánh dầu đi trên đường, nếu gánh đi thì phạm Đột-kiết-la”.

Sau khi Tự tứ, Phật du hành giáo hóa gặp một Tỳ kheo tay cầm giày da mà đi, liền hỏi nguyên do, đáp: “Thế tôn, giữa các ngón chân của con bị lở, không có vật đựng thuốc bôi”, Phật bảo: “Từ nay cho cất chứa túi đựng tô dầu, túi này đựng chừng một thăng hoặc nửa thăng; cho chứa thêm vật phủ túi”.

Phật cùng các Tỳ kheo du hành từ nước Ca-tỳ-la-vệ đến nước Xá-vệ, lúc đó có các Thiên thần đi theo sau các Tỳ kheo nghĩ rằng: “Nếu các Tỳ kheo có thuyết pháp, chúng ta được nghe sẽ được lợi ích lớn”. Không ngờ các Tỳ kheo trên đường đi chỉ toàn nói cười đùa giỡn, các Thiên thần nổi giận quở trách: “Tại sao các Tỳ kheo trên đường đi không thuyết pháp chú nguyện để cho các thiên thần được lợi hỉ”, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo: “Từ nay các Tỳ kheo trên đường đi nên thuyết pháp chú nguyện cho các Thiên thần được lợi hỉ”. Lúc đó các Tỳ kheo hoặc đứng ở trong vườn, hoặc đứng dưới gốc cây, hoặc bên bờ nước hoặc bên bờ suối, hoặc ở chỗ đông người, có các Thiên thần suy nghĩ: “Nếu các Tỳ kheo có thuyết pháp, chúng ta được nghe sẽ được lợi ích lớn”, nghĩ rồi liền bảo các Tỳ kheo nên thuyết pháp chú nguyện cho các Thiên thần được lợi hỉ, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo: “Từ nay các Tỳ kheo khi đứng trong vườn, hoặc dưới gốc cây hoặc bên bờ nước… nên thuyết pháp chú nguyện cho các Thiên thần được lợi hỉ”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó trời sụp tối, các Tỳ kheo đi đến chỗ có giặc cướp, thấy giặc cướp rồi sợ hãi nên làm mất y, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo :”từ nay các Tỳ kheo không nên đi đến chỗ có giặc cướp vào trời sắp tối. Nếu có việc phải đi nên lấy y chia ra để trên hai vai, dùng dây buộc chặt vào thắt lưng rồi đi nhanh qua đoạn đường hiểm có giặc”.

Phật tại nước A-la-tỳ, lúc đó ở nước này bị hạn hán không có nước, Phật bảo nên đào giếng. Lúc đó ở trong nước này có Tăng phường vừa mới xây xong, các Tỳ kheo quét đất không biết bỏ ở đâu, bạch Phật, Phật bảo: “Nên dùng sọt đựng rác”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có Tỳ kheo bị đau bụng, do thường đứng dậy đi đại tiện nên rất mõi mệt, Phật bảo nên khoét một lỗ trên giường, phía dưới đặt cái bô cho người bịnh đi tại chỗ.

Phật tại nước Xá-vệ, Trưởng lão Ưu-ba-ly hỏi Phật: “Thế tôn, như vua Phất-ca-la sa dòng Bà-la-môn đến Phật xin được ba cách kính lễ: Một là nếu Sa-môn Cù đàm thấy vua lúc ngồi trên voi, tay cầm dây cương, hoặc mang giày da, hoặc co chân lại, hoặc bỏ khăn bịt đầu, đó là cách vua kính lễ Sa-môn Cù đàm. hai là khi thấy vua đi trên đường hoặc đứng thẳng chân, hoặc bỏ mũ Thiên quan, hoặc bỏ dù lọng, đó là cách vua kính lễ Sa-môn Cù đàm . Ba là khi thấy vua ở trong đại chúng hoặc nói lớn tiếng hoặc cười vui vẻ, hoặc vén góc y, đó là cách vua kính lễ Sa-môn Cù đàm. Tỳ kheo có nên kính lễ theo ba cách này không?”, Phật nói: “Không được, miệng nói Hòa nam, thân cúi mình xuống là tâm tịnh. Này Ưu-ba-ly, Tỳ kheo kính lễ là phải từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch bày vai hữu, quỳ sát đất, hai tay chạm chân của bậc Thượng tòa”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó các Tỳ kheo ở trong Kỳ hoàn ngồi cạo tóc khắp nơi, Thần chấp Kim cang nổi giận quở trách, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo: “Từ nay không được ngồi cạo tóc khắp nơi, nên ở tại một chỗ”. Lúc đó ở một nơi cạo tóc, tóc tụ lại thành đống lớn, Phật bảo nên đem đổ bỏ, khi đem đổ bỏ các Tỳ kheo ói mữa, Phật bảo nên đào hầm đổ bỏ.

Phật tại nước Xá-vệ, có người cúng cho Tăng tràng hoa, các Tỳ kheo không thọ vì không biết dùng để làm gì, bạch Phật, Phật bảo nên thọ rồi treo trên vách, phòng được thơm, người cúng cũng được phước.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó tóc của các Tỳ kheo mọc ra dài, thợ cạo tóc bận việc, trong số Tỳ kheo có một vị trước kia là thợ cạo tóc nghĩ rằng: “Nếu Phật cho cất chứa dao cạo tóc, ta sẽ cạo tóc cho chúng tăng”, bạch Phật, Phật bảo: “Cho cất chứa dao cạo tóc để cạo tóc cho chúng Tăng”. Lúc đó móng tay của các Tỳ kheo ra dài, thợ cắt móng tay bận việc, trong số Tỳ kheo có một vị trước kia là thợ cắt móng tay nghĩ rằng: “Nếu Phật cho cất chứa dao cắt móng tay, ta sẽ cắt móng tay cho chúng tăng”, bạch Phật, Phật bảo: “Cho cất chứa dao cắt móng tay để cắt móng tay cho chúng Tăng”. Lúc đó lông mũi của các Tỳ kheo ra dài, thợ cạo tóc nhổ lông mũi bận việc, trong số Tỳ kheo có một vị trước kia là thợ cạo tóc nghĩ rằng: “Nếu Phật cho cất chứa nhíp nhổ lông mũi, ta sẽ nhổ lông mũi cho chúng tăng”, bạch Phật, Phật bảo: “Cho cất chứa nhíp nhổ lông mũi để nhổ lông mũi cho chúng Tăng”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có Tỳ kheo để giường dây trên chỗ đất trống, ngồi kiết già trên đó, trời nóng nên ngủ gật. Có một con rắn độc bò ngang trước giường thấy đầu Tỳ kheo gục gật cho là muốn hại nó nên phóng tới mổ vào trán Tỳ kheo, Tỳ kheo vẫn ngủ không tỉnh, con rắn mổ vào trán lần thứ hai, Tỳ kheo vẫn ngủ không tỉnh, mổ lần thứ ba thì Tỳ kheo chết. Các Tỳ kheo thọ thực xong kinh hành đến chỗ này thấy Tỳ kheo đã chết, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi bảo các Tỳ kheo : “Từ nay 2 dưới chân của giường dây nên cao bằng tám ngón tay của Phật”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Trưởng lão Tất-lân-già-bà ta đau mắt, khi vào nhà tắm tắm, mồ hôi chảy vào mắt càng nặng thêm, Phật bảo nên lấy bùn đắp lên trán, hơi bùn bay vào mắt lại càng nặng thêm, Phật bảo nên dùng hương thơm hòa với bùn đắp lên trán.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Trưởng lão Ưu-ba-ly hỏi Phật: “Như Phật đã bảo Mục-liên rằng: “Từ nay Tăng tự thuyết giới, ta không vào trong Tăng nữa, không biết vị nào nên thuyết giới?”, Phật bảo: “Thượng tòa nên thuyết giới, nếu Thượng tòa không thông lợi thì Thượng tòa thứ hai nên thuyết giới, theo thứ lớp từ bậc Thượng tòa như vậy, vị nào có thể thuyết giới được thì nên thuyết giới”. Lúc đó có người thuyết giới quên, khi quên thì im lặng, Phật bảo nên nhắc, các Tỳ kheo lại nhắc theo thứ tự, Phật bảo: “Không được nhắc theo thứ tự, chỉ nhắc chỗ nào quên mà thôi”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Trưởng lão Ưu-ba-ly hỏi Phật: “Thế tôn, Bà-la-môn A-kỳ-đạt bố thí tám loại nước uống cho Tăng, đó là nước Châu la, nước Mâu la, nước Câu-la, nước Lầu-già, nước Thuyết bàn-đề, nước Pha-lê-sa, nước Lê, nước Nho, ngày nay thọ ngày mai uống dùng có thể được không?”, Phật bảo: “Nếu nước không đục thì người bịnh được uống dùng, nếu nước đục thì không được uống dùng”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó trong Tăng phường lớn có khách Tỳ kheo vào đầu đêm, giữa đêm, cuối đêm mỗi mỗi thời đến, thấy Tỳ kheo Hạ tòa đã cởi y nằm nghỉ rồi liền kêu dậy, Hạ tòa nói: “Thượng tòa không biết giờ giấc”, các Tỳ kheo không biết làm sao, đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo : “Từ nay khi báo giờ, đánh kiền chùy đến lấy ngọa cụ rồi trải ngọa cụ, đốt đèn; khi sao xuất hiện đặt thiền trấn trên đầu thì từ lúc này trở đi không được kêu Hạ tòa dậy, nếu kêu dậy thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại nước A-la-tỳ, các Thượng tòa trong nước này đầu đêm ngồi thiền, giữa đêm trở về phòng, trên đường đi sợ gặp sư tử, cọp sói nên bạch Phật, Phật bảo nên làm vách ngăn hoặc hàng rào chung quanh. Lúc đó có phòng xá mới xây, trời nắng hạn không mưa lâu ngày, đột nhiên có mưa lớn, nước mưa thấm vào tường vách làm cho hư hoại, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo nên làm hào chung quanh.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Tỳ kheo ni tăng tóc ra dài mà thợ cạo tóc bận việc, trong số Tỳ kheo ni có một vị tên là Đề-xá trước kia là thợ cạo tóc nghĩ rằng: “Nếu Phật cho cất chứa dao cạo tóc, ta sẽ cạo tóc cho chúng tăng”, bạch Phật, Phật bảo: “Cho cất chứa dao cạo tóc để cạo tóc cho chúng Tăng”. Lúc đó Tỳ kheo ni tăng móng tay ra dài, thợ cắt móng tay bận việc, trong số Tỳ kheo ni có ni Đề-xá trướckia là thợ cạo tóc nghĩ rằng: “Nếu Phật cho cất chứa dao cắt móng tay, ta sẽ cắt móng tay cho chúng tăng”, bạch Phật, Phật bảo: “Cho cất chứa dao cắt móng tay để cắt móng tay cho chúng Tăng”. Lúc đó Tỳ kheo ni tăng lông mũi ra dài, thợ cạo tóc bận việc, trong số Tỳ kheo ni có ni Đề-xá trước kia là thợ cạo tóc nghĩ rằng: “Nếu Phật cho cất chứa nhíp nhổ lông mũi, ta sẽ nhổ lông mũi cho chúng tăng”, bạch Phật, Phật bảo: “Cho cất chứa nhíp nhổ lông mũi để nhổ lông mũi cho chúng Tăng”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Lục quần Tỳ kheo lấy Bối châu đính trên y đắp mặc, các cư sĩ quở trách: “Sa-môn Thích tử tự xưng là bậc hiền thiện có đức mà lại lấy Bối châu đính trên y đắp mặc, như vua đại thần”. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Lục quần Tỳ kheo : “Các thầy thật đã làm việc này phải không?”, đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại lấy Bối châuđính trên y đắp mặc. Tứ nay không được lấy Bối châu đính trên y đắp mặc, nếu làm như thế phạm Đột-kiết-la “.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Bà-la-môn A-kỳ-đạt đem y cúng cho Phật, Phật bảo nên chia cho Tăng. Khi chia cho Tăng, các Tỳ kheo không thọ, nói rằng: “Chúng tôi đã có đủ ba y”, Bà-la-môn bạch Phật, Phật đưa dao cho A-kỳ-đạt bảo dùng dao cắt rọc một trương điệp đưa cho mỗi người để làm viền y. Lúc đó Trưởng lão Bạt-đề mặc nạp y quá cũ rách, Phật hỏi: “Nạp y của thầy sao quá cũ rách như thế?”, đáp: “Thế tôn, đây là y phấn tảo nên dễ bị cũ rách”, Phật bảo: “Dù là y phấn tảo hay y do cư sĩ cúng, nếu khéo cắt rọc may thành rồi muốn cho ngay ngắn, chung quanh nên may thành viền y”.

Sau khi Tự tứ, Phật du hành giáo hóa gặp một Tỳ kheo tay cầm giày da mà đi, liền hỏi nguyên do, đáp: “Thế tôn, giày của con bị đứt, thợ sửa giày bận việc không sửa được”, Phật bảo: “Từ nay cho cất chứa dùi, dao, da; nếu người nào có thể khâu sửa được thì tùy ý khâu sửa lại”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Tỳ kheo ni tăng tụng giới không thông lợi, Tỳ kheo ni Cù-đàm-di đến chỗ Phật đảnh lễ rồi bạch Phật rằng: “Thế tôn, Tỳ kheo ni tăng tụng giới không thông lợi, xin Thế tôn chỉ dạy khiến cho được thông lợi”, Phật nói: “Không được, nhưng nếu có

Tỳ kheo ni nào vừa nghe ta nói có thể thọ trì thì hãy dẫn đến đây”. Cù-đàm-di trở về trú xứ nói lại cho các Tỳ kheo ni biết, lúc đó có Tỳ kheo ni tên là Tu-mục-khư, vốn là dòng Bà-la-môn xuất gia, có đại niệm lực liền nói với Cù-đàm-di: “Tôi có thể thọ trì”. Cù-đàm-di liền dẫn Tu-mục-khư đến chỗ Phật, không may lúc đó Phật sắp đi giáo hóa trong vòng hai tháng nên có trời, rồng, Dạ xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, nhơn và phi nhơn đều đến chỗ Phật, hai Tỳ kheo ni này đành phải trở về lại trú xứ, nói cho các Tỳ kheo ni biết phải đợi đến hai tháng sau. Khi Phật trở về lại nước Xá-vệ, Cù-đàm-di liền dẫn Tu-mục-khư đến chỗ Phật, đảnh lễ rồi bạch Phật là Tỳ kheo ni tên Tu-mục-khư này có thể thọ trì. Phật liền giảng nói, Tu-mục-khư vừa nghe liền thọ trì, Phật lại thuyết pháp chỉ dạy cho hai Tỳ kheo ni này được lợi hỉ rồi im lặng, hai Tỳ kheo ni đảnh lễ Phật hữu nhiễu rồi trở về trú xứ. hai Tỳ kheo ni ra về không lâu sau, Phật do việc này nhóm Tỳ kheo tăng bảo các Tỳ kheo rằng: “Từ nay Tỳ kheo nên tụng giới Tỳ kheo ni, không nên để quên, vì sao, vì người nữ trí Tuệ tán loạn hay quên, sau khi ta Bát Niết-bàn, Tỳ kheo ni nên theo Đại tăng hỏi giới pháp”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Trưởng lão A-nan đang thuyết pháp cho đại chúng, có một Thượng tòa đến sau bảo Tỳ kheo Hạ tòa đứng dậy nhường chỗ, vị Hạ tòa này đứng dậy lui xuống thì vị Hạ tòa thứ ba phải đứng dậy lui xuống, cứ như thế thứ lớp đứng dây lui xuống nhường chỗ khiến trong chúng tán loạn, trở ngại việc nghe pháp. Các trưởng giả trong hội nói: “Trong đây đâu phải là thọ thực, cần gì phải ngồi theo thứ lớp làm cho trở ngại việc nghe pháp”. Phật nghe thấy rồi, vì việc này nên nhóm Tỳ kheo tăng rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay khi nghe pháp Thượng tòa đến sau không được bảo Hạ tòa đứng dậy nhường chỗ, nếu bảo đứng dậy thì phạm Đột-kiết-la. Nếu là Hòa thượng, A-xà-lê đến vì cung kính nên bản thân tự đứng dậy nhường chỗ thì không được bảo người khác đứng dậy, nếu bảo người khác đứng dậy thì phạm Đột-kiếtla. Tứ nay ba-Tỳ kheo cách nhau ba tuổi hạ thì được cùng ngồi một giường lớn; hai người được cùng ngồi một giường dây; giường độc tọa thì chỉ được một người ngồi, không được hai người”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có trưởng giả thỉnh Phật và Tăng vào ngày mai thọ thực, Phật im lặng nhận lời, trưởng giả biết Phật đã nhận lời liền đảnh lễ Phật hữu nhiễu rồi ra về. Về đến nhà ngay trong đêm đó lo sửa soạn đủ các món ăn ngon, sáng sớm trải tòa rồi sai sứ đến bạch Phật: “Đã đến giờ thọ thực, xin Phật tự biết thời”. Lúc đó Lục quần Tỳ kheo trước đã cùng Thập thất quần Tỳ kheo tranh cải nhau nên khi Thập thất quần tới phiên giữ Tăng phường, Lục quần Tỳ kheo tới phiên đưa thức ăn tới thì Lục quần Tỳ kheo lại không đưa thức ăn tới đúng giờ khiến cho Thập thất quần bị đoạn thực ngày đó, như đã nói rõ trong nhân duyên leo lên cây.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có hai Tỳ kheo tên Chiên-đà và Tôđà làm bạn với nhau, cùng mặc thử y của người khác… như đã nói rõ trong Thiện tụng.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có người chăn heo làm mất heo, có người xấu bắt heo này đem đến bên bờ hào của tinh xá Kỳ hoàn giết rồi mang phần thịt đi, để lại phần ruột heo ở đó. Lúc đó các Tỳ kheo vào trước ngọ đắp y mang bát vào thành khất thực, thấy ruột heo này ở trên đất liền nói với nhau: “Thầy mang ruột heo này về nấu còn tôi vào thành khất thực”. Khi người mất heo vào thành kiếm heo, đến gần Kỳ hoàn thấy có khói bay lên nên đến hỏi Tỳ kheo làm gì, đáp là nấu ruột heo, người này nói: “Tôi bị mất heo, thầy nấu ruột heo như vậy là đã giết heo của tôi”, Tỳ kheo nói là không có giết heo, người này nói: “Không giết thì làm sao có ruột heo nấu”, đáp là lượm ở bên bờ hào, hai bên cùng nhau tranh cải và đưa đến chỗ quan xử đoán, quan hỏi Tỳ kheo : “Thầy thật có giết heo không?”, Tỳ kheo đáp: “Tôi thật không có giết, mà là lượm ở bên bờ hào của tinh xá Kỳ hoàn”. Quan xử đoán này tín kính Phật pháp nên tin lời Tỳ kheo, thả cho ra về và nói với Tỳ kheo rằng: “Từ nay không nên lượm lấy ruột heo ở chỗ đất trống nữa”. Tỳ kheo này trở về kể lại cho các Tỳ kheo khác nghe, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo: “Từ nay không được lượm lấy ruột heo nơi đất trống, nếu làm thế thì phạm Đột-kiết-la”. Trường hợp lượm lấy trái Cam-giá-đa-la trong vườn cũng như thế.

Lúc đó có người có bà con chết, dùng tấm bạch điệp liệm cho người chết rồi đem bỏ trong rừng thây chết, Trưởng lão A-nan trên đường đi thấy tấm bạch điệp này rồi muốn đến lấy, người chết bỗng động đậy nói rằng: “Xin đừng lấy tấm bạch điệp của tôi”, A-nan liền để lại rồi bỏ đi, về đến tinh xá kể lại việc trên cho các Tỳ kheo nghe. Có một Tỳ kheo tên là Hắc A-nan nghe rồi liền hỏi người chết hiện giờ ở đâu, đáp là ở tại ………., Tỳ kheo này liền đến đó lấy tấm bạch điệp của người chết, người chết động đậy nói: “Xin đừng lấy tấm bạch điệp của tôi”, Hắc A-nan liền nói: “Ngạ quỷ từ đâu đến mà tham muốn y này, đời trước ngươi keo kiệt nên mới đọa làm ngạ quỷ”, nói rồi liền lấy tấm bạch điệp đi, ngạ quỷ theo sau đòi, Hắc A-nan về đến tinh xá, thiện thần giữ cửa không cho ngạ quỷ vào, xô xuống hào trước tinh xá. Hắc A-nan cầm bạch điệp khoe và kể lại việc trên cho các Tỳ kheo nghe, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo : “Từ nay thi thể của người chết chưa hoại thì không được lấy vật của họ, nếu lấy thì phạm Thâu-lan-giá”. Phật bảo Hắc A-Nan đem thi thể của người chết trở về chỗ cũ và trả lại tấm bạch điệp cho người chết. Hắc A-nan phải đi sau, không được đi phía trước; nên đứng bên trái, không được đứng bên phải; nên đứng gần đầu, không được đứng gần chân và chớ để cho ngạ quỷ này đánh. Lúc đó Lục quần Tỳ kheo nghe Phật chế điều này liền dùng kim châm chích vào người chết khiến cho hư hoại để lấy y vật. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc nghe biết việc này, tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật bảo: “Từ nay không được lấy kim châm chích khiến cho thi thể người chết hư hoại, nếu làm như thế thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có người thí cho Tỳ kheo ni tăng một thùng gỗ, các Tỳ kheo ni không thọ vì không biết dùng để làm gì, bạch Phật, Phật bảo nên thọ, dùng để đựng tháo đậu (nước tro, xà bông). Lúc đó có một ni tên là Châu-na-nan-đề diện mạo đoan chánh, cô dùng dây thô buộc thắt lưng để cho eo nhỏ và mặc Nê-hoàn tăng xếp ở hai bên để cho mông to. Có một thương nhơn nhìn thấy liền nói với các bạn: “Hãy nhìn xem, cô ni này mông to”, ni này nghe rồi tâm không vui, bạch Phật, Phật nói: “Từ nay Tỳ kheo ni không được mặc Nê-hoàn tăng xếp ở hai bên nữa, nếu làm thế thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có một Tỳ kheo không mặc áo trong, khi đứng dựa vào bức vách mới vẽ, khiến cho hình vẽ tróc ra, bạch Phật, Phật bảo: “Từ nay Tỳ kheo không được không mặc áo trong mà đứng dựa bức vách mới vẽ, nếu làm thế thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó các Tỳ kheo đốt lửa khắp nơi trong Kỳ hoàn giống như lò rèn, thần chấp Kim cang nổi giận quở trách: “Tại sao Tỳ kheo lại làm dơ đất nơi này”, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo : “Từ nay không được đốt lửa khắp nơi, nếu làm thế thì phạm Đột-kiết-la, chỉ nên đốt một chỗ mà thôi”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó các Tỳ kheo ở trong Kỳ hoàn tắm rửa ở khắp nơi, dùng tháo đậu, tro đất nhiều khiến đất ẩm ướt sanh trùng, thần chấp Kim cang nổi giận quở trách: “Tại sao Tỳ kheo lại làm dơ đất nơi này”, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo : “Từ nay không được tắm rửa khắp nơi, nếu làm thế thì phạm Đột-kiếtla, chỉ nên tắm rửa một chỗ mà thôi”.

Phật tại nước Thích ca, lúc đó Thích Ma-ha-nam thỉnh Phật và Tăng vào ngày mai thọ thực, Phật im lặng nhận lời, biết Phật đã nhận lời, ông liền đảnh lễ Phật hữu nhiễu rồi ra về. Về đến nhà ngay trong đêm đó lo sửa soạn đủ các món ăn ngon, sáng sớm trải tòa rồi sai sứ đến bạch Phật: “Đã đến giờ thọ thực, xin Phật tự biết thời”. Phật và Tăng đến nhà Thích Ma-ha-nam, thấy Phật và Tăng theo thứ lớp ngồi xong, ông liền tự tay dâng thức ăn và thịt lên cúng dường. Lúc đó Lục quần Tỳ kheo ăn xong liền nhặt lấy xương để đầy trong bát muốn lát nữa mang về cho chó ăn. Thích Ma-ha-nam đi quanh xem chúng Tăng ăn thiếu đủ như thế nào, liền nhìn thấy trong bát của Lục quần Tỳ kheo đựng đầy xương, thấy rồi liền quở trách: “Các Đại-đức, bát này là tiêu xí của hằng sa chư Phật, tại sao các thầy lại khinh tiện bát này, các vị khinh tiện bát này tôi cũng không buồn, chỉ sợ là lần sau các thầy lại mang bát bất tịnh này đến nhà tôi thọ thỉnh thực”. Phật nghe thấy việc này rồi liền quở trách Lục quần Tỳ kheo : “Tại sao lại đựng đầy vật bất tịnh trong bát, từ nay nếu đựng vật bất tịnh trong bát thì phạm Độtkiết-la”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Lục quần Tỳ kheo dùng chân nâng bát thọ thức ăn, Phật bảo: “Không được dùng chân nâng bát thọ thức ăn, nếu làm thế thì phạm Đột-kiết-la”. Lục quần Tỳ kheo lại dùng đầu mũi giày nâng bát thọ thức ăn, Phật bảo: “Không được dùng đầu mũi giày nâng bát thọ thức ăn, nếu làm thế thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Lục quần Tỳ kheo cho người không bát thọ giới cụ túc, trước đó Lục quần Tỳ kheo cùng Thập thất quần Tỳ kheo đã tranh cải nhau, Lục quần Tỳ kheo tới phiên giữ Tăng phường, còn Thập thất quần Tỳ kheo tới phiên đưa thức ăn tới nên đến chỗ họ đòi lấy bát, Tỳ kheo không bát này liền hỏi: “Lấy bát để làm gì ?”, đáp là để lấy thức ăn của thí chủ cúng đưa đến, Tỳ kheo này đáp là không có bát, liền hỏi: “Thầy không có bát mà được xuất gia sao ?”, đáp là đúng vậy, Thập thất quần Tỳ kheo nói: “Thầy quả là người đại trí đức, không có bát mà được xuất gia”, Tỳ kheo này nghe rồi trong lòng không vui, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo : “Từ nay người không có bát không được cho xuất gia thọ giới cụ túc, nếu cho thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Thích tử Bạt-nan-đà độ một chúa giặc xuất gia làm Tỳ kheo, khi vị này vào thành khất thực, đi đến nhà nào, chủ nhà trông thấy đều cất giấu y vật và nói rằng: “Người này giả bộ khất thực, nhìn thấy y vật của ta nhất định sẽ lấy cắp”, Tỳ kheo này nghe rồi trong lòng không vui, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm Tỳ kheo tăng rồi hỏi Bạt-nan-đà: “Thầy thật đã làm việc này phải không ?”, đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại độ cho chúa giặc xuất gia”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo : “Từ nay không được độ cho chúa giặc xuất gia, nếu độ thì phạm Đột-kiết-la. Nếu có nhân duyên muốn độ thì khi độ rồi, bảo họ đi khỏi bổn xứ đến chỗ cách xa năm, sáu do tuần. Thời gian sau nếu thấy hiền thiện có đức thì cho dẫn về lại”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó thời thế mất mùa đói kém thiếu thức ăn, có một Tỳ kheo chưa đủ năm tuổi hạ cần phải thọ y chỉ nên đến nhà người thân ở bốn, năm ngày liền từ giã, người thân hỏi vì sao muốn đi, đáp là vì phải thọ y chỉ, người thân nói: “Lúc này thời thế mất mùa đói kém, nếu đi có thể sẽ chết đói, thọ y chỉ có ích lợi gì”. Tỳ kheo này không biết làm sao, đem việc này bạch Phật, Phật bảo: “Từ nay gặp lúc thời thế mất mùa đói kém, nếu có thể ở chỗ ngày ngày đến gặp Hòa thượng được thì nên đến hằng ngày; nếu hằng ngày không thể đến được thì nên năm ngày đến một lần; nếu năm ngày không thể đến được thì khi bố tát nên đến; nếu bố tát không đến được thì khi Tự tứ nên đến gặp Hòa thượng”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có một tụ lạc ở biên cương nước Kiềutát-la, do vua Ba-tư-nặc thâu thuế nên dân trong tụ lạc này đều bỏ đi hết; nơi đó có một trú xứ Tỳ kheo, do không được y thực nên cũng bỏ đi. Thời gian sau, vua miễn thu thuế nên dân chúng lần lượt trở về chốn cũ, còn các Tỳ kheo vẫn chưa trở về. Lúc đó có các ngoại đạo từ nước Kiều-tát-la đi đến nước Xá-vệ, ngang qua trú xứ này, thấy Tăng phường trang nghiêm thanh tịnh, lại có đủ các vật cần dùng như nồi chảo, ngọa cụ, mền nệm… liền nói với các cư sĩ: “Tăng phường này trống không, nếu cho chúng tôi ở thì rất tốt”, liền đáp là cứ tùy ý ở nên các ngoại đạo liền ở lại. Thời gian sau có các Tỳ kheo từ nước Kiều-tát-la đi đến nước Xá-vệ, cũng ngang qua trú xứ này thấy Tăng phường trang nghiêm thanh tịnh lại có đủ các vật cần dùng của Tỳ kheo, liền nói với nhau: “Nơi đây chắc chắn là trú xứ của-Tỳ kheo đã ở trước kia”, nói rồi liền vào trong Tăng phường đuổi các ngoại đạo đi ra, ngoại đạo nói: “Vì sao phải đi?”, đáp: “Chỗ này trước kia là trú xứ của-Tỳ kheo”, ngoại đạo nói: “Đại-đức, chúng tôi ở đây không phải thọ từ các vị, các vị cũng không có đặt để chúng tôi đến ở đây, chúng tôi đã xin từ các cư sĩ để được ở, nếu các cư sĩ đuổi thì chúng tôi sẽ đi”. Các Tỳ kheo liền đến nói với các cư sĩ: “Chỗ này vốn là trú xứ của Tỳ kheo chúng tôi, nên trả lại cho chúng tôi”, các cư sĩ hỏi các Tỳ kheo : “Các thầy bỏ Tăng phường này đi đã bao nhiêu năm rồi?”, đáp là mười năm, lại hỏi các ngoại đạo: “Các vị đến đây ở đã bao nhiêu năm rồi?”, đáp là mười năm, các cư sĩ nói: “Như vậy thì không thể đuổi đi được, vì sao, vì các Tỳ kheo đã bỏ đi mười năm, còn các ngoại đạo đến ở đã mười năm thì không thể đuổi họ đi được”. Các Tỳ kheo im lặng, sau đó đem việc này bạch vua, vua liền nói: “Ai nói đã bỏ mười năm thì phải đi, còn đến ở mười năm thì không được đuổi”, nói rồi vua liền sai người đến đánh đuổi các ngoại đạo đi, các Tỳ kheo không biết làm sao, đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo: “Từ nay hai chùa ở gần nhau thì nên cùng làm yết ma một chỗ thọ thí nhưng bố tát hai nơi”. Tác pháp yết ma như sau: Tăng nhất tâm hòa hợp, một Tỳ kheo trong Tăng xướng rằng:

Đại-đức tăng lắng nghe, trú xứ này ……….. và trú xứ kia ……….. nay cùng yết ma một chỗ thọ thí nhưng bố tát hai nơi. Nếu tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, trú xứ này ……….. và trú xứ kia ……….. nay cùng yết ma một chỗ thọ thí nhưng bố tát hai nơi. Bạch như vậy.

Như thế Bạch-nhị-yết-ma cho đến câu Tăng đã chấp thuận trú xứ này ……….. và trú xứ kia ……….. cùng yết ma một chỗ thọ thí nhưng bố tát hai nơi xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Phật bảo: “Trong hai trú xứ này nếu có một trú xứ bỏ không thì những vật dụng đã có như y vật, ngọa cụ… Tăng nên gom về một chỗ, thời gian sau nếu có Tỳ kheo đến ở thì nên đưa trả lại”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Lục quần Tỳ kheo đội vật trên đầu hay vác trên lưng, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo: “Từ nay không được đội vật trên đầu hoặc vác trên lưng, nếu làm thế thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Thích tử Bạt-nan-đà độ tướng quân của vua xuất gia, khi ở biên cương có phản loạn, vua cho vời tướng quân đến, có người đáp là đã xuất gia, vua hỏi là xuất gia trong giáo phái nào, đáp là Sa-môn Thích tử, vua tức giận nói: “Chắc các Tỳ kheo này sẽ độ hết tướng quân của ta”. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Tỳ kheo Bạt-nan-đà: “Thầy thật đã làm việc này phải không?”, đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại độ tướng quân của vua”, quở trách rồi bảo: “Từ nay không được độ tướng quân của vua, nếu độ thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Thích tử Bạt-nan-đà tranh cải với một thương nhơn, người này tức giận dùng tay đánh Bạt-nan-đà, Bạt-nan-đà liền đến quan xử đoán kiện thương nhơn đã đánh mình, quan xử đoán gọi thương nhơn đến hỏi là có đánh Tỳ kheo không, đáp là có đánh, quan xử đoán liền hỏi quan pháp chế: “Người đánh Tỳ kheo phạm tội gì?”, đáp: “Pháp quy định nếu dùng chi phần nào đánh thì chặt bỏ chi phần đó”, quan xử đoán hỏi thương nhơn là dùng chi phần nào đánh, đáp là dùng tay phải, quan xử đoán liền chặt bỏ tay phải của thương nhơn. Lúc đó dân chúng trong thành đều nghe biết việc Sa-môn Thích tử thưa kiện khiến thương nhơn bị chặt tay, tiếng xấu lan ra khắp thành Xá-vệ. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Tỳ kheo Bạt-nan-đà: “Thầy thật đã làm việc này phải không?”, đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại đi kiện thưa khiến người khác bị chặt tay”, quở trách rồi bảo: “Từ nay không được kiện cáo khiến người khác bị chặt tay, nếu làm thế thì phạm Thâu-lan-giá”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có một ngoại đạo do lòng tin ưa nên muốn xuất gia trong Phật pháp, liền đến hỏi các Tỳ kheo: “Tôi muốn xuất gia, xin hỏi trong pháp xuất gia có việc khó gì không?”, Tỳ kheo nói: “Có pháp Tứ y: Một là nương theo pháp mặc y phấn tảo mà được xuất gia thọ giới cụ túc”, ngoại đạo liền nói: “Tôi không thể mặc y phấn tảo, y dơ của người chết”, Tỳ kheo lại nói: “Hai là nương theo pháp khất thực mà được xuất gia thọ giới cụ túc”, ngoại đạo nói: “Tôi có thể nương theo pháp khất thực này”, Tỳ kheo lại nói: “Ba là nương theo pháp ngồi dưới gốc cây mà được xuất gia thọ giới cụ túc”, ngoại đạo nói: “Tôi có thể nương theo pháp ngồi duới gốc cây này”, Tỳ kheo lại nói: “Bốn là nương theo pháp thọ thuốc cũ bỏ mà được xuất gia thọ giới cụ túc”, ngoại đạo nói: “Tôi không thể dùng loại thuốc cũ bỏ này”. Sau khi nghe nói xong pháp Tứ y, ngoại đạo này không chịu xuất gia, các Tỳ kheo không biết làm sao, đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo: “Từ nay không nên nói pháp Tứ y trước, nên cho thọ giới cụ túc trước, nói pháp Tứ y sau”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có Tỳ kheo mất y bát, một Tỳ kheo quen biết thấy y bát này ở một chỗ khác liền nắm lấy người cầm y hỏi rằng: “Y bát này là của-Tỳ kheo tên ……….., vì sao lại ở trong tay thầy?”, đáp: “Tôi mua được”, liền hỏi: “Thầy mua vào lúc nào, có ai thấy hay không?”, Tỳ kheo này không biết làm sao, liền đem việc này bạch Phật, Phật bảo: “Nếu là mua được thì người này không phải là giặc, nếu trộm lấy được mới gọi là giặc. Y này đã mua với giá bao nhiêu, nếu thật là đã mua thì nên theo giá đã mua trả tiền lại cho người đã mua”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó các Tỳ kheo du hành trong vòng hai tháng, một Tỳ kheo quen biết với Lục quần Tỳ kheo liền đem y gởi cho Lục quần Tỳ kheo để đi du hành… như trước đã nói rõ.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó có năm Tỳ kheo đến hỏi Phật là nên dùng vật gì để nhuộm y, Phật bảo: “Nên dùng rễ củ, thân cành, lá, hoa, quả và phân bò đực mới sanh để nhuộm y”.

Phật tại nước A-la-tỳ, có Tăng già lam mới làm, các Tỳ kheo không có chỗ kinh hành bèn bạch Phật, Phật bảo nên làm chỗ kinh hành; chỗ đó khí trời nóng bức nên khi đi kinh hành mồ hôi chảy, Phật bảo nên trồng cây ở chỗ kinh hành.

3. Hai Mươi Pháp Tạp Cuối:

Khi Phật mới vừa thành đạo quả A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồđề, có một thương nhơn cúng cho Phật tô sữa và lúa mạch. Phật dùng xong liền bị bịnh phong. Thích đề hoàn nhơn thấy rồi liền đến rừng cây Ha-lê-lặc cách cây Diêm phù không xa để hái trái Ha-lê-lặc chín vàng đem về rồi bạch Phật: “Thế tôn, con đến rừng cây Ha-lê-lặc cách cây Diêm phù không xa để hái trái Ha-lê-lặc này đem về cho Phật thọ dùng sẽ hết bịnh phong, có thể đi lại tới lui như thường”, Phật im lặng thọ nhận, Thích đề hoàn nhơn biết Phật đã thọ nhận liền đảnh lễ hữu nhiễu rồi đi. Thích đề hoàn nhơn đi không lâu sau, Phật ăn xong trái Ha-lê-lặc thì bịnh được lành, Phật rãi hạt trên đất, thời gian sau mọc lên thành cây Ha-lê-lặc và cho ra trái, trái chín vàng rơi xuống khắp trên đất, Phật hỏi A-nan: “Các Tỳ kheo vì sao không ăn trái Ha-lê-lặc này?”, đáp: “Thế tôn, Phật đã chế không được ăn thức ăn thọ cách đêm”, Phật bảo A-nan: “Trước kia khi thọ trái Ha-lê-lặc, ta đã diệt điều này, nay các Tỳ kheo ăn không tội”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó các Tỳ kheo không có vật dụng đựng y, Phật bảo nên làm cái rương đựng. Nơi này khí trời nóng ẩm nên trong rương sanh trùng, Phật bảo: “Nên dùng Thanh mộc hương và rễ cỏ Na-tỳ-la bỏ vào trong rương đựng y, do mùi hương này trùng sẽ không sanh”.

Phật tại nước Xá-vệ, cư sĩ Cấp-cô-độc cúng mền cho Tăng, các Tỳ kheo không thọ, nói rằng: “Phật chưa cho chọ mền”, bạch Phật, Phật bảo nên thọ, Tăng được thọ, một người cũng được thọ.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Lục quần Tỳ kheo mặc y Lưu lũ đầu, y kết lũ đầu, y giao kết lũ đầu, y loát lũ đầu, không có tác tịnh y, các Tỳ kheo bạch Phật, Phật bảo: “Không được mặc y Lưu lũ đầu, y kết lũ đầu, y giao kết lũ đầu, y loát lũ đầu, nếu mặc thì phạm Đột-kiết-la; nếu không tác tịnh y thì phạm Ba-dật-đề”. Lúc đó các Tỳ kheo không mặc y Lưu lũ đầu, y kết lũ đầu, y giao kết lũ đầu, y loát lũ đầu của Tăng và của cư sĩ, không tác tịnh y, Phật bảo: “Nếu Tăng và cư sĩ có y Lưu lũ đầu, y kết lũ đầu, y giao kết lũ đầu, y loát lũ đầu, không tác tịnh y vẫn được mặc”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có một A-la-hán nhập niết bàn, các Tỳ kheo suy nghĩ: “Như Phật dã dạy trong thân có tám vạn vi trùng, nếu thiêu thân vị này thì sẽ giết chết các vi trùng kia”, các Tỳ kheo không biết làm sao nên bạch Phật, Phật bảo: “Khi người chết thì vi trùng trong thân cũng chết theo”. Lúc đó các Tỳ kheo suy nghĩ: “Nếu Phật cho chúng ta thiêu vị A-la-hán này thì tốt”, bạch Phật, Phật cho thiêu; lại nghĩ: “Nếu Phật cho chúng ta xây tháp cho vị A-la-hán này thì tốt”, bạch Phật, Phật cho xây; lại nghĩ: “Nếu Phật cho chúng ta cúng dường tháp A-la-hán thì tốt”, bạch Phật, Phật cho cúng dường.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Trưởng lão Ca-chiên-diên có một đệ tử là thương nhơn, vị này từ biển về đem bối ngọc đeo trong người cúng cho Trưởng lão, Trưởng lão không thọ nói rằng: “Phật chưa cho thọ bối ngọc đeo trong người”, bạch Phật, Phật cho thọ.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có Tỳ kheo bịnh nói với Tỳ kheo khán bịnh rằng: “Nếu thầy thương yêu chăm sóc tôi, khi tôi qua đời, tất cả y vật đã có đều cho thầy hết”. Khi Tỳ kheo bịnh này qua đời, vị Tri sự đánh kiền chùy tập họp Tăng rồi bảo Tỳ kheo khán bịnh: “Hãy đem y vật của-Tỳ kheo đã chết ra đây, hiện tiền Tăng nên chia”, Tỳ kheo khán bịnh nói: “Đó không phải là vật của Tăng, vì sao, vì Tỳ kheo bịnh đã nói với tôi rằng: “Nếu thầy thương yêu chăm sóc tôi, khi tôi qua đời tất cả y vật đã có đều cho thầy hết”, “cho nên tất cả y vật đó đều không phải của Tăng”. Các Tỳ kheo không biết làm sao liền đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo : “Không được như lời người bịnh đã nói mà đem y vật của người đã chết cho thầy, phải như pháp chia cho hiện tiền tăng”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có một Tỳ kheo tịnh thí cho một Tỳ kheo khác xong thì qua đời. Vị tri sự đánh kiền chùy tập Tăng để chia y vật của-Tỳ kheo đã chết, Tỳ kheo thọ tịnh thí nói: “Đây không phải là vật của Tăng, vì sao, vì trước khi qua đời, Tỳ kheo này đã tịnh thí cho tôi”, các Tỳ kheo không biết làm sao, đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo : “Đây là vì tịnh nên thí, y vật của-Tỳ kheo qua đời, Hiện tiền tăng nên chia”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có Tỳ kheo tịnh thí vật cho một Tỳ kheo khác, Tỳ kheo thọ tịnh thí qua đời, Tỳ kheo tịnh thí mang y vật đến trong Tăng nói rằng: “Tôi trước đã tịnh thí y vật này, nay Tỳ kheo thọ tịnh thí đã chết, y vật này là của Tăng”, các Tỳ kheo không biết làm sao, đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo : “Nếu người thọ tịnh thí chết thì nên tịnh thí lại cho người khác”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có một Tỳ kheo tịnh thí cho một Tỳ kheo khác, Tỳ kheo thọ tịnh thí này sau đó phản giới hoàn tục, các Tỳ kheo không biết làm sao, đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo : “Nếu người thọ tịnh thí phản giới hoàn tục thì nên tịnh thí lại cho người khác”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có Tỳ kheo tịnh thí cho đệ tử cọng hành, người đệ tử này làm việc không như pháp bị thầy quở trách, không cho ở chung liền đến ở chung với Lục quần Tỳ kheo. Tuy đệ tử này trước có ý muốn sám hối thầy, nhưng vì ở chung với Lục quần Tỳ kheo nên sau đó không có ý muốn sám hối thầy nữa. Vị thầy hỏi đệ tử vì sao không đến sám hối, đáp là không muốn, thầy nói: “Trước kia ta có tịnh thí y cho ngươi”, đệ tử nói: “Tôi sẽ thí cho Phật”, các Tỳ kheo không biết làm sao, đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo: “Nếu tịnh thí cho đệ tử, đệ tử bị quở trách không cho ở chung nữa thì nên tịnh thí lại cho người khác”.

Phật tại nước A-la-tỳ, nơi đây khí trời nóng ẩm nên các Tỳ kheo lấy y làm màn che ở, không biết có phạm cất chứa y dư quá mười ngày hay không, liền bạch Phật, Phật bảo: “Lấy y làm màn che ở thì không phạm”.

Phật tại nước A-la-tỳ, lúc đó nước trong giếng sanh trùng, bạch Phật, Phật bảo: “Nên lượt, lượt nước xong thì thả trùng lại trong giếng”, trùng trong giếng càng ngày càng nhiều thêm, Phật bảo nên lấy nước đểo đầy một chậu, lượt lấy nước rồi mang trùng thả vào dòng nước khác.

Lúc đó Trưởng lão Ưu-ba-ly hỏi Phật: “Thế tôn, có Tỳ kheo ở trong Tăng, khi Tăng thọ y công đức mà không gọi là được thọ hay không?”, Phật nói: “Có, nếu Tỳ kheo an cư chỗ khác mà ở trong trú xứ này thọ y công đức thì không gọi là được thọ”. Lại hỏi: “Có Tỳ kheo không thọ y công đức mà gọi là được thọ hay không?”, Phật nói: “Có, nếu Tỳ kheo an cư ở trú xứ này, tự tứ xong xuất giới đi, sau đó trở về nghe Tăng đã thọ y công đức, nghe rồi tùy hỉ thì gọi là được thọ”. Lại hỏi: “Có Tỳ kheo khi Tăng xả y công đức mà không gọi là được xả hay không?”, Phật nói: “Có, nếu Tỳ kheo thọ y công đức ở chỗ khác, đến trong Tăng này đang xả y công đức, tuy ở trong Tăng nhưng không gọi là được xả”. Lại hỏi: “Có Tỳ kheo không ở trong Tăng, khi Tăng xả y công đức mà gọi là được xả hay không?”, Phật nói: “Có, nếu Tỳ kheo này thọ y công đức rồi xuất giới đi, khi nghe tin Tăng đã xả y công đức, nghe rồi tùy hỉ thì gọi là được xả”.

Phật tại nước Xá-vệ, tại một trú xứ ở nước Kiều-tát-la có người thí vật cho Tăng, vị tri sư đánh kiền chùy tập Tăng để chia vật, hòa hợp xhi xong rồi đứng dậy thì có Lục quần Tỳ kheo từ ngoài giới đến đòi cùng được chia, các Tỳ kheo không biết làm sao, đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo : “Nếu đã đánh kiền chùy tập Tăng, hòa hợp chia vật xong rồi đứng dậy thì có Tỳ kheo ngoài giới đến, các Tỳ kheo muốn cho thì cho không được cưỡng đòi chia”.

Phật tại nước Xá-vệ, tại một trú xứ ở nước Kiều-tát-la có người thí y cho Tăng, lúc đó Lục quần Tỳ kheo đến trong Tăng phường nói với nhau: “Các Tỳ kheo trong đây sắp chia y, chúng ta đứng ở chỗ khuất đợi khi họ chia xong, chúng ta sẽ ra đòi cùng chia”, bàn xong liền đứng núp vào chỗ khuất. Lúc đó các Tỳ kheo đánh kiền chùy tập Tăng rồi bảo gọi Lục quần Tỳ kheo đến, nhưng tìm khắp nơi không thấy, cho là đã ra ngoài giới nên cùng nhau hòa hợp chia y rồi đứng dậy. Lục quần Tỳ kheo bước ra đòi cùng chia, các Tỳ kheo không biết làm sao, đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo: “Khi đánh kiền chùy tập Tăng, hòa hợp chia y xong rồi đứng dậy, nếu có Tỳ kheo ở trong nội giới đến, các Tỳ kheo muốn cho thì cho, không được cường đòi chia”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có Tỳ kheo có y quý giá đốt lửa giặt y và y Thâm-ma-căn đem trải trên giường ngồi khiến nó muốn hư hoại, bạch Phật, Phật bảo: “Muốn trải ngồi thì trải, muốn mặc thì mặc, tùy nghi mà dùng”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó các Tỳ kheo vì bố tát nên đánh kiền chùy, người thuyết giới nói: “Có ai không đến được gởi dục thì nên nói”, có một Tỳ kheo bước ra nói: “Tỳ kheo tên ……….. gởi dục thanh tịnh”, người thuyết giới hỏi: “Vị đó hiện giờ ở đâu”, đáp là đã ra ngoài giới, các Tỳ kheo không biết làm sao, đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo : “Từ nay người gởi dục không được ra ngoài giới, nếu ra ngoài giới thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó các Tỳ kheo vì bố tát nên đánh kiền chùy, người thuyết giới nói: “Có ai không đến được gởi dục thì nên nói”, có một Tỳ kheo bước ra nói: “Tỳ kheo tên ……….. gởi dục thanh tịnh”, người thuyết giới hỏi: “Vị đó hiện giờ ở đâu”, đáp là đã ra ngoài giới, các Tỳ kheo không biết làm sao, đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo : “Từ nay không được thọ dục của người ra ngoài giới, nếu thọ dục của người ra ngoài giới thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại nước Xá-vệ, các Tỳ kheo vì bố tát nên đánh kiền chùy, vị thuyết giới hỏi: “Vị nào thọ giáo giới Tỳ kheo ni?”, đáp là Tỳ kheo Calưu-đà-di, lại hỏi hiện đang ở đâu, đáp là đã ra ngoài giới, các Tỳ kheo không biết làm sao, đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo: “Từ nay người thọ giáo giới Tỳ kheo ni không được ra ngoài giới, nếu ra ngoài giới thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Lục quần Tỳ kheo lần lượt gởi thanh tịnh, gời dục, gời Tự tứ và gởi trừ tội; các Tỳ kheo không biết làm sao, đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo : “Từ nay không được lần lượt gởi thanh tịnh, gởi dục, gởi Tự tứ, gởi trừ tội; nếu gời như thế thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại nước Xá-vệ, ở nước Kiều-tát-la cách Tăng phường không xa có một A-lan-nhã, vào ngày bố tát trời mưa lớn, các Tỳ kheo trong Tăng phường nghĩ là các Tỳ kheo A-lan-nhã sẽ đến cùng bố tát; các Tỳ kheo A-lan-nhã cũng nghĩ là các Tỳ kheo trong Tăng phường sẽ đến cùng bố tát; rốt cuộc vì trời mưa lớn cả hai bên đều không ai đến ai nên không làm bố tát được, các Tỳ kheo không biết làm sao, đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo : “Nên làm yết ma bố tát một nơi”. Tác pháp yết ma như sau: Tăng nhất tâm hòa hợp, một Tỳ kheo trong Tăng xướng rằng:

Đại-đức tăng lắng nghe, giảng đường tại trú xứ này lấy làm nơi bố tát. Nếu tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, Tăng nay lấy giảng đường tại trú xứ này làm nơi bố tát. Bạch như vậy.

Như thế Bạch-nhị-yết-ma cho đến câu Tăng nay đã chấp thuận lấy giảng đường tại trú xứ này làm nơi bố tát xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó phu nhân Mạt-lợi đến trong Kỳ hoàn muốn nghe pháp và hỏi các Tỳ kheo : “Trong đây có bao nhiêu Tỳ kheo?”, đáp là không biết, liền bạch Phật, Phật bảo nên đếm số, các Tỳ kheo gọi tên đếm, lại lẫn lộn không thể đếm biết được, bạch Phật, Phật bảo nên hành trù (phát thẻ đếm). Lại hỏi có bao nhiêu Sa di, các Tỳ kheo cũng không biết, bạch Phật, Phật bảo: “Sa di cũng nên hành trù”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó vào ngày Tăng bố tát, phu nhân Mạtlợicúng tiền cho Tăng, các Tỳ kheo không thọ, nói là Phật chưa cho thọ, đem việc này bạch Phật, Phật bảo nên thọ. Lúc đó còn hai, ba ngày nữa mới đến ngày bố tát, các Tỳ kheo lại bố tát trước nên đến ngày bố tát các Tỳ kheo nơi khác đến không được cùng bố tát, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo : “Từ nay không được thuyết giới trước hai, ba ngày, nếu thuyết giới trước thì phạm Đột-kiết-la; nên đúng ngày bố tát để cho các Tỳ kheo khác đến cùng bố tát, được cùng thọ thí”. Lúc chia vật thí, các Sa di cũng muốn được chia, các Tỳ kheo nói: “Các chú không có bố tát, không làm yết ma, không có thuyết giới, không vào bố tát thì không được chia”, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo : “Sa di có thọ thẻ cũng nên chia”, các Tỳ kheo không biết nên chia bao nhiêu, bạch Phật, Phật bảo: “Nếu khi Sa di theo thứ lớp đi, đàn việt tự tay thí thì nên cho đồng đều; nếu chỉ thí cho Tăng thì Đại Tỳ kheo được ba phần, Sa di được một phần”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Lục quần Tỳ kheo cùng Bạch y ngồi chung một giường, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo: “Từ nay không được ngồi chung giường với Bạch y, nếu ngồi chung giường thì phạm Đột-kiết-la”. Lục quần Tỳ kheo lại ngồi chung giường với Sa di, Phật bảo: “Từ nay không được ngồi chung giường với Sa di, nếu ngồi chung giường thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Tỳ kheo ngủ chung phòng với Sa di hai đêm, đêm thứ ba đuổi ra, Sa di do trước đã thoa dầu dưới chân nên khi đi ra dẫm chân trên tấm trải đất làm dơ, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo : “Từ nay khi thoa dầu dưới chân thì không được bước lên tấm trải đất, nếu bước lên thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Lục quần Tỳ kheo dụ dỗ đệ tử của người khác, các Thượng tòa trách: “Các Tỳ kheo làm sao độ được đệ tử à dạy họ như pháp, vì Lục quần Tỳ kheo đã dụ dỗ đệ tử của tôi”, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo : “Từ nay không được dụ dỗ đệ tử của người khác, nếu dụ dỗ thì phạm Đột-kiếtla”. Lúc đó Lục quần Tỳ kheo liền chú thệ: “Nếu tôi có dụ dỗ đệ tử của thầy thì Phật chú, Pháp chú, Tăng chú tôi đi”, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo : “Từ nay không được tự chú thệ, cũng không được chú thệ người khác; nếu làm thế thì phạm Đột-kiếtla”. Lúc đó Lục quần Tỳ kheo lại lấy vật ra chú thệ: “Nếu tôi có dụ dỗ đệ tử của thầy thì sẽ mất vật này”, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo: “Từ nay không được lấy vật ra tự chú thệ hoặc chú thệ người khác; nếu làm thế thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Lục quần Tỳ kheo mất y bát liền nói với các Tỳ kheo : “Tôi mất y bát, sẽ trù ẻo họ cũng mất giống như thế”, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo: “Từ nay không được tự trù ẻo,cung không được trù ẻo người khác; tự làm hay bảo người khác làm đều phạm Đột-kiết-la, vì sao, vì trù ẻo cũng giống như chú thệ”

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Lục quần Tỳ kheo cho người khác vay tài vật và nói rằng: “Nếu không trả đúng thời hạn thì phải trả gấp đôi”, người vay nghe rồi liền sợ hãi, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo : “Từ nay không được đòi người khác trả gấp đôi, nếu đòi như thế thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó cọp sói giết nai rồi chọn lấy thịt ngon ăn trước, các Tỳ kheo qua giờ ngọ đi ngang qua chỗ này thấy thịt nai của cọp ăn dư này liền nói với nhau: “Chúng ta mang về để ngày mai ăn”, liền mang về trong Kỳ hoàn. Lúc đó cọp đói tìm thịt nai dư để ăn nữa nên đi quanh quẩn bên Kỳ hoàn cất tiếng rống lên, Phật nghe tiếng cọp rống liền hỏi A-nan nguyên do, A-nan đáp: “Vì các Tỳ kheo mang thịt nai dư của cọp mang về”, Phật bảo các Tỳ kheo: “Từ nay không được lấy thịt dư của cọp mang về, nếu lấy thì phạm Đột-kiết-la, vì sao, vì cọp không có dứt mong cầu. Nếu lấy thịt dư của Sư tử thì không phạm, vì sao, vì Sư tử dứt mong cầu”.

Phật tại nước Xá-vệ, có Tỳ kheo không theo Tỳ kheo cầu thính xuất tội, liền xuất tội người đó; Tỳ kheo đó nghe rồi tâm không vui, đem việc này bạch Phật, Phật bảo: “Từ nay nếu người đó không đồng ý thì không được xuất tội người đó, củng không được bảo người đó nhớ tội, không được ngăn người đó thuyết giới, tự tứ; cũng không được ngăn người đó giáo giới Tỳ kheo ni; nếu ngăn thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có Tỳ kheo Hạ tòa gọi Thượng tòa không cung kính, Thượng tòa nghe rồi tâm không vui, bạch Phật, Phật bảo: “Từ nay không được gọi Thượng tòa không cung kính, nếu gọi Thượng tòa không cung kính thì phạm Đột-kiết-la”. Lúc đó các Tỳ kheo không biết gọi như thế nào, bạch Phật, Phật bảo: “Từ nay Hạ tòa nên gọi Thượng tòa là Trưởng lão”, nếu chỉ gọi là Trưởng lão thì bất tiện nên Phật bảo: “Từ nay nên Trưởng lão tên ……….., như gọi Tỳ kheo Xálợi-phất, Trưởng lão Đại Mục-kiền-liên, Trưởng lão A-nan…”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có Tỳ kheo Na-la và Tỳ kheo ni Thi -la cùng nói chuyện giỡn cười làm não loạn Tỳ kheo khác và tham ăn uống như trộm cắp; các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi bảo các Tỳ kheo : “Các thầy nên tác yết ma không thanh tịnh cho hai người này”. Tác pháp yết ma như sau: Tăng nhất tâm hòa hợp, một Tỳ kheo trong Tăng xướng rằng:

Đại-đức tăng lắng nghe, Tỳ kheo Na-la và Tỳ kheo ni Thi-la cùng nói chuyện giỡn cười làm não loạn Tỳ kheo khác và tham ăn uống như trộm cắp. Nếu tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, Tăng nay yết ma không thanh tịnh cho Tỳ kheo Na-la và Tỳ kheo ni Thi-la này. Bạch như vậy.

Như thế Bạch-nhị-yết-ma cho đến câu Tăng đã chấp thuận yết ma không thanh tịnh cho Tỳ kheo Na-la và Tỳ kheo ni Thi-la xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Hai người này bị Tăng tác pháp cho yết ma không thanh tịnh rồi, sanh tâm hối hận, tự thấy có tội nên đến trong Tăng sám hối và cầu giải yết ma: “Trước đây con não loạn chúng tăng nay sanh tâm hối hận xin sám hối và cầu giải yết ma không thanh tịnh”. Các Tỳ kheo không biết làm sao, đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo: Nếu đã sanh tâm hối hận cầu sám hối thì Tăng nên cho giải yết ma không thanh tịnh”. Tác pháp giải yết ma như sau: Tăng nhất tâm hòa hợp, Tỳ kheo Na-la và Tỳ kheo ni Thi-la nên từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch bày vai hữu chắp tay bạch Tăng:

Đại-đức tăng nhớ nghĩ, chúng con là Tỳ kheo Na-la và Tỳ kheo ni Thi-la cùng nói chuyện giỡn cười làm não loạn Tỳ kheo khác và tham ăn uống như trộm cắp. Tăng đã tác yết ma không thanh tịnh cho chúng con, nay chúng con sanh tâm hối hận cầu sám hối và theo Tăng xin giải yết ma không thanh tịnh. Cúi xin Tăng thương xót giải yết ma không thanh tịnh cho chúng con (3 lần).

Một Tỳ kheo trong Tăng tác bạch yết ma như sau:

Đại-đức tăng lắng nghe, Tỳ kheo Na-la và Tỳ kheo ni Thi-la cùng nói chuyện giỡn cười làm não loạn Tỳ kheo khác và tham ăn uống như trộm cắp. Tăng đã tác yết ma không thanh tịnh cho Tỳ kheo Na-la và Tỳ kheo ni Thi-la, nay hai người này sanh tâm hối hận cầu sám hối và theo Tăng xin giải yết ma không thanh tịnh. Nếu tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, Tăng nay giải yết ma không thanh tịnh cho Tỳ kheo Na-la và Tỳ kheo ni Thi-la. Bạch như vậy.

Như thế Bạch-tứ-yết-ma cho đến câu Tăng đã chấp thuận giải yết ma không thanh tịnh cho Tỳ kheo Na-la và Tỳ kheo ni Thi-la xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Lúc đó có một Tỳ kheo hỏi Phật: “Thế tôn, nên dùng loại da nào làm giày da?”, Phật bảo: “Trừ năm loại da là da Sư tử, da Hổ, da Chó, da Rái cá và da Chồn; lại trừ năm loại da là da Voi, da Ngựa, da Báo, da Dã can, và da Nai đen; tất cả các loại da khác đều được dùng làm giày da”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có người thí cho Tăng da cá Thiẹn để làm giày da, các Tỳ kheo không thọ, nói rằng: “Phật chưa cho chúng tôi thọ loại da này làm giày da”, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo : “Cho thọ da cá Thiện để làm giày da, vì nó thô nên dùng da bò bịt lên trên”. Lại có người thí cho Tăng da cá Thác để làm giày da, các Tỳ kheo không thọ, nói rằng: “Phật chưa cho chúng tôi thọ loại da này làm giày da”, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo : “Cho thọ da cá Thác để làm giày da, vì nó thô nên dùng da bò bịt lên trên”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có người thí cho Tỳ kheo sợi gân, Tỳ kheo không thọ vì không biết dùng làm gì, Phật bảo nên thọ, dùng làm quai để đóng cửa và làm dây để mở cửa. Lại có người thí cho Tăng da gấu, các Tỳ kheo không thọ vì không biết dùng làm gì, Phật bảo nên thọ để trước cửa phòng trong Tăng phường, dùng lau chân khi vào phòng.

Sau khi Tự tứ Phật du hành giáo hóa gặp một Tỳ kheo tay cầm giày da mà đi, liền hỏi nguyên do, Tỳ kheo đáp: “Thế tôn, giày da này làm chân con bị thương”, Phật bảo: “Nên dùng da mềm lót ở trong”.

Phật tại nước A-la-tỳ, có Tỳ kheo lo liệu việc xây cất cần vật liệu như gỗ tre nên đi vào núi, khi đi vào núi, giữa đường sợ gặp Sư tử, cọp, sói…, sợ khi đi bị gai đâm chân nên dùng cỏ râu rồng làm giày để mang, không ngờ trên đường đi có nhiều nước bùn đọng trong giày nên làm hoại chân, Phật bảo nên làm giày có lỗ thông để nước bùn chảy ra.

Phật tại nước Xá-vệ ở trong Kỳ viên, có bà con của Phật nghe tin trong dòng tộc của mình có người xuất gia chứng quả Phật, liền xin phép cha mẹ để đến gặp Phật. Cha mẹ sợ người con này sau khi gặp Phật sẽ xuất gia nên nói với con rằng: “Trên đường đi sợ sẽ gặp Sư tử, cọp sói…”, nhưng người con nay vẫn nhất quyết muốn đi, cha mẹ biết ý con đã quyết nên nói với con rằng: “Chúng ta nay từ biệt con, nhưng con hứa là nếu con xuất gia thì phải trở về đây thăm chúng ta”, người con nhận lời cha mẹ rồi đi đến gặp Phật, Phật liền cho xuất gia thọ giới cụ túc. Thời gian sau, người con này xin phép Phật trở về thăm cha mẹ và bà con, Phật bảo: “Cho đi nhưng không được ở lâu”. Người con này trở về nhà, trong thân tộc mỗi người lưu giữ một ngày nên người con ở lại nhà trải qua thời gian lâu, cho đến khi tiết trời có mưa tuyết rơi mới từ biệt cha mẹ và bà con để trở về chỗ Phật. Cha mẹ nói: “Trời đang mưa tuyết làm sao đi được, con có thể mang giày ủng của bạch y được không?”, đáp: “Phật chưa cho mang giày ủng của bạch y”. Do không thọ giày ủng để mang nên trên đường đi tay chân lạnh cóng nứt nẻ, về đến chỗ Phật, đảnh lễ rồi đứng một bên. Pháp thường của Phật là khi có khách Tỳ kheo đến đều hỏi thăm có nhẫn đủ không, khất thực có dễ không, đi đường có nhọc mệt không. Tỳ kheo này đáp là nhẫn đủ, khất thực không khó, đi đường không nhọc mệt, rồi đem việc trên bạch Phật. Phật hỏi: “Đất đai nơi đó như thế nào?”, đáp là có rất nhiều tuyết, Phật bảo: “Từ nay ở quốc độ nào có nhiều tuyết, cho được mang giày ủng của bạch y để tránh tuyết”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó trưởng giả Cấp-cô-độc dùng màu xích chu (đỏ) sơn lên năm trăm chân giường dây rồi đem cúng cho Tăng ở Kỳ hoàn, các Tỳ kheo không thọ nói rằng: “Phật chưa cho chúng tôi thọ giường dây có chân giường sơn đỏ”, bạch Phật, Phật bảo: “Giường này thanh tịnh nên thọ”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó trưởng giả Bạt đề đem Tăng phường được trang nghiêm đủ thứ cúng cho Tăng, các Tỳ kheo không thọ nói rằng: “Phật chưa cho chúng tôi thọ Tăng phường được trang nghiêm đủ thứ”, bạch Phật, Phật bảo: “Tăng phường này thanh tịnh nên thọ”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó trưởng giả Úc-già-tô-bạt-na đến chỗ Phật đảnh lễ ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho trưởng giả được lợi hỉ rồi liền im lặng. Trưởng giả bạch Phật: “Thế tôn, con xin thỉnh Phật và Tăng ngày mai đến nhà con thọ thực, Phật im lặng nhận lời, biết Phật đã nhận lời, trưởng giả liền đảnh lễ Phật hữu nhiễu rồi ra về. Về đến nhà ngay trong đêm đó lo sửa soạn đủ các món ăn ngon, lại còn cho trang nghiêm năm trăm chiếc giường bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê nghĩ rằng: “Nếu Phật không thọ loại giường này thì thọ loại giường kia”; lại chuẩn bị sẵn năm trăm cái mâm bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê nghĩ rằng: “Nếu Phật không thọ cái này thì thọ cái kia”; lại chuẩn bị sẵn năm trăm cái bát bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê nghĩ rằng: “Phật không thọ cái bát này thì sẽ thọ cái bát kia”. Chuẩn bị mọi thứ xong xuôi, sáng sớm trải tòa rồi sai sứ đến bạch Phật: “Đã đến giờ thọ thực, xin Phật tự biết thời”. Phật cùng các Tỳ kheo đi đến nhà trưởng giả, lúc đó trưởng giả lần lượt mang ra các loại giường bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê dâng cúng nhưng Phật đều không thọ. Cuối cùng trưởng giả cho mang ra loại giường thường có trải nệm dày lên trên thì Phật liền thọ và ngồi lên. Trưởng giả lại lần lượt mang ra các loại mâm vàng, mâm bạc…; bát vàng, bát bạc… dâng cúng, Phật đều không thọ và bảo rằng: “Trước đây ta đã cho được dùng hai loại bát là bát sắt và bát bằng gốm sứ, còn tám loại bát khác đều không được dùng”. Lúc đó trưởng giả tự tay dâng thức ăn lên cúng dường cho Phật và Tăng khiến cho tất cả đều được no đủ rồi, sau đó ngồi trước Phật nghe pháp, Phật thuyết pháp chỉ dạy cho trưởng giả được lởi hỉ rồi đứng dậy ra về.