THẬP LUẬT TỤNG
Hán dịch: Hậu Tần Phất Nhược Đa La cộng La Thập dịch
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 40

TẠP TỤNG (Tiếp Theot)

3. Hai Mươi Pháp Tạp Cuối (Tiếp Theo):

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có một Bà-la-môn có một con gái dung mạo đoan chánh đặt tên là Diệu quang, khi vừa được sanh ra có thầy xem tướng nói rằng: “Đứa con gái này về sau sẽ tư thông với năm trăm người nam”. Do thầy tướng nói như thế nên đứa con gái này đến tuổi trưởng thành vẫn không có ai đến hỏi cưới. Lúc đó gần nhà Bà-lamôn có một thương nhơn thường vào biển tìm châu báu, một hôm đứng trên lầu từ xa nhìn thấy người con gái này liền sanh tâm ham muốn, bèn hỏi thăm đó là con gái của ai, đã có chồng hay chưa, vì sao đến nay vẫn chưa có ai đến hỏi cưới, mới biết là do thầy tướng xem tướng khi mới sanh đã nói như thế nên đến nay vẫn chưa có ai đến hỏi cưới, liền suy nghĩ: “Trừ Sa-môn Thích tử ra, không ai có thể miễn cưỡng vào nhà ta, nhưng Sa-môn Thích tử không có làm việc sai trái này. Ta sẽ cưới người con gái này”, nghĩ rồi liền đến cầu hôn và cưới về nhà. Về nhà sống chung chưa bao lâu thì có các thương nhơn muốn kết bạn vào biển tìm châu báu, theo pháp nước thì muốn vào biển phải yêu câu người đã từng vào biển cùng đi, nếu không chịu cùng đi cũng phải cưỡng ép cùng đi. Lúc đó thương nhân này phải cùng các thương nhơn vào biển nên bảo người giữ cửa rằng: “Ta phải vào biển, ngươi ở nhà không được cho người nam nào miễn cưỡng vào trong nhà, trừ Sa-môn Thích tử vì Samôn Thích tử không làm việc sai trái này”, người giữ cửa vâng lời, dặn dò xong thương nhân ra đi. Thời gian sau, Sa-môn Thích tử đến nhà này khất thực, người nữ này trông thấy liền nói: “Hãy cùng tôi hành dục”, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo: “Từ nay những nhà như thế, nếu chưa từng đến thì không nên đến, nếu đã đến thì không nên ngồi, vì sao, vì vào nhà này ắt sẽ phạm tội phi phạm hạnh”. Người nữ nay sau bị chết vì bịnh, trong đêm đó người nhà đem tất cả đồ trang nghiêm cùng người chết bỏ vào rừng thây chết. Lúc đó có năm trăm giặc cướp đi ngang qua chỗ ấy, thấy người nữ này tuy đã chết nhưng lại khởi dục tâm liền cùng người chết hành dâm, năm trăm tên giặc này hành dâm xong mới bỏ đi. Người nữ này do trước kia yêu cầu các Tỳ kheo cùng mình hành dâm nên bị đọa vào ác đạo, sanh làm con rồng dâm tên là Tỳ-đạt-đa ở phía Bắc của nước này.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó có Tỳ kheo bị ung nhọt đến chỗ thầy thuốc Kỳ-bà xin chữa trĩ, Kỳ-bà bảo nên ủ nóng làm cho nhọt chín mùi, bạch Phật, Phật bảo nên ủ nóng; Kỳ-bà lại bảo nên phá ung nhọt, bạch Phật, Phật bảo nên phá; Kỳ-bà lại bảo nên nặn cho mủ chảy ra hết, bạch Phật, Phật bảo nên nặn; Kỳ-bà lại bảo nên đắp thuốc để hút mủ, bạch Phật, Phật bảo: “Cho dùng đủ cách để trị ung nhọt”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó trong thành có mở hội cúng tế rồng Kỳ-lê suốt trong một tháng nên có rất nhiều loại hạng người đến tụ họp vui chơi ăn uống, có người ngực lồi, có người ngực lõm, có người chân giống chân voi, có người chân giống chân ngựa… Lại có các thương nhơn từ bốn phương đến vì trong tháng hội cúng tế này vua không thu thuế, không ngăn cấm qua lại; do chỉ còn vài ngày nữa là hết lễ hội, các thương nhơn này suy nghĩ: “Vua không thu thuế chỉ trong một tháng hội cúng tế này, chúng ta nên đi trước, lúc lễ hội chưa mãn”, nghĩ rồi liền trở về. Các hạng người như người ngực lồi, ngực lõm, chân giống chân voi… thì vẫn còn ở lại đi du hành khắp nơi. Lúc đó Lục quần Tỳ kheo do hạnh xấu nên đệ tử cọng trụ có hạnh tốt, thấy thầy làm hạnh xấu cũng tự bỏ đi. Lục quần Tỳ kheo khi thấy những người có tướng xấu này liền suy nghĩ: “Ta nếu chứa nuôi đệ tử tốt thì chúng cũng tự bỏ đi, nay ta nên chứa nuôi những người xấu tướng này thì không ai khuyên chúng bỏ đi nữa; nếu có khuyên bỏ đi thì người xấu tướng như thế ai mà ưa thích”, nghĩ rồi liền nói với chúng: “Các ngươi vì sao không xuất gia”, đáp: “Chúng con xấu xí, ai sẽ độ cho chúng con xuất gia”, Lục quần nói: “Nếu các ngươi có thể thay ta thứ lớp giữ phòng hoặc đưa thức ăn cho người giữ phòng giùm ta, hoặc có thể thay ta gánh y bát thì ta sẽ cho các ngươi xuất gia”, liền đáp là xin vâng theo, Lục quần Tỳ kheo liền độ cho xuất gia. Lúc đó có người thỉnh Phật và Tăng, Lục quần Tỳ kheo do hai nguyên nhân nên sai đệ tử gánh y bát đi trước: Một là vì đi chậm, hai là nếu đi cùng thì hổ thẹn. Các cư sĩ này tin Phật nên tâm thanh tịnh, nhưng các đệ tử của dị đạo thì cười chê rằng: “Đây là phước điền mà các vị cúng dường hay sao, người đi trước thì đến ăn trước”, các cư sĩ nghe rồi liền hổ thẹn, đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Lục quần Tỳ kheo: “Các thầy thật đã làm như thế phải không ?”, đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại độ người ngực lồi, ngực lõm, chân giống như chân voi…”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay không được độ những người có tướng xấu như ngực lồi, ngực lõm, chân giống như chân voi…; nếu độ thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại nước Xá-vệ, Trưởng lão Ưu-ba-ly có hai Sa di tên là Đàtát và Ba là, lúc đó Đà-tát nói với Ba là: “Nếu thầy thọ giới trước thì tôi sẽ cung cấp những gì thầy cần”; Ba là cũng nói với Đà-tát: “Nếu thầy thọ giới trước, tôi cũng sẽ cung cấp những gì thầy cần”. Lúc đó Trưởng lão Ưu-ba-ly bạch Phật: “Thế tôn, hai Sa di cùng một lúc cho yết ma thọ giới được không ?”, Phật nói được. Tác pháp yết ma thọ giới như sau: Tăng nhất tâm hòa hợp, một Tỳ kheo trong Tăng xướng rằng:

Đại-đức tăng lắng nghe, hai Sa di Đà-tát và Ba là này đã được Trưởng lão Ưu-ba-ly cho thọ giới cụ túc, nay theo Tăng xin thọ giới cụ túc, Trưởng lão Ưu-ba-ly làm Hòa thượng. Nếu tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, Tăng nay cho một Sa di Đà-tát và Ba là này thọ giới cụ túc, Trưởng lão Ưu-ba-ly làm Hòa thượng. Bạch như vậy.

Như thế Bạch-tứ-yết-ma cho đến câu Tăng đã chấp thuân cho hai Sa di Đà-tát và Ba là thọ giới cụ túc, Trưởng lão Ưu-ba-ly làm Hòa thượng xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Trưởng lão Ưu-ba-ly hỏi Phật: “Thế tôn, con không biết Phật nói Tu-đa-la, Tỳ-ni và A-tỳ-đàm ở đâu, con phải làm sao”, Phật bảo: “Nói ở sáu thành lớn tại nước Chiêm-ba, nước Xá-vệ, nước Tỳ-xá-ly, thành Vương xá, nước Ba là nại, nước Ca-tỳ-lave; vì sao, vì ta ở tại sáu thành nhiều nên thuyết pháp giáo hóa cũng đều ở đó”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Trưởng lão Da xá cùng năm trăm Tỳ kheo từ nước Kiều-tát-la đến nước Xá-vệ muốn an cư, cựu Tỳ kheo nơi đây thăm hỏi khách Tỳ kheo và gánh giúp y bát. Khi gặp nhau hai bên vui vẻ nói cười lớn tiếng, Phật nghe được những tiếng nói cười lớn tiếng này liền hỏi A-nan nguyên do, A-Nan đem việc trên bạch Phật, Phật bảo A-nan: “Hãy đến bảo Trưởng lão Da xá và năm trăm Tỳ kheo rằng: do các thầy nói cười lớn tiếng nên Phật đuổi đi không cho an cư ở đây”, A-nan vâng lời Phật dạy đến nói y như vậy, Trưởng lão Da xá cùng năm trăm Tỳ kheo liền đi đến trong tụ lạc bên bờ sông Bà-cầu-ma để an cư. Các Tỳ kheo này suy nghĩ: “Phật quở trách chúng ta nói cười lớn tiếng, chúng ta nay nên im lặng là tốt”, nghĩ rồi liền bạch Phật, Phật nói nên im lặng là tốt.

Lúc đó các Tỳ kheo nói với nhau: “Nếu Phật cho chúng ta ở phòng riêng thì tốt”, bạch Phật, Phật nói cho ở phòng riêng. Lại nói với nhau: “Nếu Phật cho chúng ta ở trong chúng thì tốt”, bạch Phật, Phật nói cho ở trong chúng. Lại nói với nhau: “Nếu Phật cho chúng ta dùng nước gội đầu thì tốt”, bạch Phật, Phật nói cho gội đầu. Lúc đó các Tỳ kheo dùng tay lấy nước gội rất bất tiện liền bạch Phật, Phật bảo nên làm gàu; làm gàu lớn nên khi múc nước làm ướt y; làm gàu nhỏ thì múc lấy nước không được, bạch Phật, Phật bảo: “Không nên làm quá lớn, cũng không nên làm quá nhỏ, nên làm vừa chừng khoảng một bát la hay nửa Bát la”. Lúc đó làm gàu không có cán, khi xối nước, gàu rơi trên đầu người khác đau nhức suýt chết, bạch Phật, Phật bảo nên làm cán.

Lúc đó có Tỳ kheo ngồi ngủ gật, Tỳ kheo khác lấy nước tạt, liền nói: “Tôi không ngủ sao lấy nước tạt tôi”, bạch Phật, Phật bảo: “Không nên tin người ngủ, nên tin người tạt nước. Có có năm pháp nên lấy nước tạt người: Một là vì thương xót, hai là không vì xúc não người khác, ba là người kia ngủ, bốn là người kia đầu dựa vào vách, năm là người kia duỗi chân ra”. Có Tỳ kheo vẫn ngủ gật, các Tỳ kheo nói với nhau: “Nếu Phật cho dùng tay gõ thì tốt”, bạch Phật, Phật bảo cho dùng tay gõ; lúc đó có Tỳ kheo ngủ gật, Tỳ kheo khác liền dùng tay gõ, Tỳ kheo ngủ nói: “Tôi không ngủ sao dùng tay gõ tôi”, bạch Phật, Phật bảo: “Không nên tin người ngủ, nên tin người gõ. Có có năm pháp nên dùng tay gõ người: Một là vì thương xót, hai là không vì xúc não người khác, ba là người kia ngủ, bốn là người kia đầu dựa vào vách, năm là người kia duỗi chân ra”. Có Tỳ kheo vẫn ngủ gật, các Tỳ kheo nói với nhau: “Nếu Phật cho chúng ta dùng cầu lông ném thì tốt”, bạch Phật, Phật bảo: “Cho dùng cầu lông ném, ném rồi hôm sau đem trả lại”, các Tỳ kheo không biết đem trả cho ai, Phật bảo: “Nên trả lại cho người đã ném, nếu người ném không có ở đó thì nên đưa chó người làm nhiên đăng, nếu người làm nhiên đăng không có ở đó thì nên đưa cho người chấp tác, nếu người chấp tác không có ở đó thì nên để trên đất ở giữa giảng đường rồi trở về chỗ ngồi”. Tỳ kheo khi ngồi xuống rồi lại thấy có Tỳ kheo khác ngủ gật liền lấy cầu lông này ném vào người ngủ đó, người ngủ liền nói: “Tôi không có ngủ sao lấy cầu lông ném tôi”, bạch Phật, Phật bảo: “Không nên tin người ngủ, nên tin người ném cầu lông. Có có năm pháp nên lấy cầu lông ném người: Một là vì thương xót, hai là không vì xúc não người khác, ba là người kia ngủ, bốn là người kia đầu dựa vào vách, năm là người kia duỗi chân ra”. Có Tỳ kheo vẫn ngủ gật, các Tỳ kheo nói với nhau: “Nếu Phật cho chúng ta cầm thiền trượng thì tốt”, bạch Phật, Phật bảo cho cầm. Lúc đó đầu thiền trượng nhọn làm rách y An-đà-hội, Phật bảo nên dùng vật bọc đầu trượng lại. Lúc đó chống thiền trượng xuống đất phát ra tiếng, Phật bảo nên bọc luôn cả đầu trượng phía dưới. Lúc đó các Tỳ kheo không biết cầm thiền trượng như thế nào, bạch Phật, Phật bảo: “Khi cầm thiền trượng nên khởi tâm cung kính”, các Tỳ kheo không biết khởi tâm cung kính như thế nào, Phật bảo nên dùng hai tay cầm thiền trượng để trên đầu. Lúc đó có Tỳ kheo ngồi ngủ gật, Tỳ kheo liền cầm thiền trượng gõ vào người ngủ, người này giật mình đứng dậy, các Tỳ kheo khác im lặng không nói, ngay lúc đó Tỳ kheo ngủ này ngất xỉu ngã xuống đất, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo: “Nếu Tỳ kheo đang ngồi mà buồn ngủ thì nên đứng dậy, nếu thấy người khác ngủ gật thì cầm thiền trượng gõ vào người đó rồi trở lại chỗ ngồi; nếu không thấy có ai ngủ gật thì mình nên đi ra ngoài loanh quanh một lát rồi trở vào, nếu thấy có người ngủ gật thì cầm thiền trượng gõ vào người đó rồi trở lại chỗ ngồi, nếu không thấy có ai ngủ gật thì cầm thiền trượng để lại chỗ cũ rồi trở lại chỗ ngồi”. Lúc đó có Tỳ kheo ngủ gật, Tỳ kheo khác cầm thiền trượng gõ vào người ngủ, người ngủ liền nói: “Tôi không có ngủ sao cầm thiền trượng gõ tôi”, bạch Phật, Phật bảo: “Không nên tin người ngủ, nên tin người gõ. Có có năm pháp nên cầm thiền trượng gõ người: Một là vì thương xót, hai là không vì xúc não người khác, ba là người kia ngủ, bốn là người kia đầu dựa vào vách, năm là người kia duỗi chân ra”. Có Tỳ kheo vẫn ngủ gật, các Tỳ kheo nói với nhau: “Nếu Phật cho để thiền trấn thì tốt”, bạch Phật, Phật bảo cho để thiền trấn. Lúc đó thiền trấn không có lỗ nên khi để liền rơi xuống đất, Phật bảo: “Nên làm lỗ, làm lỗ xong, dùng dây xỏ qua lỗ, trên đầu dây làm dây quai treo vào lỗ tai cách trước trán bốn ngón tay”. Lúc đó các Tỳ kheo dùng dây quấn quanh đầu rồi mới để thiền trấn, Phật bảo: “Không được làm như thế, nếu làm thế thì phạm Đột-kiết-la”. Lúc đó để thiền trấn rồi làm rơi mà Tỳ kheo vẫn ngủ gật, Phật bảo: “Thiền trấn rơi một lần thì cho duỗi chân ra một lần, nếu rơi hai lần thì cho duỗi chân ra hai lần, nếu rơi lần thứ ba thì nên đứng dậy đi”. Lúc đó các Tỳ kheo đứng dậy đi qua đi lại làm não loạn nhau, Phật bảo nên đi theo thứ lớp như cách đi của ngỗng. Lúc đó Hạ tòa khi đi đụng vào vai Thượng tòa, Phật bảo: “Hạ tòa không được đụng vào vai Thượng tòa, nên đi sau Thượng tòa và không được gần Thượng tòa”. Lúc đó có Tỳ kheo vẫn ngủ gật, các Tỳ kheo nói với nhau: “Nếu Phật cho chúng ta quy định thời tiết thì tốt”, bạch Phật, Phật nói cho định thời tiết. Lại nói với nhau: “Nếu Phật cho chúng ta quy định hai thời thì tốt”, Phật nói cho quy định hai thời. Lại nói với nhau: “Nếu Phật cho chúng ta quy định vào ban đêm thì tốt”, Phật lại cho quy định vào ban đêm. Lại nói với nhau: “Nếu Phật cho chúng ta quy định vào ban ngày thì tốt”, Phật lại cho quy định vào ban ngày. Lại nói với nhau: “Nếu Phât cho chúng ta quy định trong vòng bảy ngày thì tốt”, Phật lại cho quy định trong vòng bảy ngày. Lại nói với nhau: “Nếu Phật cho chúng ta thường ngồi thiền thì tốt”, Phật lại cho thường ngồi thiền. Lúc đó do Phật cho quy định thời tiết hoặc hai thời, hoặc ban đêm, hoặc ban ngày, hoặc trong vòng bảy ngày, hoặc thường ngồi thiền; các Tỳ kheo không thường xỉa răng súc miệng nên miệng hôi thối, đem việc này bạch Phật, Phật bảo: “Cho xỉa răng súc miệng vì có năm lợi ích: Một là miệng không đắng, hai là miệng không hôi, ba là trừ gió, bốn là trừ bịnh nhiệt, năm là trừ đàm ấm. Lại có năm lợi ích: Một là trừ gió, hai là trừ nhiệt, ba là miệng có vị thấm nhuần, bốn là ăn uống được, năm là mắt sáng”.

Do Phật cho quy định thời tiết hoặc hai thời, hoặc ban đêm, hoặc ban ngày, hoặc trong vòng bảy ngày, hoặc thường ngồi thiền; các Tỳ kheo không thường tắm rửa nên thân dơ hôi, đem việc này bạch Phật, Phật bảo nên tắm. Lúc đó nước trong sông chảy xiết, các Tỳ kheo xuống tắm có người bị nước cuốn trôi, Phật bảo: “Nên đóng cọc trong nước rồi vin vào cọc để tắm”. Do Phật cho quy định thời tiết hoặc hai thời, hoặc ban đêm, hoặc ban ngày, hoặc trong vòng bảy ngày, hoặc thường ngồi thiền nên các Tỳ kheo được vô lượng trí, chứng quả Tu-đà-hoàn, Tư-đàhàm, A-na-hàm và A-la-hán. Phật biết các Tỳ kheo đã chứng đắc nên do nhân duyên này nhóm Tỳ kheo tăng bảo các Tỳ kheo rằng: “Nơi đó có ánh sáng của chư Phật ở trong pháp thế gian”.

Pháp thường của chư Phật là một năm có hai kỳ đại hội vào tháng sau của cuối mùa xuân và vào tháng sau của cuối mùa hạ. Vào tháng cuối của mùa xuân, Tỳ kheo các nơi suy nghĩ: “Phật đã dạy chúng ta nên an cư, trong ba tháng an cư tu tập sẽ được an lạc trụ”, đây là đại hội thứ một. Vào tháng cuối của mùa hạ, các Tỳ kheo an cư ba tháng đã xong nghĩ rằng: “Đã lâu chúng ta không gặp Phật”, nghĩ rồi liền đắp y mang bát đi đến chỗ Thế tôn, đây là đại hội thứ hai. Lúc đó các Tỳ kheo ở bên bờ sông Ba cầu ma an cư ba tháng đã xong, đắp y mang bát đến chỗ Phật, Phật từ xa thấy các Tỳ kheo này đến, khi họ vừa đến Phật liền nhập Sơ thiền, các Tỳ kheo này cũng nhập sơ thiền; Phật xuất sơ thiền rồi nhập Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền và Không, vô tưởng, vô tác; các Tỳ kheo này cũng xuất Sơ thiền rồi nhập Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền và Không, vô tưởng, vô tác. Lúc đó Trưởng lão A-nan thấy các Tỳ kheo này đến liền bạch Phật: “Thế tôn, xin Phật thuyết pháp cho các Tỳ kheo để họ được an lạc lâu dài”, Phật bảo A-nan: “Thầy chớ nói lời này, này A-nan, như điều ta đã biết, thầy có thể biết được không. Khi ta từ xa thấy các Tỳ kheo này đến, ta nhập Sơ thiền thì các Tỳ kheo này cũng nhập Sơ thiền; ta xuất Sơ thiền rồi nhập Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền và Không, vô tưởng, vô tác; các Tỳ kheo này cũng xuất Sơ thiền rồi nhập Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền và Không, vô tưởng, vô tác”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó ở vùng đất Hắc sơn có hai Tỳ kheo tên Mãn-túc và Mã-túc ở nơi này làm hạnh xấu, làm nhơ nhà người, ai cũng thấy cũng nghe cũng biết. Tỳ kheo này cùng người nữ ngồi chung một giường, ăn chung một mâm, uống chung một bát, quá ngọ ăn, chứa thức ăn cùng ngủ (nội túc), ăn thức ăn cách đêm, không thọ mà ăn, không làm pháp dư thực mà ăn, đánh đàn đánh trống, huýt gió thành nhạc, thổi lá cây Đa la thành tiếng nhạc…, ca múa, đeo chuỗi anh lạc, lấy hương thơm thoa thân, mặc áo ướp mùi thơm… tự dắt vợ và con gái của người hoặc bảo người dắt, khiến voi ngựa đấu nhau, trâu bò đấu nhau, nam nữ đấu nhau, bản thân cũng đấu, tay đánh chân đạp, đuổi chạy nhau bốn phía… tung đồ vật lên hư không rồi ở dưới đón lấy, đi cùng người nữ trên thuyền làm các kỷ nhạc, hoặc cởi voi, cởi ngựa, đi kiệu với nhiều người thổi ốc đi trước dẫn đường vào trong vườn rừng… làm đủ những việc xấu xa như thế. Lúc đó A-nan từ nước Ca-thi đi đến nước Xá-vệ, ngủ qua đêm ở Hắc sơn, sáng sớm đắp y mang bát vào thành khất thực, nhưng lại mang bát không trở về. Ra khỏi thành không xa thấy có nhiều người nhóm họp liền đi đến hỏi: “Vùng đất này sung túc có nhiều người cư trú, nhưng nay tôi mang bát vào thành khất thực lại phải mang bát không trở về. Không biết có Sa-môn Thích tử nào ở đây đã làm ít nhiều việc xấu ?”, trong số đó có một hiền giả tên là Ưu lâu già chắp tay bạch A-nan: “Đại-đức biết không, ở đây có Tỳ kheo tên Mãn-túc và Mã-túc làm hạnh xấu, làm nhơ nhà người, ai cũng thấy nghe hay biết… giống như đoạn văn trên”, kể rõ rồi thỉnh A-nan về nhà mình, trải tòa mời ngồi rồi tự tay dâng nước và thức ăn ngon cúng dường, sau đó nghe A-nan nói pháp, A-nan nói pháp chỉ dạy cho được lợi hỉ rồi đi. Trở về chỗ tạm nghỉ trao trả ngọa cụ cho cựu Tỳ kheo rồi tiếp tục du hành đến nước Xá-vệ, đến chỗ Phật đảnh lễ rồi đứng một bên. Pháp thường của chư Phật là khi có khách Tỳ kheo đến liền hỏi thăm có nhẫn được không, có an lạc trụ không, đi đường có nhọc mệt không, khất thực có khó không. Lúc đó Phật hỏi thăm A-nan như trên, A-nan đáp: “Thế tôn, con nhẫn được, được an lạc trụ, đi đường không mệt, khất thực không khó”, kế đem sự việc trên bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm Tỳ kheo tăng đủ lời quở trách hai Tỳ kheo Mã-túc và Mãn-túc: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại cùng người nữ ngồi chung một giường… làm đủ những việc xấu xa như thế”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo : “Từ nay không được cùng người nữ ngồi chung một giường, nếu ngồi chung thì phạm Đột-kiết-la. Không được cùng ăn chung một mâm với người nữ, nếu ăn chung thì phạm Đột-kiết-la. Không được cùng uống chung một bát với người nữ, nếu cùng uống chung thì phạm Đột-kiết-la. Không được ăn phi thời, nếu ăn thì phạm Ba-dật-đề. Không được ăn thức ăn dư cách đêm, nếu ăn thì phạm Ba-dật-đề. Không được tay dơ cầm thức ăn mà ăn, nếu ăn thì phạm Đột-kiết-la. Không thọ thức ăn mà ăn thì phạm Badật-đề. Không thọ pháp tàn thực mà ăn nữa thì phạm Ba-dật-đề. Không được đánh đàn, đánh trống; không được đánh nhịp; không được dùng vật thổi hay đánh để tạo ra nhịp điệu…, nếu làm thì phạm Đột-kiết-la. Không được đeo tràng hoa, chuỗi anh lạc; không được thoa hương thơm trên người, trên y phục; nếu làm thế thì phạm Đột-kiết-la. Không được tự hái hoa và bảo người khác hái; nếu tự làm hay bảo người làm đều phạm Ba-dật-đề. Không được cài hoa trên tóc hoặc bảo người cài; tự làm hay bảo người làm đều phạm Đột-kiết-la. Không được kết các loại hoa hay bảo người kết; tự làm hay bảo người làm đều phạm Đột-kiết-la. Không được tự làm sứ giả đi đến nhà đồng nam đồng nữ, cũng không được bảo người khác đến; tự đến hay bảo người đến tùy trường hợp mà phạm tội. Không được xúi giục voi đấu nhau, ngựa đấu nhau… nếu làm đều phạm Đột-kiết-la. Không được tung đồ vật lên hư không rồi ở dưới đón lấy, nếu làm thì phạm Đột-kiết-la. Không được cùng người nữ ngồi trên thuyền ca hát tạo nhạc, nếu làm thì phạm Đột-kiết-la… nếu làm những hạnh xấu như thế đều phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Tỳ kheo Ca-la-lê tự đến xem voi đấu nhau, ngựa đấu nhau, gà chọi nhau, bò đấu nhau…, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo: “Từ nay không được đến xem voi, ngựa, bò… đấu nhau, nếu đến xem thì phạm Đột-kiết-la”.

4. Pháp Tạp Liên Quan Tới Tỳ Kheo Ni:

a. Hai mươi pháp tạp đầu:

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Trưởng lão Ưu-ba-ly hỏi Phật: “Thế tôn, Cù-đàm-di Ma-ha-ba-xà-ba-đề thọ tám trọng pháp liền xuất gia thọ giới cụ túc, thành pháp Tỳ kheo ni; còn các Tỳ kheo ni khác sẽ như thế nào?”, Phật nói: “Nên hiện tiền Bạch-tứ-yết-ma”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó các Tỳ kheo cùng với Tỳ kheo ni tác pháp yết ma, các Tỳ kheo ni trong lòng không vui, đem việc này bạch Phật, Phật bảo: “Từ nay các Tỳ kheo không được cùng Tỳ kheo ni tác pháp yết ma. Tỳ kheo ni nên trở về cùng các Tỳ kheo ni tác pháp yết ma, trừ yết ma thọ giới cụ túc, yết ma Ma-na-đỏa và yết ma Xuất tội”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó các Tỳ kheo ni cùng với Tỳ kheo tác pháp yết ma, các Tỳ kheo ni trong lòng không vui, đem việc này bạch Phật, Phật bảo: “Các Tỳ kheo ni không nên cùng với Tỳ kheo tác pháp yết ma. Các Tỳ kheo nên trở về cùng các Tỳ kheo tác pháp yết ma, trừ yết ma không lễ bái, không cùng nói chuyện và không cúng dường”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó có những người vợ bị cha mẹ chồng làm cho khổ não nên xuất gia làm Tỳ kheo ni, các Tỳ kheo ni này sau lại bị Hòa thượng ni, A-xà-lê ni và các Tỳ kheo ni cọng trụ (ở chung) làm cho khổ não nên hoàn tục làm bạch y. Các cư sĩ liền quở trách: “Bọn người nữ xấu xa không tốt này, trước đây chúng ta làm chủ họ, giữa chừng xuất gia làm Tỳ kheo ni thọ sự tôn trọng của chúng ta; nay hoàn tục, chúng ta trở lại thọ sự tôn trọng của họ, không có gì là nhất định cả”. Các Tỳ kheo ni đem việc này bạch Phật, Phật bảo: “Từ nay Tỳ kheo ni khi đã phản giới hoàn tục thì không cho xuất gia thọ giới cụ túc trở lại”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Trưởng lão Đại Ca diếp trước giờ ngọ đắp y mang bát ra khỏi núi Kỳ-xà-quật vào thành Vương xá khất thực, thấy Tỳ kheo ni Thâu la-Nan-đà đang rảo bước đi phía trước nên Trưởng lão nói với ni rằng: “Cô hãy đi nhanh một chút, nếu không thì tránh đường cho tôi đi”, Thâu la-Nan-đà nói: “Thầy vốn là ngoại đạo xuất gia, có việc gấp hay sao mà không đi từ từ một chút”, Đại Ca diếp nói: “Này cô, tôi không trách cô mà chỉ trách A-nan”, sau đó đem việc này bạch Phật, Phật bảo: “Từ nay không cho Tỳ kheo ni đi trước Tỳ kheo, nếu đi trước thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Tỳ kheo ni Thâu-la-Nan-đà trước giờ ngọ đắp y mang bát khất thực, thọ thực rồi để Ni-sư-đàn trên vai trái đi đến trong rừng An đà ngồi trên tòa lớn dưới một gốc cây thì có một con rắn chui vào trong nữ căn, sau đó cô đem việc này bạch Phật, Phật bảo: “Từ nay không cho Tỳ kheo ni ngồi trên tòa lớn, nếu ngồi thì phạm Đột-kiết-la, nếu ngồi tréo một chân thì không phạm”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Trưởng lão Ưu-ba-ly hỏi Phật: “Thế tôn, Phật không cho Tỳ kheo ni xuất tội thấy nghe nghi của-Tỳ kheo, nếu có nhân duyên Tỳ kheo ni xuất tội thấy nghe nghi của-Tỳ kheo thì không phạm phải không?”, Phật nói: “Không phạm, trừ nói chớ gần gũi ác tri thức và bạn đảng ác”.

Phật tại nước Xá-vệ, Phật bảo các Tỳ kheo: “Nếu một Tỳ kheo xúi giục một Tỳ kheo phản giới thì tùy phạm tội; nếu xúi giục Tỳ kheo ni, Thức-xoa-ma-na, Sa di và Sa-di-ni phản giới thì phạm Đột-kiết-la. Nếu Tỳ kheo ni xúi giục Tỳ kheo ni phản giới thì phạm Đột-kiết-la; nếu xúi giục Thức-xoa-ma-na, Sa di, Sa-di-ni phản giới cũng đều phạm Đột-kiết-la. Nếu Thức-xoa-ma-na xúi giục Thức-xoa-ma-na phản giới thì phạm Đột-kiết-la; nếu xúi giục Sa di, Sa-di-ni, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni phản giới cũng đều phạm Đột-kiết-la. Nếu Sa di xúi giục Sa di phản giới thì phạm Đột-kiết-la; nếu xúi giục Sa-di-ni, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức-xoa-ma-na phản giới cũng phạm Đột-kiết-la. Nếu Sa-di-ni xúi giục Sa-di-ni phản giới thì phạm Đột-kiết-la; nếu xúi giục Sa di, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức-xoa-ma-na phản giới cũng phạm Đột-kiếtla”.

Nếu Tỳ kheo dùng đủ mọi vật để dụ dỗ Tỳ kheo khác thì phạm tội; nếu dụ dỗ Tỳ kheo ni, Thức-xoa-ma-na, Sa di, Sa-di-ni đều phạm Đột-kiết-la. Nếu Tỳ kheo ni dùng đủ mọi vật dụ dỗ Tỳ kheo ni thì phạm tội; nếu dụ dỗ Thức-xoa-ma-na, Sa di, Sa-di-ni, Tỳ kheo đều phạm Độtkiết-la. Nếu Thức-xoa-ma-na dùng mọi vật dụ dỗ Tỳ kheo ni thì phạm tội; nếu dụ dỗ Thức-xoa-ma-na, Sa di, Sa-di-ni, Tỳ kheo đều phạm Độtkiết-la. Nếu Sa di dùng mọi vật dụ dỗ Sa di thì phạm Đột-kiết-la; nếu dụ dỗ Sa-di-ni, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức-xoa-ma-na đều phạm Độtkiết-la. Nếu Sa-di-ni dùng mọi vật dụ dỗ Sa-di-ni thì phạm Đột-kiếtla; nếu dụ dỗ Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức-xoa-ma-na, Sa di đều phạm Đột-kiết-la.

Nếu Tỳ kheo nói ấm ớ với Tỳ kheo khác thì phạm Đột-kiết-la; nói ấm ớ với Tỳ kheo ni, Thức-xoa-ma-na, Sa di, Sa-di-ni cũng phạm Độtkiết-la. Nếu Tỳ kheo ni nói ấm ớ với Tỳ kheo ni thì phạm Đột-kiết-la; nói ấm ớ với Tỳ kheo thì phạm Ba-dật-đề; nói ấm ớ với Thức-xoa-mana, Sa di, Sa-di-ni thì phạm Đột-kiết-la. Nếu Thức-xoa-ma-na nói ấm ớ với Thức-xoa-ma-na thì phạm Đột-kiết-la; nói ấm ớ với Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Sa di, Sa-di-ni cũng phạm Đột-kiết-la. Nếu Sa di nói ấm ớ với Sa di thì phạm Đột-kiết-la; nói ấm ớ với Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thứcxoa-ma-na, Sa-di-ni cũng phạm Đột-kiết-la. Nếu Sa-di-ni nói ấm ớ với Sa-di-ni thì phạm Đột-kiết-la; nói ấm ớ với Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thứcxoa-ma-na, Sa di cũng phạm Đột-kiết-la.

Nếu Tỳ kheo khinh Tỳ kheo thì phạm Đột-kiết-la; khinh Tỳ kheo ni, Thức-xoa-ma-na, Sa di, Sa-di-ni cũng phạm Đột-kiết-la. Nếu Tỳ kheo ni khinh Tỳ kheo ni thì phạm Đột-kiết-la; khinh Tỳ kheo, Thứcxoa-ma-na, Sa di, Sa-di-ni cũng Đột-kiết-la. Nếu Thức-xoa-ma-na khinh Thức-xoa-ma-na thì phạm Đột-kiết-la; nếu khinh Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Sa di, Sa-di-ni cũng phạm Đột-kiết-la. Nếu Sa di khinh Sa di thì phạm Đột-kiết-la; nếu khinh Sa-di-ni, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thứcxoa-ma-na cũng phạm Đột-kiết-la. Nếu Sa-di-ni khinh Sa-di-ni thì phạm Đột-kiết-la; nếu khinh Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức-xoa-ma-na, Sa di cũng phạm Đột-kiết-la .

Nếu Tỳ kheo nói lời ác độc với Tỳ kheo khác thì phạm tội; nói lời ác độc với Tỳ kheo ni, Thức-xoa-ma-na, Sa di, Sa-di-ni thì phạm Đột-kiết-la. Nếu Tỳ kheo ni nói lới ác độc với Tỳ kheo ni thì phạm tội; nói lời ác độc với Tỳ kheo, Thức-xoa-ma-na, Sa di, Sa-di-ni thì phạm Đột-kiết-la. Nếu Thức-xoa-ma-na nói lời ác độc với Thức-xoa-ma-na thì phạm Đột-kiết-la; nói lời ác độc với Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Sa di, Sa-di-ni cũng phạm Đột-kiết-la. Sa di nói lời ác độc với Sa di thì phạm Đột-kiết-la; nói lời ác độc với Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức-xoa-ma-na, Sa di, Sa-di-ni cũng phạm Đột-kiết-la.Nếu Sa-di-ni nói lời ác độc với Sa-di-ni thì phạm Đột-kiết-la; nói lời ác độc với Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức-xoa-ma-na, Sa di cũng phạm Đột-kiết-la .

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó các Tỳ kheo ni đến trong Kỳ hoàn nghe pháp, các Tỳ kheo trải tọa cụ xong vẫn còn dư, các Tỳ kheo ni vì tìm tọa cụ nên khổ não nói với các Tỳ kheo: “Các thầy đã trải tọa cụ xong vẫn còn dư, hãy cho chúng tôi mượn ngồi”, các Tỳ kheo nói: “Phật chưa cho chúng tôi trải tọa cụ còn dư đem cho Tỳ kheo ni mượn”, bạch Phật, Phật bảo: “Từ nay nếu trải tọa cụ còn dư thì nên cho Tỳ kheo ni mượn ngồi”. Phật tại thành Vương xá, lúc đó Trưởng lão Đại Ca diếp trước ngọ đắp y mang bát ra khỏi núi Kỳ-xà-quật vào thành khất thực, Tỳ kheo ni Thâu-la-Nan-đà đi ở phía sau dùng khuỷu tay thúc vào lưng của Trưởng lão, Đại Ca diếp nói: “Này cô, tôi không trách cô mà chỉ trách A-nan”, sau đó đem việc này bạch Phật, Phật bảo: “Từ nay không cho Tỳ kheo ni thúc vào lưng Tỳ kheo, nếu thúc vào lưng thì phạm Độtkiết-la”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Tỳ kheo ni trợ giúp Đề-bà-đạt-đa mặc đồ tơ lụa tạp sắc, các cư sĩ quở trách: “Sa-môn Thích nữ tự xưng là bậc hiền thiện có đức mà lại mặc đồ tơ lụa tạp sắc, đâu khác gì phu nhân của vua, vợ của đại thần”, bạch Phật, Phật nói: “Từ nay Tỳ kheo ni không được mặc đồ tơ lụa tạp sắc, nếu mặc thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó các Tỳ kheo ni dùng dây lụa tạp sắc cột thắt lưng, Phật bảo: “Từ nay Tỳ kheo ni không được dùng dây lụa tạp sắc cột thắt lưng, nếu dùng thì phạm Đột-kiết-la”. Lúc đó có Tỳ kheo ni trợ giúp Đề-bà-đạt-đa mặc các loại y xếp lai nhỏ, y vải thưa mỏng…, Phật bảo không được mặc, nếu mặc thì phạm Đột-kiết-la .

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Thâu-la-Nan-đà thường hay ưỡn người, các Tỳ kheo ni hỏi muốn làm gì, cô đáp là muốn thọ xúc lạc. Các Tỳ kheo ni đem việc này bạch Phật, Phật bảo: “Từ nay Tỳ kheo ni không được ưỡn người, nếu làm thế thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có một Tỳ kheo khất thực được thức ăn đều chia làm hai phần: Phần khất thực trước thì tự ăn, còn phần khất thực sau thì đem về phòng cho Tỳ kheo ni. Lúc đó trời mưa to nên Tỳ kheo ni không đến, không ai ăn thức ăn này nên Tỳ kheo đem bỏ trong Tăng phường, chim quạ tụ đến rỉa ăn và kêu la lớn tiếng. Sau khi thọ thực xong, Phật cùng A-nan đi đến đó xem và hỏi A-nan nguyên do, A-Nan đem việc trên bạch Phật, Phật hỏi A-nan: “Các Tỳ kheo đều cho Tỳ kheo ni không phải là bà con thức ăn phải không ?”, A-nan đáp vâng, Phật do việc này nhóm Tỳ kheo tăng rồi quở trách các Tỳ kheo: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại cho Tỳ kheo ni không phải là bà con thức ăn. Từ nay Tỳ kheo không được cho Tỳ kheo ni không phải là bà con thức ăn, nếu cho thì phạm Đột-kiết-la ”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó thời thế mất mùa đói kém khất thực khó được, vào ngày tiết hội thì các Tỳ kheo lại được cúng rất nhiều thức ăn nên ăn xong vẫn còn dư. Lúc đó các Tỳ kheo ni vì khất thực khó được nên khổ não, thấy các Tỳ kheo còn dư nhiều thức ăn nên nói rằng: “Hãy cho chúng tôi thức ăn dư này”, các Tỳ kheo nói: “Phật chưa cho chúng tôi cho Tỳ kheo ni thức ăn dư”, bạch Phật, Phật nói: “Gặp lúc mất mùa đói kém thì nên cho Tỳ kheo ni thức ăn dư”. Thời gian sau thời thế được mùa nên sung túc trở lại, khất thực dễ được nhưng các Tỳ kheo vẫn đem cho Tỳ kheo ni thức ăn dư, Tỳ kheo ni không thọ và nói rằng: “Thức ăn cách đêm đối với các thầy là bất tịnh, đối với chúng tôi cũng là bất tịnh”, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo: “Từ nay thức ăn cách đêm của-Tỳ kheo đối với Tỳ kheo ni là tịnh, ngược lại thức ăn cách đêm của-Tỳ kheo ni đối với Tỳ kheo là tịnh”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có Tỳ kheo hỏi Tỳ kheo ni về pháp chướng ngăn đạo, các Tỳ kheo ni xấu hổ không vui, đem việc này bạch Phật, Phật bảo: “Từ nay Tỳ kheo không được hỏi Tỳ kheo ni về pháp chướng ngăn đạo, Tỳ kheo nên hỏi Tỳ kheo về pháp chướng ngăn đạo”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có Tỳ kheo ni hỏi Tỳ kheo về pháp chướng ngăn đạo, các Tỳ kheo xấu hổ không vui, đem việc này bạch Phật, Phật bảo: “Từ nay Tỳ kheo ni không được hỏi Tỳ kheo về pháp chướng ngăn đạo, Tỳ kheo ni nên hỏi Tỳ kheo ni về pháp chướng ngăn đạo”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó các Tỳ kheo ni cho Thức-xoa-ma-na không thể chánh ngữ (phát âm không đúng) thọ giới cụ túc; khi Thứcxoa-ma-na này đến trong Tăng xin độ con thì lại phát âm thành thoa cho con, các Tỳ kheo ni trẻ đều cười to lên khiến Thức-xoa-ma-na này xấu hổ bỏ đi, không thọ giới cụ túc nữa. Các Tỳ kheo ni đem việc này bạch Phật, Phật bảo: “Từ nay nếu có Thức-xoa-ma-na không thể chánh ngữ thì cho Tỳ kheo ni khác bạch thay”. Pháp bạch thay như sau: Ni tăng nhất tâm hòa hợp, Tỳ kheo ni bạch thay nên từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch bày vai hữu chắp tay bạch Tăng:

Đại-đức tăng nhớ nghĩ, Thức-xoa-ma-na tên ………. không thể chánh ngữ nay theo Tăng xin thọ giới cụ túc, Hòa thượng ni là ……… Xin Tăng thương xót tế độ cho Thức-xoa-ma-na tên ……… được thọ giới cụ túc. Xin thương xót (3 lần).

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Trưởng lão Đại Ca diếp trước ngọ đắp y mang bát vào thành khất thực gặp trời mưa, Tỳ kheo ni Thâu laNan-đà đi ở phía sau đến ngửi vào người của Đại Ca diếp, Đại Ca diếp nói: “Cô hãy đi trước, đừng có theo ngửi tôi”, ni nói: “Đại-đức đi trước”, nói rồi cứ ngửi không thôi, Đại Ca diếp nói: “Này cô, tôi không trách cô mà chỉ trách A-nan”, sau đó đem việc này bạch Phật, Phật bảo: “Từ nay Tỳ kheo ni không được theo ngửi Tỳ kheo, nếu theo ngửi thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó trong thành có vợ của một thương nhân, người chồng đi xa buôn bán, người vợ ở nhà tư thông với người nam khác có thai, bụng càng ngày càng lớn, người vợ sợ chồng biết nên tự trục thai rồi suy nghĩ: “Không có ai đồng tình mang thai nhi này vứt bỏ giùm ta”. Lúc người vợ này đang lo buồn về thai nhi chết này thì có một Tỳ kheo ni đến nhà, ni này vốn thường qua lại nhà này và quen biết người vợ này nên khi thấy bà ta buồn rầu liền hỏi nguyên do, đáp: “Chồng tôi đi xa, tôi ở nhà tư thông với… nên tự trục thai ra, nhưng không tìm được ai đồng tình đem vứt bỏ thai nhi chết này giùm tôi. Cô có thể đem vứt nó giùm tôi không?”, ni đáp: “Được, nếu tôi đem vứt thì đâu ai biết”, nói rồi bỏ thai nhi chết vào trong cái chậu, đậy lên rồi đem đến chỗ khuất bỏ. Lúc đó có một đám trẻ đang chơi đùa ở gần đó, thấy Tỳ kheo ni bỏ cái chậu, muốn biết là vật gì trong đó nên đến giở xem, liền thấy một thai nhi đã chết, cùng nói kháo lên rằng: “Sa-môn Thích tử dâm dục, làm cho Tỳ kheo ni sanh con rồi giết bỏ”, một người nói cho hai người dần dần tiếng đồn vang khắp trong thành Xá-vệ. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “Từ nay Tỳ kheo ni không được đem vứt bỏ thai nhi chết giùm cho người khác, nếu làm thế thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó ni Quật-đa sanh con trai rồi suy nghĩ: “Phật kết giới không cho xúc chạm người nam, ta sanh con trai không biết phải làm sao”, bạch Phật, Phật bảo: “Người mẹ được xúc chạm người con cho đến khi chưa thể lìa mẹ, các ni khác thì không được xúc chạm, nếu xúc chạm thì phạm tội. Khi trẻ đến tuổi lìa được mẹ, nếu người mẹ còn xúc chạm thì phạm Đột-kiết-la”. Sau đó Quật-đa suy nghĩ: “Phật kết giới không cho ngủ chung một phòng với người nam, ta nay sanh con trai, không biết phải làm sao”, bạch Phật, Phật nói: “Người mẹ được ngủ chung với con cho đến lúc chưa lìa sữa, khi đến lúc lìa sữa mà người mẹ còn ngủ chung thì phạm Đột-kiết-la, Tỳ kheo ni khác ngủ chung thì phạm Ba-dật-đề”. Sau đó Quật-đa lại suy nghĩ: “Phật kết giới không cho một mình ngủ chung một phòng và xúc chạm cho đến một đêm, ta cần có một Tỳ kheo ni khác cùng ngủ chung”, bạch Phật, Phật do việc này nhóm Tỳ kheo ni tăng rồi bảo rằng: “Các cô hãy làm yết ma độc phòng (một mình riêng một phòng ) cho Tỳ kheo ni Quật-đa, nếu có ai khác giống như vậy cũng nên tác yết ma cho”.

Tác pháp yết ma độc phòng như sau: Ni tăng nhất tâm hòa hợp, Tỳ kheo ni Quật-đa từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch bày vai hữu chắp tay bạch Tăng:

Đại-đức tăng nhớ nghĩ, con là Quật-đa vì sanh một bé trai nên theo Tăng xin yết ma độc phòng. Xin Tăng thương xót cho con yết ma độc phòng (3 lần)

Một Tỳ kheo ni ở trong Tăng tác bạch yết ma như sau:

Đại-đức Tăng lắng nghe, Quật-đa này vì sanh một bé trai nên theo Tăng xin yết ma độc phòng. Nếu tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, Tăng nay cho Quật-đa yết ma độc phòng. Bạch như vậy.

Như thế Bạch-nhị-yết-ma cho đến câu Tăng đã chấp thuận cho Quật-đa yết ma độc phòng xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lạng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó các Tỳ kheo thường ra vào nhà người cùng quen biết nhau, các cư sĩ nói: “Thầy hãy độ con gái tôi làm Ưubà-di”, Tỳ kheo đáp: “Phật không cho chúng tôi xúc chạm người nữ thì làm sao độ được”, bạch Phật, Phật bảo: “Vì tâm từ nên độ họ làm Ưu-bà-di”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó các Tỳ kheo ni thường ra vào nhà người cùng quen biết nhau, các cư sĩ nói: “Cô hãy độ con trai tôi làm Ưu-bà-tắc”, Tỳ kheo đáp: “Phật không cho chúng tôi xúc chạm người nam thì làm sao độ được”, bạch Phật, Phật bảo: “Vì tâm từ nên độ họ làm Ưu-bà-tắc”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó các Tỳ kheo thường ra vào nhà người cùng quen biết nhau, vợ các cư sĩ nói: “Các cô hãy cho chúng tôi một miếng y cũ rách để thủ hộ đứa trẻ”, các Tỳ kheo ni không biết làm sao, đem việc này bạch Phật, Phật bảo: “Vì tâm từ bi nên cho họ”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có nhiều cô gái dòng họ Thích cao quý xuất gia làm Tỳ kheo ni, khi khất thực đắp y để lộ ngực nên bị các cư sĩ quở trách: “Sa-môn Thích nữ tự xưng là bậc hiền thiện có đức mà lại đắp y để lộ ngực khi khất thực, giống như phu nhân của vua, vợ của đại thần”, các Tỳ kheo ni đem việc này bạch Phật, Phật bảo: “Từ nay cho dùng y phú hiếp để che phủ ngực khi khất thực”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có Tỳ kheo ni một mình đi vào trong vườn Lạc thiện gặp giặc cướp lột hết quần áo, bạch Phật, Phật bảo: “Từ nay không cho Tỳ kheo ni đi vào trong vườn Lac thiện, tất cả các vườn khác cũng không cho vào, nếu vào thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó có Tỳ kheo ni trợ giúp Đề-bà-đạtđa ở trước người nam vào ao tắm, các cư sĩ quở trách: “Sa-môn Thích nữ tự xưng là bậc hiền thiện có đức mà lại ở trước người nam vào ao tắm, đâu khác gì dâm nữ”. Có Tỳ kheo ni thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này không vui, đem việc này bạch Phật, Phật do việc này nhóm Ni tăng rồi quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo ni lại ở trước người nam vào ao tắm. Từ nay Tỳ kheo ni không được ở trước người nam vào ao tắm, nếu làm thế thì phạm Ba-dật-đề”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Cù-đàm-di Ma-ha-ba-xà-ba-đề hết lòng hộ Phật pháp, dùng lời nói điều phục làm các pháp yết ma Khổthiết, yết ma Y chỉ, yết ma tẫn, yết ma Hạ-ý cho các Tỳ kheo ni. Các Tỳ kheo ni trẻ khinh mạn nói rằng: “Hòa thượng ni của tôi là ………, A-xà-lê ni của tôi là …….., tôi từ trong Tăng …….. thọ giới cụ túc; còn Tỳ kheo ni già xấu này không biết ai là Hòa thượng ni, ai là A-xà-lê ni và từ trong Tăng nào thọ giới cụ túc”, Cù-đàm-di nghe rồi trong lòng không vui, đem việc này bạch Phật, Phật do việc này nhóm Ni tăng rồi bảo các Tỳ kheo ni rằng: “Các cô chớ xúc não Cù-đàm-di Ma-ha-baxà-ba-đề, vì Cù-đàm-di khi thọ tám trọng pháp liền được xuất gia thọ giới cụ túc và thành Tỳ kheo ni”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Tỳ kheo ni Liên-hoa-sắc trước ngọ đắp y mang bát vào thành khất thực, thọ thực xong để Ni-sư-đàn trên vai phải đi vào rừng An-đà, trải Ni-sư-đàn bên gốc cây rồi ngồi bán già. Lúc đó có con trai của một Bà-la-môn thấy ni này liền sanh tâm ham muốn liền đến chỗ nói rằng: “Hãy cùng tôi làm hạnh bất tịnh”, Liênhoa-sắc suy nghĩ: “Nếu ta chống đối thì hắn sẽ cưỡng bức ta”, nghĩ rồi liền nói đợi một chút, hỏi vì sao, đáp là hãy đợi, nói rồi dùng thần lực biến nội thân thành ngoại thân, con trai Bà-la-môn tức giận nói: “Làm cho ta chán ghét”, nói rồi liền dùng nắm tay đánh vào đầu của ni khiến cho hai tròng mắt văng ra ngoài. Sau đó một Tỳ kheo ni khác lượm lấy hai tròng mắt bỏ vào trong chậu nước đi đến chỗ Phật, đem việc này bạch Phật, Phật bảo: “Các Tỳ kheo ni hãy nói lời chân thật rằng: Tỳ kheo ni Liên-hoa-sắc ở trong Phật pháp, tâm tin ưa sâu xa, đối với Phật pháp tăng không có tịnh vật nào là không tịnh thí. Nếu là lời chân thật thì xin cho hai mắt của cô được bình phục như cũ”, các Tỳ kheo ni vâng lời Phật dạy nói lời chân thật như trên rồi, hai mắt của Liên-hoa-sắc liền được bình phục như cũ. Lúc đó Phật bảo các Tỳ kheo ni: “Từ nay Tỳ kheo ni không được ơ nơi A-lan-nhã, nếu ở thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó các Tỳ kheo ni nương ở gần chỗ người chăn bò, bị tiếng voi, ngựa, tiếng nam nữ nói cười… làm trở ngại việc tụng kinh tọa thiền. Sáng hôm sau đắp y mang bát đến nhà bà con và đàn việt quen biết, họ hỏi thăm ở có được an không, liền đáp là không an, hỏi vì sao, liền nói rõ nguyên do, các cư sĩ nói: “Chúng tôi làm phòng xá cho các cô ở”, các Tỳ kheo ni nói: “Phật chưa cho chúng tôi ở trong phòng xá”, bạch Phật, Phật nói: “Từ nay cho các Tỳ kheo ni làm Tăng phường”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Tỳ kheo ni trợ giúp Đề-bà-đạt-đa ở chung với các Tỳ kheo ni thiện, thường hay xúc não các vị này. Các Tỳ kheo ni thiện này trước ngọ đắp y mang bát đến nhà bà con và đàn việt quen biết, họ hỏi thăm ở có được an không, liền đáp là không an, hỏi vì sao, liền nói rõ nguyên do, các cư sĩ nói: “Chúng tôi sẽ làm phòng xá riêng cho các cô”, các Tỳ kheo ni thiện nói: “Phật chưa cho chúng tôi ở phòng xá riêng”, bạch Phật, Phật bảo: “Từ nay cho Tỳ kheo ni ở phòng xá riêng”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Tỳ kheo ni trợ giúp Đề-bà-đạt-đa thích đứng ở chỗ cao ngoài cửa để nhìn, các cư sĩ quở trách: “Sa-môn Thích nữ tự xưng là bậc hiền thiện có đức mà lại đứng ở chỗ cao ngoài cửa để nhìn giống như dâm nữ”, Phật bảo: “Từ nay không cho Tỳ kheo ni đứng ở chỗ cao ngoài cửa để nhìn, nếu làm thế thì phạm Ba-dật-đề”. Sau đó Tỳ kheo ni này lại đứng nhìn qua song cửa, các cư sĩ quở trách: “Sa-môn Thích nữ tự xưng là bậc hiền thiện có đức mà lại đứng nhìn qua song cửa, như phu nhân của vua, vợ của đại thần”, Phật bảo: “Từ nay không cho Tỳ kheo ni đứng nhìn qua song cửa, nếu nhìn thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó các Tỳ kheo ni cho Thức-xoa-ma-na thọ giới cụ túc, hỏi: “Cô là người nữ phải không?”, đáp: “Tôi có hai căn”, các Tỳ kheo ni không biết làm sao, bạch Phật, Phật bảo: “Người có hai căn không phải là người nữ, nếu không phải là người nữ thì không nên cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì nên làm yết ma tẫn, vì sao, vì người có hai căn ở trong pháp của ta sẽ không sanh thiện pháp Tỳ-ni”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó các Tỳ kheo ni cho Thức-xoa-ma-na thọ giới cụ túc, hỏi: “Cô là người nữ phải không?”, đáp: “Khi tôi tiểu tiện thì đại tiện cũng ra theo, khi tôi đại tiện thì tiểu tiện cũng ra theo”, các Tỳ kheo ni không biết làm sao, bạch Phật, Phật bảo: “Người có hai đường hợp môt thì không phải là người nữ, nếu không phải là người nữ thì không nên cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì nên làm yết ma tẫn, vì sao, vì người có hai đường hợp môt ở trong pháp của ta sẽ không sanh thiện pháp Tỳ-ni”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó các Tỳ kheo ni cho Thức-xoa-ma-na thọ giới cụ túc, hỏi: “Cô có nguyệt kỵ không?”, đáp: “Tôi thường có ”, các Tỳ kheo ni không biết làm sao, bạch Phật, Phật bảo: “Người thường có nguyệt kỵ thì không phải là người nữ, nếu không phải là người nữ thì không nên cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì nên làm yết ma tẫn, vì sao, vì người thường có nguyệt kỵ ở trong pháp của ta sẽ không sanh thiện pháp Tỳ-ni”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó các Tỳ kheo ni cho Thức-xoa-ma-na thọ giới cụ túc, hỏi: “Cô có nguyệt kỵ đã dứt chưa ?”, đáp: “Tôi thường không có nguyệt kỵ”, các Tỳ kheo ni không biết làm sao, bạch Phật, Phật bảo: “Người thường không có nguyệt kỵ thì không phải là người nữ, nếu không phải là người nữ thì không nên cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì nên làm yết ma tẫn, vì sao, vì người thường không có nguyệt kỵ ở trong pháp của ta sẽ không sanh thiện pháp Tỳ-ni”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó các Tỳ kheo ni cho Thức-xoa-ma-na thọ giới cụ túc, hỏi: “Cô là người nữ phải không?”, đáp: “Tôi thiếu tướng nữ”, các Tỳ kheo ni không biết làm sao, bạch Phật, Phật bảo: “Người thiếu tướng nữ thì không phải là người nữ, nếu không phải là người nữ thì không nên cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì nên làm yết ma tẫn, vì sao, vì người thiếu tướng nữ ở trong pháp của ta sẽ không sanh thiện pháp Tỳ-ni”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó ni Thâu la-Nan-đà có nguyệt kỵ chưa hết mà đi vào tụ lạc, máu chảy dính dơ nên bị các cư sĩ trách: “Tại sao có nguyệt kỵ lại đi vào tụ lạc”, các Tỳ kheo ni bạch Phật, Phật bảo: “Từ nay Tỳ kheo ni có nguyệt kỵ chưa hết mà đi ra ngoài thì phạm Đột-kiếtla”. Lúc đó có Tỳ kheo ni nghèo khổ tuy nguyệt kỵ chưa hết nhưng vẫn phải khất thực rất khổ cực, Phật bảo: “Nên dùng y lót ở trong rồi hãy ra ngoài khất thực”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Trưởng lão Đại Ca diếp trước ngọ đắp y mang bát vào thành khất thực, ni Thâu-la-Nan-đà sáng sớm đã đứng bên trong cửa thành nhìn ngắm nam tử ra vào, ai đẹp, ai xấu thì gặp Đại Ca diếp vào thành, cô liền nhổ nước miếng nói rằng: “Mới sáng sớm đã gặp phải người vốn là ngoại đạo xuất gia này rồi”, Đại Ca diếp nói: “Này cô, tôi không trách cô mà chỉ trách A-nan”, sau đó đem việc này bạch Phật, Phật bảo: “Từ nay Tỳ kheo ni không được nhổ nước miếng trước Tỳ kheo, nếu làm thế thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó các Tỳ kheo ni ở trước Tỳ kheo sám hối tội Thô, Tỳ kheo xấu hổ không biết làm sao, đem việc này bạch Phật, Phật bảo: “Từ nay Tỳ kheo ni phạm tội Thô không nên sám hối trước Tỳ kheo, nên sám hối trước Tỳ kheo ni”. Lúc đó các Tỳ kheo ni phát lồ tội đã làm lại không biết là tội gì, nhiếp thuộc thiên giới nào nên bạch Phật, Phật bảo: “Nên hỏi Tỳ kheo để biết tội đã làm là tội gì, nhiếp thuộc thiên giới nào; Tỳ kheo nên đáp tội đã làm là tội gì, nhiếp thuộc trong thiên giới nào”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Tỳ kheo ni nguyệt kỵ chưa hết, vào trong Kỳ hoàn nghe pháp ngồi trên tọa cụ của Tăng, máu dính dơ tọa cụ. Trưởng lão Đà-phiêu hôm sau phải đem tọa cụ đi giặt nên quở trách:

“Tỳ kheo ni có bịnh như vậy sao lại ngồi trên tọa cụ của Tăng”, bạch Phật, Phật bảo: “Từ nay Tỳ kheo ni nếu nguyệt kỵ chưa hết thì không được ngồi trên tọa cụ của Tăng, nếu ngồi thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Tỳ kheo ni trợ giúp Đề-bà-đạt-đa mở quán rượu, khi đòi tiền rất khổ cực, các cư sĩ trách: “Đã là người xuất gia sao lại mở quán rượu”, các Tỳ kheo ni đem việc này bạch Phật, Phật bảo: “Từ nay Tỳ kheo ni không được mở quán rượu, nếu mở thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó ni Thâu la-Nan-đà nuôi đầy tớ làm quyến thuộc, các cư sĩ quở trách: “Sa-môn Thích nữ tự xưng là bậc hiền thiện có đức mà lại nuôi đầy tớ làm quyến thuộc giống như phu nhân của vua, vợ của đại thần”, các Tỳ kheo ni đem việc này bạch Phật, Phật bảo: “Từ nay không cho Tỳ kheo ni nuôi đầy tớ làm quyến thuộc, nếu nuôi thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó ni Thâu la-Nan-đà độ dâm nữ làm đệ tử, ni dâm nữ này sáng sớm đắp y mang bát vào thành khất thực gặp các cư sĩ đã cùng cô làm hạnh bất tịnh trước kia, các cư sĩ này liền nói: “Trước đây tôi đã cùng Tỳ kheo ni này làm hạnh bất tịnh”, ni dâm nữ này nghe rồi không vui, bạch Phật, Phật bảo: “Từ nay không cho Tỳ kheo ni độ dâm nữ, nếu độ thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Trưởng lão Ca-lưu-đà-di trước ngọ đắp y mang bát vào thành khất thực, ni Thâu la-Nan-đà đi phía sau dùng tay xúc chạm Ca-lưu-đà-di, Ca-lưu-đà-di liền dùng tay chân đánh đá khiến ni ngã lăn ra đất rồi nói: “Cô tưởng ta giống như Trưởng lão Đại Ca diếp hay sao”, các Tỳ kheo ni đem việc này bạch Phật, Phật bảo: “Từ nay Tỳ kheo ni không được xúc chạm thân Tỳ kheo, nếu xúc chạm thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại nước Câu-xá-di, lúc đó Tỳ kheo Ca-lưu-la-đề-xá qua đời. Bảy chị em của thầy đều là Tỳ kheo ni tên Thâu-la-Nan-đà, Châu-naNan-đà, Đề-xá, Ưu-ba-đề-xá, Thành-đa-đề-xá. Hòa-lê-đề-xá và Lặc- xoa-đa. Bảy Tỳ kheo ni đều có thế lực lớn quen biết nhiều nên làm tang lễ cúng tế rất lớn rồi mới thiêu tử thi. Các cư sĩ trách: “Các vị đã xuất gia nhập đạo sao lại còn cho người chết ăn uống”, các Tỳ kheo ni đem việc này bạch Phật, Phật bảo: “Từ nay Tỳ kheo ni không được cúng tế người chết, nếu cúng tế thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có Tỳ kheo mất nam căn lại có nữ căn, các Tỳ kheo không biết làm sao, đem việc này bạch Phật, Phật bảo: “Nên lấy tuổi hạ xuất gia thọ giới cụ túc trước đó mà vào trong chúng Tỳ kheo ni”. Lại có trường hợp Tỳ kheo ni mất nữ căn lại có nam căn, các Tỳ kheo ni bạch Phật, Phật bảo: “Nên lấy tuổi hạ xuất gia thọ giới cụ túc trước đó mà vào trong chúng Tỳ kheo “.