THẬP LUẬT TỤNG
Hán dịch: Hậu Tần Phất Nhược Đa La cộng La Thập dịch
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 36

TỤNG THỨ SÁU TẠP TỤNG

(Có 2 pháp)

I. VIỆC CỦA ĐIỀU ĐẠT (Đề-bà-đạt-đa):

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Điều-đạt ở trong Phật pháp tâm tín kính thanh tịnh, đeo đồ trang nghiêm trị giá ba mươi vạn kim tiền đi xuất gia, cưỡi voi Điều thiện trị giá mười vạn kim tiền, lưới vàng trang sức trên mình voi cũng trị giá mười kim tiền, y phục mà Điều-đạt mặc cũng trị giá mười kim tiền. Điều-đạt xuất gia trong mười hai năm thiện tâm tu hành, đọc tụng kinh điển, hỏi nghi, thọ pháp, tọa thiền, những kinh pháp Phật thuyết thảy đều đọc tụng. Ở cõi này do có cây Diêm phù nên được gọi là cõi Diêm-phù-đề, các Tỳ kheo có đại thần thông lực đến cây Diêm phù này hái trái về ăn. Cách cây Diêm phù không xa có rừng Ha-lê-lặc, rừng A-ma-lặc, rừng Tỳ-ê-lặc, các Tỳ kheo cũng đến đó hái trái về ăn; lại đến cõi Uất đơn việt lấy lúa gạo tự nhiên về ăn; lại lên cõi trời Đao lợi lấy vị thức ăn Tu đà về ăn, dùng thần thông lực như thế đi khắp đông tây nam bắc. Điều-đạt thấy rồi liền khởi tâm tham suy nghĩ: “Khi nào ta có đại thần thông lực như thế, ta sẽ dùng thần thông lực đến cây Diêm phù này hái trái về ăn; sau đó đến rừng Ha-lê-lặc, rừng A-ma-lặc, rừng Tỳ-ê-lặc hái trái về ăn; lại đến cõi Uất đơn việt lấy lúa gạo tự nhiên về ăn; lại lên cõi trời Đao lợi lấy vị thức ăn Tu đà về ăn, dùng thần thông lực như thế đi khắp đông tây nam bắc. Tại sao ta không đến hỏi Phật về đạo thần thông?”, nghĩ rồi liền đến chỗ Phật đảnh lễ rồi hỏi về đạo lực thần thông. Phật biết trước người này nếu được pháp thần thông sẽ làm việc ác nên không nói mà bảo rằng: “Điều-đạt hãy thôi đi, thầy cần gì đạo lực thần thông, hãy nên quán vô thường khổ không vô ngã”. Điều-đạt nghe lời này xong, trong lòng bất nhẫn không vui, chỉ một lòng muốn được đạo lực thần thông nên suy nghĩ: “Xá-lợi-phất là đệ tử bậc nhất của Phật, như Phật đã nói là trí Tuệ bậc nhất trong các đệ tử trí Tuệ. Ta nên đến hỏi về đạo lực thần thông, tôn giả sẽ nói cho ta biết”, nghĩ rồi liền đến hỏi Xá-lợi-phất về đạo lực thần thông. Xá-lợiphất cũng biết trước người này nếu được pháp thần thông sẽ làm việc ác nên không nói mà bảo rằng: “Điều-đạt hãy thôi đi, thầy cần gì đạo lực thần thông, hãy nên quán vô thường khổ không vô ngã”. Điều-đạt nghe lời này xong, trong lòng bất nhẫn không vui, chỉ một lòng muốn được đạo lực thần thông nên suy nghĩ: “Mục-liên là đệ tử bậc nhất của Phật, như Phật đã nói là thần thông bậc nhất trong các đệ tử có thần thông. Ta nên đến hỏi về đạo lực thần thông, tôn giả sẽ nói cho ta biết”, nghĩ rồi liền đến hỏi Đại Mục-kiền-liên về đạo lực thần thông. Mụcliên cũng biết trước người này nếu được pháp thần thông sẽ làm việc ác nên không nói mà bảo rằng: “Điều-đạt hãy thôi đi, thầy cần gì đạo lực thần thông, hãy nên quán vô thường khổ không vô ngã”. Điều-đạt nghe lời này xong, trong lòng bất nhẫn không vui, chỉ một lòng muốn được đạo lực thần thông nên đi đến chỗ năm trăm vị đại đệ tử của Phật để hỏi về đạo lực thần thông, nhưng không ai chịu nói. Lúc đó Điều-đạt suy nghĩ: “A-nan là em ta, là đệ tử bậc nhất của Phật, như Phật đã nói là đa văn tối thắng trong các đệ tử đa văn, ta nên đến hỏi, A-nan sẽ nói cho ta biết”, nghĩ rồi liền đến hỏi A-nan về đạo lực thần thông. Do Anan chưa ly dục nên không biết quá khứ vị lai, nghe hỏi về đạo lực thần thông bèn dực trên trí Tuệ đa văn của mình thuyết giảng cho Điều-đạt nghe. Điều-đạt thọ pháp thần thông rồi liền đến trong rừng núi, đồng trống, hang đá để siêng năng tu tập; do siêng năng tu tập nên chứng đắc tứ thiền của thế tục, nhờ tứ thiền này mà khởi thần thông lực. Điều-đạt liền dùng thần thông lực đến cây Diêm-phù này hái trái về ăn, lại đến rừng Ha-lê-lặc, rừng A-ma-lặc, rừng Tỳ-ê-lặc, các Tỳ kheo hái trái về ăn; lại đến cõi Uất-đơn-việt lấy lúa gạo tự nhiên về ăn; lại lên cõi trời Đao lợi lấy vị thức ăn Tu-đà về ăn, dùng thần thông lực như thế đi khắp đông tây nam bắc. Điều-đạt này trước nay đối với Phật đã có ác tâm, nghĩ rằng: “Sa-môn Cù đàm về dòng tộc không hơn ta, Phật dòng tộc Cù đàm, sanh trong nhà họ Thích; ta cũng dòng tộc Cù đàm, sanh trong nhà họ Thích. Phật được nhiều người cúng dường với tâm thanh tịnh đều là nhờ thần thông lực. Nay ta nên dựa vào ai, dùng thần thông lực này để nhiếp phục người đó khiến cho nhiều người tùy thuận ta”, lại nghĩ: “Vua Bình sa là vị tối cao trong nước lại là đệ tử không thối chuyển của Phật, dú ta có dùng thần thông lực kéo dắt cũng không thể được”. Điềuđạt này vốn thông hiểu ngoại thơ nên có thể xem thiên văn để đoán việc lành dữ của người, có thể xem tướng khác lạ trong trời đất. Cho nên vừa nhìn thấy con của vua Bình sa là thái tử A-xà-thế có tướng làm vua, liền suy nghĩ: “Ta sẽ dùng thần thông lực để nhiếp phục người này trở thành đàn việt của ta, do nhân duyên này nhiều người sẽ tùy thuận ta”, nghĩ rồi liền biến thân làm voi báu đến nhà của thái tử, không từ ngoài cửa đi vào mà lại từ trong cửa đi ra, hoặc từ cửa đi vào mà không từ cửa đi ra, mục đích muốn cho A-xà-thế biết đây chính là Điều-đạt. Lại biến thân làm ngựa báu, không từ ngoài cửa đi vào mà lại từ trong cửa đi ra, hoặc từ cửa đi vào mà không từ cửa đi ra, mục đích muốn cho A-xà-thế biết đây chính là Điều-đạt. Lại hiện làm tràng hoa báu ở trên đầu gối của thái tử, thái tử cầm tràng hoa này đeo lên trán; hiện tướng như vậy mục đích muốn cho A-xà-thế biết đây chính là Điều-đạt. Lại hiện làm đứa bé khôi ngô đeo vàng và chuỗi anh lạc ngồi trên đầu gối của thái tử rồi chạy tung tăng khắp nơi, thái tử bồng bế và cùng đùa giỡn; hiện tướng như thế mục đích muốn cho A-xà-thế biết đây chính là Điều-đạt. Điều-đạt dùng thần thông lực này để kéo đắt tâm thái tử, lúc đó thái tử sanh ác tà kiến cho rằng thần thông lực của Điều-đạt hơn Phật nên khởi tâm cung kính Điều-đạt, cúng dường tứ sự đầy đủ, hằng ngày đưa đến năm trăm chõ thức ăn trên năm trăm cỗ xe và tự tay thái tử dâng thức ăn cúng dường.

Lúc đó các Tỳ kheo trước giờ ngọ đắp y mang bát vào thành Vương xá khất thực, nghe biết việc này rồi nên sau khi thọ thực xong liền đến chỗ Phật đảnh lễ rồi đem việc đã nghe biết được bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo : “Các thầy đừng tham sự cúng dường này của Điều-đạt, vì sao, vì Điều-đạt được sự cúng dường này là tự làm tổn chính mình. Như cây tre, cây lau ra hoa sẽ chết, cây chuối trỗ buồng sẽ chết, con La mang thai sẽ chết. Điều-đạt cũng giống như thế”, Phật liền nói kệ:

“Cây chuối trỗ buồng sẽ chết,
Tre, lau ra hoa sẽ chết,
Con La mang thai sẽ chết,
Tiểu nhân được cúng liền hoại,
Người này cũng giống như thế.”

Phật bảo các Tỳ kheo: “Điều-đạt là người ngu si, tùy được lợi dưỡng như thế bao nhiêu, sẽ chịu khổ não lâu dài bấy nhiêu và sanh vào ác đạo. Này các Tỳ kheo, ví như người khỏe mạnh đánh vào mũi của con chó dữ, ý các thầy nghĩ sao, con chó này có hung dữ nữa không?”, đáp là rất hung dữ, Phật nói: “Điều-đạt cũng như vậy, được sự cúng này này bao nhiêu sẽ chịu khổ não lâu dài bấy nhiêu và sanh trong ác 22 đạo”.

Lúc đó Điều-đạt được cúng dường ngày càng nhiều nên bị tâm tham che lấp, khởi ác tâm như sau: “Nếu Phật bỏ chúng tăng, ta sẽ dẫn dắt chúng tăng”, vừa khởi ác tâm này, Điều-đạt liền thối mất thần thông. Lúc đó tôn giả Mục-liên đang ở trong hang Ca-lăng-già-lô nước Chi-đề, có Tỳ kheo Ca-phù-đà là con của Câu la, đệ tử của Mục-liên, đã xả năm dục, tu bốn phạm hạnh nên khi lâm chung được sanh lên cõi trời Phạm thế. Phạm thiên Ca-phù-đà này thấy Điều-đạt thối mất thần thông liền ẩn thân nơi cõi trời Phạm, như tráng sĩ co duỗi cánh tay hiện thân trước Mục-liên, xuất định rồi nói với Mục-liên: “Tôn giả biết không, Điều-đạt đã thối mất thần thông, tôn giả đến chỗ Phật nên bạch việc này”, Mục-liên nghe rồi liền nhập định án tâm của Điều-đạt, liền thấy Điều-đạt đã thối mất thần thông, thấy rồi xuất định, im lặng nhận lời thỉnh của Phạm thiên. Phạm thiên biết tôn giả đã nhận lời, đảnh lễ hữu nhiễu rồi đi. Phạm thiên vừa đi, tôn giả liền nhập định ẩn thân ở hang Ca-lăng-già-lo, hiện thân ở thành Vương xá cách chỗ Phật không xa, xuất định rồi đến chỗ Phật, đảnh lễ rồi bạch Phật: “Thế tôn, như lời Phạm thiên đã nói, Điều-đạt đã thối mất thần thông”, Phật nói: “Thầy trước đó không biết tâm của Điều-đạt như lời Phạm thiên Ca-phù-đà nói phải không ?”, Phật vừa nói xong thì Điều-đạt và bốn đệ tử cùng đến, Phật nhìn thấy rồi liền nói với Mục-liên: “Thầy đừng nói gì, khi người ngu si này đến sẽ tự hiện bày việc này”. Lúc đó Mục-liên suy nghĩ: “Sao ta không nhập định, ẩn thân ngay trên tòa ngồi để Điều-đạt không nhìn thấy”, nghĩ rồi liền nhập định ẩn thân, tuy vẫn còn ngồi trên tòa nhưng Điều-đạt không nhìn thấy. Điều-đạt cùng bốn đệ tử đến đảnh lễ Phật rồi lui ngồi một bên bạch Phật: “Thế tôn tuổi đã già suy, hãy giao phó chúng tăng cho con, Phật nên một mình hưởng thọ hiện pháp lạc; nếu Phật giao chúng tăng cho con, con sẽ dẫn dắt họ”, Phật nói: “Xá-lợi-phất, Đại Mục-kiền-liên có đại trí Tuệ,Đại-thần thông; ta còn chưa giao phó chúng tăng, huống chi thầy là người ngu si ăn đàm dãi của kẻ khác”. Điều-đạt vừa nghe lời mắng này trong lòng sân hận, muốn hủy báng Phật nhưng hai mí mắt sụp xuống, im lặng không nói gì, nghĩ rằng: “Phật khen ngợi Xá-lợi-phất, Đại Mục-kiền-liên khiến họ thành người vĩ đại; chê bai mắng nhiếc ta khiến ta trở thành kẻ thấp hèn”, nghĩ rồi liền đứng dậy bỏ đi. Đây là lần đầu tiên Điều-đạt có tâm sân hận đối với Phật và các vị đại đệ tử của Phật như Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên. Lúc đó A-nan đang đứng quạt hầu cho Phật, Phật bảo A-nan: “Thầy hãy đi thông báo cho các Tỳ kheo trong thành Vương xá đến tụ họp ở giảng đường, tụ họp xong thì bào cho Như lai biết”, A-nan vâng lời Phật dạy đi thông báo, các Tỳ kheo tụ họp xong liền đến bạch Phật tự biết thời. Phật đến giảng đường trải tòa ngồi giữa đại chúng bảo các Tỳ kheo: “Này các Tỳ kheo, ở đời có năm loại bậc thầy:

Một là bậc thầy không thanh tịnh trì giới mà tự nói là thanh tịnh trì giới, các đệ tử cùng ở chung biết thầy mình không thanh tịnh trì giới mà tự nói là thanh tịnh trì giới, nhưng họ lại nghĩ là nếu chúng ta nói sự thật này thì thầy sẽ không vui, chúng ta cũng không vui; huống chi chúng ta nhờ thầy mà được y thực, ngọa cụ, thuốc thang… thầy chăm lo cho chúng ta thì chúng ta không nên nói gì. Như vậy các đệ tử che giấu, che chỡ về việc trì giới giúp cho thầy; thầy cũng theo đệ tử cầu được che giấu, che chỡ về việc trì giới.

Hai là bậc thầy mạng bất tịnh (nghề nghiệp sinh sống không thanh tịnh) mà tự nói là tịnh mạng, các đệ tử cùng ở chung biết thầy mình mạng không thanh tịnh trì mà tự nói là mạng thanh tịnh, nhưng họ lại nghĩ là nếu chúng ta nói sự thật này thì thầy sẽ không vui, chúng ta cũng không vui; huống chi chúng ta nhờ thầy mà được y thực, ngọa cụ, thuốc thang… thầy chăm lo cho chúng ta thì chúng ta không nên nói gì. Như vậy các đệ tử che giấu, che chỡ về việc tịnh mạng giúp cho thầy; thầy cũng theo đệ tử cầu che chỡ che giấu về việc tịnh mạng.

Ba là bậc thầy tri kiến không thanh tịnh mà tự nói là tri kiến thanh tịnh, các đệ tử cùng ở chung biết thầy mình tri kiếnkhông thanh tịnh mà tự nói là tri kiến thanh tịnh, nhưng họ lại nghĩ là nếu chúng ta nói sự thật này thì thầy sẽ không vui, chúng ta cũng không vui; huống chi chúng ta nhờ thầy mà được y thực, ngọa cụ, thuốc thang… thầy chăm lo cho chúng ta thì chúng ta không nên nói gì. Như vậy các đệ tử che giấu, che chỡ về việc tri kiến thanh tịnh giúp cho thầy; thầy cũng theo đệ tử cầu che giấu, che chỡ về việc tri kiến thanh tịnh.

Bốn là bậc thầy không khéo ghi nhớ sự việc mà tự nói là khéo ghi nhớ, các đệ tử cùng ở chung biết thầy mình không khéo ghi nhớ sự việc mà tự nói là khéo ghi nhớ, nhưng họ lại nghĩ là nếu chúng ta nói sự thật này thì thầy sẽ không vui, chúng ta cũng không vui; huống chi chúng ta nhờ thầy mà được y thực, ngọa cụ, thuốc thang… thầy chăm lo cho chúng ta thì chúng ta không nên nói gì. Như vậy các đệ tử che giấu, che chỡ về việc khéo ghi nhớ sự việc giúp cho thầy; thầy chũng theo đệ tử cầu che giấu, che chỡ về việc khéo ghi nhớ sự việc.

Năm là bậc thầy không thuyết pháp thanh tịnh mà tự nói là thuyết pháp thanh tịnh, các đệ tử cùng ở chung biết thầy mình không thanh tịnh trì giới mà tự nói là thanh tịnh trì giới, nhưng họ lại nghĩ là nếu chúng ta nói sự thật này thì thầy sẽ không vui, chúng ta cũng không vui; huống chi chúng ta nhờ thầy mà được y thực, ngọa cụ, thuốc thang… thầy chăm lo cho chúng ta thì chúng ta không nên nói gì. Như vậy các đệ tử che giấu, che chỡ về việc thuyết pháp thanh tịnh giúp cho thầy; thầy cũng theo đệ tử cầu che giấu, che chỡ về việc thuyết pháp thanh tịnh.

Này các Tỳ kheo, Như lai thanh tịnh trì giới, cũng tự nói là thanh tịnh trì giới. Như lai không cầu đệ tử che giấu hay che chỡ về việc thanh tịnh trì giới. Như lại là tịnh mạng, cũng tự nói là tịnh mạng; Như lai cũng không cầu đệ tử che giấu hay che chỡ về tịnh mạng. Như lai có tri kiến thanh tịnh, cũng tự nói ta có tri kiến thanh tịnh; Như lai không cầu đệ tử che giấu hay che chỡ về tri kiến thanh tịnh. Như lai khéo ghi nhớ sự việc, cũng tự nói là khéo ghi nhớ sự việc; Như lai không cầu đệ tử che giấu hay che chỡ về việc khéo ghi nhớ sự việc. Như lai thuyết pháp thanh tịnh, cũng tự nói là thuyết pháp thanh tịnh; Như lai không cầu đệ tử che giấu hay che chỡ vế thuyết pháp thanh tịnh. Như lai thật có pháp này, sao lại không nói như thật; Như lai không tùy thuận người khác, cũng không uốn mình theo lời nói của người khác. Ví như thợ gốm khi cầm ly tách, bình… không dám cầm hấp tấp; Như nói lời chân thật, nói lời rõ ràng có sức chiết phục. Cho nên những ai tâm kiên cố thì ở lại, những ai tâm không kiên cố thì cứ đi; các thầy ở trong pháp ngữ của Như lai phải khéo nhẫn thọ”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Điều-đạt (Đề-bà-đạt-đa) tìm cách phá hòa hợp tăng, thọ trì việc phá tăng; người này có tâm tật đố đang suy nghĩ tìm cách phá Tăng: “Một mình ta không thể phá được hòa hợp Tăng của Sa-môn Cù đàm và hoại chuyển pháp luân”. Đề-bà-đạt-đa có bốn bạn đảng: Một tên là Câu-già-le, hai tên là Xiển-đà Đà-phiêu, ba tên là Ca-lưu-đà-đề-xá và bốn tên là Tam-văn-đạt-đa. Lúc đó Đề-bàđạt-đa đến chỗ bốn người nói rằng: “Các vị hãy họp sức với ta phá hòa hợp tăng của Sa-môn Cù đàm và hoại chuyển pháp luân”, bốn người nghe rồi nói rằng: “Các đệ tử của Sa-môn Cù đàm có người là đại trí Tuệ, có người là đại thần thông, có người được thiên nhãn trí, được tha tâm niệm… Họ sẽ thấy biết chúng ta muốn phá hòa hợp Tăng và hoại chuyển pháp luân, chúng ta làm sao có thể phá hòa hợp Tăng của Samôn Cù đàm và hoại chuyển pháp luân?”, Đề-bà-đạt-đa nói: “Các đệ tử trẻ tuổi của Sa-môn Cù đàm mới vào pháp không lâu, chúng ta đến chỗ họ đem có năm pháp dụ dẫn họ rằng: “Các thầy trọn đời thọ mặc nạp y, trọn đời thọ pháp khất thực, trọn đời thọ pháp ăn một bữa, trọn đời thọ pháp ngồi nơi đất trống, trọn đời thọ pháp đoạn nhục. Tỳ kheo nào thọ trì có năm pháp này sẽ mau được Niết bàn”. Nếu là Trưởng lão Thượng tòa-ty kheo có nhiều người quen biết, tu phạm hạnh đã lâu, đã được vị Phật pháp thì nên nói với các vị ấy rằng: “Phật đã già yếu, tuổi đã già suy, tự thích chỗ yên tĩnh vắng vẻ để thọ hiện tại pháp lạc. Các thầy cần điều gì, tôi sẽ giúp đỡ cho nhau”. Chúng ta dùng phương tiện này có thể phá hòa hợp Tăng của Sa-môn Cù đàm và hoại chuyển pháp luân”, bốn người nghe rồi nói rằng: “Như thế xin nghe theo lời của Đạiđức”. Sau đó Đề-bà-đạt-đa đến chỗ các Tỳ kheo trẻ tuổi dùng có năm pháp dụ dẫn rằng: “Các thầy trọn đời thọ mặc Nạp y… mau được Niết bàn, giống như đoạn văn trên”, kế đó đến chỗ các Trưởng lão Thượng tòa-ty kheo nói rằng: “Phật đã già yếu… tôi sẽ giúp đỡ cho nhau”. Lúc đó Đề-bà-đạt-đa phi pháp nói là pháp, pháp nói là phi pháp; phi luật nói là luật, luật nói là phi luật; không phạm nói là phạm, phạm nói là không phạm; khinh nói là trọng, trọng nói là khinh; hữu tàn nói là vô tàn, vô tàn nói là hữu tàn; pháp thường làm nói là không phải pháp thường làm; phi giáo nói là giáo, giáo nói là phi giáo. Các Tỳ kheo thấy Đề-bà-đạtđa muốn phá hòa hợp Tăng và hoại chuyển pháp luân liền đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo: “Các thầy nên can ngăn Đề-bàđạt-đa bỏ việc phá tăng này”, các Tỳ kheo nghe lời Phật dạy liền đến chỗ Đề-bà-đạt-đa nói rằng: “Thầy chớ tìm cách phá hòa hợp Tăng, chớ thọ trì việc phá Tăng, phải cùng Tăng hòa hợp, Tăng hòa hợp thì an vui không tranh cải, nhất tâm cùng học như nước hòa với sữa được an lạc trụ. Thầy hãy bỏ việc phá Tăng này”, nhưng Đề-bà-đạt-đa không chịu bỏ việc phá Tăng này. Lúc đó bốn bạn đảng của Đề-bà-đạt-đa quở trách các Tỳ kheo rằng: “Các thầy chớ can ngăn Đề-bà-đạt-đa bỏ việc này, vì sao, vì Đề-bà-đạt-đa là người nói đúng pháp, đúng luật, vị ấy nói điều gì chúng tôi đều vui thích; đó là biết mới nói không phải không biết mà nói, vị ấy nói điều gì chúng tôi đều chấp nhận”. Như thế các Tỳ kheo hai, Ba-lần can ngăn đều không thể khiến cho Đề-bà-đạt-đa bỏ ác tà kiến, nên trở về bạch Phật, Phật nghe rồi suy nghĩ: “Đề-bà-đạt-đa và bốn bạn đảng ngu si như thế có thể phá hòa hợp Tăng và hoại chuyển pháp luân, Ta nên đến can ngăn Đề-bà-đạt-đa bỏ việc làm này”, nghĩ rồi liền đến chỗ Đề-bà-đạt-đa can ngăn rằng: “Thầy chớ tìm cách phá hòa hợp Tăng… được an lạc trụ giống như đoạn văn trên. Thầy chớ phi pháp nói là pháp, pháp nói là phi pháp… giáo nói là phi giáo giống như đoạn văn trên. Thầy hãy bỏ việc phá Tăng này”, Đề-bà-đạt-đa nghe Phật nói rồi liền tạm bỏ việc làm này.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó vua A-xà-thế và các quan đại thần đều tín kính Đề-bà-đạt-đa, dân trong thành trợ giúp cho Đề-bàđạt-đa và cúng dường thức ăn Đát-bát-na, bữa ăn sáng, bữa ăn trưa. Có các Tỳ kheo trẻ tuổi xuất gia chưa bao lâu, Đề-bà-đạt-đa đem bát lớn bát nhỏ, kiền tư lớn, kiền tư nhỏ, móc y, dây thiền… các vật cần dùng của-Tỳ kheo cho các Tỳ kheo trẻ tuổi này để dụ dẫn họ. Cho nên Đềbà-đạt-đa có đến một trăm, hai, ba, bốn, năm trăm Tỳ kheo cung kính vây quanh cùng đi vào thành Vương xá thọ cúng dường riêng thức ăn ngon Đát-bát-na, bữa ăn sáng, bữa ăn trưa. Còn các Tỳ kheo Trưởng lão Thượng tòa tu phạm hạnh lâu, được pháp vị của Phật vào thành khất thực chỉ được thức ăn nguội cách đêm hoặc cơm thiêu hoặc thức ăn thô dỡ, có khi không được gì nên lúc được no lúc không được no. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại cùng một trăm, hai, ba, bốn, năm trăm Tỳ kheo cung kính vây quanh… giống như đoạn văn trên cho đến câu lúc không được no”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo : “Từ nay do hai điều lợi nên ngăn ăn biệt chúng, cho ba người cùng ăn:

Một là tùy hộ đàn việt vì tâm thương xót, hai là vì phá thế lực của các Tỳ kheo ác dục, không để cho kẻ ác dục tạo lập chúng riêng, tác pháp riêng và cùng tăng tranh chấp”.

Phật ở trong hang đá của Dạ xoa Khâm-bà-la trên núi Kỳ-xà-quật thuộc thành Vương xá, sáng sớm đắp y mang bát vào thành khất thực, thọ thực xong trở về trong hang đá trên núi Kỳ-xà-quật tọa thiền. Lúc đó Điều-đạt tìm cách hại Phật nên mướn bốn người khỏe mạnh leo lên núi Kỳ-xà-quật khiêng một tảng đá lớn đến phía trên hang đá, mục đích đợi Phật từ trong hang đá đi ra sẽ xô tảng đá này xuống hại Phật. Đến xế trưa, Phật xuất định đi ra ngoài hang đá để kinh hành, bốn người này liền xô tảng đá xuống. Dạ xoa Khâm-bà-la vốn tín kính Phật, vừa thấy việc này liền dùng hai tay đẩy tảng đá qua chỗ khác, đá vụn văng ra trúng vào chân Phật. Vì muốn khiến cho chúng sanh sanh tâm nhàm sợ và muốn chỉ dạy đạo lý hễ tạo ác nghiệp thì quả báo không mất nên Phật nhập định, ẩn thân nơi chỗ kinh hành, hiện thân ở phương Đông với đá vụn đi theo; hiện thân ở các phương Nam, tây, bắc cũng như vậy… cho đến lên đến các cõi trời như cõi trời Tứ thiên vương, cõi trời Đao lợi, trời Diệm ma, trời Đâu suất đà, trời Hóa lạc, trời Tha hóa tự tại; trời Phạm chúng, trời Đại phạm, trời Thiểu quang, trời Vô lương quang, trời Quang diệu, trời Thiểu tịnh, trời Vô lượng tịnh, trời Biến tịnh, trời

A-na-bà-na đại phước đức, trời Quảng quả, trời Bất nhiệt, trời Hỷ kiến, trời Nhạo kiến, trời A-ca-ni-trá, đá vụn đều đi theo Phật. Khi Phật thu nhiếp thần lực trở về chỗ kinh hành thì đá vụn này rớt xuống làm chân Phật bị thương chảy máu, Phật dùng tinh tấn lực để ngăn nổi đau này và nói kệ:

“Chẳng phải trong hư không,
Biển cả và núi đá,
Trên trời, trong lòng đất,
Ngăn cản được nghiệp báo.
Chẳng phải trong hư không,
Biển cả và núi đá,
Trên trời, trong lòng đất,
Thoát được nghiệp đời trước”.

Lúc đó Điều-đạt và bốn người khỏe mạnh này là người đầu tiên tạo tội nghịch, khi Phật ngước nhìn lên, bốn người này liền sợ hãi bỏ chạy, Phật cất tiếng kêu: “Hãy đến đây, Như lai sẽ thuyết pháp cho nghe”, bốn người này đến trước Phật, đến chỗ Phật đảnh lễ ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho họ được lợi hỉ rồi nói: “Các ngươi hãy đi đi nhưng đừng đi theo con đường đã đến”. Điều-đạt sân giận mướn tám người khác đến giết bốn người kia, Phật từ xa thấy tám người này liền cất tiếng kêu: Phật cất tiếng kêu: “Hãy đến đây, Như lai sẽ thuyết pháp cho nghe”, tám người này đến trước Phật, đến chỗ Phật đảnh lễ ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho họ được lợi hỉ rồi nói: “Các ngươi hãy đi đi nhưng đừng đi theo con đường đã đến”. Điều-đạt lại mướn mười sáu người khác đi giết tám người kia và nói rằng: “Hãy đi giết tám người đó và cắt hết lưỡi của họ”, Phật từ xa thấy mười sáu người này liền cất tiếng kêu: Phật cất tiếng kêu: “Hãy đến đây, Như lai sẽ thuyết pháp cho nghe”, mười sáu người này đến trước Phật, đến chỗ Phật đảnh lễ ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho họ được lợi hỉ rồi nói: “Các ngươi hãy đi đi nhưng đừng đi theo con đường đã đến”. Điều-đạt lại muớn ba mươi hai người khác nói rằng: “Hãy đi giết mười sáu người đó và cắt hết lưỡi của họ”, Phật từ xa thấy ba mươi hai người này liền cất tiếng kêu: Phật cất tiếng kêu: “Hãy đến đây, Như lai sẽ thuyết pháp cho nghe”, ba mươi hai người này đến trước Phật, đến chỗ Phật đảnh lễ ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho họ được lợi hỉ rồi nói: “Các ngươi hãy đi đi”. Lúc đó các Tỳ kheo có người ngồi, có người đứng xung quanh bốn phía hang đá vì sợ Điều-đạt đến hại Phật nữa. Phật nhìn thấy việc này tuy biết nhưng vẫn hỏi A-nan nguyên do, A-nan bạch rõ nguyên do, Phật nói: “Này A-nan, Điều-đạt có thể hại mạng của Như lai thì không có lý đó, nếu Như lai vì nhân duyên khác mà chết thì cũng không có lý đó. Này A-nan, thầy hãy cùng các Tỳ kheo vào thành Vương xá đến chỗ đông người như phố chợ, ngã tư đường thông báo cho mọi người biết rằng những việc mà Điều-đạt đã làm, hoặc thân hay khẩu làm đều không phải là việc Phật, việc Pháp, việc Tăng; mà đều là việc làm riêng của Điều-đạt và các đệ tử”. Lúc đó các quan ở trong cung của thái tử A-xàthế nghe được lời này liền cho là Sa-môn Cù đàm tật đố Điều-đạt nên mới nói như thế, Điều-đạt là bậc thương nhân làm sao có thể làm điều ác. Điều-đạt sau khi nghe được lời thông báo này càng thêm sân giận Phật, liền đền chỗ Thái tử nói rằng: “Thái tử giết cha, tôi giết Phật; Thái tử làm vua nước Ma-kiệt-đà, còn tôi làm Phật. Nước Ma-kiệt-đà sẽ có vua mới, Phật mới, há không vui sao”, Thái tử nghe rồi trong lòng vui thích nên nhận lời của Điều-đạt.

Lúc đó vua Bình sa ngự giá đến trong vườn rừng dạo chơi, hưởng thụ kỹ nhạc tự vui cho đến chiều tối mới chịu trở về cung. Trên đường về, khi thái tử thấy vua gần đến liền dùng kiếm Tần-trì-la quăng tới chém vua, vì ngựa của vua chạy quá nhanh nên vua thoát chết, thái tử không giết được vua nên bỏ chạy trốn, các quan tìm kiếm bao vây bắt được, giải thái tử đến chỗ vua, vua hỏi: “Con muốn làm gì?”, đáp là muốn giết vua, vua hỏi là nghe theo lời của ai, đáp là nghe theo lời của thượng nhân Điều-đạt. Lúc đó trong các đại thần, có người nói: “Tất cả Sa-môn Thích tử đều đáng giết”, lại có người nói: “Sa-môn Thích tử có tội gì, chỉ có Điều-đạt và các đệ tử là đáng giết”, lại có người nói: “Các đệ tử của Điều-đạt có tội gì, chỉ có Điều-đạt là đáng giết”, lại có người nói: “Vì sao lại giết Sa-môn Thích tử, vì sao lại giết Điều-đạt và các đệ tử . Đại vương là bậc hiền thiện, người đáng chết còn tha huống chi là Sa-môn Thích tử xuất gia, làm sao giết được. Tùy ý Đại vương xử trị như thế nào, chúng ta không cần phải góp lời góp sức”. Sau khi trở về cung, vua do việc này nên ngự đến chỗ xét xử, các đại thần đều đến chầu vua và đứng một bên, vua hỏi: “Việc hôm qua, nay nên xử lý như thế nào?”, trong các đại thần, có người nói: “Tất cả Sa-môn Thích tử đều đáng giết”, lại có người nói: “Sa-môn Thích tử có tội gì, chỉ có Điều-đạt và các đệ tử là đáng giết”, lại có người nói: “Các đệ tử của Điều-đạt có tội gì, chỉ có Điều-đạt là đáng giết”, lại có người nói: “Vì sao lại giết Sa-môn Thích tử, vì sao lại giết Điều-đạt và các đệ tử. Đại vương là bậc hiền thiện, người đáng chết còn tha huống chi là Sa-môn Thích tử xuất gia, làm sao giết được. Tùy ý Đại vương xử trị như thế nào, chúng ta không cần phải góp lời góp sức”. Vua nói: “Trước đây Sa-môn Thích tử có sai người vào thành Vương xá đến chỗ đông người như phố chợ, ngã tư đường thông báo cho mọi người biết rằng những việc mà Điềuđạt đã làm, hoặc thân hay khẩu làm đều không phải là việc Phật, việc Pháp, việc Tăng; mà đều là việc làm riêng của Điều-đạt và các đệ tử. Việc này mọi người đều đã biết rồi”, vì vậy trong các đại thần, có người nói: “Tất cả Sa-môn Thích tử đều đáng giết”, vua không bằng lòng; lại có người nói: “Sa-môn Thích tử có tội gì, chỉ có Điều-đạt và các đệ tử là đáng giết”, vua cũng không bằng lòng; lại có người nói: “Các đệ tử của Điều-đạt có tội gì, chỉ có Điều-đạt là đáng giết”, vua cũng không bằng lòng; lại có người nói: “Vì sao lại giết Sa-môn Thích tử, vì sao lại giết Điều-đạt và các đệ tử . Đại vương là bậc hiền thiện, người đáng chết còn tha huống chi là Sa-môn Thích tử xuất gia, làm sao giết được. Tùy ý Đại vương xử trị như thế nào, chúng ta không cần phải góp lời góp sức”, vua bằng lòng và ban thưởng cho người này ruộng vườn và tài vật. Sau đó vua hỏi thái tử: “Vì sao con làm như vậy?”, thái tử không hổ thẹn đáp rằng: “Con muốn được như vua, khi vua đi có người đánh trống, trổi kỷ nhạc, cầm lọng, cầm bình nước rửa bằng vàng… đi trước dẫn đường”, vua nói: “Con muốn được như thế sao”, nói rồi liền ban cho thái tử được giống như mình. Khi thái tử đi cũng có người đánh trống, trổi kỷ nhạc, cầm lọng, cầm bình nước rửa bằng vàng… đi trước dẫn đường như vua không khác. Trong nước như có hai vua nên pháp trị nước không thuận hết ý của dân chúng. Trước kia khi chưa đắc đạo, vua Bình sa có làm điều ác khiến người oán hận cho là đã đến lúc trả thù nên tìm cách thân gần thái tử nói rằng: “Trong nước sao lại có đến hai vua”, thái tử hỏi: “Vì sao lại nói là có đến hai vua ?”, đáp: “Vua và thái tử khi đi đều có người đánh trống… đi trước dẫn đường, nhưng thái tử luôn đi sau cha. Nếu thái tử muốn trị nước thì nên giết cha để một mình làm vua”, thái tử nghe lời này trong lòng vui thích liền ra lịnh bắt giam vua vào ngục. Do vua hiền thiện nên có trăm ngàn người đem thức ăn ngon đến trong ngục thăm, vua nhờ ăn thức ăn này mà được sống. Vài ngày sau, A-xà-thế hỏi quản ngục: “Đại vương còn sống không ?”, đáp là vẫn còn sống, lại hỏi nguyên do, quản ngục nói rõ nguyên do, A-xàthế nghe rồi liền ra lịnh không được cho ai vào thăm nữa. Phu nhân của vua lén đem thức ăn vào thăm, vua nhờ thức ăn này nên vẫn sống. Vài ngày sau, A-xà-thế hỏi quản ngục: “Đại vương còn sống không?”, đáp là vẫn còn sống, lại hỏi nguyên do, quản ngục nói rõ nguyên do, A-xàthế nghe rồi liền ra lịnh không được cho phu nhân mang thức ăn vào thăm. Phu nhân trét thức ăn lên áo trong rồi khoác áo ngoài vào trong ngục thăm vua, cởi áo trong này ra lấy thức ăn cho vua ăn, vua nhờ vậy nên vẫn sống. Vài ngày sau, A-xà-thế hỏi quản ngục: “Đại vương còn sống không?”, đáp là vẫn còn sống, lại hỏi nguyên do, quản ngục nói rõ nguyên do, A-xà-thế nghe rồi liền ra lịnh không được cho phu nhân vào thăm nữa. Lúc đó ở trong ngục, vua từ xa nhìn thấy núi Kỳ-xà-quật, thấy Phật và Tăng, các vị như Xá-lợi-phất, Đại Mục-kiền-liên… lên xuống núi, vua sanh tâm vui mừng nên vẫn sống. Vài ngày sau, A-xàthế hỏi quản ngục: “Đại vương còn sống không?”, đáp là vẫn còn sống, lại hỏi nguyên do, quản ngục nói rõ nguyên do, A-xà-thế nghe rồi liền ra lịnh xây vách ngăn không cho vua nhìn thấy núi Kỳ-xà-quật. Thường pháp của Phật là khi có nhân duyên lớn vào thành thì hiện bày diệu lực thần thông như: Các đường nhỏ hẹp bỗng rộng lớn ra, các cây nhỏ bỗng nhiên cao lớn, voi ngựa… các loài chim đều cất tiêng kêu vui mừng; các loại nhạc cụ như trống, đàn, sáo, kèn, loa, náo bạt… không có người trổi mà tự phát tiếng kêu; các loại khí cụ trang hoàng trong ngoài của nhà người giàu có hoặc ở trong rương tráp cho đến đồ trang sức như vàng bạc… các vật báu đều phát tiếng kêu. Người mù được thấy, người điếc được nghe, người câm nói được, người không đủ các căn liền được đầy đủ, người đang say mê đều được tỉnh, người trúng độc đều được khỏe mạnh lại, người oán thù nhau đều sanh tâm từ bi, người mang thai sanh con không thấy đau đớn, người bị giam cầm đều được giải thoát, người nghèo thiếu được của cải… Người sát sanh lìa sát sanh, người trộm cắp lìa trộm cắp… người tham lìa tham, người sân lìa sân, người tà kiến lìa tà kiến… Người chưa gieo trồng căn lành thì được gieo trồng, người đã gieo trồng liền được tăng trưởng… Các phục tàng tự nhiên xuất hiện… vô số việc hy hữu như vậy đều xuất hiện khiến cho tất cả chúng sanh đều được lợi ích. Cho nên khi Phật vừa bước chân phải lên ngạch cửa thành để vào trong thành Vương xá thì tất cả việc hy hữu này đều hiện. Vua Bình sa từng thấy tướng này nên biết Phật sắp vào trong thành, liền từ lỗ hổng nhỏ nhìn ra để thấy Phật vào thành; vua đã đắc Thánh quả nên khi thấy Phật và Tăng, tâm sanh hoan hỉ nên vẫn được sống. Vài ngày sau, A-xà-thế hỏi quản ngục: “Đại vương còn sống không?”, đáp là vẫn còn sống, lại hỏi nguyên do, quản ngục nói rõ nguyên do, A-xà-thế nghe rồi liền ra lịnh dùng dao bén gọt gót chân của vua để vua không còn đi lại được nữa; vua vì nằm lâu một chỗ nên tiều tụy sa sút.

Vua A-xà-thế có một người con tên là Ưu-đà-da-bạt-đà, lúc đó đang đùa giỡn với chó, vua kêu đến cùng ăn cơm thì vương tử bồng con chó đến bạch rằng: “Nếu vua cha cho phép con chó cùng ăn thì con mới ăn”, vua nói tùy ý con, vương tử tự ăn rồi đưa thức ăn cho chó ăn. Lúc đó vua nói với mẫu hậu: “Con đã làm việc khó làm, vì sao, vì con là vua dòng Sát-đế-lỵ được quán đảnh vì thương yêu con mà phải cho chó cùng ăn”, mẫu hậu nói: “Đây không phải là việc khó làm, vì còn có người ăn thịt của chó ăn nữa. Con có biết cha con đã làm việc khó làm gì không?”, vua hỏi là việc khó làm gì, mẫu hậu nói: “Hồi con còn nhỏ, ngón tay bị ung nhọt đau nhức không ngủ được, cha con bồng con đặt trên đầu gối và ngậm ngón tay bị ung nhọt của con vào trong miệng mình, con không còn đau nhức nên ngủ được ngon. Do trong miệng ấm nên nhọt mùi vỡ mủ ra, lúc đó cha con nghĩ nếu lấy ngón tay của con ra để nhổ mủ thì sợ con đau nhức nữa, nên nuốt luôn cả mủ. Cha con đã làm việc khó làm như thế, mong con hãy thả cha con ra”, vua A-xà-thế nghe rồi liền im lặng. Mẫu hậu vừa trở về cung của mình thi nghe được lịnh thả vua cha, tất cả dân chúng trong thành hay tin này đều khen ngợi: “Lành thay vua hiền thiện được thả”, cùng nhau kéo đến ngục và reo lên: “Đại vương được thả”. Lúc đó vua Bình sa nghe được tin này trong lòng suy nghĩ: “Con ta ác nghịch, không có tâm từ mẫn, không biết sẽ dùng cách gì để hành hạ ta nữa”, do nghĩ như vậy nên vua tự lao xuống đất và chết, vua A-xà-thế phạm tội đại nghịch vì đã giết chết cha.

Phật cùng đại chúng năm trăm Tỳ kheo ở trên núi Kỳ-xà-quật, lúc đó trước giờ ngọ Phật đắp y mang bát vào thành Vương xá khất thực, thọ thực rồi trở về núi trong bảy ngày kiết già thọ thiền định lạc, qua bảy ngày sau mới xuống núi vào thành khất thực. Điều-đạt nghe biết điều này, do vua A-xà-thế có con voi tên là Thủ tài rất hung dữ và khỏe mạnh nhất trong các con voi khắp bốn phương nên Điều-đạt đem năm trăm kim tiền đến đưa cho người điều luyện voi và nói rằng: “Ông có biết không, vua rất kính trọng tôi nên tôi có thể làm việc tổn ích cho người. Nay năm trăm kim tiền này cho ông, nếu ông làm xong việc này sẽ thưởng thêm cho ông ruộng vườn và nhà cửa”, người điều luyện voi hỏi: “Muốn tôi làm việc gì?”, Điều-đạt nói: “Qua bảy ngày sau Sa-môn Cù đàm sẽ xuống núi vào trong thành khất thực, lúc đó ông hãy cho voi này uống rượu thật say rồi thả nó ra sai nó đi giết Sa-môn Cù đàm, ông có làm được không?”, đáp: “Làm được vì con voi này do tôi điều luyện, chỉ mong Ngài đừng quên lời đã hứa”. Người điều luyện voi liền co ngón tay tính ngày, đến ngày thứ bảy ông liền cho voi Thủ tài uống 32 rượu thật say, cột lại đợi Phật vào thành mới thả ra. Pháp thường của Phật khi có nhân duyên lớn vào thành thì có các tướng lành đều hiện ra làm lợi ích cho tất cả chúng sanh như trong đoạn văn trên đã nói. Vì vậy khi Phật vừa bước chân phải lên ngạch cửa thành để vào trong thành thì các tướng lành này đều hiện, người điều luyện voi thấy tướng lành này liền biết Phật sắp vào thành liền mở dây thả voi say ra để nó hại Phật. Voi say điên cuồng hùng hổ giẫm đạp nên tất cả dân chúng đều sợ hãi, có người chạy vào trong nhà, có người núp vào chỗ kín, khắp các đường đi đều trống vắng không người, chỉ còn lại Phật và các đệ tử. Lúc đó có một Hiền giả thấy voi Thủ tài từ xa liền đến bạch Phật: “Thế tôn, voi này đã say, nay được thả ra ắt là để hại Phật, không ai có thể ngăn cản được, xin Phật hãy vào nhà hoặc ra khỏi thành, đừng để voi say này hại mạng Phật”, Phật nói: “Nếu voi Thủ tài này có thể hại mạng của Như lai thì không có lý đó, nếu Như lai vì nhân duyên khác mà chết thì cũng không có lý đó”, Hiền giả nghe rồi tâm sanh hoan hỉ nói rằng: “Nếu voi Thủ tài này có thể hại mạng của Như lai thì không có lý đó, nếu Như lai vì nhân duyên khác mà chết thì cũng không có lý đó”. Lúc đó dân chúng đều đứng trên lầu cao la hét, người không có lòng tin nói rằng: “Voi này chắc có thể hại Phật”, người có lòng tin nói rằng: “Voi này có thể hại Phật là không có lý đó”. Lúc đó voi Thủ tài từ xa thấy Phật liền nhe nanh đưa vòi lên, lông và tai dựng đứng lên chạy nhanh đến chỗ Phật. Thấy voi say chạy đến, các Tỳ kheo đều kinh sợ bỏ chạy, chỉ còn một mình A-nan ở lại, Phật dùng sức từ tam muội khiến cho voi say được tỉnh, voi liền đầu mặt lễ dưới chân Phật, đưa vòi vuốt ve chân Phật, Phật duỗi tay xoa đầu nó và nói kệ:

“Thế tôn duỗi cánh tay,
Tay luân tướng mềm mại,
Xoa đầu voi giáo hóa,
Như cha dạy dỗ con.

Phật bảo voi Thủ tài:

“Đừng có khởi nghiệp ác,
Nếu còn khởi nghiệp ác,
Sẽ không sanh cõi lành.
Như voi Y-la-viên,
Như voi Bạt-đà-hòa,
Như voi Đề-la-giá,
Như voi Ê-ma-hòa,
Có loại voi hung dữ,
Voi Ngưu vương cho đến
Voi Trời đều lễ Phật,
Không buông lung đùa giỡn.
Nếu buông lung đùa giỡn,
Sẽ không sanh cõi lành,
Không buông lung đùa giỡn,
Mới được sanh cõi trời”.

Nói kệ xong, Phật liền thuyết pháp chỉ dạy khiến cho voi Thủ tài được lợi hỉ rồi im lặng. Voi Thủ tài từ Phật nghe pháp rồi sanh tâm hối hận rơi nước mắt, đảnh lễ Phật hữu nhiễu rồi đi. Lúc đó tất cả dân chúng thấy việc hy hữu này rồi đều kéo đến vây quanh, Phật bảo A-nan trải tòa và lấy nước cho Phật rửa chân, Phật rửa chân rồi lên tòa ngồi nhập định, ẩn thân nơi chỗ ngồi, hiện thân trên hư không ở phương Đông, hiện bày bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi, nhập định Hỏa quang trước tiên từ phương Đông hiện các ánh sáng xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng; hoặc hiện thần thông như trên thân tuôn ra nước, dưới thân tuôn ra lửa, hoặc trên thân tuôn ra lửa, dưới thân tuôn ra nước. Phương Đông đã như vậy, các phương Nam, Tây, Bắc cũng hiện như vậy. Sau đó trở về chỗ ngồi, tất cả dân chúng vốn đã có tâm nhàm lìa và sợ hãi điều ác, nay được thấy thần biến này và việc Phật điều phục voi say liền sanh tâm tín kính sâu xa. Phật quán biết tâm mọi người liền ứng cơ thuyết pháp khiến cho họ sau khi nghe pháp, có người được Noãn pháp, hoặc được Đảnh pháp, hoặc được Nhẫn pháp; có người được vơi bớt ba độc, lìa tham dục, có người được Thế đệ nhất pháp, có người đắc quả Tu-đà-hoàn, hoặc quả Tư-đà-hàm, hoặc quả A-na-hàm, có người gieo trồng nhân duyên với Thanh văn thừa, có người gieo trồng nhân duyên với Bích chi Phật thừa, có người gieo trồng nhân duyên với Phật thừa, như thế làm lợi ích cho vô lượng chúng sanh.

Do nhân duyên này nên trong ngày đó, Phật không ăn gì, lúc đó Phật nắm cánh tay của A-nan nương hư không trở về núi Kỳ-xà-quật, các Tỳ kheo thấy Phật trở về đều đến đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên bạch Phật: “Thật hy hữu thưa Thế tôn, lúc cấp bách sợ hãi như vậy mà A-nan không rời bỏ Phật”, Phật bảo các Tỳ kheo : “Không chỉ trong đời này lúc cấp bạch sợ hãi, A-nan đã không rời bỏ Phật mà trong quá khứ, lúc cấp bách sợ hãi A-nan cũng không rời bỏ Phật. Như lai sẽ nói bổn sanh, các thầy hãy lắng nghe: Quá khứ, gần dưới Tuyết sơn có con Nai chúa tên là Oai đức, là chúa của bầy Nai năm trăm con. Lúc đó có một thợ săn rãi lúa rồi giăng lưới dụ Nai tới bắt, Nai chúa đi trước đàn Nai nên sa lưới, Nai chúa nghĩ: “Nếu ta hiện tướng thì bầy Nai sẽ không dám ăn lúa, hãy để cho chúng ăn lúa xong, ta mới hiện tướng”. Khi Nai chúa hiện tướng cho biết mình bị sa lưới thì bầy nai đều bỏ chạy, chỉ còn một con Nai cái ở lại nói kệ:

“Đại vương nên biết,
Người giăng lưới đến,
Hãy mau nghĩ cách,
Ra khỏi lưới này”

Nai chúa nói kệ:

“Ta đang nghĩ cách,
Nhưng sức cạn kiệt,
Lưới bủa quá nhanh,
Không thể ra được”.

Thấy thợ săn sắp đến gần, Nai cái lại nói kệ:

“Đại vương nên biết,
Người giăng lưới đến,
Hãy mau nghĩ cách,
Ra khỏi lưới này”.
Nai chúa nói kệ:
“Ta đang nghĩ cách,
Nhưng sức cạn kiệt,
Lưới bủa quá nhanh,
Không thể ra được”.

Khi thợ săn đến nơi, Nai cái liền nói kệ:

“Ông dùng dao bén,
Giết thân tôi trước,
Sau đó hãy thả,
Cho Nai chúa đi”.

Thợ săn nghe rồi, khởi tâm thương xót cho là hy hữu, nghĩ rằng: “Súc sanh thương yêu nhau còn dám bỏ thân mạng”, nghĩ rồi liền nói kệ:

“Ta không muốn giết ngươi,
Cũng không giết nai chúa,
Ta sẽ thả cả hai,
Muốn đi đâu tùy ý”.

Nói rồi liền thả Nai chúa ra.

Phật bảo các Tỳ kheo : “Nai chúa thuở xưa chính là thân ta ngày nay, bầy Nai năm trăm con thuở xưa chính là các Tỳ kheo ngày nay.

Thuở xưa lúc cấp bách sợ hãi các thầy đã rời bỏ ta, ngày nay lúc cấp bách sợ hãi các thầy cũng rời bỏ ta mà đi. Thợ săn thuở xưa chính là voi Thủ tài ngày nay, thuở xưa đã không não hại ta, ngày nay cũng không làm hại ta. Nai cái thuở xưa chính là A-nan ngày nay, thuở xưa lúc cấp bách sợ hãi đã không rời bỏ ta, ngày nay lúc cấp bách sợ hãi cũng không rời bỏ ta”. Do nhân duyên này, Phật liền nói Bổn sanh thứ hai: Quá khứ có thành Ba là nại, bên thành này có cái ao tên là Vũ thành, ao này nhiều nước nên có rất nhiều loài tụ đến ở như cá, rùa, ngỗng, nhạn, vịt… Có bầy Nhạn năm trăm con, Nhạn chúa tên là Trị quốc, lúc đó thợ săn rãi lúa rồi giăng lưới dụ chim đến bắt, Nhạn chúa bay trước nên bị sa lưới, nó liền suy nghĩ: “Nếu ta hiện tướng thì bầy Nhạn sẽ không dám ăn lúa, hãy để cho chúng ăn lúa xong, ta mới hiện tướng’. Khi Nhạn chúa hiện tướng cho biết mình bị sa lưới thì bầy Nhạn liền bay bỏ đi hết, chỉ còn một con Nhạn đại thần tên là Tô ma ở lại. Nhạn chúa nói với Tô ma: “Ta cho người làm vua, ngươi hãy bay trước bầy Nhạn”, Tô ma nói không thể được, Nhạn chúa hỏi vì sao, Tô ma liền nói kệ:

“Tôi nguyện theo vua,
Sống chết không đổi,
Thà chết cùng vua,
Hơn sống xa nhau.
Đại vương nên biết,
Người giăng lưới đến,
Hãy mau nghĩ cách,
Ra khỏi lưới này”.

Nhạn chúa nói kệ:

“Ta đang nghĩ cách,
Nhưng sức cạn kiệt,
Lưới bủa quá nhanh,
Không thể ra được”.

Thấy người giăng lưới gần đến, Nhạn Tô-ma nói kệ:

“Đại vương nên biết,
Người giăng lưới đến,
Hãy mau nghĩ cách,
Ra khỏi lưới này”.

Nhạn chúa nói kệ:

“Ta đang nghĩ cách,
Nhưng sức cạn kiệt,
Lưới bủa quá nhanh,
Không thể ra được”.

Khi người giăng lưới đến, Nhạn Tô-ma liền nói kệ:

“Lông, thịt của Đại vương,
Không khác gì với tôi,
Hãy cầm dao giết tôi,
Thả vua, đừng làm hại”.

Thợ săn nghe rồi, khởi tâm thương xót cho là hy hữu, nghĩ rằng: “Súc sanh thương yêu nhau còn dám bỏ thân mạng”, nghĩ rồi liền nói: “Ta không giết ai cả, ta sẽ thả cả hai, tùy ý muốn đi đâu thì đi”, nói rồi liền thả Nhạn chúa ra. Hai con Nhạn này bay đi một đoạn liền nói với nhau: “Thợ săn này làm việc hy hữu, đã cho chúng ta mạng sống, nếu ông ta giết một mạng trước, kế giết thêm một mạng thì ai ngăn cản được. Chúng ta nên đem vật dụng đã có báo đáp cho ông ta”. Thợ săn thấy Nhạn bay trở lại liền hỏi: “Hai ngươi không bay được sao?”, đáp: “Bay được, chỉ là thợ săn như ông đã làm việc hy hữu, đã cho chúng ta mạng sống, nếu ông ta giết một mạng trước, kế giết thêm một mạng thì ai ngăn cản được. Chúng tôi muốn đem vật dụng đã có báo đáp cho ông”, thợ săn nói: “Hai ngươi là súc sanh, có vật dụng gì mà báo đáp”, đáp: “Ở nước Ba-la-nại có vua tên là Phạm đức, ông mang chúng tôi đến đó cho”, thợ săn nói: “Họ sẽ hại hai ngươi, vì sao lại mang đến đó cho”, đáp: “Ông đừng cột trói chúng tôi, chỉ mang đến đó cho rồi đi”. Thợ săn để hai con Nhạn trên hai vai rồi đi, do Nhạn xinh đẹp nên mọi người ưa thích, có người đưa năm tiền, có người đưa mười tiền, có người đưa hai mươi tiền để đổi lấy Nhạn, Nhạn nói: “Đừng đổi, tiền của những người này so với đến trong cung vua thì ông sẽ được nhiều hơn”. Đến cung vua, Nhạn chúa nói với người giữ cửa: “Ông hãy vào tâu vua là có Nhạn chúa Trị quốc đang ở ngoài cửa xin được gặp vua”, người giữ cửa vào tâu, vua cho vào, Nhạn chúa dùng kệ hỏi vua:

“Long thể an ổn không,
Đất nước phồn thịnh không,
Như pháp dạy dân không,
Trị nước bình đẳng không?”.

Vua nói kệ:

“Ta thường được an ổn,
Đất nước luôn phồn thịnh,
Dùng pháp giáo hóa dân,
Bình đẳng, không thiên vị”.

Đối đáp như thế đến năm trăm bài kệ, lúc đó vua Phạm đức suy nghĩ: “Nhạn chúa thật thông minh”, thấy Nhạn Tô ma im lặng, vua hỏi: “Vì sao ngươi im lặng?”, Tô ma đáp: “Bệ hạ là vua một nước, Nhạn chúa là vua của nước Pha trạch, hai vua cùng nói chuyện, thần dám đâu thất lễ”, vua cho là hiền thần liền nói: “Ta có khu vườn đẹp, khanh hãy đến đó ở, các loài chim sẽ tụ họp đến, ta sẽ làm ao hồ và cho chúng ăn thức ăn mà chúng thích, được không?”, đáp: “Không được”, vua hỏi vì sao, đáp: “Lúc thức hay ngủ, nếu Bệ hạ quên sẽ ra lịnh làm thịt Nhạn, nếu người đầu bếp không bắt được Nhạn khác, ắt sẽ bắt giết chúng tôi”. Khi Nhạn chúa vào trong cung vua, các Nhạn khác cũng bay từ ao Vũ thành đến, đậu trên cung điện của vua và cất tiếng hót bi thương, rũ đôi cánh ướt làm dơ cung điện. Vua ngạc nhiên hỏi: “Các chim này từ đâu đến?”, Nhạn chúa nói: “Chúng là quyến thuộc của tôi”, vua hỏi: “Ngươi muốn đi phải không?”, đáp là muốn đi, vua hỏi: “Người có cần gì không?”, Nhạn chúa nói: “Thợ săn này đã làm việc hy hữu, đã cho chúng tôi mạng sống, nếu ông ta giết một mạng trước, kế giết thêm một mạng thì ai ngăn cản được. Chúng ta muốn xin ít tài vật như vàng bạc, y thực để báo đáp cho ông ta”, nói xong liền bay đi.”
Phật bảo các Tỳ kheo : “Nhạn chúa thuở xưa chính là thân ta ngày nay, bầy Nhạn năm trăm con thuở xưa chính là các Tỳ kheo ngày nay. Thuở xưa lúc cấp bách sợ hãi các thầy đã rời bỏ ta, ngày nay lúc cấp bách sợ hãi các thầy cũng rời bỏ ta mà đi. Thợ săn thuở xưa chính là voi Thủ tài ngày nay, thuở xưa đã không não hại ta, ngày nay cũng không làm hại ta. Vua Phạm đức thuở xưa chính là vua Tịnh phạn ngày nay. Nhạn Tô-ma thuở xưa chính là A-nan ngày nay, thuở xưa lúc cấp bách sợ hãi đã không rời bỏ ta, ngày nay lúc cấp bách sợ hãi cũng không rời bỏ ta”. Do nhân duyên này Phật lại nói Bổn sự thứ ba: Quá khứ, gần dưới Tuyết sơn có một Sư tử chúa là vua của đàn Sư tử năm trăm con. Về già, do mắt mờ suy yếu nên Sư tử chúa sa vào cái giếng khô, đàn Sư tử đi sau đều bỏ đi hết. Cách cái giếng khô này không xa có một con dã can thấy việc này rồi liền suy nghĩ: “Ta được sống an lạc trong rừng này và có thịt ăn đầy đủ đều là nhờ Sư tử chúa này, nay Sư tử chúa gặp nạn ta nên nghĩ cách báo đáp”, gần giếng khô có một ngòi nước chảy, dã can tìm cách làm cho ngòi nước này chảy vào giếng, nước đầy giếng làm cho sư tử nổi lên. Thần cây rừng thấy việc này rồi liền nói kệ:

“Tuy thân rất dõng mãnh,
Nhưng làm bạn kẻ yếu,
Dã can này cứu sống,
Sư tử chúa lâm nạn”.

Phật bảo các Tỳ kheo : “Sư tử chúa thuở xưa chính là thân ta ngày nay, năm trăm Sư tử thuở xưa chính là các Tỳ kheo ngày nay. Thuở xưa lúc cấp bách sợ hãi các thầy đã rời bỏ ta, ngày nay lúc cấp bách sợ hãi các thầy cũng rời bỏ ta mà đi. Dã can thuở xưa chính là A-nan ngày nay, thuở xưa vì thương mến đã không rời bỏ ta, ngày nay vì thương mến cũng không rời bỏ ta”.