THẬP LUẬT TỤNG
Hán dịch: Hậu Tần Phất Nhược Đa La cộng La Thập dịch
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 26

PHÁP Y DƯỢC THỨ SÁU

Phật tại thành Vương xá, lúc đó vào tiết thu khí trời lạnh nóng bất thường nên các Tỳ kheo mắc bịnh ăn không tiêu nên gầy ốm xanh xao, không có sắc lực. Phật nhìn thấy rồi, tuy biết nhưng vẫn hỏi A-nan nguyên do, A-Nan đem việc trên bạch Phật, Phật liền suy nghĩ: “Nên cho các Tỳ kheo dùng loại dược gì để sắc lực trở lại như xưa. Nếu chỉ ăn cơm thô dỡ, bún, mì… thì không bổ ích cho thân; ta nên cho dùng bốn loại dược hàm tiêu như tô, dầu, mật và thạch mật”. Do nhân duyên này Phật nhóm Tỳ kheo tăng rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay cho các Tỳ kheo bịnh được dùng bốn loại dược hàm tiêu như tô, dầu, mật và thạch mật”. Do các Tỳ kheo chỉ dùng bốn loại dược này trước ngọ, sau ngọ không dùng nên vẫn gầy ốm xanh xao không có sắc lực, Phật nhìn thầy rồi liền hỏi A-nan nguyên do, A-Nan đem việc trên bạch Phật, Phật do việc này nhóm Tỳ kheo tăng đủ lời khen ngợi giới và người trì giới rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay cho các Tỳ kheo trước và sau giờ ngọ được tùy ý dùng bốn loại dược hàm tiêu”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Trưởng lão Tất-lân-già-bà-ta bị bịnh mắt, thầy thuốc bảo dùng thuốc La tán thiền thoa lên mắt, Trưởng lão nói: “Phật chưa cho dùng thuốc này”, liền nói với các Tỳ kheo, các Tỳ kheo bạch Phật, Phật nói: “Từ nay nếu bị bịnh mắt thì được dùng thuốc La tán thiền thoa lên mắt để trị”. Trưởng lão này đựng La tán thiền đầy trong các bát lớn, bát nhỏ, bình sứ lớn, bình sứ nhỏ… khi lấy dùng làm thuốc chảy lan dơ vách tường và ngọa cụ khiến trong phòng hôi dơ. Phật bảo nên đựng trong cái hộp, do hộp không có nắp đậy nên bụi đất bay vào bám trong thuốc, khi thoa lên mắt lại làm cho mắt đau thêm, Phật bảo nên làm nắp đậy. Làm nắp đậy thuốc vẫn chảy ra ngoài, Phật bảo nên làm miệng hộp nhỏ lại. Lúc đó các Tỳ kheo dùng đuôi lông chim

Khổng tước chấm thuốc để thoa lên mắt khiến mắt càng đau thêm, Phật bảo nên dùng thìa. Trưởng lão Ưu-ba-ly hỏi Phật nên dùng vật gì làm thìa, Phật bảo nên dùng sắt, đồng, vỏ sò, ngà voi, sừng hoặc gốm sứ để làm thìa.

Phật tại nước Tỳ-da-ly, do đất đai ở đây ẩm ướt và là đất phèn nên các Tỳ kheo bị ghẻ nhọt, máu mủ chảy ra dính dơ y An-đà-hội. Phật nhìn thấy rồi liền hỏi các Tỳ kheo nguyên do, các Tỳ kheo đem việc trên bạch Phật, Phật nói: “Từ nay cho các Tỳ kheo bị ghẻ nhọt trên thân dùng thuốc đắng thoa lên”. Trưởng lão Ưu-ba-ly hỏi Phật nên dùng loại thuốc đáng nào, Phật nói: “Nên dùng các loại cây thuốc như cây Câu lại đồ, cây Câu-Ba là, cây Chơn-lợi-tha, cây Sư-la, cây Ba-ca-la. Cây ba-ni-vô-kỳ-luân-đà-đam giã ra làm thuốc thoa”. Lúc đó các Tỳ kheo không biết đâm giã như thề nào để thành thuốc thoa, Phật nói nên dùng đá dâm giã; khi các Tỳ kheo dùng đá đâm giã thì thuốc văng ra khắp trên đất, Phật bảo nên dùng cái cối đá và chày đá để giã. Các Tỳ kheo giã đau tay, Phật lại cho dùng chày gỗ, do không biết cách làm nên khi cầm chày gỗ giã, chỗ nắm tay tuột lên tuột xuống; Phật bảo nên dẽo ở giữa nhỏ lại. Thuốc đã giã vẫn còn thô to, Phật bảo dùng rây rây lấy phần nhỏ mịn rồi trộn với dầu để thoa lên ghẻ nhọt.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Trưởng lão Thi-việt mắc bịnh điên, có người chỉ bày ăn thịt sống và uống máu tươi thì bịnh sẽ lành. Trưởng lão đem việc này nói với các Tỳ kheo, các Tỳ kheo bạch Phật, Phật do việc này nhóm Tỳ kheo tăng rồi hỏi Thi-việt: “Thầy bị bịnh điên nghe người khác chỉ bày ăn thịt sống và uống máu tươi thì bịnh sẽ lành, thầy nói với các Tỳ kheo là không biết làm sao phải không?”, đáp: “Thật như thế thưa Thế tôn”, Phật khen ngợi giới và người trì giới rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay nếu có Tỳ kheo nào mắc bịnh như thế, cho được ăn thịt sống và uống máu tươi, nhưng nên ở chỗ khuất chớ để người khác thấy”.

Phật tại nước Xá-vệ cùng chúng Tỳ kheo hạ an cư, lúc đó Trưởng lão Tất-lân-già-bà ta an cư tại thành Vương xá, do có quen biết nhiều nên được cúng nhiều tô, dầu, mật và thạch mật. Trưởng lão đựng dầy trong bát lớn, bát nhỏ, hủ lớn, hủ nhỏ… khi lấy ra dùng thì các loại thực phẩm này chảy ra nước làm dơ vách tường và ngọa cụ khiến trong phòng hôi dơ. Các đệ tử cọng hành và đệ tử cận trụ của các Tỳ kheo lấy các thực phẩm cách đêm này ăn phạm ác tróc (tay cầm bất tịnh), không thọ (không thọ mà ăn)và nội túc (cùng vật thực ngủ chung trong một phòng). Pháp thường của chư Phật là một năm có hai kỳ đại hội vào tháng sau của cuối mùa xuân và vào tháng sau của cuối mùa hạ. Vào tháng cuối của mùa xuân, Tỳ kheo các nơi suy nghĩ: “Phật đã dạy chúng ta nên an cư, trong ba tháng an cư tu tập sẽ được an lạc trụ”, đây là đại hội thứ nhất. Vào tháng cuối của mùa hạ, các Tỳ kheo an cư ba tháng đã xong nghĩ rằng: “Đã lâu chúng ta không gặp Phật”, nghĩ rồi liền đắp y mang bát đi đến chỗ Thế tôn, đây là đại hội thứ hai. Lúc đó các Tỳ kheo ở thành Vương xá an cư xong, may y xong liền đắp y mang bát đi đến chỗ Phật, đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên, pháp thường của Phật là khi có khách Tỳ kheo đến đều hỏi thăm có nhẫn đủ không, có an lạc trụ không, khất thực có dễ không, đi đường có nhọc mệt không. Lúc đó các Tỳ kheo đều đáp là nhẫn đủ, được an lạc trụ, khất thực không khó, đi đường không nhọc mệt, rồi đem việc trên bạch Phật. Phật do việc này nhóm Tỳ kheo tăng rồi quở trách các Tỳ kheo này: “Ta thương xót nên cho các Tỳ kheo bịnh cất dùng bốn loại dược hàm tiêu là tô, dầu, mật và thạch mật; tại sao các thầy lại cất cách đêm lấy ăn phạm ác tróc, không thọ và nội túc”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay cho các Tỳ kheo bịnh cất chứa bốn loại dược hàm tiêu trong vòng bảy ngày được tùy ý thọ dụng, nếu cất chứa quá bảy ngày thì phạm Ni-tátkỳ Ba-dật-đe”.

Phật tại nước Xá-vệ, Trưởng lão Nghi ly việt thấy người khác làm đường phèn bằng cách trộn bột gạo với đường nhuyển rồi nấu với tiêu thổ hoặc mồ hống, liền bảo các Tỳ kheo: “Các Trưởng lão, đường phèn này được làm bằng cách trộn bột gạo với đường nhuyển rồi nấu với tiêu thổ hoặc mồ hống. Vì vậy qua giờ ngọ các Trưởng lão không nên ăn”. Các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Trưởng lão Nghi ly việt: “Thầy thật thấy người khác làm đường phèn bằng cách… mồ hống, nên bảo các Tỳ kheo qua giờ ngọ không nên ăn phải không?”, đáp: “Thật như thế thưa Thế tôn”, Phật khen ngợi giới và người trì giới rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay cho thọ dùng đường phèn trước giờ ngọ, sau giờ ngọ không nên ăn”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Trưởng lão Xá-lợi-phất bị cảm lạnh, thầy thuốc bảo nên uống nước thuốc Tô-đề-la. Trưởng lão nói: “Phật chưa cho uống nước thuốc này”, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Từ nay cho được uống nước thuốc Tô-đề-la”. Trưởng lão Ưuba-ly hỏi Phật dùng vật gì làm nước thuốc Tô-đề-la, Phật nói: “Nên lấy đại mạch, bỏ vỏ cứng, không làm cho bể rồi nấu một chút, sau đó ngâm trong nước nóng rồi đựng trong cái hủ, ban ngày thọ thì ban đêm dùng, ban đêm thọ thì ban ngày dùng, không được dùng quá thời phần”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Trưởng lão Xá-lợi-phất mắc bịnh máu nóng, thầy thuốc bảo nên uống nước thuốc Thủ lư, Trưởng lão nói Phật chưa cho dùng, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Từ nay cho được uống nước thuốc Thủ lư”. Trưởng lão Ưu-ba-ly hỏi Phật nên dùng vật gì làm nước thuốc này, Phật bảo: “Nên lấy cây Hoàng bá mài nhỏ rồi trộn với dầu, sau đó hòa với nước để uống, nên đúng thời uống dùng, không đúng thời thì không được uống dùng”.

Phật tại nước Ba là nại cùng đại chúng hạ an cư, trong nước này có Ưu-bà-di tên Ma-ha-tư-na rất giàu có, tiền bạc, lúa thóc, ruộng vườn nhà cửa và các vật báu đều đầy đủ. Người này đã thành tựu các phước đức, tin Phật pháp tăng, được Kiến đế đắc đạo. Ưu-bà-di này thỉnh Phật và Tăng trong bốn tháng hạ cung cấp cho người bịnh tùy ý thọ dụng ẩm thực và thuốc men. Lúc đó có một Tỳ kheo bịnh, thầy thuốc bảo nên dùng thịt, Tỳ kheo bịnh bảo người khán bịnh: “Thầy nên đến nói với Ưu-bà-di Ma-ha-tư-Na-là có một Tỳ kheo bịnh, thầy thuốc bảo cần thịt”, người khán bịnh đến nói, Ưu-bà-di này liền đưa tiền cho tỳ nữ đi mua thịt rồi đưa cho người khán bịnh. Tỳ nữ cầm tiền vào thành tìm mua thịt nhưng không được vì ngày đó vua Ba ma đạt ra lịnh không sát sanh. Tỳ nữ trở về báo lại, Ma-ha-tư-na nghe rồi liền suy nghĩ: “Thật cơ khổ, ta thỉnh Phật và Tăng trong bốn tháng hạ cung cấp cho người bịnh tùy ý thọ dụng ẩm thực và thuốc men. Nay có Tỳ kheo bịnh cần thịt thịt lại tìm mua không được; nếu không có thịt chắc bịnh của-Tỳ kheo sẽ nặng thêm”, nghĩ rồi liền cầm dao bén vào trong nhà cắt thịt nơi bắp vế của mình rồi đưa cho tỳ nữ đem nấu chín rồi đưa cho người khán bịnh. Tỳ nữ vâng lời nấu chín thịt rồi đưa cho người khán bịnh, người khán bịnh mang về đưa cho Tỳ kheo bịnh ăn, Tỳ kheo bịnh không biết là thịt gì nên ăn, bịnh liền lành. Lúc đó Ưu-bà-di Ma-ha-tư-na đau đớn vì vết thương nên không thể ra vào, ngồi đứng; chồng bà vì có chút việc đi vắng nhà nên không biết việc này, khi trở về không thấy vợ đâu nên hỏi gia nhân, gia nhân nói là bà bịnh đang nằm trong phòng. Người chồng vội đến bên vợ hỏi thăm: “Nàng bị cảm lạnh hay mắc bịnh gì?”, Ma-ha-tư-na liền đem việc trên kể lại, người chồng nghe rồi liền tức giận, không nhẫn nổi, sanh bất tín nói rằng: “Sa-môn Thích tử không biết thời, không biết lượng; nếu người cúng không biết lượng thì người thọ nên biết lượng. Sao lại làm cho vợ ta đau đớn như thế này, không thể ngồi dậy được”, nói rồi ôm lòng sân đi đến gặp Phật. Lúc đó Phật đang nói pháp cho đại chúng, từ xa thấy Ưu-bà-tắc này đi đến, Phật liền dùng thần lực từ bi cảm hóa khiến cho lòng sân của Ưu-bà-tắc này lắng xuống dần, tâm thanh tịnh phát sanh, đến chỗ Phật đảnh lễ ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho Ưubà-tắc được lợi hỉ rồi im lặng. Lúc đó cư sĩ chắp tay thỉnh Phật và Tăng vào ngày mai thọ thực, Phật im lặng nhận lời,cư sĩ biết Phật đã nhận lời liền đảnh lễ Phật hữu nhiễu rồi ra về. Về đến nhà ngay trong đêm đó lo sửa soạn đủ các món ăn ngon, sáng sớm trải tòa rồi sai sứ đến bạch Phật: “Đã đến giờ thọ thực, xin Phật tự biết thời”. Phật đắp y mang bát cùng chúng tăng đến nhà cư sĩ, thấy Phật và Tăng ngồi xong rồi, cư sĩ tự tay dâng thức ăn thức uống cúng dường. Phật và Tăng thọ thực xong, cư sĩ lấy cái ghể nhỏ ngồi trước Phật muốn nghe pháp, Phật liền hỏi cư sĩ: “Ưu-bà-di Ma-ha-tư-na hiện giờ ở đâu?”, đáp: “Thế tôn, vợ con bịnh khổ đau đớn, đang nằm ở trong nhà, không ngồi dậy được”, Phật bảo cư sĩ: “Ông hãy vào trong nhà nói với Ưu-bà-di Ma-ha-tư-Na-là Phật gọi cô”, cư sĩ liền vào trong nhà nói với vợ là Phật cho gọi, Ma-ha-tư-na nghe Phật cho gọi, sanh tâm vui mừng nên vết thương liền bình phục, bà nói với chồng: “Chàng thấy không, Phật có đại thần lực nên vừa nghe Phật cho gọi, vết thương liền bình phục”, người chồng thấy người vợ nhờ thần lực của Phật mà vết thương liền bình phục nên sanh tâm hoan hỉ, cùng vợ đi đến gặp Phật, đảnh lễ rồi ngồi một bên. Phật biết hai người đã khởi tín tâm và hoan hỉ nên tùy duyên thuyết pháp khiến cho mhtn được đạo quả Tư-đà-hàm và người chồng được quả Tu-đà-hoàn; Phật lại nói pháp yếu khiến cả hai phát thiện tâm, chỉ dạy cho họ được lợi hỉ rồi đứng dậy trở về tinh xá. Sau đó Phật do nhân duyên này nhóm Tỳ kheo tăng rồi hỏi Tỳ kheo bịnh: “Thầy thật đã làm như thế phải không?”, đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại ăn thịt người”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay không được ăn thịt người, cho đến mở, máu và gân người; nếu ăn thì phạm tội Thâu-lan-giá, nhưng ăn xương người thì không tội. Từ nay nếu gặp chút nhân duyên thì không được ăn thịt, nếu có nhân duyên phải ăn thịt thì nên hỏi trước là thịt gì rồi mới được ăn, nếu không hỏi mà ăn thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại nước Ba là-nại, lúc đó thời thế mất mùa đói kém, khất thực khó được, voi bị nạn dịch nên chết rất nhiều. Những người nghèo khổ cho đến người chăn voi, chăn ngựa, chăn trâu, người thiêu tử thi, người hốt phân… đều ăn thịt voi. Lúc đó các Tỳ kheo đến giờ khất thực đi đến trước nhà những người này khất thực, họ nói:“Đại-đức, hiện giờ chúng tôi không có cơm, bún…; nhưng có thịt voi, các thầy có thể ăn được không?”, đáp: “Các vị ăn được tại sao chúng tôi lại không ăn được”, họ liền đưa thịt voi, các Tỳ kheo thọ rồi mang về, Tỳ kheo khác thấy liền hỏi là thịt gì, đáp là thịt voi, các Tỳ kheo liền quở trách: “Phật chưa cho ăn thịt voi sao lại ăn”, quở trách rồi đem việc này bạch Phật, Phật do việc này nhóm Tỳ kheo tăng rồi hỏi các Tỳ kheo đó: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?”, đáp: “Đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại ăn thịt voi. Nếu vua Phạm ma đạt nghe biết Sa-môn Thích tử ăn thịt voi sẽ không vui, vì sao, vì voi là vật thuộc vua quan”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay không được ăn thịt voi cho đến mở, máu và gân voi; nếu ăn thì phạm Đột-kiếtla, nhưng ăn xương voi thì không tội”.

Phật tại nước Ba là nại, lúc đó thời thế mất mùa đói kém, khất thực khó được, ngựa bị nạn dịch nên chết rất nhiều. Những người nghèo khổ cho đến người chăn voi, chăn ngựa, chăn trâu, người thiêu tử thi, người hốt phân … đều ăn thịt ngựa. Lúc đó các Tỳ kheo đến giờ khất thực đi đến trước nhà những người này khất thực, họ nói: “Đại-đức, hiện giờ chúng tôi không có cơm, bún…; nhưng có thịt ngựa, các thầy có thể ăn được không?”, đáp: “Các vị ăn được tại sao chúng tôi lại không ăn được”, họ liền đưa thịt ngựa, các Tỳ kheo thọ rồi mang về, Tỳ kheo khác thấy liền hỏi là thịt gì, đáp là thịt ngựa, các Tỳ kheo liền quở trách: “Phật chưa cho ăn thịt ngựa sao lại ăn”, quở trách rồi đem việc này bạch Phật, Phật do việc này nhóm Tỳ kheo tăng rồi hỏi các Tỳ kheo đó: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?”, đáp: “Đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại ăn thịt ngựa. Nếu vua Phạm ma đạt nghe biết Sa-môn Thích tử ăn thịt ngựa sẽ không vui, vì sao, vì ngựa là vật thuộc vua quan”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay không được ăn thịt ngựa cho đến mở, máu, gân và xương ngựa; nếu ăn thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại nước Ba là nại, lúc đó thời thế mất mùa đói kém, khất thực khó được nên những người nghèo khổ cho đến người chăn voi, chăn ngựa, chăn trâu, người thiêu tử thi, người hốt phân… đều giết chó để ăn thịt. Lúc đó các Tỳ kheo đến giờ khất thực đi đến trước nhà những người này khất thực, họ nói: “Đại-đức, hiện giờ chúng tôi không có cơm, bún…; nhưng có thịt chó, các thầy có thể ăn được không?”, đáp: “Các vị ăn được tại sao chúng tôi lại không ăn được”, họ liền đưa thịt chó, các Tỳ kheo thọ rồi mang về, Tỳ kheo khác thấy liền hỏi là thịt gì, đáp là thịt chó, các Tỳ kheo liền quở trách: “Phật chưa cho ăn thịt chó sao lại ăn”, quở trách rồi đem việc này bạch Phật, Phật do việc này nhóm Tỳ kheo tăng rồi hỏi các Tỳ kheo đó: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?”, đáp: “Đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại ăn thịt chó. Nếu các thầy đến bên những người giàu có hoặc họ đến thăm các thầy mà nghe biết Sa-môn Thích tử ăn thịt chó thì họ sẽ bỏ các thầy mà đi như bỏ Chiên-đà-la”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay không được ăn thịt chó cho đến mở, máu, gân và xương chó; nếu ăn thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại nước Ba là nại, lúc đó thời thế mất mùa đói kém, khất thực khó được, nên những người nghèo khổ cho đến người chăn voi, chăn ngựa, chăn trâu, người thiêu tử thi, người hốt phân… đều giết rắn để ăn thịt. Lúc đó các Tỳ kheo đến giờ khất thực đi đến trước nhà những người này khất thực, họ nói: “Đại-đức, hiện giờ chúng tôi không có cơm, bún…; nhưng có thịt rắn, các thầy có thể ăn được không?”, đáp: “Các vị ăn được tại sao chúng tôi lại không ăn được”, họ liền đưa thịt rắn, các Tỳ kheo thọ rồi mang về, Tỳ kheo khác thấy liền hỏi là thịt gì, đáp là thịt rắn, các Tỳ kheo liền quở trách: “Phật chưa cho ăn thịt rắn sao lại ăn”, quở trách rồi đem việc này bạch Phật, Phật do việc này nhóm Tỳ kheo tăng rồi hỏi các Tỳ kheo đó: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?”, đáp: “Đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại ăn thịt rắn. Nếu rồng nghe biết Sa-môn Thích tử ăn thịt rắn sẽ không vui, vì sao, vì rắn và rồng cùng 1 dòng họ”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay không được ăn thịt rắn cho đến mở, máu và gân rắn; nếu ăn thì phạm Đột-kiết-la, nhưng ăn xương rắn thì không tội”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Phật bị cảm lạnh, thầy thuốc bảo dùng cháo nấu với ba loại đắng, Phật bảo A-nan lo liệu, A-nan liền vào thành xin mè, gạo, đậu Ma sa và đậu nhỏ đem về nấu cháo cho Phật dùng. Phật tuy biết nhưng vẫn hỏi A-nan là ai nấu, đáp là con nấu, Phật nói: “Thầy hãy mang cháo này đổ nơi đất trống không có cỏ hoặc đổ trong nước không có trùng, vì sao, vì ngoại đạo Phạm chí nếu biết được sẽ cho là Phật còn tại thế mà Sa-môn Thích tử đã có lậu xứ lưu xuất”, A-nan vâng lời Phật dạy đem cháo đi đổ ở nơi đất trống không có cỏ hoặc trong nước không có trùng. Phật do việc này nhóm Tỳ kheo tăng rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay, nếu đại Tỳ kheo nấu thức ăn thì không được ăn, nếu ăn thì phạm Đột-kiết-la. Nếu ngủ bên trong (nội túc) mà nấu ở bên trong (chữ túc) hoặc ngủ bên trong mà nấu ở bên ngoài, ngủ bên ngoài mà nấu ở bên trong, hễ tự nấu thì không được ăn; nếu ăn thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có cư sĩ thỉnh Phật và Tăng vào ngày nhận phần ăn mang về. Lúc đó cư sĩ thấy chúng tăng đã ngồi xong liền tự tay dâng thức ăn cúng dường, A-nan ăn trước rồi nhận lấy phần ăn của Phật mang về. A-nan thấy cơm nấu còn hơi sống sợ Phật ăn cơm này bịnh cũ sẽ tái phát nên mang cơm này ra trước cửa Kỳ hoàn ở nơi đất trống nhóm lửa nấu lại cho chín. Lúc đó Phật kinh hành ở gần đó nhìn thấy liền hỏi A-nan làm gì, A-nan bạch rõ nguyên do, Phật nói: “Lành thay A-nan, cơm còn sống như thế, đem nấu lại là đúng pháp. Từ nay nếu cơm sống thì cho làm hỏa tịnh để nấu lại. Sao gọi là hỏa tịnh, tức là lửa chạm vào nồi”. Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có một Tỳ kheo bị bịnh trĩ, thầy thuốc tên A-đế-lợi-cù-đố-lộ dùng dao cắt trĩ tại một chỗ hiển lộ gần cửa Kỳ hoàn, khiến cho Tỳ kheo đau đớn toàn thân. Lúc đó Phật vừa đi vào Kỳ hoàn, thầy thuốc này từ xa thấy Phật liền đến chắp tay thỉnh Phật lại xem chỗ trĩ vừa bị cắt, Phật liền quở trách thầy thuốc: “Này A-đế-lợi-cù-đố-lộ, ông là người xấu miệng nhất thế gian nên mới thỉnh Như lai lại xem chỗ trĩ vừa bị cắt. Tứ nay không được thỉnh Như lai như thế, nếu thỉnh thì phạm tội; từ nay không được dùng dao cắt trĩ, nếu dùng dao cắt thì phạm Thâu-langiá”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có vua tên A-kỳ-đạt thuộc dòng Bàla-môn ở nước Tỳ-la-nhiên, có chút việc nên đến nước Xá-vệ, ngủ lại đêm tại nhà một cư sĩ và hỏi cư sĩ rằng: “Ở nước này có bậc Sa-môn, Bà-la-môn nào đạo cao đức trọng được mọi người tôn kính làm thấy hay không; nếu có, tôi sẽ thường đến thăm hỏi để tâm được thanh tịnh”, cư sĩ đáp: “Có Sa-môn Cù đàm là Thích tử tịnh tín xuất gia, cạo bỏ râu tóc, khoác y ca sa, đã chứng được A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-phật-đa. Nếu ông thường đến thăm hỏi, tâm ông sẽ được thanh tịnh”, lại hỏi: “Samôn Cù đàm hiện đang ở đâu, tôi muốn đến gặp”, đáp: “Sa-môn Cù đàm hiện đang ở tại vườn Kỳ thọ Cấp cô độc, ông hãy đến đó gặp”. Vua A-kỳ-đạt theo như lời cư sĩ liền đi đến gặp Phật, lúc đó Phật đang ở trong rừng cây thuyết pháp cho đại chúng, các căn thanh tịnh, tướng mạo đaon chánh như núi tử kim. Vua A-kỳ-đạt đến chỗ Phật đảnh lễ ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho vua được lợi hỉ rồi im lặng. Lúc đó vua chắp tay bạch Phật: “Thế tôn, cúi xin Phật và Tăng thọ con thỉnh đến nước con hạ an cư”, Phật nhớ lại nhân duyên túc hạnh liền biết đã đến lúc thọ báo ứng nên im lặng nhận lời, vua biết Phật đã nhận lời liền đảnh lễ Phật hữu nhiễu rồi ra về. Về đến nước mình liền ra lịnh chuẩn bị đầy đủ các món ăn ngon để cúng Phật và tăng trong ba tháng an cư sắp tới, sau đó lại bảo người giữ cửa cung: “Trong mùa hạ này ta muốn an lạc tự vui nên mọi việc tốt xấu bên ngoài đều không được vào thưa bạch”, người giữ cửa liền tuân theo lời vua bảo. Lúc đó Phật thấy thời an cư đã đến liền nhóm Tỳ kheo tăng rồi bảo các Tỳ kheo: “Chúng ta nay đến nước Tỳ-la-nhiên an cư”, sau đó Phật cùng đại chúng năm trăm người du hành đến nước Tỳ-lanhiên. Nước này vốn tin theo tà giáo nên trước nay không có tinh xá, ở phía Bắc của thành có một khu rừng tên là Thắng diệp ba, cây cối sum suê, đất bằng phẳng rộng rãi nên Phật và đại chúng đến trong rừng này dừng nghỉ. Thôn ấp ở bìa rừng nhỏ hẹp, dân chúng quê mùa nghèo khổ, ít tín tâm nên khất thực khó được. Phật nhóm Tỳ kheo tăng rồi bảo các Tỳ kheo: “Thôn ấp này nhỏ hẹp, dân chúng nghèo khổ, không có tín tâm nên khất thực khó được. Nếu ai muốn ở lại đây an cư thì ở, ai không muốn thì tùy ý đi”, lúc đó Trưởng lão Xá-lợi-phất một mình lên núi A- mâu-ca-mạt-ca an cư, thọ vua trời Đế thích và hoàng hậu của vua là con gái của A-tu-la thỉnh cúng dường thức ăn của trời trong bốn tháng an cư. Phật cùng bốn trăm chín mươi chín Tỳ kheo ở lại trong nước Tỳ-lanhiên an cư, do các cư sĩ và Bà-la-môn ở nước này ít tín tâm đối với Phật pháp nên chỉ cúng dường cho Phật và Tăng khoảng năm, sáu ngày thì ngưng. Các Tỳ kheo khất thực rất khó được nên Trưởng lão đại Mụckiền-liên bạch Phật: “Thế tôn, ở cõi Diêm-phù-đề có cây Diêm-phùđề, con muốn đến đó hái trái của cây này để cúng dường đại chúng. Ở cõi Uất đơn việt có rừng Ha-lê-lặc và rừng A-ma-lặc, nơi đó có lúa thơm tự nhiên; ở cõi trời Đao lợi có vị thức ăn Tu đà, con muốn đến đó lấy mang về cúng dường đại chúng. Lại có vị ngọt của đất, con muốn dùng một tay nâng chúng sanh lên, tay kia lật đất lên để cho các Tỳ kheo tự lấy vị đất ăn. Cúi xin Thế tôn chấp thuận”, Phật nói: “Thầy tuy có đại thần thông nhưng quả báo ác hạnh của các Tỳ kheo nay đã chín, không thể làm thay đổi được, nên ta không chấp thuận”. Do ở trong nước này có nước suối trong mát và cây cỏ xanh tươi nên những người chăn ngựa ở nước Ba là-nại thường dẫn ngựa đến nước này cho ăn cỏ uống nước, vì vậy chúng được mập mạp. Những người chăn ngựa này tin Phật và tâm tịnh nên thấy các Tỳ kheo khất thực cực khổ lại khó được nên thăm hỏi và nó rằng: “Chúng tôi biết các thầy đói khổ nhưng lương thực của chúng tôi đã hết, hiện giờ còn lúa ngựa các thầy có thể thọ dụng được không?”, các Tỳ kheo nói: “Phật chưa cho chúng tôi ăn lúa ngựa”, các Tỳ kheo không biết làm sao liền bạch Phật, Phật nói: “Ngựa thuộc về người chăn ngựa, nếu những người chăn ngựa này cho ngựa ăn cỏ non và nước mát mà được mập thì các thầy nên thọ”. Bầy ngựa có năm trăm con, mỗi con ngựa ăn hai đấu lúa nên người chăn ngựa cấp cho mỗi Tỳ kheo một đấu, còn một đấu dành cho ngựa; trong số ngựa này có một con lương mã ăn bốn đấu nên người chăn ngựa cấp cho Phật hai đấu, còn hai đấu dành cho ngựa. A-nan nhận lấy phần lúa của Phật và của mình đi vào trong tụ lạc, tới trước một người nữ ca ngợi công đức Phật: “Phật là bậc Nhất thiết trí, có đủ niệm, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, đại từ, đại bi; thân Phật có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, màu sắc vàng tía; trên đỉnh đầu Phật có hào quang, có âm thanh của trời Đại phạm. Nếu Phật không xuất gia sẽ làm Chuyển luân thánh vương như mặt trời mọc, sẽ có bảy báu và ngàn người con; tôi và tất cả mọi người đều thuộc về Ngài. Nay Phật đã xuất gia chứng được A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-phật-đa, đã dứt trừ sanh già bịnh chết và ưu bi khổ não; người chưa độ thì được độ, người chưa giải thoát thì được giải thoát. Vì có chút nhân duyên nên Phật đến nước này an cư, cô có thể mang lúa này nấu giúp thành cơm cho Phật, được không?”, người nữ đáp: “Đại-đức, trong nhà tôi nhiều việc nên không thể làm giúp được”. Lúc đó có một người nữ khác ở cạnh đó nghe A-nan ca ngợi công đức Phật liền sanh tín kính, nghĩ là người như thế khó được, nên bạch với A-nan: “Thầy hãy mang lúa đến đây, con sẽ nấu thành cơm cho Phật, phần lúa của thầy con cũng sẽ nấu luôn. Từ nay nếu có Tỳ kheo hiền thiện, trí tuệ, trì luật, con cũng sẽ nấu luôn phần lúa của vị ấy”, người nữ nấu thành cơm xong đưa cho A-nan mang về dâng cho Phật. A-nan đối với Phật tình sâu nên suy nghĩ: “Phật là dòng vua nên ăn thức ăn ngon, nay lại phải ăn cơm thô dỡ này làm sao có ích cho thân”, vì nghĩ như vậy nên khi thấy Phật ăn, A-nan liền nghẹn ngào rơi lệ. Phật hiểu ý A-nan và muốn giải tỏa nổi buồn này nên hỏi A-nan: “Thầy có thể ăn thử cơm này không?”, đáp là được, liền lấy cơm ăn thử, cảm thấy mùi vị thơm ngon phi thường, giống như chư thiên đã nêm thêm gia vị vào, A-nan vui mừng, nỗi buồn liền biến mất. Phật ăn xong, A-nan thâu bát rồi bạch Phật: “Thế tôn, hôm nay có một người nữ, con nhờ cô ấy nấu giúp thành cơm nhưng cô ấy không chịu nấu; lại có một người nữ khác, con không nhờ mà lại chịu nấu giúp”, Phật nói: “Người nữ không chịu nấu giúp thì cái đáng được lại không được, nếu cô ấy chịu nấu giúp thì nhờ công đức phước báo này sẽ được làm đệ nhất phu nhân của Chuyển luân thánh vương. Người nữ không nhờ là lại chịu nấu giúp thì được phước vô lượng, không cần phước nào khác”. Lúc đó do túc hạnh của Phật chưa dứt nên trong khoảng thời gian này không có ai biết Phật và Tăng an cư tại nước Tỳ-la-nhiên phải ăn lúa ngựa. Ma vương hóa hiện làm Tỳ kheo mang cơm thơm ngon đi đến các nước, người gặp giữa đường hỏi từ đâu đến thì đáp là từ nước Tỳ-la-nhiên đến, nếu họ hỏi Phật ở đó có được cúng dường đầy đủ không thì đáp: “Nước ấy thường có đại hội nên có đầy đủ các món ăn ngon. Thức ăn mà tôi đang cầm chính là thức ăn dư của Phật”. Đến khi túc hạnh của Phật đã dứt thì cả mười sáu nước đều nghe biết Phật và Tăng an cư ở nước Tỳ-lanhiên phải ăn lúa ngựa, lúc đó những người giàu có, trưởng giả, cư sĩ, Tát bạc (thương chủ) của các nước cùng nhau chuẩn bị các món ăn ngon chở đầy trên xe ngựa, đi chật cả đường để mang đến cúng dường. Lúc đó còn bảy ngày nữa là tự tứ, Phật tuy biết nhưng vẫn hỏi A-nan là còn mấy ngày nữa tự tứ, A-nan đáp là còn bảy ngày nữa, Phật bảo A-nan: “Thầy hãy vào thành đến nói với vua A-kỳ-đạt rằng Phật ở trong nước của ông an cư đã xong, nay muốn du hành đến nước khác”, các Tỳ kheo nói: “Thế tôn, người này đối với Phật và Tăng có ân đức gì, ở đây an cư rất khốn khổ vì sao còn phải từ biệt ông ấy”, Phật nói: “Vua Bà-la-môn này tuy không có ân đức gì nhưng theo lý khách chủ thì chúng ta phải từ biệt”. A-nan vâng lời Phật dạy, cùng một Tỳ kheo khác đi đến cung vua và bảo người giữ cửa: “Ngươi hãy vào bạch vua là có A-nan đang ở ngoài cửa”, người giữ cửa suy nghĩ: “A-nan là tên tốt lành, mới sáng sớm được nghe vì sao không vào báo chứ”, nghĩ rồi liền vào báo. Lúc đó vua đã thức dậy, tắm rửa rồi mặc áo trắng sạch đang ngồi trong cung, nghe người giữ cửa vào báo là có A-nan đang ở ngoài cửa, theo pháp của Bà-la-môn hễ nghe được tên tốt lành thì có tin tốt lành theo đến, vì thế vua cho gọi A-nan vào và hỏi: “Thầy đến có việc gì?”, đáp: “Phật bảo tôi đến nói với vua là Phật ở trong nước của vua an cư ba tháng đã xong nay muốn du hành đến nước khác”, vua kinh hãi hỏi: “Sa-môn Cù đàm đã đến nước ta an cư rồi hay sao?”, đáp là đã an cư, lại hỏi là ai đã cung cấp, đáp: “Phật và Tăng an cư ở trong nước này rất khốn khổ, phải ăn lúa ngựa trong ba tháng hạ”. Lúc đó vua mới chợt nhớ ra là mình đã thỉnh Phật và Tăng đến nước mình an cư trong ba tháng cúng dường đầy đủ, vua liền nghĩ: “Ta đã khiến cho Phật và Tăng phải ăn lúa ngựa trong ba tháng, tiếng xấu này sẽ lan truyền khắp các nước, họ sẽ cho ta là người tà ác ghét bỏ Phật pháp, não hại Phật và Tăng nên đã để cho Phật và Tăng chịu khốn khổ như thế”, nghĩ rồi liền nói với A-nan: “Sa-môn Cù đàm có thể ở lại để tôi sám hối được không?”, đáp là không thể được, vua nghe rồi ưu sầu hổ thẹn ngất xỉu xuống đất, tông thân của vua lấy nước rưới lên mặt cho tỉnh lại rồi an ủi vua rằng: “Vua chớ sầu muộn, chúng ta sẽ đến chỗ Sa-môn Cù đàm sám hối và thỉnh Phật ở lại một thời gian; nếu Phật không chấp thuận thì chúng ta sẽ mang thực phẩm thanh tịnh theo sau, đợi lúc thiếu thốn sẽ cúng dường”. Vua A-kỳđạt cùng các quyến thuộc đi đến chỗ Phật sám hối và thỉnh Phật ở lại một thời gian, Phật suy nghĩ: “Nếu ta không nhận lời thì vua A-kỳ-đạt sẽ hộc máu mà chết”, Phật thương xót nên nhận lời ở lại bảy ngày, vua A-kỳ-đạt suy nghĩ: “Tất cả vật phẩm này là chuẩn bị để cúng dường trong bốn tháng, nay chỉ ở lại bảy ngày thì làm sao cúng dường hết được”. Lúc đó tự tứ xong, Phật muốn du hành đến nước Việt-kỳ trong hai tháng, dân chúng nước Việt-kỳ nghe tin liền làm yếu lịnh mỗi người tự chuẩn bị đầy đủ mọi thứ để theo thứ lớp cúng dường trong hai tháng. Khi Phật du hành đến nước Việt-kỳ, vua A-kỳ-đạt cho chở các phẩm vật cúng dường đi theo sau chờ khi thiếu thốn sẽ cúng dường, dân chúng nước Việt-kỳ nói với nhau: “Chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cúng dường bữa ăn trước, bữa ăn sau, không để cho ai xen vào”. Lúc đó vua A-kỳ-đạt biết chỗ Phật nghỉ lại đêm liền mang các phẩm vật cúng dường đến và nói rằng: “Hôm nay, ngày mai, ngày mốt tôi sẽ cúng dường”, dân chúng nước Việt-kỳ nói: “Ông là người tà ác, là oan gia của Phật nên đã cố ý xúc não Phật và Tăng; nay muốn làm vui lòng nên đến đây nói hôm nay, ngày mai tôi sẽ cúng dường. Lúc đó ông đã bận việc gì, tại sao hứa thỉnh Phật và Tăng như thế lại để cho Phật và Tăng phải ăn lúa ngựa trong ba tháng an cư?”, vua A-kỳ-đạt nghe nói rôi trong lòng xấu hổ đứng qua một bên nói rằng: “Nếu thiếu món gì tôi sẽ cúng dường món đó”. Đúng lúc đó thiếu món cháo, vua A-kỳ-đạt liền cho nấu tám món cháo: Cháo tô, cháo sữa, cháo dầu, cháo hồ ma, cháo đậu nhỏ, cháo đậu ma sa, cháo Ma tử, cháo trắng để cúng dường Phật và Tăng. Các Tỳ kheo không thọ nói rằng: “Phật chưa cho ăn tám loại cháo”, liền bạch Phật, Phật nói: “Từ nay cho ăn tám loại cháo, vì cháo có năm điều lợi ích cho thân: Một là trừ đói, hai là trừ khát, Ba là làm cho khinh an, bốn là trị bịnh cảm lạnh, năm là tiêu hóa được thức ăn đêm qua”. Lúc đó vua A-kỳ-đạt suy nghĩ: “Suốt trong bốn tháng ta an lạc tự vui, nay lại theo Sa-môn Cù đàm hai tháng, vì một người mà ta bỏ bê việc nước; các phẩm vật này quá nhiều không thể cúng dường hết, ta nên bỏ dưới đất để Phật và chúng tăng đạp lên cũng như là thọ dụng”, nghĩ rồi liền đem ý định đó bạch Phật và xin Phật chấp thuận, Phật nói:

“Không được làm như lời vua nói, vì sao, vì những vật thực này dùng để ăn thì phải dùng miệng để ăn”, Phật muốn giáo hóa vua A-kỳ-đạt nên nói kệ:

“Ở trong miếu thờ trời,
Cúng dường lửa trên hết.
Trong sách Bà-la-môn,
Trời Tát bệ trên hết.
Trong tất cả loài người,
Vua chuyển luân hơn hết.
Trong tất cả sông ngòi,
Biển cả sâu hơn hết.
Trong tất cả ngôi sao,
Mặt trăng là lớn nhất.
Trong tất cả ánh sáng,
Ánh mặt trời sáng nhất.
Trong mười phương trời người,
Phật phước điền lớn nhất”.

Phật nói kệ xong liền đứng dậy ra đi.

Phật từ nước Việt-kỳ du hành đến nước A-na-già-tần-đầu, trong nước này có một đệ tử của ngoại đạo trước kia là tượng sư tên Tỳ-la-tra, nhà rất giàu có, tiền bạc, lúa thóc, ruộng vườn nhà cửa và các vật báu đều đầy đủ; người này thành tựu vô lượng phước đức. Dân chúng trong nước này phần nhiều tin theo tà kiến, nghe tin Phật sắp du hành đến đây, họ liền tụ tập lại cùng đi đến chỗ Tượng sư này, dùng đủ lời hủy báng Phật và Tăng rằng: “Sa-môn Cù đàm không biết đủ, khó thể cúng dường, nhiều tham muốn không biết nhàm lìa; lại còn dẫn theo một ngàn hai trăm năm mươi Tỳ kheo, một ngàn Ưu-bà-tắc và năm trăm người ăn xin đi từ tụ lạc này đến tụ lạc khác, từ thành này đến thành khác. Giống như mưa đá hay sâu bọ phá hoại lúa của người, họ cũng vậy, đi đến đâu đều phá hoại gia nghiệp của người. Theo thứ lớp họ sắp đến nước này gây bất lợi cho chúng ta”. Tượng sư và mọi người trong thành tâm ác chuyển sanh nên cùng làm yếu lịnh: “Sa-môn Cù đàm đến đây thì không một ai được đến gặp”. Khi Phật đến nước này, trong nước vốn không có tinh xá, ở phía Bắc của thành có một khu rừng tên là Thắng diệp ba, cây cối sum suê, đất bằng phẳng rộng rãi nên Phật và đại chúng đến trong rừng này dừng nghỉ. Lúc đó Tượng sư nghe tin Phật đến, người này đời trước đã cúng dường Phật, đã gieo trồng căn lành, gần được chánh kiến lợi căn; do sức của nhân đời trước nên đời này có thể được trí vô lậu, lại do sức thiện căn thúc đẩy nên Tượng sư suy nghĩ: “Ở trong nước này, ta được mọi người tôn kính nhất, nếu ta không đến gặp Phật thì mọi người sẽ cho ta là tiếc phí (sợ hao phí tiền của)”, nghĩ rồi liền nói với mọi người: “Mọi người trước đây đã làm yếu lịnh, nhưng nay ta nghĩ yếu lịnh này không toàn vẹn”, mọi người hỏi là không toàn vẹn chỗ nào, liền đáp: “Ở trong nước này ta được mọi người tôn kính nhất, nếu ta không đến gặp Phật mọi người sẽ cho ta là tiếc phí”, mọi người hỏi: “Ông đến gặp Sa-môn Cù đàm đem cái gì cúng dường?”, đáp là đem đường phèn cúng dường, mọi người nói; “Sa-môn Cù đàm là người không biết đủ, khó thể cúng dường, nhiều tham muốn không biết nhàm lìa; dù ông đem một ngàn hai trăm năm mươi bình đựng đầy đường phèn, Sa-môn Cù đàm cũng nhận hết”. Tượng sư là người giàu có nên không tính toán, liền đem một ngàn hai trăm năm mươi bình đựng đầy đường phèn đến cúng cho Phật và Tăng, Phật bảo Tượng sư đem phân chia cho chúng tăng. Tượng sư suy nghĩ: “quả đúng như lời mọi người nói, Sa-môn Cù đàm đều nhận hết”, nghĩ rồi liền đem phân chia cho chúng tăng, các Tỳ kheo không nhận nói rằng: “Đường phèn này nhiều quá, chúng tôi không thể thọ”, Tượng sư bạch Phật: “Xin Phật bảo các Tỳ kheo thọ đường phèn này”, Phật đưa bình bát và dao dùng để cắt đường phèn phân chia, tuy đã phân chia đầy một ngàn hai trăm năm mươi bình bát của các Tỳ kheo nhưng vẫn không hết một bình đường phèn, Tượng sư bạch Phật: “Thế tôn, con đã chia đầy bát cho các Tỳ kheo nhưng vẫn không hết số đường phèn này”, Phật nói: “Ông hãy đem đường phèn phân chia cho một ngàn Ưu-bà-tắc và năm trăm người ăn xin đi theo ta”, Tượng sư đem phân chia như lời Phật nói nhưng vẫn không hết một bình đường phèn nên bạch Phật: “Mọi người đều đã được chia đủ nhưng đường phèn vẫn còn dư, phải làm thế nào”, Phật nói: “Này Tượng sư, trừ Phật và Tăng ra, ta không thấy trời người, ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn nào và tất cả chúng sanh trong thế gian này có thể tiêu hóa được đường phèn này. Ông hãy đem số đường phèn còn dư đổ ở nơi đất trống không có cỏ hoặc trong nước không có trùng”, Tượng sư vâng theo lời Phật đem đường phèn còn dư đổ ở nơi đất trống không có cỏ hoặc trong nước không có trùng, liền thấy số đường phèn này bốc khói khiến nước sôi lên, giống như đem một thanh sắt đang cháy đỏ bỏ vào trong nước liền bốc khói khiến nước sôi lên. Tượng sư thấy rồi liền hướng về Phật với tâm ý hoan hỉ, tín kính, thanh tịnh. Phật tùy theo tâm của Tượng sư mà nói pháp khiến cho ông ngay nơi chỗ ngồi được pháp nhãn thanh tịnh vô cấu. Sau khi thấy pháp, biết pháp, được tịnh pháp, vượt khỏi nghi hối và bất tín, không nhờ người khác mà được đạo quả Tu-đà-hoàn, thành tựu pháp vô sở úy. Tượng sư liền đứng dậy đảnh lễ Phật, chắp tay bạch rằng: “Thế tôn, con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng làm Ưu-bà-tắc. Con từ nay đến trọn đời không sát sanh, tín tâm thanh tịnh. Cúi xin Phật thọ con thỉnh sau iờ ăn đến trú xứ của con”, Phật im lặng nhận lời, Tượng sư biết Phật đã nhận lời liền đảnh lễ Phật hữu nhiễu rồi ra về. Về đến nhà, Tượng sư cho dọn dẹp sạch sẽ giảng đường, lầu gác tứ hợp cho đến phòng lớn, phòng nhỏ… tất cả các nơi đều lau chùi sạch sẽ rồi treo phướn bằng lụa tạp sắc, đốt các loại danh hương và rải các loại hoa. Ông lại cho trải bốn loại giường bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê; mỗi loại một ngàn hai trăm năm mươi cái vì ông nghĩ rằng: “Bốn loại giường báu này, Phật và Tăng không thọ cái này thì thọ cái kia”. Ông lại chuẩn bị đủ một ngàn hai trăm năm mươi cái bình bát bằng vàng đừng đầy nước nóng và cắt đặt một ngàn hai trăm năm mươi người hầu để hầu hạ cho các Tỳ kheo. Trên nền của tất cả phòng, ông lại cho trải thảm bằng Câu chấp, Khâm-bà-la tạp sắc… lo liệu tất cả xong rồi mới sai người đến bạch Phật biết thời. Lúc đó sau giờ ăn, Phật cùng các Tỳ kheo đi đến nhà Tượng sư, vừa đến ngoài cửa, Tượng sư tự tay rửa tay chân cho Phật, còn một ngàn hai trăm năm mươi người hầu rửa tay chân cho các Tỳ kheo. Rửa tay chân xong, Phật và Tăng bước vào trong nhà, Tượng sư bảo người đem ra loại giường bằng vàng cho Phật ngồi nhưng Phật không thọ; như thế cho đến bốn loại giường báu, Phật đều không thọ. Tượng sư lại bảo mang loại giường thường rồi dùng Câu chấp, Khâm-bà-la, lụa tạp sắc trải lên, Phật mới thọ để ngồi. Thấy Phật và Tăng đều ngồi xong, ông tự dâng nước uống phi thời và loại dược hàm tiêu cúng dường. Đêm đó ông cho sửa soạn đủ các món ăn ngon và chuẩn bị đủ bốn loại bát báu bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê; mỗi loại một ngàn hai trăm năm mươi cái vì ông nghĩ rằng: “Bốn loại bát báu này, Phật và Tăng không thọ loại này thì thọ loại kia”, lo liệu mọi thứ xong, sáng sớm liền bạch Phật biết thời. Phật và Tăng ngồi rồi, ông liền bảo mang ra một ngàn hai trăm năm mươi cái mâm bằng vàng để Phật thọ dụng nhưng Phật không thọ; như thế cho đến bốn loại mâm báu, Phật đều không thọ. Ông lại bảo mang ra loại mâm gỗ, mâm đồng; Phật mới thọ nhận. Kế đó ông lại bảo mang ra một ngàn hai trăm năm mươi cái bát bằng vàng để Phật thọ dụng nhưng Phật không thọ, như thế cho đến bốn loại bát báu, Phật đều không thọ; lúc đó Phật bảo các Tỳ kheo: “Trước đây ta đã cho thọ dụng hai loại bát bằng sắt và bằng gốm sứ, tất cả các loại bát khác đều không được cất chứa”.

Sau khi Phật và Tăng thọ thực xong, Tượng sư lấy một cái ghế nhỏ ngồi trước Phật muốn nghe pháp, sau đó bạch Phật: “Thế tôn, cúi xin Phật thọ con thỉnh suốt đời ở tại nước A-na-già-tần-đầu này, con sẽ cho xây một ngàn hai trăm năm mươi phòng xá với một ngàn hai trăm năm mươi cái giường cùng ngọa cụ, mền nệm bằng Câu chấp và cúng dường cơm gạo thơm cùng các món ăn ngon như vua đã ăn”, Phật nói: “Này Tượng sư, ông tín tâm thanh tịnh đối với ta như thế là đã đủ rồi, những người nên độ như ông còn rất nhiều, ta không thể thọ riêng một mình ông thỉnh”, Phật liền nói kệ:

“Ở trong miếu thờ trời,
Cúng dường lửa trên hết.
Trong sách Bà-la-môn,
Trời Tát bệ trên hết.
Trong tất cả loài người,
Vua chuyển luân hơn hết.
Trong tất cả sông ngòi,
Biển cả sâu hơn hết.
Trong tất cả ngôi sao,
Mặt trăng là lớn nhất.
Trong tất cả ánh sáng,
Ánh mặt trời sáng nhất.
Trong mười phương trời người,
Phật phước điền lớn nhất”.

Phật nói kệ rồi đứng dậy đi. Phật tại nước A-na-già-tần-đầu trụ hạ xong liền đắp y mang bát đi đến thành Tỳ xá ly, các Lê xương nghe tin sắp đến Tỳ-da-ly liền chuẩn bị đầy đủ các món ăn ngon để cúng dường Phật và Tăng. Phật đến chưa bao lâu thì mây phi thời kéo đến và đổ mưa, các thức ăn thức uống dọn ở trên đất trống đều bị trời mưa ướt hết, các Lê xương nói với A-nan: “Chúng tôi làm đủ các món ăn ngon dâng cúng Phật và Tăng nay bị trời mưa ướt hết, chúng tôi phải làm sao?”, A-nan cùng các Lê xương đến gặp Phật, các Lê xương đảnh lễ Phật rồi đứng một bên, A-nan đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Nên ở tại một phòng tác pháp yết ma kết tịnh địa, nên tác pháp như sau: Tăng nhất tâm hòa hợp, một Tỳ kheo trong Tăng xướng rằng: Đại-đức Tăng lắng nghe, nay ở trong phòng này Tăng tác pháp yết ma kết tịnh địa. Nếu tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, Tăng nay ở trong phòng này tác pháp yết ma kết tịnh địa. Bạch như vậy.

Như thế Bạch-nhị-yết-ma cho đến câu Tăng ở trong phòng này đã tác pháp yết ma kết tịnh địa xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Trong phòng mà Tăng đã tác pháp kết tịnh địa, nên đem tất cả vật thực vào trong đó để nấu nướng như nấu cơm, nấu canh, làm bánh…”. Lúc đó các ngoại đạo thấy rồi liền chê trách: “Sa-môn Thích tử tự xưng là bậc hiền thiện có đức mà lại ở trong phóng cất chứa vật thực và nấu nướng không khác gì cư sĩ”, có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay nên nấu thức ăn ở ngoài Tăng phường”. Khi nấu thức ăn ở ngoài Tăng phường, thấy khói bốc lên nên nhiều người kéo đến xin ăn, Tỳ kheo đem chia cho họ nên chúng Tăng thiếu cơm và thức ăn, liền đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Từ nay không cho tác pháp yết ma kết tịnh địa, nếu ai làm yết ma này thì phạm Đột-kiết-la, nếu trước đã kết rồi thì nên giải bỏ”.

Phật tại thành Tỳ-da-ly, trong thành có một đại tướng tên là Sư tử, nhà rất giàu có, tiền bạc, lúa thóc, ruộng vườn nhà cửa và các vật báu đều đầy đủ, thành tựu các phước đức. Người này vốn là đệ tử của ngoại đạo, vừa phát khởi lòng tin trong Phật pháp nên thường mang thịt tươi ngon đến cúng cho Tăng. Các ngoại đạo thấy rồi sanh tâm ganh ghét chê trách rằng: “Sa-môn Thích tử là như thế đó, vì sao biết người cố ý giết súc vật mang thịt đến cho mà vẫn ăn, chính ông Sư tử đã giết những con vật mập béo rồi mang thịt đến cung cấp cho chúng tăng”. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay không được ăn ba loại thịt bất tịnh, đó là thấy hoặc nghe hoặc nghi. Sao gọi là thấy?: Tức là tự mình thấy con vật vì mình mà bị giết; sao gọi là nghe?: Tức là ở bên người đáng tin nghe nói rằng: Con vật này vì ông mà bị giết; sao gọi là nghi?: Tức là có nhân duyên nên sanh nghi, như ở nơi đó không có đồ tễ, không có con vật tự chết, chủ nhà này có tâm ác cố ý vì ta mà giết hại chúng. Ba loại thịt bất tịnh như thế đều không được ăn, nhưng được ăn ba loại thịt thanh tịnh, đó là không thấy, không nghe, không nghi. Sao gọi là không thấy?: Tức là mất mình không nhìn thấy con vật kia bị giết; sao gọi là không nghe?: Tức là ở bên người đáng tin không nghe nói con vật này vì mình mà bị giết; sao gọi là không nghi?: Tức là biết rõ ở chỗ đó không có đồ tễ, trong nhà có con vật tự chết, chủ nhà này lương thiện không cố ý vì mình mà giết hại súc vật cho nên không sanh nghi. Ba loại thịt thanh tịnh này được ăn; lại nữa, thịt cúng trong miếu thờ trời, thịt của con voi chạy quá sức, thịt của con ngựa chạy quá sức, thịt của con chim bay quá sức, thịt cúng Thiểm-ma-bà-la-tát, thịt cúng Ni-la-già-la, thịt cúng phi nhơn… các loại thịt này đều là bất tịnh, Samôn Thích tử không được ăn”.

Phật tại nước Tỳ-da-ly, lúc đó thời thế mất mùa đói kém nên khất thực khó được, có một cư sĩ thỉnh Phật và Tăng vào ngày mai thọ thực, Phật im lặng nhận lời, cư sĩ biết Phật đã nhận lời liền đảnh lễ Phật hữu nhiễu rồi ra về. Về đến nhà ngay trong đêm đó lo sửa soạn đủ các món ăn ngon để cúng dường. Hôm đó là ngày hội nên vào sáng sớm chúng tăng được cúng dường thịt heo và cơm khô, các Tỳ kheo thọ rồi muốn ăn. Lúc đó cư sĩ lo liệu mọi thứ xong rồi, tự tay trải tòa rồi sai sứ đến bạch Phật: “Đã đến giờ thọ thực, xin Phật tự biết thời”, các Tỳ kheo liền đi đến nhà cư sĩ, Phật không đi nên bảo thị giả nhận lấy phần ăn mang về. Cư sĩ thấy chúng tăng ngồi rồi liền tự tay sớt cơm và thức ăn vào bát, đợi chúng tăng thọ thực xong liến lấy cái ghế nhỏ ngồi trước chúng tăng muốn nghe thuyết pháp, vị Thượng tòa thuyết pháp xong liền cùng chúng tăng đứng dậy ra về. Các Tỳ kheo ăn rồi không thọ pháp tàn thực nên phần thức ăn thọ hồi sáng vẫn còn ở trong tinh xá, không biết phải làm sao nên đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Từ nay gặp lúc thời thế mất mùa đói kém, cho các Tỳ kheo nếu ăn xong không thọ pháp tàn thực vẫn được ăn phần tiểu thực đã thọ trước đó. Sao gọi là phần tiểu thực đã thọ trước đó, tức là vào sáng sớm các Tỳ kheo đã thọ nhưng chưa ăn”. Phật tại thành Tỳ-da-ly, lúc đó gặp lúc thời thế mất mùa đói kém khất thực khó được, lúc đó có cư sĩ thỉnh Phật và Tăng vào ngày mai thọ thực, Phật im lặng nhận lời, cư sĩ biết Phật đã nhận lời liền đảnh lễ Phật hữu nhiễu rồi ra về. Về đến nhà ngay trong đêm đó lo sửa soạn đủ các món ăn ngon, sáng sớm trải tòa rồi sai sứ đến bạch Phật: “Đã đến giờ thọ thực, xin Phật tự biết thời”, các Tỳ kheo liền đến nhà cư sĩ, Phật ở lại trong phòng bảo thị giả nhận lấy phần thức ăn mang về. Lúc đó ở nhà cư sĩ, đợi chúng tăng thọ thực rồi, cư sĩ liền bạch rằng: “Các Đại-đức, các món ăn này con làm hồi sáng, nếu chúng tăng ăn no rồi, thức ăn còn dư hãy mang về để lát nữa ăn thêm”, các Tỳ kheo theo như lời cư sĩ nói sau khi ăn no rồi mang thức ăn dư về. Do các Tỳ kheo ăn xong không thọ pháp dư thực nên thức ăn dư mang về không biết phải làm sao, liền đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Từ nay gặp lúc mất mùa đói kém, cho các Tỳ kheo ăn xong không thọ pháp dư thực, mang thức ăn dư được ăn nữa. Sao gọi là ăn no rồi mang thức ăn dư về, tức là

Tỳ kheo thọ thực xong mang thức ăn dư về”. Lúc đó có tiên nhơn tên là Ke-nê-da hái trái cây dâng cúng Phật, Phật bảo đem chia cho chúng tăng, tiên nhơn vâng lời Phật đem chia nhưng các Tỳ kheo không thọ, nói rằng: “Chúng tôi ăn xong không thọ pháp dư thực nên không được thọ trái cây để ăn nữa”. Các Tỳ kheo không biết làm sao liền bạch Phật, Phật nói: “Từ nay gặp lúc mất mùa đói kém, cho các Tỳ kheo ăn xong không thọ pháp dư thực, được thọ các loại trái cây để ăn nữa”.

Lúc đó Trưởng lão Xá-lợi-phất mắc bịnh máu nóng, thầy thuốc bảo nên ăn loại thực vật mọc ở trong ao, Xá-lợi-phất nói: “Phật chưa cho ăn các loại thực vật mọc trong ao”, liền bạch Phật, Phật nói: “Từ nay cho thọ các loại thực vật mọc trong ao để ăn”. Trưởng lão Đại Mục-kiền-liên liền đi đến trong ao Mạn-đà-kỳ-ni để hái củ sen, củ sen to như bắp vế của người và trắng trong như đường phèn, nhựa chảy ra giống như sữa. Hái xong liền mang về cho Xá-lợi-phất, Xá-lợi-phất hỏi từ đâu mà có, đáp: “Tôi hái từ trong ao Mạn-đà-kỳ-ni”, lại hỏi: “Ao ấy là chỗ của phi nhơn, vậy ai đã trao nó cho thầy?”, đáp: “Phi nhơn trao”, Xá-lợi-phất nói: “Phật chưa cho ăn thức ăn do phi nhơn trao”, liền đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Từ nay cho thọ thức ăn do phi nhơn trao để ăn”.

Lúc đó có người đem rất nhiều loại thực vật mọc ở trong ao đến cho các Trưởng lão, các Tỳ kheo không thọ và nói: “Chúng tôi ăn rồi không thọ pháp dư thực nên không được thọ ăn nữa”. Các Tỳ kheo không biết làm sao liền bạch Phật, Phật nói: “Từ nay gặp lúc mất mùa đói kém, cho các Tỳ kheo ăn rồi không thọ pháp dư thực được thọ các loại thực vật mọc trong ao để ăn nữa. Loại thực vật mọc trong ao như củ sen, ngó sen, củ ấu, rễ tranh, củ cây móng gà…”.

Phật tại thành Tỳ-da-ly, trước kia gặp lúc thời thế mất mùa đói kém, vì thương xót các Tỳ kheo nên Phật cho các Tỳ kheo ăn xong rồi không thọ pháp dư thực được thọ các loại trái cây để ăn nữa. Nay thời thế được mùa sung túc, khất thực dẽ được, các Tỳ kheo ăn xong rồi vẫn như trước kia thọ thêm các loại cây trái và vật thực mọc trong ao để ăn nữa, nên đối với giới tịnh thực các Tỳ kheo có trái. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi các Tỳ kheo: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?”, đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo vào lúc thời thế được mùa sung túc, khất thực dễ được lại giống như trước kia ăn xong rồi còn thọ thêm các loại cây trái và vật thực mọc trong ao để ăn nữa, đối với giới tịnh thực có trái”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay các Tỳ kheo ăn xong rồi còn thọ thêm các loại trái cây và thực vật mọc trong ao để ăn nữa giống như thời mất mùa đói kém thì không được ăn, nếu ai ăn thì phạm Ba-dật-đề”.

Phật tại nước Tỳ-da-ly rồi tiếp tục du hành đến nước Tô-ma, nước này có hai thành: Một là thành bà đề, hai là thành Mật. Trong thành bà đế có sáu người đã thành tựu đại phước đức: Một là cư sĩ Dân đại, hai là vợ của cư sĩ Dân đại, Ba là con trai của cư sĩ Dân đại, bốn là con dâu của cư sĩ Dân đại, năm là nô bộc của cư sĩ Dân đại và sáu là tỳ nữ của cư sĩ Dân đại. Cư sĩ Dân đại có đại phước đức như thế nào?: Cư sĩ này đem các vật báu như vàng, bạc, lưu ly… bày ra ở trong chợ, trong khoảng thời gian cư sĩ chưa đứng dậy, nếu có bà con hay bạn bè quen biết nào hoặc tất cả mọi người trong cõi Diêm-phù-đề đến xin các vật báu ấy, ông đều tùy ý bố thí cho họ mà các vật báu ấy vẫn không hết. Vợ của cư sĩ Dân đại có đại phước đức gì? Khi đến bữa ăn, nếu tất cả mọi người trong cõi Diêm-phù-đề đến xin thức ăn, bà đều túy ý bố thí cho họ mà thức ăn ấy vẫn không hết. Con của cư sĩ Dân đại có đại phước đức gì?: Người này khi vào trong kho chứa vật báu, nhìn lên trần nhà thấy có một lỗ hổng to bằng bánh xe thì các vật báu từ lỗ hổng ấy tuôn xuống đầy kho. Dâu của cư sĩ Dân đại có đại phước đức gì?: Người này thường đem hoa hương chuỗi nhọc, hương thoa và y phục tốt đẹp để trên giường ở trước sân muốn dâng cho cô cậu và chồng của mình. Trong khoảng thời gian cô chưa rời khỏi chỗ ngồi nếu tất cả mọi người trong cõi Diêmphù-đề đến xin, cô đều tùy ý thí cho họ mà những tài vật này vẫn không hết. Nô bộc của cư sĩ Dân đại có đại phước đức gì? Người này khi vác cày ra đồng, vừa đặt lưỡi cày xuống liền cày xong bảy thửa ruộng. Tỳ nữ của cư sĩ Dân đại có đại phước đức gì? Người đem tất cả lúa thóc đã giã chuyển vào trong kho, trong khoảng thời gian này nếu tất cả mọi người trong cõi Diêm-phù-đề đến xin, cô đều tùy ý thí cho họ mà số gạo này vẫn không hết. Lúc đó cư sĩ Dân đại sanh tâm kiêu mạn cho rằng tất cả mọi người trong cõi Diêm-phù-đề không có ai có phước đức hơn mình, ông và dân chúng trong thành bà đề này đều là đệ tử của ngoại đạo. Các ngoại đạo nghe tin Sa-môn Cù đàm từ nước Tô-ma du hành sắp đến thành này, liền tụ họp lại đi vào thành đến chỗ cư sĩ Dân đại, dùng đủ lời hủy báng Phật và Tăng rằng: “Sa-môn Cù đàm không biết đủ, khó thể cúng dường, nhiều tham muốn không biết nhàm lìa; lại còn dẫn theo một ngàn hai trăm năm mươi Tỳ kheo, một ngàn Ưu-bà-tắc và năm trăm người ăn xin đi từ tụ lạc này đến tụ lạc khác, từ thành này đến thành khác. Giống như mưa đá hay sâu bọ phá hoại lúa của người, họ cũng vậy, đi đến đâu đều phá hoại gia nghiệp của người. Theo thứ lớp họ sắp đến nước này gây bất lợi cho chúng ta”, cư sĩ Dân đại và mọi người trong thành tâm ác chuyển sanh liền cùng làm yếu lịnh: “Sa-môn Cù đàm đến đây thì không một ai được đến gặp, nếu ai đến gặp thì phải nộp cho người trong thành năm trăm tiền vàng”. Lúc đó cư sĩ Dân đại hỏi mọi người: “Đối với Sa-môn Cù đàm nếu người không muốn cho thì không miễn cưỡng theo xin phải không?”, đáp là không, lại hỏi: “Vậy vua có ra sắc lịnh buộc phải cho không?”, đáp là không, lại hỏi: “Nếu không được cho vật thực, người này có làm tổn hại ai không?”, đáp là không, lại hỏi: “Vậy tại sao những người khác lại đem vật thực đến cho Sa-môn Cù đàm?”, đáp: “Những người đó do nơi tự tin, tự muốn, tự kính mến, và với tự tâm thanh tịnh nên đem vật thực đến cho”, cư sĩ nghe rồi liền nói: “Nếu Sa-môn Cù đàm đối với người không muốn cho thì không miễn cưỡng theo xin, vua cũng không ra sắc lịnh bắt buộc cho, người không cho cũng không làm tổn hại thì Sa-môn Cù đàm đúng pháp nên cho. Những người khác do lòng tin với tâm thanh tịnh đem cho Samôn Cù đàm là muốn nhờ lực phước đức của ông ta mà họ được an vui, Người như thế nhất định phước đức nhiều hơn ta”. Lúc đó tuy chưa gặp Phật nhưng cư sĩ Dân đại đoạn trừ được tâm kiêu mạn của mình.

Lúc đó Phật du hành đến thành Bà đề, trong thành này trước nay không có tinh xá, ở phía Bắc của thành có một khu rừng tên là Thắng diệp ba, cây cối sum suê, đất bằng phẳng rộng rãi nên Phật và đại chúng đến trong rừng này dừng nghỉ. Cư sĩ Dân đại đời trước đã cúng dường Phật, đã gieo trồng căn lành, gần được chánh kiến lợi căn; do sức của nhân đời trước nên đời này có thể được trí vô lậu, lại do sức thiện căn thúc đẩy nên cư sĩ suy nghĩ: “Ở trong nước này, ta được mọi người tôn kính nhất, nếu ta không đến gặp Phật thì mọi người sẽ cho ta là xẻn tham tiếc phí (bỏn xẻn, tham lam sợ hao phí tiền của)”, nghĩ rồi liền nói với mọi người: “Mọi người trước đây đã làm yếu lịnh, nhưng nay ta nghĩ yếu lịnh này không toàn vẹn”, mọi người hỏi là không toàn vẹn chỗ nào, liền đáp: “Ở trong nước này ta được mọi người tôn kính nhất, nếu ta không đến gặp Phật mọi người sẽ cho ta là xẻn tham tiếc phí. Vì vậy tôi thà nộp năm trăm tiền vàng”. Những người này đều tôn trọng cư sĩ Dân đại vì trong đây có người từng mắc nợ ông, có người từng được ông chu cấp vật thực nên tuy ông nộp tiền, họ đều không dám lấy và nói rằng: “Cần gì phá yếu lịnh, muốn đi thì tất cả chúng ta cùng đi”, nói rồi tất cả mọi người đều đi đến chỗ Phật, đảnh lễ rồi ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cư sĩ Dân đại khiến cho ông ngay nơi chỗ ngồi được pháp nhãn thanh tịnh vô cấu. Sau khi thấy pháp, biết pháp, được tịnh pháp, vượt khỏi nghi hối, bất tín, không nhờ nơi người khác mà được đạo quả Tu-đà-hoàn và được vô sở úy. Cư sĩ liền đứng dậy đảnh lễ Phật bạch rằng: “Thế tôn, con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng làm Ưu-bà-tắc. Xin Đại-đức nhớ nghĩ, con từ nay đến trọn đời nguyện trở về nương tựa Tam bảo”, nói rồi liền sai người đi gọi năm người đại phước đức kia, nói là Phật đại sư đang ở đây nên đến mau, người được sai vội về nhà báo lại. Năm người này đời trước đã cúng dường Phật, đã gieo trồng căn lành, gần được chánh kiến lợi căn; do sức của nhân đời trước nên đời này có thể được trí vô lậu, lại do sức thiện căn thúc đẩy nên họ liền đi đến chỗ Phật đảnh lễ ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn thuận theo căn cơ của họ mà nói pháp chỉ dạy khiến cho họ ngay nơi chỗ ngồi được pháp nhãn thanh tịnh vô cấu. Sau khi thấy pháp, biết pháp, được tịnh pháp, vượt khỏi nghi hối, bất tín, không nhờ nơi người khác mà được sơ quả và được vô sở úy. Họ liền đứng dậy đảnh lễ Phật bạch rằng: “Chúng con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng làm đệ tử Phật. Xin Đại-đức nhớ nghĩ, con từ nay đến trọn đời nương tựa Tam bảo”. Lúc đó cư sĩ Dân đại chắp tay bạch Phật: “Thế tôn, cúi xin Phật và Tăng thọ con thỉnh đến nghỉ đếm tại nhà con”, Phật im lặng nhận lời, cư sĩ biết Phật đã nhận lời liền đảnh lễ rồi ra về. Về đến nhà, cư sĩ cho dọn dẹp sạch sẽ giảng đường, lầu gác tứ hợp cho đến phòng lớn, phòng nhỏ… tất cả các nơi đều lau chùi sạch sẽ rồi treo phướn bằng lụa tạp sắc, đốt các loại danh hương và rải các loại hoa. Ông lại cho trải bốn loại giường bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê; mỗi loại một ngàn hai trăm năm mươi cái vì ông nghĩ rằng: “Bốn loại giường báu này, Phật và Tăng không thọ cái này thì thọ cái kia”. Ông lại chuẩn bị đủ một ngàn hai trăm năm mươi cái bình bát bằng vàng đừng đầy nước nóng và cắt đặt một ngàn hai trăm năm mươi người hầu để hầu hạ cho các Tỳ kheo, lo liệu tất cả xong rồi mới sai người đến bạch Phật biết thời. Lúc đó sau giờ ăn, Phật cùng các Tỳ kheo đi đến nhà cư sĩ, vừa đến ngoài cửa, cư sĩ tự tay rửa tay chân cho Phật, còn một ngàn hai trăm năm mươi người hầu rửa tay chân cho các Tỳ kheo. Rửa tay chân xong, Phật và Tăng bước vào trong nhà, cư sĩ bảo người đem ra loại giường bằng vàng cho Phật ngồi nhưng Phật không thọ; như thế cho đến bốn loại giường báu, Phật đều không thọ. Cư sĩ lại bảo mang loại giường thường rồi dùng Câu-chấp, Khâm-bà-la, lụa tạp sắc trải lên, Phật mới thọ để ngồi. Thấy Phật và Tăng đều ngồi xong, ông tự dâng nước uống phi thời và loại dược hàm tiêu cúng dường. Đêm đó ông cho sửa soạn đủ các món ăn ngon và chuẩn bị đủ bốn loại bát báu bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê; mỗi loại một ngàn hai trăm năm mươi cái vì ông nghĩ rằng: “Bốn loại bát báu này, Phật và Tăng không thọ loại này thì thọ loại kia”, lo liệu mọi thứ xong, sáng sớm liền bạch Phật biết thời. Phật và Tăng ngồi rồi, ông liền bảo mang ra một ngàn hai trăm năm mươi cái mâm bằng vàng để Phật thọ dụng nhưng Phật không thọ; như thế cho đến bốn loại mâm báu, Phật đều không thọ. Ông lại bảo mang ra loại mâm gỗ, mâm đồng; Phật mới thọ nhận. Kế đó ông lại bảo mang ra một ngàn hai trăm năm mươi cái bát bằng vàng để Phật thọ dụng nhưng Phật không thọ, như thế cho đến bốn loại bát báu, Phật đều không thọ; lúc đó Phật bảo các Tỳ kheo: “Trước đây ta đã cho thọ dụng hai loại bát bằng sắt và bằng gốm sứ, tất cả các loại bát khác đều không được cất chứa”. Phật và Tăng thọ thực xong, cư sĩ lấy một cái ghế nhỏ ngồi trước Phật muốn nghe pháp, sau đó bạch Phật: “Thế tôn, cúi xin Phật thọ con thỉnh suốt đời ở tại nước Tô-ma này, con sẽ cho xây một ngàn hai trăm năm mươi phòng xá với một ngàn hai trăm năm mươi cái giường cùng ngọa cụ, mền nệm và cúng dường cơm gạo thơm cùng các món ăn ngon như vua đã ăn”, Phật nói: “Này cư sĩ, ông tín tâm thanh tịnh đối với ta như thế là đã đủ rồi, những người nên độ như ông còn rất nhiều, ta không thể thọ riêng một mình ông thỉnh lâu dài ”. Lúc đó Phật muốn giáo hóa cư sĩ nên nói kệ:

“Ở trong miếu thờ trời,
Cúng dường lửa trên hết.
Trong sách Bà-la-môn,
Trời Tát bệ trên hết.
Trong tất cả loài người,
Vua chuyển luân hơn hết.
Trong tất cả sông ngòi,
Biển cả sâu hơn hết.
Trong tất cả ngôi sao,
Mặt trăng là lớn nhất.
Trong tất cả ánh sáng,
Ánh mặt trời sáng nhất.
Trong mười phương trời người,
Phật phước điền lớn nhất”

Nói kệ rồi liền đứng dậy cùng các đệ tử ra đi, từ thành Bà đề du hành đến núi Tần xà. Lúc đó cư sĩ Dân đại sai năm trăm người dắt theo năm trăm con trâu sữa, lại dùng năm trăm cỗ xe chở gạo thơm và vật thực để cúng dường Phật và Tăng, ông nói: “Nếu đến nơi nào không có tụ lạc, Phật phải nghỉ đếm ở ngoài trời thì các ngươi nên vắt sữa của năm trăm con trâu này nấu với gạo thơm thành món cháo sữa rồi hòa với đường phèn trắng hoặc đen dâng cúng Phật”, năm trăm người hầu vâng lời, khi đi đến nơi không có tụ lạc Phật phải nghỉ đêm ở ngoài trời, họ liền vắt sữa rồi nấu thành cháo dâng cúng Phật. Phật bảo họ đem cháo chia đều cho chúng tăng, họ vâng lời đem cháo chia nhưng chúng tăng không thọ vì nghĩ rằng: “Thức ăn này là họ vì chúng ta nên mang theo, đã cất qua đêm nên không thanh tịnh”, nghĩ rồi liền bạch Phật, Phật nói: “Tỳ kheo có hai cách thọ thỉnh thực: Một là thức ăn ăn ngay trong ngày đó, hai là thức ăn nguội. Đối với thức ăn ăn ngay trong ngày, nếu được thỉnh hai lần thì nên tự thọ một lần, còn một lần nên nhường cho người khác. Đối với thức ăn nguội thì tùy duyên mà thọ, tùy thọ thức ăn thanh tịnh hay tài vật không thanh tịnh; tùy thọ thức ăn thanh tịnh là năm loại thức ăn Khư-đà-ni, năm loại thức ăn Bồ-xà-ni và năm loại thức ăn tương tợ; tùy thọ tài vật không thanh tịnh là năm loại vật báu và năm loại tương tợ vật báu. Loại thức ăn thanh tịnh tùy thọ nếu thọ rồi thì phải tác tịnh, còn loại tài vật không thanh tịnh tùy thọ thì phải được thanh tịnh rồi mới thọ”.

Phật du hành đến núi Tần xà, có một Dạ xoa tên Ưu-đam-ma đã ở lâu trong núi này rất tin Phật và được tâm tịnh. Lúc đó nó suy nghĩ là sẽ đem vật gì cúng dường Phật, trong núi này chỉ có nho rừng nên nó đi hái nho về đem dâng cúng Phật, Phật bảo nó đem chia cho chúng tăng, nó vâng lời đem chia nhưng chúng tăng không thọ, nói rằng: “Phật chưa cho chúng tôi ăn nho”, liền bạch Phật, Phật bảo các Tỳ kheo: “Từ nay cho ăn nho”. Do có quá nhiều nho nên chúng tăng ăn no đủ rồi vẫn còn dư, không biết phải làm sao liền bạch Phật, Phật nói: “Các thầy nên ép nho lấy nước uống, nếu trái nho chưa tác tịnh hoặc trong nước nho ép không lấy nước tác tịnh thì không nên uống; nếu trái nho đã tác tịnh, nước nho ép cũng chưa tác tịnh thì không nên uống; nếu trái nho không tác tịnh, nước nho ép đã tác tịnh cũng không nên uống; nếu trái nho đã tác tịnh, nước nho ép cũng đã tác tịnh thì nên uống”.

Khi Phật du hành, đoàn người đi theo rất đông gồm có một ngàn hai trăm năm mươi Tỳ kheo, một ngàn Ưu-bà-tắc, năm trăm người xin ăn, năm trăm người giúp việc với năm trăm con trâu sữa và năm trăm cỗ xe chuyên chở vật thực. Lúc đó Phật muốn tách ra khỏi chúng này nên nhập định, trong khoảnh khắc như lực sĩ duỗi cánh tay, Phật ẩn thân ở núi Tần xà và hiện ra ở bên bờ ao Mạn-đà-kỳ-ni. Trên bờ ao này có một tiên nhơn búi tóc tên là Kê-ni-da, tiên nhơn này thấy Phật hiện đến không đứng dậy, cũng không chào hỏi và mời ngồi. Phật cũng không chào hỏi và nói chuyện với tiên nhơn này, sau khi vào trong ao rửa chân xong, Phật liền đến dưới một gốc cây trải Ni-sư-đàn ngồi kiết già. Lúc đó bỗng có mưa bay lất phất và gió nhẹ thổi các loài hoa rơi xuống đất, tiên nhơn này thấy việc này rồi liền cho là nhờ thần lực của mình, không phải là nhờ thần lực của Sa-môn Cù đàm. Về khuya có trời Tứ thiên vương cùng các quyến thuộc đến gặp Phật, lúc đó cũng có bốn quỷ thần mặc áo xanh đến chỗ tiên nhơn đứng bốn phía, tiên nhơn liền hỏi là ai, đáp là quỷ thần áo xanh, lại hỏi đến vì việc gì, đáp là đến để thủ hộ, lại hỏi vì sao phải thủ hộ, đáp: “Về khuya, trời Tứ thiên vương cùng các quyến thuộc đến chỗ Phật, trong đây sợ có quỷ thần đến quấy nhiễu nên đến thủ hộ”, tiên nhơn lại hỏi vì sao không đến thủ hộ Samôn Cù đàm, đáp là không cần đến. Lúc đó tiên nhơn mới hiểu ra mưa bay lất phất và gió thổi các loại hoa rơi xuống đất chính là nhờ thần lực của Sa-môn Cù đàm, không phải là nhờ thần lực của mình.

Lúc đó trời Tứ thiên vương cùng các quyến thuộc đến gặp Phật, đảnh lễ rồi đứng một bên, Phật liền dùng ngôn ngữ của bậc Thánh nói về lý Tứ đế, vừa nghe xong liền có hai thiên vương hiểu và chứng đạo, hai thiên vương còn lại chưa hiểu nên Phật phải dùng ngôn ngữ Đà-bàla giảng nói như sau: “Y-ninh (khổ đế), di-ninh (tập đế), đa-Ha-đà-thí (diệt đế), đà-la-bích-chi (đạo đế), Phật-xà-đà (biết), tát-bà-hưu (tất cả), nhượng-xá-ma-giá (diệt hết tham cầu), tát-bà-đa-la (xa lìa), tỳ-lâu-lợi đa-tha-dục (viễn ly), tát-bà-hưu (tất cả), bệ-la-địa (không làm), ba-bạt (ác), đầu-khất-tưởng-đố (mé khổ dứt), niết-lâu-giá-đế (nói như vậy)”. Vừa nghe xong, trong hai thiên vương còn lại, một vị hiểu và chứng đạo; một vị chưa hiểu nên Phật phải dùng ngôn ngữ Di-lê-xa giảng nói như sau: “Ma-xá-đâu-xá-na-xá-bà-tát-bà, đa-la-tỳ, tỷ đế, y số an đâu, đầu-khước-bà-a-địa-bà-địa”, vừa nghe xong vị thiên vương cuối cùng liền hiểu và chứng đạo. Phật chỉ dạy khiến được lợi hỉ rồi, trời Tứ thiên vương đảnh lễ Phật rồi đi.

Lúc đó Phật ẩn thân ở bờ ao Mạn-đà-kỳ-ni hiện thân trở lại chỗ cũ, tiếp tục du hành đến nước A-ma-na, có một tiên nhơn búi tóc đã ở lâu trong nước này rất tín kính Phật, muốn đem vật gì để cúng dường Phật, liền nghĩ nên đem nhiều loại nước uống dâng cúng Phật như các tiên nhơn ngày xưa. Nghĩ rồi liền đem nhiều loại nước uống đến dâng cúng Phật, Phật bảo đem chia cho Tăng, tiêng nhơn vâng lời đem chia nhưng các Tỳ kheo không thọ, nói rằng: “Phật chưa cho chúng tôi uống tám loại nước này”, liền bạch Phật, Phật nói: “Từ nay cho uống tám loại nước: Nước trái Châu-lê, nước trái Mâu-lê, nước trái Câu-lầu, nước trái Xá-lầu, nước trái Thuyết-ba-đa, nước trái Phả-lưu-sa, nước trái lê, nước trái Bồ-đào. tám loại nước uống này phải tác tịnh rồi mới được uống”.

Phật từ nước A-ma-na du hành đến nước A-đầu-khư, trong nước này có hai cha con là Tỳ kheo xưa kia là thợ hớt tóc. Người cha tên Ma -a-la nghe tin Phật sắp du hành đến nước này liền suy nghĩ: “Trong đây không có đàn việt cung cấp vật thực cũng không có cúng dường cho Tăng, vậy ai sẽ cúng dường?”, nghĩ rồi liền bảo người con: “Ta nghe Phật sắp du hành đến nước này nhưng trong đây không có đàn việt cúng dường, con hãy mang bát vào thành xin gạo, mè, đậu Ma sa, đậu nhỏ … mang về nấu cháo cúng dường Phật và Tăng”. Người con vâng lời mang bát vào thành xin được rất nhiều gạo, mè, đậu Ma sa, đậu nhỏ…, đợi khi Phật đến hai cha con Tỳ kheo này lựa chọn phòng xá tốt, trải ngọa cụ tốt và nấu nhiều món cháo như cháo mè, cháo sữa, cháo đậu và cháo trắng để dâng cúng Phật và Tăng. Phật và Tăng ăn no đủ rồi, do cháo nấu quá nhiều nên vẫn còn dư, người cha đem đổ trên nền trong một căn phòng. Lúc đó Phật kinh hành, Ma-a-la theo sau Phật, đi đến căn phòng đó Phật thấy đổ cháo bừa bãi trên nền ở trong phòng, liền hỏi Ma-a-la: “Các món cháo này do đâu mà có, do đàn việt cúng phải không?”, đáp là không phải, lại hỏi: “Là vật của chúng tăng phải không?”, đáp là không phải, lại hỏi từ đâu có, Ma-a-la liền đem việc trên bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm Tỳ kheo tăng rồi quở trách Ma-a-la: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại dạy con mình làm việc không thanh tịnh”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay năm chúng xuất gia không được dạy bảo nhau làm việc không thanh tịnh, nếu chỉ dạy làm thì phạm Đột-kiết-la. Từ nay nếu có Tỳ kheo xưa kia là thầy thợ thì không được cất chứa các dụng cụ của thầy thợ, nếu cất chứa thì phạm tội. Nếu xưa kia là thợ may thì cho cất chứa ống kim, nếu xưa kia là thợ vẽ thì cho cất chứa ống đựng bút, nếu xưa kia là thợ làm đồng thì cho cất chứa cái dùi”.

Phật tiếp tục du hành đến nước Ba-bà, các quý tộc trong nước này trước có làm yếu lịnh: “Nếu Phật đến thì mọi người đều phải ra ngoài thành một do tuần để nghinh đón Phật, ai không đi thì bị phạt năm trăm tiền vàng”, cho nên khi Phật vừa đến tất cả dân trong thành đều ra ngoài thành một do tuần để nghinh đón. Trong số đó có một quý tộc tên Lư chi là lực sĩ hạng nhất vốn là bạn quen biết của A-nan, nhưng đối với Phật lại không tin. Lúc đó A-nan từ xa thấy Lư chi đến đón liền hỏi: “Bạn đến nghinh đón Phật rất tốt”, đáp: “Tôi không phải vì tin Phật mà đến nghinh đón, chỉ là thuận theo pháp thân tộc đến đón mà thôi”, A-nan liền hỏi là pháp gì, đáp: “Các quý tộc trước có làm yếu lịnh: Nếu Phật đến thì mọi người phải ra ngoài thành một do tuần để nghinh đón, ai không đi thì bị phạt năm trăm tiền vàng. Này A-nan, tôi không tiếc năm trăm tiền vàng mà chỉ sợ thân tộc không vui nên đến để nghinh đón Phật”. A-nan liền nắm tay Lư chi dẫn đến gặp Phật, Lư chi đảnh lễ rồi đứng một bên, A-nan bạch Phật: “Thế tôn, Lư chi vốn là bạn quen biết của con nhưng không có lòng tin Phật, xin Phật thuyết pháp khiến cho bạn ấy được khai giải”, Phật liền dùng tâm từ cảm hóa rồi thuyết pháp chỉ dạy cho lư chỉ được lợi hỉ, Lư chi đảnh lễ Phật rồi đi. Sau đó lư chi lại đi theo sau Phật giống như trâu con theo sau trâu mẹ, Phật vào phòng, Lư chi theo vào phòng, đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên, Phật lại thuyết pháp khiến cho được lợi hỉ, Lư chi đảnh lễ Phật rồi đi ra. Lúc đó Lư chi suy nghĩ nên đem vật gì dâng cúng Phật, nghĩ rồi liền mang các loại bánh đến dâng cúng Phật, Phật bảo Lư chi đem chia cho chúng tăng, Lư chi vâng lời đem chia nhưng các Tỳ kheo không thọ, nói rằng: “Phật chưa cho chúng tôi ăn bánh”, liền bạch Phật, Phật nói: “Từ nay cho ăn các loại bánh thanh tịnh được làm từ lúa mì, đại mạch, tiểu mạch hoặc được làm từ các loại đậu, các loại bánh in…”.

Phật tiếp tục du hành đến nước Xá-vệ, lúc đó các Tỳ kheo đi khất thực được cúng nhiều thức ăn ngon như tô, sữa, lạc, dầu, chả cá, chả thịt…, liền suy nghĩ: “Chúng ta thọ nhiều thức ăn ngon như vậy sẽ phạm tội đọa”, liền đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Nếu không xin mà đàn việt tự cúng dường thì nên thọ, từ nay cho thọ dụng bốn loại dược: Thời dược, thời phần dược, thất nhật dược và tận hình dược. Sao gọi là thời dược?: Tức là năm loại thức ăn Khư-đà-ni, năm loại thức ăn Bồ-xàni và năm loại thức ăn tương tợ.

Năm loại thức ăn Khư-đà-ni là: Thức ăn từ củ, cọng, lá, từ xay giã và từ trái. Thức ăn từ củ như củ khoai, củ sen, củ ấu, củ Lư bặc, củ Vu thanh… Thức ăn từ thân, cọng như cây Lư bặc, cây cốc lê, cây la lặc, cây Kha lam… Thức ăn từ lá như lá cây Lư bặc, lá cây La lặc, lá cây Kha lam… Thức ăn từ xay giã như lúa thóc, đại mạch, tiểu mạch…Thức ăn từ trái như trái Diêm phù, trái Ba-la-tát, trái trấn đầu khư… năm loại thức ăn Khư-đà-ni này đều được ăn.

Năm loại thức ăn Bồ-xà-ni là: cơm, bún, mì, cá và thịt.

Năm loại thức ăn tương tợ là cháo, xôi nếp, bắp, tú tử, ca sư. Tất cả thứ nước uống chưa lượt đều gọi là Thời dược.

Sao gọi là thời phần dược (thức uống phi thời)?: Tức là nước uống (nước trái cây ép) đã được lượt trong.

Sao gọi là thất nhật dược?: Loại thực phẩm cất dùng trong bảy ngày như tô, dầu, mật và đường phèn.

Sao gọi là tận hình dược?: Gồm có năm loại thuốc được cất chứa trong phòng cùng ngủ đêm để uống dùng trọn đời không có tội.

  1. Năm loại thuốc từ củ như xá lợi, gừng, phụ tử, Ba-đề-tỳ-sa và củ Xương-bồ.
  2. Năm loại thuốc từ trái như trái Ha-lê-lặc, trái Bệ ế lặc, trái Ama-lặc, Hồ tiêu, Tất bát la.
  3. Năm loại muối là muối đen, muối tía, muối đỏ, muối hột, muối trắng..
  4. Năm loại thuốc từ nhựa cây như Hưng cừ Tát-xà-la, Trà-đế, Dạ-đế, Dạ-Ba là-đế và Dạ-bàn-na.
  5. Năm loại thuốc thang (thuốc sắc): Thuốc sắc từ củ, hoặc từ thân, cành, cọng hoặc từ lá, từ hoa và từ quả”.

Nếu Tỳ kheo ngay trong ngày thọ được cả bốn loại dược trên (thời dược, thời phần dược, thất nhật dược và tận hình dược) để chung một chỗ thì nên dùng đúng thời, không nên dùng phi thời vì đây là lực của Thời dược. Nếu Tỳ kheo ngay trong ngày thọ được ba loại dược sau (thời phần dược, thất nhật dược và tận hình dược) để chung một chỗ thì nên dùng theo thời phần, không nên dùng quá thời phần vì đây là lực của Thời phần dược. Nếu Tỳ kheo ngay trong ngày thọ được hai loại dược sau (thất nhật dược và tận hình dược) để chung một chỗ thì nên thọ dùng trong vòng bảy ngày, quá bảy ngày không được dùng vì đây là lực của Thất nhật dược. Nếu thọ loại tận hình dược thì trọn đời tùy ý dùng.

Nếu ngay trong ngày thọ loại Thời dược không thanh tịnh, lại thọ ba loại dược sau để chung một chỗ thì không nên dùng. Nếu ngay trong ngày thọ loại Thời phần dược không thanh tịnh, lại thọ hai loại dược sau để chung một chỗ thì không nên dùng. Nếu ngay trong ngày thọ loại Thất nhật dược không thanh tịnh, lại thọ loại Tận hình dược để chung một chỗ thì không nên dùng.

Trưởng lão Ưu-ba-ly hỏi Phật: “Ba loại dược sau: Thời phần, thất nhật và tận hình dược nếu cất qua đêm thì có thể dùng miệng thọ dùng được không?”, Phật nói không được, lại hỏi: “Ba loại dược sau nếu tay cầm phạm ác tróc (bất tịnh) thì có thể dùng miệng thọ dùng được không?”, Phật nói không được, lại hỏi: “Ba loại dược sau nếu không bịnh mà tay thọ hay miệng thọ có được hay không?”, Phật nói không được, lại hỏi: “Ba loại dược sau nếu bịnh có được tay thọ và miêng thọ dùng hay không?”, Phật nói được.