THẬP LUẬT TỤNG
Hán dịch: Hậu Tần Phất Nhược Đa La cộng La Thập dịch
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 27

PHÁP Y THỨ 7

Phật tại thành Vương xá, lúc đó có năm trăm Tỳ kheo đến hỏi Phật nên mặc loại y nào, Phật nói nên mặc y bàn tẩu.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Phật bị cảm lạnh cần uống thuốc nên bảo A-nan: “Ta bị cảm lạnh, thầy nên tự biết”, A-nan liền đến gặp thầy thuốc Kỳ-ba nói: “Phật bị cảm lạnh, ông nên tự biết”, Kỳ-ba nói: “Trưởng lão về trước, tôi sẽ đến sau”. Lúc đó Kỳ-ba suy nghĩ: “Phật đức tôn trọng, ta không nên dùng loại cây thuốc đắng mà nên dùng hoa sen xanh làm thuốc trị bịnh cho Phật”, nghĩ rồi liền hái hoa sen xanh làm thuốc đem đến cho Phật. Đến chỗ Phật đảnh lễ rồi bạch rằng: “Thế tôn, con đã dùng hoa sen xanh làm thuốc để trị bịnh cảm lạnh cho Phật, xin Phật hãy thọ, thuốc này nên sắc lần đầu còn lại mười phân, lần hai còn lại hai mươi phân, lần ba còn lại ba mươi phân”, Phật thọ thuốc rồi im lặng, Kỳ-ba trước khi trở về dặn kỹ A-nan nên sắc thuốc như trên. Phật uống thuốc lần nhất và lần nhì sắc đúng liều lượng như trên nhưng lần thứ Ba lài sắc chỉ còn có hai mươi chín phân, không đúng liều lượng là ba mươi phân. Kỳ-ba biết rõ thời số nên trở lại thăm bịnh cho Phật rồi hỏi: “Thế tôn không uống thuốc đúng phân lượng phải không?”, Phật nói: “Lần thứ ba thuốc sắc chỉ còn có hai mươi chín phân”, Kỳ-ba biết bịnh Phật chưa lành hẳn nên nói: “Thế tôn nên uống thêm một ít nước nóng, như thế tức là uống thêm một phân lượng nữa cho đủ liều lượng sắc còn ba mươi phân”. Sau đó Kỳ-ba trở về nhà ứng theo bịnh của Phật mà nấu các loại thức ăn thức uống, cháo và thuốc Thường-già-la đem cho Phật dùng. Không bao lâu sau Phật đi đứng được nhẹ nhàng thuận lợi, bịnh không còn tái phát nữa, sắc lực được trở lại như trước. Lúc đó Kỳ-ba muốn đem chiếc y Thâm-ma-căn trị giá trăm ngàn dâng cúng Phật, liền đến chỗ Phật đảnh lễ rồi đứng một bên bạch rằng: “Thế tôn, 2 con trị bịnh cho vua quan đại thần, tất cả đều cho con một ước nguyện. Nay con trị bịnh cho Phật, xin Phật cũng cho con một ước nguyện”, Phật nói: “Phật-Đa-đà-a-già-độ-A-la-ha-tam-miệu-tam-Phật-đà không cho ông nguyện quá”, Kỳ-bà lại bạch: “Thế tôn, xin cho con được nguyện”, Phật hỏi là nguyện gì, đáp: “Thế tôn, đây là chiếc y Thâm-ma-căn trị giá trăm ngàn, xin Phật thọ để mặc, xin thương xót”, Phật im lặng nhận lời, biết Phật đã nhận lời, Kỳ-ba liền dâng y cúng Phật rồi đảnh lễ Phật và ra về. Phật do nhân duyên này nhóm Tỳ kheo tăng rồi bảo các Tỳ kheo: “Hôm nay Kỳ-ba dâng cúng cho như lai chiếc y Thâm-ma-căn trị giá trăm ngàn, từ nay nếu có đàn việt cúng y như vậy thì các Tỳ kheo được tùy ý thọ để mặc. Từ nay cho các Tỳ kheo được mặc y Bàn tẩu và được mặc y do cư sĩ cúng”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó vào sáng sớm vua Bình sa ngồi trên xe voi ra khỏi thành đi đến chỗ Phật vì vua rất tín kính Phật. Cùng lúc đó có một ngoại đạo Phạm chí đang đi ngược tới, vua từ xa nhìn thấy tưởng là Sa-môn nên bảo người đánh xe dừng lại, vị đại thần đi theo vua liền hỏi vua muốn làm gì, vua nói là muốn xuống xe lễ bái Sa-môn,Đạithần nói: “Đại vương, vị đó không phải là đệ tử Phật mà là ngoại đạo Phạm chí”, vua cảm thấy ngượng nên hỏi người đánh xe còn bao lâu nữa mới đến chỗ Phật, đáp là sắp đến. Khi đến nơi, vua xuống xe đến chỗ Phật đảnh lễ rồi đứng một bên bạch Phật: “Thế tôn, cúi xin Phật cho chúng tăng mặc y khác với ngoại đạo để dễ phân biệt”, Phật liền hỏi nguyên do, vua đem việc trên bạch Phật, Phật nghe xong thuyết pháp chỉ dạy cho vua được lợi hỉ, vua nghe pháp xong đảnh lễ Phật rồi ra về. Lúc đó A-nan đang đứng phía sau quạt cho Phật, Phật bảo A-nan: “Ta muốn du hành đến nước Nam sơn”, A-nan theo Phật du hành, vừa đến nước này là đến giờ khất thực, sau khi thọ thực xong, Phật đến dưới một gốc cây trải Ni-sư-đàn ngồi kiết già. Gần đó có một ruộng lúa xanh tươi, bờ ruộng ngay ngắn; Phật nhìn thấy rồi liền hỏi A-nan có thấy ruộng lúa xanh tươi, bờ ruộng ngay ngắn đó không, đáp là có thấy, Phật nói: “Thầy có thể may chiếc y Thâm-ma-căn này theo như kiểu thửa ruộng ấy không?”, đáp là có thể, Phật liền đưa y cho A-nan, A-nan cầm y lui ra ngoài rồi cắt rọc y ra may theo như kiểu thửa ruộng, lá y là bờ ruộng hướng ra hai bên, may xong mang đến chỗ Phật căng y ra cho Phật xem, Phật liền khen: “Lành thay A-nan, y cắt rọc này may như thế là đúng pháp”.

Sau khi trở về lại thành Vương xá, Phật do nhân duyên này nhóm Tỳ kheo tăng rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay các thầy nên mặc y cắt rọc may theo như kiểu thửa ruộng, nếu Tỳ kheo nào không mặc y cắt rọc thì không được vào tụ lạc, nếu vào thì phạm Đột-kiết-la”. Do Phật cho các Tỳ kheo được mặc y của cư sĩ cúng nên các cư sĩ, Bà-la-môn tín tâm cúng cho Tăng rất nhiều y Khâm-bà-la. Câu chấp và dạ tạp sắc. Phật cũng biết các Tỳ kheo cất chứa rất nhiều y. Lúc đó Phật bảo A-nan: “Ta muốn du hành đến nước Tỳ-da-ly”, A-nan đi theo Phật, vừa đến nước này gặp lúc tiết đông nên ban đêm lạnh rét và có dông gió làm ngã đổ tre. Đầu đêm Phật mặc một y kinh hành ở ngoài đất trống, đến nửa đêm Phật cảm thấy lạnh nên bảo A-nan đưa thêm chiếc y thứ hai, đến cuối đêm Phật lại cảm thấy lạnh nên bảo A-nan đưa thêm chiếc y thứ ba. Lúc đó Phật suy nghĩ: “Các Tỳ kheo mặc chừng ấy y là đủ”. Sáng hôm sau do nhân duyên này Phật nhóm Tỳ kheo tăng rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay cho các thầy được cất chứa ba y, không được thiếu cũng không được nhiều hơn, nếu thiếu thì phạm Đột-kiết-la còn nhiều hơn thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề”.

Lúc đó có một Tỳ kheo mặc y phấn tảo, nghe Phật chế nên mặc y cắt rọc, nếu không mặc thì không được vào tụ lạc, liền suy nghĩ: “Ta có y phấn tảo đã bị rách, ta nên vá thiếp vào cho giống như y cắt rọc”, nghĩ rồi liền mang y và kim chỉ ra ngoài cửa Kỳ hoàn để vá thiếp vào. Lúc đó Phật và A-nan đi đến chỗ này thấy Tỳ kheo đang ngồi may y, Phật liền hỏi là muốn làm gì, Tỳ kheo bạch Phật ý nghĩ của mình rồi nói: “Vì vậy nên con máy vá thiếp vào cho giống như y cắt rọc”, Phật khen: “Lành thay Tỳ kheo, từ nay cho các Tỳ kheo mặc y phấn tảo được cất chứa bốn loại y phấn tảo, đó là: Y trong gò mã, y xuất lai, y vô chủ và y bỏ trên đất. Sao gọi là y trong gò mã?: Tức là y dùng để bọc thây người chết đem bỏ trong gò mã; sao gọi là y xuất lai?: Y bọc thây người chết này nếu người nhà của người chết lấy lại để đem cúng cho Tỳ kheo thì gọi là y xuất lai; sao gọi là y vô chủ?: Y bị vứt bỏ trong tụ lạc hay ở ngoài đất trống không thuộc của ai, dù là nam hay nữ, huỳnh môn và người hai căn; sao gọi là y bỏ trên đất?: Đây là y phấn tảo vứt bỏ trong ngõ hẽm hay trong gò mã. Nếu Tỳ kheo lượm loại y trong gò mã còn mới thì nên may y Tăng-già-lê hai lớp, Uất-đa-la-tăng một lớp, An-đàhội một lớp hoặc Ni-sư-đàn hai lớp. Nếu Tỳ kheo lượm loại y trong gò mã đã cũ thì nên may y Tăng-già-lê bốn lớp, Uất-đa-la-tăng hai lớp, An-đà-hội hai lớp hoặc Ni-sư-đàn bốn lớp. Lượm được loại y xuất lai và vô chủ cũng giống như thế; nếu lượm được loại y phấn tảo bỏ trên đất thì tùy ý may mấy lớp cũng được”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Tỳ-xá-khư-lộc-tử-mẫu đến chỗ Phật đảnh lễ ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho được lợi hỉ rồi im lặng. Tỳ-xá-khư chắp tay bạch Phật: “Thế tôn, xin Phật và Tăng ngày mai thọ con thỉnh thực”, Phật im lặng nhận lời, bà biết Phật đã nhận lời liền đảnh lễ Phật hữu nhiễu rồi ra về, về đến nhà ngay trong đêm đó lo liệu đủ các món ăn ngon. Đêm đó Phật và A-nan kinh hành ngoài đất trống, Phật ngẩng nhìn các vì sao rồi bảo A-nan: “Nếu bây giờ có người hỏi người hiểu biết về thiên văn là lúc nào sẽ mưa, người đó ắt sẽ nói là bảy năm nữa sẽ mưa. Nhưng này A-Nan-đền giữa đêm ngôi sao này diệt sẽ có ngôi sao khác xuất hiện, nếu lúc đó có người hỏi người hiểu biết về thiên văn là lúc nào sẽ mưa, người đó ắt sẽ nói là bảy tháng sau sẽ mưa. Nhưng này A-Nanđền cuối đêm ngôi sao này diệt sẽ có ngôi sao khác xuất hiện, nếu lúc đó có người hỏi người hiểu biết về thiên văn là lúc nào sẽ mưa, người đó ắt sẽ nói bảy ngày nữa sẽ mưa. Nhưng này A-Nan-đến khi trời sáng ở phương Đông có đám mây hình tròn như cái bát giăng đầy trong hư không, đám mây này có thể làm mưa lớn, nước sẽ tràn đầy cống rãnh. Này A-nan, hãy bảo các Tỳ kheo đám mây hình tròn như cái bát này sẽ làm mưa có công đức trừ bịnh tật, nếu các Tỳ kheo muốn tắm thì nên đứng ngoài đất trống để tắm”, A-nan vâng lời Phật dạy đi thông báo cho các Tỳ kheo. Sáng hôm đó lúc trời mưa các Tỳ kheo tùy ý đứng ngoài đất trống tắm, lúc đó Tỳ-xá-khư đã chuẩn bị thức ăn xong trải tòa ngồi rồi sai Tỳ-sử đến bạch Phật: “Đã đến giờ thọ thực, xin Phật biết thời”. Tỳ-sử này đi đến trong Kỳ hoàn tìm các Tỳ kheo không thấy, nhìn qua lỗ cửa thì thấy các Tỳ kheo lỏa hình đứng tắm. Nhìn thấy rồi không vui nghĩ rằng: “Trong đây đều không có Tỳ kheo, đều là ngoại đạo lỏa hình không có hổ thẹn”, nghĩ rồi liền trở về bạch với Tỳ-xá-khư biết, Tỳ-xákhư là người lợi căn nghe rồi liền biết ngày nay trời mưa lớn nên các Tỳ kheo lỏa hình đứng tắm ngoài đất trống, Tỳ-sử không biết nên mới nói lời này. Bà liền kêu một Tỳ-sử khác đến Kỳ hoàn đập cửa kêu lớn rằng: “Giờ thọ thực đã đến, xin tự biết thời”, Tỳ-sử này đến Kỳ hoàn làm y như lời bà dạy, lúc đó Phật cùng đại chúng đắp y mang bát đi đến nhà Tỳ-xá-khư. Đợi Phật và Tăng ngồi xong, Tỳ-xá-khư tự tay rót nước và dâng thức ăn lên cúng dường, sau khi Phật và Tăng thọ thực xong, bà lấy chiếc ghế nhỏ ngồi phía trước Phật nghe thuyết pháp rồi bạch Phật: “Thế tôn, xin cho con được nguyện”, Phật nói: “Chư đa dà a già độ a la ha tam miệu tam Phật đà không cho cô được quá nguyện”, Tỳ-xá-khư nói: “Xin cho con được nguyện”, Phật nói: “Cho cô được nguyện, cô muốn được nguyện gì?”, Tỳ-xá-khư nói: “Con muốn được nguyện:

– Một là cúng cho Tỳ kheo tăng áo tắm mưa.

– Hai là cúng cho Tỳ kheo ni áo tắm.

– Ba là cúng thức ăn cho Tỳ kheo mới đến.

– Bốn là cúng thức ăn cho Tỳ kheo sắp đi xa.

– Năm là cúng thức ăn uống cho Tỳ kheo bịnh.

– Sáu là cúng thức ăn uống cho Tỳ kheo khán bịnh.

– Bảy là thường cúng cháo cho Tỳ kheo tăng.

– Tám là cúng thuốc thang và các vật cần dùng cho Tỳ kheo có nhiều người quen biết hay ít người quen biết khi có bịnh duyên. Phật hỏi: “Do nhân duyên gì cô muốn cúng áo tắm cho Tỳ kheo tăng?”, đáp: “Đại-đức, con ngày nay chuẩn bị xong thức ăn liền trải tòa ngồi và sai Tỳ-sử đến Kỳ hoàn bạch Phật đã đến giờ thọ thực, Tỳ-sử này nhìn qua lổ cửa thấy các Tỳ kheo lỏa hình đứng tắm ở ngoài đất trống nên trở về nói với con rằng: Trong Kỳ hoàn không có Tỳ kheo, chỉ có các ngoại đạo lỏa hình không có hổ thẹn. Đại-đức, Tỳ kheo lỏa hình ở trước Phật và trước Hòa thượng, A-xà-lê tắm thì thật là không có hổ thẹn. Vì thế con muốn cúng áo tắm cho Tỳ kheo tăng để mặc tắm mưa ở ngoài đất trống”, Phật lại hỏi: “Do nhân duyên gì cô muốn cúng áo tắm cho Tỳ kheo ni tăng?”, đáp: “Đại-đức, con cùng các cư sĩ nữ đến tắm trong sông A kỳ la, các Tỳ kheo ni cũng lỏa hình tắm trong sông. Các cư sĩ nữ này nhìn thấy rồi tâm không vui chê trách rằng: Những người này ít phước đức, thân thô xấu không đẹp, bụng lớn, vú xệ, cần gì tu phạm hạnh. Đại-đức, người nữ lỏa hình rất xấu xí, cho nên con muốn cúng áo tắm cho Tỳ kheo ni tăng”, Phật lại hỏi: “Do nhân duyên gì cô muốn cúng thức ăn uống cho Tỳ kheo khách mới đến?”, đáp: “Đại-đức, khách Tỳ kheo mới đến không biết chỗ nào nên đi chỗ nào không nên đi, đi đường lại mõi mệt chưa được nghỉ ngơi, con muốn cúng thức ăn uống cho Tỳ kheo khách mới đến để sau đó vị ấy tùy biết chỗ nào nên đi, chỗ nào không nên đi”, Phật lại hỏi: “Do nhân duyên gì cô muốn cúng thức ăn uống cho Tỳ kheo sắp đi xa?”, đáp: “Tỳ kheo sắp đi xa nếu đợi đến giờ ăn, giờ Bát đát na hay phải đi khất thực thì bạn đồng hành sẽ bỏ đi, hoặc giữa đêm vào đường hiểm hoặc đi một mình ở ngoài đồng hoang. Con muốn cúng thức ăn uống để vị ấy không mất bạn, không bị lạc trong đường hiểm”, Phật lại hỏi: “Do nhân duyên gì cô muốn cúng thức ăn uống cho Tỳ kheo bịnh?”, đáp: “Đại-đức, Tỳ kheo bịnh nếu không được thức ăn uống ứng với bịnh thì bịnh khó lành, con muốn cúng thức ăn uống để bịnh của vị ấy mau lành”, Phật lại hỏi: “Do nhân duyên gì cô muốn cúng thức ăn uống cho Tỳ kheo khán bịnh?”, đáp: “Đại-đức, Tỳ kheo khán bịnh nếu đợi đến giờ ăn traong tăng hoặc phải đi khất thực thì việc chăm sóc cho Tỳ kheo bịnh sẽ thiếu sót trong việc nấu cơm, canh hay cháo hoặc thuốc thang hoặc đổ đồ bất tịnh… Con muốn cúng thức ăn uống cho Tỳ kheo khán bịnh để vị ấy chăm sóc người bịnh không có thiếu sót”, Phật lại hỏi: “Do nhân duyên gì cô muốn thường cúng cháo cho Tỳ kheo tăng?”, đáp: “Đại-đức, nếu Tỳ kheo không ăn cháo sẽ đói khát, trong bụng cồn cào. Con muốn cúng cháo để các Tỳ kheo không bị khổ não”, Phật lại hỏi: “Do nhân duyên gì cô muốn cúng thuốc thang và các vật cần dùng cho Tỳ kheo có bịnh duyên có nhiều người quen biết hay ít người quen biết?”, đáp: “Tỳ kheo khi có bịnh duyên ắt rất cần thuốc thang và các vật cần dùng nên con muốn cúng. Đại-đức, lại nữa nếu con nghe có Tỳ kheo ở trú xứ nào chết mà Phật thọ ký cho vị đó là đã đoạn được ba phần kiết sử chứng quả Tuđà-hoàn, không còn đọa trong ba ác đạo, chắc chắn được niết bàn, còn bảy đời nữa qua lại trong cõi trời người sẽ dứt hết khổ. Đại-đức, con sẽ hỏi: “Trưởng lão này có từng đến nước Xá-vệ không”, nếu con nghe Tỳ kheo này đã từng đến nước Xá-vệ, con suy nghĩ: “Trưởng lão này có thọ con cúng áo tắm mưa hoặc thức ăn uống mà con cúng cho Tỳ kheo khách, hoặc thức ăn uống mà con cúng cho Tỳ kheo sắp đi xa, hoặc thức ăn uống cho Tỳ kheo bịnh, hoặc thức ăn uống cho Tỳ kheo khán bịnh, hoặc cháo mà con thường cúng cho Tăng, hoặc thuốc thang và vật cần dùng mà con cúng cho Tỳ kheo có bịnh duyên thì xin cho con vì nhân duyên này mà được giác ý đầy đủ. Đại-đức, nếu con nghe có Tỳ kheo ở trú xứ nào chết mà Phật thọ ký cho vị đó là đã đoạn hết ba hạ phần kiết sử, làm yếu ba độc chứng quả Tư-đà-hàm, còn một đời nữa trở lại cõi này sẽ dứt hết khổ. Đại-đức, con sẽ hỏi… giống như đoạn văn trên cho đến câu xin cho con vì nhân duyên này được giác ý đầy đủ. Đại-đức, nếu con nghe có Tỳ kheo ở trú xứ nào chết mà Phật thọ ký cho vị ấy là đã đoạn hết năm hạ phần kiết sử chứng quả A-na-hàm, ở trên cõi trời bát niết bàn không còn trở lại trong nhân gian. Đại-đức, con sẽ hỏi… giống như đoạn văn trên cho đến câu xin cho con vì nhân duyên này được giác ý đầy đủ. Đại-đức, nếu con nghe có Tỳ kheo ở trú xứ nào chết mà Phật thọ ký cho vị ấy là sanh đã tạn, phạm hạnh đã lập, việc nên làm đã làm xong, tự biết tác chứng, được chứng quả A-la-hán. Con sẽ hỏi… giống như đoạn văn trên cho đến câu xin cho con vì nhân duyên này được giác ý đầy đủ. Đại-đức, như thế Tài phước đức của con được thành tựu, do nhân duyên này con nhiếp được Pháp phước đức”. Phật nói: “Lành thay Tỳ-xá-khư, ta cho cô được như nguyện này, cô hãy cúng áo tắm cho Tỳ kheo tăng… tám điều nguyện trên. Tỳ-xá-khư, đây là Tài phước đức thành tựu, do nhân duyên này nhiếp được Pháp phước đức”. Phật nói pháp cho Tỳ-xá-khư được lợi hỉ rồi cùng chư tăng ra về, về đến trú xứ Phật do việc này nhóm Tỳ kheo tăng rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay cho các Tỳ kheo cất chứa áo tắm mưa, tùy ý mặc tắm ở ngoài đất trống”. Sau khi Phật cho cất chứa áo tắm mưa, các Tỳ kheo liền may áo rộng dài, có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi các Tỳ kheo: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?”, đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại may áo tắm rộng dài như thế”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay các thầy nên may áo tắm mưa đúng theo kích thước: Chiều dài khoảng sáu gang tay của Phật, chiều rộng khoảng hai gang rưỡi. Nếu may quá lượng này thì phạm Ba-dật-đề”.

Phật tại nước Duy-na-ly (Tỳ-da-ly), nước này đất mặn và ẩm ướt nên các Tỳ kheo mắc bịnh ghẻ lở, có một Tỳ kheo ghẻ lở chảy máu mủ làm dơ y An-đà-hội. Phật hỏi rõ nguyên do rồi do việc này nhóm Tỳ kheo tăng đủ lời khen ngợi giới và người trì giới rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay cho cất chứa y che phủ ghẻ cho đến mười ngày sau khi ghẻ lành, nếu cất chứa quá mười ngày thì phạm Ba-dật-đề”. Sau khi Phật cho cất chứa y che ghẻ, các Tỳ kheo liền may y rộng dài, có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi các Tỳ kheo: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?”, đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại cất chứa y che ghẻ rộng dài như thế”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay các thầy nên may y che phủ ghẻ đúng theo kích thước: Chiều dài khoảng bốn gang tay của Phật, chiều rộng khoảng nửa gang tay; nếu may quá lượng này thì phạm Ba-dật-đề”.

Phật tại nước Duy-na-ly (Tỳ-da-ly), lúc đó có Tỳ kheo xuất tinh làm dơ ngọa cụ, sáng sớm giặt phơi ở bên trong tinh xá, khi Phật đắp y mang bát vào thành khất thực nhìn thấy việc này nên sau khi thọ thực xong, Phật do việc này nhóm Tỳ kheo tăng rồi hỏi các Tỳ kheo: “Sáng sớm ta đắp y mang bát vào thành khất thực nhìn thấy ngọa cụ dơ giặt phơi trong tinh xá, các thầy không nên phơi như thế. Chúng tăng dùng nhiều ngọa cụ không biết lượng, các cư sĩ dè xẻn để cúng dường cầu phước, các thầy nên trù lượng dùng ít thì tốt. Nếu Tỳ kheo loạn niệm, không nhất tâm trong khi ngủ thì có năm lỗi:

– Một là khó ngủ.

– Hai là khó tỉnh thức.

– Ba là thấy ác mộng.

– Bốn là khi ngủ thiện thần không hộ.

– Năm là khi tỉnh thức tâm khó nhập pháp thiện giác quán.

Ngược lại nếu Tỳ kheo không loạn niệm, nhất tâm trong khi ngủ thì có năm điều thiện:

– Một là không khó ngủ.

– Hai là dễ tỉnh thức.

– Ba là không có ác mộng.

– Bốn là khi ngủ thiện thần hộ.

– Năm là khi tỉnh thức tâm dễ nhập pháp thiện giác quán.

Nếu Tỳ kheo có dâm nộ si, chưa được ly dục, không loạn niệm, nhất tâm ngủ nghỉ còn không thất tinh huống chi là Tỳ kheo lìa dục”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay cho các Tỳ kheo cất chứa Ni-sưđàn để hộ ngọa cụ của Tăng, không nên không trải Ni-sư-đàn mà ngồi trên ngọa cụ của Tăng. Sau khi Phật cho cất chứa Ni-sư-đàn, các Tỳ kheo liền may rộng dài, có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi các Tỳ kheo: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?”, đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại cất chứa Ni-sư-đàn rộng dài như thế”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay các thầy nên may Ni-sư-đàn đúng theo kích thước: Chiều dài khoảng hai gang tay của Phật, chiều rộng khoảng nửa gang tay; nếu may quá lượng này thì phạm Ba-dật-đề”. Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó vào sáng sớm Phật đắp y mang bát vào thành khất thực, thọ thực xong vào trong rừng An đà trải Nisư-đàn dưới một gốc cây ngồi. Trưởng lão Ca-lưu-đà-di cũng vào trong rừng An đà, trải Ni-sư-đàn dưới một gốc cây ngồi cách Phật không xa. Trưởng lão này thân to lớn, quỳ gối hai tay cầm y nguyện rằng: “Chừng nào Phật sẽ cho tôi may Ni-sư-đàn thêm một gang tay của Phật nữa thì mới đủ ngồi”. Đến xế chiều Phật xuất thiền, do việc này nên nhóm Tỳ kheo tăng rồi bảo các Tỳ kheo: “Sáng nay ta đắp y mang bát vào thành khất thực, thọ thực xong vào trong rừng A-nan-đà… như trên cho đến câu mới đủ ngồi. Từ nay cho các thầy được may thêm viền ngoài Ni-sư-đàn rộng khoảng một gang tay nữa. Giới này nên nói lại như sau: Nếu Tỳ kheo muốn may Ni-sư-đàn thì phải may theo đúng kích thước: Chiều dài hai gang tay của Phật, chiều rộng nửa gang tay và viền ngoài rộng một gang tay. Nếu may quá lượng này thì phạm Ba-dật-đề”.

Phật tại nước Ca-tỳ-la-vệ, Trưởng lão Nan-đà là em của Phật do Di mẫu sanh ra, thân tương tợ như Phật cũng có ba mươi hai tướng tốt, nhưng thấp hơn Phật bốn ngón tay. Lúc đó Trưởng lão may y bằng lượng y của Phật đắp mặc khiến cho các Tỳ kheo vào giờ thọ thực từ xa thấy Nan-đà đến đều tưởng là Phật nên đứng dậy nghinh đón, khi Nan-đà đến gần mới biết là không phải Phật nên các Thượng tòa đều hổ thẹn, nghĩ rằng: “Đây là Hạ tòa của chúng ta, tại sao lại đứng dậy nghinh đón”, Nan-đà cũng hổ thẹn nói rằng: “Đã khiến cho các vị đứng dậy nghinh đón tôi”. Các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật do việc này nhóm Tỳ kheo tăng rồi hỏi Nan-đà: “Thầy thật đã làm việc này phải không?”, đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại may y bằng với lượng y của Phật, từ nay thầy nên may y giảm bớt thước tấc lại. Y này nên đem nhuộm cho hoại sắc rồi trải phơi”. Quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay nếu có ai may y như thế, Tăng cũng nên đồng tâm đem nhuộm cho hoại sắc rồi trải phơi. Từ nay nếu ai may y bằng lượng y của Phật hoặc dài rộng hơn thì phạm Ba-dật-đề. Y của Như lai chiều dài là chín gang tay, chiều rộng là sáu gang tay ”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có một Tỳ kheo đến chỗ Phật đảnh lễ rồi bạch rằng: “Thế tôn, xin cho con được mặc y Sô-ma”, Phật nói: “Từ nay cho thầy được mặc y Sô-ma, vì sao, vì y Sô-ma không làm trở ngại sự đắc đạo, thầy nên ít muốn biết đủ, biết thời biết lượng, nên siêng học thọ ít và dùng có tiết độ, nên tu hạnh đầu đà ở nơi yên tĩnh để tùy chứng Niết bàn”. Lại có một Tỳ kheo đến bạch Phật: “Thế tôn, xin cho con được mặc y Kiều-thi-na”, Phật nói: “Từ nay cho thầy được mặc y Kiều-thi-na, vì sao, vì y này không làm trở ngại sự đắc đạo, thầy nên ít muốn biết đủ, biết thời biết lượng, nên siêng học thọ ít và dùng có tiết độ, nên tu hạnh đầu đà ở nơi yên tĩnh để tùy chứng Niết bàn”. Lại có một Tỳ kheo đến bạch Phật: “Thế tôn, xin cho con được mặc y Sa ni”, Phật nói: “Từ nay cho thầy được mặc y Sa ni vì sao, vì y này… như trên cho đến tùy chứng Niết bàn”. Lại có Tỳ kheo đến bạch Phật: “Thế tôn, xin cho con được mặc y Dã-ma”, Phật nói: “Từ nay cho thầy được mặc y Dã-ma, vì sao, vì y này… như trên cho đến câu tùy chứng Niết bàn”.

Lúc đó có một thương buôn có loại y Khâm-bà-la, Súy-di-lâu đem bán nhưng không bán được giá. Người này nghe nói nếu ai cúng dường cho Trưởng lão Tu-bồ-đe thì ngay trong đời này được phước báo, liền đem chiếc y này đến cúng cho Trưởng lão Tu-bồ-đe. Trưởng lão không thọ, nói rằng: “Phật chưa cho tôi thọ loại y này”, thương buôn này sân giận nói: “Sa-môn Thích tử thường khen ngợi việc bố thí, nay có người thí lại không chịu thọ”. Các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Từ nay cho các thầy được thọ y Khâm-bà-la, vì sao, vì y này… như trên cho đến câu tùy chứng Niết bàn”.

Lại có một Tỳ kheo đến bạch Phật: “Thế tôn, xin cho con được thọ pháp khỏa thân”, Phật nói: “Thầy không được thọ pháp khỏa thân, nếu thọ thì phạm Thâu-lan-giá, vì sao, vì pháp khỏa thân là tướng của ngoại đạo”. Lại có Tỳ kheo đến bạch Phật: “Thế tôn, xin cho con được mặc y Khâm-bà-la búi tóc”, Phật nói: “Thầy không được mặc y Khâmbà-la búi tóc, nếu mặc thì phạm Thâu-lan-giá, vì sao, vì đây là tướng của ngoại đạo”. Lại có Tỳ kheo đến bạch Phật: “Thế tôn, xin cho con được mặc y dệt bằng lông cánh chim”, Phật nói: “Thầy không được mặc loại y này, nếu mặc thì phạm Thâu-lan-giá, vì sao, vì đây là tướng của ngoại đạo”.

Lại có Tỳ kheo đến bạch Phật: “Thế tôn, xin cho con được mặc y dệt bằng chỉ sợi thô”, Phật nói: “Không được mặc, nếu mặc thì phạm Đột-kiết-la”. Lại có Tỳ kheo đến xin Phật cho mặc áo da, Phật nói không được mặc, nếu mặc thì phạm Đột-kiết-la. Lại có Tỳ kheo đến xin Phật cho mặc một y, Phật nói không được, nếu mặc một y thì phạm Đột-kiết-la. Lại có Tỳ kheo đến xin Phật cho mặc hai y thượng hạ, Phật nói: “Trước đây ta đã chế các Tỳ kheo nên mặc đủ ba y, không được thiếu cũng không được nhiều hơn. Nếu thiếu thì phạm Đột-kiết-la, nếu nhiều hơn thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề; nếu chỉ mặc hai y thượng hạ thì phạm Đột-kiết-la”. Lại có Tỳ kheo đến xin Phật cho mặc y kết bằng lá cây, Phật nói không được, nếu mặc thì phạm Đột-kiết-la. Lại có Tỳ kheo đến xin Phật cho mặc y kết bằng loại cỏ A-câu hoặc cỏ Bạt-câu, cỏ Câu xa, cỏ Văn nhã, cỏ Bà bà, cỏ rơm…, Phật nói tất cả đều không được mặc, nếu mặc thì phạm Đột-kiết-la.

Lúc đó Lục quần Tỳ kheo dến bạch Phật: “Thế tôn, xin Phật cho chúng con được cạo lông trên thân”, Phật nói không được, nếu cạo thì phạm Đột-kiết-la. Lại xin Phật cho mặc y màu xanh nguyên chất, Phật nói: “Các thầy đến xin ta hai điều: Một là cạo lông trên thân, hai là mặc y màu xanh nguyên chất. Hai điều này đều không cho, không những màu xanh mà tất cả màu vàng, đỏ, đem, trắng nguyên chất thảy đều không cho mặc; cho đến các loại y dệt bằng lông hay áo da, áo tay xéo, áo phủ đầu, áo mặc xỏ qua đầu, áo có hai tay, áo ngắn, quần ngắn, khố… thảy đều không được mặc, nếu mặc thì phạm Đột-kiết-la”.

Lại có Tỳ kheo đến xin Phật cho mặc y dệt bằng chỉ sợi thô Khâm bạt, Phật nói: “Không được, nếu mặc thì phạm Đột-kiết-la, vì sao, vì mặc loại y này có năm điều bất lợi:

– Một là trời lạnh mặc sẽ lạnh thêm.

– Hai là trời nóng mặc sẽ nóng thêm.

– Ba là thô.

– Bốn là rít.

– Năm là cứng nhắc khiến cho da của người bị thô cứng”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Trưởng lão Hỷ đà cất y Tăng-già-lê trong rừng An-đà, chỉ mặc hai y thượng hạ đi vào thành khất thực, khi trở về thì y bị mất, tìm không thấy liền đem việc này bạch các Tỳ kheo rồi nói: “Tôi không biết phải làm sao”. Các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Hỷ đà: “Thầy có thật như vậy không?”, đáp: “Thật như vậy thưa Thế tôn”, Phật đủ lời khen ngợi hạnh xả ly: “Nếu Tỳ kheo sống thiểu dục thì y cốt là để che thân, thức ăn cốt là để nuôi thân, không có gì phải tham luyến, nhưng Tỳ kheo đi đến đâu đều không nên rời y bát, giống như chim bay trong hư không thì lông cánh của nó cùng bay”, đủ lời khen ngợi hạnh xả ly rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay nếu các thầy không thọ trì ba y thì không nên vào nhà thế tục, nếu vào thì phạm Đột-kiết-la”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó trời mưa nên Trưởng lão A-Nan đem y Tăng-già-lê cất trong Kỳ lâm, chỉ mặc hai y thượng hạ đi vào thành khất thực. Các Tỳ kheo thấy rồi liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi A-nan: “Thầy đã thật làm như thế phải không?”, đáp: “Thật đã làm như thế thưa Thế tôn”, lại hỏi vì sao, đáp: “Vì lúc ấy trời mưa lớn”, Phật đủ lời khen ngợi giới và người trì giới rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay nếu gặp năm nhân duyên cho các thầy được đem cất y Tăng-già-lê: Một là có trú xứ Tỳ kheo, hai là nếu thọ y Ca-hi-na, Ba là nếu trời mưa, bốn là trời sắp mưa và năm là nếu bên ngoài tụ lạc có hội thí. Lại có năm nhân duyên được đem cất y Tăng-già-lê: Một là có trú xứ Tỳ kheo, hai là nếu thọ y Ca-hi-na, Ba là tại các cửa tiệm có hội thí, bốn là trong phố chợ có hội thí và năm là ở đầu ngã tư đường”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó các ngoại đạo xuất gia hạ an cư xong, lúc tự tứ các đệ tử tại gia của họ mang y vật đến cung cấp đầy đủ. Các Ưu-bà-tắc tín tâm thanh tịnh đối với Phật pháp liền suy nghĩ: “Các ác sư tà pháp này hạ an cư xong, lúc tự tứ còn được các đệ tử tại gia cung cấp y vật đầy đủ, huống chi các bậc Thánh tăng của chúng ta hạ an cư xong, lúc tứ lại không được cúng dường y vật hay sao”, nghĩ rồi liền mang y vật đến trong Trúc lâm cúng cho Tăng. Các Tỳ kheo không thọ, nói rằng: “Phật chưa cho chúng tôi an cư xong, lúc tự tứ được thọ y vật cúng dường”, liền bạch Phật, Phật nói: “Từ nay cho các thầy hạ an cư xong, lúc tự tứ được tùy ý thọ y vật cúng dường”. Lúc đó các

Sa di đến xin chia y, các Tỳ kheo nói: “Phật chưa cho chia y an cư cho Sa di”, liền bạch Phật, Phật bảo nên cho, các Tỳ kheo không biết nên cho bao nhiêu, Phật nói: “Các Sa di hoặc đứng hoặc ngồi theo thứ lớp để cho đàn việt tự tay cúng dường, ít hay nhiều đều thuộc về Sa di. Nếu đàn việt không phân biệt mà chia làm bốn phần thì phần thứ tư nên chia cho Sa di”.

Phật tại thành Vương xá, lúc đó các ngoại đạo xuất gia hạ an cư xong, lúc tự tứ các đệ tử tại gia của họ mang các vật cần dùng đến bố thí như bình, chậu, dù, quạt, giày dép…. Các Ưu-bà-tắc tín tâm thanh tịnh đối với Phật pháp liền suy nghĩ: “Các ác sư tà pháp này hạ an cư xong, lúc tự tứ còn được các đệ tử tại gia cung cấp các vật cần dùng đầy đủ, huống chi các bậc Thánh tăng của chúng ta hạ an cư xong, lúc tứ lại không được cúng dường hay sao”, nghĩ rồi liền mang các vật dùng của-Tỳ kheo đến trong Trúc lâm cúng cho Tăng như bát, Câu-bát-đa-la, bán Bát-đa-la, Kiền tư, bán Kiền tư, dây lưng, quạt, giày dép…. Các Tỳ kheo không thọ, nói rằng: “Phật chưa cho chúng tôi an cư xong, lúc tự tứ được thọ cúng dường các vật cần dùng của-Tỳ kheo ”, liền bạch Phật, Phật nói: “Từ nay cho các thầy hạ an cư xong, lúc tự tứ được tùy ý thọ cúng dường các vật cần dùng của-Tỳ kheo”. Lúc đó các Sa di đến xin chia các vật cần dùng của-Tỳ kheo, các Tỳ kheo nói: “Phật chưa cho chia các vật cần dùng của-Tỳ kheo cho Sa di”, liền bạch Phật, Phật nói nên cho, các Tỳ kheo không biết nên cho bao nhiêu, Phật nói: “Các Sa di hoặc đứng hoặc ngồi theo thứ lớp để cho đàn việt tự tay cúng dường, ít hay nhiều đều thuộc về Sa di. Nếu đàn việt không phân biệt mà chia làm bốn phần thì phần thứ tư nên chia cho Sa di”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Bạt-nan-đà Thích tử vì muốn được nhiều cúng dường nên an cư cả hai chỗ, các Tỳ kheo không biết chỗ nào nên chia phần y cho Bạt-nan-đà, liền bạch Phật, Phật nói: “Chỗ an cư nên chia cho phần y”, các Tỳ kheo nói: “Bạt-nan-đà an cư cả hai chỗ”, Phật hỏi : “Bạt-nan-đà an cư nơi nào nhiều ngày nhất?”, đáp là ngày an cư ở hai nơi bằng nhau, Phật hỏi: “Bạt-nan-đà tự tứ ở chỗ nào?”, đáp là tự tứ ở cả hai nơi, Phật nói: “Nếu thế thì tự tứ nơi nào trước, nơi đó nên chia cho phần y”.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó vào tháng cuối hạ, Bạt-nan-đà đi đến các tinh xá để dò xét xem chỗ nào được cúng dường nhiều y vật. Từ xa các Tỳ kheo thấy Bạt-nan-đà đi đến liền đứng dậy nghinh đón, mời ngồi rồi thăm hỏi có an lạc hay không. Im lặng một lát, Bạt-nan-đà liền hỏi các Tỳ kheo: “Trú xứ này an cư có được cúng dường y vật không?”, đáp là được, lại hỏi chia chưa, đáp là chưa chia, liền bảo mang đến để chia, các Tỳ kheo liền mang đến cho Bạt-nan-đà chia. Sau khi chia xong, vị Thượng tòa nhận phần của mình rồi đi, Bạt-nan-đà bảo chờ một chút, Thượng tòa hỏi có việc gì, đáp là cứ đợi. Do Bạt-nan-đà có biện tài thuyết pháp với đủ ngôn từ khiến cho vị Thượng tòa này nghe pháp xong rất hoan hỉ, vì ái pháp nên nói với Bạt-nan-đà: “Phần y này của tôi xin cúng cho thầy”, cứ như thế các Tỳ kheo trong trú xứ này đều đem phần y của mình cúng dường hết cho Bạt-nan-đà, không phải chỉ một trụ xứ này mà các trú xứ khác cũng vậy nên Bạt-nan-đà được rất nhiều y vật gánh về Kỳ lâm. Lúc đó các Tỳ kheo đang kinh hành ở chỗ đất trống bên ngoài cửa Kỳ hoàn, từ xa thấy Bạt-nan-đà gánh y vật đi đến liền nói với nhau: “Bạt-nan-đà này là người không biết xấu hổ, có làm điều xấu thấy nghe nghi nên mới thọ được nhiều y vật như thế mang về”. Khi Bạt-nan-đà đến gần, các Tỳ kheo hỏi: “Y vật này từ đâu có được?”, đáp: “Do tôi thuyết pháp cho các Tỳ kheo hay nên được”. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Bạt-nan-đà: “Thầy thật đã làm việc này phải không?”, đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo an cư ở chỗ này lại đi đến các chỗ khác thọ phần y”, nhưng lúc đó Phật chỉ quở trách chứ chưa kết giới.

Phật tại nước Kiều-tát-la cùng đại chúng an cư tại một trụ xứ, lúc đó các cư sĩ trong nước này cúng dường rất nhiều y cho Tăng hoặc cúng ở trong phòng riêng, hoặc cúng sau hạ an cư. Năm sau Phật an cư trong Kỳ lâm, trong trú xứ này có hai Tỳ kheo an cư, các cư sĩ suy nghĩ: “Chúng ta nên cúng hạ an cư như xưa, không nên bỏ phế, các Tỳ kheo được cúng dường còn chúng ta được phước”, nghĩ rồi liền mang nhiều y vật đến cúng cho Tăng an cư. Hai Tỳ kheo này suy nghĩ: “Y vật cúng dường quá nhiều, chúng ta chỉ có hai, nếu đem chia không biết sẽ mắc tội gì”, do tâm nghi nên không chia y vật. Lúc đó vào tháng sau hạ, Bạt-nan-đà đi đến các tinh xá để dò xét xem chỗ nào được cúng dường nhiều y vật. Bạt-nan-đà suy nghĩ: “Năm trước Phật an cư nơi đây, nhất

định nơi đó được cúng nhiều y vật”, nghĩ rồi liền đi đến trú xứ này. Từ xa hai Tỳ kheo thấy Bạt-nan-đà đi đến liền đứng dậy nghinh đón, mời ngồi rồi thăm hỏi có an lạc hay không. Im lăng một lát, Bạt-nan-đà liền hỏi hai Tỳ kheo: “Trú xứ này an cư có được cúng dường y vật không?”, đáp là được, lại hỏi chia chưa, đáp là chưa chia, lại hỏi vì sao không chia, đáp: “Y vật quá nhiêu, chúng tôi chỉ có hai, sợ chia không biết sẽ phạm tội gì, do tâm nghi nên không chia”, Bạt-nan-đà nói: “Hai thầy không chia là đúng, nếu chia rồi không biết sẽ phạm tội gì”, hai Tỳ kheo hỏi: “Thầy có thết chia giúp được không?”, đáp: “Tất nhiên là được, chỉ cần làm yết ma”. Hai Tỳ kheo này liền mang tất cả y vật đến cho Bạt-nan-đà chia, Bạt-nan-đà chia làm ba phần, một phần đưa cho hai Tỳ kheo, còn hai phần cho mình và nói rằng: “Hai thầy hãy lắng nghe tác pháp yết ma”, liền nói kệ:

“Hai thầy được một phần,
Tổng cộng là ba phần.
Hai phần này với tôi,
Tôi cũng có ba phần”.

Hai Tỳ kheo hỏi: “Yết ma chia như vậy có ổn không?”, đáp là rất ổn, nói rồi liền gánh y đi, hai Tỳ kheo nói: “Nhưng hai chúng tôi chưa được chia”, Bạt-nan-đà nói: “Nếu tôi chia cho hai thầy thì người biết pháp phải được một cái y tốt”, đáp là được, Bạt-nan-đà liền chọn lấy một cái y quý giá để riêng ra rồi chia số y còn lại làm hai phần cho hai Tỳ kheo, chia xong liền gánh y trở về Kỳ hoàn. Lúc đó các Tỳ kheo đang kinh hành ở chỗ đất trống bên ngoài cửa Kỳ hoàn, từ xa thấy Bạtnan-đà gánh y vật đi đến liền nói với nhau: “Bạt-nan-đà này là người không biết xấu hổ, có làm điều xấu thấy nghe nghi nên mới thọ được nhiều y vật như thế mang về”. Khi Bạt-nan-đà đến gần, các Tỳ kheo hỏi: “Y vật này từ đâu có được?”, Bạt-nan-đà liền đem việc trên kể lại cho các Tỳ kheo nghe. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Bạt-nan-đà: “Thầy thật đã làm việc này phải không?”, đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại cố tình đoạt lấy y vật của-Tỳ kheo khác”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Bạt-nan-đà này không phải chỉ đời này mà trong quá khứ cũng đã đoạt lấy vật thực của hai người này. Các thầy hãy lắng nghe:

Thuở xưa trong một khúc sông có hai con rái cá bắt được một con cá chép lớn trong sông, do không biết nên chia như thế nào nên cả hai đứng đó để giữ con cá. Lúc đó có một con dã can muốn đến bờ sông để uống nước, thấy vậy liền hỏi nguyên do, rái cá nói: “Chúng con bắt được một con cá chép lớn trong sông nhưng không biết nên chia như thế nào, cậu có thể chia giúp chúng con được không?”, dã can nói: “Tất nhiên là được, chỉ cần nói kệ”, dã can liền chia con cá ra làm ba phần rồi hỏi rái cá: “Ai thích sống ở chỗ cạn”, một con đáp là con, lại hỏi: “Ai thích sống ở chỗ sâu”, con còn lại đáp là con, dã can nói: “Hãy nghe ta nói kệ:

Vào cạn được phần đuôi,
Vào sâu được phần đầu,
Phần thịt ở giữa thân,
Chia cho người biết pháp”.

Nói rồi liền ngậm phần thịt cá đi, một con dã can cái thấy liền nói kệ hỏi:

“Anh từ chỗ nào về,
Trong miệng lại ngậm đầy,
Không đầu đuôi như thế,
Thịt cá chép ăn ngon”,

Dã can nói kệ đáp:

“Người biết cách ăn nói,
Nhưng không biết phân chia,
Người biết cách phân chia,
Như quan được kho báu,
Phần thịt cá chép này,
Thuộc về tôi được ăn”.

Phật bảo các Tỳ kheo: “Hai con rái cá thuở xưa chính là hai Tỳ kheo kia ngày nay, dã can ngày xưa chính là Bạt-nan-đà ngày nay. Thuở xưa Bạt-nan-đà đã chiếm đoạt vật thực, nay lại chiếm đoạt y”, Phật quở trách Bạt-nan-đà rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay nếu an cư trong trú xứ này thì không được đến các trú xứ khác thọ phần y, nếu thọ thì phạm Đột-kiết-la”.

Có trú xứ chỉ có một Tỳ kheo an cư, mọi người mang nhiều y vật đến cúng cho Tăng an cư, tuy mọi người cúng nhiều y vật cho Tăng an cư nhưng trú xứ này chỉ có một Tỳ kheo an cư thì Tỳ kheo này được thọ. Trú xứ có hai, ba, bốn Tỳ kheo an cư cũng giống như thế; có hay không có trú xứ, nơi không có tụ lạc và nơi A-lan-nhã cũng giống như thế.

Có trú xứ chỉ có một Tỳ kheo an cư, mọi người vì khách Tỳ kheo nên mang nhiều y vật đến cúng cho Tăng an cư, tuy mọi người vì khách Tỳ kheo cúng nhiều y vật cho Tăng an cư nên chia, nhưng vì trú xứ này chỉ có một Tỳ kheo an cư nên Tỳ kheo này được thọ. Trú xứ có hai, ba, bốn Tỳ kheo cũng giống như thế; có trú xứ hay không có trú xứ, nơi không có tụ lạc và nơi A-lan-nhã cũng giống như vậy.

Trưởng lão Ưu-ba-ly hỏi Phật: “Thế tôn, lúc tự tứ xong Tăng bị phá có được chia phần y an cư không?”, Phật nói được chia; lại hỏi: “Tự tứ xong, Tỳ kheo bị cử có được chia phần y an cư không?”, Phật nói không được chia, lại hỏi: “Tự tứ xong, nếu Tỳ kheo đi đến chỗ bè đảng khác có được chia phần y an cư không?”, Phật nói: “Nếu đến ở trong chúng như pháp thì được chia”, lại hỏi: “Tự tứ xong, nếu Tỳ kheo tự nói tôi là bạch y thì có được chia phần y an cư không?”, Phật nói không được chia, lại hỏi: “Tự tứ xong, nếu Tỳ kheo tự nói tôi là Sa di, dị đạo, không phải Tỳ kheo; người bị tẫn về không thấy tội, không sám tội, không bỏ ác tà kiến và tội bất cọng trụ; người phạm các tội bất cọng trụ, phạm biên tội, người vốn là bạch y, bất năng nam, người ô nhục Tỳ kheo ni, người việt tế (tặc trụ); người giết cha mẹ, A-la-hán, người phá tăng, người ác tâm làm cho Phật bị thương; tất cả các hạng người này có được chia phần y an cư không?”, Phật nói không được chia, lại hỏi: “Tự tứ xong, nếu Tỳ kheo du hành đến nước khác thì có được chia phần y an cư không?”, Phật nói: “Có hai trường hợp được chia và không được chia. Được chia là biết rõ vị ấy sẽ trở về; không được chia là biết chắc vị ấy sẽ không trở về. Nếu khi đi vị ấy có nhờ người lấy giùm thì tất cả phần y vật nên được chia, nếu không nhờ lấy giùm thì không nên chia; người được nhờ lấy giùm thì tăng nên sai làm thay phần công tác của vị ấy”.