TÂY-PHƯƠNG NHỰT-KHÓA
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm soạn thuật

 

Hiện nay, ……

Người tu Tịnh-độ càng ngày càng đông… Sở-dĩ như thế, bởi vì môn Niệm-Phật có đầy-đủ được những yếu-tố sau đây:

  1. Thích ứng cả ba căn.
  2. Gồm tự-lực(5), tha lực.
  3. Giải thoát ngay trong hiện-kiếp.
  4. Hợp với thời-tiết, cơ-duyên.

I. NIỆM-PHẬT THÍCH-ỨNG CẢ BA CĂN.

Các pháp-môn khác, nếu như thấp thì bậc THƯỢNG-CĂN chẳng thích tu – và nếu như cao tất các bậc TRUNG-CĂN, HẠ-CĂN không kham tu học.

Chẳng hạn như về THIỀN-TÔNG thì đạo-lý vô cùng mầu-nhiệm cao-siêu, một niệm đi thẳng vào chân-tâm sáng-suốt, ứng-dụng tự-tại, vượt khỏi đầu sào trăm trượng, như nhạn bay giữa thái-hư dấu-vết chẳng còn lưu.

Nhưng khúc điệu càng cao, thì người họa lại càng thêm thưa ít.

Nếu chẳng phải là bậc tuệ-căn gieo sẵn, e cho vẽ cọp không thành, vì thế nên cổ-đức đã dạy:

Chẳng phải căn thượng-thượng,
Dè-dặt chớ khinh-thường…
(Phi thượng-thượng căn,
Thận vật kinh hứa… )

Bởi nếu không phải là bậc THƯỢNG-CĂN triệt-ngộ thiền-cơ thì chẳng thể nào nhập được ngay vào chân-không mà phần nhiều lại lạc vào trong lối chấp thiên-không. Rồi từ đó bác phá nhân-quả, sự tướng tăng lòng ngã-mạn, cống-cao.

Về điều nầy trong bài CHỨNG-ÐẠO-CA HUYỀN-GIÁC thiền sư có dạy:

– ” Nếu chấp cái không trống-rỗng, rồi bác phá nhân-quả thì mối ương-họa lan-tràn “…

(Hoát-đạt không, Bác nhân-quả,
Mảng-mảng, đãng-đãng chiêu ương-họa)….

Thật ra THIỀN-TÔNG rất cần phải duy-trì và phục-hưng cho chúng-sanh được độ-thoát, an-vui, cho vườn hoa Phật-giáo được thắm-tươi và đầy đủ màu-sắc hơn… Nếu có các bậc tu THIỀN chân chánh làm lợi-ích cho mình và cho người, thật cũng rất đáng nên cúi đầu đảnh-lễ – nhưng rất tiếc, có nhiều kẻ mới vào cửa mầu-nhiệm của THIỀN học, liền chuộng ngay những huyền-lý cao siêu, vội xem thường các sự:

– Thờ cúng,
– Tu phước,
– Giữ giới,
– Sám hối. vv…

Thậm chí đến còn bác phá luôn cả các sự:
– Lễ Phật

– Niệm Phật
– Tụng kinh. vv…

cho là hành-môn thấp nhỏ, là chấp-trước sự-tướng… Cảnh-trạng một kẻ mê đường dẫn nhiều người đi lạc lối, khiến cho ngay chính những bậc tôn-đức bên THIỀN-TÔNG trông thấy cũng đem lòng thê-lương cho Phật-pháp, xót-dạ, đau lòng !

Nếu huyễn-sắc tức là chân-không thì dù cho có tham THIỀN, niệm PHẬT, tụng KINH … hay hành-trì tất-cả sự-tướng trong đạo-pháp cũng đều là chân không. Bậc liễu-đạt tùy-niệm ứng-dụng tự-tại không dính-mắc, như trái hồ-lô lăn tròn trên mặt nước, can chi mà phòng-ngại!

Cho nên các bậc Cổ-đức bên THIỀN đã cảnh-giác rằng:

-” THIỀN-TÔNG nếu đi đúng (đường lối và phương-cách) tất mau chứng-quả BỒ-ÐỀ, còn nếu đi lạc (lối), lầm (đường) thì đọa vào địa-ngục mau như tên bắn !”.

Các Pháp-môn cao (như THIỀN) thì phải cần có các bậc THƯỢNG-CĂN tu mới được sự lợi-ích thiết-thật LÀ NHƯ THẾ VẬY.

Còn riêng về môn TỊNH-ÐỘ thì ngược lại, vì pháp-môn nầy thích ứng với ba căn-cơ:

1- Bậc THƯỢNG-THƯỢNG căn như các ngài: VĂN-THÙ BỒ-TÁT, PHỔ-HIỀN BỒ-TÁT, MÃ-MINH BỒ-TÁT, LONG-THỌ BỒ-TÁT, TRÍ-GIẢ ÐẠI-SƯ và các bậc cao-đức khác nữa xưa nay, phần nhiều đều tu về môn nầy.

Như trong kinh HOA-NGHIÊM, ngài THIỆN-TÀI đồng-tử khi đi tham-phỏng ở nơi bậc tri-thức đầu tiên là ngài ÐỨC-VÂN BỒ-TÁT, ngài ÐỨC-VÂN đã đem môn NIỆM-PHẬT TAM-MUỘI mà truyền dạy …

Ðến lúc cuối cùng, ngài PHỔ-HIỀN đại Bồ-tát cũng tuyên nói “MƯỜI ÐẠI NGUYỆN vương”, khuyên THIỆN-TÀI và chư-vị Bồ-tát trong Hoa-tạng Hải-hội niệm Phật hồi-hướng về CỰC-LẠC.

Do đấy, nên nếu bảo rằng niệm PHẬT là pháp-môn thấp kém chỉ để cho các hạng tầm-thường, ngu-dốt tu, là quan-niệm rất sai lầm vậy.

Ðến như các bậc hạ-căn, thì trong quyển TỊNH-ÐỘ THÁNH-HIỀN LỤC đã có ghi chép các sự-tích của những:

– Kẻ ngu-muội, dốt-nát,

– Kẻ phá-giới, phạm-trai,

– Kẻ nghèo khổ, tật-nguyền, …

– Cho đến các loài điểu-thú, nghe hành theo lời người dạy, xưng danh-hiệu Phật, biết hồi-tâm, sám-hối, trì-niệm chuyên-thành, đều được nguyện lực của PHẬT nhiếp-thọ, tiếp-dẫn sanh về Cực-lạc …

Vì thế cho nên một bậc danh-đức xưa đã khen pháp-môn Tịnh-độ là:

– Bảo-phiệt ra khỏi Ta-bà,
Huyền-môn để thành Phật-đạo.
(Xuất Ta-bà chi bảo-phiệt,
Thành Phật-đạo chi huyền-môn).

Và cũng nương theo ý đó, Ấn-Quang Ðại-sư đã có câu đối như sau:

– Bỏ đường tắt Tây-phương, chín giới chúng-sanh, trên khó thể viên-thành quả-giác.

– Lìa cửa mầu Tịnh-độ, mười phương chư PHẬT, dưới không toàn độ thoát quần-mê.

Còn nếu nói theo kinh thì:

– Pháp-môn niệm-Phật, quả thật như chiếc lưới báu cực to, có thể vớt hết tất-cả các loài cá lớn nhỏ trong tam-giới, đưa lên bờ Niết-bàn vậy.