TÁT BÀ ĐA BỘ TỲ NI MA ĐẮC LẶC GIÀ

Hán dịch: Lưu Tống Tăng Ca Bạt Ma
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 4

23. Phần Tạp Sự (Tiếp Theo):

Có cư sĩ gánh thịt đi, một con qua bay đến cắp lấy một miếng, miếng thịt này lại rớt xuống trong bát của một Tỳ-kheo đang đi khất thực. Cư sĩ thấy miếng thịt này ở trong bát Tỳ-kheo liền quở mắng là Sa-môn xấu ác, Tỳ-kheo cho là mình xấu ác nên đi hành dâm, sau đó nghi hối… Phật nói: “Trước không phạm nhưng sau thì phạm”.

Có Tỳ-kheo tiểu tiện trước con chó cái, nó liền tới ngậm lấy nam căn của tỳ-kheo, Tỳ-kheo sanh nghi hối… Phật nói: “Không phạm Bala-di, từ nay không nên tiểu tiện trước chó cái, nếu muốn tiểu tiện nên đuổi nó đi, nếu không đuổi được thì nên đi đến chỗ khác”. Lại có Tỳkheo đang kinh hành thấy có một con dã can cái đến gần liền khởi ý dâm dục, dùng y trùm bắt và bị nó cắn, Tỳ-kheo sợ hãi nghi hối… Phật nói: “Không phạm Ba-la-di mà phạm Thâu-lan-giá”.

Có một Tỳ-kheo một mình ở nơi A-lan-nhã bị một Khẩn-na-la nữ bắt đưa vào trong rừng sâu, Tỳ-kheo mê man đến khi tỉnh dậy tìm cách ra khỏi nơi ấy… Phật nói: “Những nơi đáng sợ như vậy, Tỳ-kheo không nên ở”.

Có một Tỳ-kheo lỏa hình lội qua sông, một con cá lội đến ngậm lấy nam căn, Tỳ-kheo sanh nghi hối… Phật nói: “Tỳ-kheo không được lỏa hình qua sông”. Có một người nữ lỏa hình tiểu tiện trong màn ngăn, Tỳ-kheo khởi tâm nhiễm ô liền đưa nam căn dí sát vào trong màn rồi sanh nghi hối… Phật nói: “Không phạm Ba-la-di mà phạm Thâu-langiá”.

Phật tại nước Xá-vệ, có một Tỳ-kheo thọ thực xong đi kinh hành trước phòng, sau đó trải tọa cụ ngồi thiền, do khí trời nóng bức nên ngủ thiếp đi, khi ngủ Nê-hoàn-tăng tuột xuống để lộ nam căn. một người nữ lượm củi đi đến chỗ đó nhìn thấy liền khởi tâm nhiễm ô và đến hành dâm, Tỳ-kheo tỉnh giấc, người nữ nói: “Nhà tôi ở tại _____, nếu

Tỳ-kheo muốn được nữa thì hãy đến đó”, Tỳ-kheo sanh nghi hối… Phật nói: “Từ nay không được một mình nằm ngủ ở nơi vắng vẻ, nếu ngủ thì phạm Đột-kiết-la”. Nhân duyên về người nữ cắt cỏ cũng vậy. Có năm nhân duyên làm cho nam căn khởi lên: Một là dâm dục, hai là bị phong, ba là đại tiện, bốn là tiểu tiện và năm là bị trùng cắn. Phàm phu và người chưa lìa dục thì có đủ năm nhân duyên này, còn người lìa dục chỉ có bốn.

Phật tại thành Xá-vệ, có một Tỳ-kheo mắc bịnh ở nam căn, nghe Kỳ-bà nói nếu có người nữ ngậm nam căn thì hết bịnh, liền suy nghĩ: “Phật cho người bịnh được uống thuốc”, nghĩ rồi liền bảo người nữ ngậm nam căn và bịnh được lành… Phật nói: “Hễ vào liền phạm Ba-ladi”.

Tại nước Bà-lâu, trong nhà một dâm nữ có tên giặc ở thường quấy nhiễu dân chúng, dân chúng tâu lên vua, vua cho gọi dâm nữ đến hỏi nhưng dâm nữ chối là không có, vua cho người rình bên nhà dâm nữ và bắt được tên giặc; Vua nổi giận ra lịnh cắt hết gân chân và đem bỏ ở ngoài đồng hoang. Tỳ-kheo đi đến đó thấy dâm nữ này sanh tâm nhiễm ô muốn cùng hành dâm, dâm nữ đòi uống nước rồi nói: “Thân bất tịnh này đâu đáng tham nhiễm”. Sáng hôm sau, thân quyến của dâm nữ tìm đến, Tỳ-kheo thấy họ đến liền đứng qua một bên, dâm nữ nói với thân quyến: “Tôi không chết là nhờ có Tỳ-kheo này”, thân quyến kia liền nói với Tỳ-kheo: “Nếu cần gì cứ đến lấy”, Tỳ-kheo sanh nghi hối… Phật nói: “Không phạm Ba-la-di mà phạm Thâu-lan-giá”.

Có một Tỳ-kheo đi giữa bầy bò dữ, bò dữ chạy tới muốn húc Tỳkheo, Tỳ-kheo té ngã lên một người nữ … Phật nói: “Không phạm, khi đi phải tự đề phòng”. Có một Tỳ-kheo không may rớt xuống giếng, trong giếng đã có một người rớt xuống trước rồi, thấy Tỳ-kheo rớt xuống liền ôm cổ Tỳ-kheo. Người trên miệng giếng thả dây xuống kéo lên thì thấy có người nữ ôm cổ Tỳ-kheo cùng lên, liền hỏi: “Người nữ này từ đâu đến?”… Phật nói: “Không phạm, phải khéo tác ý khi thấy giếng”. Lại có Tỳ-kheo đi khất thực vào trong một ngỏ hẽm, đụng phải một người nữ đi ra… Phật nói: “Không phạm, phải tác ý rồi mới vào tụ lạc khất thực”.

Có một Tỳ-kheo đi chung thuyền với một người nữ qua sông, thuyền bị chìm, người nữ ôm cổ Tỳ-kheo… Phật bảo: “Không phạm, nên xét kỹ trước rồi mới qua sông”.

Có một người nam giả làm người nữ đến chỗ các Tỳ-kheo-ni xin xuất gia, các Tỳ-kheo-ni không xét kỹ liền độ cho xuất gia. Người nam này ban đêm đến sờ mó các ni, các ni sanh nghi hối bạch Phật, Phật bảo: “Không phạm, từ nay nên suy xét kỹ rồi mới độ cho xuất gia”. Trường hợp Thâu-la-nan-đa đem bỏ thai nhi chết giùm người… như trong Tỳni đã nói rõ, Phật nói: “Tỳ-kheo-ni không nên đem bỏ thai chết giùm người, nếu làm thế thì phạm Thâu-lan-giá”.

Trường hợp Tỳ-kheo-ni Bạt-đa la như trong Tỳ-ni đã nói rõ, Phật hỏi Bạt-nan-đà có thọ lạc không, liền đáp: “Con không thọ lạc, con cảm thấy như bị lửa đốt, như kiếm bén”, Phật nói: “Tỳ-kheo-ni này do quả báo đời trước… bị cưỡng bức không thọ lạc thì không phạm”. Lại có Tỳ-kheo-ni Tu-xà-đa bị kẻ xấu bắt dẫn vào trong đồng hoang cưỡng bức hành dâm rồi thả về. Các Tỳ-kheo-ni biết chuyện liền đuổi đi, Tỳkheo-ni này nói: “Tôi không có thọ lạc”, các Tỳ-kheo-ni nói: “Cô bị kẻ xấu bắt vào trong rừng cưỡng bức hành dâm, sao nói là không có thọ lạc”, Tỳ-kheo-ni này không biết làm sao, đem việc này bạch Phật, Phật hỏi: “Cô thật có thọ lạc hay không?, đáp: “Thế tôn, con không có thọ xúc lạc dục, con đã dùng tay chân xô đạp nhưng không thoát được”, Phật bảo: “Nếu không có thọ lạc thì không phạm, Tỳ-kheo-ni này do nhân duyên nghiệp báo nên thọ thân nữ và bị người khác cưỡng bức làm việc dâm, bị cưỡng bức mà không thọ lạc thì không phạm”. Trường hợp Tỳ-kheo-ni Đàn ni cũng vậy.

Lại có Tỳ-kheo-ni La tra vào thành khất thực… Các Tỳ-kheo-ni liền đuổi đi, Tỳ-kheo-ni này nói: “Tôi không có thọ lạc”, các Tỳ-kheoni nói: “Cô bị kẻ xấu bắt dẫn vào trong rừng cưỡng bức hành dâm, sao nói là không thọ lạc”. Vừa lúc đó có trưởng lão A-nan đến, các Tỳkheo-ni nói: “Nay có trưởng lão A-nan ở đây”, A-nan liền hỏi nguyên do sự việc, Tỳ-kheo-ni này vì kính sợ A-nan nên không trả lời, A-nan bực tức vì cô không chịu trả lời. Tỳ-kheo-ni suy nghĩ: “Các Tỳ-kheo-ni đuổi ta, trưởng lão A-nan giận ta, ta sống làm chi nữa”, nghĩ rồi liền dùng cái bình cột vào cổ nhảy xuống sông tự vẫn. Bình đứt dây, thân cô nổi chìm trong nước, những người đứng trên bờ nhìn thấy liền vớt lên, xốc nước cho tỉnh lại rồi cưỡng bức hành dâm rồi thả về. Các Tỳ-kheoni đi tìm đến chỗ đó nhìn thấy liền nói: “Trước cô nói là không thọ lạc, sao nay lại cùng họ hành dâm”… Phật nói: “Bị cưỡng bức làm việc dâm, không thọ lạc thì không phạm”.

b. Về việc trộm:

Phật tại thành Vương xá, do nhân duyên Tỳ-kheo Đạt-ni-ca con của người thợ gốm nên Phật kết giới trộm, lúc đó Đạt-ni-ca ưu sầu nghi hối: “Ta nhiều lần trộm lấy cây gỗ, không biết lần nào là trước, lần nào không phải là trước”, bạch Phật, Phật nói: “Trước khi kết giới thì tất cả thời lấy cây gỗ đều không phạm”.

Có một Tỳ-kheo ở chỗ trống, vật thuộc có chủ mà tưởng là không chủ nên lấy, Phật nói: “Nếu biết vật này là có chủ khởi tưởng là có chủ mà lấy thì phạm Ba-la-di; nếu vật có chủ khởi tưởng là không chủ mà lấy cũng phạm Ba-la-di; nếu vật có chủ sanh nghi mà lấy cũng phạm Ba-la-di. Nếu vật vô chủ khởi tưởng là có chủ mà lấy thì phạm Thâulan-giá; nếu vật không chủ sanh nghi mà lấy cũng phạm Thâu-lan-giá; nếu vật vô chủ khởi tưởng là vô chủ mà lấy thì không phạm”.

Có Tỳ-kheo xin cơm mà lấy vật khác… Phật nói: “Không phạm Ba-la-di mà phạm Thâu-lan-giá”. Trường hợp xin bún, miến, mì, cá thịt… mà lấy vật khác cũng như vậy. Có Tỳ-kheo trước không có thọ thỉnh thực… như trong Tỳ-ni, Phật nói: “Không phạm Ba-la-di mà phạm Đột-kiết-la ”.

Ở nước Câu-tát-la chúng tăng chia thức ăn, có một Tỳ-kheo đến tụ lạc, Tỳ-kheo này có hai đệ tử cọng hành đều cùng lấy phần cơm cho thầy, sau đó mới biết nên nói với nhau: “Thầy đã lấy một phần, tôi lại lấy thêm một phần, không biết chúng ta có phạm Ba-la-di không”, liền bạch Phật, Phật nói: “Không phạm, từ nay lấy phần cơm nên nói với nhau”. Lại có Tỳ-kheo cựu trụ đến tụ lạc, Tỳ-kheo bạn lấy giùm phần ăn, khi trở về, Tỳ-kheo bạn đưa phần thức ăn này và nói: “Tôi lấy giùm phần thức ăn cho thầy”, Tỳ-kheo này nói: “Tôi không bảo thầy lấy giùm, cớ sao thầy lại lấy”, Tỳ-kheo bạn nghi hối… Phật nói: “Không phạm, từ nay nếu người khác không nhờ lấy giùm thì không nên lấy giùm phần thức ăn”.

Lại có một Tỳ-kheo bịnh, khi Tăng chia cơm, Tỳ-kheo khán bịnh lấy phần cơm cho Tỳ-kheo bịnh, Tỳ-kheo bịnh chết, Tỳ-kheo khán bịnh không biết làm sao liền bạch Phật, Phật nói: “Nếu người bịnh chết trước, lấy phần cơm sau thì nên trả lại phần cơm; nếu lấy phần cơm rồi Tỳ-kheo binh mới chết thì phần cơm này giống như phần vật khác của tỳ-kheo chết để lại”.

Có Tỳ-kheo nói với Tỳ-kheo khác: “Chúng ta hãy cùng đi ăn trộm”, đáp là tùy ý rồi cùng nhau đi, đi đến giữa đường Tỳ-kheo kia liền hối hận, nghĩ rằng: “Chúng ta do lòng tin xuất gia trong Phật pháp mà lại làm việc không nên làm hay sao”, nghĩ rồi không đi nữa… Phật nói: “Không phạm Ba-la-di, chỉ phạm Đột-kiết-la”. Lại có Tỳ-kheo rủ Tỳ-kheo khác cùng đi ăn trộm, Tỳ-kheo kia cùng đi rồi suy nghĩ: “Nếu ta không đi, họ sẽ giết ta, ta tuy cùng đi nhưng không lấy trộm vật cũng không lấy phần”, nghĩ rồi cùng đi, không lấy trộm vật cũng không nhận lấy phần… Phật nói: “Không phạm”. Lại các Tỳ-kheo nói với nhau:

“Chúng ta hãy cùng đi làm giặc”, đáp là tùy ý rồi cùng nhau đi, đi đến nơi, phân nữa Tỳ-kheo canh chừng, phân nữa tỳ-kheo đi lấy trộm vật. Số Tỳ-kheo canh chừng nói với nhau: “Chúng ta không lấy trộm vật thì không phạm”… Phật nói: “Nếu việc xong, đủ thì phạm Ba-la-di, không đủ thì phạm Thâu-lan-giá”. Lại các Tỳ-kheo nói với nhau: “Chúng ta hãy cùng đi làm giặc”, đáp là tùy ý rồi cùng nhau đi, khi đến nơi lấy thì phân nữa tỳ-kheo lấy được vật, phân nữa-tỳ-kheo không lấy được vật. Số người không lấy được vật sanh nghi hối… Phật nói: “Không phạm Ba-la-di, chỉ phạm Thâu-lan-giá”. Có bọn giặc cướp cúng y cho Tỳkheo, Tỳ-kheo nghi không dám lấy… như trong Tỳ-ni, Phật nói: “Hãy nghĩ họ là thí chủ mà thọ nhận”.

Có giặc bắt đệ tử cọng hành của một Tỳ-kheo mang đi, Tỳ-kheo cứu về rồi sanh nghi hối… Phật nói: “Nếu quyết định là thuộc về giặc thì phạm Ba-la-di, nếu không quyết định thì không phạm”. Lại có Tỳ-kheo bị giặc bắt giữ, tự trốn về… Phật nói: “Tự trốn thì không phạm”.

Có Tỳ-kheo mang vật đáng đóng thuế đi qua ải thuế quan, nghĩ rằng: “Nếu ta mang vật này qua thì phạm Ba-la-di, nhưng tiền đóng thuế vật này thà mang cho Phật pháp tăng hay cho Hòa thượng, A-xàlê hay cho cha mẹ”, nghĩ rồi liền dùng lời dịu dàng nói với người thuế quan: “Tôi mang vật này là để cúng dường cho Phật pháp tăng hoặc cho Hòa thượng, A-xà-lê hoặc cho cha mẹ”, do lực của lời nói này mà được đi qua không phải đóng thuế thì không lỗi, hoặc bay qua thì không phạm. Có Tỳ-kheo đến mượn giường ngồi của tỳ-kheo khác, nghĩ là không trả lại, chủ đến đòi, muốn không trả… Phật nói: “Không phạm Ba-la-di, chỉ phạm Thâu-lan-giá”. Lại có Tỳ-kheo đến mượn Tỳ-kheo khác quyển kinh… như trong Tỳ-ni; lại có Tỳ-kheo lấy trộm đãy y, khi mở ra thấy trong đãy có y quý giá… Phật nói: “Tính theo giá của y mà kết phạm”.

Có đám giặc lấy trộm rượu mang đến chỗ A-lan-nhã, uống một nữa còn một nữa đem giấu cất, lúc đó có Tỳ-kheo du hành đến thấy rượu này liền nói với đệ tử: “Hãy mang rượu này về trú xứ dùng làm rượu thuốc”, đệ tử vâng lời thầy lấy mang về chùa. Đám giặc trở về, tìm không thấy rượu liền đến hỏi các Tỳ-kheo: “Rượu để chỗ kia, các thầy có lấy mang đi không?”, đáp là có mang đi, đám giặc tức giận nói: “Các thầy là giặc của giặc vì trộm lấy rượu của tôi”. Tỳ-kheo sanh nghi hối… Phật nói: “Không phạm, từ nay nếu thấy vật nên suy xét kỹ rồi mới lấy”. Trường hợp lấy thịt cũng vậy.

Có đám giặc cướp phá thành ấp cướp lấy được tài vật rồi mang đến chỗ A-lan-nhã định chia, quan binh đến bao vây, đám giặc hoảng sợ nên đem tài vật này bố thí hết cho các Tỳ-kheo rồi bỏ chạy. Khi các bạch y đến nhìn thấy tài vật này ở chỗ Tỳ-kheo liền hỏi: “Tài vật này vì sao ở chỗ các thầy?”, đáp là bọn giặc cho chúng tôi… Phật nói: “Từ nay không được lấy vật từ bọn giặc, nếu chủ giặc cho thì được thọ, thọ rồi nên nhuộm cho hoại sắc rồi mặc, nếu đã nhuộm hoại sắc mà chủ vẫn đòi thì nên trả lại”.

Có người nhuộm y xong quên không đem cất lại đi vào tụ lạc, có Tỳ-kheo đi kiếm y phấn tảo đi đến thấy y này liền lấy, người chủ y trở lại thấy liền nói: “Đừng lấy y của tôi”, đáp: “Tôi tưởng là y phấn tảo nên lấy”… Phật nói: “Tưởng là vô chủ mà lấy thì không phạm, từ nay hãy xem xét kỹ rồi mới lấy”. Có cư sĩ treo áo bên ngoài nhà xí để đại tiểu tiện, có Tỳ-kheo tìm y phấn tảo đi đến đó thấy liền cầm lấy đi, cư sĩ trở ra thấy liền nói là y của tôi… Phật nói: “Không phạm, từ nay nên xem xét kỹ rồi mới lấy”. Cách tinh xá Kỳ-hoàn không xa có một nông dân cởi áo để trên bờ ruộng để làm ruộng, có Tỳ-kheo tìm y phấn tảo đi đến đó thấy liền cầm lấy đi, nông dân thấy liền nói: “Đừng lấy y của tôi”, Tỳ-kheo không nghe vẫn cứ cầm đi, nông dân chạy theo đòi… Phật nói: “Không phạm, từ nay nếu thấy vật nên suy xét kỹ rồi mới lấy”.

Có cư sĩ nghe Sa-môn Thích tử được lấy y bỏ dưới đất, liền lấy tám Ca-lê-tiên bỏ trong gói y rồi để trong chỗ rác rến, cố ý lộ ra cho dễ thấy rồi núp gần đó. Tỳ-kheo tìm y phấn tảo đi đến đó thấy liền cầm lấy đi… như trong Tỳ-ni cho đến câu Phật nói: “Không phạm, từ nay nếu thấy vật nên suy xét kỹ rồi mới lấy”. Lại có nhiều đứa trẻ cởi áo để dưới đất để đùa giỡn, khi về nhà quên lấy áo; có Tỳ-kheo kiếm y phấn tảo đi đến đó thấy liền cầm lấy đi. Mẹ của các đứa trẻ đến tìm áo thấy liền nói: “Xin chớ lấy áo của con tôi”… như trong Tỳ-ni cho đến câu Phật nói: “Không phạm, từ nay nếu thấy vật nên suy xét kỹ rồi mới lấy”.

Có Tỳ-kheo cất giấu y phấn tảo một chỗ rồi vào thành Xá-vệ khất thực, lúc đó có một Tỳ-kheo tìm y phấn tảo đi đến chỗ này thấy y liền lấy mang đi, sau đó đem xuống sông giặt sạch. Tỳ-kheo chủ y khất thực trở về tìm không thấy y, khi thấy Tỳ-kheo phơi y liền nói: “Trưởng lão đã phạm Ba-la-di”, Tỳ-kheo hỏi tại sao, liền nói: “Thầy đã lấy y của tôi”… như trong Tỳ-ni cho đến câu Phật nói: “Không phạm, từ nay nếu thấy vật nên suy xét kỹ rồi mới lấy”.

Có Tỳ-kheo mặc y phấn tảo dơ bẩn bị các thần kim cang và thiên thần quở trách… Phật nói: “Nạp y bất tịnh thì không nên mặc, nếu mặc thì phạm Đột-kiết-la. Nếu được y phấn tảo nên giặt sạch rồi may, nhuộm rồi thọ trì”. Lại có Tỳ-kheo lấy y phấn tảo trong gò mã có người giữ nên bị Chiên-đà-la quở trách… Phật nói: “Nếu trong gò mã có người coi giữ thì không nên lấy y, nếu lấy thì phạm Thâu-lan-giá”. Cách gò mã không xa có một miếu thờ trời có người coi giữ, gió thổi y của người giữ miếu bay rớt xuống gò mã. Tỳ-kheo kiếm y phấn tảo đi đến đó thấy liền lấy mang đi, người giữ miếu đi tìm y thấy liền nói: “Xin đừng lấy y của tôi, do bị gió thổi nên bay đến nơi đây”, Tỳ-kheo nói: “Nếu là của ông thì ông cứ lấy lại”… Phật nói: “Nên xem kỹ rồi mới lấy”.

Có cư sĩ thỉnh Phật và Tăng ngày mai đến nhà thọ thực, lúc đó con của trưởng giả Cấp-cô-độc đang chơi trong tinh xá Kỳ-hoàn bị tên giặc đột nhập vào trong tinh xá bắt mang đi. Tỳ-kheo thấy rồi liền dùng chú thuật khởi bốn binh đuổi theo, giặc hoảng sợ bỏ đứa bé lại để chạy trốn. Sau đó các Tỳ-kheo nghe biết việc này liền nói với Tỳ-kheo này: “Thầy đã phạm Ba-la-di”, Tỳ-kheo này nghi hối nên bạch Phật, Phật hỏi: “Thầy dùng tâm gì đoạt lấy lại”, đáp: “Con dùng chú thuật”, Phật nói: “Không phạm”.

Ở nước Câu-tát-la chúng tăng chia y, có một Tỳ-kheo đến tụ lạc, Tỳ-kheo này có hai đệ tử cọng hành đều cùng lấy phần y cho thầy, sau đó mới biết nên nói với nhau: “Thầy đã lấy một phần, tôi lại lấy thêm một phần, không biết chúng ta có phạm Ba-la-di không”, liền bạch Phật, Phật nói: “Không phạm, từ nay khi lấy phần y nên nói với nhau”. Lại có Tỳ-kheo cựu trụ đến tụ lạc, Tỳ-kheo bạn lấy giùm phần y, khi trở về, Tỳ-kheo bạn nói: “Tôi lấy giùm phần y cho thầy”, Tỳ-kheo này nói: “Tôi không bảo thầy lấy giùm, cớ sao thầy lại lấy”, Tỳ-kheo bạn nghi hối… Phật nói: “Không phạm, từ nay nếu người khác không nhờ lấy giùm thì không nên lấy giùm phần y”. Lại có một Tỳ-kheo bịnh, khi Tăng chia y, Tỳ-kheo khán bịnh lấy phần y cho Tỳ-kheo bịnh, Tỳ-kheo bịnh chết, Tỳ-kheo khán bịnh không biết làm sao liền bạch Phật, Phật nói: “Nếu người bịnh chết trước, lấy phần y sau thì nên trả lại; nếu lấy phần y rồi Tỳ-kheo bịnh mới chết thì phần y này giống như phần y vật khác của tỳ-kheo chết để lại”.

Có cư sĩ cày ruộng của tỳ-kheo, Tỳ-kheo đến nói với cư sĩ: “Hãy chia phần cho tội, nếu không chia thì không được cày nữa”, cư sĩ không chịu chia phần và vẫn cày như cũ, Tỳ-kheo liền nằm trên chiếc cày, cư sĩ buông chiếc cày rồi quở trách… Phật nói: “Không phạm nhưng Tỳkheo không nên tự làm khổ thân như vậy”. Lại có Tỳ-kheo rủ Tỳ-kheo khác cùng đi lấy trộm vật trong tháp… Phật nói: “Nếu có người giữ tháp thì vật đã lấy đủ năm tiền liền phạm Ba-la-di”.

Cựu Tỳ-kheo sai người cày trên ruộng của Tăng, ruộng của Tăng gần sát ruộng của một cư sĩ, Tỳ-kheo cũng bảo người cày luôn trên ruộng của cư sĩ, cư sĩ thấy liền nói: “Không được cày trên ruộng của tôi, đây không phải là ruộng của Tăng”, Tỳ-kheo nói: “Có ai làm chứng?”, cư sĩ nói: “Có phi nhân làm chứng”, Tỳ-kheo nói: “Vậy hãy bảo phi nhân nói đi”. Cư sĩ cầu cúng quỷ thần xong, tự nhiên trong đất xuất hiện vật làm chứng, Tỳ-kheo liền bỏ không cày nữa. Sau khi cư sĩ về, Tỳkheo giấu vật làm chứng và cho cày tiếp… Phật nói: “Nếu tính giá đủ năm tiền thì phạm Ba-la-di”. Lại có Tỳ-kheo hái trái cây mà cư sĩ chưa cho… Phật nói: “Nếu tính giá đủ năm tiền thì phạm Ba-la-di”.

Có một Tỳ-kheo kinh hành ở chỗ có cây xanh thấy quạ và chim thước làm tổ trên cây, liền lấy tổ của chim nấu để làm củi nên chim đến bay lượn trên tinh xá kêu thảm thiết, Phật hỏi A-nan nguyên do, A-nan đem việc trên bạch Phật, Phật nói: “Từ nay không được lấy tổ của quạ và chim thước, nếu lấy thì phạm Đột-kiết-la; lấy để nấu nhuộm cũng vậy”.

Phật tại nước Xá-vệ, có Tỳ-kheo đến vườn rau cải của một cư sĩ xin, cư sĩ bảo đưa tiền, Tỳ-kheo nói: “Không có tiền thì không cho phải không?”, cư sĩ nói: “Không đưa tiền thì làm sao tôi sinh sống được”, Tỳkheo nói: “Không cho một chút nào sao?”, cư sĩ nói không cho, Tỳ-kheo liền dùng chú thuật làm cho rau cải khô héo… Phật nói: “Không phạm Ba-la-di mà phạm Thâu-lan-giá”. Giống như trường hợp vườn rau; vườn cây thuốc thơm, vườn hoa, vườn cây ăn trái cũng vậy.

Có một con ngựa đang ăn cỏ, Tỳ-kheo dùng một bó cỏ đi qua trước mặt con ngựa, con ngựa liền đi theo Tỳ-kheo… Phật nói: “Không phạm Ba-la-di, chỉ phạm Thâu-lan-giá”. Lại có Tỳ-kheo tháp tùng theo đoàn thương buôn đi đến nước Câu-bà-la, đến chỗ hiểm nạn các thương nhơn cưỡi ngựa, thấy Tỳ-kheo đi bộ liền bảo Tỳ-kheo cưỡi ngựa để qua chỗ hiểm nạn, Tỳ-kheo cưỡi rồi khởi tâm muốn lấy ngựa… Phật nói: “Không phạm Ba-la-di mà phạm Thâu-lan-giá”. Lại có Tỳ-kheo đi nhờ thuyền qua sông, thấy trên thuyền có vàng liền khởi tâm muốn lấy trộm… Phật nói: “Không phạm Ba-la-di mà phạm Thâu-lan-giá”.

Có thương buôn chở vật báu qua sông, thuyền bị chìm nên vật báu cũng chìm theo, chỉ có rương vàng là trôi theo dòng nước. Có các Tỳ-kheo đang tắm ở dưới nguồn của sông, thấy rương vàng trôi đến liền vớt lấy mang đi. Thương nhân thấy rồi liền nói với Tỳ-kheo: “Chớ lấy rương đó của tôi”, Tỳ-kheo nói: “Tôi vớt được trên sông đâu can gì đến ông”, thương nhân nói: “Thuyền của tôi bị chìm, vật báu của tôi cũng chìm theo, chỉ có rương này nổi trôi theo dòng”… Phật nói không phạm.

Có một Tỳ-kheo mang vật của Tăng bốn phương dời để một chỗ khác… Phật nói: “Không phạm Ba-la-di, chỉ phạm Đột-kiết-la”. Lại có đám giặc trộm bò đem cột vào một gốc cây nơi A-lan-nhã rồi đi, các Tỳ-kheo đi đến đó thấy bò bị cột ở gốc cây liền mở dây thả cho bò đi… Phật nói: “Không phạm Ba-la-di, chỉ phạm Đột-kiết-la”.

Có cư sĩ ở nước Xá-vệ thường đến miếu thờ trời cầu nguyện, khi được toại nguyện liền đem tấm bạch điệp cúng cho miếu. Tỳ-kheo Cala-Nan-đà nhân đến đó thấy bạch điệp này liền lấy mang đi… như trong Tỳ-ni cho đến câu Phật nói: “Không phạm Ba-la-di mà phạm Thâu-langiá”. Trường hợp lấy tóc vàng trong miếu thờ trời cũng vậy.

Có nhiều người nữ lội qua sông hoặc có người tắm nên để y phục và chuỗi ngọc bên bờ này; có một con khỉ ở trên cây leo xuống lấy chuỗi ngọc nên sau khi đem đồ vật qua bờ kia, các người nữ này trở qua lại bờ này thì không thấy chuỗi ngọc đâu nữa. Lúc đó con khỉ ném chuỗi ngọc xuống đất, các Tỳ-kheo kinh hành ở cách đó không xa thấy liền cầm lấy chuỗi ngọc này đưa lại cho các người nữ… như trong Tỳ-ni cho đến câu Phật nói không phạm.

Có nhiều Tỳ-kheo ở trong một trú xứ, có con chuột trong hang chạy ra tha thức ăn và trái cây vào hang, các Tỳ-kheo thấy liền biết là chuột tha thức ăn nên một Tỳ-kheo phá hang chuột lấy các loại thức ăn trong hang chuột ra; các Tỳ-kheo nói Tỳ-kheo này phạm Ba-la-di… Phật nói: “Không phạm nhưng Tỳ-kheo không nên lấy các loại thức ăn trong hang chuột”. Lại có con chuột tha các loại thức ăn để dưới giường của một Tỳ-kheo, sáng dậy súc miệng xong, Tỳ-kheo này lấy thức ăn này ăn, các Tỳ-kheo hỏi: “Thầy không đi khất thực, từ đâu có thức ăn này mà ăn?”, đáp là do chuột tha để dưới giường, các Tỳ-kheo nói Tỳ-kheo này phạm Ba-la-di… Phật nói: “Tỳ-kheo này không phạm, vì sao, vì con chuột kia đời trước là cha của tỳ-kheo này, vì thương con nên mang thức ăn bỏ ở dưới giường cho Tỳ-kheo ”.

Có một người thợ săn đuổi theo một con nai chạy vào trong Tăng phường và bảo các Tỳ-kheo trả lại nai, Tỳ-kheo nói: “Nai đã vào trong chùa, làm sao trả cho ông được”, thợ săn đòi không được liền bỏ đi… Phật nói không phạm. Lại có thợ săn dùng mũi tên độc bắn một con nai, nai chạy vào trong Tăng phường, thợ săn muốn tìm nai nhưng các Tỳ-kheo không cho, thợ săn nói: “Nai này đã trúng độc ắt sẽ chết”, Tỳkheo nói: “Dù có chết cũng không cho”, thợ săn năn nỉ không được nên phải quay về, không bao lâu sau nai chết, lúc đó các Tỳ-kheo không biết làm sao liền bạch Phật, Phật nói: “Nên trả lại cho người thợ săn”.

Các Tỳ-kheo phá lưới bẫy của thợ săn thì phạm Thâu-lan-giá, nếu phá vì tâm thương xót thì phạm Đột-kiết-la.

Có Tỳ-kheo lấy y của người điên cuồng, người kia thấy liền nói là đừng lấy, Tỳ-kheo nói: “Sau này sẽ trả lại cho ông”, sau đó nghi hối… Phật nói: “Không phạm Ba-la-di mà phạm Thâu-lan-giá”. Lại có Tỳkheo mượn tài vật ở một tiệm, chủ tiệm đến đòi, Tỳ-kheo có ý không muốn trả… Phật nói: “Không phạm Ba-la-di mà phạm Thâu-lan-giá”.

Có Tỳ-kheo bịnh muốn uống nước ép trái cây và cũng muốn cúng tăng nên đưa tiền bảo đệ tử mua thức uống này, các đệ tử nói với nhau: “Chúng ta chỉ nên làm một ít nước cho người bịnh ăn thôi, tiền còn dư chúng ta sẽ cùng chia”, bàn xong liền làm như đã bàn tính… Phật nói: “Không phạm Ba-la-di mà phạm Thâu-lan-giá”. Lại có Tỳ-kheo có nhiều vật bất tịnh (tiền bạc vật báu) nói với đệ tử: “Sau khi thầy qua đời, Tăng sẽ chia tài vật của thầy”, sau đó bảo đệ tử làm bánh; các đệ tử lo lắng vội làm bánh cho thầy ăn, ăn xong thân nặng nề nên qua đời. Sau khi tống táng xong, Tăng bảo các đệ tử: “Các thầy hãy mang tài vật đến cho Tăng chia”, các đệ tử tìm tài vật không thấy nên Tăng đứng dậy bỏ đi. Có một Tỳ-kheo sống ở trong gò mả, đến chỗ người chết để quán vô thường, thấy thây của tỳ-kheo kia bị dã can cắn phanh bụng ra khiến các vật bất tịnh này lộ bày ra, Tỳ-kheo mang tài vật này đến cho Tăng rồi nghi hối, Phật nói: “Không phạm”.

Có một Tỳ-kheo bịnh có nhiều ruộng đất, nói với đệ tử: “Hãy mời các Tỳ-kheo đến, tôi muốn đem ruộng đất này cúng cho Tăng hoặc cho người giữ tháp”, Tỳ-kheo khán bịnh suy nghĩ: “Nếu Tỳ-kheo bịnh đem ruộng đất cúng cho Tăng hay cho người giữ tháp thì ta sẽ không được gì”, nghĩ rồi liền không mời các Tỳ-kheo đến, sau khi Tỳ-kheo bịnh chết, Tỳ-kheo khán bịnh nghi hối, Phật nói: “Không phạm nhưng người khán bịnh không nên làm trái ý người bịnh, nên làm theo ý muốn của người sắp qua đời”.

Ở thành Xá-vệ, có một thương buôn trang bị thuyền bè để vào biển cả, khi vào trong biển có rồng đến nắm lấy thuyền, mọi người trên thuyền đều cầu khẩn thiên thần mong được thoát nạn. Có một Ưu-bàtắc khuyên họ: “Chúng ta nên niệm danh hiệu của thánh giả Đại Mụckiền-liên ắt sẽ được cứu thoát”, họ nghe rồi liền nhất tâm niệm danh hiệu thánh giả Mục-liên. Lúc đó trưởng lão Mục-liên dùng thiên nhãn thấy liền nhập định, dùng thần thông lực hóa thành chim chúa Kim súy đậu trên đầu thuyền, rồng thấy chim chúa Kim súy hoảng sợ buông thuyền rồi lặn mất. Các thương nhơn được an ổn trở về, hết lời ca ngợi trưởng lão Đại Mục-kiền-liên: “Chúng ta được thoát chết từ biển trở về đều nhờ ân lực của trưởng lão Mục-liên”. Các Tỳ-kheo biết chuyện liền đến nói với trưởng lão Mục-liên: “Thầy đã phạm Ba-la-di”, hỏi vì sao, đáp: “Thuyền đã thuộc về rồng, thầy đã lấy lại từ nó”, Mục-liên nghe rồi sanh nghi hối, Phật hỏi: “Thầy cứu họ như thế nào?”, đáp là dùng thần thông lực, Phật nói: “Nếu dùng thần thông lực cứu thì không phạm”.

Ở nước Xá-vệ, các thương nhơn đi vào tụ lạc thành ấp buôn bán, khi đi qua đường hiểm gặp giặc cướp bao vây đánh cướp, mọi người đều cầu khẩn thiên thần mong được thoát nạn. Có Ưu-bà-tắc khuyên họ: “Chúng ta niệm danh hiệu của thánh giả Đại Mục-kiền-liên ắt sẽ được cứu thoát”, nghĩ rồi liền nhất tâm niệm danh hiệu thánh giả Mục-liên. Lúc đó trưởng lão Mục-liên dùng thiên nhãn thấy liền nhập định, dùng thần thông lực hóa hiện bốn binh; giặc cướp thấy bốn binh hoảng sợ bỏ chạy nên các thương nhơn đến nước Xá-vệ được an toàn… như trong Tỳ-ni.

Bạt-nan-đà tự tứ xong liền đi đến các tinh xá để dò xét xem chỗ nào được cúng dường nhiều y vật. Từ xa các Tỳ-kheo thấy Bạt-nan-đà đi đến liền đứng dậy nghinh đón, mời ngồi rồi thăm hỏi có an lạc hay không. Im lặng một lát, Bạt-nan-đà liền hỏi các Tỳ-kheo: “Trú xứ này an cư có được cúng dường y vật không?”, đáp là được, lại hỏi chia chưa, đáp là chưa chia, liền bảo mang đến để chia, các Tỳ-kheo liền mang đến cho Bạt-nan-đà chia. Sau khi chia xong, vị thượng tòa nhận phần của mình rồi đi, Bạt-nan-đà bảo chờ một chút, thượng tòa hỏi có việc gì, đáp là cứ đợi. Do Bạt-nan-đà có biện tài thuyết pháp với đủ ngôn từ khiến cho vị thượng tòa này nghe pháp xong rất hoan hỉ, vì ái pháp nên nói với Bạt-nan-đà: “Phần y này của tôi xin cúng cho thầy”, cứ như thế các Tỳ-kheo trong trú xứ này đều đem phần y của mình cúng dường hết cho Bạt-nan-đà, Bạt-nan-đà được rất nhiều y vật gánh về tinh xá Kỳhoàn… như trong Tỳ-ni cho đến câu Phật nói: “Nếu Tỳ-kheo an cư nơi này mà đến chỗ khác lấy y thì phạm Đột-kiết-la”.

Trưởng lão A-nan có một đệ tử cọng hành, đàn việt của người đệ tử này bịnh lại có hai đứa con, trước khi chết có dặn dò lại cho người đệ tử của trưởng lão A-nan. Người đệ tử này nghe theo lời dặn dò, quán sát thấy một trong hai đứa trẻ là người tốt hiền lành liền giao chìa khóa nhà cho nó. Đứa trẻ không được chia phần liền đến chỗ trưởng lão A-nan kể lại việc trên, trưởng lão A-nan nghe rồi liền quở trách đệ tử, người đệ tử này đến nói với năm trăm Thích tử: “Xin thỉnh cầu Hòa thượng giúp tôi cho tôi sám hối”, liền hỏi giúp như thế nào, người đệ tử nói: “Các vị dẫn hai đứa trẻ này đến chỗ Hòa thượng đảnh lễ rồi ngồi một bên, Hòa thượng ắt sẽ thuyết pháp cho các vị, các vị nghe pháp xong khi ra về nên để lại hai đứa trẻ, Hòa thượng ắt sẽ bảo các vị dẫn chúng đi, các vị nói: Hãy cho Tỳ-kheo trực tín sám hối thì sẽ dẫn hai đứa trẻ đi”, các Thích tử nhận lời làm y theo lời Trực tín nói, lúc đó trưởng lão A-nan suy nghĩ rồi bằng lòng cho người đệ tử sám tội Đột-kiết-la.

Có một Tỳ-kheo nhiều phước đức, một thương buôn nói với Tỳkheo: “Thầy cần gì cứ đến lấy”, đệ tử của vị Tỳ-kheo này suy nghĩ: “Người này nhiều lần thỉnh cúng, ta nên đến thử xem người này nói thật hay không thật”, nghĩ rồi liền đến nói với thương buôn: “Hòa thượng cần tô”, thương buôn đưa tô rồi nói: “Nếu cần canh thì đến lấy”, ít lâu sau, người đệ tử lại đến lấy canh… Thời gian sau, thương nhơn gặp Tỳkheo hỏi: “Trước kia thầy có sai người đến lấy tô…, sao nay không đến lấy nữa?”, Tỳ-kheo này liền hỏi đệ tử có đến lấy tô không, đáp là có, Tỳ-kheo nói đệ tử phạm Ba-la-di, người đệ tử nói: “Thương buôn thỉnh cúng cho Hòa thượng, con vì thử người đó nên đến lấy về cho Hòa thượng dùng”… Phật nói: “Nên bạch Hòa thượng rồi mới đến lấy”.

c. Về việc giết người:

Phật tại rừng Sa-la bên bờ sông Bà cầu nước Bạt-kỳ, các Tỳ-kheo ở bên sông Bà cầu suy nghĩ: “Ta đã vì nhiều Tỳ-kheo khen ngợi cái chết khiến họ phát tâm muốn chết, không biết lúc đó là trước hay không phải trước”, liền bạch Phật, Phật nói: “Trước là trước khi kết giới, tất cả thời đã làm đều không phạm”. Có Tỳ-kheo, người mà tưởng là phi nhân nên giết liền sanh nghi hối… Phật nói: “Nếu người tưởng là người mà giết thì phạm Ba-la-di; người tưởng là phi nhân mà giết cũng phạm Bala-di; người sanh nghi mà giết cũng phạm Ba-la-di. Nếu phi nhân tưởng là phi nhân mà giết thì phạm Thâu-lan-giá; phi nhân tưởng là người mà giết cũng phạm Thâu-lan-giá; phi nhân sanh nghi mà giết cũng phạm Thâu-lan-giá”.

Có một Tỳ-kheo mắc bịnh lâu ngày, một Tỳ-kheo quen biết đến thăm, người bịnh nói: Hãy mang dao đến cho tôi”, hỏi là muốn làm gì, đáp là cứ mang đến, Tỳ-kheo liền mang dao đến, Tỳ-kheo bịnh liền cầm dao vào phòng cắt cổ tự sát mà chết. Tỳ-kheo kia đưa dao cho rồi thấy Tỳ-kheo kia hai, ba ngày không ra, sanh nghi vào phòng xem thì thấy Tỳ-kheo đã chết liền suy nghĩ: “Người bịnh này chết là do mình, nếu mình không đưa dao thì người bịnh không chết”… Phật nói: “Không nên không suy xét kỹ mà đưa dao cho người bịnh”.

Có Tỳ-kheo đến nhà đàn việt, vợ của đàn việt yêu cầu Tỳ-kheo cùng hành dâm, Tỳ-kheo nói: “Chồng cô không ghen hay sao?”, đáp: “Tôi có thể khiến ông ấy không ghen”, sau đó cho chồng uống thuốc độc mà chết. Tỳ-kheo này lại đến nhà cư sĩ, vợ cư sĩ yêu cầu cùng hành dâm, Tỳ-kheo nói: “Chớ nói lời này, tôi là người đã đoạn dục”, vợ cư sĩ nói: “Sao trước đây thầy không nói là người đã đoạn dục, tôi vì thầy mà giết chết chồng”, Tỳ-kheo nói: “Tôi không bảo cô giết chết chồng cô”, nói rồi sanh nghi hối, Phật nói không phạm. Nếu Tỳ-kheo có tâm sát đánh người, người này chết thì Tỳ-kheo phạm Ba-la-di, người này không chết thì phạm Thâu-lan-giá; nếu đánh gãy xương hay cụp lưng thì phạm Thâu-lan-giá.

Lại có Tỳ-kheo phương tiện muốn giết người nữ đang mang thai, nếu người mẹ chết thì Tỳ-kheo phạm Ba-la-di, thai nhi chết thì phạm Thâu-lan-giá, cả hai mẹ con đều chết thì phạm Ba-la-di, cả hai không chết thì phạm Thâu-lan-giá. Nếu Tỳ-kheo phương tiện làm cho người mẹ hư thai, thai nhi chết thì Tỳ-kheo phạm Ba-la-di, người mẹ chết thì phạm Thâu-lan-giá, cả hai mẹ con đều chết thì phạm Ba-la-di, cả hai không chết thì phạm Thâu-lan-giá. Người đã chết, chú thuật làm cho sống lại để giết thì phạm Thâu-lan-giá.

Có Tỳ-kheo làm nước Tô-tỳ-la cho Tăng uống, nhiều Tỳ-kheo uống xong liền chết, Tỳ-kheo nghi hối… Phật nói không phạm. Lại có Hai Tỳ-kheo, một Tỳ-kheo bịnh nói với Tỳ-kheo bạn: “Hãy cho tôi uống nước Tô-tỳ-la, tôi sẽ được lành bịnh”… như trong Tỳ-ni. Có một Bà-la-môn mắc bịnh ung thư, đến nói với Tỳ-kheo: “Nếu tôi uống nước Tô-tỳ-la thì sẽ hết bịnh”, Tỳ-kheo nói: “Vì sao lại đòi uống nước này?”, Bà-la-môn nói: “Tôi đã từng mắc bịnh này, trước đây khi bịnh phát, tôi uống nước này liền khỏi bịnh”, Tỳ-kheo liền đưa cho uống, Bà-la-môn uống xong liền chết, Tỳ-kheo nghi hối, Phật nói không phạm. Có một Tỳ-kheo đến trong gò mã quán tử thi, thấy có người bị xuyên qua ngọn cây đau đớn vô cùng, người này nói với Tỳ-kheo: “Hãy cho tôi uống nước Tô-tỳ-la, tôi sẽ bớt đau đớn”, Tỳ-kheo liền cho uống, người này uống xong liền chết, Tỳ-kheo nghi hối, Phật nói không phạm. Lại có Tỳ-kheo-ni cho năm trăm giặc cướp uống nước Tô-tỳ-la như trong Tỳ-ni đã nói rõ.

Có Tỳ-kheo làm Tăng phường, khi chuyền đưa gạch làm rơi trúng đầu một Tỳ-kheo khác khiến vị này chết, Tỳ-kheo này nghi hối, Phật nói: “Không phạm, phải khéo dụng ý khi chuyền đưa gạch”. Trường hợp làm nhà tắm, làm thềm nhà, tu sữa Tăng phường khiên đất… như trong Tỳ-ni đã nói rõ.

Phật tại nước Xá-vệ, có một Tỳ-kheo ngồi thiền dưới chân núi, lại có một Tỳ-kheo đang đẩy đá trên núi, đá rơi xuống trúng đầu Tỳ-kheo ngồi thiền liền chết, Tỳ-kheo đẩy đá sanh nghi hối, Phật nói: “Không phạm, phải khéo dụng ý khi đẩy đá”.

Có một Tỳ-kheo đi giữa bầy bò, có con bò đực hung dữ muốn húc Tỳ-kheo, Tỳ-kheo bỏ chạy té đè trên mình một đứa bé làm cho đứa bé chết. Tỳ-kheo sanh nghi hối, Phật nói: “Không phạm, từ nay nên cẩn thận khi đi giữa bầy bò”.

Có một Tỳ-kheo bịnh lâu ngày gầy ốm lưng còng, không muốn sống nữa nên tự gieo mình xuống hố để tự sát. Trong hố này có một con dã can đang ăn thịt người chết, Tỳ-kheo rơi trên mình của con dã can này và đè nó chết, Tỳ-kheo lưng còng bỗng được thẳng… Phật nói: “Không phạm, từ nay không được vì chút nhân duyên mà tự sát”.

Có một Tỳ-kheo ngồi trên giường, một Tỳ-kheo khác gọi đứng dậy, liền đáp: “Chớ gọi tôi đứng dậy, nếu tôi đúng dậy sẽ chết”, một Tỳ-kheo khác lại gọi đứng dậy, khi đứng dậy Tỳ-kheo này liền chết… Phật nói: “Không phạm Ba-la-di, chỉ phạm Thâu-lan-giá”.

Có Tỳ-kheo muốn đoạn mạng sống giúp cho người điên cuồng nên đánh, người này chết thì Tỳ-kheo phạm Ba-la-di, không chết thì phạm Thâu-lan-giá. Lại có một Tỳ-kheo bịnh lâu ngày, Tỳ-kheo khán bịnh suy nghĩ: “Ta nuôi bịnh đã lâu, người bịnh này không chết cũng không lành, nay ta không nuôi bịnh nữa, bỏ mặc cho chết”, nghĩ rồi liền không nuôi bịnh nữa nên người bịnh qua đời. Tỳ-kheo nuôi bịnh sanh nghi hối, Phật nói: “Không phạm Ba-la-di, chỉ phạm Thâu-lan-giá”.

Có một Tỳ-kheo bịnh có nhiều y bát và tài vật, Tỳ-kheo khán bịnh suy nghĩ: “Ta nuôi bịnh đã lâu, nếu chết tài vật cũng nhập vào Tăng, nay ta không nuôi bịnh nữa, để mặc cho cho chết”, nghĩ rồi liền không nuôi bịnh nữa nên người bịnh qua đời. Tỳ-kheo này sanh nghi hối, Phật nói: “Không phạm Ba-la-di, chỉ phạm Thâu-lan-giá”.

Có Tỳ-kheo do ăn không tiêu nên sình bụng phải nằm co lại, Tỳkheo khác bảo nằm duỗi ra, Tỳ-kheo này nói: “Đừng bảo tôi duỗi ra, duỗi ra tôi sẽ chết”, lại bắt nằm duỗi ra, khi nằm duỗi ra Tỳ-kheo này liền chết… Phật nói: “Không phạm Ba-la-di mà phạm Thâu-lan-giá”.

Trường hợp mụt nhọt chưa muồi lại phá vỡ khiến cho người chết thì phạm Thâu-lan-giá, nếu mụt nhọt đã muồi thì không phạm. Lại có Tỳ-kheo bịnh cần ăn thức ăn tùy theo bịnh, Tỳ-kheo khán bịnh lại cho không ăn thức ăn tùy theo bịnh nên Tỳ-kheo này chết thì phạm Thâulan-giá, nếu cho ăn thức ăn tùy theo bịnh mà Tỳ-kheo bịnh chết thì không phạm. Trường hợp cho uống thuốc cũng như vậy. Lại có Tỳ-kheo bịnh yêu cầu Tỳ-kheo khán bịnh đưa ra ngoài phòng, cho tắm rửa rồi trở vào phòng lại, Tỳ-kheo khán làm theo lời người bịnh, làm xong thì Tỳkheo bịnh chết… đều không phạm. Lại có Tỳ-kheo ngủ gật trên giường, Tỳ-kheo khác thấy đến lay gọi thì vị này chết, Phật nói không phạm. Trường hợp bị gió đao khởi, dùng thiền trấn đánh, dùng nước tạt… như trong Tỳ-ni đã nói rõ.

Có một cư sĩ làm thức ăn xong, cúng cho Tăng trước rồi mới ăn. Hôm đó có một Tỳ-kheo A-lan-nhã đến nhà, cư sĩ nói: “Ta nay cúng cho Tỳ-kheo A-lan-nhã này, khỏi phải đem cúng cho Tăng”, nghĩ rồi liền đem cúng cho Tỳ-kheo A-lan-nhã. Lúc đó Tỳ-kheo tăng không thấy cư sĩ đem thức ăn tới cúng như thường lệ liền nói với nhau: “Vì sao cư sĩ không cúng thức ăn như thường lệ, không biết có Tỳ-kheo nào ra vào nhà đó?”, một Tỳ-kheo nói: “Có Tỳ-kheo A-lan-nhã tới nhà đó”, các Tỳ-kheo liền cho gọi Tỳ-kheo A-lan-nhã đến hỏi: “Cư sĩ tên ____ thường cúng thức ăn cho Tăng trước rồi sau mới ăn, lần này không cúng có phải thầy đã ngăn hay không?”, đáp là không có, các Tỳ-kheo muốn Tỳ-kheo này nói ra sự thật nên ném Tỳ-kheo này xuống hố, không ngờ làm cho Tỳ-kheo này chết… Phật nói: “Không phạm Ba-la-di, chỉ phạm Thâu-lan-giá”. Trường hợp cúng y như trong Tỳ-ni đã nói rõ.

Có Tỳ-kheo khất thực đứng bên ngạch cửa, cạnh đó có một cây gỗ dựng vào vách, y của tỳ-kheo chạm vào cây gỗ, cây gỗ rớt xuống trúng một đứa bé làm cho nó chết… Phật nói: “Không phạm, khi khất thực nên cẩn thận xem ngó trước sau”.

Có Bà-la-môn sáng sớm ngồi giữa sân để cúng tế, thấy Tỳ-kheo vào khất thực liền nổi giận, thắp đèn xong liền bỏ đi không ngờ vấp ngã xuống đất mà chết … Phật nói không phạm. Có một Tỳ-kheo bảo Tỳ-kheo khác đi đến chỗ hiểm nạn, khi đến đó liền bị chết… Phật nói: “Phạm Ba-la-di, nếu không chết thì phạm Thâu-lan-giá”.

Phật tại Tỳ-da-ly, các Tỳ-kheo tọa thiền trong rừng, lúc đó có một Tỳ-kheo giết con khỉ, các Tỳ-kheo nói là đã phạm Ba-la-di vì khỉ là loài giống người… Phật nói là phạm Ba-dật-đề.

Tại nước Xá-vệ có một cư sĩ, khi con khôn lớn liền xuất gia học đạo, vì chút nhân duyên nên vào tụ lạc; lúc đó có một người nữ bế con vào nhà, thấy Tỳ-kheo theo vào liền cho là Tỳ-kheo muốn trêu chọc nên lấy cây đánh Tỳ-kheo, Tỳ-kheo tránh cây nên ngã lên người đứa bé khiến đứa bé chết… Phật nói: “Không phạm, khi đi nên nhất tâm”.

Có một thầy thuốc xuất gia, Tỳ-kheo bịnh đến yêu cầu Tỳ-kheo thầy thuốc mổ trán, Tỳ-kheo thầy thuốc cầm dao đến định mổ, không ngờ làm cho Tỳ-kheo bịnh kinh sợ mà chết…

Phật nói: “Không phạm, Tỳ-kheo không nên mổ trên trán”. Lại có một Tỳ-kheo mắc bịnh lâu ngày suy nghĩ: “Ta bịnh như vậy sống làm chi, ta nên tự sát”, nghĩ rồi liền bảo Tỳ-kheo khán bịnh đưa sợi dây đến, sau đó thắt cổ mà chết… Phật nói: “Không nên đưa dây cho người bịnh”.

Có Tỳ-kheo vì chút nhân duyên nên vào tụ lạc, rủ một Tỳ-kheo bịnh mới bớt làm bạn cùng đi, Tỳ-kheo bịnh nói: “tôi không đi được”, Tỳ-kheo kia nói: “Nếu thầy không cùng đi, tôi sợ giữa đường bị giặc cướp”, Tỳ-kheo bịnh gắng gượng cùng đi, khi đến tụ lạc liền chết, Tỳkheo kia suy nghĩ: “Tỳ-kheo bịnh chết là do ta, nếu ta không rủ đi cùng thì vị ấy không chết”… Phật nói: “Không phạm nhưng không nên rủ Tỳkheo bịnh làm bạn đi cùng”.

d. Về việc vọng ngữ:

Phật ở trong Trúc lâm bên sông Bà-cầu nước Bạt-kỳ, Các Tỳkheo bên sông Bà-cầu suy nghĩ: “Chúng ta đã nhiều lần nói dối là được pháp hơn người, không biết lần nào là trước và lần nào không phải trước”… Phật nói: “Trước là trước khi kết giới, tất cả thời nói đều không phạm”.

Có Tỳ-kheo đối trước người tưởng là phi nhân mà nói được pháp hơn người… Phật nói: “Người tưởng là người mà nói được pháp hơn người thì phạm Ba-la-di; người tưởng là phi nhân mà nói cũng phạm Bala-di; người mà sanh tâm nghi cũng phạm Ba-la-di. Phi nhân tưởng là phi nhân mà nói được pháp hơn người thì phạm Thâu-lan-giá; phi nhân tưởng là người mà nói cũng phạm Thâu-lan-giá; phi nhân mà sanh tâm nghi cũng phạm Thâu-lan-giá”.

Có một Tỳ-kheo nói với cư sĩ mình được pháp hơn người, cư sĩ không nhớ nên hỏi lại: “Thầy nói được đạo gì”, đáp là muốn thức ăn… Phật nói là phạm Thâu-lan-giá. Có cư sĩ nói với Tỳ-kheo: “Nếu thầy là A-la-hán thì hãy thọ tứ sự cúng dường này”, nếu im lặng thọ thì phạm Thâu-lan-giá. Lại có người hỏi Tỳ-kheo: “Nếu thầy là Bà-lamôn đã diệt trừ được pháp ác thì hãy thọ tôi cúng dường?”, nếu im lặng thọ nhận thì phạm Thâu-lan-giá. Lại có người hỏi Tỳ-kheo: “Nếu thầy là A-la-hán thì đến thọ y phục, cho đến các thức ăn thức uống, 6 thuốc thang”, nếu Tỳ-kheo im lặng thọ nhận thì phạm Thâu-lan-giá. Có một Tỳ-kheo sáng sớm đắp y mang bát đến nhà cư sĩ, cư sĩ nói: “Nếu đại đức là A-la-hán thì vào nhà”, nếu Tỳ-kheo im lặng vào nhà thì phạm Thâu-lan-giá. Lại có cư sĩ nói: “Nếu thầy là A-la-hán thì hãy ngồi thọ thức ăn thức uống, thọ Khư-đà-ni, nếu không phải thì đi ra”, nếu Tỳ-kheo im lặng ngồi thọ thức ăn uống thì phạm Thâu-lan-giá. Lại có một Tỳ-kheo sáng sớm đắp y mang bát đến nhà cư sĩ, cư sĩ nói: “Nếu thầy là A-la-hán thì vào”, Tỳ-kheo nói: “Tôi không phải là A-la-hán, nếu cho thì tôi vào”, nếu cư sĩ nói: “Nếu thầy được các căn tịch tĩnh, khéo điều phục thì vào”, nếu Tỳ-kheo im lặng vào thì phạm Thâu-langiá; nếu nói: “Tôi đang tu tập để điều phục” thì không phạm.

 

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10