TÁT BÀ ĐA BỘ TỲ NI MA ĐẮC LẶC GIÀ

Hán dịch: Lưu Tống Tăng Ca Bạt Ma
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 6

23. Phần Tạp Sự (Tiếp Theo):

Hỏi: Thế nào là Ma ha Ưu-ba-đề-xá?

Đáp: Có bốn. Nếu có một Tỳ-kheo đến nói rằng: “Kinh luật luận này, tôi thọ được từ kim khẩu của Phật”, các Tỳ-kheo nghe rồi không nên liền bàn luận đúng sai, nên tìm trong kinh luật luận nếu thấy tương ưng thì nên khen ngời Tỳ-kheo này rằng: “Lành thay trưởng lão, đã khéo thọ trì”; nếu thấy không tương ưng thì nên nói rằng: “Đây không phải là lời Phật dạy, không phải kinh luật luận, thầy đã không hiểu rõ”.

Trường hợp hai người, ba người và đại chúng đến nói cũng vậy.

Hỏi: vì sao gọi là Ma-ha Ưu-ba-đề-xá?

Đáp: Thanh tịnh nói về Thánh nhân, nương theo pháp mà Thánh nhân đã thuyết, không trái pháp tướng, đệ tử không sợ hãi, đoạn trừ và điều phục phi pháp để hộ trì chánh pháp.

Hỏi: Vì sao gọi là Ca lô Ưu-ba-đề-xá?

Đáp: Vì đệ tử hiểu rõ nên không sợ hãi để hộ trì chánh pháp, vì trong thời mạt pháp sau này, các Tỳ-kheo ác tăng nhiều cho rằng: Đây mới là lời Phật nói, kia không phải là lời Phật nói.

Hỏi: Thế nào là đẳng nhân? – Tức là loại dược từ rễ (củ), thân cành, lá, hoa và quả, nhân tương ưng với người bịnh nên gọi là đẳng nhân.

Hỏi: Thế nào là thời tạp? – Tức là ngay ngày được thời dược, thời phần dược, thất nhật dược và tận hình dược; nếu thời tạp là đúng thời thì dùng thời dược nhiếp.

Hỏi: Thế nào là trong vườn rừng tịnh? – Tức là Tỳ-kheo ở trong vườn rừng thấy có vàng bạc, muốn lấy cất nên nghĩ rằng: “Sẽ có chủ của nó đến nhận lấy”.

Hỏi: Thế nào là trong núi rừng tịnh? – Tức là trong núi rừng, cây cối cành lá giáo tiếp nhau, hoa trái giáo tiếp nhau trong phạm vi một

Câu-lô-xá, Tỳ-kheo được để y trong đó đến hôm sau, qua lúc mặt trời mọc.

Hỏi: Thế nào là điện đường tịnh? – Tức là ở trong Tăng-già-lam, Thượng tòa ngồi theo thứ lớp.

Hỏi: Thế nào là quốc độ tịnh? – Như ở cõi Uất đơn việt mà theo thời giờ của cõi Diêm phù đề để ăn, đúng thời ở cõi Diêm phù đề là nữa đêm ở cõi Uất đơn việt; như ở các phương khác mà theo thời giờ của cõi Diêm phù đề để ăn cũng vậy.

Hỏi: Thế nào là biên phương tịnh?

Đáp: Ở nước Câu kỳ không biết thọ thực nên các Tỳ-kheo có thần thông đến nước ấy khất thực, dân chúng nước này để thức ăn dưới đất chứ không trao đưa cho Tỳ-kheo … Phật nói: “Cho các Tỳ-kheo thọ theo năm cách: Một là đưa qua tay để thọ, hai là đồ đựng đưa qua đồ đựng để thọ, ba là y đưa qua y để thọ, bốn là từ thân phần khác đưa qua thân phần khác để thọ, năm là để xuống đất được thọ”.

Hỏi: Thế nào là phương tịnh?

Đáp: Nếu ở xứ lạnh vào mùa đông có tuyết, cho các Tỳ-kheo được mang giày ủng, ở các nước khác thì không được mang; cũng cho mặc áo kép, ở nước khác thì không được mặc. Ở nước A-thấp-bàn-đề cho các Tỳ-kheo thường tắm rửa, ở nước khác thì không được; cũng cho túc số năm luật sư được truyền thọ giới cụ túc, ở nơi khác thì không được.

Hỏi: Thế nào là y tịnh?

Đáp: Phật cho các Tỳ-kheo thọ dụng mười loại y, đó là y lông dê, y vải gai, y Sô-ma, y Đầu-cưu-la, y Kiếp bối, y Câu-đà-diệm, y Ba-đâu-na-kiếm, y Câu-đan-bà-kiếm, y Câu-chỉ-la-kiếm, y A-bà-la-sỉkiếm; nên dùng ba màu làm cho hoại sắc rồi mới thọ trì.

Hỏi: Thế nào là tạc tương tịnh?

Đáp: Thầy thuốc bảo các Tỳ-kheo bịnh nên uống nước ép trái cây thì sẽ lành bịnh, Phật nói: “Pháp làm nước này là nước ép trái cây hòa với nước ấm rồi để yên cho lắng trong không dục, khi cần thì lấy dùng”. Nước này từ khi mặt trời mọc thọ rồi cho đến mặt trời lặn được uống, không phải là đầu đêm thọ đầu đêm uống… cho đến cuối đêm thọ cuối đêm uống.

Hỏi: Thế nào là tự tứ?

Đáp: Vào ngày tự tứ, các Tỳ-kheo nhóm một chỗ, ở trong Tăng nói ba việc tự tứ là thấy nghe nghi. Vì sao Phật bảo các Tỳ-kheo tự tứ, vì muốn cho các Tỳ-kheo không cô độc, khiến mỗi người nhớ tội của mình, nhớ tội rồi nên phát lồ sám hối, nhờ lời chỉ tội để điều phục mà được thanh tịnh, không bịnh nữa, được an ổn, tâm ý vui mừng là ta thanh 6 tịnh không tội.

Hỏi: Thế nào là gởi dục tự tứ?

Đáp: Nếu Tỳ-kheo bịnh không đến được trong Tăng thì nên gởi dục tự tứ, nếu không bịnh mà không đến lại gởi dục thì phạm Đột-kiếtla. Nếu có nạn khủng bố hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn hoặc tám nạn, chín nạn mỗi mỗi nạn khởi lên, không đến được chỗ tự tứ thì nên gởi dục tự tứ; gặp những nạn khác cũng được gởi dục tự tứ.

Hỏi: Thế nào là lấy dục tự tứ?

Đáp: Nếu có người đến chỗ Tỳ-kheo lấy dục tự tứ thì nên lấy ở trong giới, không phải ở ngoài giới; Nếu trong giới có nạn khủng bố hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn hoặc tám nạn, chín nạn mỗi mỗi nạn khởi lên, lúc đó ra ngoài giới vẫn không mất dục. Hỏi: Thế nào là thuyết dục tự tứ?

Đáp: Là đến trong chúng thuyết dục tự tứ cho Tỳ-kheo kia; nếu nói thì tốt, không nói thì phạm Đột-kiết-la.

Hỏi: Thế nào là bố tát?

Đáp: Mỗi nữa tháng các Tỳ-kheo đều quán lại mình, từ nữa tháng trước đến nữa tháng này có phạm giới hay không; nếu nhớ có phạm nên đến chỗ Tỳ-kheo đồng ý để phát lồ sám hối. Nếu không được Tỳ-kheo đồng ý thì nên khởi niệm khi nào gặp được Tỳ-kheo đồng ý sẽ phát lồ sám hối để trừ diệt tội này, khởi niệm này rối thì được thanh tịnh cùng Tăng bố tát.

Hỏi: Vì sao gọi là bố tát? – Tức là bỏ pháp ác bất thiện, bỏ phiền não hữu ái để được pháp thanh bạch, được phạm hạnh cứu cánh.

Hỏi: Thế nào là gởi dục bố tát? – Tức là khi bố tát, nếu Tỳ-kheo bịnh không đến được trong Tăng thì nên gởi dục bố tát, nếu không bịnh mà gởi dục thì phạm Đột-kiết-la.

Hỏi: Thế nào là thọ dục? – Giống như lấy dục ở trên, dục nghĩa là mọi việc Tăng làm đều ưa thích tùy hỉ cùng đống việc tăng như pháp.

Hỏi: Thế nào là gởi dục?

Đáp: Nếu Tỳ-kheo bịnh không đến được trong Tăng thì nên gởi dục, nếu không bịnh mà gởi dục thì phạm Đột-kiết-la; nếu có nạn khởi cũng được gởi dục. Người gởi dục nói gởi dục mới thành gởi dục, Tỳkheo thọ dục nói vâng thì mới thành gởi dục. Người gởi dục nên nói: “Hãy thuyết dục giùm tôi”, hoặc nói: “Tôi gởi dục cho thầy”, thân động hoặc miệng động mới thành gởi dục; nếu thân và miệng không động thì nên đưa đến trong Tăng, nếu không đưa đến được thì tất cả Tăng nên đến chỗ người bịnh. Không nên riêng làm Tăng sự, nếu riêng làm tăng

sự thì tùy việc mà phạm tội. Thọ dục và thuyết dục giống như trong tự tứ ở trên.

Hỏi: Thế nào là thanh tịnh? – Thanh tịnh là không tội.

Hỏi: Thế nào là gởi dục thanh tịnh? – gởi dục, lấy dục, thuyết dục thanh tịnh đều giống như trong tự tứ ở trên.

Hỏi: Thế nào là dục thanh tịnh? – Nếu khi Tăng bố tát yết ma thì gởi dục và thanh tịnh.

Hỏi: Thế nào là gởi dục thanh tịnh?

Đáp: Khi bố tát, nếu Tỳ-kheo bịnh không đến được trong Tăng thì nên gởi dục thanh tịnh, nếu không bịnh mà gởi dục thanh tịnh thì phạm Đột-kiết-la. Nếu có nạn khủng bố hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn hoặc tám nạn, chín nạn mỗi mỗi nạn khởi lên cũng được gởi dục thanh tịnh. Người gởi dục nói gởi dục mới thành gởi dục, Tỳ-kheo thọ dục nói vâng thì mới thành gởi dục. Người gởi dục thanh tịnh nên nói: “Hãy thuyết dục thanh tịnh giùm tôi”, hoặc nói: “Tôi gởi dục thanh tịnh cho thầy”, thân động hoặc miệng động mới thành gởi dục thanh tịnh; nếu thân và miệng không động thì nên đưa đến trong Tăng, nếu không đưa đến được thì tất cả Tăng nên đến chỗ người bịnh, không được riêng bố tát yết ma.

Hỏi: Thế nào là thọ dục thanh tịnh?

Đáp: Tỳ-kheo thọ dục thanh tịnh từ Tỳ-kheo khác, nên thọ ở trong giới, không phải ở ngoài giới. Nếu có nạn khủng bố hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn hoặc tám nạn, chín nạn mỗi mỗi nạn khởi lên, ra ngoài giới cũng không mất dục thanh tịnh.

Hỏi: Thế nào là thuyết dục thanh tịnh?

Đáp: Tỳ-kheo thọ dục thanh tịnh rồi nên đến trong chúng thuyết dục thanh tịnh cho Tỳ-kheo kia; nếu nói thì tốt, không nói thì phạm Độtkiết-la, vì không cung kính hào hợp.

Hỏi: Thế nào là Thâu bà? – Như Phật đưa tóc, móng tay cho trưởng giả Cấp-cô-độc xây tháp để thờ gọi là Thâu bà.

Hỏi: Thế nào là vật của tháp? – Tức là ở trên đất ruộng, đất nhà xây tháp.

Hỏi: Thế nào là nhà của tháp? – Tức là điện đường lầu gác hoặc bằng gỗ, đá, vàng, bạch lạp…

Hỏi: Thế nào công đức vô tận của tháp?

Đáp: Ở Tỳ-da-ly, các thương nhơn vì Phật xây tháp rồi cúng nhiều vật dụng cho tháp, các Tỳ-kheo không thọ vật vô tận này, bạch Phật, Phật nói: “Nên thọ rồi bảo Ưu-bà-tắc, tịnh nhân trông giữ, nếu được lợi thì dùng để tu sửa tháp”.

Hỏi: Thế nào là cúng dường tháp? – Tức là dùng đất tô hoặc dùng vôi trắng quét…

Hỏi: Thế nào là trang nghiêm tháp? – Tức là dùng tơ lụa, Án-mụcca, Đầu-cưu-la, Câu-chỉ-bà-kiếm, tràng phan, hoặc dùng vàng bạc, trân châu… bảy báu, hoặc dùng chiên đàn trầm thủy, hoa hương… các vật vi diệu để trang nghiêm tháp.

Hỏi: Thế nào là cúng dường tháp? – Tức là dùng hương hoa, âm nhạc, hương đốt, lễ bái để cúng dường tháp.

Hỏi: Thế nào là có thức ăn? – Tức là các Tỳ-kheo ở trong chùa thì được thọ dụng.

Hỏi: Thế nào là cháo? – Phật cho các Tỳ-kheo được dùng tám loại cháo nhưng không được húp cháo ra tiếng.

Hỏi: Thế nào là Khư-đà-ni? – Phật cho các Tỳ-kheo được dùng chín loại Khư-đà-ni, đó là thức ăn làm từ lá, hoa, quả, hồ ma, dầu, mì, đường, rễ (củ), đường phèn nhưng không được ăn ra tiếng.

Hỏi: Thế nào là hàm tiêu? – Phật cho các Tỳ-kheo được dùng năm loại dược hàm tiêu là tô, dầu, mật, thạch mật và đề hồ. Khi dùng loại dược hàm tiêu này nên khởi tưởng là trị bịnh, là uống thuốc, là phân dơ, là tủy não.

Hỏi: Thế nào là Bồ-xà-ni? – Phật cho các Tỳ-kheo được dùng năm loại Bồ-xà-ni, đó là Ô-đà-na, Quý-ma-sa, Mạn-đà, cá, thịt. Khi dùng Bồ-xà-ni nên khởi tưởng là trị bịnh, là uống thuốc, là phân dơ.

Hỏi: Thế nào là bát? – Phật cho các Tỳ-kheo được cất chứa hai loại bát bằng sắt và bằng gốm sứ, không được cất chứa tám loại bát vàng bạc…

Hỏi: Thế nào là y? – Phật cho các Tỳ-kheo được cất chứa bảy loại y không được tịnh thí, đó là y Tăng-già-lê, y Uất-đa-la-tăng, y A-nan đát-bà-sa, y tắm mưa, y phủ ghẻ, Ni-sư-đàn, y dưỡng mạng.

Hỏi: Thế nào là Ni-sư-đàn? – Phật cho các Tỳ-kheo cất chứa Nisư-đàn để hộ ngọa cụ của Tăng, nếu không có Ni-sư-đàn thì không được ngồi nằm trên ngọa cụ của Tăng.

Hỏi: Thế nào là kim? – Phật cho các Tỳ-kheo cất chứa hai loại kim bằng sắt và bằng đồng.

Hỏi: Thế nào là ống kim? – Phật cho các Tỳ-kheo cất chứa ống kim để cất kim, không được đem cho người không có hổ thẹn và Sa-di.

Hỏi: Thế nào là y chỉ?

Đáp: Do Phật chế Tỳ-kheo khách đến nên cầu y chỉ trước, không được rửa chân và nghỉ ngơi trước nên một Tỳ-kheo khách mới đến liền cầu y chỉ trước, do mệt nhọc vì đi đường nên đã ngã bất tỉnh và qua đời. Các Tỳ-kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ-kheo: “Từ nay Tỳ-kheo khách nên cởi y bát, rửa chân rồi nghỉ ngơi hai, ba ngày sau mới đến cầu y chỉ”. Lúc đó có khách Tỳ-kheo vì cốt cầu y chỉ, không xét kỹ nên bị thối chuyển nơi thiện pháp, Phật nói: “Không được cốt cầu y chỉ mà không xét kỹ như vậy; nên xét kỹ vị ấy có thể làm cho mình tăng trưởng thiện pháp hay không rồi mới cầu y chỉ. Nên hỏi Tỳkheo khác là vị ấy có giới đức không, có thể gáo giới không, quyến thuộc của vị ấy như thế nào, có tranh cãi hay không… hỏi như vậy rồi mới đến cầu y chỉ, người cho y chỉ cũng vậy” Hỏi: Thế nào là thọ y chỉ?

Đáp: Tỳ-kheo thọ y chỉ nên trịch bày vai phải, quỳ gối chắp tay bạch rằng: “Con tên là _____ nay theo đại đức cầu y chỉ, xin đại đức cho con y chỉ, con nương theo đại đức mà ở” (3 lần), vị kia nên đáp lành thay.

Hỏi: Thế nào là cho y chỉ?

Đáp: Tỳ-kheo không đủ mười tuổi hạ thì không được cho y chỉ, dù đủ mười tuổi hạ mà ngu si không biết gì thì cũng không được cho y chỉ. Nếu thành tựu năm pháp thì được cho y chỉ, đó là biết phạm hay không phạm, biết là trọng hay khinh, thông lợi Ba-la-đề-mộc-xoa… như trong Tỳ-ni đã nói rõ.

Hỏi: Thế nào là xả y chỉ? _____ có năm nhân duyên mất y chỉ, phải y chỉ lại, đó là bỏ đi, xả giới, từ chúng này đến chúng khác, gặp lại Hòa thượng trước kia.

Hỏi: Thế nào là Hòa thượng?

Đáp: Các Tỳ-kheo không có Hòa thượng, sau khi xuất gia thọ giới cụ túc, tâm ý không điều phục, oai nghi không tề chỉnh, đau ốm không ai chăm sóc. Các Tỳ-kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ-kheo: “Từ nay cho nương Hòa thượng được xuất gia thọ giới cụ túc. Hòa thượng nên giáo giới đệ tử khiến cho tâm điều phục, khi bịnh được chăm sóc”. Sau đó các Tỳ-kheo đệ tử bịnh không được chăm sóc, Phật nói: “Nên chăm sóc người bịnh, nếu không chăm sóc thì phạm Đột-kiết-la”.

Hỏi: Thế nào là đệ tử?

Đáp: Do các Tỳ-kheo nương Hòa thượng được xuất gia thọ giới cụ túc mà không thân gần Hòa thượng nên các Tỳ-kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ-kheo: “Đệ tử nên thân gần Hòa thượng để 0 thừa sự, thăm hỏi; đi đâu hay làm việc gì đều phải bạch Hòa thượng, Hòa thượng làm việc gì nên làm thay, trừ bốn việc là đại tiểu tiện, xỉa răng và lễ bái tháp ở trong giới”.

Hỏi: Thế nào là cúng dường Hòa thượng?

Đáp: Nên thừa sự cúng dường, thăm hỏi lễ bái. Hòa thượng muốn làm việc gì , đệ tử nên làm ngay không được biếng trễ, phải hổ thẹn với Hòa thượng, cung kính Hòa thượng, hạ ý cầu thiện pháp, không được tìm lỗi của Hòa thượng; Hòa thượng có lỗi nên can ngăn, Hòa thượng có bịnh nên chăm sóc và việc của mình cũng không nên bỏ phế.

Hỏi: Thế nào là A-xà-lê?

Đáp: Các Tỳ-kheo xuất gia thọ giới cụ túc không có A-xà-lê, tâm ý không điều phục, oai nghi không tề chỉnh, đau ốm không ai chăm sóc. Các Tỳ-kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ-kheo: “Từ nay cho Tỳ-kheo làm A-xà-lê, nên giáo giới và chăm sóc đệ tử bịnh”. Lúc đó các Tỳ-kheo không cho đệ tử thọ giới cụ túc, Phật bảo nên cho.

Hỏi: Thế nào là đệ tử cận trụ?

Đáp: Do đệ tử cận trụ không thân gần A-xà-lê nên các Tỳ-kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ-kheo: “Từ nay đệ tử cận trụ nên thân gần A-xà-lê, tùy thời thăm hỏi, làm việc gì cũng bạch A-xà-lê, trừ bốn việc…” như đối với Hòa thượng ở trên.

Hỏi: Thế nào là Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử cộng hành? ____ đệ tử cận trụ là đệ tử cộng hành nên đối với Hòa thượng và A-xà-lê tưởng như cha mẹ; Hòa thượng và A-xà-lê đối với đệ tử tưởng như con cái.

Hỏi: Thế nào là Sa-di? – Phật không cho nuôi Sa-di quá nhỏ tuổi, nhỏ nhất là bảy tuổi. Nếu tạo tội nên bảo sám hối, nếu ở trần nên cho mặc áo.

Hỏi: Thế nào là trù lượng (suy tính)?

Đáp: Ban đầu xây cất chùa hay phòng xá ở đâu, trước phải suy tính chỗ ấy nơi đi lại có thuận tiện không, có chướng ngại không, có nạn sự không, có ồn ào hay không… xét kỹ rồi mới xây cất, nếu không xét kỹ mà xây cất thì phạm tội.

Hỏi: Thế nào là ngọa cụ? – Phật cho các Tỳ-kheo được cất chứa nệm bằng giạ, đồn lông thú… hoặc là của Tăng hoặc của mình có.

Hỏi: Thế nào là doanh tri sự (coi ngó việc tu sửa)?

Đáp: Thế tôn ở tại chùa thuộc nước A-đồ-tỳ thấy phòng xá hư hoại, Phật hỏi A-nan vì sao không tu sửa, A-nan bạch Phật: “Vì Lục quần Tỳ-kheo coi giữ mà không chịu tu sửa”, Phật bảo: “Nếu tháp và

Tăng phường hư hoại, Lục quần Tỳ-kheo không tu sửa thì chúng tăng nên làm yết ma sai người khác tu sửa”. Lúc đó người được yết ma sai tu sửa chỉ làm chút ít việc như lợp ngói, nhổ cỏ… rồi không làm nữa, Phật bảo: “Người làm chút ít như vậy, Tăng không nên làm yết ma sai, nên sai người có khả năng tu sửa nhiều, mới làm yết ma sai tu sửa tháp và tăng phường”. Tỳ-kheo muốn xây tháp và Tăng phường mới, làm ngọa cụ mới thì Tăng nên làm yết ma sai trong thời gian mười hai năm, không được si làm suốt đời; nếu tu sửa lại tháp và tăng phưởng cũ hư hoại thì Tăng nên làm yết ma sai tu sửa trong gian gian là sáu năm, bỏ hết các việc khác để tu sửa.

Hỏi: Thế nào là theo thứ lớp? – Phật cho các Tỳ-kheo theo thứ lớp từ bậc Thượng tòa mà đảnh lễ, chắp tay vấn an, nghinh đón.

Hỏi: Thế nào là nước uống Tô-tỳ-la? – Như trường hợp Tỳ-kheo Xá-lợi-phất bị bịnh lạnh, Phật cho dùng nước uống Tô-tỳ-la. Cách làm là lấy rễ, thân cành, lá, hoa, quả nấu với nước rồi để trong cái hũ cho lắng trong không đục, sáng sớm thọ cho đến đầu đêm được uống.

Hỏi: Thế nào là mạt vụn (tiết)? – Phật cho các Tỳ-kheo được cất chứa đậu vụn như đậu đỏ, ma-tu-la… nhưng không được cất chứa các loại hương tạp, có màu tạp sắc; nếu bịnh thì được xen tạp các loại hương khác.

Hỏi: Thế nào là dược? – Phật cho các Tỳ-kheo bịnh được cất chứa rễ, thân cành, lá, hoa, quả để làm bốn loại dược: Thời dược, thời phần dược, thất nhật dược và chung thân dược tùy thời thọ dụng, hoặc của chúng hoặc của riêng mình.

Hỏi: Thế nào là nước ép trái cây (tương)? – Phật cho các Tỳ-kheo bịnh được uống tám loại nước ép trái cây, lượt cho trong rồi uống.

Hỏi: Thế nào là da (bì): – Phật không cho các Tỳ-kheo cất chứa da, không được thọ và dùng để ngồi, trừ giày da; nếu đến nhà cư sĩ thì được ngồi, không được nằm.

Hỏi: Thế nào là giày da? – Phật cho các Tỳ-kheo cất chứa hai loại giày da là giày da một lớp và giày da phá mạn tịnh. Không được dùng giày da có trang hoàng tạp sắc.

Hỏi: Thế nào là vật chà chân? – Phật không cho Tỳ-kheo cất chứa đá bọt (phù thạch) để chà chân.

Hỏi: Thế nào là trượng? – Do trong rừng Thi đà thuộc thành Vương xá có nhiều trùng độc làm hại các Tỳ-kheo, nên Phật cho cất chứa trượng, nên bạch yết ma.

Hỏi: Thế nào là trượng lạc nang? – Phật cho Tỳ-kheo bịnh đến trong Tăng xin, Tăng bạch nhị yết ma cho cất chứa.

Hỏi: Thế nào là tỏi? như trường hợp trưởng lão Xá-lợi-phất bị bịnh lạnh, Phật cho Tỳ-kheo bịnh được dùng tỏi nhưng phải như pháp mà làm; nếu không bịnh thì không được ăn.

Hỏi: Thế nào là dao cạo? – Phật cho các Tỳ-kheo được cất chứa dao cạo tóc.

Hỏi: Thế nào là hộp dao cạo? – Phật cho các Tỳ-kheo được cất chứa hộp đựng dao cạo tóc.

Hỏi: Thế nào là ống khóa cửa? – Phật cho dùng ống khóa để giữ gìn phòng xá và ngọa cụ, hoặc của chúng tăng hoặc của riêng mình. Chìa khóa cửa cũng vậy.

Hỏi: Thế nào là cây quạt, cán quạt bằng ma ni? – Tỳ-kheo không được cất chứa quạt có cán bằng ma ni, nếu thọ thì nên cúng dường tháp Phật và tháp Thanh văn.

Hỏi: Thế nào là dù? – Phật cho các Tỳ-kheo được cất chứa dù để phòng mưa nắng.

Hỏi: Thế nào là xe? – Phật cho các Tỳ-kheo bịnh được đi xe.

Hỏi: Thế nào là quạt? – Phật cho các Tỳ-kheo cất chứa quạt, hoặc của chúng tăng hoặc của riêng mình.

Hỏi: Thế nào là phất? – Phật cho các Tỳ-kheo được cất chứa phất trần.

Hỏi: Thế nào là gương? – Phật không cho các Tỳ-kheo soi gương cho đến soi mặt trong bát nước, trừ trên mặt có bịnh.

Hỏi: Thế nào là ca múa hát xướng? – Tỳ-kheo không được tự ca múa hát xướng, cũng không được bảo người làm.

Hỏi: Thế nào là hương hoa anh lạc? – Tỳ-kheo không được đeo tràng hoa chuỗi anh lạc, nếu được thì nên cúng dường tháp Phật và tháp A-la-hán.

Hỏi: Thế nào là thuốc nhỏ mắt (nhãn A-nan thiền na)? – Phật cho các Tỳ-kheo bịnh mắt được cất chứa An-thiền-na để nhỏ mắt, không được vì đẹp mà nhỏ mắt.

Hỏi: Thế nào là vật đựng thuốc nhỏ mắt? – có hai loại đựng thuốc nhỏ mắt là bằng đồng và bằng sắt.

Hỏi: Thế nào là nằm? – Tỳ-kheo không bịnh thì ban ngày không nên nằm, nếu trong đêm có đốt đuốc sáng cũng không nên nằm. Nếu quá mõi mệt thì nên đứng dậy đi, không được làm xúc não người thứ hai .

Hỏi: Thế nào là ngủ? – Tỳ-kheo ban ngày nên ngồi thiền hoặc kinh hành để ngăn thùy miên cái, qua đầu đêm nên trải y Uất-đa-latăng bốn lớp, cuộn y Tăng-già-lê làm gối, nằm nghiêng bên hông phải, chồng gót chân, không được nằm ngữa giăng tay chân, tâm không tán loạn, y không xốc xếch, khởi chánh niệm quán tướng sáng hiện tiền, nhớ nghĩ thức dậy. Cuối đêm thức dậy ngồi thiền hay kinh hành để trừ thùy miên cái.

Hỏi: Thế nào là thiền đới? – Phật cho Tỳ-kheo bịnh đau lưng được cất chứa dây thiền, như trường hợp trưởng lão Xá-lợi-phất.

Hỏi: Thế nào là nút cột y? – Phật cho làm nút hay dùng dây cột y để giữ y vì sợ gió.

Hỏi: Thế nào là dây lưng? – Phật cho dùng ba loại dây lưng, đó là dây dệt thành, dây bện đan thành và dây bện bằng chỉ sợi.

Hỏi: Thế nào là bắn đạn? – Phật cho các Tỳ-kheo cất chứa đạn để bắn làm cho giặc sợ, không có nhân duyên thì không được bắn đạn.

Hỏi: Thế nào là vén ngược y? – Tỳ-kheo không được vén ngược y, trừ khi làm việc ở trên cao.

Hỏi: Thế nào là đất? – Có hai loại là đất kinh hành và đất của tinh xá.

Hỏi: Thế nào là cây? – Ở núi Kỳ-xà-quật, hai bên đường không có cây nên Phật cho các Tỳ-kheo trồng cây để có bóng mát và hoa, nên trồng theo thứ lớp.

Hỏi: Vật là đất như thế nào? – Tức là đất ruộng, Phật cho các Tỳkheo thọ nhận đất ruộng để làm vườn, làm tinh xá.

Hỏi: Thế nào là cây rừng? – Tỳ-kheo nên theo thứ lớp thọ gốc cây trong rừng để nghỉ.

Hỏi: Thế nào là tránh, là tướng ngôn tránh? – Tức là tranh cãi bằng lời nói hoặc nói lời ly gián khiến cho không hòa hợp như nước hòa với sữa nữa, tự tách riêng ra. Cho nên những việc phi thời, phi pháp, vô nghĩa, tự mình phiền não và làm cho người phiền não… tất cả đều không nên làm.

Hỏi: Thế nào là tránh hoại? – Tức là Tăng hoại và Luân hoại. Nếu khởi mười bốn việc để phá tăng hoặc dùng một việc trong mười bốn việc để phá Tăng, dù như pháp như luật hay phi pháp phi luật; cho đến ở trong giới mỗi bên tự làm yết ma bố tát thì gọi là Tăng hoại không phải Luân hoại. Tám Thánh đạo gọi là Luân, nếu bỏ tám Thánh đạo mà nói đạo khác thì gọi là Luân hoại không phải Tăng hoại. Nếu gồm cả hai thì gọi là Tăng và Luân đều hoại.

Hỏi: Thế nào là cung kính? – Tức là cung kính Hòa thượng, A-xà-lê cho đến Thượng trung hạ tòa đều phải nên cung kính.

Hỏi: Thế nào là hạ ý? – Tức là Tỳ-kheo bị tẫn không được độ người, không được truyền đại giới cho người, không được thọ người khác y chỉ, không được nuôi Sa-di; không được thọ Tăng sai giáo giới Tỳ-kheo-ni, nếu đã được Tăng sai cũng không được thọ; không được tái phạm tội đã phạm, không được phạm tội tương tợ, không được phạm tội nặng hơn tội này; không được quở trách các yết ma, không được ngăn Tăng bố tát; không được xuất tội Tỳ-kheo thanh tịnh, không được bảo Tỳ-kheo thanh tịnh nhớ nghĩ tội, không được cùng ngồi chung, nói chuyện, cùng làm việc với Tỳ-kheo thanh tịnh, phải khiêm nhường cung kính; nên biết mình là người bị tẫn. Có mười hai hạng người như vậy.

Hỏi: Thế nào đủ các loại Bất cọng trụ?

Đáp: Có hai việc không chung là pháp và thực, mọi việc nên làm cũng giống như Tỳ-kheo bị tẫn, chỉ khác là tất cả yết ma của Tăng đều không được thọ, dù Tăng sai cũng không được thọ. Có tất cả mười hai hạng người như thế, nếu đối với vị đồng phạm hạnh có tội, Tăng nên nói với Tỳ-kheo này: “Trưởng lão nên dừng lại, điều phục tâm ác, đừng để Tăng họp các tội Bất cọng trụ. Nếu Tăng tẫn xuất thầy thì thầy nên ở trong Tăng sám hối tội này, Tăng sẽ giải tội tẫn cho thầy, không phải là Tăng ở ngoài giới”. Nếu người này nghe rồi mà tâm không chiết phục thì nên tẫn xuất, cũng như điều phục ngựa dữ, phải dùng dây cương chế ngự.

Hỏi: Thế nào là Thác lại tra?

Đáp: Tỳ-kheo làm Thác lại tra thành tựu hai mươi hai pháp: Một là tinh tấn, hai là căn bản thành tựu hổ thẹn, ba là đầy đủ oai nghi, bốn là ưa thích trì giới, năm là hiểu rõ Tỳ-ni, sáu là nghe rồi thọ trì, bảy là đa văn, tám là thông suốt A-hàm, chín là khéo biết giải quyết việc tranh cãi, mười là khéo biết nguồn gốc phát khởi của sự việc, mười một là hiểu rõ tướng của việc tranh cãi, mười hai là khéo biết diệt tránh rồi sẽ không phát khởi lại nữa, mười ba là có tài biện luận, mười bốn là không sợ hãi, mười lăm là thân khẩu nghiệp đều thiện, mười sáu là có thể sai, mười bảy là có thể thọ, mười tám là có thể hành, mười chín là thọ yết ma không tùy ái hành, hai mươi là không tùy sân hành, hai mươi mốt là không tùy bố hành, hai mươi hai là không tùy si hành.

Tỳ-kheo làm Thác lại tra thành tựu hai mươi hai pháp này thì có thể diệt tránh, không trợ giúp hai bên bạn đảng để cầu pháp và cầu tài thực.

Hỏi: Thế nào là Thật mích tội tướng?

Đáp: Nếu Tỳ-kheo trước tự nói là tôi có tội này, sau đó lại nói là không có, Tăng nên dùng pháp bạch tứ cho Thật mích tội tướng.

Hỏi: Thế nào là Ba-la-di học giới?

Đáp: Tỳ-kheo phạm dâm rồi cho đến trong phút chốc không che giấu, Tăng nên bạch tứ yết ma cho học giới, như trường hợp Tỳ-kheo Nan-đề. Hành pháp của người học giới là nên ngồi ở dưới các Tỳ-kheo, nên trao thức ăn uống và thuốc thang cho các Tỳ-kheo, tự theo Sa-di và bạch y thọ thức ăn uống; không được cùng đại Tỳ-kheo ở chung phòng quá hai đêm, cũng không được cùng Sa-di và bạch y ở chung quá hai đêm; không được cùng Tỳ-kheo thọ cụ túc giới làm hai pháp bố tát và tự tứ, vì cho học hành pháp của Sa-di thì không được vào trong Túc số tăng làm yết ma bố tát và tự tứ, tất cả yết ma đều không được làm.

Hỏi: Thế nào là Thượng tòa của chúng tăng?

Đáp: Thượng tòa ở trong giới nên giáo giới cho Tỳ-kheo trẻ tuổi, an ủi, giảng kinh, dạy tọa thiền khiến cho pháp lành được tăng trưởng. Khi chia thức ăn nên chia đều đầy đủ khiến Tăng được lợi ích, cũng nên khuyến hóa cho Tăng được lợi ích. Nên thăm nom Tỳ-kheo bịnh, nên sai nguời khán bịnh, nên xin thuốc và thuyết pháp cho người bịnh, không được bỏ không ngó ngàng… tất cả Thượng tòa nên coi ngó.

Hỏi: Thế nào là Thượng tòa trong Tăng-già-lam?

Đáp: Khi thọ Khư-đà-ni hay Bồ-xà-ni nên đánh kiền chùy, Thượng tòa nên đến trước, ngồi trước để nhìn ngó thượng, trung, hạ tòa có ai ngồi không như pháp không, chớ để mất thứ lớp. Nếu có ai ngồi không như pháp thì Thượng tòa nên chỉ bảo ngồi như pháp và theo thứ lớp, nên hiện tướng cho biết, nếu hiện tướng mà cũng không biết thì nên nói với người ngồi gần bên, nếu người gần bên không nói thì Thượng tòa nên đi đến nói để oai nghi của họ được trang nghiêm tề chỉnh. Khi Tăng thọ thực, Thượng tòa nên bảo sớt thức ăn bình đẳng, phải đợi xướng Tăng bạt; nếu có cư sĩ Thượng tòa nên thuyết pháp cho họ.

Hỏi: Thế nào là giới cây? – Tức là rừng có nhiều cây cành lá nối tiếp nhau, trong phạm vi một Câu-lô-xá được tùy ý để y cho đến hôm sau, khi mặt trời mọc.

Hỏi: Thế nào là phía trước điện đường? – Tức là Tỳ-kheo nên theo thứ lớp chia, nếu tự mịnh phiền não hay làm cho người khác phiền não thì nên tránh đi; nếu phía trước điện đường có hư hoại thì nên tu sửa.

Hỏi: Thế nào là phòng? – Trong phòng xá của mình ở, Tỳ-kheo nên tưới quét, tô trét cho bằng phẳng, sắp xếp lại ngọa cụ, nếu dơ thì đem giặt.

Hỏi: Thế nào là ngọa cụ? – Nếu dùng ngọa cụ của Tăng thì được mang ra ngoài cửa Tăng phường trong khoảng năm mươi tầm, không được quá, nếu quá cho đến sáng hôm sau thì phạm Đột-kiết-la.

Hỏi: Thế nào là cài đóng cửa? – Cửa là chỗ ra vào, khi đóng cửa không được đóng mạnh ra tiếng, khi mở cửa nên nhẹ nhàng, khi đi vào chớ bước chân kéo ra tiếng; cửa có hai cánh không được làm đụng ra tiếng. Lại nữa nên cài đóng cửa cả trên lẫn dưới cho chắc chắn rồi mới đi, để phòng hộ cho mình và giữ gìn ngọa cụ.

Hỏi: Thế nào là Tăng phường trống? – Khi Tỳ-kheo vào trong Tăng phường trống không, nên tưới quét cho sạch, nếu trong đó có khí cụ cần dùng thì nên rửa sạch đem cất. Nếu có tịnh nhân thì nên bảo họ nhổ sạch cỏ, nếu có cư sĩ thì nên thuyết pháp cho họ.

Hỏi: Thế nào là bát? – Bát không được để trên đá, gò đất và gần hầm hố; khi ăn xong xỉa răng súc miệng không được nhổ vào trong bát, cũng không được rửa tay trong bát; không được để bát ở chỗ đất không sạch. Khi rửa không được để ướt quá hay phơi khô quá, cẩn thận để dùng được lâu vì nếu bể thì xin lại rất khó.

Hỏi: Thế nào là y? – Phải ái hộ y như da của mình, không được mặc Tăng-già-lê đi gánh vác cỏ cây đất, tưới quét, tô trét…; không được ngồi trên Tăng-già-lê, không được trùm che thân. Tăng-già-lê nên dùng đúng với việc của y Tăng-già-lê, y Uất-đa-la-tăng nên dùng đúng với việc của Uất-đa-la-tăng, y An-đà-hội nên dùng đúng với việc của An-đà-hội, không được để y ở chỗ không sạch; y Tăng-già-lê và y Uất-đa-la-tăng nên cắt rọc, y An-đà-hội có thể không cắt rọc. Nếu Tỳkheo không có y mới mà có y cũ hoặc y dư thì nên cắt may thành y năm điều, bảy điều, chín điều… cho đến hai mươi lăm lăm điều, không được nhuộm màu có sắc đẹp, nên nhuộm màu hoại sắc, nhuộm rồi thọ trì.

Hỏi: Thế nào là Ni-sư-đàn?

Đáp: Phật cho các Tỳ-kheo cất chứa Ni-sư-đàn, không được dùng miếng vải nhỏ làm Ni-sư-đàn, thọ trì rồi không được lìa ngủ đêm.

Hỏi: Thế nào là kim? – Phật cho cất chứa hai loại kim bằng đồng và bằng sắt, nên cất kỹ chớ để hư hoại, nếu hư hoại thì xin lại rất khó.

Hỏi: Thế nào là hộp kim? – Để đựng cất kim.

Hỏi: Thế nào là cháo? – Phật cho dùng cháo vì có năm lợi ích, đó là trừ đói, trừ khát, hạ khí, trừ lạnh dưới rốn và tiêu hóa thức ăn. Húp cháo không được ra tiếng.

Hỏi: Thế nào là bình nước? – Phật cho cất chứa bình đựng nước, nên giữ sạch sẽ, không được đựng thức ăn, chỉ để đựng nước.

Hỏi: Thế nào là chậu rửa? – Phật cho cất chứa chậu nhỏ đựng nước rửa, nên giữ sạch sẽ.

Hỏi: Thế nào là nắp bình? – Phật cho cất chứa nắp bình để đậy miệng bình.

Hỏi: Thế nào là nước? – Tỳ-kheo nên giữ nước cho sạch, nên cẩn thận lượt nước, xem kỹ đừng để có trùng. Nên rửa tay sạch và dùng vải sạch để lượt nước, không được dùng tay dơ, vải dơ để lượt nước.

Hỏi: Thế nào là bình nước uống? – Phật cho cất chứa bình đựng nước uống, nên giữ sạch sẽ.

Hỏi: Thế nào là ăn loại thức ăn Bồ-xà-ni?

Đáp: Khi ăn một trong năm loại Bồ-xà-ni nên quán thức ăn này từ đâu mang đến, từ kho lẫm mang đến; kho lẫm có từ đâu, có từ đất; đất có từ đâu, từ phân bón và hạt giống mà sanh, trở lại nuôi dưỡng thân nhơ uế này. Khi vắt cơm ăn nên khởi tưởng là phân dơ, nên chánh niệm tại tiền, tâm không tán loạn, nên quán vì trị bịnh… rồi mới ăn; không nên ăn riêng chúng, lại quán là tùy ý hay không tùy ý…

Hỏi: Khi ăn như thế nào? – Khi chánh thực nghe tiếng kiền chùy nên sửa sang y phục, oai nghi tề chỉnh vào trong chúng ăn không được nói ra tiếng.

Hỏi: Cho thức ăn như thế nào? – Tỳ-kheo không được tự tay đưa thức ăn cho người khác, trừ cha mẹ, huynh đệ; nếu đưa thức ăn cho khách hay người bịnh hoặc phụ nữ đang mang thai thì nên chánh niệm rồi mới đưa; cũng nên cho súc sanh một phần ít. Có người muốn xuất gia, thấy có ích cho chúng thì nên cho.

Hỏi: thọ thực như thế nào? – Nên nhất tâm chánh niệm thọ thực, tâm không tán loạn.

Hỏi: Khất thực như thế nào? – Như trong Tỳ-ni.

Hỏi: Thọ thỉnh thực như thế nào? – Khi thọ thỉnh thực không nên trộn cơm phủ lên thức ăn ngon, không thọ thức ăn bất tịnh, nên biết thời.

Hỏi: Thế nào là Tỳ-kheo A-lan-nhã? – Tỳ-kheo ở A-lan-nhã nên nói lời ôn hòa, miệng mĩm cười, không được cau mày, nên cất chứa bình đựng nược đựng đầy nước, được cất chứa hỏa châu, nguyệt châu.

Hỏi: Thế nào là Thượng tòa ở A-lan-nhã? – Thượng tòa ở A-lannhã nên giáo giới Tỳ-kheo trẻ, nên nói pháp A-lan-nhã khiến cho pháp A-lan-nhã được tăng trưởng.

Hỏi: Thế nào là tụ lạc? – Tỳ-kheo ở trong tụ lạc, nếu có cư sĩ đến nên thuyết pháp cho họ, tùy sức mà làm.

Hỏi: Thế nào là Thượng tòa ở tụ lạc? – Như trên.

Hỏi: Thế nào là khách Tỳ-kheo? – Khách Tỳ-kheo mới đến nên đứng yên lặng một chỗ với oai nghi tề chỉnh…

Hỏi: Thế nào là khách Thượng tòa? – Khách Thượng tòa nên bảo Tỳ-kheo khách bạch với Tỳ-kheo cựu trụ để xin phòng và ngọa cụ.

Hỏi: Đi như thế nào? – Nếu Tỳ-kheo muốn vào sáng ngày mai đi thì ngày nay nên đến từ biệt Hòa thượng, A-xà-lê. Hòa thượng, A-xà-lê cho đi thì mới được đi, nếu không cho đi thì đừng miễn cưỡng đi. Nên tưới quét và thu xếp ngọa cụ trong phòng đã ở rồi mới đi.

Hỏi: Thượng tòa đi như thế nào? – Thượng tòa khi đi nên đi sau để xem ngó Tỳ-kheo trẻ tuổi, nhắc nhở họ chớ có tung tăng đùa giỡn. Nên tìm thương buôn tháp tùng làm bạn, đi đến đâu nên xem ngó phương xứ của nước đó, đến trú xứ nào nên xem ngó ngọa cụ, nên quán sát Tỳkheo bạn có đồng hay không đồng; nếu giữa đường bị bịnh mà bỏ đi, không chăm sóc thì tùy việc kết phạm.

Hỏi: rửa chân như thế nào? – Nếu rửa chân xong thấy hết nước nên đi lấy nước đổ đầy.

Hỏi: Thượng tòa rửa chân như thế nào? – Nếu Tỳ-kheo trẻ rửa chân xong nên đưa nước cho Thượng tòa rửa, không nên đứng dậy bỏ đi liền, nên xối nước lên chân cho Thượng tòa rửa.

Hỏi: Nhóm họp như thế nào? – Vào ngàu mồng tám, mười bốn, mười lăm Tỳ-kheo không bịnh nên nhóm họp một chỗ để nghe thuyết pháp.

Hỏi: Thượng tòa nhóm họp như thế nào? – Khi nghe tiếng kiền chùy, Thượng tòa nên đi trước ngồi trước, im lạng trong chốc lát rồi nói pháp, nếu tự thân không thể thuyết pháp thì nên bảo Tỳ-kheo khác nói; nếu có cư sĩ đến cũng nên thuyết pháp cho họ, nếu có ngoại đạo đến cũng nên thuyết pháp để nhiếp thủ họ; nên chí tâm thuyết pháp, không được tự cao tự đại.

Hỏi: Thuyết pháp như thế nào? – Tỳ-kheo khi thuyết pháp nên cung kính chúng, mến yêu chúng; nên khiêm tốn và chí tâm thuyết pháp, đầy đủ nghĩa vị, tâm không tán loạn, tự bi hoan hỉ mà thuyết pháp, nên thuyết theo thứ lớp; không phải vì y thực, tài lợi mà vì pháp, vì kính pháp nên thuyết pháp.

Hỏi: Thượng tòa nghe thuyết pháp như thế nào? – Nên quán nghe pháp mà người thuyết pháp đang thuyết là như pháp hay phi pháp; nếu là phi pháp thì nên ngăn, nếu thuyết nhầm lẫn thì nên đính chính, nếu là như pháp thì nên khen ngợi.

Hỏi: Đi phi thời như thế nào? – Khi sắp đi nên đến bạch với Hòa thượng, A-xà-lê là con muốn đi đến _____, bạch rồi mới được đi.

Hỏi: Nhóm họp Tăng phi thời như thế nào? – Trừ ngày mồng tám, mười bốn và mười lăm, vào những ngày khác nhóm họp Tăng để làm việc gì hay chia vật gì thì khi nghe tiếng kiền chùy phải mau đến nhóm họp. Thượng tòa nên đến trước, ngồi trước… như trong Tỳ-ni.

Hỏi: Tán tụng như thế nào?

Đáp: Ở thành Vương xá, các ngoại đạo vào sáu ngày trai hòa hợp một chỗ tán tụng, được nhiều lợi dưỡng và tăng thêm đồ chúng. Vua Bình sa vốn tín kính Phật pháp, liền đến bạch Phật: “Thế tôn, các ngoại đạo vào các ngày mồng tám, mười bốn và mười lăm nhóm họp một chỗ để tán tụng nên được nhiều lợi dưỡng và đồ chúng tăng thêm. Cúi xin Thế tôn cho các Tỳ-kheo vào sáu ngày trai hòa hợp một chỗ thuyết pháp, tán tụng để được nhiều lợi dưỡng và tăng thêm đồ chúng; đàn việt được phước, các Tỳ-kheo thành tựu được Phật pháp và làm cho chánh pháp được tồn tại lâu dài”, Phật chấp thuận cho các Tỳ-kheo vào sáu ngày trai hòa hợp một chỗ thuyết pháp. Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy thuyết pháp, tán tụng giọng không hay nên mọi người không vừa ý, Phật bảo Tỳ-kheo có giọng hay nên tán tụng, vì ngồi ở chỗ thấp tán tụng nên tiếng không vang xa, liền suy nghĩ: “Nếu Phật cho đứng tán tụng thì tốt”, bạch Phật, Phật cho đứng tán tụng. Lúc đó các Tỳ-kheo tụng kinh quá dài… Phật nói nên lược tụng yếu nghĩa; các Tỳ-kheo lại tụng một nữa, Phật nói không được tụng một nữa, nếu tụng một nữa thì phạm Đột-kiết-la. Lúc đó Hai Tỳ-kheo cùng tán tụng làm xúc não chúng, Phật nói không được hai người cùng tán tụng, nếu cùng tán tụng thì phạm Đột-kiết-la. Lúc đó các Tỳ-kheo mỗi người đều dẫn chúng đi, Phật nói không được dẫn đi, nếu dẫn đi thì tùy việc kết phạm… Nếu trong chúng không ai tán tụng được thì nên theo thứ lớp sai, nếu tất cả đều không thể tán tụng được thì mỗi người nên tụng một bài kệ.

Hỏi: Thế nào là không bái thỉnh? – Nếu trong chúng thấy ai có thể thuyết pháp thì nên thỉnh thuyết, nếu thỉnh mà không thuyết thì phạm Thâu-lan-giá .

Hỏi: Cầu an cư như thế nào? – Khi định an cư nên xem xét trú xứ an cư này có được đồng ý không, có được an lạc trụ không, có cùng nói chuyện cùng ngồi không, thức ăn uống tùy bịnh có dễ được không, nếu bịnh có được thầy thuốc không và có người khán bịnh không. Tỳ-kheo trong đây có thọ trì kinh luật luận không, có tranh cãi không, Tăng có bị phá không… xét kỹ như vậy rồi mới cầu an cư.

Hỏi: Trong an cư như thế nào? – Trong an cư, nếu không có nhân duyên thì không được xuất giới ngủ đêm. Nếu có việc thì nên thọ pháp bảy ngày xuất giới; việc là vì tháp, vì Hòa thượng hay A-xà-lê bịnh, vì pháp… mới được xuất giới.

Hỏi: Thượng tòa an cư như thế nào? – Thượng tòa an cư nên coi ngó Tăng phường, hang ngồi thiền có hư hoại không, nếu có nên bào tu sửa hoặc khuyến hóa để liệu lý.

Hỏi: An cư xong như thế nào? – An cư xong có ba việc nên làm là y, bát, và y Ca-hi-na, trong an cư có được y hay không được y để thọ làm y Ca-hi-na.

Hỏi: Quán chúng như thế nào? – Tỳ-kheo nên quán trong chúng ai có oai nghi tốt, ai có oai nghi không tốt; người có oai nghi không tốt thì nên chiết phục, từ chúng Sát-đế-lỵ cho đến chúng cư sĩ.

Hỏi: Vào trong chúng như thế nào? – Vào trong chúng Sát-đế-lỵ thì nên như thế, như thế; nếu đến trong chúng Bà-la-môn thì nên như thế như thế; đến trong chúng cư sĩ thì nên như thế như thế; đi như thế, đứng như thế, ngồi như thế, nói như thế và im lặng như thế.

Hỏi: Trong an cư nên như thế nào? – Trong an cư, các Tỳ-kheo không nên bàn luận về thế sự, quốc sự cho đến chiến đấu thắng hay bại; cũng không nói về việc súc sanh, ngạ quỷ, nam nữ dâm dục và việc ăn uống .

Hỏi: Thượng tòa trong an cư như thế nào? – Trong an cư, Thượng tòa nên quán sát chúng có được an lạc không, nếu an lạc thì im lặng; nếu không an lạc thì nên tùy thuận thuyết pháp.

Hỏi: Bố tát thuyết giới như thế nào? – Có năm loại như trước đã nói.

Hỏi: Người thuyết giới nên như thế nào? – Tỳ-kheo thuyết giới nên sai người thông thuộc giới theo thứ lớp thuyết giới, đừng sai người quên sót văn cú. Nên quán chiếu lại tự thân từ mười lăm ngày trước đến nay có phạm giới không; nếu có mà được Tỳ-kheo đồng ý thì nên sám hối, không được Tỳ-kheo đồng ý thì nên tâm niệm nghĩ rằng nếu sau được Tỳ-kheo đồng ý sẽ sám hối, như Ba-la-đề-mộc-xoa mà hành trì. Thượng tòa thuyết giới cũng như vậy.

Hỏi: Thế nào là Thượng tòa? – Thượng tòa nên xem ngó Tỳ-kheo trẻ đừng để họ phạm giới, khi nghe đánh kiền chùy nên đến ngồi ở tòa trên trong chúng.

Hỏi: Thế nào là trung tòa? – Nếu theo Thượng tòa vào tụ lạc, Thượng tòa tiểu tiện chưa xong thì nên đứng ở chỗ hơi xa đợi để cùng đi.

Hỏi: Thế nào là hạ tòa? – Khi thọ thực, hạ tòa nên dọn đưa thức ăn và nước, phải quán sớm hay muộn để đợi Hòa thượng; nên tưới quét, trải ngọa cụ…, khi ăn Đát-bát-na cũng nên đưa nước và thỉnh thực. Trong nhà tắm nên đốt lửa và lấy nước, để củi, nên lấy dầu…; nên giúp kỳ cọ và cũng thọ kỳ cọ… tất cả việc đều nên làm.

Hỏi: Thế nào là trong nhà tắm nói nhỏ tiếng? – Tức là vào nhà tắm, oai nghi phải tề chỉnh.

Hỏi: Tắm rửa như thế nào? – Phật cho các Tỳ-kheo tắm rửa, vì tắm rửa có năm công đức là trừ bịnh phong, trừ lạnh, trừ nóng, trừ dơ và nên khởi tưởng nhàm chán. Khi tắm nên bạch Hòa thượng, A-xà-lê; nên ngồi sau không được ngồi trước, nên canh chừng lửa để nước vừa ấm, nếu lạnh hay nóng nên nói cho người khác biết. Không bạch Hòa thượng thì không được kỳ cọ thân cho người khác, cũng không thọ người khác kỳ cọ cho mình. Nếu Hòa thượng và A-xà-lê hiềm khích nhau thì không nên thân gần, tắm xong nên để các vật dụng tắm lại chỗ cũ.

Hỏi: Thượng tòa trong nhà tắm như thế nào? – nếu hạ tòa vào tắm trước thì Thượng tòa không được bảo đứng dậy.

Hỏi: Thế nào là Hòa thượng? – Hòa thượng nên dạy đệ tử tụng kinh, dạy nghĩa nhiếp, dạy tọa thiền, dạy tránh xa ác tri thức, gần thiện tri thức. Nên cho y bát ngọa cụ thuốc men… , nếu có phạm giới nên dạy bảo sám hối.

Hỏi: Thế nào là đệ tử? – Đệ tử nên biết hổ thẹn với Hòa thượng, nên thừa sự chăm sóc, muốn làm việc gì nên bạch, nên đứng trước Hòa thượng chỗ có thể thấy Hòa thượng hiện tướng; khi đi thì nên đi sau… Nếu ở chỗ Hòa thượng không tăng trưởng thiện pháp thì nên bạch Hòa thượng gởi đến chỗ Tỳ-kheo _____; Hòa thượng nên quán sát Tỳ-kheo kia dạy bảo pháp gì, quyến thuộc như thế nào… , quán sát rồi mới gởi đệ tử đến đó nương ở; nếu đệ tử ở nơi đó không tăng trưởng thiện pháp thì cũng nên đi. Sa-di, đệ tử cận trụ và đệ tử cộng hạnh cũng vậy, chỉ khác là Sa-di nên tác tịnh hoa quả, tăm, cỏ hoặc bảo tịnh nhân tác tịnh.

Hỏi: Trị tội như thế nào? – Tỳ-kheo phạm tội nên làm phương tiện gạn hỏi khiến cho tự nói tội ra, nếu không tự nói tội thì không được xuất tội (cử tội); trước nên tìm cầu bạn hoặc vua, vương tử, đại thần có thế lực rồi mới xuất tội vị ấy,

Hỏi: Tỳ-kheo đi sau như thế nào? – Tức là không được đi trước, ngồi trước; không bạch Thượng tòa thì không được nói, khi hỏi cũng phải bạch, Thượng tòa đang nói không được nói xen. Nếu Thượng tòa thuyết phi pháp nên can ngăn, thuyết như pháp nên tùy hỷ, nếu được lợi dưỡn như pháp thì được thọ.

Hỏi: Vào nhà như thế nào? – Khi vào nhà cư sĩ, Tỳ-kheo không được đùa giỡn và ngước nhìn xung quanh.

Hỏi: Vào nhà bạch y như thế nào? – Nếu Tỳ-kheo mất chánh niệm khi vào nhà bạch y thì có năm lỗi: Một là không nói trước mà vào ngồi, hai là ngồi trong nhà ăn (nhà có nam nữ), ba là ngồi ở chỗ khuất, bốn là ăn biệt chúng, năm là không có tịnh nhân mà thuyết pháp cho người nữ. Nếu chánh niệm thì không có các lỗi này.

Hỏi: Vào nhà ngồi như thế nào? – Tỳ-kheo vào nhà bạch y ngồi, không được bàn nói về súc sanh, quốc sự, việc ăn uống…; nên thuyết pháp khiến cho họ được sanh chánh kiến, thực hành bố thí, điều phục các căn, thọ pháp tam quy.

Hỏi: Thượng tòa ở trong nhà bạch y như thế nào? – Trong nhà bạch y, Thượng tòa nên nhắc chừng Tỳ-kheo trẻ chớ đùa giỡn mất oai nghi.

Hỏi: Tỳ-kheo cựu trụ cùng nói chuyện như thế nào? – Tỳ-kheo cựu trụ thấy khách Tỳ-kheo đến nên chào hỏi thiện lai với lời hòa dịu và miệng mĩm cười, không được cau mày nhăn mặt. Nên thăm hỏi đi đường có mệt nhọc không, ăn uống có đúng thời không; nên hỏi tuổi hạ lạp, nếu là Thượng tòa thì nên đảnh lễ, cất giúp y bát, trải tòa, lấy nước rửa chân, tùy sức cúng dường, nên đưa ngọa cụ tốt.

Hỏi: Nghỉ ngơi như thế nào? – Tỳ-kheo khách mới đến không nên xin phòng xá ngọa cụ liền, nên ngồi yên một chỗ với oai nghi tề chỉnh.

Hỏi: Trong hư không như thế nào? – Trong hư không, tất cả yết ma đều không được làm; Tỳ-kheo không được đi trong hư không trừ khi mặt trời mọc; nếu trong an cư thì trừ thọ pháp bảy đêm.

Hỏi: Thọ y Ca-hi-na như thế nào? – Tỳ-kheo thọ y Ca-hi-na được năm lợi ích là chứa y dư, thường thường ăn, ăn biệt chúng, không bạch mà vào tụ lạc, không mặc Tăng-già-lê mà vào tụ lạc, cũng được mặc Mạn y vào tụ lạc.

Hỏi: Kinh hành như thế nào? – Khi Tỳ-kheo kinh hành thấy có Thượng tòa ở phía trước thì nên bạch, không được đi uốn éo, không được đi quá nhanh cũng không được cúi đầu quá thấp; nên thu nhiếp các căn, tâm không theo ngoại duyên, nên đi thẳng, nếu đi không thể thẳng thì nên men theo dây mà đi.

Hỏi: Đãy lượt nước như thế nào? – Tỳ-kheo không có đãy lượt nước thì không nên đi xa, trừ đi đến chỗ có nước sạch, hay nước sông nước suối hoặc trong khoảng nữa do tuần có trú xứ liên tiếp nhau, không mang theo đãy lượt nước không phạm.

Hỏi: Hạ phong như thế nào? – Khi hạ phong không nên phát ra tiếng.

Hỏi: Vào nhà xí như thế nào? – Tỳ-kheo vào nhà xí nên khảy móng tay trước cho người bên trong biết, khi vào nên chánh niệm, khéo nhiếp y, thân ngồi an rồi từ từ đi, không được cố rặn.

Hỏi: Bên nhà xí như thế nào? – Bên nhà xí không được giặt y, cắt rọc, may vá và nhuộm y; không được tụng kinh, tác bạch, kinh hành… tất cả việc đều không được làm trừ nhà xí liên tiếp nhau.

Hỏi: Dép đi nhà xí như thế nào? – Mang dép lên nhà xí không được làm dính dơ.

Hỏi: Thượng tòa vào nhà xí như thế nào? – Nếu thấy hạ tòa vào trước, Thượng tòa không được bảo ra.

Hỏi: Rửa như thế nào? – Tỳ-kheo đại tiểu tiện xong mà không rửa sạch thì không được lễ bái và thọ lễ bái, không được ngồi nằm trên ngọa cụ của Tăng; trừ chỗ không có nước hoặc vì phi nhân, thần nước giận. Đại hành (đại tiện) xong cũng rửa tay sạch như vậy. Bên chỗ rửa tay không được giặt y… như trên.

Hỏi: Ở chỗ rửa tay như thế nào? – Nên rửa từ từ, không được làm dép bị dính dơ và bị ướt.

Hỏi: Tiểu tiện như thế nào? – Tỳ-kheo không được tiểu tiện khắp nơi, nên đào hố ở một chỗ nhất định. Bên chỗ tiểu tiện không được giặt y… như trên; mang dép tiểu tiện cũng không được làm dính dơ. Nếu thấy hạ tòa tiểu tiện trước, Thượng tòa không được bảo đứng dậy.

Hỏi: Vót cỏ làm thẻ như thế nào? – Không được vót nhọn hoặc dùng vật trơn láng như đá, gỗ mà làm thẻ.

Hỏi: Khạc nhổ như thế nào? – Không được khạc nhổ ra tiếng, không được khạc nhổ nơi đất sạch, chỗ ăn uống. Nếu không nhịn được thì đứng dậy tránh ra chỗ xa, không làm xúc não người khác.

Hỏi: Khí vật như thế nào? – Phật cho các Tỳ-kheo được cất chứa hai loại khí vật là bát và ống nhổ, nên giữ cẩn thận đừng cho bể, nếu bể xin lại rất khó.

Hỏi: Tăm xỉa răng như thế nào? – Cây tăm không được làm quá lớn, quá nhỏ, quá dài hay quá ngắn. Loại dài nhất là mười hai ngón tay, ngắn nhất là sáu ngón tay. Có ba việc nên làm ở chỗ khuất là đại tiểu tiện và xỉa răng, không được xỉa răn ở trước Thượng tòa, cũng không được xỉa răng dưới gốc cây sạch, bên vách tường sạch.

Hỏi: xỉa răng như thế nào? – Không nên xỉa quá nhanh, nên xỉa từ từ, đừng xỉa vào nứu làm nứu bị thương.

Hỏi: Nạo lưỡi như thế nào? – Không được dùng vật bén nạo lưỡi, không được nạo quá nhanh làm lưỡi bị thương.

Hỏi: Ngoái tai như thế nào? – Không được dùng vật nhọn ngoái tai, không được ngoái quá mạnh làm hư màng nhĩ.

Hỏi: Thế nào là oai nghi? – Tất cả công đức của Sa-môn được phát sanh đều nhờ nơi oai nghi, ngược với trên gọi là không có oai nghi.

Hỏi: Thế nào là tam tụ? – Tức là tụ thọ giới, tụ tương ưng và tụ oai nghi.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10