PHÁP UYỂN CHÂU LÂM
Sa-môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản
QUYỂN 82
Thiên thứ 85: LỤC ĐỘ (Phần ba)
Phần thứ hai: TRÌ GIỚI
Phần này có 3 mục tách biệt: Thuật ý, Khuyến trì, Dẫn chứng.
Thứ nhất: Thuật Ý
Trộm nghe rằng: Giới là Thầy của người, đạo-tục đều tôn trọng; tâm là chủ của nghiệp, phàm-Thánh cùng chế ngự. Bởi vì Tam bảo đã giúp cho Tứ sanh cùng có lợi, cho nên kinh nói: “Chánh pháp trụ-chánh pháp diệt.” Ý nghĩa ở chỗ này vậy. Vì thế trì giới là đức, biểu hiện từ Đại Kinh; tánh thiện đáng kính, rõ ràng ở Đại Luận. Giới lại còn là mặt trăng-mặt trời, ví như viên ngọc quý báu, nghĩa giống như xoa hương, sự giống như tiếc nước, vượt qua biển mênh mông, gọi là thuyền vững chắc; sanh trưởng mầm của thiện, còn gọi là đất bằng. Vì vậy Bồ tát bẩm thọ mảy may không thiếu sót, La Hán hộ trì mảy may không sai phạm, thà chịu ôm khác mà chết chứ không uống nước có trùng, quả là có thể bị trói buộc mà không làm hại hoa cỏ. Sách xưa nói: “Lập thân hành đạo, nêu cao tên tuổi cho đời sau; ngôn hành trung tín, mọi việc đều rụt rè thận trọng.” Há có thể phóng túng con ngựa trong tâm mà không chịu buộc hàm và dây cương ghìm lại, rong ruỗi con khỉ trong ý mà cũng không có xích khóa để kềm chế lại; túi phao đã hỏng thì con đường phía trước mong mỏi vào đâu, bình đức đã vở thì nhân duyên tốt đẹp mãi mãi cắt đứt. Hoặc lại muốn tụ tập người ác làm bạn kết thành bè đảng hung dữ, tiếp tục kích động lẫn nhau gây ra đủ thứ tội lỗi, không còn hổ thẹn không biết nhục nhã, ngày càng thêm tệ chìm nổi không ngừng. Tựa như cây Đình Lịch-Ngả Khao thì cành lá đều đắng, quả cây Ha Lê khắp nơi không có vị ngọt. Từ nơi sáng sủa đi vào chỗ tối tăm không còn hạn kỳ ra khỏi, kiếp số đã xa xăm mà đau thương khó chịu nổi. Ngay sau đó vạc sôi lao thẳng đến nóng bỏng sôi sục ngút trời lò than đỏ rừng rực tiếng nổ tung toé mặt đất, nước đồng nóng chảy rót vào miệng thì ruột gan tan nát, cột đồng ngùn ngụt áp vào thân thì thịt xương rời rã, quằn quại kêu la sao có thể nói hết. Những khổ đau như vậy thật sự là do hủy phạm giới cấm.
Thứ hai: Khuyến Trì.
Như luận Đại Trang Nghiêm nói: “Nếu có thể chí tâm trì giới cho đến lúc kết thúc mạng sống thì cảm được quả báo hiện tại. Xưa tôi từng nghe: Trong thành Nan Đề Bạt Đề có Ưu bà tắc, cả hai anh em cùng thọ trì năm giới. Người em vào lúc bấy giờ bất ngờ mắc bệnh sườn vô cùng đau đớn, khí lực sắp muốn chấm dứt. Lúc ấy thầy thuốc nói cho biết rằng: Ăn thịt chó mới làm, và dùng rượu để uống thì căn bệnh chắc chắn trừ khỏi. Người bệnh thưa rằng: Thịt chó thì có thể đến chợ mua về ăn, còn chuyện uống rượu thì nguyện xả bỏ thân mạng, chứ dứt khoát không phạm giới mà uống rượu lành bệnh.
Người anh thấy em thật là nguy cấp khốn khổ, mang rượuđến nói với người em: Hãy xả giới mà uống rượu, để chữa lành căn bệnh. Người em thưa với anh rằng: Em tuy là bệnh nguy cấp, nhưng nguyện xả bỏ thân mạng của mình, chứ dứt khoát không phạm giới mà uống rượu này.
Liền nói kệ rằng:
Quái lạ thay sắp sửa mạng chung,
Phá bỏ giới quý báu của mình,
Dùng giới trang nghiêm cho thân thể,
Không cần khâm liệm những vật gì.
Thân người đã khó mà có được,
Gặp được giới lại càng khó hơn,
Nguỵên xả bỏ trăm ngàn thân mạng,
Không thể nào phá hủy cấm giới.
Trải qua vô lượng trăm ngàn kiếp,
Lúc ấy mới gặp được giới pháp,
Ở trong thế giới Diêm Phù này,
Thân người rất khó mà có được,
Cho dù lại có được thân người,
Gặp được chánh pháp khó bội phần,
Lúc đã gặp được pháp qúy báu,
Mà người ngu không biết giữ lấy,
Người khéo léo có thể phân biệt,
Điều này cũng lại rất khó khăn.
Giới qúy báu nằm trong aty tôi,
Tại sao lại muốn làm mất đi,
Đây chính là người luôn oán ghét,
Không phải là thân thích của tôi.
Người anh nghe vậy rồi, trả lời em mình rằng: Bởi vì anh là thân thích cho nên không làm trở ngại cho em. Người em thưa với anh rnằg: Không phải là thân thích yêu thương mà chính là người làm cho hư hoại.
Liền nói kệ rằng:
Tôi sắp đi đến nơi tốt đẹp,
Làm hỏng giới khiến cho rơi ngã,
Bởi giới pháp chính là như vậy,
Sao gọi là thân thích yêu thương?
Tôi chịu khó rèn luyện giới căn,
Mà mong trong thấy bị cướp đoạt,
Trong năm giới cấm đã thọ trì,
Giới rượu là giới quan trọng nhất,
Nay muốn bắt ép tôi phá hủy,
Không thể nào gọi là người thân.
Người anh hỏi em rằng: Tại sao lấy rượu làm giới căn bản vậy? người em liền nói kệ mà trả lời anh rằng:
Nếu như ở trong các giới cấm,
Không dốc lòng luôn luôn hộ trì,
Thì làm xa cách tâm Đại Bi,
Đầu ngọn cỏ có một giọt rượu,
Hãy còn không dám tiếp xúc thử,
Vì vậy cho nên tôi biết rõ,
Rượu là nhân đưa đến đường ác,
Trong kinh luật của hàng tại gia,
Nói về quả báo xấu của rượu,
Chỉ riêng Phật có thể phân biệt,
Ai có năng lực suy lường được,
Đức Phật nói về thân khẩu ý,
Việc làm xấu ác của ba nghiệp,
Chỉ do rượu làm thành căn bản,
Lại rơi vào trong việc làm ác,
Xưa kia có người Ưu bà di,
Bởi vì nhân duyên phạm vào rượu,
Liền phá hỏng bốn giới còn lại,
Đây gọi là bao việc làm ác,
Do rượu làm nguồn gốc phóng dật.
Không uống rượu đường ác đóng lại,
Có thể đạt đến tâm tin vui,
Bỏ keo kiệt luôn luôn bố thí,
Thủ đà la nghe Đức Phật dạy,
Có thể đạt được nhiều lợi ích,
Tôi cũng không có ý sai khác,
Mà người muốn phá hủy vi phạm,
Nói sơ lược như vậy để biết.
Thà rằng bỏ thân thể khô kiệt,
Chứ dứt khoát không uống rượu này.
Giả sử phá hỏng phạm vào giới,
Thọ mạng dài lâu trăm ngàn năm,
Không bằng bảo vệ được giới cấm,
Mà thân mạng lập tức hủy diệt.
Quyết định có thể khiến lành bệnh,
Tôi vẫn còn cố tình không uống,
Huống hồ nay không biết chắc chắn,
Là lành bệnh hay không lành bệnh?
Dấy lên tâm quyết định như vậy,
Tâm sinh ra hoan hỷ vô cùng,
Lập tức trừ được thấy rõ chân đế,
Căn bệnh vốn có được tiêu trừ.”
Nghĩ rằng người Đại trí chán đời mà tu đạo, tuy trì giới đầy đủ, nhưng bên trong chứa đầy định tuệ; không hiện rõ ra tướng trì giới, mà bên trong nói là có đức hạnh chân thật. Cho nên kinh Hoa Nghiêm nói: “Như thế nào là giới xa lìa tà mạng? Đó là Bồ tát không dấy lên tướng trì giới thanh tịnh muốn làm cho người khác biết, bên trong không có đức hạnh chân thật mà hiện bày ra tướng đức hạnh chân thật, chỉ trì giới thah tịnh luôn luôn cầu pháp, đến cuối cùng là Tát bà nhã. Như thế nào là giới không khởi ác niệm? Đó là Bồ tát không tự cho mình là cao quý, nói là mình trì giới, thấy người phạm giới cũng không đến nỗi quở trách khiến cho họ buồn lo khổ sở, chỉ một lòng trì giới thanh tịnh, quả tốt đẹp có thể cảm được chứ không cần phải nghi hoặc.”
Còn trong kinh Bồ Tát Tạng nói: “Này Xá Lợi Tử! Bồ tát Ma ha tát thực hành Thi la ba la mật đa, cho nên đạt được mười loại Thi la thanh tịnh, ông nên biết điều ấy. Những gì là mười loại? Đó là: 1. Đối với các chúng sinh không hề làm cho tổn hại; 2. Đối với tài sản vật dụng của người khác không làm điều trộm cướp sai trái; 3. Đối với vợ con người ta lìa xa những tập khí nhiễm ô; 4. Đối với các chúng sinh không dấy lên ý niệm lừa dối; 5. Hòa hợp với quyến thuộc không có trái ngược chia lìa; 6. Đối với các chúng sinh không dấy lên lời nói thô lỗ, do có năng lực có thể nhận chịu lời nói xấu xa của họ; 7. Lìa xa lời nói thêm bớt, hễ có nói gì thì nói rất chính xác trung thực; 8. Lìa xa mọi điều tham đắm, đối với sự thọ dụng củang vốn không có gì của mình; 9. Xa lìa nóng giận, khéo léo có thể nhận chịu những lời thô lỗ làm nhục; 10. Xa lìa cách nhìn tà vạy, bởi vì không tôn thờ các hàng Thiên-Tiên và quỷ thần nào khác.”
Còn trong kinh Đại Bảo Tích nói: “Thứ hai là thọ trì mười thiện nghiệp giới, có năm điều lợi ích: 1. Có thể kềm chế ác hạnh; 2. Có thể phát sinh thiện tâm; 3. Có thể ngăn chặn phiền não; 4. Thành tựu thanh tịnh; 5. Giới luôn luôn lớn mạnh.
Nếu người khéo léo tu hạnh không phóng dật, thì tám vạn bốn ngàn vô lượng giới phẩm, tất cả đều ở trong mười thiện giới.”
Còn trong kinh Nguyệt Đăng Tam Muội nói: “Đức Phật dạy: Nếu có Bồ tát có năng lực trì giới thanh tịnh thì phát sinh mười loại lợi ích. Những gì là mười loại? Đó là:1. Đầy đủ tất cả trí; 2. Như Phật đã học mà học; 3. Người trí không hủy phạm; 4. Không lui sụt thệ nguyện; 5.An trú đốivới công hạnh; 6. Vất bỏ sanh tử; 7. Ưa thích Niết bàn; 8. đạt được tâm không còn ràng buộc; 9. Đạt được Tam muội tốt đẹp; 10. Không thiếu tài sản niềm tin.
Còn trong kinh Lục độ Tập nói: “lại có bốn loại trì giới đầy đủ trí tuệ. Những gì là bốn loại? Đó là: 1. Trì giới thường xuyên diễn thuyết giáo pháp; 2. Trì giới thường xuyên chịu khó cầu mong giáo pháp; 3. Trì giới đúng đắn phân biệt rõ ràng các pháp; 4. Trì giới hồi hướng quả vị Bồ đề.”
Thứ ba: Dẫn Chứng.
Như luận Đại Trang Nghiêm nói: “Xưa tôi từng nghe: Có các Tỳ kheo cùng với các khách buôn đi vào biển thu thập châu báu. Đã đến giữa biển thì tàu thuyền bị hư hỏng, lúc bấy giờ một Tỳ kheo trẻ tuổi, nắm được một tấm ván, Tỳ kheo lớn tuổi không nắm được tấm ván, sắp chìm giữa dòng nước. Lúc ấy Tỳ kheo lớn tuổi lo sợ hốt hoảng, sợ rằng sẽ bị dòng nước cuốn trôi, nói với Tỳ kheo trẻ tuổi rằng: Lẽ nào ông không nhớ giới luật mà Đức Phật đã chế định, nên tôn trọng hàng Thượng tọa, ông có được tấm ván nên lấy đưa cho tôi. Lúc bấy giờ Tỳ kheo trẻ tuổi liền tự tư duy; Như Lai Thế Tôn thật sự có dạy như thế, có những gì lợi ích yên lành nên trước tiên nhường cho người lớn tuổi. Lại dấy lên nghĩ rằng: nếu như mình lấy tấm ván đưa cho Thượng tọa thì mình chắc chắn chìm trong dòng nước, tai họa giữa biển khơi dập dờn sóng nước, thật là sâu rộng mênh mông, giờ đây mạng sống của mình sẽ không giữ được, vả lại mình trẻ tuổi mới bắt đầu xuất gia chưa đạt được đạo quả, vì vậy làm cho buồn rầu, nay mình xả thân để cứu giúp Thượng tọa, chính là lúc này. Dấy lên ý nghĩ này rồi bèn nói kệ rằng:
Tôi vì tự mình khiến cứu giúp,
Là thuận theo lời Đức Phật dạy,
Quy tụ vô lượng các công đức,
Tên gọi tốt đẹp khắp mười phương.
Thân mạng thật hèn mọn thấp kém,
Tại sao làm trái với Thánh giáo,
Nay tôi thọ giới cấm của Phật,
Đến chết phải kiên quyết giữ gìn.
Bởi vì thuận theo lời Phật dạy,
Biếu tấm ván để lại thân mạng,
Nếu không phải là việc khó khăn,
Cuối cùng không nhận được quả khó.
Nếu tôi giữ lấy tấm ván này,
Chắc chắn vượt qua nạn biển khơi,
Nếu như không thuận theo Thánh chỉ,
Thì sẽ chìm trong biển sinh tử.
Nay tôi chìm chết trong dòngnước,
Tuy chết mà còn tên gọi tốt,
Nếu bỏ mất lời dạy của Phật,
Thì mất đi lợi ích trời-người,
Cùng với cảnh giới Đại Niết bàn,
Là niềm vui bậc nhất vô thượng.
Nói kệ này xong, liền thả tấm ván đưa cho Thượng tọa. Đã trao tấm ván rồi, lúc ấy thần biển cảm động trước lòng chân thành sâu sắc, liền đón lấy Tỳ kheo trẻ tuổi đặt ở trên bờ. Thân biển chắp tay thưa với Tỳ kheo rằng: Nay tôi quy y người kiên quyết trì giới, nay ông gặp phải sự cố nguy hiểm khó khăn này, mà có thể giữ gìn giới pháp của Phật.
Thần biển nói kệ báo cho biết rằng:
Ông thật sự là một Tỳ kheo,
Thật sự là người hành khổ hạnh,
Tên gọi của ông là Sa môn,
Ông thật xứng với tên gọi ấy.
Bởi vì lực công đức của ông,
Chúng bạn và tài sản quý báu,
Được tránh khỏi tai nạn biển khơi,
Tất cả yên ổn thoát ra được.
Ông nói lời thệ nguyện kiên cố,
Cung kính thuận theo lời pháp dạy,
Ông là người vô cùng tốt đẹp,
Có thể trừ bỏ mọi hoạn nạn.
Nay tôi phải nói như thế nào,
Mà không ủng hộ nhiều hơn nữa,
Thấy chân lý luôn luôn trì giới,
Việc này không lấy làm khó khăn.
Phàm phu không phá hủy cấm giới,
Đây mới gọi là điều hiếm có,
Tỳ kheo ở cảnh giới yên ổn,
Thanh tịnh tự mình luôn cẩn thận.
Có thể không hủy phạm cấm giới,
Đây cũng chưa lấy làm khó khăn,
Chưa đạt được dấu tích của đạo,
Ở nơi chốn vô cùng sợ hãi,
Bỏ tính mạng yêu quý của mình,
Hộ trì giới pháp Phật đã dạy,
Khó làm mà có thể làm được,
Đây thật sự là hiếm có nhất.”
Lại trong luận nói: “Xưa tôi từng nghe: Có một Tỳ kheo, theo thứ tự khất thực, đến nhà người thợ xâu chuỗi ngọc đứng ở ngoài cổng. Lúc ấy người thợ làm ngọc châu kia đang xâu chuỗi ngọc ma ni cho Quốc Vương, Tỳ kheo mặc y đỏ đi đến chiếu vào ngọc châu ấy làm cho ngọc châu có màu sắc đỏ hồng. Người thợ xâu chuỗi ngọc ấy, liền đi vào nhà lấy cơm cho Tỳ kheo. Lúc ấy có một con ngỗng thấy ngọc châu màu đỏ, hình dạng giống như miếng thịt, liền nuốt chửng viên ngọc. Người thợ xâu chuỗi ngọc mang cơm để bố thí Tỳ kheo, lát sau tìm viên ngọc không biết nằm ở đâu. Viên ngọc này giá trị rất đắt, người thợ xâu chuỗi ngọc nghèo khó vội vàng nói với Tỳ kheo rằng: Có thấy viên ngọc của tôi chăng? Tỳ kheo sợ rằng sẽ giết con ngỗng mà lấy viên ngọc, nên tìm cách tránh được tai họa ấy, liền nói kệ rằng:
Nay tôi giữ mạng sống người khác,
Thân phận chịu khổ não vô cùng,
Lại không có phương tiện nào khác,
Chỉ dùng tính mạng thay điều ấy.
Nếu nói người khác lấy mang đi,
Lời này lại không thể thích hợp,
Nói tự mình có thể không sai,
Không nên gây ra lời giả dối.
Nay tôi xả bỏ thân mạng này,
Là vì mạng sống con ngỗng ấy,
Vốn là duyên tôi giữ gìn giới,
Nhân đó có thể thành giải thoát.
Lúc bấy giờ người thợ xâu chuỗi ngọc tuy nghe kệ này, nhưng nói với Tỳ kheo rằng: Nếu không thấy trả lại thì ông chỉ có nậhn chịu khổ đau, dứt khoát không bỏ qua cho nhau được. Tỳ kheo liền nhìn về bốn phía không nơi nào có thể cậy nhờ, như hươu vào vòng vây không biết hướng về nơi nào, Tỳ kheo không có ai cứu giúp cũng lại như vậy. Lúc bấy giờ Tỳ kheo liền tự mình thu thân hình lại và sửa sang y phục nghiêm trang. Người thợ ấy nói với Tỳ kheo rằng: nay ông cùng với tôi đánh nhau chăng? Tỳ kheo đáp rằng: Không cùng với ông đánh nhau đâu, tội tự mình cùng với kiết sử đánh nhau. Lại nói kệ rằng:
Lúc tôi xả bỏ thân mạng này,
Rơi xuống đất giống như củi khô,
Nên khiến cho người nói tốt đẹp,
Vì con ngỗng có thể xả thân.
Cũng khiến cho người ở đời sau,
Đều sinh ra buồn lo khổ não,
Mà xả bỏ như thân mạng này,
Người nghe khuyến khích nhau tinh tiến.
Tu hành hướng về đạo chân thật,
Kiên quyết giữ gìn những giới cấm,
Có ai đã hủy phạm giới cấm,
Nguyện vui lòng đối với trì giới.
Lúc ấy người thợ xâu chuỗi ngọc liền tiến hành đánh bằng gậy, bởi vì hai tay và đầu kẹp lại đều bị trói chặt, quay nhìn bốn phía không biết nói cùng ai, bèn dấy lên nghĩ rằng: Sinh tử nhận chịu đau khổ đều phải như vậy. Lại nói kệ rằng:
Tôi ở trong đời kiếp quá khứ,
Dâm dục-trộm cắp bỏ thân mạng,
Như vậy không thể nào tính kể,
Hươu dê và các loài súc vật,
Bỏ thân mạng không thể kể hết,
Lúc ấy chịu khổ không được gì,
Vì giới mà xả bỏ thân mạng,
Hơn hẳn đối với phá cấm giới.
Giả sử muốn tự mình ủng hộ,
Có thể đi đến nơi hủy diệt,
Không bằng vì giữ gìn giới cấm,
Để bảo vệ thân mạng của người.
Xả bỏ thân mạng mong manh này,
Để giữ lấy mạng căn giải thoát,
Tội mặc vào chiếc y hoại sắc,
Khất thực để duy trì sự nghiệp.
Cư trú ở dưới tán cây xanh,
Bởi vì những nhân duyên thế nào,
Mà phải làm hạng người trộm cắp,
Ông nên tự mình khéo quán sát!
Lúc bấy giờ người thợ xâu chuỗi ngọc nói với Tỳ kheo rằng: Cần gì phải nhiều lời! Liền trói buộc thêm nữa, lại đánh đập nhiều hơn, dùng dây thừng xiết chặt tai mắt mũi miệng mọi nơi đều chảy máu. Lúc ấy con ngỗng kia liền đến ăn máu, người thợ xâu chuỗi giận giữ đánh con ngỗng chết tươi. Tỳ kheo hỏi rằng: Con ngỗng này sống hay chết? Người thợ xâu chuỗi ngọc đáp rằng: Con ngỗng nay sống hay chết, đâu đủ để hỏi nguyên nhân! Lúc ấy Tỳ kheo kia liền hướng về nơi con ngỗng, thấy con ngỗng đã dhết mà rơi nước mắt không vui. Liền hướng về cong ngỗng nói kệ rằng:
Tôi nhận chịu những nỗi khổ não,
Mong cho con ngỗng này được sống,
Nay mạng sống tôi chưa chấm dứt,
Cong ngỗng chết ở trước mắt tôi.
Tôi mong bảo vệ mạng của ông,
Nhận chịu khổ đau cùng cực này,
Ý gì ông đã vội chết trước,
Quả báo của tôi không thành tựu,?
Người thợ xâu chuỗi ngọc hỏi Tỳ kheo rằng: Cong ngỗng này đối với ông cuối cùng là thân thuộc thế nào mà lại ưu sầu khổ não đến mức như vậy? Tỳ kheo đáp rằng: Không thỏa mãn tâm nguyện của tôi cho nên không vui. Người thợ xâu chuỗi ngọc hỏi rằng: Muốn thực hiện tâm 30 nguyện gì? Tỳ kheo dùng kệ đáp rằng:
Bồ tát ở thời kiếp xưa kia,
Xả thân để cứu chim bồ câu,
Tôi cũng dấy lên ý như vậy,
Bỏ mạng muốn thế cho con ngỗng.
Tôi đạt được tâm tốt đẹ nhất,
Muốn bảo vệ mạng con ngỗng này,
Tồn tại lâu dài thường yên vui,
Bởi vì ông giết chết con ngỗng,
Cho nên tâm nguyện không thỏa mãn.
Lúc bấy giờ Tỳ kheo lại nói đầy đủ sự việc rồi, người thợ xâu chuỗi ngọc lập tức mỗ bụng con ngỗng mà trở lại tìm được viên ngọc. Đã trông thấy viên ngọc tồi lại cất tiếng gào khóc, nói với Tỳ kheo rằng: Ông bảo vệ mạng sống con ngỗng không tiếc gì thân mạng, khiến cho tôi tạo ra điều phi pháp như vậy. Liền nói kệ rằng:
Ông cất giấu việc làm công đức,
Giống như bụi tro che ngọn lửa,
Bởi vì tôi ngu dốt si mê,
Cho nên đốt cháy mấy trăm thân.
Ông đối với Phật nêu rõ tướng,
Đạt tới điểm cao thật tương xứng,
Bởi vì tôi ngu dốt si mê,
Không có thể khéo léo quán sát.
Bị lửa ngu si đã thiêu đốt,
Nguyện trước mắt tạm thời dừng lại,
Lắng nghe tôi sám hối đôi lời,
Giống như người trượt chân ngã nhào.
Dựa vào đất cũng được đứng lên,
Nam mô bậc tu hành thanh tịnh,
Nam mô bậc kiên quyết trì giới,
Gặp phải khổ nạn cùng cực này.
Không làm hủy hoại thiếu công hạnh,
Không gặp phải việc ác như vậy,
Trì giới không phải là hiếm có,
Cần phải nhận chịu nỗi khổ này.
Người có năng lực trì cấm giới,
Như vậy thì gọi là khó khăn,
Vì con ngỗng tự thân chịu khổ,
Không hủy phạm đối với giới cấm.
Sự việc này quả thật khó có,
Lời sám hối đã kết thcú rồi,
Liền thả cho Tỳ kheo trở về.”
Còn trong luận Đại Trang Nghiêm nói: “Có các Tỳ kheo, đi giữa đồng hoang trống trải, bị bọn giặc đánh cướp, lột hết áo quần. Lúc ấy đám giặc cướp này sợ các Tỳ kheo đi đến nói cho người trong thôn xóm biết, tất cả sẽ bị giết chết. Trong đám giặc cướp có một người trước kia từng xuất gia, nói với đồng bọn rằng: Tại sao bây giờ muốn giết chết tất cả, pháp của Tỳ kheo không được làm hại cỏ cây, nay lấy dây cỏ trói các Tỳ kheo, họ sợ làm hại cho nên cuối cùng không thể nào chạy đến bốn phía mà tố cáo được. Bọn giặc liền dùng dây cỏ mà trói buộc nạn nhân bỏ lại đó mà đi. Các Tỳ kheo đã bị dây cỏ trói buộc, sợ rằng phạm vào giới cấm không được kéo dứt, thân thể không còn áo quần bị mặt trời thiêu đốt, ruồi muỗi sâu kiến bu lại cắn chích, từ sáng sớm bị trói cho đến chiều tối. Chuyển sang lúc mặt trời lặn thì tối tăm mù mịt, cầm thú đi đêm chạy qua chạy lại gầm gừ dữ tợn, thật đáng kinh sợ. Có Tỳ kheo lớn tuổi nói với các Tỳ kheo nhỏ tuổi, dùng kệ khuyên nhắc rằng:
Nếu như người nào có trí tuệ,
Có thể kiên quyết giữ giới cấm,
Cần cảnh giới trời người Niết bàn,
Xứng ý mà đạt được mong cầu.
Tên gọi khắp nơi đều nghe biết,
Tất cả đều cung kính cúng dường,
Chắc chắn được niềm vui trời người,
Cũng đạt được quả vị giải thoát.
Xưa có Long Vương Y La Bát,
Bởi vì đã hủy phạm cấm giới,
Làm tổn thương lá cây Y La,
Mạng chung sanh vào trong loài rồng.
Chư Phật đều không thể thọ ký,
Lúc kẻ ấy được thoát loài rồng,
Luôn luôn kiên quyết giữ giới cấm,
Việc này thật là rất khó khăn.
Tướng của giới thật sự rất nhiều,
Phân biệt rõ ràng rất khó,
Như rừng gươm gai gốc rậm rịt,
Vào trong đó tổn hại biết bao.
Ngu si hèn yếu không chịu nổi, Hộ trì cấm giới cũng như vậy.
Các Tỳ kheo này bị nỗi khốn khổ bức bách, không thể nào co duỗi và cử động được, sợ rằng làm hại mạng sống cỏ cây, chỉ nên giữ giới cấm đến chết không phạm, liền nói kệ rằng:
Chúng tôi từ xưa kia đến nay,
Tạo ra nhiều nghiệp chướng xấu xa,
Hoặc được sanh vào giữa loài người,
Trộm cắp-dâm với vợ người ta,
Gặp luật pháp xử phật tội chết,
Tính ra không thể nào kể hết,
Lại nhận chịu khổ đau địa ngục,
Như vậy cũng khó mà tính kể.
Hoặc nhận chịu thân hình súc sanh,
Bò ngựa trâu dê gà heo chó,
Hươu nai cùng các loài cầm thú,
Bị người ta giết hại tan thân,
Thân mạng mất đi không kể xiết,
Chưa từng có mảy may lợi ích.
Chúng tôi quay về từ hôm nay,
Vốn là vì giữ gìn Thánh giới,
Xả bỏ thân mạng bé nhỏ này,
Chắc chắn được lợi ích to lớn.
Chúng tôi nay gặp phải nguy ách,
Thế nào cũng xả bỏ thân mạng,
Nếu thích hợp sau khi mạng chung,
Sanh cõi trởi hưởng được vui sướng.
Nếu phá hủy phạm vào giới cấm,
Hiện tại tiếng xấu ác vang xa,
Bị mọi người coi khinh ghét bỏ,
Mạng chung rơi vào đường ác hiểm.
Nay đang cùng nhau lập lời thề,
Ở tại nơi này đến mất mạng,
Giả sử ánh sáng mặt trời ấy,
Thiêu đốt cháy khô thân mạng mình,
Chúng tôi cần phải giữ Phật giới,
Dứt khoát không để cho hủy phạm.
Giả sử gặp những loài ác thú,
Vồ xé tay chân thể mình,
Dứt khoát không dám để hủy phạm,
Giới cấm của sư tử họ Thích,
Chúng tôi thà giữ giới mà chết,
Không bằng lòng phạm giới mà sống!
Các Tỳ kheo cùng nghe Tỳ kheo lớn tuổi nói kệ này rồi, đều giữ thẳng thân mình không cử động nhúc nhích, ví như cây lớn trong lúc không có gió thì cành lá không hề lay động. Lúc ấy Quốc Vương kia gặp dịp ra ngoài săn bắn, dần dần đi qua mọi nơi đến chỗ các Tỳ kheo bị trói. Nhà vua từ xa trông thấy nên tâm sinh ra nghi hoặc, nói đó là những kẻ Ni Kiền Tử tu hạnh lõa thể, liền sai người đến xem thử thế nào. Các Tỳ kheo đều hết sức xấu hổ, tìm cách che đậy thân thể, khiến cho người của vua biết đích xác là Sa môn Thích tử. Vì sao biết được? Bởi vì vai bên phải đen sạm. Liền trở lại trình bày rằng: thưa Đại Vương! Họ là Sa môn, không phải là Ni Kiền Tử. Liền nói kệ rằng:
Đại Vương nay cần phải biết rằng:
Họ là những người bị giặc cướp,
Xấu hổ vì dây cỏ trói thâna
Như móc sắt kềm chế voi lớn.
Lúc ấy Đại Vương nghe chuyện này rồi, hết sức nghi ngờ cảm thấy quái lạ, lặng lẽ dấy lên nghĩ rằng: nay ta nên đến nơi các Tỳ kheo kia. Dấy lên suy nghĩ vậy rồi, liền nói kệ rằng:
Cỏ xanh dùng để trói tay chân,
Giống như đôi cánh chim Anh Vũ,
Lại như con dê cúng trời đất,
Không cử động cũng không nhúc nhích.
Tuy biết rằng ở nơi hiễm nạn,
Mà lặng lẽ không hại cỏ cây,
Như rừng bị ngọn lửa đốt cháy,
Trâu đen vì chiếc đuôi mà chết.
Nói kệ này xong, đi đến chỗ ấy, dùng kệ hỏi rằng:
Thân thể rất mạnh khỏe trẻ trưng,
Không bệnh tật tựa như có sức,
Bởi vì nhân duyên như thế nào,
Dây cỏ trói không hề nhúc nhích?
Các ông lẽ nào không tự biết,
Thân mình có sức lực hay sao?
Bị bùa chú làm cho mê hoặc,
Hay là thực hành khổ hạnh chăng?
Hay tự mình chán ngán thân này,
Nguyện mau chóng nói rõ ý mình!
Ngay sau đó các Tỳ kheo, dùng kệ trả lời nhà vua rằng:
Bởi vì giữ gìn các giới cấm,
Không dám kéo làm cho dứt đoạn,
Đức Phật dạy các loại cỏ cây,
Đều là nơi ở của quỷ thần.
Chúng tôi không dám trái lời dạy,
Vì vậy không thể nào cắt đứt,
Giống như trong nơi chốn cầu nguyện,
Vẽ rắn làm thành những cảnh giới,
Bởi vì năng lực của thần chú,
Mà rắn độc không dám vượt qua,
Đức Mâu Ni vẽ ra cảnh giới,
Chúng tôi không dám vượt qua được,
Chúng tôi tuy giữ gìn thân mạng,
Nhưng biết rằng thuộc về hủy diệt,
Nguyện cầu vì trì giới mà chết,
Dứt khoát không phạm giới mà sống.
Có đức cùng với không có đức,
Đều xả bỏ thọ mạng như nhau,
Có đức sẽ giữ lại tuệ mạng,
Cũng mất luôn danh dự của mình,
Chúng tôi đều là những Sa môn,
Lấy trì giới làm thành sức mạnh.
Đối với giới là ruộng tốt lành,
Luôn luôn sinh ra mọi công đức,
Là bậc thang sanh lên cõi trời,
Là hạt giống danh tiếng tuyệt vời,
Là bến bờ đạt đến Thánh quả,
Là đầu và mắt những lợi ích,
Người nào có được trí tuệ ấy,
Muốn làm hỏng bình đức của giới?
Lúc bấy giờ Quốc Vương nghe nói kệ xong, tâm vô cùng hoan hỷ, liền giúp các Tỳ kheo cởi dây cỏ trói buộc thân thể, mà nói kệ rằng:
Lành thay người kiên quyết giữ gìn,
Giới pháp của sư tử họ Thích,
Thà xả bỏ thân mạng của mình,
Bảo vệ pháp không làm hủy phạm.
Nay ta cũng quay về vâng mạng,
Đại pháp biểu hiện rõ như vậy,
Quy y lìa xa mọi nhiệt não,
Đức mâu Ni giải thoát tuyệt vời,
Người kiên quyết giữ gìn cấm giới,
Nay Ta cũng quay về vâng mạng.”
Nhân duyên cảm ứng.
Sơ lược dẫn ra hai chuyện: Sa môn Thích Pháp Thông thời nhà Lương; Sa môn Thích Pháp Cung thời nhà Tùy.
1. Thời Hậu Lương có Sa môn Thích Pháp Thông ở chùa Cảnh Không phía Nam vùng Tương Dương, là người vùng Tân Được- Nam Dương, thông minh chính trực tuyệt vời, tánh tình trong sáng như ngọc, rau lá đều thỏa mãn không mong cầu cơm nước gì thêm. Bởi vì đến suối Bạch mã ở núi Tản Cái vùng Tương Dương, làm thất vuông vức mỗi bề một trượng, dùng làm chỗ ở cho tâm nghĩ ngơi, đi vào hai hang núi bố trí căn nhà vắng vẻ thâm u. Nay người đến núi hãy còn nhận biết nền cũ của căn nhà.
Đầu thời nhà Lương, Tấn An Vương theo tin đồn đến hỏi, sắp đến thiền thất ngựa cưỡi đi theo nhau, vô cớ rút lui, Vương xấu hổ mà quay về. Đêm cảm thấy ác mộng. Sau lại tiếp tục đến, ngựa rút lui như cũ. Vương bèn trai tịnh dốc lòng tự mình cung kính, mới có thể tiến hành gặp gỡ. Ban đầu đến bên chùa, chỉ nhìn thấy cả hang núi toàn là lửa dữ, đứng nhìn rất lâu bỗng nhiên biến thành nước, dừng lại một lát ngước nhìn, lúc ấy nước không còn mà căn nhà hiện rõ ra, đem sự việc hỏi han thế nào, mới biết lúc bấy giờ nhập trong định Thủy-Hỏa. Trong căn nhà ở hai bên giường dây nơi chỗ ngồi, mỗi bên có một con hổ. Vương không dám đi vào, Pháp Thông bèn đưa tay ấn đầu xuống sát đất, bịt hai mắt lại rồi gọi Vương khiến tiến lên, mới có thể tiến hành lễ lạy. Nhân đó bày tỏ ở trong khu vực có nhiều hổ dữ gây ra tai họa, thỉnh cầu Pháp Thông cứu giúp. Pháp Thông liền nhập định, chốc lát có mười bảy con hổ to lớn đi đến thì cho thọ tam quy y giới, ra lệnh đừng xâm phạm bừa bãi đến dân chúng. Lại lệnh cho đệ tử, lấy vải buộc vào cổ các con hổ, đủ bảy ngày rồi hãy đến chỗ này. Vương đến ngày hẹn thiết trai quy tụ mọi người, những con hổ cũng đến, liền cho ăn uống rồi cởi tấm vải, thế là không còn làm hại. Ngày đó dẫn Vương đến suối Bạch Mã, trong suối có con rùa trắng, đến lấy thức ăn trong tay Pháp Thông, Pháp Thông nói với Vương rằng: Đây là con rồng đực. Lại đến dòng suối Linh. Có con cá chép năm màu, cũng đến ăn trong tay, nói đây là con rồng cái. Vương cùng các quan tấm tắc ca ngợi sự việc ấy, bố thí rất nhiều rồi mới trở về. Có mấy chục người tùy tùng khỏe mạnh rất hung dữ, đến đêm muốn cướp lấy đồ vật đã bố thí, gặp phải hổ gầm gừ ngăn chặn đường đi, lại trông thấy người to lớn đứng dựa vào thiền thất, bên cạnh có cây tùng cao chỉ đến đầ gối, cầm chày Kim cang sắp có sự canh giữ, suốt đem quanh quẩn đến trưa mời trở về. Vương cảm thấy quái lạ về điều ấy mới đem sự việc thú tội. Tức thì dâng biểu tâu bày những điều thấy nghe.
Lúc đầu Pháp Thông ở thiền đường, thường có con hươu trắng-con chim tước trắng thuần phục ở lại bên cạnh. Đi đến mọi nơi lấy Từ Bi cứu giúp làm trước tiên. Nhân thấy người làm nghề giết mổ đuổi hơn một trăm con heo, Pháp Thông ba lần nói rằng: Giải thoát Thủ Lăng Nghiêm. Bầy heo liền đứt dây chạy tản ra. Những người giết mổ rất tức giận, vì sự việc mà muốn ra tay, nhưng đều đứng sừng sững không nhúc nhích. Liền quay lại hối hận về sai lầm của mình, nhờ đó đoạn tuyệt nghiệp giết hại. Lại ở vùng Hán Thủy gặp người đánh cá kéolưới, như trước nói to ba lần, kéo lưới không được, mới quy tâm kính phục mang lưới không cầu mưa, người đi cầu thỉnh trở về thì trời trút mưa lớn, ao hồ đều tràn đầy. Sau qua đời tại chùa Thiên Cung ở giang Lăng, tức là vào niên hiệu Lương Thái Sơ. Chùa ấy hiện có bia ký để lại.
2. Đời nhà Tùy có Sa môn Thích Pháp Sung ơ chùa Hóa Thành vùng Lư Sơn-Giang Châu, người quê Cửu Giang-họ Tất. Thường tụng Pháp Hoa và Đại Phẩm, cuối đời ở tại chùa Hóa Thành giữa lưng chừng đỉnh Lư Sơn tu định. Tự mình không phải là Tăng sự thì không hẳn yên tâm thực hiện. Thường khuyên nhủ Tăng chúng không để cho đàn bà con gái bước vào chùa, trên thì làm tổn hại sự giáo hóa của Phật-dưới thì rơi vào tin đồn thất thiệt của thế gian. Nhưng bởi vì cơ sở sự nghiệp của chùa rất quan trọng cho nên có người không thuận theo. Pháp Sung than rằng: Sanh ra không được gặp Phật đã là tội duyên, chánh giáo không thực hành hợp với chính nghĩa và lợi ích chung thì cần phải chết sớm, là gì nơi chốn mà không tôn trọng giới pháp ư? Liền hướng về đỉnh Hương Lư ở núi này, tự lao mình xuống, thề tan xương nát thịt, để sanh về Tịnh Độ. Liền ở giữa hư không mà đầu bỗng nhiên quay ngược lên phía trên, từ từ mà hạ xuống ở vào hang sâu, không tổn hại mảy may. Chúng trong chùa không biết. Sau có người theo đường lên trên đỉnh nui nhìn xuống phía dưới, cách xa hơn ngàn Nhẫn (một Nhẫn bằng thước) nghe có tiếng người nói, bèn đi đến tìm kiếm, chính là Pháp Sung. Thân mạng vẫn còn miệng tụng như xưa. Đón về đến chùa, Tăng chúng cảm động hết mức trước lời khuyên nhắc để đoạn tuyệt đàn bà con gái. Trải qua sáu năm mới từ giã cõi đời. Lúc ấy là mùa hè nóng bức mà thi thể không thối rữa, bấy giờ đang vào năm cuối của niên hiệu Khai Hoàng nhà Tùy.
(Hai chuyện tên đây trích từ Đường Cao Tăng Truyện.)
Phần thứ ba: NHẪN NHỤC
Phần này có bốn mục tách biệt: Thuật ý, Khuyến nhẫn, Nhẫn đức, Dẫn chứng.
Thứ nhất: Thuật Ý
Đã từng nghe: Nhẫn nhục là đức cao quý ở bậc cao nhất, trì giới khổ hạnh vốn không thể nào sánh kịp. Vì vậy Tỳ kheo Sạn Đề, bị hành phạt tàn bạo mà không hận; Tiên nhân Nhẫn nhục, chịu cắt xẻ thân thể mà không sân. Vả lại, đạo lý Từ Bi, cứu giúp vươn lên làm trước hết; lòng dạ Bồ tát, thương xót đau buồn làm công dụng. Thường xuyên thận theo đi qua tất cả địa ngục chịu đau khổ thay cho chúng sinh, hóa đọ hết thảy chúng sinh ban cho mọi điều yên vui, lẽ nào để cho một chút đụng chạm phiền muộn mà lại sinh ra bao điều sân hận? Thậm chí ánh mắt dữ dằn phát ra tiếng nói bằng nhan sắc nghiêm ngặt đau thương, tức thì đánh đập lẫn nhau tiện tay dùng thêm gậy gộc. Hoặc là cha con-anh em tự mình làm tổn hại lẫn nhau, bạn bè-quyến thuộc trở lại thay đổi làm hại nhau. Tàn ác phản ngịch còn hơn loài diều hâu, ngầm chứa hiểm độc vượt quá loài ong dữ. Vì lẽ đó qua bao đời kiếp oán thù chồng chất, đời đời tăng thêm không chấm dựt được.
Thứ hai: Khuyến Nhẫn.
Như kinh Bồ tát Tạng nói: “Người nóng giận thì tự mình làm tổn hại thiện căn tích tập được qua trăm ngàn đại kiếp một cách nhanh chóng, nếu các thiện căn bị nóng giận làm hại rồi, lại cần phải trải qua trăm ngàn đại kiếp mới bắt đầu chịu khó chịu khổ tu hành Thánh đạo. Nếu là người như vậy, thì A nậu Bồ đề rất khó có thể đạt được. Vì vậy mình nên khoát giáp nhẫn nhục, dùng sức mạnh kiên cố phá tan quân giặc nóng giận. Này Xá Lợi Tử! Nay Ta sẽ vì ông nói rộng về điều ấy. Ta nhớ thời quá khứ, làm một đại Tiên Nhân, tên gọi Tu Hành Xứ. Lúc ấy có ác ma, hóa làm năm trăm người đàn ông giỏi mắng chửi, luôn luôn tìm theo ta gây ra những điều mắng chửi tệ hại, ngày đêm qua lại đi đứng ngồi nằm trong Tăng phòng-tịnh thất-làng xóm hay nhà thế tục, hoặc tại ngõ phố, hoặc nơi vắng vẻ, hễ Ta đứng hay ngồi, thì các hóa ma dùng lời thô ác mắng chửi phỉ báng phát tháo chỉ trích, suốt năm trăm năm chưa hề dừng bỏ. Này Xá Lợi Tử! Ta tự nhớ lại xưa kia trong năm trăm năm bị các ác ma chỉ trích phỉ báng, mà chưa hề đối với chúng Tăng khởi tâm sân hận nhỏ bé nhất, luôn luôn dấy lên Từ Bi cứu giúp dùng để quán sát.”
Còn trong Thành Thật Luận nói: “Ác khẩu mắng chửi làm nhục thì người bình thường không chịu được giống như chim gặp cơn mưa đá, ác khẩu mắng chửi làm nhục thì người bề trên có thể nhận chịu giống như voi gặp cơn mưa hoa. Hành giả luôn luôn quán xét nhân duyên đầu đuôi của người trước mặt, hoặc ở quá khứ làm cha mẹ nuôi dạy thân mình, không trốn tránh mọi điều tội-phước, chưa hề báo ân, đâu cần phải dấy lên tức giận? Hoặc làm anh em vợ con quyến thuộc, hoặc là Thánh nhân xưa làm bạn tốt, phàm tình không nhận biết đâu cần phải vội vàng phỉ báng làm gì?
Còn trong Nhiếp Luận nói: “Dực vào quán xét năm nghĩa để loại trừ nóng giận: 1. Quán xét tất cả chúng sinh, từ vô thỉ đến nay có ân đối với mình; 2. Quán xét tất cả chúng sinh, luôn luôn hoại diệt trong từng ý niệm, người nào có thể làm hại và người nào bị làm hại; 3. Quán xét chỉ có chứ không có chúng sinh, có gì có thể làm hại và bị làm hại; 4. Quán xét tất cả chúng sinh đều tự mình nhận chịu đau khổ, tại sao lại muốn làm cho đau khổ thêm; 5. Quán xét tất cả chúng sinh đều là con cái của mình, tại sao ở trong đó muốn làm cho phát sinh tổn hại? Nhờ vào năm sự quán xét này cho nên có thể diệt trừ nóng giận.”
Còn trong kinh Báo Ân nói: “Giả sử vòng sắt nóng xoay tròn ở trên đầu mình, vẫn dứt khoát không vì nỗi khổ này mà phát ra tâm niệm xấu ác.”
Trong Thành Thật Luận nói: “Người thực hành tâm Từ, ngủ an lành-thức an lành, không thấy ác mộng, trời che chở-người mến yêu, không gặp hiểm độc-không gặp chiến tranh, không gặp nạn nước-nạn lửa”
Còn trong Tứ Phần Luật có kệ rằng:
Nhẫn nhục là đạo lý bậc nhất,
Đức Phật dạy vô vi là nhất,
Xuất gia làm phiền lòng người khác,
Không xứng để gọi là Sa môn.
Còn trong kinh Di Giáo nói: “Người có thể thực hành nhẫn nhục, mới có thể gọi là người bậc trên có sức mạnh.”
Lại trong kinh nói: “Thấy lỗi của người thì miệng không được nói, bản thân mình có điều sai trái thì cần phải bày tỏ rõ ràng.”
Còn trong sách nói: “Nghe lỗi của người giống như nghe tên gọi của cha mẹ, tai có thể được nghe nhưng miệng không được nói.”
Lại trong kinh nói: “Ca ngợi điều thiện của người chứ không nói điều tốt của mình.”
Còn trong sách nói: “Quân tử nêu cao cái đẹp của người mà không khoe điều thiện của mình.”
Lại trong Kinh nói: “bố thí không mong người ta đền đáp, nếu được người khác ban ân dù chỉ là bé nhỏ nhưng đều hướng về cầu nguyện và hổ thẹn tôn trọng tiếp nhận.”
Còn trong sách nói: “Công tử có đức đối với người ta, mong rằng Công từ hãy quên. Người ta có đức đối với Công tử, mong rằng Công tử đừng quên.”
Lại nói: “Giúp cho người ta cẩn thận đừng nhớ, nhận của bố thí cẩn thận đừng quên.”
Lại trong kinh nói: “Tha thứ mình có thể làm ví dụ, đừng giết hại đừng dùng roi gậy.”
Còn trong sách nói: “Điều mình không muốn đừng gây ra cho người.”
Nên biết rằng nội giáo thì căn bản đều giống nhau, tuy biểu hiện ra có trắng đen khác, nhưng mà lập hạnh không hề khác biệt. Nếu trái với ý nghĩa này thì giống như dung tục nào y theo nội giáo hay ngoại giáo?
Như trong kinh nói: “Đức Phật vì chúng sinh thuyết pháp để đoạn trừ vô minh tối tăm mê hoặc, giống như thầy thuốc giỏi tùy theo căn bệnh trao cho thuốc, đó gọi là nội giáo.”
Còn trong sách nói: ‘Đạo trời không có thân sơ, chỉ có lòng nhân ái là phát khởi.” Đó gọi là ngoại giáo. Nhưng, nếu người xuất gia luôn luôn quán xét khổ-không-vô thường-vô ngã, chán ngán lìa xa sanh tử quyết chí cầu pháp xuất thế, đây là dựa theo nội giáo. Nếu trái với công hạnh này thì ngược lại trở thành ngoại giáo thế tục. Người tại gia nếu có thể chán ngán từ bỏ tình ý thế tục vui thích mong cầu chí hướng cao xa, dốc lòng tôn sùng Tam bảo-tu tập giữ gìn Tứ Đức, vâng mạng thực hành hiếu đễ-nhân nghĩa-lễ trí-trinh hòa-ái kính, luôn luôn thực hành công hạnh này, thì trái lại cùng là nội giáo. Nếu trái với ý nghĩa này thì cũng giống như ngoại đạo. Người ở đời thường, có thể thuận theo nội giáo, thì hiểu rõ chân lý mà tâm thường hợp với đạo, dần dần tiến vào con đường tốt đẹp đến nơi chốn Bồ đề. Đã biết như vậy, muốn thực hành công hạnh này, chỉ cần phải tự mình nhún nhường, nhường đức cho người ta, như cái khăn lau bụi, nhận lấy dơ bẩn về mình, giữ gìn sự sạch sẽ cho người. Vì vậy trong kinh nói: “Lùi lại mà đạt được ấy là Phật đạo.”
Do đó trong sách xưa nói: “Quân tử nhường lại mà đạt được thì điều ấy vốn là hợp với chính nghĩa và lợi ích chung, luôn luôn cần phải tiến lên gánh vác mọi việc của người khác, luôn luôn cần phải nghiêm khắc với chính bản thân mình.”
Thứ ba: Nhẫn Đức.
Như kinh Đại Bảo Tích nói: “Thứ ba là nhẫn nhục, có mười điều: 1. Không quán xét đối với tướng của Ngã và Ngã sở; 2. không nghĩ đến dòng họ chủng loại; 3. Phá trừ kiêu căng ngạo mạn; 4. Điều ác xảy ra không đáp trả; 5. Quá xét nghĩ đến vô thường; 6. Tu dưỡng hướng về Từ Bi; 7. Tâm không buông thả tùy tiện; 8. Xả bỏ mọi điều như đói khát khổ vui; 9. Đoạn trừ nóng giận; 10. Tu tập trí tuệ. Nếu như người có thể thành tựu mười điều như vậy, nên biết rằng người này có năng lực tu tập công hạnh nhẫn nhục.”
Còn trong kinh Nguyệt Đăng Tam Muội nói: “Đức Phật dạy: Nếu có Bồ tát an trú trong hạnh Từ Nhẫn, thì phát sinh mười loại lợi ích. Những gì là mười loại? Đó là: 1. Lửa không thể nào đốt cháy; 2. Dao không thể nào cắt đứt; 3. Độc không thể nào hại được; 4. Nước không thể nào cuốn trôi; 5. Được loài Phi nhân bảo vệ; 6. Cảm được thân tướng trang nghiêm; 7. Bịt chặt các đường ác; 8. Tùy theo những ưa thích sanh đến cõi Phạm Thiên; 9. Ngày đêm thường được yên lành; 10. Thân mình không xa rời vui sướng.”
Còn trong kinh Tư Ha Tam Muội nói: “Đức Phật dạy: Nhẫn nhục có sáu điều, đạt được Nhất thiết trí. những gì là sáu điều? Đó là: 1. Cảm được thân lực; 2. Cảm được khẩu lực; 3. Cảm được ý lực; 4. Cảm được thần túc lực; 5. Cảm được đạo lực; 6.Cảm được tuệ lực.”
Còn trong kinh Lục Độ Tập nói: “Lại có bốn loại nhẫn nhục đầy đủ trí tuệ. Những gì là bốn loại? Đó là: 1. Vào lúc cầu pháp nhẫn nhục trước sự mắng nhiếc tệ hại của người ta; 2. Vào lúc cầu pháp không trốn tránh đói khát lạnh nóng gió mưa; 3. Vào lúc cầu pháp tùy thuận công hạnh của Hòa thượng A xà lê; 4. Vào lúc cầu pháp có năng lực nhẫn nại đối với Không-Vô tướng-Vô nguyện.”
Còn trong kinh Tỳ Kheo Tị Nữ Nhân Ác Danh có kệ rằng:
Tuy nghe nhiều tai tiếng xấu xa,
Nhưng người khổ hạnh nén chịu đựng,
Không thuận theo khổ tự nói ra,
Cũng không thuận theo sinh phiền muộn.
Người nghe tiếng tăm mà sợ hãi,
Đây là loài thú trong rừng sâu,
Là chúng sinh dễ dàng nóng nảy,
Không thành tựu giáo pháp xuất gia.
Người nhân ái có thể chịu được,
Tai tiếng xấu xa thấp-vừa-cao,
Người giữ tâm an trú vững vàng,
Chính là pháp xuất gia tốt đẹp.
Không nhờ vào người khác nói năng,
Khiến cho ông đạt được La Hán,
Như ông tự biết rõ chính mình,
Chư Thiên cũng tự nhiên biết rõ.”
Thứ tư: Dẫn Chứng.
Như trong Ngũ Phần Luật nói: “Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Vào thời kiếp quá khứ, bên hồ nước A Luyện Nhã có hai con chim nhạn, và một con rùa cùng nhau kết làm bạn thân. Thời gian sau nước hồ khô cạn, hai con chim bèn bàn bạc với nhau rằng: Nay nước hồ này khô cạn, bạn thân chắc chắn chịu nhiều khổ sở. Bàn nhau rồi nói với con rùa rằng: Nước hồ này khô cạn, ông không có cách nào cưu mình, nên ngậm một cành cây, chúng tôi mỗi người ngậm một đầu, mang ông đến nơi có nhiều nước, lúc ngậm cành cây cẩn thận không được nói gì! thế là ngậm chặt cành cây, bay qua thôn xóm, những trẻ thơ trông thấy đều nói to: Chim nhạn ngậm con rùa bay đi, chim nhạn ngậm con rùa bay đi. Con rùa liền nổi giận nói rằng: Đâu phải chuyện của các người. Ngay lập tức tuột mất cành cây, rơi xuống đất mà chết. Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn nhân chuyện này thuyết kệ rằng:
Con người sống giữa đời,
Búa rìu ở trong miệng,
Cho nên chặt đứt thân,
Do mình nói lời ác,
Đáng chê lại khen ngợi,
Đáng khen lại chê trách,
Tự nhận lấy tai họa,
Cuối cùng chẳng vui gì.
Đức Phật dạy con rùa ấy chính là Điều Đạt. Xưa vì lời nói nóng giận khiến cho gặp phải cái chết khổ đau, nay lại giận dữ mắng nhiếc Như Lai mà rơi vào Đại địa ngục.”
Cò trong kinh Pháp Cú Dụ nói: “Xưa kia, lúc La Vân chưa đắc đạo, tâm tánh thô lỗ lời nói thiếu tin tưởng thành thật, Đức Phật bảo với La Vân: Ông đến ở trong tinh xá Hiền Đề, giữ gìn miệng thâu nhiếp ý chịu khó tu tập kinh giới. La Vân vâng theo lời dạy làm lễ mà đi, ở đó chín mươi ngày hổ thẹn tự mình hối hận, ngày đêm không nghỉ. Đức Phật đến xem xét thăm hỏi, La Vân hoan hỷ hướng về phía trước lễ lạy Đức Phật, bày giường dây để Đức Phật ngồi. Đức Phật ngồi trên giường dây, bảo với La Vân rằng: Đem chậu rửa tay đến lấy nước, để cho ta rửa chân. La Vân theo lời dạy lấy nước giúp Đức Phật rửa chân. Rửa chân xong rồi Đức Phật nói với La Vân: Ông thấy nước trong chậu rửa không? La Vân thưa với Đức Phật: Dạ trông thấy như thế. Đức Phật nói với La Vân: Nước này có thể dùng để ăn uống được không? La Vân thưa rằng: Không thể dùng được nữa, nguyên cớ do đâu? Bởi vì nước này trước đây thật sự sạch sẽ, nay dùng rửa chân tiếp nhận những bụi bẩn, vì vậy cho nên không thể dùng được nữa. Đức Phật nói với La Vân: Ông cũng như vậy, tuy là con Ta và cháu của Quốc Vương, rời bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý nhất định làm Sa môn, không nghĩ đến sự tinh tiến thâu nhiếp thân giữ gìn miệng, ba độc dơ bẩn chứa đầy lòng dạ, cũng như nước này không thể dùng được nữa. Đức Phật nói với La Vân: Đổ nước trong chậu rửađi. La Vân liền đổ đi. Đức Phật nói với La Vân: Chậu rửa tuy rỗng không mà có thể dùng đựng đồ ăn thức uống được chăng? La Vân thưa với Đức Phật rằng: không thể dùng được nữa, vì sao như vậy? Bởi vì có tên gọi là chậu rửa đã từng tiếp nhận những thứ không sạch sẽ. Đức Phật nói với La Vân: Ông cũng như vậy, tuy là Sa môn nhưng miệng nói không có tin tưởng thành thật, tâm tánh thì cứng cỏi ngang bướng, không nghĩ đến sự tinh tiến, đã từng tiếp nhận tai tiếng xấu xa, cũng như chậu rửa không thích hợp để đựng thức ăn Đức Phật dùng ngón chân đẩy lùi chậu rửa, lập tức quay tròn mà chạy tự nhảy lên rồi rơi xuống, xoay mấy lần nữa mới dừng lại. Đức Phật nói với La Vân: lẽ nào ông tiếc chậu rửa sợ rằng sẽ vở nát chăng? La Vân thưa với Đức Phật: Đồ dùng rửa chân là vật có giá rẻ, trong ý tuy tiếc nhưng không thiết tha lắm. Đức Phật nói với La Vân: Ông cũng như vậy, tuy là Sa môn nhưng không thâu nhiếp thân miệng, nói năng thô lỗ tệ hại đã có nhiều điều làm cho thương tổn, mọi người không yêu quýngười trí không luyến tiếc, đến chết rời xa luân chuyển trong ba đường, tự sinh ra khổ não; vô lượng chư Phật-Hiền Thánh cũng không yêu quý, cũng như ông nói không tiếc cái chậu rửa. La Vân nghe vậy rất hổ thẹn và sợ hãi. Ví như voi ra trận thì hai ngà-hai tai-bốn chân và đuôi có chín người lính đều vây chặt, thì trước tiên cần phải bảo vệ lỗ mũi. Nguyên cớ do đâu? Bởi vì lỗ mũi voi mềm dễ bị tổn thương, bị trúng tên thì chết liền; người phạm vào chín điều ác chỉ nên giữ gìn miệng nói. Vì lẽ đó giữ gìn miệng nói, nên sợ ba đường-mười ác đều phạm vào. Người không giữ gìn miệng nói như voi bị tổn thương lỗ mũi, người phạm vào mười ác không nghĩ đến ba đường hiểm ác đầy cay đắng đau thương.
Liền thuyết kệ rằng:
Ta như voi ra trận,
Không sợ bị trúng tên,
Thường đem lòng tín thành,
Độ người không có giới,
Ví như voi điều phục,
Có thể được vua cởi,
Điều phục thành người quý,
Mới tiếp nhận tín thành.
La Vân nghe lời Đức Phật dạy bảo chân thành thiết tha, cảm kích tự động viên mình ghi nhớ không quên, tinh tiến nhu hòa lòng dạ nhẫn nhục như đất, thức và tưởng vắng lặng liền đạt được quả vị A La Hán.”
Còn trong kinh La Vân Nhẫn Nhục nói: “Lúc bấy giờ La Vân đến khất thực một nhà Bà la môn không có niềm tin, tiếc rẻ không cho, La Vân còn bị đánh vở đầu chảy máu, lại vốc cát bỏ vào trong bát. La Vân âm thầm chịu đựng tâm không chịu đối đáp gì cả, liền ôm bát đến bờ sông rửa sạch đầu và bình bát xong, mà tự nói với mình rằng: Mình tự nhiên đi khất thực, vô cớ gây chuyện ngang ngược với mình, mình đau trong một lát, mà người kia khổ dai dẳng làm sao, giống như gươm sắc cắt đứt xác thối, xác thối không biết đau, chứ không phải là gươm không sắc; lại như cam lồ cõi trời nuôi cho đàn heo kia ăn, đàn heo bỏ mà chạy, không phải là cam lồ không ngon; mình theo lời chân thật của Đức Phật dạy bảo thế gian hung ác ngu si, kẻ hung ác ngu si không chịu suy nghĩ, há không phải như vậy ư? Trở về rồi thưa với Đức Phật, Đức Phật dạy: Kẻ dấy lên ác tâm, là bởi vì suy yếu, khinh bạc người ác, mạng chung vào nữa đêm, sẽ vào trong địa ngục không chọn lựa gì, ngục quỷ làm cho đau khổ, không có ác hiểm nào không nhận chịu, trải qua tám vạn bốn ngàn năm thọ mạng ấy mới chấm dứt, hồn phách thần thức lại chịu thân mãng xà ngậm độc, độc trở lại tự hại mình, thân đó chấm dứt rồi lại bắt đầu, tiếp tục chịu hình hài loài rắn, thường ăn đất cát, vạn năm mới hết. Bởi vì ý nóng giận hướng về người trì giới, cho nên chịu thân hiểm độc; bởi vì lấy cát bỏ vào trong bình bát, cho nên đời đời ăn đất cát mà chết. Tội hết mới được làm người, lúc mẹ mang thai sẽ có bệnh nặng, trong nhà hao tổn từng ngày, con trẻ sinh ra ngu dốt đần độn, cũng không có tay chân, thân thuộc vô cùng kinh sợ, đều nói rằng yêu quái nào đến gây ra điều không tốt, liền đem vứt bỏ ở ngã đường đi, người đi đường qua lại không có ai không ngạc nhiên, tranh nhau dùng gạch đá dao gậy đánh vào đầu, bị đánh vỡ não đau khổ vô cùng trải qua mười ngày mới chết. Sau khi chết linh hồn liền tiếp tục sinh trở lại, nhất định là không có tay chân, ngu dốt đần độn như trước, trải qua năm trăm đời tội nặng mới hết, sau sinh ra làm người thường có căn bệnh đau đầu. Người nào ở giữa cuộ đời không có thể nhẫn chịu, thì nơi sanh ra không gặp được thời đại có Phật, trái giáo pháp xa lìa Tăng, thường ở trong ba đường đau khổ. Nếu có được phước còn lại, được sanh ra làm người, bẩm tính thường ngu si hung ác bạo ngược tự tìm theo mình, làm người xấu xí khó coi bị mọi người căm ghét, đời sống thì nghèo khó Thánh Hiền không giúp đở.”
Còn trong kinh Tạp A Hàm nói: “Lúc bấy giờ Tôn giả Xá Lợi Phất và Đại Mục Kiền Liên, an trú trong núi Kỳ xà Quật, lúc ấy Tôn giả Xá Lợi Phất mới thế phát, thì có quỷ Già Tra và quỷ Ưu Ba Già Tra xuất hiện. Quỷ Ưu Ba Già Tra thấy Tôn giả Xá Lợi Phất mới cạo bỏ râu tác, bèn nói với quỷ Già Tra rằng: Nay tôi sẽ đến đánh vào đầu Sa môn kia. Quỷ Già Tra nói: Ông đừng nói lời như vậy, Sa môn ấy có Đại đức Đại lực, ông chớ dấy lên nóng giận mà suốt đêm dài gánh lấy khổ đau vô cùng chứ không ích lợi gì đâu. Nói nhiều lần như vậy, nhưng lúc ấy quỷ Ưu Ba Già Tra nhiều lần không cần nghe lời của quỷ Già Tra, liền dùng tay đánh vào đầu Tôn giả Xá Lợi Phất, đánh rồi liền tự gọi to rằng: Tôi bị đốt Già Tra ơi, tôi bị nấu Già Tra ơi! Gọi to nhiều lần rồi lún sâu vào trong lòng đất, rơi xuống địa ngục A tỳ. Mục Kiền Liên nghe Xá Lợi Phất bị quỷ đánh, liền đến hỏi rằng: Tôn giả đau đớn khổ sở thế nào có thể chịu đựng được không? Xá Lợi Phất đáp rằng: Tôn giả Mục Kiền Liên! Tuy là khổ sở đau đớn nhưng mà ý có thể chịu đựng được, không đến nỗi khổ sở lắm. Mục Kiền Liên nói với Xá Lợi Phất rằng: Kỳ lạ thay Tôn giả Xá Lợi Phất, thật sự là Đại đức Đại lực, quỷ này nếu dùng tay đnáh vào núi Kỳ Xà Quật, thì có thể khiến cho nát vụn như cám, huống hồ đánh vào người mà không đau đớn khổ sở! lúc bấy giờ Xá Lợi Phất nói với mục Kiền Liên: Tôi thật sự không đau đớn khổ sở lắm. Lúc ấy Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên,cùng thăm hỏi lẫn nhau, thì Đức Thế Tôn dùng Thiên nhĩ nghe tiếng trò chuyện của họ rồi, liền thuyết kệ rằng:
Tâm đó giống như tảng đá cứng,
An trú vững vàng không lay động,
Tâm đã lìa xa mọi nhiễm trước,
Nóng giận không đáp trả trở lại,
Nếu tu tâm đã đạt đến như vậy,
Có gì phải đau khổ buồn phiền?”
Còn trong Tân Bà Sa Luận nói: “Từng nghe quá khứ trong Hiền kiếp này, có vị vua tên là Kiệt Lợi. Lúc ấy có vị Tiên nhân, hiệu là Nhẫn Nhục, trú một mình trong rừng thường ngày tu hành khổ hạnh. Bấy giờ vua Kiệt Lợi loại trừ tất cả đàn ông, cùng với quyến thuộc trong cung làm các vũ nữ ca hát, dạo chơi trong rừng tùy ý vui thú, qua một thời gian mệt mỏi chán ngán bèn tìm vào giấc ngủ. Các phụ nữ trong cung bởi vì hoa trái ngon lành cho nên dạo chơi trong những rừng cây, từ xa trông thấy vị Tiên nhân, ở tại phạm vi của mình thân ngồi trang nghiêm yên lặng suy tư, liền cùng nhau hướng về nơi ấy, đều tập trung quanh vị Tiên nhân. Đến nơi ấy đảnh lễ rồi vây tròn xung quanh mà ngồi. Vị Tiên nhân liền vì họ mà nói về lỗi lầm của dục vọng, đó gọi là những dục vọng đều là pháp bất tịnh ô uế, là pháp đáng chỉ trích, là pháp đáng chán bỏ, ai có trí tuệ thì nên luôn luôn gần gũi luyện tập, các cô đều nên sinh lòng chán ngán rời bỏ.
Nhà vua từ trong giấc ngủ thức dậy không thấy những người phụ nữ, liền dấy lên nghĩ rằng: Mong sao không có người nào dụ dỗ cướp đi vậy! liền rút gươm sắc đi khắp nơi tìm kiếm, mới thấy những người phụ nữ đang ngồi vây quanh ở chỗ Tiên nhân, nhà vua rất tức giận, là con quỷ lớn nào dụ dỗ những người phụ nữ của mình. Lập tức đến trước mặt hỏi rằng: Ông là ai vậy? Đáp rằng: Tôi là Tiên nhân. Lại hỏi: Ở đây làm chuyện gì vậy? Đáp rằng: Tu đạo nhẫn nhục. Nhà vua dấy lên nghĩ rằng: Người này thấy ta giận dữ cho nên liền nói là mình tu nhẫn nhục, nay ta thử xem sao! Liền tiếp tục hỏi rằng: Ông đạt được định Phi tưởng phi phi tưởng xứ chăng? Đáp rằng: Không đạt được. Lần lượt vặn hỏi cho đến: Ông đạt được Sơ thiền chăng? Đáp rằng: Không đạt được. Nhà vau càng giận dữ hơn, nói rằng: Ông là người chưa lìa bỏ dục vọng, tại sao buông thả tình ý ngắm nhìn những người phụ nữ của ta? Lại nói rằng tôi là người tu nhẫn nhục. Nhà vua nói hãy duỗi một cánh tay ra thử xem có thể nhẫn hay không. Lúc bấy giờ Tiên nhân liền duỗi ra một cánh tay, nhà vua dùng gươm sắc chém đứt, giống như chặt đức cuống ngó sen rơi ở trên đất. Nhà vua lại vặn hỏi: Ông là người nào? Đáp rằng: Tôi là người tu nhẫn nhục. Lúc ấy nhà vua lại ra lệnh duỗi một cánh tay còn lại, lập tức tiếp tục chém đứt. Vẫn như trước vặn hỏi, Tiên nhân cũng như trước đáp rằng: Tôi là người tu nhẫn nhục. Như thế tiếp tục chặt hai chân lại cắt hai tai, còn xẻo luôn lỗ mũi, tất cả đều vặn hỏi và đáp từng câu một như trước, khiến cho bảy phần thân thể của Tiên nhân rơi xuống đất, gây ra bảy vết thương rồi tâm nhà vua liền dừng lại. Tiên nhân nói cho biết rằng: Nay nhà vua vì sao tự sanh ra mệt mỏi chán nản, giả sử chặt đứt tất cả thân thể của tôi, giống như hạt cải thậm chí nát vụn thành bụi đất, tôi cũng không dấy lên một ý niệm giận dữ, đó nói là nhẫn nhục hoàn toàn không có gì khác. Lại phát nguyện rằng: Như ông hôm nay thì tôi thật sự vô tội, mà chặt đứt thân thể tôi làm thành bảy phần, gây ra bảy vết thương, ở đời vị lai lúc tôi đạt được A nậu Bồ đề, vì tâm Đại Bi không đợi ông phải thỉnh cầu, đầu tiên sẽ khiến cho ông tu bảy loại đạo, đoạn trừ bảy thứ tùy miên.
Nên biết rằng Tiên nhân nhẫn nhục lúc bấy giờ, chính là Đức Thế Tôn Thích Ca mâu Ni bây giờ. Vua Kiệt Lợi lúc ấy, chính là Tỳ kheo Kiều Trần Na ngày nay. Vì vậy cho nên Kiều Trần Na thấy được Thánh đế rồi, Đức Phật dùng thần lực phá trừ mọi ám chướng, khiến cho nhớ lại sự việc ở đời quá khứ, làm cho lập tức tự thấy mình là vua Kiệt Lợi và Đức Phật là vị Tiên nhân, tự mình cùng gươm sắc chặt đứt 7 phần thân thể của Đức Phật làm thành 7 vết thương, Đức Phật không sân hận mà lại dùng thệ nguyện muốn thêm nhiều lợi ích, lẽ nào Đức Phật làm trái lời nguyện ngày xưa ư? Kiều Trần Na nghe xong trong lòng vô cùng hổ thẹn, chắp tay cung kính lễ lạy Đức Phật.”