PHÁP UYỂN CHÂU LÂM

Sa-môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 57

 

Thiên thứ 65: TRÁI PHỤ

Thiên này có hai phần: Thuật ý, Dẫn chứng.

Thứ nhất- PHẦN THUẬT Ý

Khuyến khích điều thiện cảnh báo sai lầm là tâm thường hằng của Đại sĩ, rời bỏ điều ác thực hành phước lợi là nguyện luôn có của Bồ-tát. Vì vậy vận nghiệp của thiện ác, giống như hình và ảnh theo nhau; tai họa của nợ nần, gieo trồng quả khổ của báo ứng ba đời. Hoặc có người hiện tại mắc nợ thì hiện tại cảm báo, hoặc có người hiện tại mắc nợ mà tiếp đời sau bị cảm báo, hoặc có người hiện tại mắc nợ mà cách đời sau bị cảm báo. Ba thời kỳ như vậy đi theo món nợ dù chỉ mảy may, cự tuyệt mà không trả thì chắc chắn nhận chịu khổ đau. Vì vậy trong kinh nói: “Người trộm cướp trước tiên phải đi vào địa ngục ngạ quỷ súc sanh, sau mới được thân người nhưng phải chịu hai loại quả báo, một là thường ở trong hoàn cảnh bần cùng, hai là tuy có được đôi chút tài sản mà luôn luôn bị người ta chiếm đoạt”. Lời này có bằng chứng nên ngẫm lại mình để làm người!

Thứ hai- PHẦN DẪN CHỨNG

Như kinh Pháp Cú Dụ nói: “Xưa vào thời Đức Phật tại thế, có người lái buôn tên là Phất Ca Sa Nhân, Tỳ kheo đi vào thành La Duyệt khất thực, vào trong cửa thành gặp một con trâu cái mới sinh húc chết người lái buôn. Chủ con trâu sợ hãi bán trâu cho người khác, người mua dắt trâu muốn uống nước, con trâu từ phía sau lại húc chết chủ mua. Người nhà chủ mua tức giận đem trâu giết chết, vào chợ bán thịt. Có người nhà làm ruộng mua lấy đầu trâu, buộc dây gánh đem về nhà, đi hơn dặm ngồi nghỉ dưới bóng cây, đem đầu trâu treo trên cành cây, chốc lát dây đứt, đầu trâu rơi xuống ngay trên người đó, sừng trâu đâm vào người lập tức bỏ mạng. Trong một ngày có ba người chết. Bình Sa Vương nghe chuyện ấy, cảm thấy lạ lùng như vậy, liền cùng với quần thần đi đến nơi Đức Phật, thưa hỏi đầy đủ ý đó. Đức Phật bảo với nhà vua rằng: Xưa kia có ba người lái buôn, đến trong nước khác tính kế làm ăn, ở nhờ nhà một bà cụ đơn độc không có con cháu, đồng ý trả tiền thuê nhà. Thấy bà cụ một mình cô quạnh nên ức hiếp không muốn trả lời, đợi khi bà cụ không có nhà bèn lặng lẽ ra đi không trả tiền thuê nhà. Bà cụ trở về không thấy những người khách trọ, bèn hỏi hàng xóm, mọi người đều nói là họ đã đi. Bà cụ tức giận lập tức đuổi theo, mệt mõi rã rời mới tìm được, nhưng ba khách trọ lại mắng rằng trước đây chúng tôi đã trả đủ, tại sao lại tìm đòi thêm, cùng nhau lên tiếng chống cự không chịu trả tiền. Bà cụ một mình yếu thế không thể làm gì được, buồn phiền nguyển rủa rằng: Nay tôi cùng quẫn khốn khổ sao nhẫn tâm lừa dối không trả tiền, tôi nguyện đời sau sinh ra nơi nào, nếu như sẽ gặp nhau thì cần phải giết chết các ông, cho dù đắc đạo cũng không thể nào bỏ qua chuyện này. Đức Phật nói cho Bình Sa Vương biết: Bà cụ lúc bấy giờ nay chính là con trâu cái này, ba người lái buôn ấy nay chính là ba người như Phất Ca Sa Nhân… bị trâu húc chết vậy. Ngay sau đó Đức Thế tôn liền thuyết kệ rằng:

“Lời mắng chưởi xấu xa,
Kiêu ngạo xúc phạm người,
Dấy lên hành vi này,
Thù oán liền sinh ra.
Lời nói thật khiêm cung,
Tôn trọng đối với người,
Nhẫn nhịn bỏ oán thù,
Oán hận tự tiêu tan.
Sống làm người hiểu biết,
Búa rìu nằm trong miệng,
Cho nên hại đến thân,
Bởi vì lời nói ác”.

Lại trong kinh Xuất Diệu nói: “Xưa trong nước Kế Tân có hai anh em, người anh xuất gia đạt được quả vị A-la-hán, người em ở trong nhà quản lý xây dựng giữ gìn cơ nghiệp. Lúc ấy người anh nhiều lần đến chỉ dạy khuyên nhủ em, cố gắng bố thí trì giới tu thiện làm phước, hiện tại có danh dự, chết sanh đến nơi tốt lành. Nhưng người em trả lời rằng: Nay anh xuất gia không lo nghĩ gì đến chuyện chung chuyện riêng, không nghĩ đến chuyện gia đình vợ con, ruộng vườn gia nghiệp tiền của châu báu, em có trách nhiệm như vậy thì em phải lo liệu. Người anh nhiều lần chỉ bảo nhưng không làm theo lời anh khuyên nhủ, sau mắc bệnh qua đời đầu thai vào trong loài trâu, bị người ta cưỡng bức thồ muối vào trong thành. Người anh từ trong thành đi xa trông thấy, liền vì em mà thuyết pháp, lúc ấy trâu nghe rồi đau buốn xót xa không vui. Chủ trâu thấy rồi nói với Đạo nhân rằng: Ông đã nói gì mà khiến cho trâu của tôi buồn rầu không vui như vậy? Đạo nhân trả lời rằng: Trâu này đời trước vốn là em trai tôi, ngày xưa mắc nợ ông một đồng tiền muối, cho nên sanh trong loài trâu để đền trả sức lực cho ông. Chủ trâu nghe rồi nói với Đạo nhân rằng: Em trai của ông ngày xưa là bạn thân với tôi. Lúc này chủ trâu liền nói với trâu rằng: Nay tôi thả ông không tiếp tục sử dụng sức lực của ông nữa. Trâu nghe mà cảm kích nên chí tâm niệm Phật, tự lao xuống khe sâu lập tức mạng chung, được sanh lên cõi Trời hưởng thụ vui sướng vô cùng. Vì nhân duyên này, nếu như người mắc nợ thì không thể không trả”.

Lại trong Thành Thật Luận nói: “Nếu người mắc nợ mà không trả thì đầu thai trong các loài trâu dê, hươu, nai, lừa, ngựa… để đền trả món nợ đời trước của mình”.

Lại trong kinh Bách Duyên nói: “Đức Phật đi vào thành Xá Vệ khất thực, đến trong một ngõ phố gặp một Bà-la-môn, lấy tay vạch vào đất không kể Đức Phật đi qua, nói với Đức Phật rằng: Nay ông trả tôi năm trăm đồng tiền vàng, thì ông mới tùy ý đi qua, nếu như không trả cho tôi thì cuối cùng không cho phép đi qua. Đức Phật im lặng dừng lại chứ không thể nào tiến lên được. Vua Ba-tư-nặc và mọi người nghe Đức Phật bị gây khó dễ, mọi người cùng đưa châu báo cho Bà-la-môn nhưng không chịu nhận. Tu Đạt nghe tin liền lấy năm trăm đồng tiền vàng trả cho Bà-la-môn, mới để cho Đức Phật đi qua. Tỳ kheo thưa hỏi Đức Phật: Nguyên cớ gì như vậy? Đức Phật dạy: Thời quá khứ có Thái tử của vua Phạm Ma Đạt nước Ba-la-nại tên là Thiện Sanh, đi dạo chơi thấy một người làm trò cùng với con trai quan Phụ Tướng chơi gieo xúc xắc, đánh cược năm trăm đồng tiền vàng. Lúc ấy con trai quan Phụ Tướng thua tiền người làm trò, đòi lấy nhưng không trả. Thái tử nói cho biết rằng: Nếu người kia không trả thì Ta trả thay. Sau đó hoàn toàn không trả như đã nói. Từ lúc ấy đến nay trong vô lượng đời thường làm người diễn trò đi theo ta đòi tiền. Đức Phật dạy: Thái tử xưa kia nay chính là thân Ta, con trai quan Phụ Tướng lúc ấy nay chính là Tu Đạt, người diễn trò ngày xưa nay chính là Bà-la-môn”.

Lại trong kinh Tạp Bảo Tạng nói: “Xưa trong nước Kế Tân có vị A-la-hán, tên gọi là Ly Việt, ngồi thiền ở trong núi. Lúc ấy có một người mất trâu đi theo dấu chân đến chỗ Ly Việt, thì gặp lúc Ly Việt nấu cỏ nhuộm áo, áo liền tự nhiên biến thành da trâu, nước nhuộm tự nhiên biến thành máu trâu, cỏ nhuộm đang nấu biến thành thịt trâu, đồ dùng đang cầm biến thành đầu trâu. Chủ trâu thấy rồi lập tức bắt trói lại dẫn đến chỗ nhà vua. Nhà vua liền giao cho cai ngục, trải qua 12 năm, luôn luôn cùng với lính cai ngục chăn ngựa, dọn phân. Đệ tử của Ly Việt có năm trăm người đạt đến quả vị A-la-hán, tìm xem thầy mình không biết ở nơi nào. Nghiệp duyên sắp hết thì có một đệ tử, quan sát thấy Thầy còn trong ngục ở nước Kế Tân, liền đến trình bày với nhà vua rằng: Thầy tôi ở trong ngục, mong nhà vua quyết định theo lý! Nhà vua liền sai người đến ngục kiểm tra rõ ràng. Sứ giả đến trong ngục chỉ thấy có người dung mạo tiều tụy râu tóc rất dài, mà lại làm lính cai ngục chăn ngựa, dọn phân. Sứ giả trở về thưa với nhà vua: Trong ngục cũng không thấy có Sa môn nào. Đệ tử của Ly Việt lại thưa với nhà vua rằng: Mong nhà vua thuyết giáo, có Tỳ kheo thì đều cho phép ra khỏi ngục. Nhà vua liền truyền lệnh có Tăng thì đều cho phép ra khỏi ngục. Ly Việt nghe rồi râu tóc tự nhiên rơi rụng ca sa mang trên thân, vút lên giữa hư không hiện bày 1 loại biến hóa. Nhà vua trông thấy sự việc này rạp lạy sát đất, thưa rằng: Thưa Tôn giả, nguyện xin nhận sự sám hối của con! Nhà vua liền hỏi rằng: Vì nghiệp duyên gì mà ở trong ngục nhận chụi khổ sở? Ly Việt đáp rằng: Tôi vào xưa kia cũng đã từng mất trâu, đi theo dấu chân tìm kiếm vu oan người ta trải qua một ngày một đêm, sau rơi vào ba đường ác nhận chịu vô lượng khổ đau, tai ương còn lại chưa hết, nay đạt được quả vị La hán mà hãy còn bị vu oan giá họa. Vì nhân duyên này, tất cả chúng sanh nên giữ gìn khẩu nghiệp đừng vu oan giá họa cho người. Ly Việt xưa kia đã vu oan cho người là một vị Bích-chi-Phật, vì nhân duyên này cho nên gặp phải báo ứng như vậy”. Y theo kinh Pháp Hoa giải thích, bài báng người ta tụng kinh, hoặc là thật hay là không thật, trong đời hiện tại mắc phải bệnh lở loét ung nhọt.

Lại trong Tỳ Bà Sa Luận nói: “Từng nghe có một người nữ bị ngạ quỷ bắt giữ, liền dùng chú thuật mà hỏi quỷ rằng: Vì sao tức giận với người nữ khác loại? Quỷ trả lời rằng: Người nữ này chính là kẻ thù của tôi, trong năm trăm đời đã luôn luôn giết hại tôi, tôi cũng trong năm trăm đời đoạn dứt mạng căn của người đó, nếu người kia có thể rời bỏ tâm niệm oán thù trước đây, thì tôi cũng có thể rời bỏ. Lúc bấy giờ người nữ bèn nói lời như vậy: Nay tôi đã rời bỏ tâm oán thù. Quỷ quan sát người nữ tuy miệng nói xả bỏ mà tâm không buông tha, liền đoạn 12 dứt tính mạng của người đó”.

Lại trong kinh Tạp Bảo Tạng nói: “Mục-kiền-liên đến bên sông Hằng, trông thấy năm trăm ngạ quỷ tu tập đến lấy nước, có quỷ trông coi dòng nước dùng gậy sắt xua đuổi khiến không có thể đến gần. Thế là các quỷ đi thẳng đến chỗ Mục-kiền-liên, lễ lạy dưới chân Mục-kiềnliên, tất cả đều được Mục-kiền-liên quan tâm nên hỏi về tội lỗi của mình.

Một quỷ nói: Con thọ nhận thân này luôn luôn mắc phải sự nóng bức cháy khát, trước đây nghe nước sông Hằng đã trong mà lại mát, hoan hỷ hướng về, nhưng nóng bỏng hủy hoại thân thể, uống thử một ngụm, ngũ tạng cháy nát họi thối không thể chịu được, vì nhân duyên gì mà nhận chịu tội lỗi như vậy? Mục-kiền-liên đáp rằng: Vào đời trước ông đã từng làm thầy tướng xem tướng lành dữ cho người, thật thì ít mà giả dối thì nhiều, hoặc hủy báng hoặc ca ngợi, tự xưng là biết tường tận để làm động tâm người, gạ gẫm mê hoặc lừa dối để mong cầu tiền của lợi dưỡng, làm mê hoặc chúng sanh mất đi sự việc như mong muốn.

Lại có một quỷ nói: Con thường làm đền thờ Trời đất, có con chó răng nhọn sắc màu lông đỏ trắng, đến ăn thịt con, chỉ còn có xương, gió lại thổi đến thịt tiếp tục sanh ra như trước, con chó lại đến ăn, khổ đau như vậy bởi vì sao? Mục-kiền-liên đáp rằng: Vào đời trước kia ông làm chủ đền thờ Trời đất, thường bảo chúng sanh giết trâu dê lất máu cúng tế Trời đất, ông tự mình ăn thịt, vì vậy ngày nay lấy thịt mà trả nợ trước.

Lại có một quỷ nói: Trên thân con luôn luôn có phân xoa đầy khắp nơi, lại cũng ăn loại phân đó, tội lỗi này tại vì sao? Mục-kiền-liên đáp rằng: Vào đời trước đây ông làm Bà-la-môn, tà ác không trung tín, Đạo nhân khất thực ông lấy bình bát đựng đầy phân, lấy cơm đặt phía trên, mang đưa cho Đạo nhân, Đạo nhân mang về dùng tay ăn cơm nên phân vấy bẩn vào tay, vì vậy ngày nay nhận chịu tội báo như vậy.

Lại có một quỷ nói: Bụng con rất to giống như cái vò, cổ họng tay chân thì nhỏ như cái kim, không thể nào ăn uống được, vì sao khốn khổ như vậy? Mục-kiền-liên đáp rằng: Vào đời trước đây ông làm người đứng đầu thôn xóm, tự cậy thế mình giàu sang uống rượu thả sức và khinh khi ức kiếp người khác, giành lấy đồ ăn thức uống làm cho chúng sanh đói khát khổ sở.

Lại có một quỷ nói: Con thường đến nơi nhà xí muốn ăn phân dơ, có bầy quỷ đông cầm gậy xua đuổi con, không được đến gần nhà xí, trong miệng khát sữa hôi thối đói khát khốn khổ không nơi nương dựa, vì sao như vậy? Mục-kiền-liên đáp rằng: Vào đời trước đây ông làm chủ chùa Phật, có những người bạch y cúng dường Tăng cung cấp mua sắm đồ dùng ăn uống, ông lấy đồ vật thô thiển cung cấp bố thí khách Tăng, đồ vật tinh túy thì tự mình sử dụng.

Lại có một quỷ nói: Trên thân con mọc lưỡi khắp nơi, lấy rìu chặt lưỡi, đứt rồi tiếp tục mọc ra, như vậy mãi không thôi, vì nguyên nhân gì như vậy? Mục-kiền-liên đáp rằng: Vào đời trước kia ông làm Đạo nhân, chúng Tăng sai làm nước mật, viên đường to khó tan, dùng dao chặt ra, khởi tâm trộm cắp ăn một miếng, vì nhân duyên này cho nên chặt lưỡi trả lại.

Lại có một quỷ nói: Con thường có bảy viên sắt nóng, đi thẳng vào miệng con nuốt vào bụng làm cho ngũ tạng cháy nát, ra ròi lại vẫn đi vào, vì nguyên cớ gì mà nhận chụi tội báo như vậy? Mục-kiền-liên đáp rằng: Vào đời trước kia ông làm Sa di lúc cắt chia quả dưa, đến nơi thầy mình vì kính trọng vị thầy cho nên tâm thiên vị trao cho phần nhiều, thật sự nhiều hơn bảy miếng so với vị khác.

Lại có một quỷ nói: Con thường có hai vòng sắt nóng xoay chuyển ở dưới hai nách của con, thân thể bị cháy nát, vì nguyên cớ gì như vậy? Mục-kiền-liên đáp rằng: Vào đời trước kia ông cùng với chúng Tăng làm bánh, khởi tâm trộm cắp lấy hai cái kẹp dưới hai nách, vì vậy nhận chịu khổ báo này.

Lại có một quỷ nói: Con có cái bướu ở cổ rất to giống như cái vò, lúc đi vắt lên trên vai như gánh nặng, đứng lại thì ngồi lên trên, đi lại đứng ngồi ưu sầu khổ sở, vì nguyên cớ gì như vậy? Mục-kiền-liên đáp rằng: Vào đời trước kia ông làm kẻ cai quản chợ búa, thường dùng cân nhẹ đấu nhỏ đưa cho người, cân nặng đấu lớn thì tự mình lấy, thường tự mong muốn được lợi lớn cho mình mà xâm phạm chiếm đoạt của người khác.

Lại có quỷ nói: Con thường có mắt phải nằm trên hai vai, ngực có mũi miệng luôn luôn không có đầu, vì nguyên cớ gì như vậy? Mụckiền-liên đáp rằng: Vào đời trước kia ông thường làm đệ tử đứng đầu những kẻ đao phủ, nếu lúc giết hại tội nhân, ông thường vui mừng trong lòng dùng dây thừng buộc búi tóc họ mà kéo.

Lại có một quỷ nói: Con thường có kim nhọn bằng sắt nóng ra vào nơi thân thể con, nhận chụi khổ đau không gián đoạn, vì nguyên cớ gì như vậy? Mục-kiền-liên đáp rằng: Vào đời trước kia ông làm bậc thầy điều phục ngựa, hoặc làm bậc thầy thuần phục voi, voi ngựa nào khó chế ngự, ông dùng kim nhọn bằng sắt đâm vào chân, lại có lúc trâu đi

chậm chạp cũng dùng kim nhọn để đâm.

Lại có một quỷ nói: Thân con thường có lửa phát ra tự nhiên thật buồn phiền, vì nguyên cớ gì như vậy? Mục-kiền-liên đáp rằng: Vào đời trước kia ông làm Phu nhân Quốc vương, lại có một Phu Nhân được Quốc vương rất sủng ái, nên thường sanh lòng ganh ghét chờ đợi cơ hội muốn làm tổn hại, gặp lúc nhà vua ngủ dậy ra đi, Phu nhân được sủng ái ngủ còn chưa dậy mặc áo, liền nảy sinh ác tâm, đúng lúc ấy gặp khi làm bánh có dầu mè nóng, liền lấy tưới trên bụng Phu nhân đang ngủ, bụng chín nát mà chết, vì thế nhận chịu khổ báo như vậy.

Lại có một quỷ nói: Con thường có làn gió xoay tròn chuyển động quanh thân con, con không thể nào tự tại tùy ý một chút nào, tâm luôn luôn buồn phiền khó chịu, vì nguyên cớ gì như vậy? Mục-kiền-liên đáp rằng: vào đời trước kia ông thường làm thầy xem bói, có lúc nói thật, có lúc nói xằng bậy, làm cho tâm người bị mê hoặc không thể tùy ý mình được.

Lại có một quỷ nói: Thân con thường giống như cục thịt, không có tay chân mắt tai mũi…, thường bị sâu bọ chim chóc ăn nuốt, tội lỗi khốn khổ khó chịu đựng nổi, vì nguyên cớ gì như vậy? Mục-kiền-liên đáp rằng: Vào đời trước kia ông thường cho người ta uống thuốc làm hư hoại thai nhi đang còn trong bụng mẹ, cho nên cảm hóa khổ đau này.

Lại có một quỷ nói: Con thường có cái hòm bằng sắt nóng che phủ trên thân con, làm cho cháy bỏng thật áo não, vì nguyên cớ gì nhận chịu khổ báo này? Mục-kiền-liên đáp rằng: Vào đời trước kia ông thường lấy lưới giăng vây bắt cá chim, cho nên phải chịu quả báo này.

Lại có một quỷ nói: Con thường lấy vật tự che kín đầu mình, cũng thường sợ người ta đến giết con, tâm luôn luôn sợ hãi không thể nào chịu đựng nổi, vì nguyên cớ gì như vậy? Mục-kiền-liên đáp rằng: Vào đời trước kia ông dâm dật phạm vào ngoại sắc nên luôn luôn sợ người ta nhìn thấy, hoặc là vợ chồng của người ta bắt trói đánh chết, hoặc là sợ pháp luật quan quyền giết chết bêu đầu nơi chốn chợ búa, vì thế mà luôn luôn sợ hãi khổ sở.

Lại có một quỷ nói: Con nhận chịu thân này, trên vai thường có bình thường bằng đồng, trong bình chứa đầy nước đồng sôi, tay nắm một cái thìa tự lấy rót trên đầu mình, cả thân thể cháy khô nát nhừ, nhận chịu đau khổ như vậy thật không sao nói được, bởi vì có tội lỗi gì? Mụckiền-liên đáp rằng: Vào đời trước kia ông xuất gia làm Đạo nhân trông coi đồ ăn thức uống cho Tăng, lấy một bình sữa cất riêng nơi khác, có Đạo nhân phương xa đến thì không chu cấp, đi rồi lấy sữa ra chia cho Tăng trong chùa, bình sữa này là vật của thập phương Tăng tất cả đều có phần, người này cất giấu tuy có phân chia nhưng không bình đẳng, bởi vì duyên này cho nên nhận chịu tội báo như vậy”.

Trong kinh Thí Dụ nói: “Xưa ở nước khác có người chết, hồn vía trở về tự cầm roi quất vào thây xác. Người xung quanh hỏi rằng: Người này đã chềt, vì sao lại bị quất roi? Trả lời rằng: Đây là thân cũ của tôi, vì tôi làm điều ác, gặp kinh giới không đọc, trộm cắp bịp bợm phạm thân thể vợ con của người ta, không hiếu thảo với cha mẹ – không hòa thuận với anh em, tham tiếc tiền của không chịu bố thí, nay chết đi khiến tôi đọa vào trong đường ác, đau khổ thường xuyên ác hiểm vô cùng không làm sao nói được, vì vạy cho nên đến quất roi mà thôi”. Dựa vào kinh Vô Lượng Thọ nói: “Kiều Phạm Ba Đề, đời quá khứ từng làm Tỳ kheo, ở bên ruộng lúa của người ta ngắt một cành lúa, quan sát lúa chín hay sống, làm tơi xuống đất mấy hạt, trong năm trăm đời làm trâu để đền trả”.

Tụng rằng:

Giàu nghèo khác hẳn với nhau,
Cho vay, mắc nợ trái nhau,
Đưa tiền cho vay không trả,
Kết nghiệp luôn luôn theo đuổi.
Tâm không hối hận đền trả,
Khổ báo nào có nghi ngờ,
Rơi vào trong đường ác này,
Mãi mãi không hề quay lại.

NHÂN DUYÊN CẢM ỨNG

Sơ lược dẫn ra mười chuyện: 1. Sa môn Thích An Thanh thời Hán; 2. Sa môn Thích Bạch Viễn thời Tấn; 3. Hầu Khánh người Nam Dương thời Lương; 4. Biện Sĩ Du người Dương Châu thời Tùy; 5. Vương Ngũ Giới người Lạc châu thời Tùy; 6. Cảnh Phục Sanh người Kí Châu thời tùy; 7. Phụ nữ Chu Thị người Trịnh Châu thời Đường; 8. Lộ Bá Đạt người Phần Châu thời Đường; 9. Trình Hoa người Ung Châu thời Đường; 10. Lý Hiệu Úy người Lộ Châu thời Đường; 11. Phu nhân Trần Thị vùng Ung Châu thời Đường.

1. Thời nhà Hán ở vùng Lạc Dương có Sa môn an Thanh tự là Thế Cao, Thái tử của chính cung Hoàng hậu nhà vua nước An Tức. Thưở nhỏ lấy hiếu hạnh làm đầu nên được mọi người khen ngợi, lại thêm chí nghiệp thông minh kiềm chế tâm ý, ham thích học hỏi, sách vở của nước khác và thiên văn địa lý, phương pháp chữa trị thuốc thang bệnh tật, phép thuật kỳ lạ, cho đến tiếng của chim thú không có gì không tổng hợp thông suốt. Đã từng đi chơi thấy có bầy chim Yến, bỗng nhiên nói với bạn cùng đi rằng: Chim Yến nói sẽ có người đưa cơm đến. Quả nhiên lát sau có sự việc dẫn đến như vậy, mọi người đều cho là hiện thấy, vì vậy thanh danh của người có tài trí kỳ lạc sớm truyền vang Tây Vực. Thế Cao tìm hiểu cùng tận lý tánh, tự biết túc duyên nghiệp hạnh có nhiều dấu tích thần kỳ, thế gian không có ai có thể sánh được. Ban đầu Thế Cao tự nói rằng: Đời trước đã từng xuất gia, có một người bạn cùng học nhiều sân giận đi khất thực, gặp thí chủ không thuận lòng thì nhất định oán hận mắng mỏ. Thế Cao nhiều lần trách mới khuyên can nhưng cuối cùng không chịu hối cải. Như vậy trải qua hơn 20 năm, mới cùng với bạn đồng học chia tay rời xa rằng: Tôi phải đến Quảng Châu để kết thúc oán đối của đời trước, ông hiểu kinh luật tinh cần không kém gì tôi, mà đánh còn nhiều nóng giận, mạng sống đi qua sẽ nhận chịu hình hài xấu ác, nếu tôi có năng lực thì nhất định sẽ cứu độ nhau. Lâu sau liền đi về Quảng Châu, gặp phải giặc cướp thật là hỗn loạn, đường đi gặp một người trẻ tuổi, nhổ nước bọt tay rút dao nói: Thật sự gặp được ông rồi. Thế Cao cười rằng: Thân mạng đời trước tôi mắc nợ ông, cho nên từ xa đến đền trả sự phẫn nộ cho ông, đây chính là ý của đời trước kia vậy. Tức thì đưa cổ nhận lấy nhát dao, vẻ mặt không có gì sợ hãi, tên giặc liền chém chết. Người xem đầy đường không có ai không kinh hãi lạ lẫm trước sự việc ấy. Nhưng mà thần thức này trở lại làm Thái tử của vua nước An Tức, chính là thân Thế Cao lúc này. Thế Cao du hóa trong nước truyền bá kinh điển đã xong, gặp cuối thời Hán Linh Đế vùng Quan Lạc rối ren, bèn chống tích trượng tại Giang Nam nói: Tôi sẽ đi qua Lô Sơn hóa độ bạn đồng học ngày xưa. Đi đến miếu Hồng Đình ở Hồ Châu, miếu này trước đây có uy thế linh thiêng, người buôn bán đường dài cầu khấn mới phân chia phạm vi xuôi ngược, tất cả không có gì đình trệ. Đã từng có người xin cây trúc thần, chưa cho phép mà vội lấy, thì thuyền lập tức bị lật chìm, còn cây trúc thần tự nhiên trở về chỗ cũ, tất nhiên là người đi thuyền đều kính sợ vô cùng, không có ai không giữ lại cảnh tượng lúc ấy. Thế Cao cùng với hơn 30 người đi chung thuyền, chủ thuyền dâng súc vật tế thần để cầu phước, Thần mới giáng xuống bảo rằng: Thuyền có Sa môn nên tiếp tục gọi lên phía trên. Khách đi thuyền đều kinh ngạc mời Thế Cao vào miếu. Thần nói với Thế Cao rằng: Tôi là người nước khác cùng với ông đều xuất gia học đạo với nhau, thích thực hành bố thí, mà tánh lắm nóng giận, nay làm Thần miếu Hồng Đình, vòng quanh ngàn dặm nơi đây đều là do tôi cai quản, nhờ bố thí cho nên đồ vật quý báu rất nhiều, bởi vì nóng giận cho nên ra vào báo ứng làm Thần nơi này, nay gặp bạn đồng học, vui buồn không thể nói được, thọ mạng hết đến nơi, mà thân hình to lớn xấu xí, nếu ở nơi này bỏ mạng thì làm ô uế sông hồ, nên đi qua và vào trong đầm ở phía Tây núi, sau khi thân này diệt đi sợ rằng sẽ đọa địa ngục, tôi có một trăm xấp hụa và nhiều đồ vật quý báu, có thể lập đàn cúng tế – xây dựng chùa tháp khiến cho sanh đến nơi tốt đẹp giúp tôi! Thế Cao nói: Xưa nay cùng giúp nhau sao không hiện rõ hình hài? Thần nói: Hnình hài thật xấu xí kỳ dị sợ rằng mọi người phải kinh hoàng. Thế Cao nói: Chỉ cần xuất hiện, mọi người không cảm thấy quái lạ đâu. Thần từ sau bệ thờ nhô đầu ra, chính là con mãng xà to lớn, không biết phần đuôi dài ngắn bao nhiêu, đến bên đầu gối Thế Cao. Thế Cao dùng lời kinh tiếng kệ bằng tiếng Phạm ca ngợi nhiều cách thỏa thuận với nhau, mãng xà đau xót tuôn nước mắt như mưa, chốc lát đã ẩn đi. Thế Cao liền lấy lụa và đồ vật Từ biệt mà đi. Bạn thuyền giương buồn nhổ neo, mãng xà lại hiện thân leo lên núi mà nhìn, mọi người đưa tay vẫy chào sau đó mới mất đi. Trong chốc lát thì đến vùng Dự Chương, lập tức dùng đồ vật lấy trong miếu làm ngôi chùa ở phía Đông. Sau khi Thế Cao ra đi Thần liền kết thúc thọ mạng. Chiều tối có một người trẻ tuổi, lên thuyền quỳ thẳng trước Thế Cao nhận lời chú nguyện rồi, bỗng nhiên không thấy nữa. Thế Cao nói với mọi người trên thuyền rằng: Người trẻ tuổi trước đây chính là Thần miếu Hồng Đình, được xa lìa hình hài xấu ác rồi. Thế là Thần miếu không còn nữa, cũng không còn gì linh nghiệm. Sau đó người ta vào trong đầm ở phía Tây núi thấy một con mãng xà chết, từ đầu đến đuôi dài mấy dặm. Nay chính là thôn Xà ở quận Tầm Dương vậy. Thế Cao sau lại đến Quảng Châu, tìm người trẻ tuổi đời trước đó đã hại mình, lúc ấy người trẻ tuổi xưa kia hãy còn sống, Thế Cao đi thẳng đến nhà người ấy nói rõ sự việc đền trả của ngày xưa, đồng thời kể lại duyên vốn có, hoan hỷ cùng hướng về nói rằng: Tôi hãy còn có báo ứng sót lại, nay phải đi đến Cối Kê để kết thúc nợ nần. Người ở Quảng Châu hiểu rằng Thế Cao không phải là người phàm, ý lĩnh hội rõ ràng, tìm lại căn nguyên tội lỗi trước kia mà ân hận vô cùng, cung cấp giúp đỡ nhau thật sâu đậm, theo Thế Cao đi về phía Đông thì đến được Cối Kê. Đến nơi thuận tiện đi vào chợ, đúng lúc gặp trong chợ có loạn, người đánh nhau lỡ tay đánh vào đầu Thế Cao, lập tức mất mạng. Người ở Quảng Châu liên tiếp nghiệm đúng 2 báo, liền tinh cần học hỏi Phật pháp nói đầy đủ duyên cớ sợ việc, xa gần nghe biết không có ai không than thở xót xa, rõ ràng có bằng chứng của quả báo 3 đời vậy.

2. Thời nhà Tấn ở vùng Trường An có Bạch Viễn tự là Pháp Tổ, vốn người họ Vạn Thị vùng Hà Nội, tài trí thông minh nhanh nhạy vô cùng, tụng kinh mỗi ngày tám, chín ngàn lời, nghiềm ngẫm ý vị Phương Đẳng khéo léo hòa nhập vào chỗ sâu xa vi diệu, mồ mả thế tục xưa nay quả thật là xuyên suốt đầy đủ. Pháp Tổ đến cuối thời Tấn Huệ Đế, muốn ẩn tích trong vùng Lũng Hữu, để giữ gìn phẩm hạnh cao nhã đúng lúc Trương Phục làm Thứ sử Tần Châu. Trước kia có Quản Phồn là người ở châu này, cùng với Pháp Tổ tranh luận nhiều lần nhưng đuối lý nên rất căm hận, bèn đến chỗ Trương Phụ mà gièm pha. Trương Phụ bắt giữ tiến hành xử phạt, mọi người đều cảm thấy quái lạ mà than thở thương tiếc. Pháp Tổ nói: Tôi đã kết thúc nợ nần, túc mạng này kết buộc đã lâu, không phải là sự việc hôm nay. Thế là xưng niệm mười phương Phật, tội duyên đời trước của Pháp Tổ nay hoan hỷ kết thúc nợ nần, nguyện từ nay về sau cùng với Trương Phụ trở thành thiện tri thức, không để cho nhận chịu tội báo giết người. Tức thì quất roi mới năm lằn mà bỗng nhiên mạng chung. Trương Phụ sau đó nghe đầy đủ sự việc, mới ân hận xót xa vô cùng. Đạo tục chảy nước mắt, mọi người đều phẫn kích, cùng phân chia thi thể của Pháp Tổ mà cùng dựng tháp miếu phụng thờ. Trương Phụ tuy có tài trí hiểu biết mà độc ác chứ không theo lý lẽ, ngang ngược giết hại Tăng nhân đức hạnh; Thái Thú quận Thiên Thủy là Phong Thượng, bị dân chúng nghi ngờ kinh hãi mượn cớ nổi loạn mà chém đầu trương Phụ,. Quản Phồn cũng chết. Lúc ấy có người họ Lý tên Thông, chết mà sống lại nói rằng: Thấy Pháp Tổ ở nơi Diêm La Vương giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm cho Diêm Vương, nói rằng giảng xong sẽ đến cõi Trời Đao Lợi. Lại thấy Tế Tửu Vương Phù, vừa nói là Đạo sĩ Cơ Công, sau đó bị gông xiềng cầu xin sám hối Pháp Tổ. Ngày xưa Pháp Tổ cùng với Vương Phù cứ mỗi khi tranh luận về tà chánh, Vương Phù nhiều lần bị làm cho khuất phục, đã nóng giận không tự nhẫn nại, mới làm ra kinh Lão Tử Hóa Hồ để vu cáo bài báng Phật pháp, tai ương có chỗ quy tụ cho nên chết đi mới suy nghĩ hối hận. Tôn Xước Đạo Hiền Luận, dùng Pháp Tổ sánh với Kê Khang, luận rằng: Bạch Tổ tranh luận bắt đầu từ Quản Phồn nữa chừng gặp họa tạo thành oán kết gặp nhau, hai bậc Hiền đều vì chí khí tài cao xa, làm mờ ám suy nghĩ về thân thể ấy, dùng tâm tư ở ngoài sự vật, khinh đời chuốc lấy tai họa, nguy không lạ lùng gì. Người ấy gặp nói lại như vậy.

Hai chuyện trên đây trích từ Lương Cao Tăng Truyện.

3. Thời nhà Lương ở vùng Nam Dương có người tên là Hầu Khánh, có một pho tượng đồng, cao khoảng chừng hơn thước. Hầu Khánh có một con trâu, muốn bán để làm thành sắc vàng, gặp lúc có việc khẩn cấp, liền đem trâu giao cho người khác sử dụng. Trải qua hai năm, vợ Hầu Khánh là Mã Thị, bỗng nhiên mộng thấy pho tượng nói rằng: Vợ chồng người mang nợ sắc vàng của Ta đã lâi mà không trả, nay lấy con của người thật là xấu xí để làm cho đủ sắc vàng. Mã Thị tỉnh giấc mà tâm không yên, đến sáng đứa con thật là xấu xí mắc bệnh mà chết. Hầu Khánh tuổi đã hơn năm mươi mà chỉ có một người con trai, đau xót khóc lóc làm cảm động đến người đi đường. Ngày đứa con thật là xấu xí qua đời thì pho tượng bỗng nhiên tự có sắc vàng sáng ngời soi chiếu khắp xóm làng, trong xóm làng đều ngửi thấy mùi thơm. Đạo tục lớn nhỏ đều đến xem điều kỳ lạ đã xảy ra. Thượng Thư tả Bộc Xạ nguyên Tích, nghe trong xóm làng nhiều lần xuất hiện những điều quái dị, liền đổi tên làng Phụ Tài thành làng Tề hài.

Chuyện này thấy trong Lạc Dương Tự Ký.

4. Thời nhà Tùy ở vùng Dương Châu có người tên là Biên Sĩ Du, cha Sĩ Du ở thời nhà Tùy, theo Bình Trần Công trao cho lễ vật để cùng tham ô, đã từng thuê người xây dựng nhà cửa mà không trả tiền công cho họ. Người làm thuê đến xin lấy tiền, cha Sĩ Du quất roi giận dữ nói: Nếu thật sự mắc nợ thì ta sẽ làmtrâu cho ông, không bao lâu cha sĩ Du chết, năm ấy người làm công có con trâu có chửa sanh ra một con nghé vàng, hông có viền đen vòng quanh có mạng lông như tơ lưới nằm ngang, giống như người mang đai nơi hông, chân phải có viền trắng, nối liền nằm nghiêng theo lớn nhỏ, đích thực giống như hình cái hốt ngà của quan lại. Chủ trâu thở dài nói rằng: Biện Công sao phải mắc nợ tôi? Con nghé liền gập gối trước để đầu chạm đất. Sĩ Du lấy mười vạn đồng tiền để chuộc con nghé, nhưng chủ trâu không đồng ý, khi chết mới đem đi chôn. Sĩ Du là người đến tự nói như vậy.

5. Trong thời Đại Nghiệp nhà Tùy, ở vùng Lạc Dương có người họ Vương, thường trì ngũ giới, luôn nói đến khi sự việc chưa xảy ra, người trong làng xóm rất tôn kính tin tưởng. Một hôm bỗng nhiên nói với người ta rằng: Hôm nay sẽ có người cho tôi một con lừa. Đến giữa trưa quả nhiên có người dắt một con lừa giao cho, rơi nước mắt nói rằng: Cha mất sớm mẹ cô quạnh một mình, nuôi hai con một trai một gái, con gái gả chồng thì mẹ mất, đã 20 năm rồi. Ngày tiết Hàn Thực mang rượu và thức ăn đi cúng vái mồ mả, người này cưỡi lừa mà đi, mộ nằm ở phía Đông sông Y, muốn vượt qua sông Y mà con lừa không chịu vượt qua, nên quất roi vào đầu mặt làm tổn thương máu me đầm đìa. Đã đến nơi phần mộ thì thả con lừa ăn cỏ mà cúng vái, lát sau lạc mất con lừa, tìm lừa trở về nơi chỗ cũ. Ngày đó cô em gái một mình ở tại nhà anh, bỗng nhiên trông thấy mẹ mình đi vào, đầu mặt máu chảy đầm đìa, hình hài dung mạo tiều tụy, khóc lóc nói với con gái rằng: Lúc mẹ còn sống giấu anh con, mang đến cho năm thăng gạo, bởi vì vậy mà phải chịu tội báo thọ nhận thân lừa này, đền nợ anh em đã năm năm rồi, hôm nay anh con muốn vượt qua sông Y, nước sâu nên mẹ sợ không dám vượt qua, anh con quất roi vào đầu mặt mẹ làm cho tổn thương, vẫn mong trở về nhà, tiếp tục đánh đập mẹ rất khổ sở, mẹ đi đến để nói cho con biết, nai mẹ đền nợ gần xong, sao làm đau khổ cho nhau phi lý quá mức vậy! Nói xong đi ra, chốc lát không thấy mẹ mình đâu nữa. Người anh lát sau trở về, cô em nhìn con lừa đầu mặt máu chảy đầm đìa, giống như trông thấy hình dáng đau thương của mẹ mình, cô em ôm lấy khóc nức nở. Người anh cảm thấy kỳ quái mới hỏi nguyên cớ, cô em đem tình cảnh nói cho anh biết, người anh cũng nói: Ban đầu không chịu vượt qua…, cho đến lạc mất rồi tìm lại được … Nói lại tình cảnh phù hợp như nhau, thế không anh em ôm lấy con lừa khóc lóc thảm thiết, con lừa cũng nước mắt tuôn trào không ăn uống gì. Anh em quỳ xuống cầu khẩn, nếu như là mẹ thì mong hãy vì con mà ăn uống! Con lừa liền ăn uống, lát sau lại ngừng. Anh em không ai biết làm thế nào, liền chuẩn bị thóc lúa đưa đến chỗ Vương Ngũ Giới, mới chịu ăn uống trở lại. Về sau con lừa chết, anh em nhận về chôn cất chu đáo.

Hai chuyện trên đây trích từ Minh Báo Ký.

6. Thời nhà Tùy ở phía Đông huyện Lâm Hoàng – Kí Châu, có người tên Cảnh Phục Sanh, nhà ấy có chút tài sản, năm thứ mười một thời Tùy Đại Nghiệp, mẹ Phục Sanh là Trương Thị giấu chồng lấy hai xấp lụa cho con gái. Mấy năm sau mẹ qua đời, biến làm con heo mẹ, sanh ra ở trong nhà ấy, lại đẻ ra hai heo con, Phục Sanh đều đã ăn hết heo mẹ liền làm cho không đẻ nữa, Phục Sanh bèn gọi người hàng thịt để bán heo. Trong khi chưa bắt có một khách Tăng, đến nhà Phục Sanh khất thực, thì dừng lại một lúc ở nhà Phục Sanh, dẫn một Đồng tử đi vào trong chuồng heo chơi đùa. Heo nói rằng: Tôi là mẹ của Phục Sanh, bởi vì ở trước kia giấu cha Phục Sanh lấy hai xấp lụa cho con gái, tôi vì tội này mà biến làm heo mẹ, sanh được hai heo con bị Phục Sanh ăn hết, trả nợ đã xong lại không còn nợ nần gì nữa, sao muốn gọi người hàng thịt để bán tôi, xin báo cho biết giùm tôi! Đồng tử đến chỗ thầy trình bày đầy đủ, lúc ấy thầy giận dữ nói rằng: Ông thật điên cuồng, heo làm sao biết nói lời như vậy? Thế là nằm ngủ không nói gì nữa. Lại qua một ngày, heo thấy Đồng tử, lại nói cho biết: Người hàng thịt sẽ đến tại sao không báo giúp vậy? Đồng tử lại thưa với thầy, nhưng cũng không đồng ý. Một lát người hàng thịt liền bắt heo, heo nhảy qua chuồng bỏ chạy ra ngoài, mà lại hướng về nằm dưới giường của Tăng. Người hàng thịt đuổi theo đến phòng Tăng, Tăng nói: Theo tìm đến chỗ tôi, nay tôi chuộc lấy heo vạy. Liền đưa ra ba trăm đồng tiền để chuộc lấy heo. Sau đó mới nói nhỏ với Phục Sanh rằng: Trong nhà đã từng mất lụa phải không? Phục Sanh trả lời tăng rằng: Ngày cha tôi còn sống đã từng mất hai xấp lụa. Lại hỏi: Chị em gái có mấy người? Phục Sanh lại trả lời rằng: Chỉ có một cô chị gái, chị gả cho nhà Công Thừa ở phía Bắc huyện này. Tăng liền trình bày đầy đủ những gì Đồng tử đã nói. Phục Sanh Nghe chuyện đau lòng rợi lệ không thể nào nén được, lại đặc biệt gia tâm cung cấp nuôi dưỡng heo mẹ. Trải qua mấy hôm heo bỗng nhiên mà chết, dựa vào cô gái báo mộng rằng trả nợ đã xong được sanh đến chỗ tốt lành, và khuyên nhủ cô con gái tiếp tụctu tạo công đức.

7. Thời nhà Đường ở huyện Dương Vũ – Trinh Châu có người phụ nữ họ Chu, người chồng trước đó mắc nợ người huyện khác một trăm xấp lụa. Sau khi chồng chết thì không có để trả nợ, cuối thời Trinh Quán phụ nữ họ Chu bị bệnh mà chết, qua mấy đêm sau mà sống lại, tự nói rằng bị người ta bắt đến một nơi, gặp một người nói: Tôi là Tư Mạng Phủ Lại, chồng bà lúc sống mắc nợ nhà tôi bấy nhiêu xấp lụa, cho nên truy tìm đến bà, nay tha cho bà trở về, nên mau chóng chuẩn bị đồ vật đến nhà đó thôn đó huyện đó để giao trả cho mẹ tôi, nếu như không chuyển trả thì sự bắt bớ cùng dữ dằn hơn, và nói giúp với mẹ tôi rằng cố gắng thay tội tạo tượng tu phước. Phụ nữ họ Chu liền xin Từ biệt, trở lại bình thường trong làng xóm, tìm đủ lụa chuyển trả cho mẹ người đó, nói đầy đủ về hình dáng dung mạo của con trai bà mẹ, có những điểm giống như thưở bình sinh, người mẹ cũng thấy đúng mà rơi nước mắt nức nở nghẹn ngào.

8. Thời nhà Đường có Lộ Bá Đạt là người huyện Hiếu Nghĩa – Phần Châu, vào giữa thời Đường Vĩnh Huy, mắc nợ người cùng huyện một ngàn đồng tiền, sau đó bèn làm trái văn khế cự tuyệt không trả, cho đến cuối cùng cầm văn khế làm bằng chứng, liền cùng với chủ cho vay tiền ở trước Phật để thề thốt chắc chắn rằng: nếu tôi chưa trả cho ông, nguyện sau khi tôi chết sẽ làm trâu cho nhà ông. Nói xong không đầy một năm mà chết. Đến hai năm sau thì nhà của chủ cho vay tiền tước đây có con trâu cái đẻ một con nghé lông đỏ, trên trán có vạch lông trắng làm thành ba chữ Lộ Bá Đạt. Con cháu người ấy đều xấu hổ vô vàn, mang năm ngàn đồng tiền cầu xin chuộc lại, nhưng chủ trâu không cho chuộc. Thế là giúp cho Tăng Chân Như ở chùa Khởi Phước huyện Tập Thành, giúp đỡ làm thành tòa tháp mười lăm bậc, mọi người có trông thấy thì phát tâm ngăn lại điều ác, tranh nhau đem tiền của để bố thí.

Ba chuyện trên đây trích từ Minh Báo Thập Di Ký.

9. Năm thứ năm thời Đường Vĩnh Huy, phía Đông Nam ở ngoài kinh thành có sườn núi tên là Cẩu Gia Chủy, có dòng suối linh thiêng đứng đầu làng xóm là người họ Trình tên Hoa; đến mùa Thu chuyển vận than gỗ; lúc ấy Trình Hoa đã lấy đủ tiền của một người làm than, người này nhà nghèo lại không biết chữ, không giữ lấy giấy sao chép của người ta. Sau đó Trình Hoa lại đi theo người làm than đòi lấy than. Người làm than không chấp nhận, trình Hoa nói: Nếu tôi lấy được tiền của ông, sẽ đưa giấy sao chép cho ông rồi chứ. Người làm than nói: Tôi không biết chữ, ông nói cho biết rằng ông đã lấy đủ tiền của tôi không cần phải sử dụng giấy tờ sao chép làm gì, tôi nghe nói như vậy liền tin tưởng không lấy, tại sao hôm nay lại đi theo tôi đòi lấy tiền? Trình Hoa không tin nhân quả, liền vì người làm than ấy lập lời thề rằng: nếu tôi đã lấy tiền của ông, nguyện sau khi tôi chết sẽ làm trâu cho ông. Người làm than buồn phiền lấy tiền khác đưa cho. Trình Hoa không lâu sau thì mất mạng, liền đầu thai trong bụng con trâu cái của người làm than, sau sinh ra một trâu nghé, toàn thân đều màu đen nhưng trên trán có một cặp lông trắng, chữ Trình Hoa rõ ràng. Mọi người trông thấy đều biết là trình Hoa, con cái đem tiền bồi thường gấp bội, mong chuộc lấy nhưng chủ trâu không cho phép. Nhân quả không sai chút nào!

Chuyện trên đây người gần thôn cùng thấy mà kể lại.

10. Năm thứ nhất thời Đường Long Sóc, ở Hoài Châu có người đến Lộ Châu mua heo đem về Hoài Châu để bán. Có một con heo đặc biệt, mua ở Lộ Châu ba trăm đồng tiền, mang đến Hoài Châu bán cho lò mổ được 00 đồng tiền. Đến tháng mười một mùa Đông năm ấy, ở Lộ Châu có người, họ Lý không biết tên, nhậm chức Hiệu Úy đến Hoài Châu lần đầu, nhân đó đến chợ muốn mua thịt về ăn, trông thấy con heo đặc biệt này, đã trói bốn chân ở trước cửa hàng, sắp đem đi mổ thịt, thấy vị Hiệu Úy này liền nói rằng: Ông là con gái tôi, tôi là bà ngoại của ông, trước đây vì nhà ông nghèo thiếu, mẹ ông nhiều lần đến chỗ tôi xin lấy lương thực, vì nhiều lần đến lấy nên không thể cung cấp đầy đủ, con trai lớn của tôi không bằng lòng, tôi thương xót mẹ con ông, trộm giấu con traio lấy cho mẹ năm đấu gạo, nay tôi làm heo đền trả món nợ ăn cắp ấy, sao ông không cứu tôi? Hiệu Úy nghe vậy, đi theo người hàng mổ chuộc lấy heo. Người hàng mổ ban đầu không tin, người khác không hiểu lời heo này nói, chỉ riêng Hiệu Úy hiểu được mà thôi. Người hàng mổ nói rằng: Đích xác nếu như là bà ngoại của ông, thì tôi sẽ cởi trói thả heo. Ông đối diện với tôi lại xin heo cùng nói rõ ràng. Người hàng mỏ vì thế cởi trói thả heo rồi, Hiệu Úy lại xin heo nói rằng: Nay con đang ở một tháng đầu tiên, không thể đưa bà về nhà được, không biết sắp xếp nơi nào cho bà? Heo liền nói với Hiệu Úy rằng: Nay tôi đã ngăn cách với đời nhận chịu hình hài xấu xí này, cho dù ông xong công việc, cũng không cần phải đưa tôi trở về, mẹ ông đang còn, ông lại là Hiệu Úy, quyến thuộc ở quê nhà thấy tôi hình hài như vậy, chắc chắn là không vui, sợ rằng làm tổn thương ô nhục cho gia môn của ông, tôi nghe ở chùa đó có heo dê trường sanh, ông sắp xếp cho tôi ở chùa ấy. Hiệu Úy lại nói với heo rằg: Nếu bà có nghiệm đúng thì tự hướng đến chùa trước. Heo nghe nói vậy liền chạy đi hướng vè chùa. Tăng trong chùa ban đầu không chịu tiếp nhận, Hiệu Úy nói rõ về điều linh nghiệm này cho Tăng trong chùa chùa biết, tất cả tăng trong chùa nghe rồi đều cảm thấy xấu hổ của thương xót biết bao, liền làm nhà che chắn sắp xếp nơi ở cho heo, Hiệu Úy lại để lại tấm chăn nhỏ cho heo nằm. Tăng trong chùa và đạo tục thay nhau giúp cho ăn uống, lâu sau Tăng trong chùa đều hiểu lời heo nói. Hiệu Úy xong công việc, từ giả trở về châu cũ, nói cho mẹ biết sự việc như vậy. Sau đó mẹ tự mình đến thăm heo, mẹ con gặp lại nhau cùng khóc òa nức nở. Heo đến năm thứ nhất thời Đường Lân Đức hãy còn nghe vẫn bình an.

Chuyện này do Đông Cung dẫn theo Lương Nạn Địch người vùng Tích Châu. Cải Nhậm người vùng Hoài Châu và Quách hạ – Thiệt Xung cùng thấy mà kể lại.

11. Năm thứ 3 thời Đường Long Sóc, ở phường Thông Quỹ trong thành Trường An có Tam vệ Lưu Công Tín, vợ là Trần Thị, mẹ mất sớm nên Trần Thị vì thế mà ưu sầu đột ngột qua đời, thấy có người dẫn đi vào địa ngục, trông thấy đủ các loại khổ đau, không làm sao kể lại hết được. Cuối cùng thấy một địa ngục, cửa đá vững chắc, có hai quỷ lớn hình dung to cao, giữ hai bêm cửa mắt trơn trừng quát hỏi Trần Thị: Người là người nơi nào đến đây? Thấy cửa đá bỗng nhiên mở ra, mẹ đã mất ở trong đó nhận chịu khổ đau, không thể nào nói hết. Nhận chịu khổ đau hơi dừng lại nên đến gần cửa, mẹ con trông thấy nhau từ xa có thể cùng nói chuyện. Mẹ cùng nói chuyện. Mẹ nói với con gái rằng: Con trở về cố gắng viết kinh giúp mẹ! Con gái hỏi mẹ muốn viết kinh gì? Mẹ bảo rằng: hãy viết kinh Pháp Hoa cho mẹ. Nói xong cửa đá liền đóng lại. Trần Thị được sống lại, nói mọi chuyện cùng chồng, chồng liền nhờ em rể là Triệu Sư Tử mong viết giúp cho kinh Pháp Hoa. Triệu Sư Tử trước kia biết viết không, có một người viết kinh, đem đến một bộ Pháp Hoa mới viết nhưng chưa trang hoàng; người ấy trước đây qua lại với người khác nhận viết kinh mướn, chủ thuê viết kinh là người họ Phạm, người viết kinh này đem Pháp Hoa của người ta chuyển đến chỗ triệu Sư Tử đổi lấy hai trăm đồng tiền mà thí chủ không biết là trao đổi lấy tiền. Sư Tử lại nói với anh vợ rằng: Nay đã muốn có kinh ở nhà, thì có một bộ Pháp Hoa, anh chuộc lấy kinh này, giá trị trước kia là một ngàn đồng tiền. Chồng của Trần Thị đem bốn trăm đồng tiền chuộc được, trang hoàng chu đáo từ đầu đến cuối, đem về nhà vì mẹ mà cúng dường cầu nguyện. Con gái là Trần Thị sau đó mộng thấy mẹ đi theo con gái lấy kinh, nói rằng trước đây mẹ bảo con viết cho mẹ một bộ kinh Pháp Hoa, vì sao mãi đến nay không nhận được? Con gái trả lời mẹ rằng: Đã vì mẹ chuộc được một bộ kinh Pháp Hoa, hiện giờ đã trang hoàng xong đang cúng dường tại nhà. Mẹ nói với con gái rằng: Chỉ vì kinh này mà mẹ lại nhận chịu khổ đau, trong chốn âm cung mẹ bị ngục tốt đánh gãy xương sống, con hãy xem thân mẹ tàn tạ, ngục quan nói rằng tại sao ngươi lấy kinh của nhà vua họ Phạm kia để làm thành kinh của mình, ngươi đâu có phước thiện, tội lỗi của ngươi thật lớn. Con gái nghe mẹ nói như vậy, lại viết bộ kinh Pháp Hoa khác cho mẹ, kinh ấy viết chưa xong, con gái trong giấc mộng lại thấy mẹ đến giục lấy kinh, thì thấy một vị Tăng, tay cầm một quyển kinh Pháp Hoa nói với mẹ mình rằng: Con gái bà đã viết cho bà được quyển thứ nhất trong bộ kinh, công đức đã thành tựu, vì sao lại đến thúc giục, hãy chờ đến khi viết xong, cần gì phải vội vàng? Sau đó viết kinh đã hoàn tất, mẹ đến báo cho con gái biết rằng: Nhờ con viết kinh cho mẹ, nay đã được ra khỏi chốn âm ty, đầu thai đến nơi tốt lành, nhận được ân nghĩa của con cho nên đến báo để con biết, con nên giữ gìn tốt đẹp, cố gắng thực hành theo lễ tiết người vợ, tín tâm làm gốc. Nói xong buồn bã rơi lệ cùng Từ biệt nhau. Về sau tìm hỏi người chủ của bộ kinh Pháp Hoa đã chuộc trước kia, quả nhiên là người họ Phạm; nhà họ Phạm tuy không có được kinh, mà kinh ấy đã thành tựu, phước thiện giúp đỡ đã tròn đầy, người sau chuyển sang trao đổi mua bán thì tự mình nhận lấy tội lỗi, vợ của họ Lưu đem tiền chuộc lấy chỉ có được chút phước thiện nhỏ nhoi, mà mẹ đã mất không nhờ cậy được.

Thiên thứ 66: TRANH TỤNG

Thiên này có 2 phần: Thuật ý, Dẫn chứng.

Thứ nhất- PHẦN THUẬT Ý

Nói lời yêu thương vừa phát ra thì Trời người đều mỉn cười, lời nói thô lỗ vừa mở miệng thì u hiển đều tức giận; sợ rằng tương lai nghe tiếng lưu truyền xấu xa vĩnh viễn ngăn cách lòng dạ nghĩ suy, thấy thiện trong lòng thân thiết mãi mãi giống như con đẻ yêu thương. Đã biết tà chánh khác biệt đường đi, thiện ác không hề chung lối, khuyên nhủ dừng lại lời lẽ hung ác của ba độc tham sân si, phát triển lòng dạ thuận theo cung kính hợp với thiện tâm. Vì lẽ đó bậc Đại Thánh dạy bảo tu dưỡng vội gốc trừ bỏ cành ngọn, chính tâm của mình là chủ ác hiểm, miệng của mình là nơi chứa đầy tai họa, bởi vì việc làm trở thành tai họa men theo dòng chảy đi vào đường ác, chưa hề có tranh tụng làm trái hình thể mà giữ lại sự cảm hóa to lớn vậy.

Thứ hai- PHẦN DẪN CHỨNG

Như kinh Trung A-hàm nói: “Lúc bấy giờ trong Tinh xá Kỳ-hoàn có hai Tỳ kheo nổi lên tranh cãi, một người mắng nhiếc chưởi bới, một người im lặng không nói gì. Người mắng nhiếc chưởi bới ấy, liền ân hận thay đổi đến sám hối nhận lỗi với người kia, nhưng Tỳ kheo kia không chấp nhận sự sám hối ấy. Bởi vì không chấp nhận cho nên rất nhiều Tỳ kheo cùng nhau khuyên nhủ can ngăn mà cao tiếng làm cho náo loạn. Lúc bấy giờ Đức Thế tôn dùng Thiên nhĩ thanh tịnh hơn hẳn tai nghe của người, nghe thấy tiếng náo loạn trong tinh xá Kỳ-hoàn, nghe rồi từ trong thiền định trở lại tinh xá, ở trước đại chúng trải tọa cụ mà ngồi, bảo với các Tỳ kheo: Nay Ta vào rừng An Đà tọa thiền, nghe trong tinh xá lớn tiếng náo loạn, cuối cùng là do ai? Tỳ kheo thuật lại đầy đủ sự việc trước đó mà trình bày với Đức Phật. Đức Phật bảo với Tỳ kheo: Người ngu si làm sao, người ta hướng về sám hối nhận lỗi mà không chấp nhận sự sám hối ấy? Nếu người ta sám hối nhận lỗi mà không chấp nhận, thì đó là người ngu si, trong tâm đêm dài tăm tối sẽ nhận chịu khổ đau càng lắm. Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Vào đời quá khứ Thích Đề Hoàn Nhân có ba mươi ba vị Trời cùng nhau tranh cãi, thuyết kệ chỉ bày nhắc nhở rằng:

Tâm không tổn hại đối với người,
Sân giận cũng không thể ràng buộc,
Lòng dạ căm hận không giữ lâu,
Vì không dừng lại ở sân giận,
Cho dù sân giận luôn hừng hực,
Mà không phát ra lời thô lỗ,
Không mong kềm chế được người ta,
Rêu rao lỗi lầm làm xấu người.
Luôn luôn nên tự phòng hộ mình,
Lấy nghĩa xét kỹ tỉnh ngộ mình,
Không tha thứ cũng không giả dối,
Thường cùng với Hiền Thánh chung lối.
Nếu như cùng người ác giống nhau,
Cang cường giống như hòn núi đá,
Có thể tự chế ngự sân giận,
Như kềm chế ngựa xe rong ruổi,
Ta nói là bậc Thầy tốt lành,
Không nói là người cầm dây cương.

Lúc bấy giờ Đức Thế tôn bảo với các Tỳ kheo: vào đời quá có Thiên Đế thích, cùng với Thiên – A-tu-la dàn trận muốn đánh nhau, Thích Đề Hoàn Nhân nói với chúng ở ba mươi ba cõi Trời rằng: Hôm nay chư Thiên cùng với quân đội A-tu-la đánh nhau, chư Thiên đánh nhau thắng – A-tu-la không hơn, thì sẽ bắt sống vua A-tu-la Ma chất Đa la dùng dây Ngũ Hệ trói lại dẫn về Thiên cung. A-tu-la lại nói lời như vậy: Đang lúc đánh nhau mà chư Thiên không hơn -A-tu-la đánh thắng, thì sẽ bắt sống Đế Thích dùng dây Ngũ Hệ trói lại dẫn về cung điện chúng tôi. Lúc đánh trận ấy chư Thiên được thắng lợi mà A-tu-la thua trận, chư Thiên dùng dây ngũ Hệ trói vua A-tu-la dẫn về Thiên cung, trói ở dưới cổng cung điện Đoạn Pháp của Thiên Đế Thích. Lúc Đế Thích ra vào theo cổng này, vua A-tu-la bị trói ở bên cổng, mắng mỏ giận dữ, lúc ấy người đánh xe cho Đế Thích, thấy vua A-tu-la thân bị dây Ngũ hệ trói ở bên cổng, lúc Đế Thích ra vào thì mắng nhiếc giận dữ, thấy rồi liền nói kệ thưa với Đế Thích rằng:

Đế Thích nay vì sợ người kia,
Hay là không có đủ sức mạnh,
Mà luôn nhẫn nhịn A-tu-la,
Mắng nhiếc làm nhục ngay trước mặt?
Đế Thích liền đáp kệ rằng:
Không vì sợ hãi mà nhẫn nhịn,
Cũng không phải không đủ sức mạnh,
Người nào có trí tuệ thông minh,
Mà cùng người ngu si đối đáp?
Người đánh xe lại thưa rằng:
Nếu người chỉ thực hành nhẫn nhịn,
Đối với sự việc có thiếu sót,
Hạng người ngu si sẽ nói rằng,
Vì sợ hãi mà chịu nhẫn nhịn,
Vì vậy nên trừng trị nghiêm khắc,
Dùng trí để chế ngự ngu si.

Đế Thích đáp rằng:

Ta đang quan sát ngu si kia,
Chế ngự tâm của kẻ ngu si,
Thấy ngu si hừng hực giận dữ,
Trí tuệ dùng im lặng điều phục,
Không sức mạnh mà thành sức mạnh,
Sức mạnh của hạng ngu si kia,
Ngu si làm trái xa rời pháp,
Đối với đạo thì chẳng có gì.
Nếu như có sức mạnh to lớn,
Có thể nhẫn nhịn người yếu kém,
Đây chính là nhẫn nhịn cao nhất,
Không có sức sao có nhẫn nhịn?
Đối với người mắng nhiếc làm nhục,
Người sức mạnh luôn luôn nhẫn nhịn,
Đây chính là nhẫn nhịn cao nhất,
Không có sức sao có nhẫn nhịn?
Đối với mình và với người khác,
Khéo giữ gìn vô cùng sợ hãi,
Biết sân giận kia đang hừng hực,
Trở lại tự giữ mình im lặng.
Đối với hai nghĩa đều có đủ,
Tự lợi mình cũng lợi cho người,
Nghĩa là nói người ngu si ấy,
Bởi vì họ không thấy giáo pháp.
Người ngu si nói hơn là nhịn,
Lại tăng thêm những lời độc địa,
Không biết nhịn sự mắng nhiếc kia,
Đối với điều ấy thường được thắng.
Được thắng rồi thực hành nhẫn nhịn,
Thì gọi là sợ hãi nhẫn nhịn,
Đối với người ngang sức hành nhẫn,
Thì gọi là nhẫn tranh với nhẫn,
Đối với người thua kém mà nhẫn,
Thì gọi là nhẫn nhịn cao nhất.

Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Thích Đề Hoàn Nhân đối với ba mươi ba cõi Trời là người tự tại nhất, thường thực hành nhẫn nhục, ca ngợi đối với hạnh nhẫn nhục. Tỳ kheo các ông, chánh tín xuất gia học đạo khác với người thế tục, cũng nên như vậy thực hành nhẫn nhục, ca ngợi hướng về nhẫn nhục, cần phải chịu khó học tập!”

Lại trong kinh Khởi Thế nói:”Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Xưa kia chư Thiên và A-tu-la nổi lên đánh nhau dữ dội. Lúc bấy giờ Đế Thích bảo với những người dẫn dắt trong ba mươi ba cõi Trời rằng: Này các vị Nhân giả! Chư Thiên các ông, nếu cùng với A-tu-la tiến hành đánh nhau, thì nên trang nghiêm tốt đẹp và cố gắng giữ gìn binh khí đồ dùng, nếu như Thiên thắng trận – A-tu-la thua trận, thì các ông nên cùng nhau bắt sống vua A-tu-la là Tỳ-ma-chất-đa-la, dùng dây Ngũ Hệ trói lại, dẫn đến nơi chư Thiên tụ hội ở trước Thiện pháp Đường. Ba mươi ba tướng lãnh các cõi Trời nghe mệnh lệnh của Đế thích, y theo lời dặn vâng mạng thi hành. Lúc bấy giờ vua A-tu-la là Tỳ-ma-chất-đa-la, cũng lại bảo với các A-tu-la rằng: Nếu chư Thiên thua trận, thì nên bắt sống Đế Thích Thiên Vương dùng dây Ngũ Hệ trói lại, đẫn đến đứng trước ta ở nơi tụ hội của các A-tu-la bảy đầu. Các A-tu-la cũng tiếp nhận lời dạy mà thi hành. Trong trận chiến lúc ấy, quân đội Đế Thích giành được thắng lợi, tức thì bắt sống vua A-tu-la, dùng dây Ngũ Hệ trói lại, dẫn đến nơi chư Thiên quy tụ phía trước Thiện Pháp Đường, đứng hướng về Đế Thích. Lúc bấy giờ vua Tỳ-ma-chất-đa-la dường như dấy lên nghĩ rằng: Nguyện cầu các A-tu-la đều tự nhiên bình an tốt lành, nay ta không sử dụng các A-tu-la, ta nên ở nơi này cùng với chư Thiên chung sống, cùng hưởng thụ vui vẻ, thật là hợp với ý ta. Lúc dấy lên ý niệm này thì thấy dấy Ngũ Hệ trói chặt thân mình đều cởi ra, công đức ngũ dục đều hiện rõ ở trước mắt. Hệ lại dấy lên nghĩ rằng: nay mình không sử dụng ba mươi ba cõi Trời, nguyện cầu chư Thiên đều tự nhiên bình an tốt lành, mình nguyện trở về cung điện của A-tu-la. Lúc dấy lên ý niệm này thì dây ngũ hệ lập tức trở lại trói chặt thân hình, công đức Ngũ dục thoắt đã tản mác không còn. Vua A-tu-la có những ràng buộc vi tế như vậy, ràng buộc của các ma quân lại vi tế hơn vậy, nguyên cớ do đâu? Này các Tỳ kheo, lúc tư duy tà vạy thì bị ràng buộc, lúc tư duy chính đáng thì được giải thoát. Lúc bấy giờ vua A-tu-la là Tỳ-ma-chất-đa-la, trước khi chưa đánh nhau dấy lên ý nghĩ như vậy: Mình có uy thần công đức sức mạnh như vậy, cung điện mặt trăng mặt Trời và ba mươi ba cõi Trời, tuy ở phía trên mình vận chuyển lưu hành vòng quanh, mà sức mạnh của mình có thể lấy để làm cái khuyên tai, đi khắp nơi không bị gây trở ngại. Lúc bấy giờ vua A-tu-la đến gọi La-hầu-la, tự mặc các loại trang nghiêm trên thân và mang binh khí đồ dùng, cùng với vua Bính Ma chất Đa la hăng hái biến hóa kỳ ảo, các Tiểu Vương và quyến thuộc vây tròn trước sau, từ trong thành trì của A-tu-la đi theo mà ra ngoài, muốn cùng nhau đến khiêu khích gây chiến sự dữ dội với chư Thiên cõi Đao Lợi. Lúc bấy giờ hai Đại Long Vương là Nan-đà – Ưu-ba-nan-đà từ cung điện của mình đi ra, tất cả đều dùng thân vòng quanh núi Tu di, quấn quanh bảy vòng làm chấn động trong một lúc, chấn động rồi lại tiếp tục chấn động, dùng đuôi đập vào biển cả, khiến cho một cột nước vọt lên ở giữa hư không phía trên đỉnh núi Tu di. Lúc này Đế Thích bảo với chư Thiên rằng: Các ông thấy đất bằng nơi đây chấn động như vậy hay không? Giữa bầu Trời mờ mịt giống như mây cuộn mưa tuôn, lại tựa như sương mù lớp lớp phủ che, nay Ta biết chắc chắn các A-tu-la muốn đánh nhau với chư Thiên. Ngay sau đó các rồng từ trong biển đều trang bị binh khí đồ dùng mà xuất hiện. Lại hướng về nói với chư Thiên cõi Dục, tất cả đều trang bị binh khí đồ dùng vượt hư không mà đến. Tu Dạ Ma Thiên Vương cùng với vô lượng trăm ngàn vạn số chư Thiên tùy thuộc, đi đến tại phía Đông trên đỉnh núi Tu di, dựng đứng ngọn cờ Nan Hàng Phục thuần màu xanh, dựa vào đỉnh núi mà đứng. Lúc bấy giờ Đâu Suất Đà Thiên Vương cùng với vô lượng trăm ngàn vạn chúng tùy thuộc, trong một lúc tập hợp trên đỉnh núi Tu di, ở tại phía Nam đỉnh núi, dựng thẳng ngọn cờ Nan Hàng Phục thuần màu vàng, dựa vào đỉnh núi mà đứng. Lúc bấy giờ Hóa lạc Thiên Vương cùng với vô lượng trăm ngàn vạn chư Thiên tùy thuộc, xuống đến đỉnh núi Tu di, ở phía Tây đỉnh núi, dựng thẳng ngọn cờ Nan Hàng Phục thuần màu đỏ, dựa vào đỉnh núi mà đứng. Lúc bấy giờ Tha Hóa Tự Tại Thiên Vương cùng với vô lượng trăm ngàn chư Thiên tùy thuộc, xuống đến đỉnh núi Tu di, ở tại phía Bắc đỉnh núi, dựng thẳng ngọn cờ Nan Hàng phục thuần màu trắng, dựa vào đỉnh núi mà đứng.

Lúc bấy giờ Đế Thích thấy chư Thiên phía trên đầu đến tập hợp, thậm chí Dọa Xoa giữa hư không cũng cùng nhau tùy thuận đi theo đứng ở trước Đế Thích. Ngay lúc đó Đế Thích tự mình mặc giáp phục, cùng với chúng chư Thiên vây tròn trước sau, từ thiên cung đi ra sắp cùng nhau đánh trận dữ dội, các loại binh khí đồ dùng đều nhiều màu sắc đáng yêu, đều làm thành từ bảy báu. Dùng dao gươm binh khí này từ xa ném vào thân của A-tu-la thì không có gì không xuyên thủng, nhưng mà không làm tổn hại, ở trên thân thể của đối phương không thấy dấu vết của lằn sẹo vết thương, chỉ vì nhân duyên xúc chạm cho nên phải chịu đau đớn vô cùng. Binh khí đồ dùng của các A-tu-la cũng là từ bảy báu làm ra, xuyên thủng thân thể của chư Thiên cũng đều dễ dàng, mà không có lằn sẹo vết thương, chỉ vì nhân duyên xúc chạm mà nhận chịu đau đớn”.

Lại trong kinh Tăng Nhất A-hàm nói: “Ngày xưa chư Thiên và A-tu-luân luôn luôn đánh nhau, khi chư Thiên giành nhau được chiến thắng, vua A-tu-luân thua trận, thì trong lòng sợ hãi, biến hóa thân hình rất nhỏ theo lỗ trống giữa thân ngó sen mà đi qua, Phật nhãn nhìn thấy được, chứ không phải người khác mà nhìn thấy được”.

Lại trong kinh Đại tập nói: “Lúc bấy giờ Đức Thế tôn bảo với các Long chúng và A-tu-la rằng: Các ông đừng đánh nhau, mà nên tu hạnh nhẫn nhục. Người nhân ái nếu luôn luôn xa rời nóng giận thì thành tựu nhẫn nhục mau chóng đến được mười nơi. Những gì là mười nơi? Đó là: 1. Được làm vua, làm vị Luân Vương tự tại đứng đầu bốn thế giới; 2. Làm Thiên Vương Tỳ lâu Bác Xoa; 3. Làm Thiên Vương Tỳ lâu lặc Xoa; .. Làm Thiên Vương Đề Đầu lại tra; . Làm Thiên Vương Tỳ Sa Môn; . Làm Thiên Vương Đế Thích; . Làm Thiên Vương Tu Dạ Ma; . Làm Thiên Vương Đâu Suất Đà;. Làm Thiên Vương Hóa Lạc; 10. Làm Thiên Vương Tha Hóa Tự Tại. Này những người nhân ái, nếu như có đầy đủ nhẫn nhục, thì người này nhanh chóng đạt được mười nơi như vậy và tiến gần kết quả nhẫn nhục”.

Lại trong kinh Trung A-hàm nói: “ Đức Thế tôn thuyết bài tụng rằng:

Nếu như có tranh chấp luận bàn,
Ý lẫn tạp lòng đầy cao ngạo,
Chẳng phải Thánh phá hủy đức này,
Tất cả đều mong cầu dễ dàng,
Chỉ mong cầu người khác sai lầm,
Ý muốn làm người ta hàng phục,
Thì cùng nhau mà cầu thắng lợi,
Bậc Thánh không cói điều như vậy”.
 
Lại trong Kinh trung A-hàm nói: “Đức Thế tôn bảo với các Tỳ kheo: Các ông đừng đấu tranh với nhau, nguyên cớ do đâu? Bởi vì:

Nếu lấy tranh chấp ngăn tranh chấp,
Đến cuối cùng không ngăn lại được,
Chỉ nhẫn nhịn ngăn được tranh chấp,
Pháp này thật sự tôn quý nhất.
Ngay sau đó Đức Thế tôn không đồng ý,
Các Tỳ kheo Câu Xá Di tranh cãi xong,

Liền từ chỗ ngồi đứng dậy mà nói tụng rằng:

Dùng biết bao ngôn từ lời lẽ,
Phá hoại Tăng chúng tôn nghiêm nhất,
Lúc phá hoại Thánh chúng trang nghiêm,
Không ai có thể ngăn lại được,
Tan thân nát thịt đến mất mạng,
Tổn thất tài sản voi ngựa trâu,
Phá tan đất nước hủy diệt hết,
Người kia hãy còn cố hòa giải,
Huống hồ các ông mắng đôi lời,
Mà không thể làm cho hòa hợp?
Nếu không suy nghĩ nghĩa chân thật,
Thì oán kết nào được chấm dứt,
Mắng chưởi chỉ trích nhiều lần nói,
Mà có thể kềm chế hòa hợp;
Nếu suy nghĩ nghĩa lý chân thật,
Thì oán kết được dừng lại,
Nếu lấy tranh chấp ngăn tranh chấp,
Đến cuối cùng không ngăn lại được,
Chỉ nhẫn nhịn ngăn được tranh chấp,
Pháp này thật sự đáng tôn quý.
Sân hận hướng về người trí tuệ,
Miệng nói không dựa vào ngôn từ,
Phỉ báng bậc Thánh Giả Mâu Ni,
Là người hèn mạt chẳng có trí”.
 
Lại trong Kinh Phật Bổn Hạnh nói: “Đức Phật vì năm Tỳ kheo thuyết kệ rằng:

Trong một tháng hơn ngàn lần tranh chấp,
Khi tranh chấp trăm phần thắng được người,
Nếu có thể tin theo Phật Thế tôn,
Luôn hơn hẳn mười sáu phần như thế.
Trong một tháng hơn ngàn lần tranh chấp,
Khi tranh chấp trăm phần thắng được người,
Nếu có thể tin theo pháp chân thật,
Luôn hơn hẳn mười sáu phần như thế.
Trong một tháng hơn ngàn lần tranh chấp,
Khi tranh chấp trăm phần thắng được người,
Nếu có thể tin theo tăng thanh tịnh,
Luôn hơn hẳn mười sáu phần như thế.
Trong một tháng hơn ngàn lần tranh chấp,
Khi tranh chấp trăm phần thắng được người,

Nếu có thể tư duy Pháp tánh Không, luôn hơn hẳn mười sáu phần như thế”.

Lại trong kinh Tạp Bảo Tạng nói: “Xưa có một người hầu gái, bẩm tánh ngay thẳng cẩn thận, thường vì chủ nhân trông coi lúa mạ, đậu mè. Lúc ấy trong nhà có một con dê đực đã thiến chờ khi không có ai liền trộm ăn thóc lúa đậu mè, số lượng hao hụt bị chủ trách mắng, tin mình đã không lấy mà đều do con dê ăn. Vì nguyên cớ này cho nên người hầu gái thường xuyên giữ hiềm khích, hàng ngày tự cầm gậy dùng để đánh con dê đực bị thiến. Con dê đực bị thiến cũng ngậm hờn để chống lại người hầu gái. Như vậy xúc phạm nhau trước sau không phải là ít. Nhân một hôm người hầu gái tay không lấy lửa, con dê thấy không có gậy liền lao thẳng đến húc người hầu gái, người hầu gái bởi vì khẩn cấp cho nên dùng que lửa đã lấy đánh trên gáy con dê, con dê bị lửa nóng ở chỗ tiếp xúc, chạy lao vào dốt cháy thôn xóm của người, lan ra cho đến núi rừng ao đầm. Lúc ấy trong núi có năm trăm con khỉ, ngọn lửa lan đến rừng rực nên không kịp chạy tránh chỗ khác, lập tức đều trong một lúc bị lửa thiêu chết. Chư Thiên thấy rồi bèn nói kệ rằng:

Nóng giận trong thời gian đấu tranh,
Không chịu dừng lại cứ kéo dài,
Dê đực cùng hầu gái đánh nhau,
Làm chết bầy khỉ – người trong thôn”.

Tụng rằng:

Giàu sang tranh chấp nhau nhân ngã,
Nghèo hèn tự nhiên cảm thấy nhục,
Mạnh yếu không tương xứng với nhau,
Tranh chấp chưa bao giờ dừng nghỉ,
Nhục nhã căm hận xâm đoạt nhau,
Tìm kiếm cơ hội trả mối thù,
Oán kết luôn luôn tìm gặp lại,
33 Nhiều kiếp thường khổ đau sầu muộn.

NHÂN DUYÊN CẢM ỨNG

Sơ lược dẫn ra hai chuyện: 1- Thời Hán Cảnh Đế có quạ cổ trắng đánh nhau với quạ đen; 2- Giữa thời Hán Trung Bình có chim tước đánh nhau.

1. Tháng 11 năm thứ 3 thời Hán Cảnh Đế, có bầy quạ cổ trắng cùng với bầy quạ đen đánh nhau ở huyện Lữ nước Sở, quạ cổ trắng không hơn nên rơi vào trong dòng sông Tứ chết đến mấy ngàn con. Lưu Hướng cho rằng mấy ngày qua có điều không tốt. Sở Vương Mậu bạo nghịch vô đạo làm nhục Thân công bằng hình phạt, cùng với Ngô mưu phản. Bầy quạ đánh nhau ấy là hiện tượng của quân đội đánh nhau vậy. Quạ cổ trắng là nhỏ, rõ ràng nhỏ thì thất bại. Rơi vào nước thì sẽ chết nơi sông nước. Vương mâu không hiều được, liền cử binh thuận theo Ngô cùng với Hán đánh nhau dữ dội, binh lính tan tác mà chạy, đến nơi Đan Đồ bị người Việt chém chết, quả là rơi xuống sông Tứ. Kinh Phòng Bị Truyện nói: Chống lại cha mẹ thì cha mẹ của mình như mặt Trời xế bóng, quạ đen đánh nhau ở trong đất nước, Yên Vương lại mưu phản vậy. Lại có một con quạ và một con chim khách, đánh nhau ở trong cung nước Yên, quạ rơi xuống đất mà chết. Ngũ Hành Chí cho rằng Sở – yên rời bỏ ruột thịt, bề tôi ngoại tộc kiêu ngạo buông thả mà mưu mô bất nghĩa, đều có điềm của quạ và chim khách đánh nhau đến chết, việc làm giống nhau mà xem bói thì thật khớp nhau, đây là bày tỏ rõ ràng quan hệ của Trời và người vậy. Âm mưu của Yên Vương chưa phát ra, một mình Vương tự sát ở trong cung, cho nên một con quạ mà màu sắc của nước ấy là cái chết. Sở Cang Dương dấy binh, binh tướng thất bại nặng nề ở đồng hoang, vốn là bầy quạ mà màu sắc như vàng ấy là cái chết, chính hiệu quả tinh vi của lẽ Trời. Kinh Phòng Dị truyện nói:” Ngu muội chinh phạt để giết chóc là yêu tà hôn mê khiến cho quạ và chim khách đánh nhau vậy.

2. Tháng năm thứ 3 thời Hán Trung Bình, trong vùng Hoài Lăng có hơn vạn con chim tước, trước đó đã kêu lên vô cùng đau thương, vì vậy đánh nhau hỗn loạn mà tàn sát nhau, đều đứt đầu treo lơ lửng trên cành cây táo chua. Đến năm thứ Linh Đế băng hà. Nói đến Lăng ấy là hiện tượng của sự cao lớn. Tước ấy là tước vị. Thiên Giới Nhã nói: Ôm ấp tước vị và bổng lộc mà tôn sùng sâu nặng, tự trở lại tàn hại nhau đến nỗi diệt vong vậy.

Hai chuyện trên đây trích từ Sưu Thần Ký.