PHÁP UYỂN CHÂU LÂM

Sa-môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 56

 

Thiên thứ 63: PHÚ QUÝ

Thiên này có 2 phần: Thuật ý, Dẫn chứng.

Thứ nhất- PHẦN THUẬT Ý

Phàm làm điều thiện cảm được vui sướng như bóng thuận theo hình, gây điều ác chuốc lấy khổ đau như tiếng phát ra âm vang. Vì vậy giàu như Chu Bá, sang giống Tiêu Tào, gấm vóc làm áo, vàng bạc làm nhà, đằng trước là mây cuộn rồng bay, phía trên là gió mát phụng kêu, đàn sáo vang vang cung điện rực rỡ, dung mạo thân thiện trước hàng lang dài giày ngọc ở bậc thềm đỏ, mang vòng vàng ở chiếc khóa xanh, ăn thì cao lương mỹ vị đầy mâm, của ngon vật lạ đầy đủ trước mắt, thay mùi đổi vị thường xuyên, hương thơm ngào ngạt sực nức, ngồi thì nhà cao gác đẹp thềm ngọc mành châu, đàn sáo tiêu diệt trầm bổng réo rắt, nằm thì đèn lan chiếu sáng màn thêu rủ bóng, chăn gấm đã bày nệm tơ lướt nhẹ, đi thì xe bốn ngựa kéo bay bổng vút nhanh, kiệu hoa chuông ngân vang động sấm rền, muôn ngàn binh lính hầu hạ mờ mờ ảo ảo nhộn nhịp đầy đường. Sơ lược kể ra nhân của phước đức cảm báo tốt lành như vậy, nhờ vào xưa kia thực hành bố thí mà hưởng thụ lợi ích cao đẹp này.

Thứ hai- PHẦN DẪN CHỨNG

Như kinh Hiền Ngu nói: “Xưa thời Đức Phật tại thế, trong nước Xá vệ có một Trưởng giả, rất giàu sang phóng khoáng sanh được một cậu con trai, diện mạo đoan chánh hiếm có ở thế gian, cha mẹ vui mừng sung sướng, nhân đó đặt tên cho con là Đàn-di-ly. Tuổi dần lớn lên thì người cha qua đời, vua Ba-tư-nặc liền dùng tước vị của người cha mà phong cho người con. Được nhà vua phong cho tước vị rồi, nhà cửa gia đình ấy thay đổi có nhiều vật báu, trong các kho tàng thảy đều chứa đầy các loại vật quý. Lúc ấy Thái tử nhà vua tên là Tỳ Lưu Ly, gặp phải bệnh sốt cao đột ngột, các thầy kê đơn thuốc chữa trị thưa với nhà vua rằng: Cần phải có Ngưu Đầu Chiên Đàn dùng để xoa trên thân thể thì sẽ được trừ khỏi căn bệnh. Nhà vua lập tức chiêu mộ tìm kiếm, nếu ai có được, giá trị một lạng sẽ thưởng cho ngàn lượng vàng. Nhưng mà không có ai mang đến cả, có người thưa với nhà vua, trong nhà của Đàn-di-ly có rất nhiều. Lúc ấy nhà vua nghe rồi tự mình đi đến cầu xin, đến trước cổng nhà Trưởng giả Đàn-di-ly, thấy cửa ngoài nhà ấy thuần là bạc trắng, liền sai người làm đi vào thông báo cho biết. Lúc ấy người canh cổng đi vào thưa với tất cả rằng: Vua Ba-tư-nặc nay đang ở ngoài cổng. Trưởng giả nghe rồi lập tức ra ngoài đón tiếp long trọng, mời nhà vua đi vào phòng khách. Nhà vua đi vào trong cổng thấy có một cô gái, dung mạo đoan chánh ở thế gian không ai sánh được, ngồi nơi giường bạc trắng xe sợi bạc trắng, mười người hầu gái đứng hai bên. Lúc ấy nhà vua hỏi rằng: Đây là vợ khanh chăng? Trưởng giả đáp rằng: Là tỳ nữ canh cổng. Người hầu gái ấy có nhiệm vụ là thông báo rõ ràng tin tức. Tiếp tục đi vào cổng giữa thuần là lưu ly đen pha hồng, trong cổng có cô gái ngồi nơi giường lưu ly, dung mạo đoan chánh gấp bội cô gái trước, người hầu hai bên lại gấp bội số trước. Tiếp tục đi vào cổng trong thuần là vàng ròng, trong cổng có một cô gái dung mạo đoan chánh, lại càng đẹp gấp bội, ngồi nơi giường vàng ròng xe sợi vàng ròng, người hầu hai bên lại gấp bội số trước. Nhà vua lại hỏi rằng: Đây là vợ khanh chăng? Trưởng giả đáp rằng: Là tỳ nữ canh cổng. Đi vào đến trong nhà thấy mặt đất là lưu ly, trong phòng chạm khắc các loài thú vật, gió thổi lay động làm cho hình dáng hiện rõ ra trên mặt đất. Nhà vua thấy nói là nước, hãi sợ không dám đi tới, nói với Trưởng giả rằng: Ta đi qua nhiều nơi không có nơi nào làm hồ ở trước cung điện. Đàn-di-ly thưa với nhà vua: Đây là mặt đất bằng lưu ly, chứ không phải là nước. Ngay lúc ấy cởi vòng xuyến bằng vàng trên tay ném vào mặt đất, vướng bức tường mới dừng lại. Nhà vua biết là đất rồi thì cùng đi vào bên trong bước lên cung điện bảy báu. Người phụ nữ ở trong cung điện ngồi nơi giường lưu ly, lại có giường bằng vật báu mời nhà vua ngồi. Lúc ấy người phụ nữ thấy nhà vua mà trong đôi mắt tuôn trào dòng lệ. Nhà vua hỏi rằng: Vì sao không vui mà trong đôi mắt lệ trào? Người phụ nữ đáp rằng: Đại vương, chỉ vì giờ đây ngửi thấy mùi khói trên thân nhà vua, vì vậy mà nước mắt trào ra. Nhà vua bèn hỏi rằng: Tro nhà không nhóm lửa ư? Đáp rằng: Không. Nhà vua lại hỏi rằng: Dùng gì để nấu ăn? Người phụ nữ đáp rằng: Lúc muốn ăn thì mọi thứ tự nhiên hiện ra. Nhà vua lại hỏi rằng: Ban đêm không cần đến ánh sáng ư: Người phụ nữ trả lời nhà vua 2 rằng: Dùng ngọc ma ni để mà soi chiếu, khắp nhà đều rất sáng. Lúc ấy Đàn-di-ly quỳ thưa với nhà vua rằng: Đại vương, vì sao phải vất vả tinh thần sức lực mà đến nơi này? Vua Ba-tư-nặc đem sự việc trả lời đầy đủ. Trưởng giả nghe rồi liền đưa nhà vua đi vào mọi nơi chỉ rõ các kho tàng chứa đầy bảy báu, hương Ngưu Đầu tích chứa không thể kể hết được. Nhà vua cần gì cứ tùy ý mà lấy! Nhà vua lấy hai lạng hương Ngưu Đầu sai người chuyển về trước. Nhà vua cung kính nói cho biết rằng: Nay có Đức Phật xuất thế, khanh có nghe không vậy? Đàn-di-ly đáp rằng: Thế nào gọi là Phật? Nhà vua bèn giải thích cho nghe, Đàn-di-ly hoan hỷ lập tức đi đến trú xứ Đức Phật. Đức Phật thuyết pháp cho nghe đạt đến quả vị Tu-đà-hoàn, ngay sau đó xuất gia đạt được quả vị A-la-hán, có đủ Tam minh Lục thông và Bát giải thoát. A-nan thấy rồi bèn thưa với Đức Phật rằng: Đàn-di-ly này vốn có gieo trồng nghiệp gì mà sanh ở trong loài người lại thọ nhận phước báo cõi Trời, còn được gặp Thế tôn mà xuất gia đắc đạo? Đức Phật bảo với A-nan: Chính là từ chín mươi mốt kiếp quá khứ, có Đức Phật xuất thế, danh hiệu Ty-bà-thi; sau khi nhập Niết-bàn, ở trong thời Tượng pháp có năm Tỳ kheo, cùng lập yêu cầu thỏa thuận với nhau ở trong một khu rừng, tinh cần hành đạo. Nói với một Tỳ kheo: Nơi này cách xa thành ấp nên khất thực rất vất vả mệt nhọc, ông hãy làm phước suốt mùa Hạ khất thực cung cấp nuôi sống chúng tôi! Tỳ kheo ấy lập tức đi vào thành, khuyến khích các đàn việt hàng ngày đưa thức ăn cơm nước giúp cho. Bốn người yên thân chuyên tinh hành đạo đạt được quả vị A-la-hán, bèn nói với người này: Nhờ vào ông cho nên chúng tôi được yên ổn, công việc đã làm xong, ông nguyện cầu những điều gì? Người ấy nghe rồi hoan hỷ phát nguyện: Khiến cho tôi ở đời sau sanh trong loài người, trên cõi Trời được giàu sang tự nhiên gặp Phật đạt được đạo quả! Nhờ vào công đức này, từ lúc ấy đến nay suốt chín mươi kiếp không rơi vào ác đạo, sanh trong loài người, trên cõi Trời thường ở nơi giàu sang cao quý, những nhu cầu tự nhiên xuất hiện, nay gặp được Ta nên xuất gia đắc đạo”.

Lại trong kinh Hiền Ngu nói: “Xưa vào thời Đức Phật tại thế, trong nước Xá Vệ có một Trưởng giả, gia đình rất giàu tiền bạc châu báu vô lượng không thể tính kể được, sanh ra một cậu con trai, thân thể sắc vàng đoan chánh ít người sánh kịp, cha mẹ thấy rồi vô cùng vui mừng sung sướng, nhân đó đặt tên cho con, gọi là Kim Thiên. Ngày cậu bé sinh ra thì trong nhà tự nhiên xuất hiện một giếng nước, dọc ngang tám thước, sâu cũng tám thước, suốt đời sử dụng luôn luôn hợp với ý người, muốn áo có áo, cần ăn có ăn, vàng bạc châu báu và tất cả mọi nhu cầu, dấy lên nguyện vọng có được như ý liền có được. Cẫu bé đến tuổi trưởng thành thì không hiểu nhiều tài nghệ, người cha nghĩ rằng: Con trai mình đoan chánhdung mạo ít người sánh bằng, phải tìm cô gái danh tiếng dung mạo đẹp đẽ thân thễ tuyệt với giống như con trai mình, mới cầu thân xứng đáng với nhau. Lúc ấy ở nước Xà bà có Đại Trưởng giả, lại sanh được một cô gái tên là Kim Quang Minh, đoan chánh lạ thường, thân thể sắc vàng sáng rực chiếu rọi khác hẳn mọi người. Ngày cô gái sinh ra cũng có giếng nước tám thước tự nhiên xuất hiện, giếng đó cũng luôn luôn có các loại vật báu, áo quần, đồ ăn thức uống tự nhiên xuất hiện, tất cả mọi nhu cầu thích hợp với tình người. Cha mẹ cô gái cũng tự nghĩ rằng: Con gái mình đoan chánh xinh đẹp tuyệt vời giữa mọi người, cần phải tìm được người tài đức thân thể sắc vàng sáng ngời giống như con gái mình, mới cho kết hôn với nhau. Tên gọi của cô gái ấy truyền khắp mọi nơi, Kim Thiên toại nguyện cưới về làm vợ. Sau đó Kim Thiên thỉnh Phật và Tăng cúng dường bữa cơm, bữa cơm xong rồi, Đức Phật thuyết pháp cho nghe, vợ chồng Kim Thiên và cha mẹ của họ, thảy đều đạt được quả vị Tu-đà-hoàn. Vợ chồng Kim Thiên cùng thưa với cha mẹ cầu xin xuất gia, cha mẹ liền thuận theo. Đã xuất gia rồi cả hai vợ chồng đều đạt được quả vị A-la-hán, tất cả mọi công đức thảy đều đầy đủ.

A-nan thấy rồi bèn thưa với Đức Phật rằng: Vợ chồng Kim Thiên vốn có gieo trồng phước thiện gì, mà sanh vào nhà dòng họ cao quý, thân thể sắc vàng lại có giếng nước tám thước tự nhiên xuất hiện sản sinh ra các loại vật dùng như vậy? Đức Phật bảo với A-nan: Trong chín mươi kiếp quá khứ xa xưa, sau khi Đức Phật Ty-bà-thi nhập Niết-bàn, có các Tỳ kheo đi khắp nơi giáo hóa, đến trong một thôn xóm, người trong thôn thấy các vị Tăng nên tranh nhau cùng cúng dường. Lúc ấy có hai vợ chồng, nhà nghèo túng không có gì cả. Người chồng thấy mọi người cúng dường chúng Tăng, về bên vợ khóc nỉ non buồn phiền, nước mắt rơi trên cánh tay người vợ. Người vợ liền hỏi chồng: Vì sao mà khóc nỉ non vậy? Chồng trả lời vợ rằng: Lúc cha tôi còn sống tích trữ tiền của đầy kho giàu có khó mà kể được, cuối cùng trong người tôi nghèo túng khốn khổ hết sức, ngày xưa tuy có mà không bố thí, hôm nay gặp Tăng nghèo thiếu không có gì để bố thí, thân đời trước không bố thí nay khiến cho nghèo thiếu như vậy, bây giờ lại không bố thí thì đời sau càng nghèo khổ hơn, tôi suy nghĩ như vậy mà xót xa buồn phiền quá đỗi. Vợ nói với chồng rằng: Cho dù có ý mà cứ rỗng không thì chẳng có tiền có thể bố thí, biết phải làm thế nào? Vợ lại nói với chồng: Thử đến nhà cũ tìm kiếm mọi chỗ xem sao, biết đâu sẽ có được! Chồng liền đi đến nhà cũ tìm kiếm được một đồng tiền vàng, mang về nơi vợ. Người vợ lúc bấy giờ có một chiếc gương sáng, còn có được một cái bình, chứa đầy nước trong, đặt đồng tiền vàng vào trong bình, lấy chiếc gương đặt phía trên. Hai vợ chồng một lòng mang đến bố thí Tăng, phát nguyện mà đi. Nhờ vào công đức này, từ lúc đến nay trong chín mươi kiếp không rơi vào ác đạo, sanh trên cõi Trời hay trong loài người luôn luôn vợ chồng, thân thể sắc vàng hưởng thụ phước báo vui sướng, ngày nay được gặp Ta cho nên xuất gia đắc đạo”.

Lại trong Kinh Xuất Diệu nói: “Xưa ở thời Phật tại thế, trong nước Ca-tỳ-la-vệ có người em cùng lứa với Mục-kiền-liên, rất giàu có và đầy đủ bảy báu tiền của, kho tạng chứa đầy, nô tỳ tôi tớ không thể nào tính xuể. Lúc ấy Mục-kiền-liên nhiều lần đến nhà em trai mà bảo với em rằng: Nghe em keo kiệt ganh ghét không thích bố thí, Đức Phật thường dạy bố thí đạt được phước báo vô số, nay em bố thí sẽ được vô lượng phước thiện. Người em nghe anh chỉ bảo nên mở kho bố thí, lại làm kho mới mong muốn thọ nhận báo ứng đó, chưa quá một tuần mà tiền bạc châu báu cạn kiệt, kho cũ đều trống rỗng mà kho mới không có báo ứng. Người em buồn phiền đến nơi người anh nói rằng: Trước đây được anh khuyến khích bố thí sẽ có nhiều báo ứng, không dám làm trái lời anh chỉ bảo, mọi người đến cầu xin mở kho bố thí hết, kho cũ đều trống rỗng mà kho mới không có báo ứng, mong rằng không phải vì anh đã nghi ngờ lầm lỡ chăng? Người anh nói: Thôi, thôi! Đừng nói lời như vậy, đừng khiến cho người ngoại đạo tà kiến nghe thấy lời vụng về này, nếu giả sử phước đức là vật có hình dáng, thì cõi hư không bao la cũng không chứa đựng hết được, nay anh tạm thời chỉ rõ cho em một chút báo ứng thôi. Liền dùng thần lực đưa tay nắm người em đi đến cõi Trời thứ sáu, thấy có cung điện bằng bảy báu tạo thành, gió thơm, hồ tắm, kho tạng tràn đầy không thể nào tính xuể, Ngọc Nữ vây quanh mấy ngàn vạn cô, toàn là nữ chứ không có nam. Bèn hỏi anh rằng: Đây là cung điện gì mà nguy nga đồ sộ như vậy? Mục-kiền-liên bảo với em rằng: Em tự mình đến hỏi. Người em liền tự mình đến gần hỏi Thiên nữ rằng: Đây là cung điện gì mà làm thành từ bảy báu, nguy nga đồ sộ lơ lững ở giữa hư không như vậy, ai có phước đức ở trong đó hưởng thụ báo ứng vậy? Thiên nữ trả lời rằng: Trong nước Ca-tỳ-la-vệ thuộc cõi Diêm-phù-đề, Đức Phật Thích Ca có người đệ tử đầy đủ thần thông, tên gọi là Mục-kiền-liên, người ấy có người em trai thảo hiền là một Trưởng giả rất giàu có, nhờ thích bố thí nên sau này sẽ sinh ra ở đây, mà làm người chủ cho chúng tôi. Người em nghe nói mà hoan hỷ làm cho tâm thiện phát sinh mạnh hơn, về đến chỗ anh nói rõ đầy đũ sự việc ấy. Mục-kiền-liên bảo rằng: Nói là người bố thí thì có báo ứng hay là không có báo ứng vậy nhỉ? Người em trong lòng xấu hổ đến xin sám hối người anh. Sau đó về đến trong nhà lại tu phước thiện nhiều hơn, sau khi mạng chung liền sanh lên cõi Trời, hưởng thụ quả báo này”.

Lại trong Kinh Thọ Đề Già nói: “Thời Đức Phật tại thế, có một Trưởng giả rất giàu có, tên là Thọ Đề Già, kho tàng tràn đầy vàng bạc đầy đủ, nô tỳ xếp thành hàng, không có điều gì đang mong cầu nữa. Có một chiếc khăn tay bằng vải bông trắng nõn đang treo bên hồ, vì Trời nổi gió thổi bay đến trước cung điện nhà vua. Nhà vua liền tập trung tất cả quần thần ngồi lại cùng nhau bàn luận tìm hiểu, kể ra các quẻ bói để hỏi, cảm thấy quái lạ về nguyên cớ của chiếc khăn. Các quan đều nói rằng đất nước sắp hưng thịnh nên Trời ban tặng chiếc khăn bằng vải bông trắng nõn. Thọ Đề không nói gì. Nhà vua nói với Thọ Đề: Các quan đều vui mừng, sao khanh không nói gì? Thọ Đề trả lời nhà vua: Không dám dối gì nhà vua, chiếc khăn vải bông trắng nõn này là ở nhà hạ thần lau chìu thân thể, đang treo bên hồ, vì Trời nổi gió thổi bay đến trước cung điện nhà vua, cho nên im lặng không nói. Sau đó mấy ngày có một đóa hoa bằng vàng chín màu, lớn bằng bánh xe, rơi xuống trước cung điện nhà vua. Nhà vua lại tập trung các quan hỏi đáp giống như trước. Thọ Đề trả lời nhà vua rằng: Hạ thần không dám dối gì nhà vua, là đóa hoa úa tàn trong vườn sau nhà của hạ thần rụng xuống, vì Trời nổi gió thổi bay đến trước cung điện nhà vua, cho nên im lặng không nói. Nhà vua nói với Thọ Đề: Nhà khanh có thể như vậy, khanh cần phải trở về tùy ý làm sao cho điều hòa chừng mực, Ta sẽ dẫn hai mươi vạn người, đi đến nhà khanh để xem thử. Thọ Đề trả lời rằng: Mong nhà vua cho cùng đi không cần phải đi trước! Bởi vì nhà của hạ thần tự nhiên có giường chiếu, không cần phải có người sắp đặt, đồ ăn thức uống tự nhiên không cần đến người nấu nướng, tự nhiên bưng đến không cần phải kêu gọi, tự nhiên bưng đi không cần phải nhìn lại. Nhà vua liền dẫn theo hai mươi vạn người, đến cổng phía Nam nhà Thọ Đề Già mà đi vào, có một Đồng tử đoan chánh đáng yêu, nhà vua nói với Thọ Đề rằng: Là con trai của khanh phải không? Đáp rằng: Là tôi tớ giữ cửa của hạ thần. Một lát lại đi về phía trước đến cổng nhà trong, có một Đồng Nữ nhan sắc đoan chánh, màu da tươi sáng như ngọc thật là đáng yêu, nhà vua nói với Thọ Đề rằng: Là con gái khanh hay là vợ khanh vậy? Đáp rằng: Là tỳ nữ giữ cửa của hạ thần. Một lát tiếp tục đi về phía trước đến trước phòng chính, bạc trắng làm tường- thủy tinh làm đất, nhà vua trông thấy nói là nước nên nghi ngờ không thể đi tới. Thọ Đề tiến lên dẫn đường đưa nhà vua lên phòng chính, ngồi trên sập vàng-gác chân trên ghế ngọc. Vợ của Thọ Đề Già ngồi trong một trăm hai mươi lớp màn che bằng vàng bạc, vén màn mà đi ra, để chào nhà vua, trong đôi mắt rướm lệ. Nhà vua nói với Thọ Đề: Vợ khanh chào Ta tại sao rơi nước mắt? Thọ Đề đáp rằng: Hạ thần không dám dối gì nhà vua, ngửi thấy mùi khói nơi thân nhà vua nên trong đôi mắt tuôn chảy nước mắt. Nhà vua nói: Dân chúng thắp sáng bằng dầu mờ, chư hầu thắp sáng bằng mật, Thiên Tử thắp sáng bằng sơn, sơn cũng không có khói, sao có thể chảy nước mắt? Thọ Đề đáp rằng: Nhà hạ thần có một viên ngọc thần gọi là Minh Nguyệt, treo ở trên phòng chính, ngày đêm không khác nhau, không cần đến ánh sáng lửa đèn. Trước phòng chính của nhà Thọ Đề có mười hai tầng lầu cao, dẫn nhà vua đi lên xem, nhìn thấy bốn phía không rõ ràng như nhìn qua ánh trăng. Đại thần thưa với nhà vua, sách lược quốc gia là chuyện lớn, nhà vua nên trở về. Nhà vua nói trong chốc lát còn có thể chịu được. Lại dạo qua đất vườn bất giác như trải qua cả tháng, hỏi đáp giống như trước. Thọ Đề lấy bảy báu bố thí cùng với lụa là gấm vóc, hai mươi vạn người ngựa đều mang nặng, cùng lúc trở về nước. Nhà vua nói với quần thần: Thọ Đề Già ấy là dân của Ta, vợ con nhà cửa hơn xa đối với Ta, Ta muốn chinh phạt, nên chiếm lấy hay không? Các quan đều nói: Nên chiếm lấy. Nhà vua sau đó dẫn bốn mươi vạn quân binh, đánh chiêng gõ trống bao vây nhà Thọ Đề, hơn mấy trăm lớp. Trong cổng phía Nam nhà Thọ Đề Già có một lực sĩ, tay nắm gậy vàng một mình đánh lại bốn mươi vạn quân binh. Người ngựa đều ngã nhào tay chân bị trói chặt, eo lưng mềm nhũn giống như trạng thái say khướt, đầu ác nặng trũi không thể nào đứng dậy được. Ngay sau đó Thọ Đề cưỡi xe vân mẫu, đến hỏi mọi người, lúc này cần gì tự làm khổ mình mà nằm dưới đất không đứng lên được? Mọi người trả lời rằng: Đại vương sai đến muốn chinh phạt Trưởng giả, gặp lực sĩ của Trưởng giả tay cầm gậy vàng, một mình đánh bại bốn mươi vạn quân binh, người ngựa đều ngã nhào không thể nào đứng dậy được. Thọ Đề hỏi rằng: Muốn đứng lên được hay không? Mọi người đều nói rất mong được đứng dậy. Thọ Đề liền phát ra thần lực, khiến cho bốn mươi vạn người ngựa đều đứng lên, cùng lúc trở về nước. Nhà vua lập tức sai sứ gọi Thọ Đề Già đến ngồi cùng xe mà đi, hướng đến nơi Đức Phật thưa rằng: Thưa Đức Thế tôn, đời trước Thọ Đề làm công đức gì mà đạt được quả báo như vậy? Đức Phật dạy: Hãy lắng nghe, trước kia có năm trăm người cùng men theo vùng núi non hiểm trở, trên đường đi gặp Đạo nhân bị bệnh, nhường cho nhà cửa lương thực đèn đuốc của mình; lúc bấy giờ cầu xin nhiều nguyện, Trời tự nhiên cung cấp cho mình, từ hư không xuất hiện, hóa thành thân mười tám thước, phát ra ánh sáng to lớn, chiếu sáng khắp nơi thế giới. Lại nguyện làm Phật phá tan Thiết Vi, vạc nóng nở hoa-địa ngục tỏa ngát chiên đàn, ngạ quỷ làm Sa môn, La sát ngồi tụng kinh; năm trăm người buôn mang nặng vật báu ấy, nhờ cung cấp cho tăng mắc bệnh, thuận theo Tăng cầu xin Trời cung cấp, nay được cảm báo này. Người bố thí lúc ấy nay chính là Thọ Đề Già, Đạo nhân mắc bệnh lúc ấy nay chính là thân Ta, năm trăm người buôn lúc ấy nay đều đạt được quả vị A-la-hán”.

Lại trong kinh Bách Duyên nói: “Thời Đức Phật tại thế, trong thành Xá vệ có một Trưởng giả tên gọi là Thiện Hiền, tiền của châu báu vô lượng không thể nào tính xuể, người vợ sinh được một bé gái đoan chánh tuyệt trần hiếm có ở thế gian, trên đỉnh đầu tự nhiên có một hạt ngọc quý báu, ánh sáng chiếu rọi trong thành, cha mẹ vô cùng vui mừng, nhân đó đặt tên cho con, gọi là Bảo Quang. Tuổi dần lớn lên thể tánh thật là điều thuận, ưa thích ban ân huệ giúp người. Hạt ngọc quý báu tên đỉnh đầu khi có người đến cầu xin, liền lấy mà giúp cho, chốc lát lại sanh ra như trước. Cha mẹ hoan hỷ dẫn đến nơi Đức Phật, tâm sinh vui thích mà cầu xin xuất gia. Đức Phật bảo rằng: Thiện lai Tỳkheo-ni, tóc trên đầu tự nhiên rụng hết, pháp phục mang trên thân trở thành Tỳ-kheo-ni, tinh cần tu tập đật đến quả vị A-la-hán, chư Thiên và người thế gian đã trông thấy đều rất tôn kính ngưỡng mộ. Lúc ấy các Tỳ kheo thấy sự việc này rồi thưa thỉnh hỏi về nhân duyên, Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: trong chín mươi kiếp quá khứ xa xưa, có Đức Phật xuất thế, danh hiệu là Ty-bà-thi; sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, có vị vua tên là Phạm Ma Đạt Đa, thâu lấy Xá-lợi dựng tháp bằng bốn thứ báu để thờ phụng cúng dường. Lúc ấy có một người đi vào trong tòa tháp này, mang một hạt ngọc quý báu đạt vào đỉnh đầu tòa tháp rồi phát nguyện mà đi. Nhờ vào công đức này, suốt chín mươi kiếp không rơi vào đường ác, sanh lên cõi Trời hay trong loài người thường có hạt ngọc quý báu cùng sanh ra theo mình, hưởng thụ vui sướng tự nhiên, cho đến ngày nay được gặp Ta mà xuất gia đắc đạo. Các Tỳ kheo nghe rồi hoan hỷ vâng mạng thực hành”.

Lại trong kinh Bách Duyên nói: “Thời Đức Phật tại thế, trong thành Ca-tỳ-la-vệ có một Trưởng giả, giàu có vô lượng không thể nào kể xiết, người vợ sanh ra một cục thịt tròn, Trưởng giả trông thấy rồi lòng dạ vô cùng sầu não, nói là điềm chẳng lành, bèn đi đến nơi Đức Phật thỉnh cầu thưa hỏi lành dữ. Đức Phật bảo với Trưởng giả: Ông đừng nghi ngờ kỳ quái, chỉ cần nuôi nấng cho tốt, qua bảy ngày sau ông sẽ tự nhiên thấy mà thôi! Lúc ấy Trưởng giả nghe lời như vậy rồi vui mừng không thể nói được, về đến trong nhà nhắc nhủ nuôi nấng chu đáo. Sau bảy ngày, cục thịt tròn mở ra xuất hiện một trăm cậu bé, diện mạo đoan chánh tuyệt trần hiếm có ở thế gian. Tuổi dần lớn lên được gặp Phật mà xuất gia đạt đến quả vị A-la-hán, chư Thiên và người thế gian mà trông thấy đều rất tôn kính ngưỡng mộ. Lúc ấy các Tỳ kheo thấy sự như vậy rồi bèn thỉnh cầu Đức Phật giảng giải về nhân duyên đắc đạo. Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Trong chín mươi kiếp quá khứ xa xưa, có Đức Phật xuất thế, danh hiệu là Ty-bà-thi; sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, lúc ấy nhà vua nước kia tên là Bàn Đầu Mạt Đế, thâu lấy Xá-lợi dựng tòa tháp bằng bốn thứ báu, cao một do tuần để mà thờ phụng cúng dường. Lúc ấy có hơn một trăm người cùng một ấp trỗi lên các loại âm nhạc, ôm hoa cầm hương cúng dường tòa tháp ấy, tất cả cùng phát nguyện: Nhờ công đức này khiến cho chúng con vào đời sau sanh ở một nơi cùng làm anh em. Phát nguyện này rồi tất cả đều tự quay trở về nhà mình.

Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Cần phải biết rằng một trăm người cùng một ấp lúc ấy nay chính là một trăm Tỳ kheo này. Nhờ vào sức mạnh của lời thề nguyện lúc ấy, cho nên suốt chín mươi kiếp không rơi vào ba nẻo tối tăm, sanh trên cõi Trời hay giữa loài người thường cùng sinh ramột nơi hưởng thụ vui sướng tự nhiên, cho đến bây giờ được gặp Ta, vẫn cùng sanh ra một nơi mà xuất gia đắc đạo. Các Tỳ kheo nghe rồi hoan hỷ phụng hành”.

Tụng rằng:

Chứa đá cho rằng chẳng chân thật,
Bình trang hoàng tin là giả tạm,
Trộm áo che đậy trên cổng cao,
Gió thổi bay xuống cửa sổ đen,
Tế phượng chỉ có tâm kinh hãi,
Văn hầu rốt cuộc thích đồng hoang,
Chân tướng há rõ ràng cách thức,
Phù vinh chưa thể nào buông bỏ,
Khách mũ mão hình tích khác lạ,
Xe theo lối cũ mãi ruỗi rong,
Đã vậy bỗng ngừng tiếng trịnh trọng,
Tự nhiên loạn chuẩn mực khắp nơi,
Phú quý rổng không tranh danh lợi,
Vinh nhục hư giả mắng chưởi nhau,
Chốc lát gió thổi thành mây khói,
Bọt nước huyễn ảo đâu giữ được?

NHÂN DUYÊN CẢM ỨNG

Sơ lược dẫn ra chuyện: 1- Vương Văn Độ thời Tấn; 2- Trương Thị thời Tấn; 3- Lưu Bá Tổ thời Tấn; 4- Thái Thú Lý Thường thời Tấn; 5- Trung Thư Lệnh Sầm văn Bổn thời Đường; 6- Biệt Giá Thẩm Dụ Thiện thời Đường.

1. Thời nhà Tấn có Vương Văn Độ trấn giữ vững Quảng Lăng, bỗng nhiên thấy hai lính hầu cầm tấm bia bắn tên đến mời. Vương Văn rất kinh ngạc hỏi lính hầu rằng tôi làm quan ở đâu? Lính hầu nói: Ngài làm Thứ Sử hai châu Từ – Duyễn và là tướng quân vùng Bắc Bình. Vương Văn nói: Tôi đã làm là quan này tại sao lại mới gọi vậy? Lính hầu nói: Đây là giữa cõi người mà thôi, nay được làm là quan ở trên cõi Trời. Vương Văn rất sợ hãi, chốc lát thấy đến đón quan, người mặc áo đen và binh lính mặc áo làm bia bắn tên rất nhiều. Vương Văn sau đó bệnh mà chết.

Chuyện trên đây trích từ U Minh Lục.

2. Thời nhà Tấn ở Trường An có người tên là Trương Thị, ngày một mình ở trong nhà, có con chim Gáy từ ngoài bay vào đậu trên giường, Trương Thị ngạc nhiên, bày tỏ lòng dạ mà khấn nguyện rằng: Chim Gáy nay đến đây, nếu là họa của tôi, thì bay lên cái lọng che; nếu là phước của tôi, thì bay vào lòng tôi. Chim Gáy vỗ cánh bay vào lòng, thế là hóa thành một cái móc, từ đó tài sản tự nhiên sinh ra vô cùng nhiều.

3. Thời nhà Tấn ở vùng Bác lăng có Lưu Bá Tổ làm Thái Thú Hà Đông, nơi dừng lại ở trên cái lọng che có thần linh luôn luôn nói cho biết, chốn Kinh sư sắp có chiếu thư tuyên bố tin tức, nhất định là báo cho Bá Tổ biết trước. Bá Tổ hỏi rằng thần linh ăn thứ gì? Đáp rằng muốn được ăn gan dê. Liền mua gan dê, ở phía trước mà cắt ra, cắt nhỏ từng miếng theo dao biến mất không hiện ra, hai chiếc gan dê hết sạch. Có một con mèo nhỏ bé ở trước án thư, lính hầu đưa dao muốn chặt đầu, Bá Tổ trách mắng ngăn lại, tự mình nâng lên đặt trên cái lọng che. Chốc lát cười lớn mà nói rằng: Xưa nay ăn gan mê mẩn, bỗng nhiên mất đi hình dáng cùng với Phủ Quân gặp nhau thật là xấu hổ. Sau Bá Tổ được làm chức quan Tư Lệ, thần linh lại nói cho biết trước, ngày đó tháng đó Bá Tổ sẽ nhận thư đến. Đến kỳ hạn giống như lời báo trước. Đến khi vào phủ Tư Lệ thì thần linh đi theo trên cái lọng che, nhất định là nói rõ sự việc trong tỉnh lỵ. Bá Tổ rất sợ hãi, nói với thần linh rằng: Nay chức quan đang là Thứ Sử, tả hữu quý nhân nghe thần linh ở đây nên có thể làm tổn hại nhau. Thần linh đáp rằng: Như Phủ Quân đã suy nghĩ thì nên rời xa nhau là tốt. Thế là bặt dứt không một tiếng động.

4. Thời nhà Tấn có lý Thường, tự là Nguyên Văn, người nước Tiêu. Lúc trẻ có một Sa môn, đến gặp Lý Thường nói rằng: Phước báo của ông sắp đến, mà lại đối đãi thuận theo, ông có thể giữ nghèo hèn mà tu đạo không ra làm quan, thì phước thiện tăng thêm đối đãi không còn, ông hãy cố gắng lên! Lý Thường tánh tình nóng nảy lại nhà nghèo, chỉ hỏi chuyện làm quan sẽ đến nơi nào chứ hoàn toàn không tìm hiểu về ý tu đạo, vì vậy cho một quyển kinh nhưng Lý Thường không chịu lấy, mà vẫn hỏi về con đường vinh hoa sang hèn như thế nào. Sa môn nói: Được mang đai vàng tía cao nhất tại ba quận, nếu như có thể ở tại một quận mà dừng lại thì cũng là tốt rồi. Lý Thường nói: Tạm thời được phú quý, nào quan tâm đến tai họa về sau. Nhân đó giữ ở lại đêm, Lý Thường ban đêm thức dậy thấy Sa môn, thân nằm đầy cả giường, đi vào gọi người nhà, lớn nhỏ đều nhìn trộm; lại biến thành con chim lớn bay lên đậu tên xà nhà, Trời sáng trở lại thân hình bình thường mà đi. Lý Thường tiễn đưa ra ngoài cổng bỗng nhiên không thấy nữa, biết là người thần, vì vậy thờ Phật mà cũng không thường xuyên tinh chuêyn. Về sau làm Thái Thú quận Tây Dương – Giang Hạ – Lư Giang gặp loạn Long Tương tướng quân Đại Hưng Trung Dự Tiền Phụng mà bị chém chết.

Câu chuyện trên đây trích trong Minh Tường Ký.

5. Thời nhà Đường có Trung Thư Lệnh Văn Bổn, người vùng Giang Lăng, thuở trẻ tin Phật thường niệm tụng phẩm Phổ Môn trong kinh Pháp Hoa, từng chèo thuyền ở Ngô Giang bị hư thuyền nên người trên thuyền chết hết, Văn Bổn chìm vào trong nước, nghe có người nói: Chỉ cần niệm Phật chắc chắn không chết. Như vậy nói ba lần. Lát sau theo làn sóng nổi lên từ trong nước, đã đến được bờ Bắc tức thì thoát chết. Sau ở Giang Lăng thiết trai, tăng đồ quy tụ tại nhà mình, có một khách Tăng đi sau một mình, nói với Văn Bổn rằng: Thiên hạ đang loạn lạc, ông may mắn không gặp phải tai họa ấy, cuối cùng gặp thời thái bình sẽ được giàu sang. Nói xong đi nhanh ra ngoài, tiễn đưa ra bên ngoài thì không thấy nữa. Lát sau Văn Bổn ăn bữa cơm, từ trong bát cơm của mình gặp được hai hạt Xá-lợi. Về sau quả nhiên giống như lời nói, Văn Bổn tự mình hướng đến nói rõ sự việc như vậy.

6. Thời nhà Đường có Thượng Thư Bộ Hộ Vũ Xương Công Đới Văn Trụ, thướng qua lại với Biệt Giá Thẩm Dụ Thiện ở Thư Châu. Văn trụ qua đời vào năm thứ bảy niên hiệu Trinh Quán nhà Đường, đến tháng tám năm thứ tám, Dụ Thiện ở châu phủ mộng thấy chính mình đi đường phố Nam phía Tây phướng Nghĩa Ninh ở chốn Kinh sư, bỗng nhiên gặp Văn Trụ mặc áo cũ sách dung mạo thật tiều tụy, trông thấy Dụ Thiện mà vui buồn lẫn lộn. Dụ Thiện hỏi rằng ông ở thưở bình sinh tu phước, nay thì làm gì? Văn Trụ đáp rằng: Tôi ở lúc còn sống tấu sai giết oan người ta, sau khi tôi chết người khác giết mổ trâu dê cúng tôi, bởi vì hai điều này, trả lời biện giải thì khổ đau cay đắng không thể nào nói hết, bây giờ cũng hiểu rõ tình cảnh rồi. Nhân đó nói với Dụ Thiện rằng: Tôi ở thưở bình sinh cùng với ông là bạn tốt, cuối cùng không thể nào tiến cử địa vị quan tước cho ông, trong lòng rất ân hận, nay ông tự mình được làm ngũ Phẩm Văn Thư, đã vượt quá Văn Trụ, vui mừng giúp nhau, cho nên đem báo cho nhau biết. Nói xong mà tỉnh giấc đến nói cho mọi người biết, mong giấc mộng có bằng chứng. Mùa Đông năm ấy Dụ Thiện vào Kinh tham gia tuyển chọn, có bị phạt bằng tiền đồng không được làm quan, lại hướng về mọi người nói là giấc mộng không linh ứng. Mùa xuân năm thứ chín Dụ Thiện trở về Giang Nam, đi đến Từ Châu bỗng nhiên nhận được chiếu thư, trao cho Dụ Thiên tước vị Ngũ Phẩm làm trong phủ Vụ Châu, đến anh làm Lại Bộ Thị Lang, nghe chiếu mới nên Dụ Thiện hỏi rõ như vậy.

Hai chuyện trên đây trích từ Minh Báo Ký.

 

Thiên thứ 64: BẦN TIỆN

Thiên này có phần: Thuật ý, Dẫn chứng, Tu Đạt, Bần nhi, Bần nữ.

Thứ nhất- PHẦN THUẬT Ý

Nói đến giàu nghèo sang hèn thì đều bởi vì nghiệp trước đây, được mất có không thì đều dựa vào hạnh xưa kia. Vì vậy trong kinh nói: “Muốn biết nhân quá khứ, nên nhìn quả hiện tại; muốn biết quả vị lai, nên nhìn nhân hiện tại”. Vì lẽ đó, nhà của Nguyên Hiến, phòng của Kiền Lâu, cửa tre vách lá không che nổi gió bụi, chiếc cỏ cửa tranh không ngăn được sương gió; không bện rơm cỏ để làm chiếu nằm, cắt lá sen để làm áo mặc, che hai khuỷa tay thì hai ống tay đều chọc thủng, đưa vào cánh tay thì hai vạt áo đều thiếu hụt; miệng ăn bụng chứa thì nhờ vào thôn xóm, dừng chân cư trú thì dựa vào miếu hoang, đầu đội mũ rách mười năm, thân mang áo vá một trăm mảnh; làng xã đã không có ruộng đất, Lạc Dương lại thiếu mất người chủ, thường xuyên lang thang kiếm ăn qua ngày, tuy xấu hổ với Linh Triếp mà có lỗi lầm che đậy, mới thẹn thùng với Bá Di khiến cho khổ sở đoanh vây; áo quần thiếu thốn, lẽ nào thấy mùa xuân? Gạo cơm đều không, lấy gì lo cuối năm? Tất cả những điều như vậy, đều bởi vì ngày xưa không thực hành ân huệ giúp người mà luôn luôn tích trữ tham lam keo kiệt, khiến cho quả báo một khi đã cảm thì chịu nghèo khổ biết bao! Vì vậy cho nên người thực hành hãy luôn luôn rộng lòng bố thí!

Thứ hai- PHẦN DẪN CHỨNG

Như trong kinh Đăng Chỉ nói: “Nên biết rằng nghèo khó ví như ở địa ngục, mất đi chỗ nương tựa không có nơi nào gởi gắm, lòng dạ buồn lo ưu sầu tiều tụy. Sắc hoa đã úa tàn thì dung mạo chuyển sanh xấu xí, thân thể gầy còm đói khát bức bách, hố mắt sâu hoắm tay chân trơ xương, da mỏng dính thân gân mạch lộ rõ, đầu tóc rối tung tay chân quều quào, sắc diện vàng vọt toàn thân nứt nẻ. Lại không có áo quần đến trong chỗ dơ bẩn, thu lượm giẻ rách khâu liền với nhau làm cái để mặc, mới che đậy hình hài trần trồng từ trên xuống dưới. Nằm dựa đống phân lại không có giường chiếu, những người thân thích xưa kia thấy mà không biết, đi khắp nơi xin ăn giống như quạ đói, đến bên bạn bè quen biết muốn đi theo xin ăn, người giữ cổng ngăn cản mà không cho phép, đợi dịp thuận tiện thì đi vào lại bị trừ làm nhục, chủ nhà đã đi ra muốn cầm roi đánh đập, khom lưng cúi đầu vái lạy nhận tội. Chủ nhà khinh miệt chẳng cần quay đầu nhìn lại. Giả sử được vào nhà nhưng vì khinh rẻ cho nên đã không nói chuyện qua lại, cũng không bày chỗ ngồi, ban cho chút đồ ăn thức uống ném vào đồ đựng để cho no đủ đôi chút. Giả sử được hội lớn hy vọng xin được cơm thừa canh cặn, nhưng vì coi khinh cho nên không gọi vào cho ngồi, lại bị đuổi đi ra ngoài. Người bần cùng, ví như cây rừng không có hoa nên các loài ong rời xa. Cỏ bị sương nên lá tự cuốn khô, hồ cạn khô nên chim Hồng chim Nhạn không dạo qua, rừng bị cháy nên hươu nai không hướng đến, ruộng cắt hết mạ không có người thu nhặt. Hôm nay nghèo thiếu thốn nói đến giàu có vui sướng ngày xưa, chỉ gọi là nói suông thì có ai chịu tin? Bởi vì mình bần cùng không có đường nào nhắm đến, ví như cánh đồng bát ngát bị lửa đốt cháy rụi, Người không vui thích nương nhờ. Như cây khô không có bóng mát thì không có loài nào tìm đến nương tựa. Như mạ non bị sương độc mưa đá làm hư hoại không có gì thu hoạch. Như rtắn độc làm hại nên mọi người đều tránh xa. Như thức ăn trộn lẫn chất độc nên không có người nào thưởng thức. Như giữa chốn mồ hoang trống trải nên không có người hướng về. Như nhà xí hôi thối ghê tởm ruồi nhặng bu đầy. Như kẻ tàn ác bị mọi người xa lánh ngăn cách, tuy nói lời hay nhưng người ta cho là sai trái. Nếu làm thiện nghiệp thì người ta cho là thấp hèn, những việc làm nhanh nhạy linh hoạt lại chê là tùy tiện bộp chộp. Nếu lại thong thả kéo dài thì cũng nói là cứ như quan trọng. Giả sử ca ngợi người ta nhưng người ta nói là khen ngợi để nịnh bợ. Nếu như không khen ngợi thì lại sanh ra phỉ báng, nói người nghèo khó này thường nói lời không tốt. Nếu như giảng dạy thì lại nói là lừa dối không thật. Nếu như nói năng giải thích rộng ra thì người ta nói là nhiều lưỡi. Nêu như im lặng không nói thì người ta nói là che đậy tình ý. Nếu như nói lời chính trực thì lại cho rằng thô lỗ. Nếu như cầu mong ý người thì lại nói là nịnh bợ quanh co. nếu như nhiều lần gần gũi thì lại nói là làm cho người ta mê hoặc. Nếu như không gần gũi thì lại nói là cao ngọa. Nếu như thuận theo lời người khác nói ra thì lại nói là lừa gạt lấy ý người ta. Nếu như không thuận theo thì lại nói là tự nắm giữ một mình. Nếu như bỏ ý mình mà không ngờ lại bị mắng rằng hèn hạ bỉ ổi. Nếu như ý không khuất phục thì bị nói là người nghèo hèn hãy còn cố tình chấp ngã. Nếu có chút tự nhiên phóng khoáng thì nói là kẻ ngu si mà không có hạn chế kiêng kị. Nếu tự mình tiếp nhận thì nói là kẻ không có liêm khiết mà giả vờ tự mình đoan trang nghiêm túc. Nếu như thích nhàn tản thì nói là hạng phóng túng buông thả giống như người điên. Nếu như ưu sầu buồn thảm thì nói là hạng ngậm độc không có tâm hoan hỷ. Nếu như nghe lời người khác nói có những điều không hết nghĩa mà vì họ giải thích rõ ràng, thì nói là hạng thâm thắt lấy ngu thay trí thật là xấu xa. Nếu như im lặng thì nói là ngu dốt không biết đạo lý. Nếu như có chút lý luận thì nói là kẻ không tin tội phước. Nếu như có những mong cầu thì nói là kẻ tùy tiện mong cầu không biết gì liêm sỉ. Nếu như không mong cầu điều gì thì nói nay tuy không cầu mà mong sau này được nhiều điều to lớn. Nếu như lời nói dẫn ra kinh sách thì lại nói là giả vờ làm vẻ thông minh. Nếu như nói lời mộc mạc chất phác thì lại chê là dốt nát chậm chạp. Nếu như công khai nói về sự thật thì lại nói là gắng gượng giải thích. Nếu như tự mình ngăn cản mà nói lời đúng đắn thì lại nói là gièm pha nịnh bợ. Nếu như mặc áo mới thì lại nói là mượn để trang sức vẻ bên ngoài. Nếu như mặc áo cũ rách thì lại nói là hèn kém xấu xa. Nếu như ăn uống nhiều thì lại nói là hạng đói khát ham ăn. Nếu như ăn uống ít thì lại nói là trong bụng đói meo mà giả vờ ra vẻ thanh liêm. Nếu như giải thích kinh luận thì nói là bày tỏ cái biết của mình làm rõ ràng sự tối tăm u ám của mình. Nếu như không giải thích gì đến kinh luận thì nói là ngu si không hiểu biết nên dùng để chăn trâu. Nếu như tự mình nói đến sự nghiệp ngày xưa thì nói là khoa trương cao ngọa tự khen ngợi mình. Nếu như tự mình ngậm miệng im lặng thì nói là tự cách gia đình thiếu kiến thức.

Những người bần cùng, đi lại ăn ở nói năng hành động, nhất cử nhất động đều là tội lỗi sai lầm. Những người phú quý làm những điều phi pháp cũng không có gì sai lầm tội lỗi, hành động của họ thì đều có những thuận lợi. Người bần cùng giống như quỷ dựng lên xác chết làm cho tất cả đều sợ hãi, như gặp phải căn bệnh hiểm nghèo khó có thể chữa trị, như giữa đồng hoang mênh mông gặp nơi nguy hiểm cùng đường không có nguồn nước và đồng cỏ, như rơi vào biển rộng chìm giữa dòng nước lớn, như người tắc họng không thể nào thở được, như căn bệnh trong mắt không biết đi đến nơi đâu, như cáu bẩn sâu dày khó có thể rửa sạch, cũng hư kẻ thù tuy cùng chung cơm áo không từ bỏ ác tâm, như mùa Hạ nóng bức người đi vào giếng sâu mà tắt thở, như bước vào bùn sâu không thể nào thaót ra được, như nước dữ dội từ trên núi chảy xuống cuốn phăng phá tan mọi chướng ngại trên đường, bần cùng cũng như vậy, quả thật là lắm gian nan.

Nói đến người phú quý, thì có uy đức tốt đẹp, dung mạo thong dong, tâm ý rộng rãi khoan hồng, lễ nghĩa tranh nhau phát triển luôn luôn sanh ra trí tuệ dũng khí, gia nghiệp tăng thêm quyến thuộc hòa thuận, danh tiếng tốt lành truyền rộng gần xa. Lấy điều này mà quán xét, tất cả người ở thế gian thì sự phú quý vinh hoa không đáng để tham lam đắm trước, đối với sự tôn quý của các hàng Trời người thì không nên hưởng thụ quá mức. Nên biết rằng bần cùng là nỗi đau khổ to lớn, muốn đoạn trừ bần cùng thì không nên tham lam keo kiệt. Vì vậy cho nên trong kinh nói rằng cuộc đời bần cùng thật là khốn khổ vô cùng”.

Thứ ba- PHẦN TU ĐẠT

Như trong kinh Tạp Bảo Tạng nói: “Xưa ở thời Đức Phật tại thế, Trưởng giả Tu Đạt cuối cùng nghèo khó khốn khổ tiền bạc tài sản đều khô cạn. Đi khắp nơi làm mướn cố gắng kiếm được bốn thăng gạo nhóm lửa nấu cơm ăn, gặp A-na-luật đi đến khất thực, vợ Tu Đạt liền lấy bình bát xới đầy cơm trao cho. Sau đó Tu-bồ-đề – Ca-diếp – Mục-kiền-liên – Xá-lợi-phất…, theo thứ tự đến khất thực đều bố thí đầy bình bát. Cuối cùng Đức Phật đến, cũng cúng dường đầy bình bát. Tu Đạt ở bên ngoài về đến nhà, bảo vợ lấy cơm ăn. Vợ Tu Đạt liền nói với chồng rằng: Nếu như Tôn giả A-na-luật đến, thì chàng sẽ tự nhiên ăn hay là cúng dường Tôn giả nhỉ? Tu Đạt đáp rằng: Thà rằng tự mình không ăn để được cúng dường Tôn giả. Người vợ lại nói rằng: Nếu như tiếp đến có Ca-diếp – Đại Mục-kiền-liên – Tu-bồ-đề và Xá-lợi-phất ngay cả Đức Phật cũng đến, thì chàng sẽ làm thế nào? Chồng đáp vợ rằng: Thà rằng tự mình không ăn để đem tất cả cúng dường các vị ấy. Người vợ liền nói với chồng rằng: Sáng nay các bậc Thánh đều đến khất thực, tất cả cơm nước đều cúng dường hết. Chồng nghe nói vô cùng hoan hỷ, bèn nói với vợ rằng: Tội lỗi chúng ta không còn thì phước đức sẽ sinh ra. Liền mở kho tạng thì lúa gạo đậu mè, lụa là gấm vóc, đồ ăn thức uống thảy đều đầy đủ, dùng hết lại sinh ra. Quả báo như vậy không thể nào nói hết”.

Lại trong kinh Tạp Thí Dụ nói: “Xưa kia Trưởng giả Tu Đạt bảy đời nghèo khó, đời cuối cùng nghèo khó cùng quẫn nhất, quả là không có một đồng tiền. Sau đó nhặt được một cái Thăng bằng gỗ từ trong chỗ rác rưởi. Thực ra là bằng gỗ chiên đàn, đem ra chợ bán mua được bốn thăng gạo, nói với vợ lấy một Thăng để thổi cơm, còn mình sẽ đi lấy rau làm thức ăn, lúc quay lại cùng ăn với nhau. Đức Phật nghĩ rằng: Nên độ Tu Đạt khiến cho phước đức tiếp tục phát sinh. Gạo thổi cơm vừa chín. Xá-lợi-phất – Mục-kiền-liên – Ca-diếp và Đức Phật xuất hiện, bốn thăng gạo lần lượt nấu hết, mong muốn sau này giàu có lại thỉnh Đức Phật và chúng Tăng cúng dường đến hết. Đức Phật thuyết pháp cho nghe và đạt được đạo quả”.

Lại trong kinh Bồ-tát Bổn Hạnh nói: “Lúc ban đầu gia đình Trưởng giả Tu Đạt nghèo khó vô cùng, được Đức Phật thuyết pháp nên thân thâm thanh tịnh đạt đến quả vị A-na-hàm; chỉ có năm đồng tiền vàng, một ngày mang một đồng tiền cúng dường Phật, một đồng tiền cúng dường Pháp, một đồng tiền cúng dường Tăng, một đồng tiền tự mình ăn uống, một đồng tiền làm vốn. Ngày từng ngày như vậy, luôn luôn có một đồng tiền cuối cùng không có khi nào hết sạch. Thế là thọ trì năm giới, tâm mong cầu đã đoạn, tất cả phụ nữ đều tùy theo niềm vui của mỗi người. Có một người phụ nữ rang ngũ cốc làm thành bột, sơ suất làm cho lửa cháy lan ra họa đến người và loài vật. Vua Ba-tư-nặc sắc chỉ các quan đưa ra hạn định: Từ nay trở đi ban đêm không được nhóm lửa và khắp đèn đuốc, nếu có ai vi phạm thì phạt một ngàn lạng vàng. Lúc bấy giờ Tu Đạt đắc đạo ở nhà, ngày đêm ngồi thiền nhập định, nửa đêm gà gáy thắp đèn ngồi thiền. Lính canh quan sát bắt được, nắm đèn đến thưa với nhà vua, nên phải bị phạt vạ. Tu Đạt thưa với nhà vua: Nay tôi bần cùng không có tiền bạc tài sản, nên lấy gì chịu phạt đây? Nhà vua tức giận truyền lệnh giam vào trong ngục, lập tức dẫn Tu Đạt giao cho cai ngục canh giữ. Tứ Thiên Vương trông thấy, đầu đêm Tứ Thiên Vương đến nói với Tu Đạt rằng: Tôi mang tiền cho ông, dùng để nộp phạt cho nhà vua, có thể đến nạp mà ra. Tu Đạt thuyết kinh cho Tứ Thiên Vương xong thì họ ra đi. Đến giữa đêm thì Thiên Đế lại đến thăm, Tu Đạt thuyết pháp cho nghe xong thì Đế Thích ra đi. Tiếp đến cuối đêm thì Phạm Thiên lại xuống thăm, Tu Đạt thuyết pháp cho Phạm Thiên xong, Phạm Thiên lại ra đi. Lúc ấy nhà vua trong đêm ở trên lầu cao nhìn thấy trong ngục có ánh sáng ngọn lửa, vào sáng sớm nhà vua lập tức sai người đến nói với Tu Đạt: Vì lửa bị phạt giam mà không xấu hổ, lại tiếp tục thắp đèn ư? Tu Đạt đáp rằng: Tôi không thắp đèn, nếu như thắp đèn thì phải có khói muội chứ. Lại nói với Tu Đạt: Đầu đêm có bốn ánh lửa, giữa đêm có một ánh lửa, lớn gấp bội ánh lửa trước, cuối đêm lại có một ánh lửa, còn gấp bội so với trước, nói không thắp đèn thì là những cái gì phát sinh? Tu Đạt đáp rằng: Đây không phải là ánh lửa, đầu đêm Tứ Thiên Vương đến thăm tôi, giữa đêm Thiên Đế đến thăm tôi, cuối đêm Phạm Thiên đến thăm tôi, đều là ánh sáng của ngọn lửa trên thân chư Thiên, chứ không phải là lửa thật. Lính hầu nghe lời ấy liền đến thưa với nhà vua, nhà vua nghe như vậy mà tâm kinh hãi sởn tóc gáy. Nhà vua nói: Người này phước đức đặc biệt mới như vậy, nay Ta vì sao mà hủy nhục đến họ? Lập tức truyền lệnh cho lính hầu rằng: Nhanh chóng thả ra đi, đừng làm cho chậm trễ. Vâng lệnh liền thả khiến đi đi, Tu Đạt được ra ngoài, đi đến nơi Đức Phật lễ lạy Đức Phật rồi nghe pháp. Vua Ba-tư-nặc lập tức trang nghiêm xe ngựa tìm đến nơi Đức Phật. Nhân dân trông thấy nhà vua thì đều đứng dậy tránh đường, chỉ có Tu Đạt vì tâm còn giữ pháp vị nên thấy nhà vua mà không đứng dậy, tâm nhà vua hơi oán hận, người này là dân của Ta mà trong lòng khinh mạn thấy Ta không đứng dậy, thế là trong tâm ôm giữ căm giận. Đức Phật biết ý nhà vua nên dừng lại không thuyết pháp, nhà vua thưa với Đức Phật rằng: Nguyện xin thuyết pháp. Đức Phật bảo với nhà vua rằng: Nay không phải là lúc vì nhà vua mà thuyết pháp, vì sao không phải lúc? Bởi vì lúc con người khởi tâm sân giận kết buộc không cởi bỏ, tham dâm nữ sắc tự đại không tôn trọng, tâm tư cấu trược nghe pháp vi diệu mà không thể nào hiểu được, vì lý do này, bây giờ không phải là lúc vì nhà vua mà thuyết pháp. Nhà vua nghe Đức Phật giải thích, ý tự nghĩ rằng: Bởi vì người này, khiến cho mình hôm nay có hai điều sút giảm, lại khởi tâm sân giận mà không được nghe pháp. Vì vậy đảnh lễ Đức Phật mà lui ra, đi ra đến bên ngoài truyền lệnh cho tả hữu biết: Nếu người này đi ra thì dứt khoát chém đầu cho Ta. Nói lời này xong ngay lập tức bốn phía xuất hiện hổ lang sư tử và các loài thú độc đều đến bao vây quanh nhà vua. Nhà vua trông thấy sợ hãi quay trở lại nơi Đức Phật. Đức Phật hỏi Đại vương vì sao quay trở lại? Nhà vua thưa với Đức Phật rằng: Thấy sợ hãi nên quay trở lại. Đức Phật bảo với nhà vua rằng: Biết người này hay không? Nhà vua thưa: Không biết. Đức Phật bảo rằng: Người này đã đạt được quả vị A-na-hàm, bởi vì khởi lên Ác ý nhằm vào người này, vì vậy khiến cho như thế, nếu không quay lại thì nhà vua ắt phải chịu tổn hại chứ không thể nào cứu giúp an toàn được.

Nhà vua nghe Đức Phật giải thích thì vô cùng sợ hãi, lập tức hướng về Tu Đạt lễ lạy sám hối, bốn bề im phăng phắc, ở trước Tu Đạt nhà vua nói: Đây là dân của mình mà hướng về làm cho khuất phục nhục nhã, thật là rất khó. Tu Đạt lại nói: Mà tôi bần cùng thực hành bố thí, cũng lại rất khó; Thi La Sư Chất là nước bằng phẳng vuông vức bị giặc đã nắm giữ, lâm chung không phạm vào vọng ngữ, giặc liền tha cho, thật là rất khó. Lại có vị Trời tên gọi Thi Ca Lê, nằm ở trên lầu cao có Ngọc Nữ cõi Trời xuất hiện, vì giữ cấm giới mà không hưởng thụ, thật là rất khó. Thế là người này ở trước Đức Phật đều nói kệ rằng:

Bần cùng bố thí thật là khó,
Hào quý nhẫn nhục thật là khó,
Nguy hiểm trì giới thật là khó,
Trai trẻ xả dục thật là khó.

Đức Phật thuyết kệ xong, nhà vua và thần dân đều vô cùng hoan hỷ, đảnh lễ mà lui về vâng mạng thực hành”.

Thứ tư- PHẦN BẦN NHI

Như trong kinh Biện Ý Trưởng Giả Tử nói: “Ngay sau đó Trưởng giả tử Biệt Ý hướng về Đức Phật đảnh lễ, vòng tay thưa với Đức Phật rằng: Chỉ nguyện Đức Thế tôn, Từ bi đến chỗ nghèo hèn, và thỉnh các chúng hội ngày mai vui lòng đến nhà dùng cơm. Lúc bấy giờ Đức Thế tôn im lặng nhận lời. Các Trưởng giả tử đảnh lễ Đức Phật mà lui về. Đến nhà chuẩn bị cơm nước chu đáo, ngày mai Đức Thế tôn và các Đại chúng, đi đến nơi ấy vào chỗ ngồi trang nghiêm, Biện Ý thưa với cha mẹ và các quyến thuộc, tiến lên lễ dưới chân Đức Phật rồi đều tự cung kính hầu hạ. Biện Ý bắt đầu tiến hành rót nước rửa mặt tôn kính dâng lên các món thức ăn. Sắp dọn thức ăn chưa xong thì có một người ăn xin, tiến lên đi qua từng chỗ ngồi xin ăn. Đức Phật chưa chú nguyện nên không ai dám cho, đi khắp không được gì nên tức giận mà bỏ đi, liền sinh ra ý niệm xấu ác: Những Sa môn này phóng dật ngu si mê hoặc, có đạo lý gì đâu, kẻ nghèo thiếu đi xin chẳng có tâm mà giúp cho; Trưởng giả ngu si mê hoặc dùng mọi thứ cung cấp như vậy, không có ý niệm Từ bi gì cả, ta làm vua sẽ dùng vành bánh xe bằng sắt cán đứt đầu của họ. Nghĩ như vậy rồi ra đi. Đức Phật chú nguyện thọ thực đã xong, lại có một người ăn xin đến đi vào xin ăn, mọi người trong chỗ ngồi ai cũng giúp cho, được nhiều cơm và thức ăn mà vui vẻ ra đi, liền sinh ra ý nghĩ rằng: Những Sa môn này đều có tâm từ, thương mình nghèo đói khốn khổ giúp cho ăn uống no đủ, được lợi ích qua mấy ngày, tốt lành thay tốt lành thay! Trưởng giả ơi, quả là có thể cúng dường cung kính các Đại sĩ như vậy, phước thiện ấy vô lượng, tôi làm vua chúa thì sẽ cúng dường Đức Phật và cúng đệ tử, thậm chí bảy ngày còn không đền đáp được ân cứu giúp đói khát hôm nay. Nói xong liền ra đi. Đức Phật thọ thực đã xong, thuyết pháp rồi thì trở về trong tinh xá. Đức Phật bảo với A-nan: Từ nay về sau thọ thực xong rồi dùng cơm, lấy đây làm thường lệ.

Lúc ấy hai người ăn xin lần lượt xin ăn đến trong nước khác, nằm trong đám cỏ rậm ở bên đường. Lúc ấy nhà vua nước kia bỗng nhiên băng hà không có người thừa kế. Lúc ấy tướng sư trong nước hiểu biết về tướng pháp, xem trong sách sấm ghi rằng: Sẽ có người hèn mọn thích hợp để làm vua. Thế là bá quan văn võ ngàn vạn binh lính cưỡi xe cưỡi ngựa đi khắp biên giới quốc gia, tìm ai là người thích hợp để làm vua. Nhìn thấy trong đám cỏ rậm bên đường, phía trên có tán mây che. Tướng sư xem tướng nói: Bên trong có người thần. Tức thì trông thấy người ăn xin có tướng thích hợp để làm vua. Các quan bái kiến đều xưng là hạ thần. Người ăn xin kinh ngạc, tự nói mình là người thấp hèn chứ không phải là dòng dõi vua chúa, nhưng tất cả đều nói là ứng với tướng chứ không phải là dùng sức mạnh để bắt ép. Đưa về dùng nước ấm pha hương tắm gội rồi mặc áo đội mũ của bậc Đế Vương, tướng mạo sáng ngời trang nghiêm phù hợp tốt đẹp vô cùng, truyền cho tùy tùng trước sau quay xe đưa vào kinh thành. Lúc ấy người ăn xin Ác ý nằm ngủ ở trong đám cỏ rậm chẳng hay biết gì, bị bánh xe cán đứt mất đầu. Nhà vua đến trong nước, âm dương điều hòa bốn mùa hưng vượng hẳn lên, nhân dân an lành vui vẻ ca ngợi đức độ của nhà vua.

Lúc bấy giờ nhà vua tự nghĩ rằng: Xưa là người bần cùng, vì nhân duyên gì mà được làm vua của một nước? Lúc xưa đi ăn xin được nhờ ân của Đức Phật mà có được nhiều đồ ăn thức uống, liền nảy sinh thiện niệm nếu được làm vua thì cúng dường bảy ngày để đền đáp ân đức của Đức Phật, nay đã cảm quả. Lập tức triệu tập quần thần từ xa hướng về nước Xá vệ thắp hương làm lễ, liền phái xứ giả đến thỉnh cầu Đức Phật rằng: Được nhờ Đức Thế tôn để lại ân đức được làm vua cõi người, nguyện cúi đầu thỉnh cầu Thế tôn uy thần xuất hiện giáo hóa nước này, người ngu si tối tăm mong được gặp và được giáo huấn! Thế là Đức Phật bảo với các đệ tử: Hãy nhận lời thỉnh cầu ấy. Đức Phật cùng với rất đông các đệ tử, đi đến nước kia. Lúc ấy nhà vua ra ngoài nghênh đón để làm lễ chào Đức Phật, thỉnh vào cung điện thọ thực xong, nhà vua thỉnh cầu Đức Phật thuyết về nhân duyên được làm vua. Đức Phật giải thích cho biết đầy đủ về nhân duyên như trước, nhờ khởi lên niệm thiện mà nay được làm vua. Người ác niệm lúc ấy không hỉ bị bánh xe cán đứt đầu mà chết, chết rồi lại đi vào địa ngục bị xe lửa cán chết, qua ức kiếp mới thoát ra. Nhà vua nay thỉnh Đức Phật đền đáp lời thề quá sâu nặng, đời đời hưởng thụ phước đức không có tận cùng. Lúc bấy giờ Đức Thế tôn dùng kệ khen ngợi rằng:

Tâm người là gốc rễ độc hại,
Miệng là cánh cửa của tai họa,
Tâm nghĩ đến mà miệng nói ra,
Thân chịu lấy tội lỗi tai ương.
Không nghĩ đến thiện ác của người,
Tự mình làm thân chịu tai họa,
Ý muốn làm hại đến người ta,
Bất giác bị xe cán đứt đầu.
Tâm là pháp cam lồ vi diệu,
Khiến cho người sanh lên cõi Trời,
Tâm nghĩ đến mà miệng nói ra,
Thân hưởng được phước đức của mình.
Người có nghĩ đến thiện và ác,
Tự làm nguồn gốc để an thân,
Ý nghĩ tất cả đều là thiện,
Như nhà vua được địa vị cao.

Lúc ấy nhà vua nghe kinh vô cùng hoan hỷ, thần dân cả nước đạt được quả vị Tu Đề Hoàn”.

Lại trong kinh Hiền Ngu nói: “Đức Phật an trú tại nước Xá vệ, cùng với các đệ tử gồm một ngàn hai trăm năm mươi người quy tụ. Trong nước có năm trăm người ăn xin, thường dựa vào Như lai đi theo chúng Tăng xin ăn tự sống, tâm chán ngán bùng phát bên trong nên cầu mong được xuất gia, cùng nhau thưa với Đức Phật rằng: Như lai xuất thế thật là khó gặp, chúng là hạng thấp hèn được nhờ cứu giúp thân mạng, nay bần cùng xuất gia không biết có cho phép hay không? Đức Phật bảo với những người ăn xin: Pháp của Ta thanh tịnh không có sang hèn, ví như nước trong rửa sạch những thứ bất tịnh, hoặc là sang hay là hèn, nước đã tẩy thì không có gì không sạch sẽ. Lại giống như lửa lớn đã đến nơi, bị lửa thiêu cháy thì không có gì không cháy khô. Lại giống như hư không bao la thì giàu nghèo sang hèn có vào trong ấy đều tùy ý tự nhiên cảm nhận. Những người ăn xin nghe nói thảy đều hoan hỷ, tín tâm phát ra gấp bội nên chân thành quya về xuất gia. Đức Phật bảo rằng: Hãy cố gắng! Đầu tóc tự nhiên rụng hết, pháp y mang trên thân, hình tướng Sa môn lập tức đầy đủ. Đức Phật thuyết pháp cho nghe thành tựu đạo quả A-la-hán. Vào lúc ấy các Trưởng giả giàu có trong nước, nghe độ người ăn xin đều dấy tâm khinh mạn, tại sao Như lai cho phép hạng người thấp kém này ở giữa chúng Tăng? Chúng ta tu phước thỉnh Phật và chúng tăng thọ thực, nay hạng thấp hèn này ngồi trên giường chiếu của mình nắm chén bát đũa muỗng của mình thì làm sao chịu được?

Lúc bấy giờ Thái tử Kỳ Đà thỉnh Đức Phật và chúng Tăng, sai sứ giả đến thưa với Đức Phật: Xin nguyện cầu Đức Thế tôn ngày mai nhận lời thỉnh của con, cùng với Tỳ kheo tăng, những người ăn xin được độ, con không mời họ, xin đừng dẫn đến. Ngày mai vào giờ ăn, Đức Phật bảo với những người ăn xin rằng: Ta nhận lời thỉnh cầu của người ấy mà các ông không được xếp vào, nay nên hướng đến cõi Uất Đa Việt lấy cám gạo chín muồi tự nhiên quay về đế nhà ấy, tùy ý theo thứ tự chỗ ngồi tự nhiên ăn cám gạo. Các Tỳ kheo y như lời dạy, liền dùng thần túc đi đến thế giới ấy, tất cả đều tự lấy đầy bình bát trở về giữ gìn oai nghi, cưỡi mây mà đến, như chi nhạn bay về, tiến vào nhà Kỳ Đà ngồi theo thứ tự cùng ăn uống. Lúc ấy Thái tử nhìn thấy các Tỳ kheo có oai nghi đi đứng thần túc phước đức đầy đủ, tâm cung kính hoan hỷ ca ngợi là chưa từng có, bèn thưa với Đức Phật rằng: Không biết những vị Hiền Thánh này từ phương Trời nào đến? Đức Phật bảo với Kỳ Đà: Nếu muốn biết thì các vị ấy chính là những người hôm qua đã không được mời. Đức Phật ngay sau đó hướng về Thái tử nói rõ nhân duyên của các vị ấy. Lúc bấy giờ Kỳ Đà nghe nói lời như vậy thì trong lòng vô cùng hổ thẹn, tự ngã ngu si tệ hại không phân biệt được sáng tối, không biết rõ những người này gieo trồng thiện hạnh gì, nay được gặp Đức Thế tôn đặc biệt được nhờ ân huệ tốt đẹp như vậy, lại tạo ra lỗi lầm gì mà phải ăn xin để tự nuôi sống mình? Đức Phật bảo với Kỳ Đà: Thời quá khư lâu xa có đất nước rộng lớn tên là Ba-la-nại, có một vùng núi tên gọi Lợi Sư, chư Phật cổ xưa phần nhiều an trú trong đó, nếu lúc không có Phật thì có hai ngàn vị Bích-chi-Phật luôn luôn cư trú trong đó. Có một Trưởng giả tên là tán Đà Ninh, lúc ấy thế gian xảy ra hạn hán, tiết kiệm sự giàu có của gia đình, bèn hỏi người theo dõi kho tạng: Nay trong kho tạng của Ta có bao nhiêu thóc gạo, muốn thỉnh các Đạo sĩ, không biết cung cấp đủ hay không? Người theo dõi kho tặng trả lời rằng: Vẫn còn rất nhiều đủ để cung cấp. Liền thỉnh hai ngàn vị Bích-chi-Phật thiết trai cúng dường, sai năm trăm người phục vụ cung cấp sắp xếp cơm nước. Lúc ấy những người phục vụ liền sanh tâm chán ghét, những người chúng ta sở dĩ phải vất vả cực nhọc thế này, đều vì những người ăn xin ấy. Lúc bấy giờ Trưởng giả luôn luôn khiến một người báo cho biết là đến giờ ăn, nuôi một con chó ngày ngày theo đến. Bấy giờ người phục vụ cuối cùng gặp một ngày quên không đến báo, con chó đến giờ ăn một mình đi đến nơi thường đến, hướng về các Đại sĩ cao tiếng mà sủa. Các vị Bích-chi-Phật nghe con chó ấy sửa, thì biết là đến giờ ăn, đi đến liền ngồi vào chỗ thọ thực đúng như pháp, nhân đó trình bày với Trưởng giả: Hôm nay Trời sẽ mưa nên có thể gieo giống. Trưởng giả như lời cày ruộng gieo giống, vật được gieo trồng đều biến thành cây bầu, Trưởng giả thấy quái lạ nên thường xuyên tưới nước, sau đến lúc chín đều to lớn, liền bổ ra xem thử. Theo vật đã gieo trồng trở thành lúa mạch tốt lành sạch sẽ chứa đầy trong đó, Trưởng giả vô cùng hoan hỷ, trong nhà đầy tràn lại chia cho họ hàng thân thích, tất cả mọi người trong nước đều được nhờ ân huệ tốt lành. Lúc này năm trăm người lo cung cấp cơm nước nghĩ rằng: Thu hoạch loại quả này thật sự là ân đức của Đại sĩ, tại sao chúng ta nói lời xấu xa đối với các vị ấy? Thế là đi đến nơi ấy thỉnh cầu hối cải, lại lập lời thề rằng: Nguyện khiến cho chúng con, ở đời tương lai được gặp Hiền Thánh nhờ ân được giải thoát. Vì vậy cho nên trong năm trăm đời thường làm người ăn xin, nhờ vào sự hối cải đó lại lập lời thề, cho nên nay gặp Ta xuất thế nhờ ân được cứu độ.

Thái tử nên biết rằng, Tán Đà Ninh giàu có lúc bấy giờ nay chính là thân Ta; người theo dõi kho tạng lúc ấy nay chính là Tu Đạt; người ngày ngày báo đến giờ ăn lúc ấy nay chính là Ưu Điền Vương; năm trăm người lo cung cấp cơm nước lúc ấy nay chính là năm trăm vị A-lahán này vậy. Lúc bấy giờ Kỳ Đà và người trong pháp hội, nhìn thấy sự thần thông biến hóa đó đều đạt được bốn quả vị”.

Thứ năm- PHẦN BẦN NỮ

Như kinh Hiền Ngu nói: “Xưa ở thời Đức Phật tại thế, Tôn giả Ca -chiên-diên ở tại nước A-bàn-đề, lúc ấy trong nước đó có một Trưởng giả, rất giàu có lắm tiền của. Trong nhà có một người hầu gái, có chút lầm lỗi, bị Trưởng giả đánh roi, ngày đêm đi làm đầy tớ, áo quần không che đủ thân bình, cơm nước không đủ miệng ăn, tuổi già vất vả cực nhọc nghĩ đến cái chết không được, đúng lúc mang vò đến sông lấy nước, cất tiếng khóc òa nức nở. Lúc bấy giờ Tôn giả nghe tiếng khóc ấy, đi đến nơi đó hỏi han biết rõ nhân duyên, liền nói rằng: Nếu bà nghèo thì sao không bán nó đi? Bà cụ đáp rằng: Ai mà mua cái nghèo khó? Ca-chiên-diên nói: Nghèo khó thật sự có thể bán. Bà cụ thưa rằng: Nghèo khó có thể bán, thì bán nó thế nào? Ca-chiên-diên nói: Nếu như bà cụ bán thì chỉ thuận theo lời tôi nói. Bảo rằng trước tiên hãy gội rửa, gội rửa xong bày cho cách làm. Bà cụ thưa với Tôn giả: Nay tôi bần cùng áo quần trong người không có chỗ nào lành lặn, chỉ có mỗi chiếc vò này, thì của Đại gia cho phép, nên lấy cái gì để làm? Tức thì mang bình bát đưa cho và bảo lấy nước bố thí, nhận lấy chú nguyện cho, sau đó truyền giới cho bà cụ, cuối cùng dạy cho niệm Phật xong hỏi rằng: Bà cụ ở nơi nào? Người hầu gái liền đáp rằng: Không có chổ ở nhất định, hễ giã gạo nhóm lửa làm cơm nơi nào thì ở lại nơi đó, có lúc nằm trong đống rác. Tôn giả nói rằng: Bà cụ nên chịu khó dốc lòng kính cẩn làm theo, chờ lúc tất cả mọi người trong nhà ông chủ ngủ hết, trộm mở cửa đi vào, ở trong cửa ấy trải cỏ mà ngồi, tư duy quán tưởng Đức Phật. Bà cụ tiếp nhận lời dạy rồi đến đêm tối vào nơi chỗ ngồi, mạng chung bên trong cửa mà sanh lên cõi Trời Đạo Lợi. Ông chủ sáng sớm trông thấy nổi giận mà nói: Người hầu gái này bình thường không cho phép vào nhà, sao bỗng nhiên chết nơi này? Liền sai người lấy cỏ buộc chân, mang đặt trong rừng lạnh lẽo. Người hầu gái này sanh lên cõi Trời, cùng với năm trăm người Trời lấy làm quyến thuộc, bèn dùng Thiên nhãn quan sát thấy được nhân duyên sanh lên cõi Trời của thân trước đó, lập tức dẫn theo năm trăm người Trời kia, ôm hoa cầm hương đến trong khu rừng lạnh lẽo, đốt hương rải hoa cúng dường tử thi, phát ra ánh sáng cõi Trời chiếu rọi thôn xóm ven rừng. Ông chủ thấy quái lạ bèn bảo cho xa gần đều biết, đến khu rừng quan sát thế nào. Trông thấy rồi nói rằng: Người hầu gái này đã chết vì sao mà cúng dường? Người Trời trả lời rằng: Đây là thân trước của tôi. Thế là nói cho nghe đầy đủ về nhân duyên sanh lên cõi Trời. Sau đó đều quay lại đến nơi Ca-chiên-diên lễ lạy cúng dường. Nhờ vào duyên thuyết pháp, năm trăm người Trời thảy đều đạt được quả vị Tu-đà-hoàn. Đã đạt được quả vị rồi trở về cõi Trời. Bởi vì nhân duyên này, người có trí thuận theo nên học như vậy mà thực hành”.

Lại trong kinh Phật thuyết Ma-ha Ca-diếp Độ Bần Mẫu nói: “ Đức Phật an trú tại nước Xá Vệ, lúc này Ma-ha Ca-diếp, một mình thực hành giáo hóa đến thành Vương xá, thường thực hành lòng thương xót lớn lao làm phước cho chúng sanh, rời các nhà hào phú mà đi theo những người nghèo khổ xin ăn. Lúc ấy sắp đi khất thực trước tiên nhập Tam muội, nơi nào có người khốn quẫn nghèo túng thì mình nên làm phước thiện. Thế là đi vào trong kinh thành Vương xá, thấy một bà cụ đơn độc, vô cùng nghèo túng khốn khổ, nằm ở trong đống rác to bên đường phố, khoét đống rác bên đường để làm nơi trú ngụ, gầy còm tật bệnh thường nắm trong đó, cô quạnh một mình không chốn nương tựa không có cơm ăn áo mặc, thuận tiện ở trong đống rác làm thành hàng rào nhỏ, dùng để che chắn hình hài khốn khổ. Ca-diếp từ trong Tam muội biết người này đời trước không gieo trồng phước thiện vì vậy nay bần cùng khốn khổ, biết thọ mạng của bà cụ đang gần ngày chấm dứt, nếu như mình không cứu độ thì vĩnh viễn mất đi phần phước thiện. Bà cụ thì đói khát khốn khổ, gặp nữ tỳ của Trưởng giả đem vất bỏ nước gạo, hôi thối khó mà nói được, bà cụ đi theo xin lấy, liền dùng mảnh ngói bể chứa đầy hai bên. Ca-diếp đến nơi chú nguyện đi theo nài xin, nhiều ít bố thí cho tôi có thể được phước lớn. Lúc bấy giờ bà cụ liền nói kệ rằng:

Toàn thân mang đầy những tật bệnh,
Cô quạnh bần cùng sao nói hết,
Nghèo khốn nhất trong cả đất nước,
Cơm áo không nuôi nổi thân hình,
Cuộc đời có người không yêu thương,
Hãy còn thấy thương hại quan tâm,
Vì sao nói yêu thương đau xót,
Mà không biết nỗi khốn khổ này?
Bần cùng khốn khổ khắp thế gian,
Không có ai hơn được thân tôi,
Nguyện thấy thương xót tha thứ tôi,
Thật không luyến tiếc vì nhân ái.
Ma-ha Ca-diếp liền đáp kệ rằng:
Phật là tôn quý nhất Tam giới,
Tôi có đủ thuộc về trong đó,
Muốn trừ bỏ nghèo đói cho bà,
Vì vậy đi theo xin nghèo khó,
Nếu có thể giảm bớt thân miệng,
Chia chút ít để làm bố thí,
Đêm dài tăm tối được giải thoát,
Đời sau sinh ra được giàu có.

Lúc bấy giờ bà cụ nghe kệ hoan hỷ, tâm nghĩ đến hôm kia có nước gạo hôi thối, muốn đem bố thí mà không thể uống, từ xa nói với Ca-diếp: Thương xót tôi có nhận không? Ca-diếp đáp rằng: Rất tốt. Bà cụ liền vào hang nằm rạp xuống lấy, hình hài thân thể tàn truồng không thể mang ra được, nghiêng thân hình cúi khom người trong hàng rào mà trao cho. Ca-diếp nhận lấy, miệng kính trọng chú nguyện khiến cho gặp được phước thiện an lành. Ca-diếp trong lòng nghĩ rằng: Nếu mình đem đi bỏ vào chỗ khác mà uống, thì bà cụ không tin mà nói là mình vứt đi. Ngay lúc ấy trước mặt bà cụ uống hết sạch trong bát, đặt trở lại trong túi, thế là bà cụ lại đặc biệt chân thành tin tưởng. Ca-diếp tự nghĩ rằng: Nên hiện bày thần túc làm cho bà cụ này chắc chắn được an lạc. Lập tức ở giữa hư không hiện ra nhiều điều thần kỳ biến hóa. Lúc bấy giờ bà cụ trông thấy như vậy thì nhảy lên mừng rỡ, nhất tâm quỳ thẳng từ xa nhìn thấy Ca-diếp, Ca-diếp nói cho biết rằng: Nay trong ý bà cụ nguyện cầu những điều gì? Bà cụ liền bày tỏ với Ca-diếp: nguyện nhờ chút phước thiện được sanh lên cõi Trời. Ngay lúc ấy Ca-diếp bỗng nhiên không còn thấy nữa, mấy ngày sau bà cụ mạng chung lập tức sanh lên cõi Trời Đạo Lợi, uy đức trang nghiêm chấn động Trời đất, ánh sáng phát ra rực rỡ chói lòa ví như mặt Trời cùng lúc đầu mọc lên, soi chiếu rạng ngời Thiên cung. Đế Thích sợ hãi ngạc nhiên, người nào có phước đức cảm động hơn hẳn mình như vậy? Liền dùng Thiên nhãn thấy phước đức của Thiên nữ này khiến cho như vậy, thì biết Thiên nữ từ nơi nào sanh đến. Lúc bấy giờ Thiên nữ liền tự nghĩ rằng: Phước báo này nhờ vào đời trước cúng dường Ca-diếp mà có được, giả sử cho rằng dùng trăm ngàn các loại châu báu trên cõi Trời để dâng lên cúng dường Ca-diếp, vẫn còn chưa thể đền đáp ân đức trong chốc lát. Lập tức dẫn thị nữ mang hương hoa cõi Trời, bỗng nhiên đi xuống, ở giữa hư không rải trên Ca-diếp, sau đó xuống đến nơi rạp lạy sát đất, lễ lạy xong lùi lại đứng một bên, vòng tay ca ngợi rằng:

Ba ngàn đại thiên thế giới,
Tôn quý nhất là Đức Phật,
Tiếp theo có Đại Ca-diếp,
Có thể đóng cửa tội lỗi,
Xưa ở cõi Diêm-phù-đề,
Đứng trước hang rác dơ bẩn,
Vì bà cụ nghèo hèn ấy,
Bắt đầu nói lời chân thật,
Lúc ấy bà cụ hoan hỷ,
Dâng lên nước gạo hôi thối,
Bố thí chỉ bằng hạt cải,
Báo ứng đạt được như núi.
Tự nhiên trở thành Thiên nữ,
Hưởng thụ phước thiện vô cùng,
Vì vậy cho nên đến đây,
Quy y đảnh lễ phước điền.

Thiên nữ trình bày xong thì tất cả trở về cõi Trời. Tâm Đế Thích nghĩ rằng: Người nữ bố thí nước gạo hôi thối mà cảm đến phước này, Ca-diếp vô cùng thương xót chỉ cảm hóa người kém phước chứ không đến nơi giòng họ cao quý, mình nên làm cho thật hưng thịnh. Thế là cùng với Thiên Hậu mang thức ăn trăm vị, đựng trong chiếc bình nhỏ đến thành Vương xá ở ven đường làm ngôi nhà nhỏ rách nát, thay đổi hình dáng của mình giống như ông lão, thân thể gấy nhom còng lưng mà bước đi. Hai vợ chồng ông lão bèn cùng nhau đan chiếu, tình cảnh bần cùng không thể tích trữ đồ ăn thức uống. Sau đó Ca-diếp đi khất thực, trông thấy người nghèo túng này mà đến khất thực. Ông lão nói: Rất nghèo túng không có gì thì biết làm sao? Ca-diếp chú nguyện rất lâu chứ không đi. Ông lão nói: Vợ chồng chúng tôi rất già yếu đan chiếu không có gì mà nài xin, chỉ có ít cơm đúng lúc muốn ăn, nghe Ngài nhân từ đức hạnh chỉ đến nài xin người nghèo túng, mong làm cho được phước thiện, nay tuy cùng quẫn khốn khổ mà ý tự mình chia bớt để bố thí Hiền giả, quả thực như đã nói khiến cho tôi được phước. Hương thơm thức ăn cõi Trời không phải ở thế gian mà được ngửi thấy, dường như mùi thơm ngào ngạt tỏa ra trước khi mở bình, Ca-diếp biết rõ nên hoàn toàn không chịu nhận lấy. Ông lão liền nói: Thưa Đạo nhân, thức ăn hèn mọn không nhiều hãy đem bát đến lấy! Ca-diếp liền dùng bát nhận lấy chú nguyện cho người bố thí, hương thơm ấy tỏa ngát khắp kinh thành Vương xá và trong phạm vi đất dước ấy. Ca-diếp thì không vừa ý với hương thơm ấy, vợ chồng ông lão rời thân nhanh chóng bay vào giữa hư không và bật ngón tay hoan hỷ vô cùng. Ca-diếp tư duy thì biết Đế Thích hóa thành ông lão mà làm phước thiện, nhưng nay mình đã nhận thì không nên trả lại. Ca-diếp khen ngợi, Đế Thích gieo trồng phước thiện không chán, nén chịu đựng chủng loại tồi tệ như vậy để xuống trần gian gieo trồng phước thiện, chắc chắn đạt được báo ứng như mong cầu, Đế Thích và Thiện Hậu bội phần vui mừng hớn hở. Lúc này trên cõi Trời tiếng nhạc vang lừng đến nghêng đón, Đế Thích về đến cung điện hoan hỷ càng thêm gấp bội”.

NHÂN DUYÊN CẢM ỨNG

Thời nhà Hán có Âm Sanh, là đứa trẻ ăn xin dưới cầu Vị Hà – Trường An. Thường ở nơi chợ búa để xin ăn no nê trong phố thị, lấy rác tung khắp nơi, chốc lát lại thấy giặt áo đen thui, không vấy bẩn như cũ. Quan lớn biết được thử trói vào một chỗ, mà vẫn tiếp tục xin ăn nơi chợ búa; thứ muốn giết thế là bỏ đi, nhà cửa của người đã cố tình làm hại thì tự nhiên hư hoại, làm chết hơn mười người. Trong thành Trường An loan tin rằng: Thấy kẻ ăn xin cho rượu ngon, để tránh tai họa bị sập nhà.

(Xem trong Sưu Thần Ký) Tụng rằng:

Gió nghiệp thường lan tràn khắp nơi,
Biển khổ ầm vang tiếng sóng trào,
Đẩy mình luôn nổi trôi lang thang,
Lìa xa dần nơi chốn Niết-bàn.
Lúc nào con thuyền yêu thương đến,
Chở mình vượt qua dóng ái nhiễm?
Thật sự nhờ ưa thích bố thí,
Lập tức xa cảnh tình bần cùng,
Tội lỗi dơ bẩn được trừ sạch,
Hạt ngọc thần dẫn dắt thoát ra,
Cửa giàu sang cảnh vật chói lòa,
Nghiệp nghèo hèn vĩnh viễn chấm dứt,
Chí hướng mong cầu tám giải thoát,
Thề nguyền từ bỏ sáu trần lao,
Nếu như gặp cha hiền dạy bảo,
Trong lòng con tim đập rộn ràng.