PHÁP UYỂN CHÂU LÂM

Sa-môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 58

 

Thiên thứ 67: MƯU BÁNG (Phần 1).

Thiên này có phần: Thuật ý, Chú tổ, Phỉ báng, Tị cơ, Túc chướng.

Thứ nhất- PHẦN THUẬT Ý

Nói rằng tâm là nguồn của mọi căn bệnh, miệng là gốc của sự khen chê, cùng phát sinh tên gọi sai khác tạo họa phước chẳng chung đường lối. Vì vậy biết ba nghiệp thân miệng ý, đều là nhân tạo thành tai họa; sáu tình của tai mắt, đều là mầm chuốc lấy hiềm khích, khiến cho tìm cách bài báng Thánh phàm, áp bức oan uổng lương thiện, bất ngờ nhận chịu ba căn, mãi mãi từ bỏ bảy chúng. Nhưng sống chết có mạng, giàu sang do nghiệp, cho dù thêm rượu độc mà độc tố không thể làm tổn thương, ngoại đạo dấy lên tìm cách bài báng mà mưu mô không thể hại được, chỉ có dấy tâm bài báng giả tạo thi hành cúng tế cầu xin. Do đó Ban Tiệp Hảo nói: Tu thiện hãy còn không gặp được phước, làm điều tà mong lấy gì hướng đến? Nếu quỷ thần có biết, thì không chấp nhận lời nói tà nịnh; nếu quỷ thần không biết, thì bày tỏ nào có ích gì? Bởi lẽ thảo dược trong núi Tuyết, thật giả không thể biện giải; trái quý cây Am La, sống chín khó phân biệt. Cho nên Như lai tại thế hãy còn không tránh khỏi bị vu cáo, huống hồ nay là phàm phu, lẽ nào tránh được món nợ này? Nợ là tai họa vốn có đến lúc cần phải nhận chịu, đây cũng là chuyện của mình, đâu cần phải căm hận người ta? Nhưng tội lỗi của sự vu cáo bịa đặt, thì tự mình chuốc lấy khốn khổ, giống như môi miệng là cây cung, tâm tư như dây cung, âm thanh như mũi tên; đêm dài phát ra trống rỗng chỉ có vấy bẩn thân miệng, đặc biệt cần phải tự tỉnh ngộ im miệng cẩn thận giữ tâm vậy!

Thứ hai- PHẦN CHÚ TỔ (nguyền rủa).

Như kinh Đại Phương Quảng Tổng trì nói: “Đức Phật dạy: Này người thiện nam! Sau khi Phật diệt độ, nếu có Pháp sư khéo tùy thuận niềm vui muốn nói pháp cho người, có thể làm cho người học pháp dt Bồ-tát và các đại chúng có phát khởi một chút tâm hoan hỷ, thậm chí tạm thời rơi một giọt nước mắt, thì nên biết đều là do thần lực của Phật. Nếu có người ngu si, thật không phải là Bồ-tát mà giả xưng là Bồ-tát, vu cáo Bồ-tát thật sự và những pháp hành của họ. Lại nói lời như vậy: Người kia nào biết gì, người kia nào hiểu gì? Nếu hai bên hòa hợp thì có thể nắm giữ và lưu thông giáo pháp của Ta. Nếu hai bên tranh chấp làm trái nhau thì Chánh pháp không thể lưu hành. Người bài báng giáo pháp này chuốc lấy tội nghiệp vô cùng lớn, rơi vào ba đường dữ khó được thoát ra. Nếu có người ngu si, đối với những gì Đức Phật đã thuyết giảng mà không tin nhận, cho dù đọc tụng ngàn bộ kinh điển Đại thừa vì người giải thích đạt được Tứ thiền, nhưng bởi vì vu cáo người tất cả cho nên trong bảy mươi kiếp nhận chịu lắm thứ khổ não. Huống hồ người ngu kia thật sự không biết gì mà tự cao ngạo, cho đến phỉ báng một bài kệ bốn câu, nên biết nghiệp này chắc chắn rơi vào địa ngục mãi mãi không thấy được Phật. Dùng ánh mắt dữ dằn nhìn người phát tâm bồ đề, vì vậy phải chịu quả báo không có mắt. Vì miệng xấu xa vu cáo cho người phát tâm bồ đề, cho nên phải chịu quả báo không có lưỡi”.

Lại trong kinh Hiền Ngu nói: “Xưa thời Phật tại thế, có Tỳ-kheoni Vi Diệu đạt được quả vị A-la-hán, cùng với các Ni chúng tự nói về nghiệp hạnh quả báo thiện ác của mình đã tạo xưa kia. Nói cho Ni chúng biết rằng: Quá khứ trước kia có một Trưởng giả, nhà ấy rất giàu nhưng không có con trai nối dõi, lại lấy thêm cô vợ bé được chồng rất yêu thương, sau sinh được một bé trai, vợ chồng càng quý trọng tôn kính nhau không chán. Vợ lớn trong lòng ganh ghét, tự mình nghĩ rằng: Đứa bé này nếu lớn lên thì sẽ thâu giữ gia nghiệp, mình uổng công vất vả cực nhọc tích góp nào ích gì, chi bằng giết chết nó đi! Thế là lấy kim sắt đâm vào trong má đứa bé. Sau đó đứa bé liền mạng chung. Vợ bé nghi là vợ lớn giết hai, nên nói lời rằng: Bà giết con tôi. Bấy giờ vợ lớn cho rằng không có tai ương đền trả báo ứng của tội phước, nên cùng thề thốt rằng: Nếu tôi giết con cô, thì khiến cho tôi đời đời gặp cảnh chồng bị rắn độc cắn, con cái tôi sinh ra bị nước cuốn trôi và lang sói ăn thịt, tự mình ăn thịt con, thân hiện tại bị chôn sống, cha mẹ ở nhà lửa cháy mà chết! Thề thốt như vậy rồi sau đó lập tức mạng chung. Bởi vì giết trẻ cho nên rơi vào địa ngục nhận chịu vô lượng khổ đau. Tội trong địa ngục chấm dứt được sanh vào loài người, làm con gái Phạm Chí, tuổi dần trưởng thành nên đi lấy chồng về ở nhà chồng, sinh được một bé trai. Sau lại mang thai đủ tháng sắp sinh, vợ chồng cùng dắt nhau đi đến nhà cha mẹ. Đến giữa đường đau bụng liền sinh con, trú đêm dưới tán cây, lúc ấy chồng nằm chỗ khác. Trước đã thề thốt cho nên nay đều nhận chịu, lúc ấy có con rắn độc cắn chết người chồng. Vợ thấy chồng chết nên buồn bã ngất đi, sau mới tỉnh lại được. Đến lúc Trời sáng bèn mang đứa lớn đặt lên trên vai, đứa nhỏ ẳm trong lòng, khóc tức tưởi mà tiến bước. Đường đi có một dòng sông, sâu mà lại rộng, liền để đứa lớn ngồi lại ở bờ bên này, trước tiên ẳm đứa nhỏ vượt qua đặt ở bờ bên kia, rồi trở lại đón đứa lớn. Đứa trẻ thấy mẹ liền bước vào nước hướng về phía mẹ, bị dòng nước lập tức cuốn trôi, mẹ đuổi theo cứu con, nhưng sức không thể cứu được, trong chốc lát đứa trẻ đã chết chìm trong dòng nước. Trở lại nơi đứa nhỏ thì lang sói đã đến ăn thịt rồi, chỉ thấy máu me giây đầy trên đất. Người mẹ lúc ấy ngất lịm rất lâu mới tỉnh lại, liền tiến lên đi về phía trước gặp một Phạm Chí, là bạn thân của cha mình, bèn bày tỏ với Phạm Chí những nỗi cay đắng đã trải qua. Phạm Chí xót thương cùng rướm lệ chia xẻ. Lại hỏi thăm trong gia đình cha mẹ bình an hay không? Phạm Chí đáp rằng: Cha mẹ và quyến thuộc lớn nhỏ gần đây bị hỏa hoạn nên chết hết trong một lúc. Nghe tin buồn phiền chết ngất mà tỉnh lại. Phạm Chí mang về cung cấp nuôi dưỡng như con gái. Sau lại đi lấy chồng thân mang thai sắp sinh, chồng ra ngoài uống rượu tối ngày mới trở về, vợ trong đêm tối đóng cửa ngồi một mình ở nhà, chốc lát vợ sinh con. Chồng ở ngoài cửa gọi vợ, nhưng vợ sinh chưa xong, không có người đến mở cửa. Chồng phá cửa đi vào nắm lấy vợ đánh đập, vợ trình bày rõ ý đanh sinh đẻ, chồng giận dữ cho nên lập tức đem đứa trẻ giết chết, lấy bỏ nấu chín ép buộc vợ phải ăn. Vợ ăn thịt con mà trong lòng chua xót vô cùng, tự nghĩ mình bạc phước mới gặp phải người này, liền bỏ trốn đi đến nươc Ba-la-nại. Đến ngồi nghỉ dưới tán cây trong một khu vườn, có vị Trưởng giả có vợ mới qua đời, ngày ngày đến trước phần mộ thương nhớ khóc lóc nỉ non. Trông thấy người phụ nữ này ngồi một mình dưới tán cây, bèn đến hỏi han, thế là trở thành chồng vợ, trải qua mấy ngày người chồng bỗng nhiên qua đời. Lúc ấy pháp luật của nước ấy quy định, nếu như lúc còn sống vợ chồng yêu thương nhau, thì lúc chồng chết chôn theo người vợ đang sống. Lúc ấy có bọn cướp đến mở phần mộ ấy, tướng cướp thấy cô vợ mặt mày đoan chánh, liền thu nhận làm vợ. Trải qua mấy tuần, chồng phá phần mộ của người ta bị chủ nhân giết chết, đồng bọn mang xác đến giao cho vợ của tướng cướp, lại chôn sống theo chồng. Trải qua ba ngày lang sói đào bới phần mộ, vì vậy được thoát ra, tự trách móc rằng: Xưa có tội lỗi gì mà trong mười ngày gặp phải tai họa khốn khổ này, chết rồi sống lại, nay trở về nơi đâu để được giữ trọn mạng sống còn lại? Nghe Phật Thích Ca ở trong tinh xá Kỳ-hoàn, liền đến nơi Phật cầu xin cho được xuất gia. Bởi vì ở đời quá khứ bố thí cơm ăn cho vị Bích-chi-Phật, nhờ nguyện lực phát ra mà nay được gặp Phật để xuất gia tu đạo đạt đến quả vị A-la-hán, biết rõ nghiệp sát sinh của đời trước đã gây tạo lời thề độc địa mà rơi vào địa ngục, hiện tại nhận chụi ác báo chua xót này không có ai thay thế được cho mình! Vi Diệu tự nói: Vợ lớn xưa kia nay chính là thân tôi, tuy đạt được quả vị A-la-hán, nhưng luôn luôn bị kim sắt nóng đi vào từ trên đỉnh đầu mà đi ra ở dưới chân, tai họa này ngày đêm không thể nào chịu đựng nổi, tai họa như vậy cuối cùng không thể hư hoại”.

Lại trong kinh Cựu Thí Dụ nói: “Thời Phật tại thế, có một họ lớn thường thích làm phước bố thí, sau sinh được một bé trai, không có tay chân, hình hài thân thể giống như con cá, tên gọi là Ngư Thân. Cha mẹ qua đời nên cậu bé tiếp tục duy trì gia nghiệp, nằm ngủ trong nhà nhưng người ta không ai trông thấy. Lúc ấy có Lực sĩ xưa nay làm đầu bếp nấu ăn cho nhà vua, mà bụng dạ thường đói ăn thiếu thôn, một mình kéo mười sáu xe củi đi bán để tự cung cấp cho mình, mà thân lại luôn luôn không đầy đủ. Ngư Thân mời qua lại gặp nhau chỉ rõ hình hài thân thể của mình. Lực sĩ tự suy nghĩ: Sức mình quả là như vậy, mà chẳng bằng người không có tay chân. Thế là đi đến chỗ Phật thưa hỏi điều thắc mắc ấy. Đức Phật bảo rằng: Xưa ở thời Phật Ca-diếp, Ngư Thân và vị vua này cùng dâng cơm cúng Phật, lúc ấy ông nghèo túng giúp đỡ xúi giục họ, Ngư Thân đã chuẩn bị đầy đủ cùng nhà vua tiến hành, mà nói vơi nhà vua rằng: Hôm nay có việc không thể đi cùng được, nếu đi thì không khác gì chặt đứt tay chân tôi. Người đi lúc ấy nay chính là nhà vua, người nói không đi nay chính là Ngư Thân, người giúp đỡ lúc ấy nay chính là thân ông vậy. Lực sĩ hiểu ý, liền làm Sa môn, đạt được quả vị A-la-hán”.

Lại trong kinh Bách Duyên nói: “Thời Phật tại thế, trong thành Xá Vệ có một Trưởng giả, tiền của châu báu vô lượng không thể tính được. Người vợ Trưởng giả sinh được một bé trai nhưng không có tay. Sinh ra thì có thể nói được, phát ra lời nói rằng: Nay tay này thì thật là khó có được, thật là đáng quý làm sao! Cha mẹ cảm thấy lạ lùng, nhân đó đặt tên gọi cho con là Ngột Thủ. Tuổi dần trưởng thành, gặp Phật nghe pháp đạt được quả vị Tu-đà-hoàn, cầu xin Đức Phật được xuất gia. Đức Phật bảo rằng hãy cố gắng, thì râu tóc tự nhiên rơi rụng, pháp phục mang trên thân, liền trở thành Sa môn, tinh cần tu tập đạt được quả vị A-la-hán, chư Thiên và người thế gian trông thấy đều tôn kính ngưỡng mộ. Lúc ấy các Tỳ kheo thỉnh cầu Đức Phật giảng giải về nhân duyên vốn có. Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Trong kiếp Hiền này vào thời Phật Ca-diếp, có hai Tỳ kheo, một người là La hán, một người là phàm phu, làm thầy thuyết pháp. Lúc ấy dân chúng tranh nhau cùng thỉnh mời, thường dẫn theo Pháp sư nhận lời đàn việt thỉnh cầu. Sau đó vào một ngày Pháp sư không có mặt, dẫn theo người khác cùng đi, giận dữ mắng rằng: Ta thường vì ông cung cấp sử dụng, nay dẫn theo người khác cùng đi, từ nay trở đi nếu lại vì ông cung cấp sự dụng thì khiến cho ta không có tay. Nói lời này xong, tất cả đều tự từ chối rút lui, dừng lại không đi cùng với nhau. Vì nghiệp duyên này, trong năm trăm đời nhận chịu quả báo này. Vì vậy nói to rằng: Nay tay này thì thật là khó có được. Bởi vì lúc ấy cung cấp giúp đỡ Thánh nhân, cho nên nay được gặp Ta mà xuất gia đắc đạo. Các Tỳ kheo nghe xong hoan hỷ vâng lời thực hành”.

Lại trong kinh Bách Duyên nói: “Thời Phật an trú trong tinh xá Trúc Lâm ở Ca-lan đà thuộc thành Vương xá, lúc ấy Tôn giả Na-la-đạtđa mang y ôm bát đi vào thành khất thực rồi trở về lại trú xứ của mình, từ xa trông thấy tinh xá Kỳ-hoàn đỏ như màu máu, cảm thấy quái lạ cho nên liền đi đến xem sao. Thấy một ngạ quỷ gầy gò chỉ còn da bọc xương, một ngày một đêm sinh ra năm trăm người con, gầy ốm kém cỏi sức lực không có là bao. Lúc đang sinh đẻ mê loạn ngất đi như chết, tay chân rời ra từng đoạn, cuối cùng bị sự đói khát bức bách quá đỗi, cứ sinh ra là ăn thịt mà rốt cuộn không no đủ chút nào. Lúc ấy Na-la-đạt-đa liền đi đến hỏi rằng: Người tạo nghiệp gì mà nay chịu báo ứng này? Ngạ quỷ đáp rằng: Nay thầy có thể tự mình thưa hỏi Đức Phật, Ngài sẽ giải thích cho thầy biết. Lúc ấy Na-la-đạt-đa liền đi đến chỗ Phật, thưa hỏi đầy đủ về quả báo này. Đức Phật bảo với Na-la-đạt-đa rằng: Trong kiếp Hiền này ở nước Ba-la-nại có một Trưởng giả, vàng bạc châu báu nô tỳ tôi tớ voi ngựa trâu dê nhiều không kể xiết, chỉ có một phu nhân mà không có con trai nối dõi, cúng bái cầu xin thần linh mong ước cho có một đứa con, mà rốt cuộc không thể có được. Lúc ấy Trưởng giả kia bèn tiếp tục lấy con gái của người trong họ, không bao lâu thì cảm thấy có thai. Phu nhân lớn ấy thấy cô vợ bé có thai, thì sinh lòng ganh ghét, bí mật cho uống thuốc độc để làm thai kia hư hoại. Chị em quyến thuộc liền đến nơi ấy, cùng với người vợ lớn kia quyết đấu tranh tới cùng, thế là dùng gậy đánh nhau hỏi rõ sự việc thật hư thế nào. Người vợ lớn ầy chỉ muốn nói sự thật nhưng sợ bà con treo cổ giết chết mình, chì vì trái đạo nên đau khổ không thể nói, bị bức bách quá mức mà phát ra lời nguyện rằng: Nếu tôi thật sự làm hư thai của cô, thì khiến tôi chết đi sanh vào trong ngạ quỷ, một ngày một đêm sinh ra năm trăm người con, sinh rồi liền ăn rốt cuộc không thể no đủ được. Nói lời thề này xong thì lập tức tha cho đi. Đức Phật bảo với Na-la-đạt-đa rằng: Cần phải biết người vợ lớn lúc ấy nay chính là ngạ quỷ ấy vật. Lúc Đức Phật giải thích điều này xong, các Tỳ kheo đều bỏ tâm ác đạt được bốn Sa môn, có người phát tâm bồ đề vô thượng, tất cả đều hoan hỷ vâng lời tu hành tinh tiến”.

Lại trong kinh Pháp Cú Dụ nói: “Vua Lưu Ly tiếp nhận mưu kế gian trá của những nịnh thần như A tát đà…, bước lên Đại điện liền đem quân đến Kỳ-hoàn, không thể trở về cung, cùng với quan lại liên tục đánh nhau. Vua và phu nhân trong đêm đi đến vào thành Vương xá, trong nước nói gặp nạn đói ăn rễ lau lách, phình bụng mà chết. Thế là vua Lưu Ly rút kiếm đi vào Đông cung chém chết Huynh Kỳ. Kỳ biết vô thường nên tâm không hề sợ hãi, mạng sống chưa dứt, tự nhiên giữa hư không phát ra âm nhạc nghênh đón linh hồn thần thức ấy. Vua Lưu Ly lại vì chém giết dòng họ Thích, trong Phật Ký và Thái Sử Ký, ghi là sau bảy ngày sẽ bị lửa địa ngục thiêu chết”.

Lại trong luận Nhập Đại thừa nói: “Bồ-tát Kiên Ý thuyết kệ rằng:

Tội lỗi phỉ báng pháp Đại thừa,
Quyết định hướng đến đường xấu ác,
Lửa dữ thiêu đốt khổ đau,
Nghiệp báo tội lỗi tin như vậy.
Nếu như từ địa ngục thoát ra,
Lại nhận chịu ác báo còn lại,
Các căn thường thiếu sót xấu tệ,
Vĩnh viễn không được nghe pháp âm.
Giả sử có nghe được giáo pháp,
Lại sinh tâm phỉ báng chánh pháp,
Vì nhân duyên phỉ báng chánh pháp,
Vẫn rơi vào địa ngục khổ đau.

Chúng sanh phỉ báng chánh pháp, nghe giải thích như vậy nên ở trong pháp Đại thừa liền sinh tâm nghi ngờ như Tôn giả Đề Bà đã thuyết kệ:

Người phước thiện ít ỏi,
Không sinh tâm nghi ngờ,
Người luôn sinh nghi ngờ,
Ắt phá tan quả báo”.
 
Trong kinh Đại bi Phân Đà Lợi có kệ rằng:

“Chúng sinh vì sinh lão bệnh tử,
Chìm đắm trong biển khơi ác nhiễm,
Ở tại lao ngục của Tam giới,
Các khổ đau luôn luôn trói buộc.
Uống máu độc làm hại lẫn nhau,
Từ vô thỉ bị lửa thiêu đốt,
Si mê mù quáng mất nẻo thiện,
Không thể nào thấy được đường ngay.
Sinh từ ngu dại đầy tăm tối,
Đều do chấp trước thấy tà vạy,
Xoay chuyển qua lại trong năm đường,
Ví như bánh xe luôn chuyển động”.

Thứ ba- PHỈ BÁNG

Như kinh Phát Giác Tịnh Tâm nói: “Lúc ấy có sáu mươi Bồ-tát mới phát tâm, cùng đến nơi Phật, năm vóc sát đất lạy dưới chân Phật rồi, ở dưới đất không đứng dậy mà đau xót khóc lóc nước mắt tuôn trào, hướng về Đức Phật chắp tay thưa lời như vậy: Lành thay Đức Thế tôn! Nghiệp chướng chúng con nguyện giảng giải phân biệt, khiến cho hạng chúng con tự thanh tịnh tâm tư đừng tiếp tục tạo ra nữa! Đức Phật bảo với các Bồ-tát ấy rằng: Này những người thiện nam! Đời quá khứ các ông ở trong giáo pháp của Câu Lưu Tôn Như lai mà xuất gia học đạo. Đã xuất gia rồi trú vào cấm giới mà phóng túng đối với cấm giới, trú vào đa văn mà phóng túng đối với đa văn, trú vào công đức Đầu đà thảy đều làm cho sút kém. Lúc ấy có hai Tỳ kheo Pháp sư, các ông đối với họ mà phỉ báng dâm dục; vì nhân duyên nhiều lợi dưỡng danh tiếng, đối với nhà thí chủ thân hữu của họ sinh ra ganh ghét tham lam. Đối với những đàn việt thân hữu của hai Pháp sư, các ông lại phá hoại làm cho ly tán, hủy nhục sai trái làm cho sinh tâm nghi hoặc, không sinh tín tâm, tin không đầy đủ, nói điều không tốt. Lúc ấy tất cả chúng sinh của hai Pháp sư, sinh tâm kính tín tùy thuận các ông, khiến cho bọn đoạn mất những thiện căn, gây ra bao chứng ngại. Các ông vì nghiệp này làm cho chướng ngại, vì thế ở trong sáu ngàn hai trăm ngàn năm, rơi vào Địa địa ngục A tỳ. Lại ở trong bốn vạn năm rơi vào địa ngục Hoạt. Lại ở trong hai vạn năm rơi vào địa ngục Hắc thằng. Lại ở trong tám trăm ngàn năm rơi vào địa ngục Nhiệt. Lại ở nơi đó bỏ mạng rồi, sau trở lại được làm thân người, ở trong năm trăm đời sinh ra đui mù không có mắt. Bởi vì nghiệp chướng cho nên ở nơi sinh ra, tất cả đều ám độn quên mất tâm vốn có, thiện căn bịt kín uy lực ít ỏi, mọi người đều rời bỏ, thường bị ức hiếp trở thành người xấu xa khó gần, phỉ báng mọi điều xấu tốt, thường sinh ở biên địa nghèo hèn, trong gia đình thấp kém thô tục, ít lợi dưỡng ít danh tiếng, không được người khác cung kính cúng dường, cũng không được tôn trọng, mọi người đều chán ghét, chẳng ai thích gần gũi. Các ông từ đây xả bỏ thân mạng rồi, về sau trong năm trăm năm vào lúc chánh pháp diệt đi, lại sinh vào gia đình thấp kém hèn mọn trong dòng họ tầm thường, sống giữa những người ác nơi đất nước tệ hại, bị người khác phỉ báng, quên mất tâm niệm ban đầu, mà đối với thiện căn thường có những chướng ngại, cho dù tạm thời gặp được ánh sáng nhưng vẫn bị tối tăm che phủ. Các ông vào sau năm trăm ấy, tất cả nghiệp chướng bấy giờ mới diệt hết, sau đó được sinh về thế giới Cực lạc của Phật A-di-đà, lúc ấy Đức Phật mới thọ ký cho các ông thành tựu quả vị A Nậu Bồ Đề.

Lúc bấy giờ 00 Bồ-tát đã nghe như vậy rồi, đặt tay lên ngực tuôn nước mắt kinh hãi sởn gai ốc, mà lên tiếng thưa rằng: Chúng con từ nay sinh tâm nóng giận sai lầm mà tạo thêm nghiệp chướng, thì hôm nay chúng con ở trước Đức Thế tôn thảy đều sám hối, ở nơi Đức Thế tôn lập nên thệ nguyện to lớn, ở tất cả mọi nơi không dấy lên những sai sót! Bấy giờ Đức Thế tôn khen ngợi sáu mươi Bồ-tát ấy rằng: Các ông gợi mở phát khởi thiện tâm thực hiện nguyện hạnh này, sẽ không còn tất cả nghiệp chướng, sẽ đạt được thiện căn thanh tịnh. Bấy giờ Đức Thế tôn bèn thuyết kệ rằng:

Đừng đối với người thấy sai lầm của họ,
Đừng nói đến chuyện đúng sai của người khác,
Không vướng bận đời sống thanh tịnh của người,
Những lời nói tệ hại cần phải rời bỏ.
Xa rời nơi đông người ồn ào náo loạn,
Tỳ kheo không phép tắc đừng gần gũi họ,
Nên tu tập vắng lặng như Phật khen ngợi,
Không tham lợi dưỡng cho nên được Niết-bàn”.

Lại trong kinh Niết-bàn nói: “Thời Phật tại thế, trong thành Chiêm Ba có Đại Trưởng giả không có con thừa tự, cùng thờ kính Lục sư thỉnh cầu con trai nối dõi, sau đó không lâu thì người vợ mang thai. Trưởng giả biết rồi đi đến chỗ Lục sư hỏi rằng: Là con trai hay là con gái? Lục sư đáp rằng: Sinh ra chắc chắn là con gái. Trưởng giả buồn phiền vô cùng. Lại có người hiểu biết, nói với Trưởng giả rằng: Trước đây không nghe anh em Ưu lâu Ca-diếp là đệ tử của ai. Lục sư nếu như là Nhất Thiết Trí, thì tại sao Ca-diếp bỏ mà theo Phật?

Vả lại, Xá-lợi-phất – Mục-kiền-liên và Vua Tần Bà-sa-la, cùng phu nhân các nhà vua và Mạt Lợi phu nhân, Đại Trưởng giả các nước như Tu Đạt…, những người như vậy đều là đệ tử của Phật. Như lai Thế tôn đối với tất cả các pháp đều thấy biết không ngăn ngại, cho nên tôn xưng là Phật. Nay Ngài an trú gần nơi này, nếu muốn biết chính xác thì nên đến chỗ Phật! Lúc bấy giờ Trưởng giả lập tức đi đến chỗ Phật đem sự việc thưa hỏi Đức Phật. Đức Phật bảo rằng: Này Trưởng giả! Vợ ông mang thai là con trai chứ không nghi ngờ gì, đứa bé này có phước đức không ai sánh bằng. Trưởng giả hoan hỷ vô cùng, vì thế Lục sư sinh tâm ganh ghét, lấy quả Am la trộn lẫn với thuốc độc, mang đến đưa cho Trưởng giả và nói rằng: Vợ ông đến thàng sinh nở nên uống vị thuốc này, thì đứa bé đoan chánh và mẹ sinh nở không có gì lo lắng. Trưởng giả nhận lấy rồi đưa cho vợ bảo uống, uống rồi liền chết. Lục sư hoan hỷ đi khắp thành thị nói to rằng: Sa môn Cù Đàm nói vợ của Trưởng giả ấy sẽ sinh con trai, nay đứa bé chưa sinh mà mẹ đã mất mạng. Lúc bấy giờ Trưởng giả lại đối với Ta đã sinh tâm không tin tưởng, liền tẩm liệm mang quan tài hỏa táng. Ta thấy sự việc này muốn đi đến phá tan sự tà vạy, Lục sư từ xa trông thấy Phật đi đến nên tất cả nói với nhau rằng: Sa môn Cù Đàm đến nơi phần mộ này muốn ăn thịt ư? Người chưa đạt được pháp nhẫn đều cảm thấy trong lòng xấu hổ sợ hãi, bèn thưa với Đức Phật rằng: Vợ cũng Trưởng giả đã chết mong Thế tôn không cần phải đến đó. Bấy giờ A-nan nói với mọi người rằng: Hãy chờ một lát, không lâu nữa Như lai sẽ mở rộng nói rõ về cảnh giới chư Phật. Đức Phật đến chỗ Trưởng giả, Trưởng giả chất vấn rằng: Lời nói không khác nhau, mẹ và con đã qua đời sao nói là sinh con? Ta nói: Này Trưởng giả, vào lúc bấy giờ ông cũng không hỏi gì đến mạng sống của người mẹ dài ngắn, mà chỉ hỏi mang thai là con trai hay là con gái. Chư Phật Như lai mở lời nói không sai khác, vì vậy nên biết chắc chắn là có được con trai. Lúc ấy tử thi đang hỏa thiêu nên phần bụng nức ra, đứa trẻ từ bên trong xuất hiện, ngồi trang nghiêm giữa ngọn lửa như đài hoa sen. Lục sư thấy rồi nói là huyễn thuật. Trưởng giả thấy mà vui mừng liền trách mắng Lục sư: Nếu nói là huyễn thuật thì tại sao các ông không làm? Ta vào lúc bấy giờ bảo với Kỳ Bà: Ông đi đến giữa ngọn lửa ẳm đứa bé này lại đây! Kỳ Bà tiến tới đi vào ngọn lửa, giống như đi vào dòng sông lớn mát lạnh, ẳm đứa bé này trở lại, Ta nhận đứa bé rồi bảo với Trưởng giả rằng: Tất cả chúng sanh đều có thọ mạng không nhất định, như bong bóng trên mặt nước, chúng sanh nếu có quả báo nghiệp nặng, thì lửa và chất độc hoàn toàn không thể nào làm hại được. Chẳng phải Ta làm ra, mà chính là đứa bé sinh ra từ giữa ngọn lửa dữ, lửa gọi là Thọ Đề, vì vậy đặt tên là Thọ Đề”.

Lại trong kinh Hiền Ngu nói: “Lúc bấy giờ trong nước Xá vệ có một Bà-la-môn, tên là Sư Chất, gia đình rất giàu nhưng không có con trai nối dõi, đến nơi Lục sư hỏi về nhân duyên ấy. Lục sư đáp rằng: Tướng ông không có con. Vợ chồng buồn phiền đau khổ, đi đến hỏi Đức Thế tôn. Đức Thế tôn bảo rằng: Ông sẽ có con, phước đức đầy đủ đến khi trưởng thành sẽ xuất gia. Sư Chất nghe nói vô cùng vui mừng, mà phát ra lời nói rằng: Chỉ khiến cho có con thì học đạo đâu có gì là khổ! Nhân đó thỉnh Phật và Tăng ngày mai đến nhà dùng cơm. Lúc bấy giờ Đức Thế tôn mặc nhiên nhận lời. Ngày mai đến giờ Phật và chúng Tăng đi đến nhà ấy, dùng cơm xong trở về, đường đi qua một đầm nước, dòng nước trong mát sạch sẽ, Đức Phật cùng các Tỳ kheo liền dừng lại nghỉ ngơi. Lúc ấy các Tỳ kheo đều tự sửa sạch bình bát của mình. Có một con khỉ đi theo A-nan cầu xin bình bát ấy, A-nan sợ rằng sẽ làm vỡ nên không muốn đưa. Đức Phật bảo với A-nan: Mau đưa cho nó chớ lo lắng! Vâng theo lời dạy liền đưa bình bát cho con khỉ. Con khỉ có được bình bát, mang đến bọng mật chứa mật đầy bát, đem dâng lên Đức Phật. Đức Phật bảo rằng: Hãy bỏ đi những vật không sạch trong đó. Con khỉ lập tức nhặt bỏ trùng ong làm cho thật sạch sẽ. Đức Phật liền bảo rằng: Lấy nước hòa vào. Như lời dạy lấy nước hòa vào xong rồi dâng lên Đức Thế tôn. Đức Thế tôn nhận rồi phân chia cho tất cả chúng tăng, mọi người cùng uống, ai cũng có phần. Con khỉ hoan hỷ nhảy nhót múa may thật là phấn khởi, bất chợt rơi vào trong hố sâu lập tức mạng chung, linh hồn trở về đầu thai vào nhà Sư Chất, vợ Sư Chất liền cảm thấy có thai. Ngày tháng đã đủ sinh ra một bé trai, đoan chánh ít người sánh kịp. Lúc đang sinh thì đồ vật trong nhà tự nhiên chứa đầy mật ngọt, vợ chồng Sư Chất vui mừng không thể tả xiết, nói với các Tướng sư, các Tướng sư xem quẻ rất tốt; vì ngày mới sinh ra mà mật ngọt là điềm tốt lành, nhân đó đặt tên là Mật Thắng. Đứa bé đã trưởng thành, Từ biệt cha mẹ mà xuất gia đạt được quả vị A-la-hán, cùng với các Tỳ kheo du hóa khắp thế gian. Nếu lúc khát nước thì ném bình bát lên giữa hư không, tự nhiên chứa đầy mật ngọt, mọi người cùng uống đều được đầy đủ. A-nan thưa với Đức Phật: Có nhân duyên gì mà sanh trong loài khỉ? Đức Phật bảo với A-nan: Quá khứ xưa kia vào thời Phật Ca-diếp, có Tỳ kheo trẻ tuổi, thấy Sa môn khác nhảy qua mương nước, bèn phát lời nói rằng: Người ấy nhanh nhẹn thành thạo giống như loài khỉ. Sa môn nói rằng: Ta chứng bốn quả mọi việc đã xong. Tỳ kheo trẻ tuổi nghe rồi toàn thân rởn gai ốc, rạp lạy sát đất cầu xin sám hối. Bởi vì hối hận về sai lầm của mình cho nên không rơi vào địa ngục. Bởi vì có biểu hiện nói xấu La hán, cho nên trong năm trăm đời luôn luôn làm loài khỉ. Nhờ trước kia xuất gia giữ gìn cấm giới cho nên nay được gặp Ta, tắm gội sạch sẽ hóa giải được tất cả các khổ đau”.

Thứ tư- PHẦN TỊ CƠ (tránh cơ hiềm).

Như trong luận Tát Bà Đa nói: “Tỳ-kheo-ni Cù Đàm Di là dì ruột của Phật, lúc đến thăm Đức Phật, lễ lạy xong không ngồi, bởi vì người nữ tôn kính thì khó mà tình ý thì nhiều, cho nên không ngồi. Lại không rộng rãi thuyết pháp cho Ni do không ngồi. Lại vì ngăn chặn sự phỉ báng cho nên không ngồi. Nếu như ngồi nghe pháp thì ngoại đạo sẽ nói: Sa môn Cù Đàm lúc ở Vương cung, cho phép các cung phi mỹ nữ cùng ở một chỗ, ngày nay xuất gia cùng với xưa kia không khác. Muốn trừ diệt những sự cơ hiềm tệ hại như vậy, vì thế mà không ngồi”.

Lại trong kinh Đại thừa Phương Tiện nói: “Lúc bấy giờ Tôn giả Anan thưa với Đức Phật rằng: Thưa Đức Thế tôn! Sáng sớm hôm nay con đi vào thành Xá vệ theo thứ tự khất thực, thấy Bồ-tát Chúng Vương và một người nữ cùng ngồi chung một chỗ. A-nan trình bày lời này xong, lập tức mặt đất vang lên sáu thứ chấn động. Bồ-tát Chúng Tôn Vương, ở giữa đại chúng vút lên cao giữa hư không, cao bằng một cây Đa la, nói với A-nan rằng: Tôn giả ơi có người nào phạm tội mà có năng lực đứng giữa hư không vậy chăng? Có thể đem sự việc này thưa hỏi với Đức Thế tôn, sao nói là tội pháp, sao nói là phi pháp? Bấy giờ A-nan rầu rỉ hướng về Đức Phật hối hận vì sai lầm của mình: Đại Long như vậy mà con nói là phạm tội, con cầu mong sửa chữa sai lầm ấy. Thưa Đức Thế tôn! Nay con hối hận vì sai lầm của mình, chỉ nguyện cầu tha thứ cho con! Đức Phật bảo với A-nan: Ông không nên đối với Đại sĩ Đại thừa tìm hiểu xoi mói lỗi lầm của họ. Này A-nan, các ông là người Thanh Văn, ở nơi ngăn ngại thực hành Tịch diệt định, không có gì gây khó dễ đoạn trừ tất cả các phiền não, Bồ-tát thành tựu tâm Nhất Thiết Trí, tuy ở trong cung cùng nhau vui vẻ với cung phi mỹ nữ, mà không dấy khởi ma sự và những điều gây khó dễ, vẫn đạt được Bồ đề. Đức Phật bảo với A-nan: Người nữ ấy, ở trong năm trăm đời quá khứ làm vợ của Bồ-tát Chúng Tôn Vương, người nữ ấy vì tập khí vốn có cho nên trông thấy thì sinh tâm ái trước ràng buộc không bỏ, nếu Bồ-tát Chúng Tôn Vương có thể cho mình cùng ngồi một chỗ, thì mình sẽ phát tâm A nậu Bồ đề. Lúc bấy giờ Bồ-tát biết ý nghĩ tâm người nữ ấy, liền đi vào nhà đó, lập tức tư duy:” Pháp môn như vậy, như Địa đại bên trong, như Địa đại bên ngoài, là tâm của một Đại địa. Thế là nắm tay của người nữ cùng ngồi chung một chỗ, sau đó trên chỗ ngồi mà nói kệ rằng:

Như lai không hề khen ngợi,
Sự hành dục của phàm phu,
Xa lìa tham dục – ái nhiễm,
Mới thành bậc thầy Trời – người.

Lúc ấy người nữ kia nghe kệ này xong, tâm vô cùng hoan hỷ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy hướng về Bồ-tát Chúng Tôn Vương, cung kính lạy sát chân, nói bài kệ rằng:

Tôi không tham đắm ái dục,
Tham dục bị Phật quở trách,
Xa lìa tham dục – ái nhiễm,
Mới thành bậc thầy Trời – người.

Nói kệ này xong, trước đây vì mình đã sinh tâm ái dục xấu xa, nay nên hối hận về sai lầm của mình mà phát tâm bồ đề, nguyện cầu lợi ích cho tất cả chúng sinh. Lúc bấy giờ Đức Thế tôn thọ ký cho người nữ ấy, từ đây mạng chung được chuyển thân nữ, sẽ trở thành thân nam, vào đời đường lai được thành tựu quả Phật, có danh hiệu là Vô Cấu Phiền Não.

Này người thiện nam, Ta nhớ quá khứ A-tăng-kỳ hiếp, lại vượt quá số này, lúc ấy có Phạm Chí tên gọi là Thọ Đề, vào năm bốn hai ức tuổi ở trong rừng vắng lặng thường tu tập phạm hạnh. Lúc ấy Phạm Chí vượt qua số tuổi này rồi, từ trong rừng đi ra, tiến vào thành Cực lạc, gặp một người nữ. Lúc ấy người nữ trông thấy Phạm Chí này có nghi dung đoan nghiêm, liền dấy khởi tâm dục tìm đến chỗ Phạm Chí, dùng tay giữ lấy thì lập tức ngã nhào xuống đất. Lúc bấy giờ Phạm Chí bảo với người nữ rằng: Chị cầu mong điều gì? Người nữ nói: Tôi cầu mong Phạm Chí. Phạm Chí nói: Tôi không hành dục. Người nữ nói: Nếu không thuận theo tôi, thì bây giờ tôi sẽ chết. Lúc bấy giờ Phạm Chí tư duy như vậy: Đây không phải là pháp của mình cũng không phải là thời của mình, mình vào năm bốn hai ức tuổi tu tập phạm hạnh thanh tịnh, tại sao giờ đây mà chấp nhận bị hủy hoại? Lúc ấy Phạm Chí cương quyết tự mình giải quyết bằng cách rời xa được bảy bước, rời xa bảy bước rồi sinh tâm thương xót, tư duy như vậy. Tuy mình phạm giới đọa vào đường ác, mà mình có thể chịu đựng được nỗi khổ của địa ngục, nay mình không đành lòng thấy người nữ này chịu sự khổ não như vậy, không thể để người nữ này vì mình mà dẫn đến cái chết. Lúc bấy giờ Phạm Chí quay trở lại nơi người nữ, dùng tay phải nắm lấy và nói lời như vậy: Chị đứng dậy tùy ý ham muốn của chị. Bấy giờ Phạm Chí ở trong mười hai năm cùng làm thành gia đình, qua mười hai năm rồi thì lại xuất gia, lập tức vẫn có đủ bốn tâm Vô Lượng, đầy đủ rồi mạng chung sinh trong cõi Phạm Thiên.

Phạm Chí lúc bấy giờ nay chính là Thân Ta, người nữ lúc ấy nay chính Cù Di. Ta vào lúc bấy giờ vì người nữ ấy ham muốn mà tạm thời dấy khởi tâm Bi, thì có thể vượt qua nỗi khổ sanh tử của trăm ngàn kiếp vậy”.

Lại trong kinh Tuệ thượng Bồ-tát nói: “Xưa vào thời Phật Câu lâu tần, có một Tỳ kheo tên gọi là Vô Cấu, ở nơi hang đá gần biên giới quốc gia không màng đến thế gian xa hoa. Cách nơi đó không xa có năm vị Thần Tiên, có một người nữ đi đường gặp cơn mưa lớn nên vào hang đá của Tỳ kheo trú mưa, mưa tạnh thì ra đi. Lúc ấy năm vị Tiên trông thấy thì tất cả đều nói rằng: Tỳ kheo gian dâm bẩn thỉu. Vô Cấu nghe được, lập tức tự vút thân mình lên ở giữa hư không, cách mặt đất bốn trượng chín thước. Các vị Tiên trông thấy bay lượn ở giữa hư không, đều nói rằng: Như kinh điển chúng ta đã ghi nhận, người nhiễm dục trần thì không thể bay được. Thế là năm vóc sát đất cúi đầu tìm cách sửa đổi sai lầm. Giả sử Tỳ kheo không hiện bày thần thông biến hóa, thì năm vị Tiên ấy rơi vào địa ngục lớn. Tỳ kheo Vô Cấu lúc ấy nay chính là Bồ-tát Từ Thị ấy mà”.