KIM QUANG MINH TỐI THẮNG

VƯƠNG KINH SỚ

Tam Tạng, Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường vâng chiếu dịch.
Sa-môn dịch kinh Tuệ Chiểu soạn.

Phẩm LIÊN HOA DỤ TÁN

Phẩm Liên Hoa dụ tán có chia ra ba phần:

  1. Lý do có phẩm này.
  2. Giải thích tên gọi.
  3. Giải thích chướng ngại.

– Nói về Lý do có phẩm này là Bồ-tát Diệu Tràng im lặng suy nghĩ, Thế Tôn Đạo sư từ lâu xa gieo trồng nhân cao đẹp, tại sao thọ mạng lại ngắn ngủi như vậy. Bốn Đức Phật ở bốn phương bỗng nhiên hiện ra trong thất nói về tuổi thọ vô biên, làm sao tâm phàm phu suy lường được. Nhân nghe về tuổi thọ dài lâu nên nguyện đạt đến Bồ-đề. Nói về quả khiến cho mong cầu, mong cầu cần phải khởi hạnh, cho nên mộng thấy trống vàng nói rõ phương pháp sám hối. Nay chính là hạnh cao quý cảm ứng từ giấc mộng phát khởi thứ lớp tu tập chẳng phải không có nhân duyên. Đại chúng thắc mắc không biết cho nên Phật liền giảng nói cho nghe: Về thời quá khứ có vị vua tên là Kim long chủ, dùng hoa sen ví dụ để khen ngợi các Đức Phật trong mười phương, do nhân cao quý này nên cảm ứng giấc mộng tốt lành ấy. Muốn khiến cho chúng hội đương thời trừ diệt được sự nghi ngờ, đồng thời gieo trồng nhân tốt đẹp, cho nên sau phẩm trước có phẩm này phát khởi.

– Giải thích tên gọi, hoa sen là dụ, khen ngợi là pháp. Hoa sen, gọi chung là Phù cừ, cũng gọi là Phù dung. Hoa gọi là Hạm đạm, thật ra gọi là sen, sen nghĩa là phòng, nên tức là đài sen. Hạt trong sen gọi là đích, trong đích gọi là ý. Ý ở đây, hoa chính là dụ cho nhân, sen tức là dụ cho quả. Dụ ở trong nhân, trước sau hướng về nhau, cả hai bao gồm nhân quả. Lại nữa, hoa sen mọc lên từ bùn nước nhưng không bị bùn nước làm cho nhuốm bẩn, dụ cho tu hành tuy ở nơi nhiễm ô nhưng chắc chắn thường lìa xa bùn lầy nghi ngờ. Rộ nở tốt tươi từ trong nước cũng không bị bùn nước làm cho vấy bẩn, dụ cho nhân quả cao quý đều được lìa xa nhiễm ô. Hoa sen này dụ cho cả năng tán và sở tán, khen ngợi dụ như hoa sen, bởi vì tâm chẳng nhiễm ô mà khen ngợi. Khen ngợi về thể là trí, khen ngợi về dụng là ngôn, bởi vì tâm thanh tịnh phát khởi lời nói cũng tựa như hoa sen. Nhưng nay chọn lấy ý khen ngợi đức tốt của Phật giống như hoa sen, do đó phẩm này nói: “Thường dùng hoa sen ví dụ để khen ngợi, xưng tụng các Đức Phật trong mười phương.” Lại tụng rằng: “Khen ngợi công đức của Phật dụ như hoa sen”, bởi vì căn cứ vào dụng, thường dùng hoa sen ví dụ để khen ngợi Phật. Hoặc lời khen ngợi này gọi là hoa sen dụ, dùng hoa sen này dụ cho sự khen ngợi, khen ngợi các

Đức Phật, cho nên nói thường dùng hoa sen ví dụ để khen ngợi. Phẩm này nói về điều đó cho nên lấy làm tên gọi. Giải trừ chướng ngại, đó là tại sao ở sau phẩm Mộng kiến sám hối trước đây không nói phẩm này ngay mà đến đây mới nói?

Đáp: Bởi vì cơ nghi của chúng hội đương thời là mong muốn như vậy. Lại nữa, mộng thấy sám hối vì trước đó nêu câu hỏi về diệt tội, hiểu rồi thì cần phải cầu tội diệt, tiến tu thắng hạnh. Hiện tại bởi vì đang tu học cho nên lập tức nói trước, việc đã qua chứng minh là thành thật cho nên về sau mới nói.

Văn kinh: Lúc bấy giờ, Đức Phật bảo thần cây Bồ-đề là Thiện nữ thiên rằng: Nay các người phải biết Diệu tràng trong đêm mộng thấy trống vàng tuyệt đẹp phát ra âm thanh vang dội khen ngợi công đức của Phật và phương pháp sám hối. Nhân duyên này ta sẽ vì các người nói tất cả sự việc đó, nên lắng nghe và khéo nhớ nghĩ.

Tán rằng: Văn trong phẩm này chia làm bốn:

  1. Nêu việc muốn trình bày nhắc nhở mọi người khiến cho lắng nghe.
  2. Chính thức giảng rộng khiến cho biết rõ duyên đời trước.
  3. Diệu tràng! Ông nên biết…” Về sau là kết thúc pháp hội, thọ ký cho như xưa nay.
  4. Đại chúng nghe xong phát tâm nguyện sẽ tu học. Một bài tụng cuối là thần cây tên Kiên Lao cũng gọi là Địa thần. Tên cây là Tất-bátba, Đức Phật thành đạo dưới cội cây ấy nên gọi là cội Bồ-đề. Đây là mở đầu.

Văn kinh: Thời quá khứ có vị vua tên là Kim long chủ, thường dùng hoa sen ví dụ để khen ngợi xưng tụng các Đức Phật ba đời ở khắp mười phương.

Tán rằng: Nói tất cả, có hai: Đầu là nêu ra, sau đó là nói. Đây là phần nêu ra.

Văn kinh: Liền vì đại chúng nói về sự khen ngợi đó rằng: Phật quá khứ, vị lai, hiện tại an trú trong các thế giới ở mười phương, nay con chí thành cúi đầu lễ, một lòng khen ngợi các đấng Tối thắng.

Tán rằng: Nói có ba mươi lăm bài tụng, tất cả chia làm ba phần: Hai mươi bài tụng đầu là khen ngợi, một bài tụng tiếp theo là hồi hướng, mười bốn bài tụng sau là phát nguyện. Trong phần khen ngợi có hai: Mười lăm bài tụng đầu là khen ngợi sắc thân Phật, năm bài tụng sau từ “Quá khứ vốn có…” trở xuống là khen ngợi danh thân của Phật. Trong khen ngợi sắc thân, một bài tụng đầu là kính thành nêu ra sự khen ngợi, tiếp theo mười ba bài tụng là tùy theo đức để khen ngợi riêng, sau cùng có một bài tụng kết thúc khen ngợi về sự vô biên. Đây là phần mở đầu, một câu đầu nói rõ nơi muốn khen ngợi, một câu khen ngợi về trú xứ, một câu là ba nghiệp lễ lạy, chí là tập trung là chuyên nhất, thành là chân thật, khể là đến, thủ là cái đầu, cúi đầu sát đất cho nên nói là khể thủ, lễ là cung kính, ở đây chung cho cả ba nghiệp, không riêng gì đầu lễ lạy, nêu rõ ràng thân nghiệp để làm sáng tỏ cả tâm, ngữ, chuyên chú vào cảnh gọi là nhất tâm, chẳng phải trong một sát-na… Một câu nêu ra sự khen ngợi, bàn luận sự tốt đẹp này gọi là khen ngợi, xúc sự bày tỏ xưng dương là ngợi ca.

Văn kinh: Vô thượng thanh tịnh đấng Mâu-ni, thân quang rực rỡ như màu vàng.

Tán rằng: Kế là tùy đức khen ngợi riêng. Trong khen ngợi tướng tốt có xen lẫn ngợi khen nhiều vẻ đẹp, bởi vì vẻ đẹp tùy theo tướng cho nên xen lẫn để ngợi khen. Ngợi khen có mười sáu thứ; mười một thứ ngợi khen về tướng, năm thứ ngợi khen về vẻ đẹp. Đây là mở đầu. Nửa bài tụng khen ngợi về tướng thân da màu vàng thứ mười bốn trong ba mươi hai tướng. Kinh Đại Bát-nhã quyển ba tám mươi bảy chép: “Đức Phật vì Thiện Hiện nói về ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp”, tiếp sau đều y cứ theo đó thì biết, nói rằng mười bốn tướng thân da của Thế Tôn đều thật sự màu vàng, ánh sáng thanh khiết chói ngời như đài vàng đẹp đẽ, các thứ báu trang nghiêm khiến mọi người đều ưa thích; hoặc là khen ngợi ánh sáng thường chói ngời của thân.

Văn kinh: Trên hết trong mọi âm thanh, như tiếng sấm Đại phạm vang động.

Tán rằng: Thứ hai ngợi khen về tướng Phạm âm thứ hai mươi bảy. Như kinh nói: Phạm âm của Thế Tôn từ ngữ điệu vận hòa nhã, hễ chúng bao nhiêu người cũng đều nghe như nhau, âm thanh đó vang dội chấn động giống như trống trời, lời nói phát ra êm ái, chứa đựng như tiếng chim Tần-ca (chim Ca-lăng-tần-già).

Văn kinh: Màu tóc đen như ong đầu đàn, mềm mại xoáy tròn màu cam thanh (đen pha hồng).

Tán rằng: Thứ ba ngợi khen vẻ đẹp của tóc. Như kinh nói: đầu tóc của Thế Tôn rậm và dài, màu đen pha hồng, dày khít không trắng.

Văn kinh: Răng trắng đều đặn như ngọc trắng, ngay ngắn hiện rõ có ánh sáng.

Tán rằng: Thứ tư là ngợi khen tướng răng. Như kinh nói: Tướng thứ hai mươi ba là răng của Thế Tôn có bốn mươi chiếc, đều đặn, ngay ngắn sạch sẽ khít khao, gốc sâu, trắng hơn ngọc trắng.

Văn kinh: Mắt xanh xinh đẹp không bẩn, giống như cánh sen xanh rộng lớn, chiếc lưỡi rộng dài thật mềm mại, tựa như sen hồng mọc trong nước.

Tán rằng: Thứ năm là khen ngợi đôi mắt, như kinh nói tướng thứ hai mươi chín là mắt của Thế Tôn màu xanh ánh hồng tươi sáng, vòng đỏ điểm giữa sáng trong rõ ràng. Thứ sáu là tướng lưỡi, như kinh nói: Tướng thứ hai mươi sáu là lưỡi của Thế Tôn mềm mỏng sạch sẽ rộng dài, lẽ ra có thể che kín mặt, tận đến mí tóc.

Văn kinh: Giữa hai đầu chân mày thường có sợi lông trắng sáng, mềm mại xoay về bên phải màu pha lê, chân mày mảnh nhỏ dài tựa trăng non, màu sắc ánh sáng như ong đầu đàn.

Tán rằng: Thứ bảy là khen ngợi tướng chân mày thứ ba mươi mốt, thứ tám khen ngợi vẻ đẹp của chân mày thứ ba mươi chín.

Văn kinh: Mũi cao dài thẳng như thoi vàng, sạch đẹp mịn bóng tướng không thiếu, tất cả hương thơm tho thế gian, lúc ngửi biết rõ hương ở đâu.

Tán rằng: Thứ chín khen ngợi vẻ đẹp của mũi. Đây là nửa bài tụng đầu khen ngợi vẻ đẹp của sắc, nửa bài tụng sau khen ngợi công dụng tốt đẹp của căn.

Văn kinh: Thân Thế Tôn mài vàng quý nhất, mỗi một đầu lông tướng không khác, xanh hồng mềm mại xoay bên phải, màu sắc nhiệm mầu khó ví dụ.

Tán rằng: Thứ mười là kết hợp khen ngợi tướng thứ mười một là mỗi lỗ chân lông của Thế Tôn đều mọc ra một sợi lông. Tướng thứ mười hai là lông tóc của Thế Tôn đều hướng lên trên.

Văn kinh: Mới sinh thân có ánh sáng đẹp, soi khắp tất cả cõi mười phương, thường dứt khổ chúng sinh ba cõi, khiến họ đều được vui yên ổn; trong đường địa ngục, quỷ, súc sinh, A-tu-la, trời và loài người, giúp họ dứt trừ các khổ đau, thường được vui yên ổn tự nhiên; ánh sáng thân thường soi chiếu khắp, giống như vàng ròng đẹp tuyệt vời.

Tán rằng: Tiếp theo hai bài tụng rưỡi, thứ mười một lại khen ngợi về tướng ánh sáng của thân. Trước nói lược, sau nói rộng, trong đó chia làm ba: Nửa bài tụng đầu là ánh sáng nơi thân chiếu soi cảnh giới, một bài tụng rưỡi tiếp theo là khen ngợi lợi ích của ánh sáng nơi thân, trong lợi ích của ánh sáng nửa bài tụng đầu là chung, một bài tụng tiếp theo là riêng; nửa bài tụng cuối là hiển bày ánh sáng không gì so sánh bằng.

Văn kinh: Khuôn mặt tròn sáng như trăng rằm, màu môi đỏ đẹp như Tần-bà, bước đi mạnh mẽ tựa sư tử, thân quang sáng rực giống bình minh.

Tán rằng: Thứ mười hai: Một câu khen ngợi tướng thứ ba mưưoi là khuôn mặt tròn đầy của Thế Tôn, giống như trăng rằm; tướng chân mày sáng trắng như cây cung của Thiên đế. Mày mặt chia ra làm hai, cũng bao gồm ba vẻ đẹp của khuôn mặt. Thứ mười ba, một câu khen ngợi về vẻ đẹp màu môi của Phật. Thứ mười bốn, nửa bài tụng khen ngợi vẻ đẹp thứ bảy là bước đi ngó thẳng về trước như voi đầu đàn của Phật, thứ tám là bước đi mạnh mẽ nghiêm trang như sư tử, thứ chín là bước đi bình an như trâu đầu đàn, thứ mười là bước đi nhẹ nhàng tao nhã như ngỗng đầu đàn, tất cả thuộc về dáng vẻ của bước đi.

Văn kinh: Cánh tay thon dài đứng quá gối, dáng vẻ buông xuống nhánh sa-la.

Tán rằng: Thứ mười lăm khen ngợi tướng thứ chín là cánh tay Phật.

Văn kinh: Viên quang một tầm chiếu vô biên, sáng ngời như trăm ngàn mặt trời, chiếu khắp cõi nước các Đức Phật, tùy duyên ở đâu đều độ sinh.

Tán rằng: Tiếp theo ba bài tụng, thứ mười sáu khen ngợi tướng thứ hai mươi hai là Thế Tôn thường có ánh sáng trên mặt chiếu xa một tầm. Trong đó chia làm ba: Một bài tụng đầu là ánh sáng soi chiếu tùy duyên, một bài tụng tiếp theo là dứt trừ các khổ đau của chúng sinh, một bài tụng cuối là thường ban cho họ niềm vui. Đây là mở đầu. Trong kinh Đại Bát-nhã chép: “Thân quang của Như lai tùy ý có thể soi chiếu tam thiên thế giới, khi tác ý có thể chiếu soi vô biên thế giới, vì thương xót hữu tình nên thâu nhiếp ánh sáng thường soi chiếu trên mặt trong khoảng một tầm.” Tức là tùy duyên thâu vào phát ra đều làm lợi ích chúng sinh.

Văn kinh: Lưới ánh sáng đẹp không gì bằng, rực rỡ đầy khắp trăm ngàn cõi, soi khắp mười phương không chướng ngại, tất cả tối tăm đều xua tan.

Tán rằng: Trừ diệt khổ đau của chúng sinh. Như lưới báu của trời Đế Thích cảm hóa chúng sinh, thân quang của Thế Tôn cũng giống như vậy.

Văn kinh: Ánh từ Thiện Thệ thường ban vui, sắc mầu chiếu rọi như núi vàng, luồng sáng đến khắp trăm ngàn cõi, chúng sinh gặp được đều thoát khổ.

Tán rằng: Ban vui. Phật phát khởi từ bi gọi là ánh sáng Từ bi của Thiện Thệ. Ban vui lại có hai: Trước tiên là niềm vui thế gian, đều được thoát khỏi ấy là niềm vui xuất thế gian. Xuất ly tức là Niết-bàn.

Văn kinh: Thân Phật thành tựu phước vô lượng, tất cả công đức cùng trang nghiêm, siêu vượt ba cõi độc xưng tôn, thù thắng thế gian không ai bằng.

Tán rằng: Tiếp theo một bài tụng là kết thúc khen ngợi về sự vô biên của Phật. Tướng tốt là phước phần cho nên nói là vô lượng phước, là vô lậu cho nên vượt ba cõi, rất viên mãn cho nên không ai bằng.

Văn kinh: Tất cả các Đức Phật quá khứ, nhiều như bụi nhỏ trên mặt đất, Phật vị lai hiện tại mười phương, cũng nhiều như bụi nhỏ mặt đất.

Tán rằng: Tiếp theo là năm bài tụng khen ngợi về danh thân. Sắc thân ở trước cũng được gọi là Hóa thân. Danh thân này cũng được gọi là ứng thân. Trong đó chia làm ba: Một bài tụng đầu tiên nói về vô biên các Đức Phật, một bài tụng tiếp đó là quy y cúng dường, ba bài tụng sau là phát âm khen ngợi. Đây là mở đầu.

Văn kinh: Con dùng thân, ngữ, ý chí thành, cúi đầu quy y Phật ba đời, khen ngợi biển công đức vô biên, tất cả hương hoa đều cúng dường.

Tán rằng: Quy y cúng dường các Đức Phật.

Văn kinh: Giả sử miệng con có ngàn lưỡi, vô lượng kiếp khen ngợi Như lai, công đức Thế Tôn không nghĩ bàn, sâu xa trên hết khó nói được. Giả sử con có trăm ngàn lưỡi, khen ngợi mỗi Phật một công đức, ở trong phần nhỏ còn khó biết, huống đức chư Phật không giới hạn. Giả sử mặt đất và các trời, cho đến Hữu đảnh là biển nước, đầu lông có thể chấm biết số, một công đức Phật thật khó lường.

Tán rằng: Phát âm khen ngợi. Một bài tụng đầu là khen ngợi chung Như lai vượt ngoài khả năng suy nghĩ, nói năng.

Tiếp theo giả sử khen ngợi mỗi Đức Phật một công đức cũng không thể cùng tận được. Một bài tụng cuối khen ngợi công đức sâu xa vượt ngoài sự tính toán suy lường.

Văn kinh: Con dùng thân, ngữ, ý, chí thành, lễ tán đức các Phật vô biên, tất cả phước tốt quả khó nghĩ, hồi thí chúng sinh mau thành Phật.

Tán rằng: Thứ hai là hồi hướng.

Văn kinh: Vua ấy khen ngợi Như lai xong, tâm càng tin sâu phát thệ nguyện rộng lớn.

Tán rằng: Tiếp theo là phát nguyện có mười bốn bài tụng chia làm hai: Nửa bài tụng đầu nêu chung, mười ba bài tụng rưỡi sau là đề mục riêng. Đây là mở đầu.

Văn kinh: Nguyện con sẽ ở đời vị lai, sinh nơi vô lượng vô số kiếp, trong mộng thường thấy trống vàng lớn, được nghe rõ âm thanh nói sám hối. Khen công đức Phật như hoa sen, nguyện chứng vô sinh thành Chánh giác, cùng hiện khi các Phật xuất thế, trong trăm ngàn kiếp thật khó gặp. Đêm mộng thường nghe tiếng trống hay, ngày liền theo đó mà sám hối. Con sẽ tu đầy đủ sáu độ, cứu thoát chúng sinh vượt biển khổ, sau đó được thành Vô thượng giác, cõi Phật thanh tịnh khó nghĩ bàn. Dâng trống vàng lên Đức Như lai, và khen công đức thật các Phật, nhờ đó sẽ thấy Phật Thích-ca, thọ ký con thành bậc Chánh giác. Kim long Kim quang là con ta, quá khứ từng làm thiện tri thức, đời đời nguyện sinh nơi nhà ta, cùng được chứng Bồ-đề vô thượng. Nếu có chúng sinh không cứu giúp, đêm dài luân hồi chịu khổ đau, con ở đời sau làm quy y, khiến họ sẽ được vui yên ổn. Các khổ ba cõi nguyện trừ diệt, đều được nơi an vui tùy ý; ở đời vị lai tu Bồ-đề, đều như các Phật đời quá khứ. Nguyện phước sám hối Kim quang này, thường cạn biển khổ tiêu trừ tội, nghiệp chướng phiền não thảy tan biến, khiến con mau được quả thanh tịnh. Biển lớn phước trí lượng vô biên, thanh tịnh lìa cấu sâu không đáy, nguyện con được biển công đức ấy, chóng thành Vô thượng đại Bồ-đề. Nhờ sức sám hối Kim quang này, sẽ được phước đức tịnh quang minh, đã được ánh sáng đẹp thanh tịnh, thường dùng ánh trí soi tất cả. Nguyện thân quang con như các Phật, phước đức, trí tuệ cũng như thế, tất cả thế giới độc xưng tôn, uy lực tự tại không ai bằng. Biển khổ hữu lậu nguyện vượt qua, biển vui vô vi nguyện thường dạo, biển phước hiện tại nguyện thường đầy, biển trí tương lai nguyện tràn đầy. Nguyện cõi nước còn hơn ba cõi, công đức cao quý lượng vô biên, những người có duyên sẽ cùng sinh, đều được thành tựu trí thanh tịnh.

Tán rằng: Trống vàng nói âm thanh sám hối. Xét ở đây nên hợp với phần sau, bởi vì vâng theo trống vàng nên mới phát nguyện, do văn đơn giản nên trình bày ở trước. Biểu hiện riêng có tám:

1. Bài tụng thứ nhất là nguyện được mộng.

2. Một bài tụng tiếp theo là nguyện khen ngợi công đức của Phật, dụ như hoa sen Ổ-đàm-bát.

3. Nửa bài tụng tiếp theo là nguyện thực hành sám hối.

4. Một bài tụng tiếp theo là nguyện tu tập các điều lành. Có bốn:

  • Thực hành sáu độ.
  • Cứu giúp chúng sinh.
  • Nguyện thành Phật.
  • Nguyện Tịnh độ.

5. Một bài tụng tiếp theo là nguyện sẽ được thọ ký.

6. Một bài tụng tiếp theo là nguyện con cũng được như vậy.

7. Hai bài tụng tiếp theo là nguyện thực hành lợi tha, trong lợi tha, một bài tụng rưỡi đầu là khiến đạt được niềm vui thế gian, nửa bài tụng sau là khiến đạt được niềm vui xuất thế, dựa vào công đức cao quý khiến đạt được đại quả, hoặc có thể, nửa bài tụng từ “chúng sinh ba cõi…” Về sau khiến đạt được ba thừa, nói rằng tùy ý cho nên sau khiến hồi tâm hướng đại.

8. Sáu bài tụng tiếp theo là nguyện tự được lợi ích, trong tự được lợi ích có sáu: Một bài tụng đầu là nguyện sám hối diệt chướng, đạt đến Niết-bàn, trong biển khổ tức là báo chướng, nghiệp, nghiệp chướng, phiền não tức là hoặc chướng. Một bài tụng tiếp theo là nguyện đạt được Pháp thân, trí thành tựu đại giác, đạt được Báo thân một bài tụng kế là nguyện được ánh sáng trí tuệ của thân chiếu soi đến người thì khởi hóa thân, một bài tụng kế là nguyện ánh sáng trí tuệ của thân bằng với chư Phật. Một bài tụng tiếp theo là nguyện vượt qua biển khổ, đầy đủ an vui, trong đó có hai: Nửa bài tụng là lìa khổ được vui, nửa bài tụng là phước trí tròn đầy. Phước tròn tức là nhân hạnh, trí đầy tức là quả. Như luận Bát-nhã của Vô Trước chép: “Phước tướng pháp thân và trí tướng Pháp thân là địa vị đặc biệt của nhân quả.” Một bài tụng tiếp theo là nguyện được Tịnh độ, cùng thành Phật, văn hiển bày rõ ràng có thể biết.

Văn kinh: Này Diệu Tràng! Ông nên biết rằng quốc vương Kim long chủ kia từng phát nguyện như thế chính là ông. Ngày xưa có hai người con là Kim Long và Kim Quang, chính là Ngân Tướng và Ngân Quang sẽ được ta thọ ký.

Tán rằng: Đoạn lớn thứ ba là kết thúc pháp hội xưa nay, hứa sẽ thọ ký. Một bài tụng là kết thúc pháp hội, một bài tụng là hứa sẽ thọ ký.

Văn kinh: Đại chúng nghe nói như thế đều phát tâm Bồ-đề, nguyện hiện tại và vị lai thường nương theo pháp sám hối này. Dưới là đoạn lớn thứ tư, đại chúng nghe xong phát tâm nguyện nương theo tu học.

Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh Sớ. Quyển bốn, phần đầu xong.