KIM QUANG MINH TỐI THẮNG

VƯƠNG KINH SỚ

Tam Tạng, Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường vâng chiếu dịch.
Sa-môn dịch kinh Tuệ Chiểu soạn.

Phẩm KIM THẮNG ĐÀ LA NI

Phẩm Kim Thắng Đà-la-ni có chia ra ba phần:

  1. Lý do có phẩm này.
  2. Giải thích.
  3. Giải thích chướng ngại.

Nói về lý do có phẩm này: trước đây nói về mộng nghe âm trống vàng nói pháp sám hối diệt trừ nghiệp chướng tu hạnh tịnh địa, đều gần gũi cúng dường các Đức Phật, phát khởi kỳ nguyện cao siêu. Những gốc lành này thành tựu đã từ Đức Phật mà đạt được, nhờ chỉ dạy nên thường thấy Phật. Hạnh rộng lớn khó học, hạnh đơn giản dễ noi theo, cho nên trao truyền tổng trì để nương theo tu tập, thường được thấy Phật tu hành cúng dường. Vì thế sau phẩm trước có phẩm này phát sinh. Thứ hai là giải thích tên gọi, tiếng Phạn gọi là Thất-la (Hán dịch là Kim), Bạt-để (Hán dịch là Thắng), Đà-la-ni (Hán dịch là Tổng trì). Kim là dụ, Đà-lani là pháp, Thắng chung cho cả pháp và dụ. Thắng ở trong kim (vàng) giống như vàng của châu Thiệm-bộ. Tổng trì thắng này cũng giống như vậy. Lấy vàng làm ví dụ, nghĩa giống như phẩm Tam Thân ở trước đã nói. Giải trừ chướng nạn là hỏi kinh rằng: “Người thọ trì tổng trì này có phước đức to lớn, đã gieo trồng gốc lành với nhiều Đức Phật, giữ giới chắc chắn được hội nhập pháp môn sâu xa.” Đã nói rằng “Đã gieo trồng gốc lành và giữ giới dưới pháp hội nhiều vị Phật, ở đây là tự mình có thể thường thấy các Đức Phật”, đâu cần nhờ pháp Tổng trì của Phật giáo?

Đáp: Lại khiến cho tăng tiến hơn cho nên dạy thần chú.

Văn kinh: Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn lại ở giữa đại chúng bảo Đại Bồ-tát Thiện Trú: Này người thiện nam, có Đà-la-ni tên là Kim thắng.

Tán rằng: Văn trong phẩm chia làm năm:

  1. Nêu thần chú khuyến khích tu trì, khen ngợi dạy người tu học.
  2. Chỉ dạy phương tiện trước khi trì thần chú.
  3. Chính thức nói thần chú.
  4. Khen ngợi rộng về công năng.
  5. Chỉ dạy phương pháp nghi thức thực hành.

– Đoạn đầu tiên có ba phần:

  1. Đối cơ nêu ra tên gọi thần chú.
  2. Lý do khuyến khích người hành trì tu học.
  3. Từ “Vì thế cho nên…” về sau là khen người dạy phải tu học đầy đủ. Đây là mở đầu.

Văn kinh: Nếu có người thiện nam, người thiện nữ nào muốn cầu tự gặp các Đức Phật quá khứ, hiện tại, vị lai để cung kính cúng dường thì phải thọ trì Đà-la-ni này.

Tán rằng: Lý do khuyến khích người hành trì tu học, có ba: Đầu tiên là nói rõ nguyện hành trì, tiếp theo là trưng hỏi nguyên do, sau cùng là giải thích. Đây là mở đầu.

Văn kinh: Vì sao? Vì Đà-la-ni này chính là mẹ của các Đức Phật quá khứ, hiện tại và vị lai.

Tán rằng: Văn hai phần sau. Thường sinh ra các Đức Phật gọi là Phật mẫu.

Văn kinh: Thế nên biết rằng người thọ trì Đà-la-ni này có phước đức to lớn, đã gieo trồng gốc rễ các điều lành ở nơi vô lượng các Đức Phật quá khứ, nay được thọ trì; đối với giới thanh tịnh không hủy phạm, không thiếu sót, không có chướng ngại, chắc chắn được hội nhập vào pháp môn sâu xa.

Tán rằng: Khen ngợi người khiến cho họ tu học, có tám:

  1. Nêu ra người thọ trì.
  2. Có phước to lớn.
  3. Được gặp các Đức Phật.
  4. Gieo trồng gốc lành.
  5. Đầy đủ giới luật.
  6. Không có chướng ngại.
  7. Nhập vào nhóm chánh định.
  8. Nhập vào pháp sâu xa, tức là chắc chắn được nhập vào giai vị Trú chánh định, thường được quyết định, nhập vào pháp môn sâu xa tức là thứ tám, hoặc chỉ là thứ bảy, kết hợp thứ bảy và tám là năng chứng bất thối.

Văn kinh: Thế Tôn liền giảng nói phương pháp trì chú, trước tiên xưng niệm danh hiệu các Đức Phật và Bồ-tát, dốc lòng lễ lạy cung kính, sau đó trì tụng thần chú.

Tán rằng: Chỉ dạy phương tiện trước khi trì thần chú. Đầu là nêu ra, sau đó chỉ dạy. Đây là phần nêu ra.

Văn kinh: Nam-mô Thập phương nhất thiết chư Phật, Nam-mô chư đại Đại Bồ-tát, Nam-mô Thanh văn Duyên giác nhất thiết hiền Thánh, Nam-mô Thích-ca Mâu-ni Phật, Nam-mô Đông Phương Bất Động Phật, Nam-mô Nam Phương Bảo Tràng Phật, Nam-mô Tây phương Adi-đà Phật, Nam-mô Bắc Phương Thiên Cổ Âm Vương Phật, Nam-mô Thượng Phương Quảng Chúng Đức Phật, Nam-mô Hạ Phương Minh Đức Phật, Nam-mô Bảo Tạng Phật, Nam-mô Phổ Quang Phật, Nammô Phổ Minh Phật, Nam-mô Hương Tích Vương Phật, Nam-mô Liên Hoa Thắng Phật, Nam-mô Bình Đẳng Kiến Phật, Nam-mô Bảo Kế Phật, Nam-mô Bảo Thượng Phật, Nam-mô Bảo Quang Phật, Nam-mô Vô Cấu Quang Minh Phật, Nam-mô Biện Tài Trang nghiêm Tư Duy Phật, Nam-mô Tịnh Nguyệt Quang Xưng Tướng Vương Phật, Nam-mô Hoa Nghiêm Quang Phật, Nam-mô Quang Minh Vương Phật, Nammô Thiện Quang Vô Cấu Xưng Vương Phật, Nam-mô Quán Sát Vô úy Tự Tại Phật, Nam-mô Vô Úy Danh Xưng Phật, Nam-mô Tối Thắng Vương Phật, Nam-mô Bảo Tướng Phật, Nam-mô Quán Tự Tại Đại Bồtát, Nam-mô Địa Tạng Đại Bồ-tát, Nam-mô Hư Không Tạng Đại Bồtát, Nam-mô Diệu Cát Tường Đại Bồ-tát, Nam-mô Kim Cang Thủ Đại Bồ-tát, Nam-mô Phổ Hiền Đại Bồ-tát, Nam-mô Vô Tận Ý Đại Bồ-tát, Nam-mô Đại Thế Chí Đại Bồ-tát, Nam-mô Từ Thị Đại Bồ-tát, Nam-mô Thiện Tư Đại Bồ-tát.

Tán rằng: Đây là chỉ dạy. Đầu tiên là dạy lễ chung, sau là chỉ dạy lễ riêng. Đây là lễ chung. Lễ riêng có thể biết.

Văn kinh: Đà-la-ni như sau: Nam-mô hạt lạt đát na đát lạt dạ dã – đát điệt tha – quân thế quân thế – củ triết lệ củ triết lệ – nhất trất lý mật trất lý – sa ha.

Tán rằng: Chính là nói thần chú.

Văn kinh: Đức Phật bảo Bồ-tát Thiện Trụ: Đà-la-ni này là mẹ của các Đức Phật ba đời.

Tán rằng: Tiếp theo khen ngợi rộng về công năng, có hai: Đầu tiên nói thần chú là Phật mẫu, sau đó nói người thọ trì được lợi ích. Đây là mở đầu.

Văn kinh: Nếu có người thiện nam, người thiện nữ nào trì tụng thần chú này thì được phát sinh chứa nhóm phước đức vô lượng vô biên.

Tán rằng: Trong phần được lợi ích đầu tiên nêu chung, sau đó chỉ ra riêng. Đây là nêu chung.

Văn kinh: Chính là cúng dường cung kính tôn trọng khen ngợi vô số các Đức Phật như thế, các Đức Phật đều cùng nhau thọ ký A-nậuđa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề cho người này.

Tán rằng: Riêng chỉ ra lợi ích đạt được, có sáu:

  1. Ngay nơi cúng dường Phật là pháp cúng dường.
  2. Được Phật thọ ký.
  3. Được quả phước thế gian.
  4. Sở nguyện vừa ý.
  5. Thường gần gũi bạn lành.
  6. Các Đức Phật, Bồ-tát đều bảo vệ.

Đoạn văn có thể biết, vì thế không chỉ ra riêng.

Văn kinh: Này Thiện Trụ! Nếu có người nào thọ trì thần chú này thì tùy theo sự mong muốn của họ về ăn mặc, tài sản, châu báu, thông minh trí tuệ, mạnh khỏe sống lâu, được phước thật nhiều, thuận theo những nguyện điều cầu thảy đều được như mong muốn.

Này Thiện Trú! Người thọ trì thần chú này dù cho chưa chứng Vô thượng Bồ-đề mà vẫn thường cùng với các vị Bồ-tát như Bồ-tát Kim Thành Sơn, Bồ-tát Từ Thị, Bồ-tát Đại Hải, Bồ-tát Quán Tự Tại, Bồ-tát Diệu Cát Tường, Bồ-tát Đại-băng-già-la… cùng ở một chỗ, được sự che chở bảo vệ của các vị Bồ-tát.

Này Thiện Trụ! Nên biết rằng lúc trì thần chú này nên thực hành pháp như vậy.

Tán rằng: Chỉ dạy phương pháp nghi thức thực hành. Văn chia làm ba:

  1. Nêu chung.
  2. Chỉ ra riêng.
  3. Kết thúc khuyên nhắc chớ quên.

Đây là phần nêu chung.

Văn kinh: Trước hết phải tụng trì đủ một muôn lẻ tám biến làm phương tiện đầu tiên, tiếp theo vào phòng kín trang nghiêm đạo tràng, ba mươi, mồng một tắm gội sạch sẽ, mặc áo quần mới giặt, thắp hương dâng hoa, các thứ cúng dường và các đồ ăn thức uống; vào trong đạo tràng trước hết nên xưng niệm lễ lạy các Đức Phật, Bồ-tát như trước đã nói, dốc lòng tha thiết sám hối tội lỗi trước đây xong, đầu gối phải quỳ sát đất, hãy tụng thần chú ở trước đủ một ngàn lẻ tám biến, ngồi thẳng tư duy, nghĩ đến sở nguyện đó. Thời gian chưa ra ngoài, lúc còn ở trong đạo tràng ăn thức ăn thanh tịnh, một ngày chỉ ăn một bữa, đến mười lăm ngày mới ra khỏi đạo tràng, khiến cho phước đức uy lực của người này không thể suy nghĩ bàn luận, hễ có nguyện cầu gì đều được viên mãn, nếu không được như mong muốn thì lại trở vào đạo tràng.

Tán rằng: Chỉ bày riêng, trong đó có tám:

  1. Phương tiện trì chú.
  2. Nơi chốn.
  3. Trang nghiêm.
  4. Thời tiết
  5. Kết tịnh.
  6. Cúng dường.
  7. “Nhập đạo tràng…” trở xuống chính là thực hành. Trong chính thức thực hành có chín:
    1. Quy y lễ lạy.
    2. Sám hối.
    3. Cung kính.
    4. Số biến trì tụng.
    5. Khởi nguyện.
    6. Thời gian nơi chốn ăn uống.
    7. Thức ăn bị nhuốm đen cũng được.
    8. Biết số lượng.
    9. Kỳ hạn.
  8. “Làm cho…” trở xuống là nguyện thành tựu, có hai:

– Người phước đức nhiều thì hai tuần nguyện được như ý.

– Nếu không toại ý về sau là người có nghiệp ác nặng nề lại tiếp tục yêu cầu kỳ hẹn trở lại thực hành như trước.

Ở đây chia ra hai phẩm, theo các nơi khác tu hành phần nhiều chia làm ba phẩm, hoặc dựa vào căn tánh nhanh chậm, hoặc chướng có ba phẩm, hoặc ba phẩm tu. Như cầu Phổ Hiền hoặc một tuần thất, hai ba tuần thất, hoặc lại trải qua sinh nghiệp nặng nhẹ khác nhau, ở đây cũng như vậy, đoạn văn y cứ theo khoa.

Văn kinh: Đã xứng hợp với tâm rồi thì thường trì tụng chớ quên. Kết thúc khuyến nhắc chớ quên.