SỐ 221
KINH PHÓNG QUANG BÁT-NHÃ
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Vô-la-xoa, người nước Vu Điền
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 12
Phẩm 55: THÁN TÂM SỰ THẬM THÂM
Lúc bấy giờ, các Thiên tử ở cõi Dục và cõi Sắc dùng các hoa thơm ở cõi trời tung rải lên trên Đức Phật rồi đến chỗ Ngài làm lễ và chắp tay thưa:
–Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật thật sâu xa khó hiểu biết
rõ, không thể suy nghĩ và bàn luận, là nhừng điều hiểu biết của bậc trí, là nơi thế gian phải nên tin, là con đường thẳng của các Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác. Chư Phật từ con đường này đến Vô thượng Bồ-đề đều nhờ ân Bát-nhã ba-la-mật sâu xa này. Đây là giáo lý duy nhất. Giáo lý duy nhất nghĩa là năm ấm là trí Nhất thiết, trí Nhất thiết là năm ấm, chân như của trí Nhất thiết, chân như của năm ấm, trí Nhất thiết và năm ấm là một Như, không hai. Như của Phật và Như của trí Nhất thiết cũng không có hai.
Phật bảo với các Thiên tử cõi Sắc và cõi Dục:
–Đúng như vậy! Như lời các Thiên tử, năm ấm là trí Nhất thiết, trí Nhất thiết là năm ấm; Phật là trí Nhất thiết, trí Nhất thiết là Phật là một Như không hai. Do vậy, này các Thiên tử, Như Lai thản nhiên, vô vi mà không thuyết pháp. Vì sao? Vì pháp này rất sâu xa thanh tịnh, khó hiểu rõ được, đặc biệt có thể tin. đạo của Như Lai thời quá khứ, tương lai, hiện tại không có người giác ngộ, pháp không có hai, đó chính là pháp.
Này các Thiên tử! Như hư không rất sâu xa vi diệu, pháp này cũng như vậy, giống như sự thâm sâu nhiệm mầu của các pháp. Pháp này cũng sâu xa nhiệm mầu, pháp tánh chẳng thể nghĩ bàn, tánh chân thật không có bờ bến, không đến, không đi, không thường, không đoạn, không sinh, không diệt, rất sâu xa vi diệu, không có giác ngộ; do không có giác ngộ nên rất sâu xa vi diệu. Bát-nhã bala-mật rất sâu xa vi diệu.
Này các Thiên tử! Vì các pháp này rất sâu xa vi diệu, nên chúng sinh, ta, người, thọ mạng cũng rất sâu xa vi diệu. Năm ấm sâu xa vi diệu, sáu pháp Ba-la-mật sâu xa vi diệu; nội ngoại không, hữu vô không, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật cho đến trí Nhất thiết rất sâu xa vi diệu.
Này các Thiên tử! Do sự rất sâu xa vi diệu này nên Bát-nhã ba-la-mật rất sâu xa vi diệu.
Các Thiên tử ở cõi Sắc và cõi Dục đều bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Đối với thế gian, pháp này rất đặc biệt rất đáng tin. Người nói như vậy nghĩa là cũng không thọ nhận năm ấm cho đến mười tám pháp Bất cộng cũng không có chỗ thọ nhận. Nói như vậy nghĩa là từ Tu-đà-hoàn cho đến trí Nhất thiết cũng không thọ nhận giữ lấy và cũng không thọ nhận. Giữ lấy các pháp thế gian đều là thọ nhận. Thọ nhận, giữ gìn như thế nào? Vì nghĩ năm ấm của ta, ta thuộc về năm ấm, mười tám pháp Bất cộng là của ta, ta thuộc về mười tám pháp Bất cộng; từ Tu-đà-hoàn cho đến trí Nhất thiết đều là của ta, ta thuộc về trí Nhất thiết. Đây là sự thọ nhận của thế gian.
Phật bảo các thiên tử:
–Như lời các Thiên tử thì pháp này cũng không thọ nhận giữ gìn năm ấm cũng không thọ nhận giữ gìn trí Nhất thiết.
Này các Thiên tử! Những ai thọ nhận, thực hành năm ấm, thọ nhận và thực hành trí Nhất thiết thì không chịu tiếp nhận thực hành sáu pháp Ba-la-mật, cũng không chịu thực hành trí Nhất thiết.
Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Pháp này không trái với các pháp và có pháp thuận là: sáu pháp Ba-la-mật, nội ngoại không, hữu vô không, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo cho đến trí Nhất thiết. Những pháp này không trở ngại các pháp. Tại sao không trở ngại? Vì không trở ngại năm ấm cho đến trí Nhất thiết cũng không có trở ngại. Tướng không trở ngại các pháp ví như hư không. Vì sao? Vì trụ ở như của pháp tánh, Như của chân tế, Như của sự chẳng thể nghĩ bàn, như của Không, Vô tướng, Vô nguyện. Pháp Bát-nhã ba-la-mật này không sinh cũng không diệt, vì năm ấm không sinh, không có; cho đến trí Nhất thiết cũng không sinh, không có. Pháp này không có vì dấu vết của năm ấm không thể thấy, dấu vết của trí Nhất thiết cũng không thể thấy.
Lúc ấy, các Thiên tử ở cõi Dục và cõi Sắc đều bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Trong các đệ tử của Ngài, Tôn giả Tu-bồ-đề là chân thật đệ tử của Phật. Vì sao?
Vì Tôn giả chỉ nói về pháp không, pháp không trói buộc.
Lúc ấy Tu-bồ-đề bảo các Thiên tử ở cõi Dục và cõi Sắc:
–Như lời của các ông nói, ta là đệ tử chân chánh trong hàng đệ
tử của Phật. Thế nào là đệ tử chân chánh?
Các Thiên tử đáp:
–Phật sinh từ chân như nên không đi không đến, chân như của Tu-bồ-đề cũng không đến không đi. Do dó, Tu-bồ-đề từ Phật sinh. Chân như của Phật cũng là chân như của tất cả các pháp. Như của các pháp là chân như của Phật. Chân như cũng chẳng phải chân như. Thế nên Tu-bồ-đề từ Phật sinh ra trụ nơi chân như của Phật. Chân như của Tu-bồ-đề cũng trụ như vậy. Chân như của Phật không có tạo tác, không có hành động cũng không có sở hữu. Chân như Tu-bồ-đề cũng như vậy. Chân như của Phật không ngại, chân như của các pháp cũng không trở ngại. Chân như của Phật và các pháp nhất Như, không có hai cũng không có tác giả. Như của không tạo tác thường như vậy, không thể không như vậy, từ sự có như vậy không thể không như thế, thường một không có hai. Thế nên biết Tôn giả Tu-bồ-đề từ Như Lai sinh, Như là chân như của Phật, không thể bị phá hoại. Chân như của Tu-bồ-đề cũng không bị phá hoại, cũng không không bị phá hoại. Như chân như của Phật không thể thấy, cũng không thể phá hoại, chân như của Tu-bồ-đề cũng như vậy. Vì vậy nên biết, Tu-bồ-đề chân thật từ Phật sinh, như chân như của Phật, không có quá khứ, hiện tại, tương lai. Chân như của các pháp cũng không có quá khứ, hiện tại, tương lai. Do đó, nên biết Tu-bồ-đề từ Phật sinh, chân như của quá khứ, hiện tại, tương lai cũng là chân như của Phật. Chân như của Phật cũng là chân như của quá khứ hiện tại tương lai như nhau không có hai. Chân như của năm ấm và Như của Như Lai cũng chỉ có một không có hai. Chân như của ngã, tuổi thọ, mạng sống, chúng sinh giống như chân như của Phật chỉ có một không có hai; chân như của sáu pháp Ba-la-mật, nội ngoại không, hữu vô không, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo cho đến trí Nhất thiết cũng như chân như của chư Phật là Nhất như không có hai. Thế nào là chân như?
Này Tu-bồ-đề! Chân như là điều mà Bồ-tát giác ngộ, được danh hiệu là Như Lai.
Khi nói phẩm “Như ” này, tam thiên đại thiên thế giới chấn động sáu cách, hiện lên ở phương Đông thì lặn ở phương Tây, hiện lên ở phương Tây thì lặn ở phương Đông, hiện ở phương Nam thì lặn ở phương Bắc, hiện ở phương Bắc thì lặn ở phương Nam, hiện lên ở bốn góc thì chìm ở giữa, hiện lên ở giữa thì lặn ở bốn góc.
Lúc ấy, các Thiên tử ở cõi Dục, cõi Sắc ở tam thiên đại thiên thế giới dùng hoa trời, hương thơm, chiên-đàn dâng lên Đức Phật và Tôn giả Tu-bồ-đề đồng thời khen ngợi:
–Thế Tôn, thật là kỳ lạ! Thật là đặc biệt thay! Tôn giả Tu-bồđề chính là Phật tử chân chánh từ chân như của Như Lai sinh ra.
Khi ấy, Tôn giả Tu-bồ-đề nói với các Thiên tử:
–Này các Thiên tử! Tu-bồ-đề cũng không từ năm ấm sinh ra, không sinh ra từ chân như của năm ấm, cũng không rời chân như của năm ấm sinh ra, không từ chân như của trí Nhất thiết sinh ra cũng không rời chân như trí Nhất thiết sinh ra, không từ chân như hữu vi và vô vi sinh ra, cũng không rời chân như của hữu vi và vô vi sinh ra. Vì sao? Vì các pháp đều không có sở hữu, cũng không có pháp đáng ưa thích, đắm trước.
Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Chân như và các pháp ấy trụ trong đạo pháp rất sâu xa vô cùng, năm ấm vẫn còn không thể thấy, huống chi chân như của năm ấm. Cho đến trí Nhất thiết còn không thể thấy, huống chi là chân như của trí Nhất thiết.
Phật bảo:
–Đúng như vậy! Này Xá-lợi-phất! Chân như rất sâu xa, năm ấm và trí Nhất thiết vẫn không thể thấy, huống chi là chân như của trí Nhất thiết. Này Xá-lợi-phất! Chân như rất sâu xa, gọi chân như là như vậy.
Lúc ấy, có hai trăm Tỳ-kheo hết sạch các lậu, tâm ý khai phóng; năm trăm Tỳ-kheo-ni xa lìa trần cấu phát sinh Pháp nhãn, năm ngàn Bồ-tát ở cõi người và cõi trời đạt được Vô sinh pháp nhẫn; sáu mươi Bồ-tát dứt hết lậu hoặc, tâm ý khai giải.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Sáu mươi Bồ-tát này đã cúng dường năm trăm vị Phật, hết lòng thực hành sáu pháp Ba-la-mật, nhưng không có phương tiện quyền xảo, nên học hết năm pháp Ba-la-mật xa lìa Bát-nhã ba-lamật, không dùng phương tiện thắng trí để thực hành Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định… Các hành tướng nên không đạt được đạo Bồ-tát mà chỉ đắc được Tu-đà-hoàn, La-hán và Bích-chiphật đạo.
Này Xá-lợi-phất! Bồ-tát dù đắc được đạo Không, Vô tướng, Vô nguyện nhưng xa lìa Bát-nhã ba-la-mật, không có phương tiện thắng trí thì chỉ chứng được Thanh văn thừa.
Xá-lợi-phất bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Thế nào là đắc được pháp Không, Vô tướng, Vô nguyện, xa lìa phương tiện thắng trí nên chứng được chân tế đắc được Thanh văn thừa? Thế nào là đầy đủ pháp Không, Vô tướng, Vô nguyện, đắc được phương tiện thắng trí, chứng đắc được Vô thượng Bồ-đề?
Phật bảo Xá-lợi-phất:
–Xa lìa trí Nhất thiết mà niệm Không, Vô tướng, Vô nguyện, không tương ưng với phương tiện thắng trí thì gọi là Thanh văn thừa.
Này Xá-lợi-phất! Bồ-tát nào đắc được pháp Không, Vô tướng, Vô nguyện ứng hợp với trí Nhất thiết và không xa lìa phương tiện thắng trí, liền đạt được Vô thượng Bồ-đề.
Này Xá-lợi-phất! Ví như con chim to lớn, thân lớn đến một trăm, hai trăm, ba trăm do-tuần nhưng không có hai cánh. Nó muốn đi từ cung trời Đao-lợi xuống cõi Diêm-phù-đề, nhưng khi hạ xuống nửa đường lại muốn trở lên cung trời Đao-lợi. Này Xá-lợi-phất! Con chim này có trở lại chỗ cũ được không?
Xá-lợi-phất đáp:
–Bạch Thế Tôn! Không.
Phật hỏi:
–Giả sử con chim này hạ được xuống đất và muốn thân thể không bị đau đớn có được không?
Xá-lợi-phất đáp:
–Bạch Thế Tôn! Chắc chắn nó phải bị đau đớn, chết ngất hoặc bị chết. Vì sao? Vì thân nó to lớn lại không có cánh.
Này Xá-lợi-phất! Giả sử Bồ-tát này đã từ hằng hà sa số kiếp cùng thực hành năm pháp Ba-la-mật nên dù có đắc đạo lớn, muốn phát tâm lớn, muốn được vô lượng giác tuệ nhưng xa lìa Bát-nhã bala-mật, không có phương tiện thắng trí thì bị đi vào La-hán, Bích-chiphật đạo. Vì sao? Phương tiện thắng trí, xa lìa trí Nhất thiết và Bátnhã ba-la-mật mà thực hành năm pháp Ba-la-mật thì liền đi vào Lahán, Bích-chi-phật đạo.
Này Xá-lợi-phất! Bồ-tát dù đã tạo các công đức từ quá khứ, hiện tại, vị lai như Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Nhất tâm và Trí tuệ nhưng đắm trước vào tướng đó, thì đó là không thấu hiểu Trì giới, Thiền định, Trí tuệ, Giải thoát kiến và Giải thoát tuệ của Như Lai; cũng không biết không thấy, chỉ nghe về pháp Không, Vô tướng, Vô nguyện, chỉ nghe âm thanh rồi lấy tướng đó cho là đắc được Vô thượng Bồ-đề, chấp vào tướng cho rằng: Đây là trụ xứ của Bồ-tát, của Phật, của Thanh văn và Bích-chi-phật.
Này Xá-lợi-phất! Bồ-tát xa lìa Bát-nhã ba-la-mật, phương tiện thắng trí, đem công đức này muốn đắc được Vô thượng Bồ-đề thì đó là chấp tướng.
Này Xá-lợi-phất! Bồ-tát khởi ý niệm trí Nhất thiết không rời sáu pháp Ba-la-mật, không lìa phương tiện thắng trí và không xa lìa Trì giới, Thiền định, Trí tuệ, Giải thoát và Giải thoát tri kiến của Như Lai trong ba đời, không có đắm trước; đối với pháp Không, Vô tướng, Vô nguyện cũng không có chấp.
Này Xá-lợi-phất! Nên biết, Bồ-tát ấy không đi vào La-hán, Bích-chi-phật đạo. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát từ khi phát tâm đến nay, không chấp tướng để thực hành sáu pháp Ba-la-mật, không chấp tướng đối với Trí giới, Thiền định, Trí tuệ, Giải thoát, Giải thoát tri kiến của chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai.
Này Xá-lợi-phất! Không chấp tướng thực hành sáu pháp Ba-lamật, không chấp tướng thực hành trí Nhất thiết thì gọi là Bồ-tát có phương tiện thắng trí.
Xá-lợi-phất bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Như những điều con được nghe Như Lai dạy
hôm nay; Bồ-tát không xa lìa Bát-nhã ba-la-mật, phương tiện thắng trí thì đạt đến Vô thượng Bồ-đề. Vì sao? Vì Bồ-tát này từ khi phát tâm đến nay không bao giờ thấy pháp có người đang giác ngộ, năm ấm cho đến trí Nhất thiết cũng như vậy.
Xá-lợi-phất thưa:
–Bạch Thế Tôn! Nếu có người thực hành Bồ-tát đạo, nhưng xa lìa Bát-nhã ba-la-mật và phương tiện thắng trí thì nên biết những Bồ-tát này còn nghi ngờ với những quả vị Vô thượng Bồ-đề. Vì sao? Vì xa lìa Bát-nhã ba-la-mật, phương tiện thắng trí nên chỉ thực hành sáu pháp Ba-la-mật, vì còn chấp tướng nên biết còn hồ nghi.
–Bạch Thế Tôn! Do đó, Bồ-tát muốn đắc được Vô thượng Bồđề thì không nên xa lìa Bát-nhã ba-la-mật, phương tiện thắng trí, phải trụ nơi Bát-nhã ba-la-mật và phương tiện thắng trí, cũng không chấp tướng không ỷ lại, thực hành năm pháp Ba-la-mật cho đến trí Nhất thiết cũng không chấp tướng.
Lúc đó, các Thiên tử cõi Sắc và cõi Dục đều bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Muốn cầu Vô thượng Bồ-đề thì khó được. Vì sao? Vì Bồ-tát giác ngộ hết các pháp nhưng không có chỗ đắc.
Phật dạy:
–Đúng như vậy! Này các Thiên tử! Rất khó, ta cũng đã thành Vô thượng Bồ-đề, không có quả thành, cũng không có chỗ chứng đắc, cũng không thấy Pháp có chỗ thành, có chỗ đắc. Vì sao? Này các Thiên tử, vì các pháp thường tịnh.
Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Như những điều con nghe từ Phật hôm nay, việc cầu quả vị Vô thượng Bồ-đề thật khó đạt được. Con rất là vui thích đạt được quả vị Bồ-đề. Vì sao? Vì các pháp không, không có chỗ giác ngộ. Trong pháp không, các pháp không có chỗ nắm bắt cũng không có pháp giác ngộ và không có người giác ngộ. Vì sao? Vì tùy theo pháp không tăng, không giảm mà học năm pháp Ba-lamật cho đến trí Nhất thiết. Như vậy nên những pháp này đều không, cũng không thể thấy, không thể nắm bắt được. Do đó, bạch Thế Tôn! Thật vui thay khi Bồ-tát giác ngộ thành Vô thượng Bồđề! Vì sao? Vì năm ấm và tự tánh của năm ấm là không; trí Nhất thiết và sự việc của trí Nhất thiết là không.
Xá-lợi-phất nói với ngài Tu-bồ-đề:
–Do vậy, quả vị Vô thượng Bồ-đề khó hiểu, khó chứng đắc; như hư không không có ý niệm: Ta sẽ thành Vô thượng Bồ-đề; Bồtát cũng, không thể có ý niệm: Ta sẽ thành Vô thượng Bồ-đề. Vì sao? Vì các pháp như hư không. Bồ-tát hiểu được các pháp như hư không mới thành Vô thượng Bồ-đề. Nếu các Bồ-tát biết được các pháp như hư không thì hay thay, quả vị Vô thượng Bồ-đề rất khó thành. Hằng hà sa các Bồ-tát cầu Vô thượng Bồ-đề nhất định không thoái chuyển! Do đó, này Tu-bồ-đề, hay thay! Quả vị Vô thượng Bồđề rất khó thành.
Tu-bồ-đề hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:
–Ý Tôn giả nghĩ sao? Đối với quả vị Vô thượng Bồ-đề, năm ấm có thoái chuyển không?
Xá-lợi-phất đáp:
–Không!
Tu-bồ-đề hỏi:
–Cho đến chân như có thoái chuyển đối với quả vị Vô thượng Bồ-đề không?
Xá-lợi-phất đáp:
–Không!
Hỏi:
–Ý Tôn giả nghĩ sao? Có sự khác xa lìa năm ấm là thoái chuyển không? Có sự xa lìa trí Nhất thiết là thoái chuyển không?
Đáp:
–Không!
Hỏi:
–Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Ý ngài thế nào? Chân như của năm ấm là thoái chuyển không? Chân như của trí Nhất thiết là thoái chuyển không?
Đáp:
–Không!
Hỏi:
–Có sự xa lìa Như của năm ấm và Như của trí Nhất thiết là thoái chuyển không?
Đáp:
–Không!
Hỏi:
–Ý ngài thế nào? Như pháp, pháp tánh, pháp trụ, đạo pháp, chân tế, tánh chẳng thể nghĩ bàn có thoái chuyển đối với quả vị Vô thượng Bồ-đề không?
Xá-lợi-phất đáp:
–Không!
Hỏi:
–Sự xa lìa chân như đến tánh chẳng thể nghĩ bàn là thoái chuyển không?
Xá-lợi-phất đáp:
–Không có sự việc đó, pháp này cũng không thể nắm bắt được.
Hỏi:
–Vậy pháp này có sự thoái chuyển đối với quả vị Vô thượng Bồ-đề không?
Đáp:
–Như pháp nhẫn mà Tu-bồ-đề đã nói, không có một Bồ-tát nào thoái chuyển đối với quả vị Vô thượng Bồ-đề, hạnh tam thừa của Bồ-tát mà Như Lai đã thọ ký đều không có nơi chốn. Như những lời Tôn giả nói thì chỉ có một Phật thừa thôi.
Bân-nậu-nan-đà-ni-tử thưa với Tôn giả Xá-lợi-phất:
–Tôn giả Tu-bồ-đề chỉ muốn nói một Bồ-tát thừa thôi sao? Tôn giả nên hỏi lại Tu-bồ-đề?
Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề:
–Có phải Tôn giả muốn nói Bồ-tát chỉ có một thừa phải không?
Tu-bồ-đề nói:
–Tôn giả muốn nói chân như trong ba thừa là La-hán thừa, Bích-chi-phật thừa và Bồ-tát thừa là một thừa có phải không?
Đáp:
–Không!
Hỏi:
–Tôn giả Xá-lợi-phất! Ý Tôn giả nghĩ thế nào? Trong chân như có ba thừa không?
Đáp:
–Không có.
Hỏi:
–Trong chân như có một việc, hai việc, ba việc không?
Đáp:
–Không!
Hỏi:
–Pháp này gọi là vô vi, không sự có. Tại sao lại muốn tìm cầu ba thừa La-hán, Bích-chi-phật và Chánh đẳng giác?
Này Xá-lợi-phất! Bậc Đại Bồ-tát đối với việc chân như sinh ra các pháp, nghe những điều này Bồ-tát không sợ hãi, không thoái chuyển mà đạt đến quả vị Bồ-đề.
Khi ấy, Phật khen ngợi Tu-bồ-đề:
–Lành thay, lành thay! Những lời ông nói đều là Phật sự. Bồtát nghe đến Pháp này thì đạt được chân như không còn sợ hãi, không còn thoái chuyển thì nên biết Bồ-tát này sẽ thành Vô thượng Bồ-đề.
Xá-lợi-phất bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Bậc Đại Bồ-tát phải theo đường nào?
Phật dạy:
–Bồ-tát phải theo đường Vô thượng Bồ-đề.
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát muốn theo và đạt được Vô thượng Bồđề thì trụ ở đâu?
Phật dạy:
–Bồ-tát phải thường có ý bình đẳng, lòng đại Từ nhớ nghĩ không có thiên lệch đối với tất cả chúng sinh, vì các chúng sinh mà nói pháp, làm cho họ an ổn, nói lời từ hòa, không gây thương tổn; xem chúng sinh như cha mẹ, bản thân và con; đem lòng từ khuyến khích người không giết hại sự sống, thường khuyên chúng sinh làm mười điều lành và khi thấy chúng sinh thực hành Chánh kiến xa lìa tà kiến thì rất hoan hỷ. Đại Bồ-tát muốn thành Vô thượng Bồ-đề phải trụ như vậy, tự thực hành bốn Đế, bốn Thiền, bốn Tâm vô lượng và bốn Không định; khuyến hóa người, thấy người thực hành thì vui theo; tự thực hành sáu pháp Ba-la-mật và khuyên người thực hành sáu pháp Ba-la-mật, thấy ai thực hành sáu pháp Ba-la-mật thì đều hoan hỷ; tự thực hành nội ngoại không, hữu vô không, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo; tự thực hành tám Bối xả, mười Lực, đại Từ, đại Bi; tự thực hành quán thuận và quán nghịch mười hai nhân duyên, thấy người thực hành thì rất tùy hỷ; tự thực hành Thanh văn, Bích-chi-phật, khuyên người thực hành nhưng không chứng thật tế, thấy người thực hành thì rất tùy hỷ; tự mình đạt được Bồ-tát, dạy người tiến đến địa vị Bồ-tát, tự thực hành thần thông làm thanh tịnh quốc độ chư Phật và dạy dỗ chúng sinh khuyên họ học, thấy người học thí rất tùy hỷ; tự mình diệt trừ các tập khí, tự thành tự thọ mạng; tự nhận pháp trụ, khuyên người khác trụ pháp, thấy người khác thực hành thì rất hoan hỷ.
Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát muốn thành tựu Vô thượng Bồ-đề phải học và phải trụ như vậy. Đại Bồ-tát phải học Bát-nhã ba-lamật với phương tiện thắng trí, học như vậy, trụ như vậy không có trở ngại đối với năm ấm, cho đến pháp trụ cũng không có trở ngại. Vì sao? Vì Bồ-tát này học “Vô sinh”, không nhận năm ấm cho đến trí Nhất thiết cũng không có chỗ nhận. Vì sao? Vì không nhận năm ấm thì chẳng phải năm ấm, không nhận trí Nhất thiết thì chẳng phải trí Nhất thiết.
Khi Phật nói phẩm Bồ-tát trụ này rồi, hai ngàn Bồ-tát đều đắc Vô sinh pháp nhẫn.