SỐ 221
KINH PHÓNG QUANG BÁT-NHÃ
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Vô-la-xoa, người nước Vu Điền
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 12

Phẩm 56: KHÔNG THOÁI CHUYỂN

Khi ấy, Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Chúng con phải căn cứ vào hành tướng nào để biết được bậc không thoái chuyển?

Phật dạy Tu-bồ-đề:

–Người hiểu được địa vị phàm phu, Thanh văn, Bích-chi-phật cho đến Như Lai, hết thảy đều Nhất như không có phân biệt, chỉ có một, không có hai, tự thân chân như bình đẳng chỉ có một, không có phân biệt. Nghe như vậy rồi, Bồ-tát nào hiểu rõ không còn nghi ngờ, đối với chân như không còn sai lầm gì cả, lời nói không có thêm bớt, không nhìn lỗi của người khác. Do hành tướng này nên ta biết là Bồtát không thoái chuyển.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Lại dùng tướng mạo nào để biết được Bồ-tát không thoái chuyển.

Phật dạy:

–Các pháp không có hình, không có diện mạo, không có tướng.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nếu các pháp không có hình tướng thì từ sự thoái chuyển nào gọi là Bồ-tát không thoái chuyển?

Phật dạy:

–Thoái chuyển đối với năm ấm thì biết được Bồ-tát không thoái chuyển.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát thoái chuyển đối với sáu pháp Ba-lamật, nội không, ngoại không, hữu vô không, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười tám pháp Bất cộng, Thanh văn, Bích-chi-phật và Vô thượng Bồ-đề.

Này Tu-bồ-đề! Nên biết đây là Bồ-tát không thoái chuyển. Vì sao? Này Tu-bồ-đề, vì năm ấm không có hình tướng, đạo cũng không có hình tướng. Vì thế nên Bồ-tát không thoái chuyển đối với năm ấm và đạo. Vì sao? Vì năm ấm và đạo không có nơi chốn.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát không quan sát nhìn ngó những hành vi và hiểu biết, nhận thức của ngoại đạo, Sa-môn, Bà-lamôn; không quan sát về nhận thức sai và đúng của ngoại đạo, không nghi ngờ và không phê phán sự giữ giới của Sa-môn, Bà-la-môn, ngoại đạo; cũng không đùa cợt, hý luận, tà kiến; không đem hương, hoa, lọng, lụa, cờ xí phụng sự các Thiên thần, cũng không dạy người khác vâng theo tà kiến. Căn cứ vào hình tướng này nên biết đó là Bồ-tát không thoái chuyển.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát không thoái chuyển không sinh vào nhà hạ tiện, không sinh vào nơi có tám nạn khổ kịch liệt, không làm thân phụ nữ. Dựa vào những sự kiện này nên biết đó là Bồ-tát không thoái chuyển.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát không thoái chuyển thường thực hành mười điều lành, không có hủy phạm, ngay trong giấc mộng vẫn thực hành và khuyên người thực hành mười điều lành, khi thấy người thực hành mười điều lành thì rất tùy hỷ. Dựa vào sự việc bày nên biết là Bồ-tát không thoái chuyển.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát không thoái chuyển vì chúng sinh nên thực hành sáu pháp Ba-la-mật và phát nguyện giữ gìn mười hai bộ kinh, khuyến hóa và làm tròn ước nguyện của chúng sinh, đem công đức này bố thí cho chúng sinh được thành Vô thượng Bồ-đề. Dựa vào sự việc này nên biết là Bồ-tát không thoái chuyển.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát không thoái chuyển không có nghi ngờ, bình luận các kinh sâu xa.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát không thoái chuyển không nghi ngờ các kinh sâu xa?

Phật dạy:

–Bồ-tát này cũng không thấy có pháp, không thấy năm ấm, cũng không thấy đạo và có sự bình phẩm nghi ngờ. Do sự việc này nên biết Bồ-tát không thoái chuyển.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát không thoái chuyển thì thân, miệng, ý hành động từ hòa, nhu nhuyễn, thường bố thí cho chúng sinh. Do sự việc này nên biết đó là Bồ-tát không thoái chuyển.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát không thoái chuyển không tương ứng với năm triền cái, không có sợ hãi và tham luyến. Dựa vào sự việc này nên biết Bồ-tát không thoái chuyển.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát không thoái chuyển nằm, ngồi, đi, đứng, ngủ, thức đều từ tốn không có nôn nóng. Do sự việc này nên biết đó là Bồ-tát không thoái chuyển.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát không thoái chuyển thanh tịnh, trong sạch vui vẻ không có bụi nhớp; y phục, mền mùng, giường nằm cũng sạch sẽ, ít bệnh tật. Trong thân người có tám mươi bốn ngàn loài trùng rúc rỉa, nhưng Bồ-tát không thoái chuyển thì trong thân không có những loài trùng này. Vì sao? Vì nhờ công đức của Bồ-tát này vượt hơn cả chư Thiên, Quỷ, Thần, A-tu-la và ra khỏi thế gian, làm các việc lành, nên công đức được tăng trưởng, thân, khẩu, ý thanh tịnh. Do sự việc này nên biết đây là Bồ-tát không thoái chuyển.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát được thân, khẩu, ý thanh tịnh?

Phật dạy:

–Tùy theo các việc lành nên thân, khẩu, ý thanh tịnh, phiền não tiêu trừ; khi công đức tăng thêm thì phiền não giảm bớt. Nhờ ba việc: Thân, khẩu, ý thanh tịnh nên Bồ-tát vượt qua địa vị Thanh văn và Bích-chi-phật. Do những sự việc này nên biết đó là Bồ-tát không thoái chuyển.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát không thoái chuyển không tham lợi dưỡng, không tham y phục, đủ mười hai pháp của Sa-môn; không có ý ganh ghét, cũng không ngu si tham lợi dưỡng, luôn bình đẳng tinh tấn không có ác giới. Do những sự việc này nên biết đó là Bồ-tát không thoái chuyển.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát không thoái chuyển thường an ổn, nhất tâm phụng hành giáo pháp được nghe và Bát-nhã ba-la-mật như nhau. Nếu có những việc thế tục nào thì Bồ-tát làm cho đều khế hợp với Bát-nhã ba-la-mật, nhưng người chưa vào được pháp tánh đều có nhận thức hợp với Bát-nhã ba-la-mật. Do những sự việc này nên biết đó là Bồ-tát không thoái chuyển.

Nếu ma Ba-tuần làm địa ngục lớn hoặc nhỏ, rồi trong mỗi địa ngục có vô số ức ngàn Bồ-tát bị các sự khổ não, ma Ba-tuần nói với Bồ-tát: Những người chịu khổ này đều được chư Phật quá khứ thọ ký rồi, đều là Bồ-tát không thoái chuyển, vậy mà ngày nay đều bị đọa vào trong địa ngục chịu những sự thống khổ. Các vị đều được Phật thọ ký là Bồ-tát không thoái chuyển. Đó là Phật đã thọ ký cho các vị vào trong địa ngục chứ không phải thọ ký cho các vị thành Bồ-tát đâu, chi bằng các vị hãy bỏ đạo Bồ-tát đi, mới có thể được sinh Thiên, không phải chịu khổ trong địa ngục.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát nào ý không tán loạn thì không bao giờ bị đọa vào địa ngục và nên biết đó là Bồ-tát không thoái chuyển.

Lúc ấy, ma Ba-tuần mặc y phục của Sa-môn đi đến chỗ Bồ-tát nói: Trước kia ông có thể nhận sáu pháp Ba-la-mật vì muốn cầu Vô thượng Bồ-đề, bây giờ ông hãy ăn năn và từ bỏ những pháp đã hành thì sẽ được giải thoát. Trước kia ông đã phát nguyện cúng dường chư Phật và chúng đệ tử từ khi bắt đầu phát tâm cho đến khi pháp diệt tận, nay ông hãy ăn năn và từ bỏ những phước đức do việc làm lành và tùy hỷ khuyến khích để cầu quả Vô thượng Bồ-đề trong thời gian ấy ta sẽ nói cho bạn nghe về những lới Phật dạy, những giáo pháp trong kinh sâu xa, pháp quan trọng của Như Lai, chớ những điều bạn đã nghe chẳng phải là kinh Phật, chẳng phải là giáo pháp của Như Lai, đó là sự tuyển tập của ngoại đạo.

Bồ-tát nào ý tán loạn nghi ngờ thì nên biết Bồ-tát đó chẳng phải nhận được Như Lai thọ ký, Bồ-tát đó chưa trụ trong Chánh định, chưa không thoái chuyển. Bồ-tát nào không nghi ngờ, không tán loạn, không thay đổi, ý không ghi nhận, không tin những việc khác, không nghe lời dạy của họ và thực hành sáu pháp Ba-la-mật, mau chóng được đạo tuệ trí Nhất thiết, nương tựa chính mình, không nghe những giáo pháp của ngoại đạo. Thí như La-hán, lậu hoặc đã hết tự mình thấy pháp, không tin vào ngoại đạo thì ma quyết chắc không có khả năng phá được. La-hán, Bích-chi-phật nhất định không thể thoái chuyển được Bồ-tát không thoái chuyển.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đúng như lời nói của ông! La-hán và Bích-chi-phật không thể lay động Bồ-tát không thoái chuyển, Bồ-tát không thoái chuyển là người nhất định sẽ đạt đến quả vị Vô thượng Bồ-đề, chính thức trụ nơi không thoái chuyển, vẫn còn không tin Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác, huống nữa là tin La-hán, Bích-chi-phật và các học thuyết khác của ma Ba-tuần. Vì sao? Vì không bao giờ thấy pháp đáng tin cũng không thấy chân như năm ấm có thể tin, cũng không thấy chân như của đạo có thể tin. Tu-bồ-đề nên biết, theo những hình tướng này, quán xét những sự việc này biết đó là Bồ-tát không thoái chuyển.

Tu-bồ-đề! Ma lại hóa làm Tỳ-kheo mặc pháp phục rồi đi đến trước mặt nói:

–Thiện nam! Như những việc ông làm đều là việc của thế tục, chẳng phải trí Nhất thiết.

Ma lại nói: “Ta sẽ cắt đứt những sự cần khổ của bạn.” Ma lại nói những giáo lý giống như đạo pháp, hoặc chỉ dạy Pháp tử thi, hoặc nói bốn Thiền, bốn Không định.

Ma nói tiếp:

–Thiện nam! Đây là Chánh đạo, từ đây có thể dắc được Tu-đàhoàn đạo; có thể đến A-la-hán, Bích-chi-phật. Từ những lời dạy của ta có thể đoạn trừ sinh tử, gốc rễ của khổ đau, bạn cần gì phải học khổ cực như vậy! Hãy theo những lời dạy của ta, bạn có thể sinh lên trời cõi Dục, cõi Sắc.

Tu-bồ-đề! Nghe những lời này rồi, Bồ-tát rất vui, ý không tán loạn, không thoái chuyển, cũng không nghi ngờ và suy nghĩ: Tỳkheo này đem những lời giống như pháp đến làm lợi ích cho ta rất nhiều, vì những lời dạy giống như pháp không đưa đến quả vị Tuđà-hoàn, La-hán, Bích-chi-phật đạo cho đến quả vị Vô thượng Bồđề. Nếu ta nghe lời của Tỳ-kheo này nói tương ứng với sự hiểu biết của ta, biết rõ những điều Tỳ-kheo ấy nói cho ta rồi thì hiểu hết cả ba thừa.

Lúc đó biết được Bồ-tát vui vẻ, ma Ba-tuần liền nói với Bồ-tát:

–Này thiện nam! Bạn muốn biết sự cúng dường hằng sa chư Phật các thứ y phục, mền mùng, thức ăn, thức uống, giường nằm, thuốc men của các Bồ-tát lại không những đã nhận được sự thực hành năm pháp Ba-la-mật từ hằng sa chư Phật quá khứ, được nghe, được hỏi chư Phật quá khứ về sự việc Bồ-tát nên học và thực hành như thế nào về năm pháp Ba-la-mật, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, đại Từ, đại Bi, như những lời dạy của chư Phật nên làm như vầy, nên trụ như vầy, như những sự ứng hợp với Bồ-tát, từ đây sẽ thành Vô thượng Bồ-đề. Theo những lời dạy, như những việc làm, làm đúng như vậy sẽ đạt được trí Nhất thiết. Các Bồ-tát ở quá khứ đã làm và được các công đức này còn không thể đắc được Vô thượng Bồ-đề huống gì bạn chỉ học như vậy thì làm sao đắc được Vô thượng Bồ-đề.

Nghe như vầy! Bồ-tát không đổi ý, không sợ hãi lại còn hoan hỷ gấp bội và nói:

–Tỳ-kheo này làm lợi ích cho ta đắc quả Tu-đà-hoàn cho đến trí Nhất thiết.

Biết được ý của Bồ-tát không lay động, ma Ba-tuần liền hóa làm chúng đại Tỳ-kheo mà bảo với Bồ-tát:

–Hàng Tỳ-kheo này các lậu đã hết, phát tâm cầu Phật không thể thành Phật, nay đều chứng A-la-hán. Như vậy những người này không thể thành Phật, huống nữa là mong muốn thành Vô thượng Bồ-đề.

Người biết được ma sự không bị rơi vào La-hán, Bích-chi-phật đạo sẽ đắc thành Vô thượng Bồ-đề.

Bồ-tát nào thực hành Bát-nhã ba-la-mật cho đến trí Nhất thiết không thoái chuyển thì sẽ thành Vô thượng Bồ-đề.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Bồ-tát nào thực hành Bát-nhã ba-lamật, suy nghĩ như những lời Phật dạy, gắng sức vâng giữ không xa lìa lời dạy của chư Phật đạt đến trí Nhất thiết không có tổn giảm.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật suy nghĩ; người biết được ma sự nhất định không có tổn giảm nơi Vô thượng Bồ-đề.

Này Tu-bồ-đề! Do những sự kiện này nên biết đó là Bồ-tát không thoái chuyển.

Ngài Tu-bồ-đề thưa:

–Bồ-tát đối với sự thoái chuyển nào mà nói là không thoái chuyển?

Phật dạy:

–Đối với tướng thoái chuyển, đối với năm ấm, mười hai pháp, mười tám giới, dâm, nộ, si, kiến, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, Thanh văn, Bích-chi-phật và Phật gọi là không thoái chuyển.

Vì sao? Vì Bồ-tát không thoái chuyển không có tướng mạo đạt đến quả vị Bồ-tát; đối với pháp bất sinh cũng không có sở hữu. Đã không có sở hữu nên không có tạo tác cũng không hành động, cũng không sinh, thế nên gọi là Vô sinh pháp nhẫn. Bồ-tát đắc được pháp Nhẫn này thì gọi là Bồ-tát không thoái chuyển. Do những sự kiện này nên biết đó là Bồ-tát không thoái chuyển.