SỐ 228
KINH PHẬT MẪU XUẤT SINH TAM PHÁP TẠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
Dịch Phạn ra Hán: Đời Triệu Tống, Tam tạng Pháp sư Thi Hộ
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 23-24-25

Phẩm 30: BỒ-TÁT THƯỜNG ĐỀ

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát nào muốn cầu Bát-nhã ba-lamật-đa thì nên học theo Đại Bồ-tát Thường Đề.

Đức Phật dẫn dụ:

–Thuở xưa Bồ-tát ấy tu tập phạm hạnh và chuyên cần cầu Bátnhã ba-la-mật-đa trong chánh pháp của Đức Như Lai Lôi Hống Âm Vương.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát Thường Đề cầu Bát-nhã bala-mật-đa bằng phương tiện gì?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Ông nên biết, thuở xưa khi cầu Bát-nhã ba-la-mật-đa, Đại Bồ-tát Thường Đề bất chấp thời gian, không màng thế sự, không tiếc thân mình, không ưa danh lợi và cũng không cầu sự nương tựa của thế gian mà dốc lòng cầu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Thế rồi, vị ấy đi vào núi tìm pháp tu. Lúc ấy trên không trung có tiếng bảo rằng: “Thiện nam, ông nên đi về phương Đông để cầu Bát-nhã ba-la-mậtđa ấy. Trong thời gian này, ông không nên sinh mệt mỏi cũng đừng nghĩ đến các sự trở ngại như: Ngủ nghĩ, ăn uống, ngày đêm, lạnh nóng… Lại cũng đừng nghĩ về các pháp: Trong, ngoài, trước, sau và sáu phương bốn hướng. Khi đi không được liếc nhìn hai bên, chỉ thâu tóm tâm hướng về Bát-nhã ba-la-mật-đa. Lúc nghĩ như vậy, ông không nên động đến sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Vì nếu năm ấm bị động thì không phải hành Phật pháp mà chính là hành hạnh sinh tử thì không thể hành Bát-nhã ba-la-mật-đa và tất nhiên là không thành tựu Bát-nhã ba-la-mật-đa ấy. Thế nên, ông phải xa lìa tướng đó mà dốc lòng cầu.”

Tu-bồ-đề! Khi nghe trên không trung nói như vậy, Đại Bồ-tát Thường Đề liền thưa: “Con xin làm theo lời dạy ấy.” Vì con muốn làm ánh sáng lớn cho tất cả chúng sinh và muốn tu tập tất cả Phật pháp.

Lúc ấy, trên không trung khen ngợi:

–Hay thay, hay thay, thiện nam! Khi về phương Đông cầu Bátnhã ba-la-mật-đa này, thì ông nên tin hiểu các pháp như: Không, Vô tướng, Vô nguyện và nên xa lìa các tướng như: Ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, tránh xa ác tri thức, thân cận Thiện tri thức, rồi tùy theo sự thân cận tôn trọng cung kính cúng dường. Thiện tri thức sẽ thuyết cho ông các pháp: Không, Vô tướng, Vô nguyện, vô sinh, vô diệt, vô tánh. Nếu sinh tâm tôn trọng cung kính cúng dường như thế, thì không bao lâu sẽ được học Bát-nhã ba-la-mật-đa, hoặc học nơi kinh sách, hoặc học theo sự hướng dẫn của Pháp sư. Tùy theo sự tu tập ông nên nghĩ rằng vị ấy là Thầy mình, rồi thân cận, tôn kính cúng dường, đó chính là tri ân và báo ân. Lại cũng nên nghĩ rằng: Vị này thật là Thiện tri thức của ta. Nhờ nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa nơi vị ấy, nên ta không còn thoái chuyển Vô thượng Bồ-đề, được gần gũi vị ấy, nên ta không xa cách Đức Như Lai và được sinh vào cõi của chư Phật, không sinh nơi không có Phật, tránh xa các nạn, không sinh nơi có nạn.

Thiện nam! Ông nên theo Pháp sư bằng công đức lợi ích như thế, chứ đừng theo Pháp sư bằng tiếng khen và tài lợi của thế gian.

Hơn nữa, ông nên dùng tâm trọng pháp mà tôn trọng cung kính xem Pháp sư là Thầy mình, nhưng cũng luôn cảnh giác những việc của ma. Nhiều khi ma ác có nhân duyên nên dùng sắc, thanh, hương, vị, xúc thượng diệu cúng dường người thuyết pháp. Người thuyết pháp nhờ sức phương tiện nên tiếp nhận năm dục ấy.

Lúc đó ông không nên sinh tâm phiền muộn mà bị chướng ngại. Chỉ nghĩ rằng: Ta có sức phương tiện như thế nhưng vì thầy muốn lợi lạc cho tất cả chúng sinh nên cho họ trồng căn lành. Tuy thụ hưởng năm dục ấy, nhưng đối với Đại Bồ-tát thì không có mảy may nào làm chướng ngại.

Thiện nam! Khi ấy, ông nên an trụ vào thật tướng của các pháp. Sao gọi là thật tướng của các pháp? Thật tướng của các pháp chính là không nhiễm, không tịnh. Tự tánh của các pháp là không, thế nên trong không ấy không có: Ngã, nhân, chúng sinh và thọ giả. Tất cả pháp đều như mộng, như huyễn, như bóng, như tiếng vang, thật tướng của các pháp là như thế. Nếu an trụ như thế, thì không bao lâu sẽ được nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Thiện nam! Lại nữa, ông nên cảnh giác về ma sự, lắm khi ma làm cho người thuyết pháp và người nghe pháp có sự hiểu lầm. Khi ấy, vì cầu pháp, ông không nên có ý tưởng nghịch lại. Ngược lại, càng tăng thêm phần tôn trọng yêu mến thầy mình, thì không bao lâu sẽ được nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Lúc ấy, nghe theo những lời chỉ dạy từ không trung, Đại Bồ-tát Thường Đề đi về phương Đông đề cầu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Trên đường về phương ấy chưa được bao lâu, Bồ-tát nghĩ: “Tại sao vừa rồi ta không hỏi trên không trung, đi về phương Đông xa, gần như thế nào? Và ở chỗ nào? Theo ai để được nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa?” Nghĩ vậy rồi ông buồn rầu than khóc. Liền dừng chân nơi đó lại nghĩ: “Ta ở lại đây một ngày, hai ngày cho đến bảy ngày, thân và tâm không nghĩ đến sự mệt mỏi, không lo đến ngủ nghỉ, ăn uống, lạnh nóng hoặc ngày đêm, chỉ nghĩ đến Bát-nhã ba-la-mật-đa.” Ví như người có một đứa con rất mực cưng chìu nhưng rồi bỗng nhiên đứa con ấy chết. Khi ấy cha mẹ không còn nghĩ gì khác chỉ rất buồn khổ khóc than.

Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát Thường Đề cũng vậy. Trong lúc ấy không nghĩ gì hơn, chỉ nghĩ rằng: “Bao giờ? Đến đâu? Và nghe Bátnhã ba-la-mật-đa từ người nào?”

*********

Bấy giờ, Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Trong lúc Đại Bồ-tát Thường Đề buồn rầu khóc than như thế, chợt thấy hình tướng Đức Như Lai đứng trước mặt, khen ngợi: Lành thay, lành thay. Thiện nam, các Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, thuở trước hành đạo Bồ-tát cũng vậy, không khác. Thế nên, ông phải nỗ lực tinh tấn, dũng mãnh kiên cố hơn lên, từ đây đi về hướng Đông khoảng năm trăm do-tuần, nơi ấy có một thành lớn là Chúng hương, thành có bảy lớp. Bảy lớp tường thành ngang rộng mười hai do-tuần, rộng rãi thanh tịnh trang nghiêm tráng lệ, dân chúng đông đúc, đời sống thái bình, có năm trăm con đường liên kết với nhau, cầu bắt ngay thẳng hợp ý mọi người. Bảy lớp thành được trang sức bằng bảy báu, lầu gác mỗi thành đều làm bằng vàng Diêm-phù-đàn, bảy hàng cây báu bao quanh và có bảy câu Đa-la. Bảy hàng cây báu đều có hoa thơm quả quý, khoảng cách mỗi cây có xen lẫn các báu và các lưới báu ánh sáng đan nhau. Trên nóc thành treo những linh báu, mỗi khi gió thoảng linh rung, tiếng nghe rất hay, giống như năm giai điệu của nhạc phát ra vi diệu hòa nhã ai nghe cũng vui thích. Bốn mặt thành còn có những kênh rạch, dòng suối, ao tắm, nước đầy trong sạch, bên trong có những con thuyền trang sức bằng bảy báu, nước ao ấm áp vừa ý mọi người. Những ao ấy có nhiều loại hoa như: sen xanh, sen đỏ, sen trắng… và nhiều loại hoa quý khác cho đến những loài hương hoa báu quý trong tam thiên thế giới cũng đều có mặt. Vả lại, bốn mặt thành còn có năm trăm khoảng vườn, mỗi vườn có năm trăm ao tắm, mỗi ao rộng một câu-lô-xá, các ao đều bằng bảy báu rất đẹp. Trong những ao ấy cũng có rất nhiều loại hoa quý như: sen xanh, sen đỏ, sen trắng… mỗi hoa lớn bằng bánh xe tùy theo màu sắc mà tỏa ánh sáng xanh, vàng, đỏ, trắng… trên mỗi ao còn có nhiều giống chim tụ họp như: bạch hạc, phù ưng, uyên ương. Người dân trong thành thong thả dạo chơi ở những nơi này mà không bị trở ngại. Là do nghiệp cảm từ đời trước những chúng sanh kia ngày đêm tinh tấn tu hành Bát-nhã ba-la-mậtđa thanh tịnh, tin hiểu chín chắc về pháp môn ấy, nên được quả báo tối thắng như vậy.

Thiện nam trong thành Chúng hương có đài cao lớn, nơi ấy có phòng xá chỗ ở của Đại Bồ-tát Pháp Thượng. Đài được phân phòng đều rộng khoảng một do-tuần, có bảy lớp tường được làm bằng bảy báu tốt đẹp lạ thường, bảy hàng cây báu bao quanh và còn có bảy cây Đa-la. Trong cung có bốn khu vườn lớn: Một là Thường hỷ, hai là Vô ưu, ba là Thích duyệt, bốn là Hoa trang nghiêm. Ở mỗi vườn có tám ao lớn: Một là Hiền, hai là Hiền thượng, ba là Hoan hỷ, bốn là Hỷ thượng, năm là An lạc, sáu là Diệu lạc, bảy là Quyết định, tám là A-phược-ha. Bốn mặt trong mỗi ao được thiết bị bằng bốn loại báu: mặt Đông huỳnh kim, mặt Nam bạch ngân, mặt Tây lưu ly, mặt Bắc pha lê, đáy ao làm bằng ngọc mai khôi, bên trên có trải lớp cát vàng. Bờ của mỗi ao làm tám bậc thềm bằng bảy báu, khoảng mỗi cách được trồng hàng chuối bằng vàng Diêm-phù-đàn. Những ao ấy cũng có nhiều loại hoa thơm đẹp như: sen xanh, sen đỏ, sen trắng và cũng có nhiều giống chim lạ vân tập. Xung quanh mỗi ao đều có những loài hoa thơm gỗ quý như: Chiên-đàn… hương vị đầy đủ. Mỗi khi gió thoảng thì hoa rơi vào hồ nước. Kỹ thuật thiết kế cho những cung điện, phòng nhà, vườn rừng, ao tắm ở đây là thế. Trong cung Đại Bồ-tát Pháp Thượng cùng sáu mươi tám ngàn vạn thể nữ quyến thuộc vui chơi ở những nơi này. Vị ấy tự do hưởng thụ năm dục, vui đùa thỏa thích. Còn những nam nữ dân chúng trong thành thì đến những nơi như: Thường hỷ, Viên hiền… và những ao tắm khác để hưởng lạc thú. Hưởng lạc rồi, Bồ-tát Pháp Thượng ở nội cung một ngày ba lần thuyết pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Lại nữa, muôn dân của thành Chúng hương mọi người góp sức xây cho Bồ-tát Pháp Thượng một pháp tòa lớn. Bốn chân tòa được làm bằng bốn thứ báu như: hoàng kim, bạch ngân, pha lê và được trang sức bằng nhiều loại trân báu anh lạc. Tòa cao nửa câu-lô-xá, trên tòa trải thảm bằng những loại y tốt mịn mỏng của trời Đế Thích, xung quanh tòa rải hoa năm màu và các loại hương thơm đặc biệt tinh khiết. Bồ-tát ngồi trên pháp tòa trời, người bốn chúng đều quy tụ về cung kính vây quanh. Vì kính trọng pháp, nên mọi người xông hương, rải hoa cúng dường Bồ-tát Pháp Thượng.

Lúc ấy, Bồ-tát thuyết giảng Bát-nhã ba-la-mật-đa cho khắp cả bốn chúng trời, người… Tùy theo những pháp đã thuyết trong chúng có người thọ trì, người đọc tụng, người tư duy, người sao chép, người y theo lời dạy mà hành trì và có người không còn thoái chuyển nơi đạo Vô thượng Bồ-đề.

Thiện nam trong hội thuyết pháp của Đại Bồ-tát Pháp Thượng có những công đức lợi ích như thế. Vì thế, ông nên đi về phương Đông đến chỗ Đại Bồ-tát ấy thì sẽ được nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa. Đại Bồ-tát có thể đem pháp này khai thị để ông được lợi lạc. Đến đó, ông không tính thời gian chỉ nhất tâm dũng mãnh, tinh tấn hướng đến thì việc nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa của ông được thành tựu.

Khi nghe nói như vậy, Đại Bồ-tát Thường Đề tâm rất vui mừng thích thú hân hoan. Ví như người bị trúng tên rất đau đớn khổ não, bây giờ người kia không nghĩ ngợi lung tung, chỉ nghĩ: Bao giờ mới được thuốc hay để chữa trị cho ta được thoát khổ.

Tu-bồ-đề! Cũng thế, Đại Bồ-tát Thường Đề không nghĩ gì khác, chỉ nghĩ bao giờ mới được chiêm ngưỡng lễ bái gần gũi Đại Bồ-tát Pháp Thượng và được nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa. Thế nên ở nơi ấy, ông tưởng đến Bồ-tát Pháp Thượng và tư duy về Bát-nhã bala-mật-đa.

Lúc tư duy như thế, Đại Bồ-tát Thường Đề phát sinh ý tưởng thấy tất cả các pháp không chỗ nương tựa, nên được thể nhập vô lượng, vô số pháp định như: Định Nhất thiết pháp tự tánh, định Nhất thiết pháp tự tánh vô sở đắc, định Nhất thiết pháp tự tánh trí sinh, định Phá nhất thiết pháp vô minh, định Nhất thiết pháp bất hoại kiến, định Nhất thiết pháp tác quang minh, định Nhất thiết pháp ly si minh, định Phá nhất thiết pháp vô trí, định Nhất thiết pháp ly ám, định Nhất thiết pháp tướng chẳng thể nắm bắt được, định Tán hoa, định Nhất thiết pháp vô ngã tướng, định Ly huyễn, định Như kính tượng xuất sinh, định Nhất thiết chúng sinh ngôn ngữ, định Ly trần, định Nhất thiết chúng sinh hoan hỷ, định Tùy nhất thiết chúng sinh thiện xảo ngôn ngữ, định Chủng chủng ngôn ngữ văn tự chương cú xuất sinh, định Vô ý, định Tự tánh, định Ly chứng đắc giải thoát, định Vô nhiễm, định Danh cú văn trang nghiêm, định Đẳng quán nhất thiết pháp, định Nhất thiết pháp ly cảnh giới tướng, định Nhất thiết pháp vô ngại tế, định Như hư không, định Kim cang dụ, định Thanh tịnh tướng vương, định Vô phụ, định Đắc thắng, định Bất thoái quán, định Pháp giới quyết định, định Pháp giới tịch tĩnh, định An ổn, định Sư tử hống, định Thắng nhất thiết chúng sinh, định Ly cấu, định Thanh tịnh, định Liên hoa trang nghiêm, định Đoạn ái, định Tùy nhất thiết kiên cố, định Nhất thiết pháp tối thượng, định Đắc thần thông lực vô sở úy, định Nhất thiết pháp thông đạt, định Hoại nhất thiết pháp ấn, định Nhất thiết định pháp vô sai biệt kiến, định Ly nhất thiết kiến, định Đại pháp quang minh, định Nhất thiết pháp ly tướng, định Giải thoát nhất thiết trước, định Nhất thiết pháp vô giải, định Thâm diệu pháp quang minh, Định đẳng cao, định Bất khả hoại, định Phá ma cảnh giới, định Tam giới tối thắng, định Quang minh, môn cuối cùng là định Kiến nhất thiết Như Lai.

Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát Thường Đề nhập vào những môn định như vậy và từ trong định được thấy các Đức Như Lai khắp vô lượng a-tăng-kỳ thế giới trong mười phương đều thuyết pháp Bát-nhã bala-mật-đa cho các Đại Bồ-tát. Các Đức Như Lai ấy đều khen ngợi, an ủi Đại Bồ-tát Thường Đề: Lành thay, lành thay! Thiện nam! Sự chuyên tâm cầu Bát-nhã ba-la-mật-đa của ông hôm nay thật giống như sự cần cầu Bát-nhã ba-la-mật-đa của chúng ta thuở còn hành đạo Bồ-tát và đạt các môn định cũng thế. Đạt các môn định này rồi thì ông có thể thông đạt phương tiện Bát-nhã ba-la-mật-đa và an trụ không thoái chuyển. Thuở ấy, cùng lúc đạt được những định này chúng ta liền thành tựu Vô thượng Bồ-đề. Ở trong các định, chúng ta quán chiếu tự tánh không có pháp có thể chứng đắc, lúc xuất định đối với các pháp chúng ta phát sinh tưởng không trụ.

Thiện nam! Pháp không trụ chính là Bát-nhã ba-la-mật-đa. Ở nơi pháp không trụ chúng ta đạt được thân sắc vàng nhiều ánh sáng, đủ ba mươi hai tướng Thượng nhân, tám mươi vẻ đẹp và chứng được điều không thể nghĩ bàn như: Chứng trí tuệ siêu việt của Phật, thành tựu tất cả những công đức về Phật pháp và thông đạt cứu cánh của các pháp.

Thiện nam! Những công đức như vậy của các Đức Như Lai còn không thể đo lường, khen ngợi, hoặc nói hết về giới hạn của nó, huống gì hàng Thanh văn, Duyên giác. Thế nên, đối với pháp này ông càng tăng thêm sự cung kính, tôn trọng yêu thích và cần cầu. Chính vì ý nghĩa đó, nên sự chứng đắc quả vị Vô thượng Bồ-đề không còn khó nữa!

Hơn nữa, này thiện nam! Ông phải hết lòng cung kính, tôn trọng yêu mến Thiện tri thức. Vì sao? Vì nhờ sự giữ gìn của Thiện tri thức mà Đại Bồ-tát mau thành tựu Vô thượng Bồ-đề.

Lúc ấy, Đại Bồ-tát Thường Đề thưa:

–Với các Đức Như Lai ai là chân Thiện tri thức của con? Cúi xin các Đức Như Lai chỉ dạy.

Các Đức Phật nói:

–Thiện nam nên biết! Đại Bồ-tát Pháp Thượng chính là Thiện tri thức của ông. Từ nhiều kiếp đến nay, vị ấy thường giáo hóa ông. Nay ông đã thông đạt phương tiện Bát-nhã ba-la-mật-đa, học thành tựu các pháp Phật và an trụ quả vị Vô thượng Bồ-đề thì ông nên biết ân sâu ấy để báo ân.

Thiện nam! Việc ông muốn báo ân Đại Bồ-tát Pháp Thượng, giả sử một kiếp, trăm kiếp, cho đến hàng trăm ngàn kiếp cung kính, đầu đội và cung cấp những vật dụng mà vị ấy ưa thích, hoặc cúng dường những món ngon vật lạ như: sắc, thinh, hương, vị, xúc, thượng diệu trong khắp tam thiên thế giới cũng chưa đáp được một phần ân nhỏ kia. Vì sao? Vì nhờ nhân duyên của Đại Bồ-tát Pháp Thượng làm cho ông thể nhập các môn định, thông đạt phương tiện Bát-nhã ba-la-mật-đa. Thế nên, ông phải nghĩ đến ân sâu nặng đó. Nói xong các Đức Như Lai ẩn đi. Khi xuất định không còn thấy các Đức Như Lai, Bồ-tát Thường Đề buồn bã than khóc và nghĩ: Vừa rồi các Đức Như Lai từ đâu đến và đã về đâu? Các Ngài nói về Đại Bồ-tát Pháp Thượng thật là điều rất hy hữu như: Vị ấy đã được Đà-la-ni và năm thần thông, đã từng cúng dường vô lượng Đức Phật và cũng chính là chân Thiện tri thức của ta. Nhiều kiếp đến nay vị ấy thường chỉ dạy sự lợi ích cho ta. Giờ đây, đối với vị ấy, ta càng tăng thêm lòng cung kính, tôn trọng và mến mộ. Thế nên, ta phải đến nơi ấy để chiêm ngưỡng lễ bái, thân cận tùy hỷ cúng dường, tiếp nhận Bát-nhã ba-lamật-đa và hỏi ngài về các Đức Như Lai vừa rồi từ đâu đến và đi về đâu?

Nhưng hiện nay, nghĩ đến thân ta nghèo khó, không có những vật sở hữu như: vàng, bạc, châu báu, y phục, đồ nằm, cờ phướn, lọng báu, hương hoa, đèn dầu… cho đến một cành hoa cũng không có thì lấy vật gì để cúng dường. Nếu đến không thì ta không yên tâm. Rồi ông ưu sầu suy nghĩ, tìm phương kế.

Khi nghĩ đến việc như thế, Bồ-tát chưa vội về phương Đông mà dừng giữa đường rồi ghé vào một thành gần đó lặng lẽ suy nghĩ: “Ta muốn đến phương Đông cầu pháp và cúng dường Bồ-tát Pháp Thượng là việc lợi ích lớn. Nay ta đem bán thân mình, được bao nhiêu sẽ mua hương hoa đem đến cúng dường Bồ-tát. Vì sao? Vì từ nhiều kiếp đến nay, ta bị nhân của dục cho nên ở trong luân hồi mang thân sinh tử, trải qua nhiều gian khổ, xoay chuyển trong các đường, bỏ uổng bao thân mạng hoàn toàn không lợi ích, chưa từng quên thân cho chánh pháp. Thế nên, nay ta cầu pháp không có gì hối tiếc. Suy nghĩ như vậy rồi, liền đến chỗ nhiều người tụ họp xướng lên: “Nay ta bán thân, ai cần mua ta bán.”

Lúc ấy, những ma ác biết được việc này, nghĩ rằng: “Vì mến chuộng pháp nên Bồ-tát Thường Đề đem bán thân mình rồi mua hương hoa cúng dường Bồ-tát Pháp Thượng để cầu Bát-nhã ba-lamật-đa. Vì sao các Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa đều có thể thành tựu Vô thượng Bồ-đề, giống như biển lớn không chao động làm cho bọn ma chúng ta không thể nhiễu loạn được. Vì vậy, nên cảnh giới của chúng ta bị bỏ trống. Thế nên, nay ta lập phương kế để phá hoại tâm đạo của người ấy.” Ma ác nghĩ như vậy rồi, đến bên Bồ-tát Thường Đề dùng thần lực của ma ẩn thân trong thành làm cho mọi người đều không nghe được tiếng rao. Bồ-tát Thường Đề xướng lên ba lần nhưng không có người mua. Khi ấy, Bồ-tát ưu buồn khổ não khóc than: “Khổ thay, khổ thay! Ta bán thân để cúng dường Đại Bồ-tát Pháp Thượng nhưng không có ai mua. Thế nên, ta biết thân này rất là tội lỗi.”

Khi ấy, trời Đế Thích biết được sự việc như vậy, nghĩ rằng: “Ta nên đến chỗ Bồ-tát Thường Đề để xem vị ấy có chân thật xả thân với lòng nhiệt thành, ý chí kiên định và dốc tâm cầu pháp hay không?” Nghĩ thế rồi, trời Đế Thích liền hóa làm Bà-la-môn đến bên Thường Đề hỏi:

–Vì duyên cớ gì mà hôm nay ông buồn khổ, khóc than như thế?

Bồ-tát Thường Đề đáp:

–Tôi muốn bán thân này nhưng không có người mua nên tôi khóc.

Bà-la-môn nói:

–Ông bán thân để làm việc gì?

Bồ-tát Thường Đề đáp:

–Vì mến mộ pháp và muốn cúng dường Bồ-tát Pháp Thượng để cầu Bát-nhã ba-la-mật-đa nên tôi mới bán thân mình để mua hương hoa, nhưng vì thân tôi bạc phước nên bán không được.

Bà-la-môn nói với Bồ-tát Thường Đề:

–Tôi không cần người vô dụng. Hôm nay tôi muốn mở buổi tế lớn cần đến tim, huyết và tủy người, ông có chịu trao đổi với tôi không?

Nghe nói như vậy, Bồ-tát Thường Đề vui mừng phấn khởi, nghĩ rằng: “Giờ đây ta được lợi ích lớn, nhất định sở nguyện nghe Bátnhã ba-la-mật-đa sẽ được viên mãn. Người Bà-la-môn này chỉ cần đến tim, huyết và tủy của ta, ta nên vui vẻ trao cho vị ấy.” Nghĩ thế rồi, Bồ-tát liền nói với Bà-la-môn:

–Ta vui lòng nhất nhất trao cho. Hỡi người nhân từ, vật ông cần ta xin dâng.

Bà-la-môn nói:

–Ông muốn bao nhiêu?

Bồ-tát Thường Đề đáp:

–Tùy ông đưa bao nhiêu tôi cũng nhận.

Nói rồi Bồ-tát Thường Đề liền cầm dao rạch hông bên phải lấy máu, rồi chuẩn bị rạch đùi bên phải phá xương lấy tủy. Lúc ấy, có cô con gái người Trưởng giả, từ trên lầu trông thấy Bồ-tát Thường Đề làm như vậy. Nghĩ rằng: “Vì sao người đàn ông này tự làm khổ thân như vậy? Ta đến hỏi người ấy xem.” Nghĩ thế, cô liền xuống lầu, đến bên Bồ-tát cất tiếng hỏi:

–Thiện nam! Vì duyên cớ gì ông phải làm thân của mình chịu khổ sở, ông lấy máu với tủy của thân mình để làm gì?

Thường Đề nói:

–Tín nữ nên biết, bản thân tôi nghèo khó không có tài sản, nên lấy máu, tủy bán cho người Bà-la-môn này, số tiền có được sẽ mua hương hoa cúng dường Đại Bồ-tát Pháp Thượng.

Cô gái hỏi:

–Ông đem hương hoa cúng dường Bồ-tát ấy, thì được những công đức và lợi ích gì?

Thường Đề nói:

–Cô nên biết, vị Bồ-tát ấy có thể thuyết cho tôi nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa và môn phương tiện thiện xảo. Học pháp ấy rồi, tôi có thể làm nơi cho chúng sinh trở về, có khả năng thành tựu Vô thượng Bồ-đề, được thân vàng ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp, thường có ánh sáng tỏa chiếu không cùng, đại Từ, đại Bi, đại Hỷ, đại Xả, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Vô ngại trí, mười tám pháp Bất cộng… được vô lượng công đức không thể nghĩ bàn của Phật và đem tất cả các Pháp bảo ấy phân chia bố thí cho tất cả chúng sinh. Vì ta muốn thành tựu công đức ấy, nên cúng dường Đại Bồ-tát để tiếp nhận Bátnhã ba-la-mật-đa và môn phương tiện thiện xảo.

Lúc ấy, cô gái thưa Đại Bồ-tát Thường Đề:

–Thiện nam! Những lời ông vừa nói rất hiếm có trong những người cầu pháp. Giả sử đem tất cả thân mạng nhiều như cát sông Hằng để cúng dường, thì việc làm ấy luôn được lợi ích không uổng phí.

–Thiện nam! Nhà tôi có đủ các loại châu báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách… cho đến y phục, đồ nằm, cờ phướn, lọng báu, hương hoa, đèn dầu… Ông cần loại nào tôi xin cung cấp đủ để cúng dường Bồ-tát Pháp Thượng, chứ đừng bán thân chịu khổ sở như vậy. Tôi cũng muốn cùng ông đến chỗ vị ấy, chiêm ngưỡng lễ bái, thân cận, tùy hỷ cúng dường để trồng căn lành. Nói xong cô gái đứng về một bên.

Khi ấy, trời Đế Thích trở lại nguyên hình đứng trước Thường Đề khen:

–Lành thay, lành thay! Thiện nam! Ông thật là người tinh tấn, dũng mãnh cầu pháp.

Thiện nam! Các Đức Phật thuở quá khứ lúc hành đạo Bồ-tát, các Ngài cầu Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng thế. Vì lẽ đó, tôi tin chắc ông sẽ được thành tựu Vô thượng Bồ-đề, viên mãn tất cả công đức của Phật.

Thiện nam! Quả thật tôi không cần đến máu, tủy và tim người mà chỉ thử ông đó thôi. Giờ thì ông cần gì tôi sẽ trao cho?

Bồ-tát nói:

–Thiên chủ! Ông có thể cho tôi Vô thượng Bồ-đề không?

Đế Thích nói:

–Điều ấy là cảnh giới của chư Phật không phải cảnh giới của tôi. Các Đức Như Lai có khả năng hoàn thành nhưng tôi thì không.

Ngoài việc ấy Bồ-tát cần những gì tôi xin cung cấp.

Bồ-tát nói:

–Giờ đây tôi không cần những gì khác cả, chỉ cần oai lực thật ngữ của ông và sức oai thần của Phật cộng với oai lực thật ngữ và nguyện lực của tôi. Các Đức Phật Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác hiểu rõ tâm tôi. Nếu tôi quyết định ở ngôi Vô thượng Bồ-đề không còn thoái chuyển thì xin cho thân này được bình phục như cũ.

Khi Đại Bồ-tát Thường Đề phát nguyện rồi, ngay trong khoảnh khắc thân được bình phục cho đến không còn những vết sẹo.

Lúc ấy, Đế Thích thấy cảnh như vậy ngợi khen đây là việc hy hữu rồi ẩn đi.

Cô gái thưa Đại Bồ-tát Thường Đề:

–Thiện nam! Ông cùng tôi về nhà thưa cha mẹ tôi cho những thứ cần dùng để mang đến cúng dường Đại Bồ-tát Pháp Thượng.

Đại Bồ-tát Thường Đề nói:

–Lành thay, thật đúng lúc!

Cô gái cùng với Bồ-tát Thường Đề về nhà cha mẹ mình. Đến nhà, Bồ-tát đứng bên cửa, cô gái vào trong ngỏ ý với cha mẹ.

Thưa cha mẹ:

–Nhà chúng ta có vàng bạc, châu báu rất nhiều và những vật khác, xin cha mẹ chi cho một ít và cấp cho năm trăm người hầu nữ thuần thục, để con cùng với Bồ-tát tên là Thường Đề đem đến cúng dường Đại Bồ-tát Pháp Thượng. Vị ấy có thể thuyết cho chúng con nghe giáo pháp sâu xa. Nghe pháp ấy, chúng con có khả năng thành tựu các công đức và những lợi ích về Phật pháp.

Cha mẹ cô hỏi:

–Vừa rồi con đề cập đến Bồ-tát Thường Đề, hiện giờ Bồ-tát ở đâu?

Cô gái thưa:

–Bồ-tát hiện giờ đang đứng ngoài cửa.

Cô gái thuật chuyện:

–Cha mẹ nên biết, vị Đại Bồ-tát ấy mạnh mẽ bền bỉ, thực tâm cầu pháp, muốn thành tựu Vô thượng Bồ-đề để độ thoát khổ sinh tử cho tất cả chúng sinh và muốn đến cúng dường Đại Bồ-tát Pháp Thượng để cầu Bát-nhã ba-la-mật-đa cho nên ông đem bán thân mình. Ở nơi thành này, ông lớn tiếng rao rằng: “Có ai mua ta không?” Rao ba lần như vậy nhưng không có người mua. Lúc ấy, Bồtát ưu buồn khổ não khóc than. Đồng lúc ấy, từ trên lầu cao con trông thấy có người Bà-la-môn đến chỗ Bồ-tát, hai người cùng nói chuyện trao đổi với nhau. Nói rồi Bồ-tát cầm dao bén rạch hông bên phải lấy máu, kế đến chuẩn bị rạch đùi bên phải phá xương lấy tủy. Trông thấy cảnh tượng ấy, con nghĩ rằng: “Người đàn ông này, vì sao tự làm khổ thân mình như thế? Ta nên đến đó hỏi người ấy xem.” Nghĩ thế con liền hỏi vị ấy:

–Vì sao ông tự làm cho mình khổ sở và lấy máu tủy của mình ra để làm gì?

Vị ấy đáp:

–Tôi muốn mua hương hoa mang đến cúng dường Đại Bồ-tát Pháp Thượng, nhưng vì nghèo khó không có của cải nên mới lấy máu và tủy bán cho người Bà-la-môn này. Tiền bán được sẽ mua hương hoa cúng dường Bồ-tát.

Thưa cha mẹ, khi nghe vị ấy nói, con hết lời khen ngợi. Xong con lại hỏi tiếp:

–Ông cúng dường Bồ-tát như vậy sẽ được những công đức và lợi ích gì?

Vị ấy đáp:

–Cúng dường Bồ-tát ấy nhờ đó mà được nghe Bát-nhã ba-lamật-đa cùng với môn phương tiện thiện xảo và khi học pháp đó rồi mới có thể thành tựu vô lượng công đức không thể nghĩ bàn về Phật pháp. Nghe nói như vậy, con vui mừng phấn khởi, nói với vị ấy:

–Thiện nam! Chỉ vì cầu pháp mà ông làm những việc khó làm, thật là hiếm có. Ông không cần khổ thân như vậy. Nhà tôi có đủ các vật như: vàng, bạc, châu báu… Ông muốn những gì tôi sẽ cung cấp. Vả lại, tôi cũng muốn cùng ông đến chỗ Đại Bồ-tát Pháp Thượng chiêm ngưỡng lễ bái, thân cận, tùy hỷ cúng dường.

Con thưa tiếp rằng:

–Mời ông về nhà cha mẹ tôi, để thưa cha mẹ xin tài vật, rồi cùng nhau đem đến cúng dường Đại Bồ-tát Pháp Thượng.

Vị ấy đáp:

–Hay thay, đã đến lúc.

Thưa cha mẹ:

–Do nhân duyên ấy, nên con đưa Đại Bồ-tát Thường Đề về đây. Vậy, nếu cha mẹ muốn cho con được thành tựu tất cả các công đức vô thượng thì xin ban những thứ con cần, đừng nên phân vân gì cả.

Lúc ấy, cha mẹ nói với con gái rằng:

–Người đàn ông con vừa nói đến thật là hiếm có. Chỉ vì cầu pháp mà làm những việc khó làm. Tuy nhiên, muốn thành tựu công đức Phật pháp không thể nghĩ bàn và làm lợi ích lớn cho tất cả chúng sinh, thì nhân duyên ấy chính là một sự nghiệp trọng đại vượt hơn mọi việc trong thế gian, cha mẹ đồng ý cho con đi. Những gì con muốn thì cứ tự tiện. Cha mẹ cũng muốn đến chỗ Bồ-tát Pháp Thượng chiêm ngưỡng lễ bái, thân cận tùy hỷ cúng dường. Cô con gái người trưởng giả thuật lại nhân duyên cúng dường Đại Bồ-tát Pháp Thượng, rồi thưa với cha mẹ rằng:

–Việc làm phước của cha mẹ xin cha mẹ cứ tự tiện.

Khi ấy, cô gái trang bị năm trăm cỗ xe bằng các báu trang nghiêm và lệnh cho năm trăm thị nữ ăn mặc chỉnh tề: Người đi một xe; vàng bạc, châu báu, y phục, đồ nằm, cờ phướn, lọng báu, hương hoa, đèn dầu… chở một xe; cô gái và Bồ-tát Thường Đề đi một xe; cha mẹ và họ hàng cũng đi một xe báu, tất cả đều được trang hoàng như thế. Người hướng dẫn và tùy tùng vây quanh ra khỏi nhà cùng nhau đi về hướng Đông đến chỗ Bồ-tát Pháp Thượng. Đi như thế khoảng năm do-tuần, Đại Bồ-tát Thường Đề và cô con gái người trưởng giả trông thấy một thành trì. Thành có bảy lớp, bảy lớp tường, bảy hàng cây báu bao quanh. Thành rộng mười hai do-tuần, rộng rãi thanh tịnh, có năm trăm con đường nối liền nhau, cầu bắt bằng phẳng chắc chắn. Muôn dân đông đúc rất vui vẻ. Trong thành có nhiều người nhóm họp. Có một pháp tòa cao rộng tốt đẹp trang nghiêm bằng các báu. Mọi người trông thấy Đại Bồ-tát Pháp Thượng ngồi trên tòa cao có vô lượng trời, người và bốn chúng vây quanh tiếp nhận giáo pháp. Thấy thế, Đại Bồ-tát Thường Đề vui mừng phấn khởi như Bí-sô được hỷ lạc ở tầng Thiền thứ ba. Ông lắng tâm chăm chú, tôn trọng cung kính rồi nói với cô gái con người trưởng giả: Thành này tên là Chúng hương. Vị Bồ-tát kia chính là Đại Bồtát Pháp Thượng. Giờ đây, chúng ta không nên ngồi trên xe thẳng đến đó. Nói thế rồi mọi người đều xuống xe, phấn khởi trang nghiêm đi bộ về phía trước.

*********

Lúc ấy, Bồ-tát Thường Đề, cô gái con Trưởng giả cùng cha mẹ thân quyến thuộc và những người hầu cùng đưa nhau đi, mang theo các loại trân bảo và những đồ vật để cúng dường đi vào thành Chúng hương. Mọi người đều hết lòng khao khát muốn gặp Đại Bồ-tát Pháp Thượng. Đương lúc cùng với mọi người đến chỗ Đại Bồ-tát Pháp Thượng, Bồ-tát Thường Đề trông thấy trời Đế Thích cùng vô số Thiên tử tung hoa Mạn-đà-la, hoa đại Mạn-đà-la, hoa bằng vàng bằng bạc và các hoa trời vi diệu…, cùng với bột hương Chiên-đàn khắp hư không. Lại còn trổi vô số nhạc trời vi diệu. Hoa của họ rải trụ trong không trung.

Thấy thế, Bồ-tát Thường Đề hỏi Đế Thích:

–Kiều-thi-ca! Vì nhân duyên gì ông cùng các Thiên tử ở trong không trung rải các loại hương, các loại hoa và trổi lên các loại âm nhạc như thế?

Trời Đế Thích thưa Bồ-tát Thường Đề:

–Thiện nam! Ông không biết sao? Có một pháp tên là Bát-nhã ba-la-mật-đa là mẹ của các Đức Phật và Đại Bồ-tát, học được pháp ấy thì có thể thành tựu Nhất thiết trí và viên mãn tất cả các công đức về Phật pháp.

Ông nên biết, nơi giảng thuyết của Bồ-tát Pháp Thượng, đó là một đài cao rộng tốt đẹp được trang hoàng bằng bảy báu, lưới báu chân châu xen lẫn rủ xuống, trên đài có bảy cái bệ báu, trên mỗi bệ để một cái tráp bảy báu, dùng vàng dát mỏng chép chánh pháp Bát-

nhã ba-la-mật-đa đặt vào trong tháp, rồi đặt các loại châu báu khác xung quanh. Ở bốn góc đài đặt bốn lư hương bằng bạch ngân xông hương hắc trầm thủy để cúng dường chánh pháp Bát-nhã ba-la-mậtđa. Vì thế, nên chư Thiên chúng tôi ở trong không trung rải hoa cúng dường.

Bồ-tát Thường Đề nói với Đế Thích:

–Kiều-thi-ca! Ông vừa nói đến chánh pháp Bát-nhã ba-la-mậtđa thật vi diệu sâu xa tối thượng và hiếm có là mẹ của chư Phật và Bồ-tát. Vậy, xin ông dùng phương tiện chỉ giúp tôi được chăng?

Trời Đế Thích nói:

–Thiện nam! Chánh pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa ấy, ở bên trong tráp bảy báu, Đại Bồ-tát Pháp Thượng dùng ấn bảy báu niêm phong tôi không có cách nào chỉ cho ông được.

Lúc ấy, Bồ-tát Thường Đề với cô gái con người trưởng giả cùng mọi người tiến lần đến chỗ Đại Bồ-tát Pháp Thượng. Mọi người lấy vàng bạc, châu báu, y phục, đồ nằm, cờ phướn, lọng báu, hương hoa, đèn dầu… phân làm hai phần, một phần cúng dường Bátnhã ba-la-mật-đa, một phần cúng dường Bồ-tát Pháp Thượng. Đặt lễ cúng dường xong mọi người lấy các loại hoa thơm tươi đẹp, tung lên nơi Đại Bồ-tát Pháp Thượng. Bồ-tát Pháp Thượng dùng oai thần làm cho hoa ấy bay lên trong không trung hóa thành những lầu gác báu đẹp. Những lầu gác ấy, đều có trân châu, anh lạc rủ xuống. Trông thấy tướng này, Bồ-tát Thường Đề và cô gái con trưởng giả đều nghĩ: Hay thay, tướng này thật là hiếm có. Đại Bồ-tát Pháp Thượng đang ở quả vị Bồ-tát mà oai đức và thần thông như thế, huống chi là đã thành tựu Vô thượng Bồ-đề, những công đức ấy không thể tính lường được. Nghĩ thế rồi, cô gái và năm trăm người hầu cùng tăng thêm sự cung kính tôn trọng và mến mộ Đại Bồ-tát Pháp Thượng.

Khi ấy, cô gái con trưởng giả và năm trăm người hầu đều phát tâm Vô thượng Bồ-đề, đồng phát nguyện rằng: Con xin hồi hướng căn lành này, nguyện đời sau được thành Phật và nguyện khi làm Bồ-tát với sự ái mộ, tôn trọng Bát-nhã ba-la-mật-đa làm cho người thành tựu phương tiện thiện xảo Bát-nhã ba-la-mật-đa đều giống như Đại Bồ-tát Pháp Thượng vậy. Phát nguyện xong, cô gái con trưởng giả cùng năm trăm người hầu đảnh lễ Bồ-tát, rồi chắp tay lui về một bên.

Nói về Bồ-tát Thường Đề cúng dường đảnh lễ xong, ông chắp tay đi vòng quanh, dùng nhiều cách khen ngợi hoan hỷ chiêm ngưỡng rồi hỏi Bồ-tát Pháp Thượng:

Xin Đại sĩ biết cho, con đến đây hoàn toàn có nguyên nhân: Trước đây, vì cầu Bát-nhã ba-la-mật-đa nên con vào trong rừng vắng tìm cách tu tập. Cũng thời điểm ấy, trên không trung có tiếng bảo con rằng: “Ông nên đi về phương Đông để cầu Bát-nhã ba-lamật-đa này.” Theo lời dạy ấy con tìm đến phương Đông. Đi được một đoạn con lại nghĩ. Tại sao vừa rồi ta không hỏi trên không trung, là về phương Đông bao xa, đến nơi nào và nhờ ai để được nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa? Nghĩ thế, con buồn rầu than khóc, rồi ở lại đó bảy ngày đêm. Trong lúc khóc than tuyệt vọng bỗng nhiên con thấy hình bóng Đức Như Lai đứng trước mặt bảo rằng: “Thiện nam! Từ đây về phương Đông khoảng năm trăm do-tuần, có một thành tên là Chúng hương. Nơi ấy, có một vị Bồ-tát hiệu là Bồ-tát Pháp Thượng. Đến đó ông sẽ được nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa.” Nghe thế con rất vui mừng liền thâu tóm tâm tưởng đến Bồ-tát và tư duy về Bát-nhã ba-la-mật-đa. Lúc ấy, con thể nhập vào tưởng. Tất cả pháp không nơi nương dựa, đồng thời thể nhập vào định vô lượng. Trong định ấy, con thấy các Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác ở khắp a-tăng-kỳ thế giới trong mười phương, thuyết giảng Bát-nhã ba-la-mật-đa cho các Bồ-tát. Các Ngài đều khen ngợi con rằng: “Lành thay, lành thay! Thiện nam! Ông nhờ cầu Bát-nhã ba-la-mật-đa mà được nhập các môn định.” Nói xong, các Ngài lần lượt chỉ dạy an ủi những điều lợi ích rồi ẩn đi. Khi xuất định, không còn thấy các Ngài, con rất buồn khổ, nghĩ rằng: Vừa rồi các Đức Như Lai từ đâu đến và đi về đâu? Lại suy nghĩ tiếp: “Đại Bồ-tát Pháp Thượng ở trong giáo pháp của các Đức Phật thuở quá khứ, đã trồng căn lành, thông đạt Bát-nhã ba-la-mật-đa và đầy đủ phương tiện thiện xảo. Ta đến đó để tiếp nhận Bát-nhã ba-lamật-đa và hỏi về ý nghĩa ấy. Vì nhân duyên như vậy, nên con đến đây. Được chiêm ngưỡng lễ bái Bồ-tát, tâm con rất vui mừng phấn khởi, như Bí-sô đắc tầng Thiền thứ ba.

Bạch Đại sĩ, trong khi con được Thiền thứ ba thấy các Đức Như Lai, nhưng không biết các Ngài từ đâu đến và về đâu. Cúi xin Đại sĩ chỉ dạy, để con thường được thấy các Đức Thế Tôn.