SỐ 228
KINH PHẬT MẪU XUẤT SINH TAM PHÁP TẠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
Dịch Phạn ra Hán: Đời Triệu Tống, Tam tạng Pháp sư Thi Hộ
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 22

Phẩm 27: NGHĨA KIÊN CỐ

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Đại Bồ-tát nào hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này chính là nghĩa hành kiên cố.

Tu-bồ-đề nói:

–Đúng như vậy, này Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát hành Bát-nhã bala-mật-đa sâu xa ấy, chính là nghĩa hành kiên cố.

Lúc ấy, có một ngàn Thiên tử ở cõi Dục nghĩ như vầy: “Đại Bồ-tát vì Vô thượng Bồ-đề nên hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa ấy, tuy hiểu rõ các pháp tướng và thể nhập các pháp tánh nhưng không dừng ở sự chứng đắc rốt ráo ở hàng Thanh văn, Duyên giác, chỉ chừng đó đã đáng kính lễ rồi.” Hiểu được ý nghĩ ấy Tôn giả Tubồ-đề nói với các Thiên tử:

–Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa nhưng không chứng thật tế ở hàng Thanh văn, Duyên giác cũng chưa đủ để gọi là khó. Vì sao? Vì nếu Đại Bồ-tát mặc áo giáp tinh tấn muốn độ vô lượng, vô biên chúng sinh đều được an trụ vào đại Bát-niết-bàn, việc này mới là khó. Vì sao? Vì cứu cánh của chúng sinh là xa lìa nên không có sở hữu do không có sở hữu, nên không thể nắm bắt tướng chúng sinh, thế nên chúng sinh không thể được độ. Này các thiện nam, Bồ-tát nào muốn độ chúng sinh ấy, tức là muốn độ hư không. Vì hư không vắng lặng cho nên chúng sinh cũng vắng lặng, hư không không có, nên chúng sinh cũng không có, thế nên hoàn toàn không có chúng sinh có thể nắm bắt được, vì vậy mà các Đại Bồ-tát muốn độ cho họ, thật là một việc khó.

Này các thiện nam! Như người đánh hư không, Đức Phật nói tướng chúng sinh không thể nắm bắt, đây cũng như vậy. Vì sao? Vì chúng sinh vắng lặng nên sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng vắng lặng cho đến tất cả pháp cũng đều vắng lặng.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát nào nghe nói như thế mà không kinh sợ, không thoái chuyển thì nên biết vị ấy là người hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn bảo Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Vì nguyên nhân nào Đại Bồ-tát nghe nói như vậy nhưng không kinh sợ, không thoái chuyển?

Tu-bồ-đề thưa:

–Vì tất cả pháp đều vắng lặng nên không mất. Bạch Đức Thế Tôn, mất ở đây chính là không thể nắm bắt, pháp mất không thể nắm bắt và nơi mất cũng không thể nắm bắt. Vì nhân duyên ấy, nên Đại Bồ-tát nghe nói thế mà không kinh sợ, không thoái chuyển.

Đức Phật nói:

–Tu-bồ-đề! Thật đúng như vậy. Đại Bồ-tát nghe nói như thế mà không kinh sợ, không thoái chuyển, đó là người tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát nào tu hành Bát-nhã ba-lamật-đa ấy thì thường được vua trời Phạm thiên, trời Đế Thích, trời Đại Tự Tại, ngoài ra còn có các Thiên tử ở cõi Dục đều tôn trọng, cung kính, lễ bái, khen ngợi.

Phật nói:

–Tu-bồ-đề! Chẳng phải chỉ có vua trời Đại phạm, trời Đế Thích, trời Đại Tự Tại và các Thiên tử ở cõi Dục thôi mà còn có chúng của Phạm thiên như: Trời Đại phạm, trời Thiểu quang, trời Phạm phụ, trời Vô lượng quang, trời Quang âm, trời Thiểu tịnh, trời Vô lượng tịnh, trời Biến tịnh, trời Vô vân, trời Phước sinh, trời Quảng quả, trời Vô phiền, trời Vô nhiệt, trời Thiện kiến, trời Thiện hiện, trời Sắc cứu cánh những vị trời như trên và chúng Thiên quyến thuộc cũng cung kính, đảnh lễ ngợi khen, người tu hành Bát-nhã ba-la-mậtđa này. Tuy nhiên, còn có chư Phật Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác hiện đang thuyết pháp ở vô lượng a-tăng-kỳ thế giới trong mười phương thường dùng mắt quan sát và dùng oai thần giữ gìn cho Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát ấy nhờ tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa nên được đạo Bồ-đề không thoái chuyển, các ma ác không quản thúc được.

Tu-bồ-đề! Giả sử mọi chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới đều hóa thành những ma ác, nhưng chúng ma ấy cũng không thể quản thúc được Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Thôi, gác lại chuyện chúng sinh ở tam thiên đại thiên thế giới vừa nói đi. Giả sử tất cả chúng sinh trong thế giới hằng hà sa đều hóa làm ma ác thì những ma ác ấy cũng không thể quản thúc được Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Tu-bồ-đề nên biết! Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thành tựu hai pháp nên không bị ma ác quản thúc. Hai pháp ấy chính là quán chiếu tất cả pháp là không và không bỏ tất cả chúng sinh.

Tu-bồ-đề! Lại có hai pháp, nếu Đại Bồ-tát thành tựu được thì không bị ma ác quản thúc. Hai pháp đó là thực hành đúng như pháp đã nói và được các Đức Phật khen ngợi.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Nếu Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mậtđa như thế, sẽ có các Thiên tử đến nói như vầy:

–Ông hãy mau tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa và mau chứng Vô thượng Bồ-đề đi. Vì sao? Vì ông tu hành pháp ấy thì có thể làm nơi nương tựa cho những chúng sinh không nơi nương tựa, cứu độ những chúng sinh chưa được cứu độ, làm nơi trở về cho những chúng sinh lạc lõng, làm nhà ở cho những chúng sinh không nhà, làm đường đi cho những chúng sinh không có đường đi, làm hải đảo cho những chúng sinh không có chỗ trú ẩn, người không biết đường đến đích thì chỉ cho họ, người không biết con đường chánh thì dạy cho họ biết và cho người ở chỗ tối tăm được sáng suốt. Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thành tựu công đức như thế.

Tu-bồ-đề! Vả lại, Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa ấy, các Đức Phật trong vô lượng a-tăng-kỳ thế giới ở mười phương khi tuyên thuyết giáo pháp có đại chúng Thanh văn và Bồ-tát vây quanh, Ngài thường khen ngợi công đức, tên họ, sắc tướng và oai lực của vị ấy.

Tu-bồ-đề! Cũng như hiện nay trong hội thuyết pháp ta thường khen ngợi sự tu phạm hạnh có những công đức cộng với tên họ, chủng tộc, sắc tướng và oai lực của Bồ-tát Bảo Tràng và các Bồ-tát trong cõi Phật A-súc.

Tu-bồ-đề! Các Đức Phật trong mười phương cũng vậy, mỗi khi thuyết giáo thường khen ngợi người tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa và các Bồ-tát tu phạm hạnh với những công đức, tên họ, chủng tộc, sắc tướng trong cõi Phật.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Mỗi khi Đức Phật diễn thuyết pháp đều khen ngợi công đức, tên họ, chủng tộc và oai lực của các Bồ-tát chăng?

Phật đáp:

–Tu-bồ-đề! Không phải như vậy, khi chư Phật khi thuyết pháp đối với những Đại Bồ-tát có vị được xưng tán, có vị không được xưng tán.

Tu-bồ-đề thưa:

–Những Bồ-tát nào được xưng tán?

Phật đáp:

–Đó là những Đại Bồ-tát đứng vào hàng không thoái chuyển.

Tu-bồ-đề thưa:

–Như những vị chưa đứng vào hàng không thoái chuyển thì có được các Đức Phật khen ngợi không?

Phật đáp:

–Tu-bồ-đề! Có những Đại Bồ-tát tuy chưa đứng vào hàng không thoái chuyển, nhưng các Đức Thế Tôn cũng thường khen ngợi như: Đại Bồ-tát học phương pháp hành đạo Bồ-tát của Đức A-súc khi còn là Bồ-tát, Đại Bồ-tát học phương pháp hành đạo của Bồ-tát Bảo Tràng và những Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa tin hiểu về các pháp vô sinh nhưng chưa chứng pháp Nhẫn vô sinh, hoặc tin hiểu các pháp tịch tĩnh nhưng đối với địa vị không thoái chuyển chưa có thể thành tựu các pháp tịch tĩnh vừa ý.

Tuy nhiên, Tu-bồ-đề! Những Đại Bồ-tát được Đức Phật cùng khen ngợi thì nhất định phải là người đứng vào hàng không thoái chuyển, xa lìa tâm Thanh văn, Duyên giác, chắc chắn được thọ ký đạo Vô thượng Bồ-đề. Nguyên nhân mà Đại Bồ-tát được các Đức Thế Tôn cùng khen ngợi là: Vì những vị ấy thường tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa này.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Nếu Đại Bồ-tát nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa mà không nghi ngờ, hối hận, hoặc cho rằng khó, rồi bỏ qua, thì nên biết vị ấy sẽ ở cõi Phật A-súc Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, cùng với các Bồ-tát cõi ấy cũng được nghe pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa này. Nghe rồi theo sự tin hiểu mà được đứng vào hàng không thoái chuyển.

Tu-bồ-đề! Người nghe pháp môn ấy tin hiểu còn được công đức như thế, huống chi là theo sự tin hiểu mà như lý an trụ và như lý tu hành, rồi y theo an trụ để trụ Nhất thiết trí.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Rời Như thì không có pháp để nắm bắt, vậy lấy pháp nào để an trụ trong Như, dùng pháp nào thành tựu Vô thượng Bồ-đề và lấy pháp nào để có thể giảng thuyết?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đúng như lời ông nói! Rời Như thì không có pháp nào để nắm bắt, an trụ trong Như chăng? Hầu như không thể nắm bắt được Như, huống chi có người trụ vào Như. Trong Như còn không có Vô thượng Bồ-đề, huống gì có người chứng. Thế nên, không có chỗ chứng, người chứng và pháp để chứng. Trong Như còn không có pháp để nắm bắt được, huống gì có người thuyết pháp.

Khi ấy, Đế Thích bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa hơn hết, nếu Đại Bồ-tát muốn thành tựu Vô thượng Bồ-đề, nhưng nghe nói: Không có pháp để trụ, để chứng, để giảng thuyết mà không sinh nghi ngờ, hối hận, hoặc cho rằng khó đạt được rồi thoái lui nên biết việc làm của vị ấy rất khó.

Tôn giả Tu-bồ-đề nói với trời Đế Thích:

–Kiều-thi-ca! Ông vừa nói rằng: “Nếu Đại Bồ-tát nghe pháp sâu xa này nhưng không sinh nghi ngờ, hối hận hoặc cho rằng khó đạt được rồi thoái lui thì việc làm ấy rất khó.”

Kiều-thi-ca! Trong các pháp có pháp nào là pháp nghi ngờ, hối hận, khó được và thoái lui không?

Đế Thích thưa Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Việc Tôn giả muốn nói đều là nhân không, nhưng trong ấy cũng không có trở ngại. Ví như giương cung bắn lên hư không mũi tên bay đi không trở ngại, điều Tôn giả nói cũng vậy.

Nói rồi, Đế Thích bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Lời con vừa nói có đúng với Pháp ngữ và lời của Như Lai nói không?

Phật bảo Đế Thích:

–Kiều-thi-ca, đúng vậy! Lời ông vừa nói là chân chánh, đúng với lời của ta, đúng với Pháp ngữ, đáp như thế là đúng.

Kiều-thi-ca! Điều Tu-bồ-đề muốn nói đều là nhân không, nhưng Bát-nhã ba-la-mật-đa không thể nắm bắt, huống gì có người hành; Vô thượng Bồ-đề không thể nắm bắt, huống chi có người chứng đắc; Nhất thiết trí không thể nắm bắt, huống chi có người chứng đắc Nhất thiết trí; chân như không thể nắm bắt, huống chi có người an trụ chân như; pháp vô sinh không thể nắm bắt, huống chi có người chứng vô sinh; mười Lực không thể nắm bắt, huống là có đủ Lực ấy; bốn Vô sở úy không thể nắm bắt, huống là thành tựu được pháp ấy; pháp không thể nắm bắt, huống chi có người thuyết pháp.

Này Kiều-thi-ca! Tu-bồ-đề thích tu hành các pháp xa lìa như thế là hành các pháp không có hành, hành hạnh như thế so với các Đại Bồ-tát thực hành hạnh Bát-nhã ba-la-mật-đa, trăm phần, ngàn phần, trăm ngàn phần, ức phần, trăm ngàn ức phần, trăm ngàn vạn ức phần đều không bằng một phần, tính toán, thí dụ và phân tích đến cùng cực cũng không bằng một phần. Chỉ trừ hạnh của Như Lai, ngoài ra các Đại Bồ-tát thực hành hạnh Bát-nhã ba-la-mật-đa này so trong các hạnh thì nó cao lớn thù thắng, vi diệu hơn hết, tất cả Thanh văn, Duyên giác đều không thể sánh bằng.

Kiều-thi-ca! Thế nên, thiện nam, thiện nữ nào muốn làm bậc cao lớn, thù thắng, vi diệu, vượt hơn tất cả chúng sinh thì nên học hạnh Bồ-tát và tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa này.