SỐ 228
KINH PHẬT MẪU XUẤT SINH TAM PHÁP TẠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
Dịch Phạn ra Hán: Đời Triệu Tống, Tam tạng Pháp sư Thi Hộ
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 21

Phẩm 26: HIỂN DỤ

Bấy giờ trời Đế Thích có ý nghĩ như vầy:

–Nếu Đại Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa ấy, thì còn vượt xa hơn tất cả chúng sinh huống chi bậc thành tựu Vô thượng Bồ-đề. Thế nên, biết rằng: Nếu ai hâm mộ Nhất thiết trí thì người ấy được lợi ích lớn, cuộc sống tự tại huống chi là phát tâm Vô thượng Bồ-đề. Người này được tất cả chúng sinh kính mến, rộng làm điều ngự cho tất cả chúng sinh. Suy nghĩ xong Đế Thích lấy hoa Mạn-đà-la tung lên cúng dường Phật, rồi chắp tay bạch:

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu người nào phát tâm Vô thượng Bồđề, nguyện thành tựu Vô thượng Bồ-đề, viên mãn tất cả Phật pháp như: Pháp Nhất thiết trí tương ưng, pháp Tự nhiên trí, pháp Vô lậu, nguyện đưa tất cả chúng sinh qua khỏi bờ sinh tử chứng quả Niếtbàn, giáo hóa mọi tâm chúng sinh làm cho họ được mãn nguyện.

Bạch Đức Thế Tôn! Thấy những nỗi khổ trong sinh tử, nên con không muốn làm cho những người mới phát tâm Bồ-đề bị thoái chuyển, lại càng không muốn làm cho những người đã an trụ nơi Vô thượng Bồ-đề sinh thoái chuyển. Ngược lại, con muốn làm cho mọi người đều thành tựu Vô thượng Bồ-đề. Vì họ có thể phát tâm làm lợi ích lớn, thương tưởng tất cả Trời, Người, A-tu-la trong thế gian. Mình được độ, rồi nghĩ về tất cả chúng sinh như vầy: “Ai chưa giải thoát tạo điều kiện cho họ giải thoát, ai chưa độ làm cho họ được độ, người nào chưa Niết-bàn làm cho họ Niết-bàn.”

Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có thiện nam, thiện nữ đối với Bồ-tát mới phát tâm, nhân vì họ có những pháp công đức mà tùy hỷ sinh tâm, hoặc tùy hỷ với người tu tập Bồ-tát đã lâu, hoặc tùy hỷ với hàng Bồ-tát không thoái chuyển, hoặc tùy hỷ với Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ. Họ có thể sinh tâm tùy hỷ với những bậc như vậy. Những thiện nam, thiện nữ ấy phước nhiều như thế nào?

Phật bảo Đế Thích:

–Này Kiều-thi-ca! Núi Tu-di có thể đo lường để biết giới hạn của nó, nhưng giới hạn về phước đức do những tâm tùy hỷ của thiện nam, thiện nữ kia không thể đo lường được.

Kiều-thi-ca! Như bốn đại châu cũng có thể đo lường được giới hạn của nó, nhưng giới hạn về phước đức tùy hỷ của thiện nam, thiện nữ kia không thể biết hết được.

Kiều-thi-ca! Như tiểu thiên thế giới cũng có thể đo lường để biết giới hạn, nhưng với giới hạn về phước đức tùy hỷ của thiện nam, thiện nữ kia không thể biết hết được.

Kiều-thi-ca! Như trung thiên thế giới cũng có thể đo lường để biết được giới hạn, nhưng giới hạn về phước đức tùy hỷ của thiện nam, thiện nữ kia không thể biết hết được.

Kiều-thi-ca! Ví như tam thiên đại thiên thế giới cũng có thể đo lường để biết được giới hạn, nhưng giới hạn về phước đức tùy hỷ của thiện nam, thiện nữ kia không thể biết hết được.

Đế Thích bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu người không thể sinh tâm tùy hỷ đối với Bồ-tát mới phát tâm…, cho đến Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ thì biết rằng người ấy đã bị ma ác mê hoặc, làm quyến thuộc của ma, từ cõi của Thiên ma mạng chung mà sinh trở lại đây. Vì sao? Vì những tâm tùy hỷ này có khả năng phá hoại các ma ác. Vả lại, người nào có thể sinh tâm tùy hỷ, thì nên đem công đức tùy hỷ hồi hướng về đạo Vô thượng Bồ-đề. Chính sự hồi hướng đó làm cho quả vị ấy càng tăng trưởng. Thế nên, biết người nào thường sinh những tâm tùy hỷ như vậy, thì không cách xa Phật, Pháp, Tăng mà còn phát triển các công đức thù thắng.

Phật bảo Đế Thích:

–Đúng như vậy! Này Kiều-thi-ca! Nếu người nào thường sinh những tâm tùy hỷ như vậy thì người ấy chẳng những không xa Phật, Pháp, Tăng mà còn phát triển các công đức tối thắng.

Hơn nữa, Kiều-thi-ca! Thiện nam, thiện nữ nào có khả năng sinh trưởng những tâm tùy hỷ như vậy, nên biết người ấy sẽ sớm được gặp Phật.

Đế Thích bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Đúng vậy! Bạch Thiện Thệ, đúng vậy!

Thiện nam, thiện nữ nào có thể sinh trưởng những tâm tùy hỷ như thế thì người ấy sẽ mau được gặp Phật. Lại chính vì nguyện lực của căn lành tùy hỷ đó, dù sống bất cứ nơi đâu mọi người đều tôn trọng, cung kính và khen ngợi. Thiện nam, thiện nữ ấy mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thanh tịnh, không nhìn cảnh ác, không nghe tiếng ác, không ngửi mùi hôi, không nếm vị bẩn và không tham đắm cảm giác phi pháp, cũng không rơi vào đường ác, hoặc sinh vào cõi trời, cõi người. Vì thiện nam, thiện nữ ấy đã thành tựu căn lành tùy hỷ nhiều vô lượng và thường làm lợi ích cho tất cả chúng sinh do thường sinh tâm tùy hỷ mà có thể tăng trưởng hạnh Vô thượng Bồ-đề rồi lần hồi thành tựu quả vị ấy. Chứng được quả Bồ-đề rồi, thì sẽ khắp vô lượng, vô số chúng sinh để họ được giải thoát.

Phật bảo Đế Thích:

–Kiều-thi-ca! Những điều ông nói đều do oai thần hộ niệm của Như Lai. Nếu thiện nam, thiện nữ có thể sinh những tâm tùy hỷ như vậy, thì người ấy đã trồng căn lành sâu xa, đem căn lành đó làm lợi ích khắp vô lượng, vô số chúng sinh, do nhân duyên này nên có thể tăng trưởng tất cả pháp lành, lần hồi được thành tựu Vô thượng Bồ-đề.

Khi ấy, Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Tâm như huyễn hóa, thì làm sao dùng tâm này thành tựu Vô thượng Bồ-đề?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Thấy có tâm như huyễn chăng?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

Phật hỏi:

–Tu-bồ-đề! Thấy tướng huyễn có thể được chăng?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

Con không thấy có tâm như huyễn, cũng không thấy tướng huyễn có thể nắm bắt.

Phật hỏi:

–Tu-bồ-đề! Dùng tâm và tướng ấy để thành tựu Vô thượng Bồđề chăng?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

Phật hỏi:

–Tu-bồ-đề! Nếu không thấy tâm huyễn và tướng huyễn rồi xa lìa cả tâm và tướng ấy. Ngoài ra, còn thấy có pháp nào để thành tựu Vô thượng Bồ-đề không?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Không xa lìa tâm huyễn và tướng huyễn, cũng không thấy có pháp để đắc quả vị Vô thượng Bồ-đề.

Bạch Đức Thế Tôn! Nếu xa lìa tâm huyễn và tướng huyễn mà có pháp có thể thấy đi nữa thì pháp ấy cũng không thể nói có hay không có. Thế nên, sự xa lìa tất cả pháp thì trong ấy không thể nói là có hay không có. Nếu xa lìa tất cả pháp thì Vô thượng Bồ-đề, Bátnhã ba-la-mật-đa cũng xa lìa, đã xa lìa tất cả pháp, nên không có pháp để tu và để chứng. Vì tất cả pháp không thể nắm bắt, nên Vô thượng Bồ-đề cũng không thể nắm bắt. Chính vì xa lìa tất cả, nên Đại Bồ-tát cũng xa lìa tất cả.

Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa mà chứng Vô thượng Bồ-đề nhưng Đại Bồ-tát và Vô thượng Bồ-đề đều xa lìa tất cả. Nếu Đại Bồ-tát thành tựu Vô thượng Bồ-đề thì sao gọi là dùng xa lìa mà được xa lìa?

Đức Phật khen Tu-bồ-đề:

–Hay thay, hay thay! Tu-bồ-đề, đúng như vậy! Xa lìa tất cả pháp, xa lìa tất cả Bát-nhã ba-la-mật-đa và Vô thượng Bồ-đề thì Đại Bồ-tát cũng xa lìa tất cả. Nhưng ở nơi pháp này, các Đại Bồ-tát hiểu biết đúng đắn về sự xa lìa tất cả ở Bát-nhã ba-la-mật-đa, tức chẳng phải Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Tu-bồ-đề! Thế nên, các Đại Bồ-tát tuy nhờ vào Bát-nhã ba-lamật-đa mà chứng Vô thượng Bồ-đề, nhưng trong ấy không có pháp có thể nắm bắt và chứng đắc. Vì không nắm bắt và chứng đắc, nên tuy Đại Bồ-tát thành tựu Vô thượng Bồ-đề nhưng không phải lấy sự xa lìa để chứng đắc xa lìa.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Theo con hiểu những lời Phật đã nói, nghĩa lý rất sâu xa, Đại Bồ-tát khó có thể hành được.

Phật nói:

–Tu-bồ-đề! Thật đúng như vậy! Nghĩa này rất sâu xa, Đại Bồtát khó có thể hành được.

Tu-bồ-đề! Nếu Đại Bồ-tát hành nghĩa sâu xa này, nhưng không chứng quả Thanh văn, Duyên giác vẫn ở trung đạo quả thật rất khó.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Theo con hiểu ý nghĩa của Phật nói, thì việc làm của Bồ-tát không có gì khó cả. Vì tất cả pháp không có gì để nắm bắt cũng không có gì chứng đắc. Do không có nắm bắt và chứng đắc nên trong ấy không có người chứng, không có chỗ chứng và tác động để chứng. Thế nên, việc làm của Bồ-tát không khó.

Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát nào nghe lời nói ấy mà không kinh sợ, không thoái lui, nên biết, chính vị ấy là người hành Bátnhã ba-la-mật-đa. Tuy hành như thế nhưng cũng không thấy mình hành. Ai được như vậy chính là Đại Bồ-tát gần với Vô thượng Bồđề cách xa quả vị Thanh văn, Duyên giác, là người hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Bạch Đức Thế Tôn! Như hư không, không nghĩ rằng: “Vật này gần, vật kia xa, vì hư không, không có phân biệt.” Bát-nhã ba-lamật-đa cũng vậy, không nghĩ rằng: “Vô thượng Bồ-đề gần với ta, quả vị Thanh văn, Duyên giác, xa với ta, vì Bát-nhã ba-la-mật-đa không có phân biệt.”

Lại như người huyễn không nghĩ rằng: “Ông thầy ảo thuật ở gần ta, còn những khán giả ở cách xa ta, vì người huyễn không có phân biệt. Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng vậy, vì Bát-nhã ba-la-mật-đa không có phân biệt.”

Lại như những cái bóng không có nghĩ rằng: “Phải hình ta thì ta gần, không phải thì ta xa, vì bóng không có phân biệt. Bát-nhã ba-lamật-đa cũng vậy, vì Bát-nhã ba-la-mật-đa không có phân biệt.”

Lại Như Lai đối với tất cả chúng sinh Ngài không có tâm thương ghét, vì Như Lai đã cắt đứt những yêu ghét. Bát-nhã ba-lamật-đa cũng vậy, vì Bát-nhã ba-la-mật-đa chẳng phải pháp yêu ghét.

Lại như Như Lai xa lìa những phân biệt, vì Như Lai đã cắt đứt tất cả phân biệt. Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng vậy, vì Bát-nhã ba-lamật-đa không có phân biệt.

Lại như người được Phật giáo hóa, không nghĩ rằng: Vô thượng Bồ-đề gần ta, Thanh văn, Duyên giác xa ta, vì người được giáo hóa ấy không có phân biệt. Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng vậy, vì Bát-nhã ba-la-mật-đa không có phân biệt.

Lại như Phật giáo hóa người ấy làm các việc đều thành tựu. Tuy mọi việc đều thành tựu nhưng không phân biệt, vì người được biến hóa không có phân biệt. Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng vậy, nên tu tập theo các pháp đều có thể thành tựu, vì Bát-nhã ba-la-mật-đa không có phân biệt.

Lại như nhà điêu khắc dùng những phương tiện như: Máy móc, cây… chạm trỗ thành hình trai, gái, muốn làm việc gì đều được thành tựu. Tuy việc làm hoàn tất nhưng không phân biệt, vì các việc làm là huyễn.

Bạch Đức Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng vậy, nếu tu tập các pháp theo đó đều có thể thành tựu, tuy là có thành tựu, nhưng không phân biệt. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa không có phân biệt.