SỐ 228
KINH PHẬT MẪU XUẤT SINH TAM PHÁP TẠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
Dịch Phạn ra Hán: Đời Triệu Tống, Tam tạng Pháp sư Thi Hộ
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 20

Phẩm 24: TĂNG THƯỢNG MẠN

Lúc ấy, Đức Thế Tôn lại bảo Tôn giả A-nan:

–Khi Đại Bồ-tát tu Bát-nhã ba-la-mật-đa, hành Bát-nhã ba-lamật-đa tất cả ma ác trong tam thiên đại thiên thế giới đều sinh nghi hoặc. Có phải Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa là đang trên đường đến quả vị Thanh văn, Duyên giác chăng? Hay quyết định thẳng đến Vô thượng Bồ-đề?

A-nan! Bấy giờ những ma ác kia biết được Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, quyết định thẳng đến Vô thượng Bồ-đề rất ưu sầu khổ não như tên bắn vào tim.

Lại nữa, A-nan! Khi ấy Đại Bồ-tát tu Bát-nhã ba-la-mật-đa, hành Bát-nhã ba-la-mật-đa có những ma ác muốn quấy nhiễu làm cho vị ấy sợ hãi tán loạn… cho đến muốn trong một niệm vị ấy đánh mất tâm Vô thượng Bồ-đề, nên dùng oai lực ma biến hóa các tướng mưa gió, sấm chớp khắp nơi. A-nan nên biết! Ma ác không thể quấy nhiễu hết các Bồ-tát.

A-nan thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Những Bồ-tát nào bị ma quấy nhiễu?

Phật đáp:

–A-nan! Đó là Bồ-tát trong đời trước đã được nghe pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa, nhưng không tin, không hiểu. A-nan nên biết! Bồ-tát ấy bị ma ác đến quấy nhiễu và bị chúng ma quản thúc.

Lại nữa, A-nan! Đại Bồ-tát nào khi nghe pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, sinh tâm nghi ngờ: “Có pháp Bát-nhã bala-mật-đa ấy không?” A-nan nên biết! Bồ-tát này đã bị ma ác đến nhiễn loạn và bị chúng ma quản thúc.

Lại nữa, A-nan! Đại Bồ-tát nào xa bạn lành, gần gũi bạn ác, nên khi nghe pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, không tin, không hiểu và không cầu hỏi nghĩa lý về nó. Chỉ nghĩ rằng: “Nay ta đâu có thể tu pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa này.” A-nan nên biết! Vị Bồ-tát ấy đã bị ma ác đến nhiễu loạn và bị chúng ma quản thúc.

Lại nữa, A-nan! Đại Bồ-tát nào học hành theo pháp tà, các ma ác biết được sự việc như vậy sinh tâm vui mừng. Nghĩ rằng: “Người này giúp ta và làm cho mọi người cùng giúp ta, làm theo ý ta, để thỏa mãn ý nguyện của ta.” A-nan nên biết! Bồ-tát ấy đã bị ma ác nhiễu loạn và bị chúng ma quản thúc.

Lại nữa, A-nan! Đại Bồ-tát nghe pháp môn Bát-nhã ba-la-mậtđa sâu xa này, rồi nói với Bồ-tát khác rằng: “Pháp môn Bát-nhã bala-mật-đa này sâu xa khó hiểu, ta còn không thể thông suốt hết, thì ông làm sao có thể tu tập được, nên tiếp nhận tu tập những kinh khác của Phật đã thuyết thì sẽ được pháp vị. Do Bồ-tát ấy nói như thế, nên các Bồ-tát khác sinh tâm cách xa Bát-nhã ba-la-mật-đa.” A-nan nên biết! Ai nói như vậy là đã bị ma ác đến nhiễu loạn và bị chúng ma quản thúc.

Lại nữa, A-nan! Đại Bồ-tát nào nghĩ như vầy: “Chỉ có ta mới tu tập hạnh viễn ly chân chánh, còn các Bồ-tát khác thì không.” Ma ác biết ý nghĩ ấy, nên rất vui mừng thích thú, hân hoan. Vì biết Bồ-tát nghĩ như vậy là đã đánh mất tâm Bồ-đề rồi.

Này A-nan! Còn có các ma ác đến chỗ Bồ-tát khen ngợi tên họ, công đức Đầu-đà cho đến các loại tướng công mạo đức. Nghe khen ngợi Bồ-tát sinh tâm chấp trước và tăng thượng mạn, cùng các kiêu mạn khác, cao ngạo tự tại, khinh thường những Bồ-tát khác. Bởi thế, nên phiền não tăng trưởng. Nhưng Bồ-tát này bị sức chi phối của ma ác nên những gì nói ra mọi người đều tin và chấp thuận. Ai học hành theo sự nghe, thấy như vậy là hoàn toàn không chân thật nên sinh tâm điên đảo. Do vậy nên ba nghiệp không thanh tịnh. Vì lẽ đó, nên các đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh càng tăng trưởng. Những ma ác thấy chỗ thuận lợi này tâm rất hân hoan. Chúng nghĩ: “Cung điện của chúng ta ngày nay thật không có bỏ trống.”

A-nan nên biết! Do nhân duyên ấy luôn tăng trưởng nên Bồ-tát không thể đầy đủ các tướng mạo công đức, không thể tu hành Bátnhã ba-la-mật-đa, không thể vào hàng không thoái chuyển. Vì tâm tăng thượng mạn phát sinh các lỗi lầm nên Bồ-tát bị ma ác nhiễu loạn và bị chúng ma quản thúc.

Lại nữa, A-nan! Nếu người tu đạo Bồ-tát và người tu đạo Thanh văn tranh cãi với nhau tuôn ra những lời thô ác, nhục mạ, khinh dễ nhau. Ma ác biết sự việc như vậy, nghĩ rằng: “Người tu đạo Bồ-tát do nhân duyên này, tuy cách xa Nhất thiết trí nhưng không quan trọng và cũng chẳng là bao xa. Nếu người tu đạo Bồ-tát đối với người tu đạo Bồ-tát tranh cãi cùng tuôn ra những lời thô ác, nhục mạ, khinh dễ nhau.” Ma ác biết sự việc như vậy tâm rất vui mừng thích thú, nghĩ rằng: “Người tu đạo Bồ-tát thừa vì nhân duyên ấy nên mãi mãi cách xa Nhất thiết trí.”

Lại nữa, A-nan! Bồ-tát chưa được thọ ký và Bồ-tát đã được thọ ký, mà khởi theo tâm sân hận nên bị thoái chuyển, sinh một niệm, thoái chuyển một kiếp, cứ như thế, tùy theo từng niệm mà tính kiếp số. Nếu gặp được Thiện tri thức, không bỏ tâm Nhất thiết trí thì lần hồi phát tâm mặc áo giáp tinh tấn.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Người nào có tội như vậy Thế Tôn có cho sám hối không?

Phật bảo A-nan:

–Hiện nay trong giáo pháp của ta có pháp xuất tội. Ở hàng Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát ta đều nói có pháp này. A-nan nên biết! Người ở cùng hàng Bồ-tát tranh cãi, tuôn ra những lời ác, nhục mạ, khinh dể nhau, nhưng rồi không xin bỏ lỗi cho nhau mà ôm ấp sân hận trói buộc tâm mình. Ta không nói đối với họ có pháp xuất tội.

A-nan! Nếu người ở cùng hàng Bồ-tát tranh cãi cho đến hủy mạ nhau, sau đó cùng xin bỏ lỗi cho nhau, ta sẽ nói pháp xuất tội cho người ấy.

A-nan! Vả lại, Bồ-tát nên nghĩ rằng: “Ta phải hành Từ bi, nhẫn nhục đối với chúng sinh. Giả sử họ sinh lòng ác đến nhục mạ, ta còn không sinh một niệm sân hận, huống chi là báo thù, hoặc tạm sinh tâm sân hận thì không phải cách. Vì ta sẽ bắt cầu lớn cho tất cả chúng sinh qua. Ta luôn luôn có thiện cảm đối với chúng sinh, giá như nghe lời nói ác thì cũng không sinh sân hận, coi người và mình đều bình đẳng, lỗi của mình không đổ cho người, coi lỗi của người như lỗi của mình, thường sinh hối hận và lo sợ. Vì ta muốn cho tất cả chúng sinh được an lạc lớn. Những chúng sinh nào có nhiều sân não, nguyện khi thành tựu Vô thượng Bồ-đề ta sẽ độ thoát chúng. Ở mọi nơi, thấy họ cầu Bồ-đề. Khi ấy, ta hoan hỷ nhìn họ bằng diện mạo rạng rỡ không tỏ vẻ phiền hà. Tâm ta kiên cố không bị các phiền não làm động.”

A-nan! Nếu người ở trong hàng Bồ-tát có thể sinh tâm như vậy, nên biết đó là người tu hạnh Bồ-tát.

Lại nữa, A-nan! Đối với người ở hàng Thanh văn thì các Đại Bồ-tát không nên khinh mạn… cho đến đối với tất cả chúng sinh cũng không nên có tư tưởng đó.

A-nan bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Bồ-tát phải sống với Bồ-tát như thế nào?

Phật bảo A-nan:

–Các Bồ-tát cũng sống chung với nhau nên xem nhau như Phật, như bậc Thầy của mình, cùng ngồi một xe, cùng đi một đường, vị kia học được pháp gì mình cũng học theo, cùng nhau an trụ và tu học đúng với đạo Bồ-tát. Nếu họ học linh tinh, thì chẳng phải là điều mình cần học, còn như họ học bằng trạch pháp, khế hợp với Nhất thiết trí thì ta cũng học như vậy.

A-nan! Đại Bồ-tát thường học như thế, chính là nơi mà bạn đồng học nên sống chung. Người học như thế quyết định thành tựu Vô thượng Bồ-đề.