SỐ 192
PHẬT SỞ HÀNH TÁN
Nguyên tác: Mã Minh Bồ-tát.
Hán dịch: Đời Bắc Lương, Tam tạng Pháp sư Đàm Vô Sấm, người xứ Thiên trúc.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 5

Phẩm 28: PHÂN CHIA XÁ-LỢI

Các chúng Lực sĩ kia
Kính thờ xá-lợi Phật
Dùng hương hoa tốt đẹp
Cúng dường Đấng Vô Thượng.
Bấy giờ vua bảy nước
Biết Phật đã diệt độ
Sai sứ đến Lực sĩ
Xin chia xá-lợi Phật.
Các chúng Lực sĩ kia
Vì kính trọng thân Phật
Và cậy sức mạnh mình
Nên khởi tâm kiêu mạn
Thà bỏ thân mạng mình
Không bỏ xá-lợi Phật.
Sứ trở về tay không
Bảy vua rất giận dữ
Dấy binh như mây mưa
Kéo đến thành Cưu-di.
Nhân dân ra thành thấy
Đều sợ hãi trở về
Bảo các chúng Lực sĩ:
“Binh mã các nước đến
Binh voi, ngựa, xe, bộ
Bao vây thành Cưu-di
Các khu vườn ngoài thành
Ao, suối, cây, hoa quả
Bị binh chúng dày xéo
Thảy đều bị tàn phá.”
Lực sĩ lên thành thấy
Cơ nghiệp bị phá hoại
Liền chuẩn bị chiến cụ
Để đối phó kẻ địch
Cung, nỏ và xe, đá
Đuốc bay… đều đưa đến.
Bảy vua, vây quanh thành
Binh chúng đều tinh nhuệ
Uy vũ rất rõ ràng
Trông như bảy luồng sáng
Chuông, trống như sấm nổ
Dũng khí tợ mây mù.
Lực sĩ rất giận dữ
Mở cửa thành đón giặc
Các nam nữ trưởng túc
Tâm kính tin Phật pháp
Kinh sợ phát nguyện thành:
“Kính phục họ, không hại
Thân thiện, khuyên can nhau
Chẳng muốn họ đánh nhau.”
Dũng sĩ mặc áo giáp
Huơ giáo, múa kiếm dài
Chuông trống rền bãi chiến.
Cầm giáo chưa giao tranh
Có một Bà-la-môn
Tên là Độc-lâu-na
Học rộng, trí lược giỏi
Khiêm nhường, mọi người kính
Tâm Từ, ưa chánh pháp.
Bảo các vua ấy rằng:
“Xem hình thế thành kia
Một người đủ đương đầu
Huống là cùng hợp lực
Mà không hàng phục họ.
Dù có phá diệt họ
Cũng có gì tốt đâu
Đao bén nhọn đã giao
Thế không lưỡng toàn được
Đây, đó đều tổn thất
Cả hai đều thương vong.
Chiến đấu nhiều mưu toan
Tình thế khó lường được
Có khi mạnh thắng yếu
Có khi yếu thắng mạnh
Người khỏe khinh rắn độc
Ngờ đâu thân thương tổn.
Có người tính yếu mềm
Được trai gái động viên
Vào trận thành chiến sĩ
Như lửa gặp được dầu
Chớ xem thường giặc yếu
Cho họ không kham nỗi
Sức mình không đủ cậy
Không bằng sức mạnh pháp.
Thuở xưa, có vị vua
Tên Ca-lan-đà-ma
Ngồi thẳng khởi tâm Từ
Hàng phục được kẻ thù
Tuy vua bốn thiên hạ
Tiếng tăm, tài lợi nhiều
Rốt cuộc cũng tiêu tan
Như trâu no trở về.
Nên dùng pháp, dùng nghĩa
Nên tìm cách giải hòa
Đánh, thắng tăng thêm oán
Hòa, giải rồi không họa
Nay gây hận nuốt oán(4)
Việc này rất không nên
Vì muốn cúng dường Phật
Nên nhẫn nhục theo Phật.”
Như thế Bà-la-môn
Quyết định nói lời thật
Dùng nghĩa lý hòa hợp
Mà nói lời vô úy.
Bấy giờ các vua kia
Bảo Bà-la-môn rằng:
“Nay ông khéo đúng lúc
Nghĩa trí tuệ nhiêu ích
Thân mật chí thành nói
Thuận pháp, nương lý mạnh.
Lắng nghe lời ta nói
Là pháp của nhà vua
Hoặc vì tranh năm dục
Giận ghét tranh sức mạnh
Hoặc nhân việc vui chơi
Không cần phải chiến tranh
Nay chúng ta vì pháp
Chiến tranh có gì lạ!
Kiêu mạn nên trái nghĩa
Người đời còn phục tùng
Huống Phật lìa kiêu mạn
Dạy người phải khiêm nhường
Nhưng chúng ta không thể
Quên thân để cúng dường!
Thuở xưa, các vua như
Bật-sắc, Nhữu-nan-đà
Vì một cô gái đẹp
Chiến tranh tàn diệt nhau
Huống nay vì cúng dường
Thầy thanh tịch lìa dục
Mà thương thân tiếc mạng
Chẳng dùng sức đấu tranh!
Tiên vương Kiều-la-bà
Đánh với Bát-na-bà
Đánh phá nhau nhiều trận
Chính vì tham lợi lộc
Huống là thầy “Vô tham”
Mà lại tham sự sống!
Con vị tiên La-ma
Tức giận vua Thiên Tý
Phá nước, giết nhân dân
Chính là do tức giận
Huống là thầy “không sân”
Mà tham tiếc thân mạng!
Vì Tư-đà nên khiến
Ma-la giết quỷ thần
Huống thầy “không nhiếp thọ”
Không hy sinh vì đó!
A-lợi và Bà-câu
Hai quỷ thường kết oán
Chính vì sự ngu si
Nên giết hại chúng sinh
Huống là thầy “Trí tuệ”
Mà lại tiếc thân mạng!
Rất nhiều kẻ như thế
Mất mình vì vô nghĩa
Huống nay Thầy trời người
Khắp thế gian tôn kính
Mà kể thân, tiếc mạng
Không siêng cầu cúng dường!
Nếu ông muốn dứt tranh
Thì vì ta vào thành
Khuyên họ nên cởi mở
Cho nguyện ta được thỏa.
Do lời pháp của ông
Giúp tâm ta tạm yên
Như loài rắn cực độc
Nhờ sức chú tạm dừng.”
Khi ấy Bà-la-môn
Nhận lời các vua ấy
Vào thành gặp Lực sĩ
Thăm hỏi, tỏ lòng thành:
“Các vua ở ngoài kia
Mang binh khí sáng ngời
Thân mặc áo giáp trận
Tinh nhuệ như ánh trời
Dũng khí như sư tử
Đều muốn phá thành này
Nhưng họ vì pháp nên
Sợ làm đều phi pháp.
Nên sai tôi đến gặp
Chỉ muốn được giải bày
Tôi không vì đất này
Cũng chẳng cầu tiền của
Không có tâm kiêu mạn
Cũng chẳng lòng oán hờn
Chỉ vì kính đại tiên
Mà đến nơi này vậy.
Xin ngài biết ý tôi
Chống trái nhau làm gì?
Kính kia, đây như nhau
Nên làm anh em pháp.
Di linh của Thế Tôn
Nhất tâm cùng cúng dường
Tâm sẻn tiếc tiền tài
Đó thật chẳng phải đạo.
Tội sẻn pháp rất nặng
Khắp thế gian xem thường
Người quyết định không thông
Cần phải chờ pháp khách.
Không có “pháp Sát-lợi”
Đóng cửa mà tự phòng
Dạy pháp lành, dữ này
Bọn họ đều như vậy.
Nay tôi đã trộm nghĩ
Cũng dạy họ thành thật
Chớ kia, đây trái nhau
Lý nên cùng hòa hợp.
Thế Tôn còn tại thế
Thường dạy pháp nhẫn nhục
Không thuận theo Thánh giáo
Làm sao gọi cúng dường?
Người đời tranh năm dục
Tài lợi và ruộng nhà
Nếu người vì chánh pháp
Nên thuận theo thánh lý
Vì pháp mà kết oán
Thì lý này trái nhau,
Phật vắng lặng từ bi
Thường muốn an tất cả
Cúng dường Đấng Đại Bi
Mà gây điều hại lớn.
Nên chia đều xá-lợi
Mọi người được cúng dường
Thuận pháp, danh tiếng vang
Nghĩa thông, lý được nói.
Nếu họ làm phi pháp
Nên dùng pháp giảng hòa
Đó gọi là ưa pháp
Giúp pháp tồn tại lâu.
Phật dạy tất cả thí
Pháp thí là trên hết
Người thường hành tài thí
Hành pháp thí mới khó.”
Lực sĩ nghe lời đó
Lòng hổ thẹn nhìn nhau
Đáp lời Phạm chí rằng:
“Cám ân ông ý tốt
Lời thân thiện thuận pháp
Nói lý hòa chánh chân
Phạm chí cần phải nên
Thuận theo công đức mình
Khéo hòa giải kia đây
Chỉ dạy ta yếu đạo
Như chế ngựa đường mê
Trở về với đường chánh.
Nay phải dùng hòa lý
Theo như ông đã nói
Lời thành thật chẳng đoái
Sau sẽ sinh ăn năn.”
Liền mở bình xá-lợi
Chia đều làm tám phần
Tự cúng dường một phần
Bảy phần trao Phạm chí.
Bảy vua được xá-lợi
Vui mừng, cung kính nhận
Thỉnh về đất nước mình
Xây tháp để cúng dường.
Phạm chí xin Lực sĩ
Chia cho bình xá-lợi
Rồi theo bảy vua kia
Xin chia phần thứ tám
Đem về xây ngôi tháp
Tên là tháp Kim bình.
Người dân Câu-di-na
Gom lại phần tro than
Mà xây một ngôi tháp
Tên là tháp Khôi thán,
Tám vua xây tám tháp
Kim bình và Khôi thán
Như thế Diêm-phù-đề
Đầu tiên có mười tháp.
Các gái trai cả nước
Đều mang lọng hoa báu
Cúng dường tháp nước mình
Trang nghiêm như núi vàng
Các thứ kỹ nhạc trổi
Ngày đêm ca ngợi mãi.
Giờ năm trăm La-hán
Mất hẳn bóng mát Thầy
Bỗng nhiên không chỗ nương
Về núi Kỳ-xà-quật
Hợp chúng hang Đế thích
Để kiết tập Kinh tạng
Tất cả đều suy tôn
Trưởng lão A-nan-đà:
“Giáo pháp do Phật nói
Lớn nhỏ ngài đều nghe
Tỳ-đề-kê Mâu-ni
Hãy nói đại chúng nghe.”
A-nan giữa đại chúng
Bước lên tòa Sư tử
Nói lại lời Như Lai
Rằng “Tôi nghe như vầy”
Cả chúng đều rơi lệ.
Từ ngữ tôi nghe này
Đúng pháp, đúng thời gian
Đúng chỗ, đúng người nghe
Nói ra liền ghi chép
Rốt ráo thành Kinh tạng
Siêng tìm cách tu học
Đều đã được Niết-bàn
Nay được và sẽ được.
Niết-bàn cũng như thế
Vua Vô Ưu ra đời
Làm cho kẻ mạnh buồn
Người yếu thì hết lo
Như cây hoa Vô ưu
Đứng đầu ở Diêm-phù
Tâm thường không lo lắng
Kính tin sâu chánh pháp
Nên hiệu vua Vô Ưu
Con cháu vua Khổng Tước.
Sinh ra từ chánh tánh
Cứu giúp khắp chúng sinh
Xây dựng các tháp miếu
Tên trước Cường Vô Ưu
Nay đổi Pháp Vô Ưu
Mở tháp bảy vua kia
Lấy toàn bộ xá-lợi
Phân bố một ngày xây
Tám muôn bốn ngàn tháp.
Chỉ có tháp thứ tám
Ở tại thôn La-ma
Có Long thần giữ gìn
Vua không thể lấy được
Tuy không được xá-lợi
Biết Phật có di hài
Được Thần long cúng dường
Càng thêm tâm kính tin.
Tuy vua thống lĩnh nước
Mà chứng được Sơ quả
Khiến cho khắp thiên hạ
Cúng dường tháp Như Lai
Quá khứ, vị lai, nay
Thảy đều được giải thoát.
Như lai hiện ở đời
Niết-bàn và xá-lợi
Người cung kính cúng dường
Phước kia không khác nhau,
Tuệ sáng, tâm tăng thượng
Quán công đức Như Lai
Giữ đạo cúng dường Phật
Phước đó cũng đều tốt.
Phật được pháp cao quý
Đáng nhận mọi cúng dường
Đã đến cõi bất tử
Người tin cũng được an
Cho nên các trời, người
Đều nên thường cúng dường.
Đại từ bi bậc nhất
Thông đạt nghĩa đệ nhất
Độ tất cả chúng sinh
Ai nghe chẳng cảm động
Khổ sinh, già, bệnh, chết
Khổ thế gian không hơn
Khổ chết, là lớn nhất
Là điều các trời sợ
Lìa hẳn hai thứ khổ
Vì sao không cúng dường?
Không thọ vui thân sau
Đứng đầu vui thế gian
Thêm lớn nỗi khổ sinh
Khổ thế gian nào bằng!
Phật lìa được khổ sinh
Không thọ vui thân sau
Rộng bày rõ cho đời
Vì sao không cúng dường?
Khen các Đấng Mâu-ni
Việc đã làm trước sau
Không tự bày thấy hết
Cũng không cầu danh lợi
Thuận theo lời trong kinh
Để cứu giúp cõi thế.

(4). Dịch thoát ý.