SỐ 192
PHẬT SỞ HÀNH TÁN
Nguyên tác: Mã Minh Bồ-tát.
Hán dịch: Đời Bắc Lương, Tam tạng Pháp sư Đàm Vô Sấm, người xứ Thiên trúc.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 5

Phẩm 23: THẦN LỰC TRỤ THỌ

Khi ấy Tỳ-xá-ly
Các Trưởng giả, Ly-xá
Nghe Thế Tôn đến nước
Ngự vườn Am-ma-la
Họ ngồi xe lụa trắng
Lọng báu, y phục đẹp
Xanh, đỏ, vàng… tươi thắm
Mỗi đoàn một hình thức
Dẫn tùy tùng trước sau
Tranh nhau để tới trước,
Mũ báu, y phục đẹp
Trang sức toàn châu báu
Uy dung thật rạng rỡ
Khu vườn kia thêm sáng
Xả bỏ năm uy nghi
Xuống xe đi bộ đến
Thân kính, dứt kiêu mạn
Đảnh lễ dưới chân Phật.
Đại chúng vây quanh Phật
Như mặt trời thêm sáng
Ly-xa tên Sư Tử
Đứng đầu các Ly-xa
Dáng mạo như sư tử
Là tôi trung sư tử
Bỏ kiêu mạn sư tử
Thọ giáo Thích Sư tử
Rằng: “Oai đức các vị
Vọng tộc, hình dung đẹp
Bỏ kiêu mạn thế gian
Thọ pháp càng thêm sáng.
Trang sức bằng hương hoa
Không bằng giới trang nghiêm
Đất nước giàu, an vui
Thì các vị vinh hiển.
Vinh thân mà an dân
Là do điều phục tâm
Lại thêm tâm ưa pháp
Khiến công đức càng cao
Không phải bọn hẹp hòi
Nhóm được các hiền tài
Phải ngày tu công đức
Biết vỗ về muôn dân
Trị dân bằng chánh pháp
Như trâu chúa lội sông.
Nếu người tự suy nghĩ
Đời nay và đời sau
Phải nên tu chánh giới
Phước lợi hai đời an
Được mọi người kính trọng
Tiếng khen khắp gần xa
Người hiền thích làm bạn
Tiếng thơm lưu truyền mãi.
Ngọc đá quý núi rừng
Đều có từ đất ấy
Giới đức cũng như đất
Các thiện từ đó sinh.
Muốn bay mà không cánh
Qua sông không có thuyền
Người không có giới hạnh
Cứu khổ là thật khó.
Như cây hoa quả ngon
Gai góc khó vịn leo
Học rộng bị nữ sắc
Người phá giới cũng thế.
Ngồi thẳng lầu gác đẹp
Tâm vua tự trang nghiêm
Đủ tịnh giới công đức
Được Đại tiên hóa độ
Vận y phục lông chim
Đầu cạo sạch râu tóc
Không tu trì giới đức
Mới chịu các khổ nạn.
Ngày đêm tắm ba lần
Thờ lửa tu khổ hạnh
Thân có mùi dã thú
Vào nước, lửa, nhảy vực
Ăn củ, quả, rau xanh
Uống nước sông, gió mát
Tuyệt lương, thở khí trời
Và lìa bỏ chánh giới
Tu đạo cầm thú này
Không phải là pháp khí.
Phá giới còn bài báng
Người nhân chẳng gần gũi
Trong tâm thường sợ hãi
Tiếng xấu như hình bóng
Đời này không lợi ích
Đời sau đâu được yên.
Vì thế người trí tuệ
Phải tu trì tịnh giới
Cánh đồng rộng sinh tử
Giới là người dẫn đường
Trì giới do sức mình
Việc này chẳng phải khó.
Tịnh giới là thềm thang
Giúp người sinh cõi trời
Người giữ vững tịnh giới
Là do phiền não nhẹ
Tội lỗi phá tâm đạo
Làm mất công đức lành
Phải nên bỏ ngã sở
Ngã sở che điều lành
Như tro phủ than hồng
Chân đạp liền bị phỏng
Kiêu mạn che phủ tâm
Như trời ẩn trong mây.
Hổ thẹn diệt biếng nhác
Chí mạnh lo buồn yếu
Già bệnh phá thân trẻ
Ngã mạn diệt các thiện.
Các trời, A-tu-la
Tham ganh nên đánh nhau
Đánh mất các công đức
Đều do kiêu mạn phá:
Ta hơn hết tất cả
Công đức ta cũng hơn
Ta thắng kẻ yếu hơn
Đó chính là người ngu.
Dòng họ đều vô thường
Dao động chẳng tạm an
Rốt cuộc cũng tiêu tan
Sao kiêu mạn làm gì?
Tham dục là họa lớn
Dối thân mà oán ngầm
Lửa mạnh từ trong phát
Lửa tham cũng như vậy.
Tâm tham dục lẫy lừng
Còn hơn lửa thế gian
Lửa hừng, nước dập tắt
Tham ái khó tiêu được.
Lửa hừng đốt đồng cỏ
Cỏ cháy mọc cỏ khác
Lửa tham dục đốt tâm
Thì chánh pháp sinh khó.
Tham dục muốn vui đời
Vui thêm nghiệp bất tịnh
Nghiệp ác đọa đường ác
Oán không hơn tham dục.
Tham thì sinh ra ái
Ái thì theo các dục
Theo dục với các khổ
Tội ác, tham lớn nhất.
Tham là căn bệnh nặng
Thuốc trí trị người ngu
Tà giác, nghĩ bất chánh
Làm tăng thêm tham dục.
Vô thường, khổ, bất tịnh
Vô ngã, vô ngã sở
Trí tuệ quán chân thật
Diệt được tà tham ấy.
Cho nên đối cảnh giới
Phải tu quán chân thật
Quán chân thật đã sinh
Thì dứt được tham dục.
Thấy đức sinh tham dục
Thấy lỗi sinh tức giận
Đức, lỗi quên cả hai
Tham sân được dứt bỏ.
Tức giận đổi hình dung
Mất đi vẻ xinh đẹp
Tức giận mờ mắt sáng
Hại pháp nghĩa muốn nghe.
Cắt đứt nghĩa thân ái
Bị người đời khinh thường
Cho nên phải bỏ giận
Đừng để cho tâm giận.
Dứt được tâm giận cuồng
Là người khéo điều phục
Đời gọi khiển ngựa giỏi
Đó là người nắm dây
Giận dữ không kềm lại
Lửa hối hận liền cháy.
Nếu người sinh tức giận
Trước tự đốt tâm mình
Sau đó hại cả kia
Hoặc đốt hoặc không đốt.
Khổ, sinh, già, bệnh, chết
Ép bức các chúng sinh
Lại thêm tâm giận tức
Đã oán lại thêm oán
Thấy đời các khổ ngặt
Nên sinh tâm Từ bi.”
Chúng sinh khởi phiền não
Thêm lắm điều trái đạo
Như Lai khéo phương tiện
Tùy bệnh mà nói lược
Thí như thầy thuốc hay
Tùy bệnh mà bốc thuốc.
Khi ấy các Ly-xa
Nghe pháp do Phật nói
Liền dậy lễ chân Phật
Vui mừng mà lãnh thọ
Thỉnh Phật và chúng Tăng
Ngày mai thiết lễ cúng
Phật bảo các Ly-xa:
“Am-ma-la đã thỉnh.”
Ly-xa lòng hổ thẹn
Sao nàng đoạt lợi Ta?
Biết tâm Phật bình đẳng
Nên sinh tâm vui theo.
Như Lai khéo tùy nghi
An ủi khiến họ vui
Điều phục khiến trở về
Như rắn bị thần chú.
Hết đêm, rạng sáng ra
Phật và cả đại chúng
Đến nhà Am-ma-la
Thọ nàng dâng cúng xong,
Đi đến thôn Tỳ-nữu
Để kiết hạ an cư.
Ba tháng an cư xong
Về nước Tỳ-xá-ly
Trú bên ao Di-hầu
Ngồi ở dưới cội cây
Phát ánh sáng rực rỡ
Cảm đến ma Ba-tuần
Họ liền đến chỗ Phật
Chắp tay khuyến thỉnh rằng:
“Xưa bên sông Ni-liên
Đã phát thệ chân thật
Nếu việc hoàn thành xong
Ta sẽ vào Niết-bàn
Nay việc đã hoàn thành
Đã toại với bản tâm”.
Phật bảo ma Ba-tuần:
“Ngày diệt độ không xa
Chỉ sau ba tháng nữa
Ta sẽ vào Niết-bàn.”
Thiên ma biết Như Lai
Sắp đến ngày diệt độ
Ý muốn đã thỏa mãn
Vui mừng trở về trời.
Như Lai ngồi dưới cây
Chánh thọ “Tam-ma-đề”
Xả tuổi thọ nghiệp báo
Dùng sức thần trụ mạng.
Vì Như Lai xả thọ
Khắp mặt đất rung chuyển
Hư không trong mười phương
Lửa hừng cháy đầy khắp
Đỉnh Tu-di lở ngã
Trời mưa đá sỏi bay
Bốn bề gió bão dậy
Cây cối đều đổ gãy.
Nhạc trời trổi bi ai
Tâm người, trời hết vui.
Đức Phật liền xuất định
Bảo khắp các chúng sinh:
“Nay Ta đã xả thọ
Dùng định lực sống thôi
Thân như xe cũ mục
Không còn tới lui được
Đã thoát ra ba cõi
Như chim phá trứng ra.”