SỐ 192
PHẬT SỞ HÀNH TÁN
Nguyên tác: Mã Minh Bồ-tát.
Hán dịch: Đời Bắc Lương, Tam tạng Pháp sư Đàm Vô Sấm, người xứ Thiên trúc.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 5

Phẩm 25: NIẾT-BÀN

Phật đến nơi Niết-bàn
Tỳ-xá-ly vắng lặng
Giống như đêm mây mờ
Trăng sao không phát sáng
Đất nước trước an vui
Mà giờ chóng điêu tàn.
Buồn như chôn cha hiền
Cô nữ buồn một mình
Như xinh đẹp, thất học
Thông minh mà phước mỏng
Tâm thông mà nói lắp
Trí sáng mà thiếu tài
Thần thông, không oai nghi
Từ bi nhưng luống dối
Cao quý, không thế lực
Uy nghi nhưng không pháp
Tỳ-xá-ly cũng vậy
Trước sung, nay tiêu điều.
Như ruộng lúa mùa thu
Mất nước đều khô héo
Như lửa tắt hết khói
Hoặc quên cả uống ăn
Việc công tư phế bỏ
Không làm các việc đời
Nhớ Phật, cảm ân sâu
Im lặng đều không nói.
Giờ, Ly-xa Sư tử
Ráng nén nỗi đau buồn
Tiếng khóc thương ủ rũ
Bày tỏ tâm luyến lưu:
“Phá bỏ các nẻo tà
Hiển bày nền chánh pháp
Đã hàng các ngoại đạo
Ra đi không quay về
Đời mất đạo xuất thế
Vô thường là bệnh lớn.
Thế Tôn vào vắng lặng
Không nương, không cứu giúp
Bậc phương tiện trên hết
Nơi rốt ráo vắng bặt
Chúng ta mất chí mạnh
Như lửa không có củi.
Thế Tôn bỏ ấm thân
Chúng sinh thật đau buồn
Như người mất sức thần
Cả thế gian buồn bã.
Xuống ao mát tránh nóng
Gặp lạnh, phải hơ lửa
Bỗng nhiên đều trống rỗng
Chúng sinh nương tựa ai?
Thông đạt pháp thù thắng
Người thợ nắn thế gian
Thế gian mất chủ rồi
Người mất thì đạo diệt
Già, bệnh, chết cùng khắp
Đạo mất, phi đạo thạnh
Thế gian giờ còn ai?
Phá tan máy đại khổ
Lửa hừng hực thiêu đốt
Mưa lớn làm dập tắt
Lửa tham dục cháy hừng
Ai người dập tắt được?
Người gánh vác vững vàng
Đã bỏ nhiệm vụ rồi
Lại dùng sức tuệ gì
Làm người bạn không mời?
Như người bị xử tù
Sắp chết nên mê mẩn
Chúng sinh thức mê lầm
Chỉ vì chết, thọ sinh.
Xẻ gỗ bằng cưa bén
Vô thường xẻ thế gian
Si ám là nước sâu
Ái dục là sóng lớn
Phiền não là bọt nổi
Tà kiến cá Ma-kiệt
Chỉ có thuyền trí tuệ
Mới qua biển lớn ấy.
Các bệnh là cây, hoa
Suy già là cành, nhánh
Chết là gốc rễ sâu
Nghiệp chính là mầm chồi
Dao bén trí tuệ cứng
Chặt được “cây ba cõi”.
Vô minh vật mồi lửa
Tham dục là lửa bừng
Năm dục: củi cảnh giới
Dập tắt bằng nước trí
Đầy đủ pháp thù thắng
Thì diệt bỏ si ám.
Thấy đường chánh yên ổn
Dứt hết các não phiền
Từ bi hóa độ chúng
Oán, thân không tướng khác
Nhất thiết trí thông đạt
Mà nay đều xả bỏ.
Lời thanh tịnh dịu dàng
Thân vuông, tay thon dài
Đại tiên còn phải chết
Người nào sống vô cùng?
Phải biết thời đổi nhanh
Nên siêng cầu chánh pháp
Như đường hiểm gặp nước
Thì uống mau, lên đường.
Vô thường rất bạo ngược
Giết không kể sang hèn
Trong tâm có chánh quán
Tuy ngủ nhưng thường giác.”
Bấy giờ chúng Ly-xa
Thường nghĩ trí tuệ Phật
Nhàm chán lìa sinh tử
Kính mến thân Sư tử
Không còn ân ái đời
Rất kính đức ly dục
Chiết phục tâm lăng xăng
Tâm an nơi vắng lặng
Siêng thực hành bố thí
Xả bỏ thói kiêu mạn
Một mình tu thảnh thơi
Suy nghĩ pháp chân thật.
Bấy giờ Đức Thế Tôn
Thân mình như Sư tử
Ngắm trông thành Tỳ-xá
Mà nói kệ giã từ:
“Lần cuối cùng của Ta
Đến thành Tỳ-xá-ly
Đến đất nước Lực sĩ
Sẽ nhập vào Niết-bàn”.
Ngài dần dần đi đến
Thành phố Bồ-da kia
Nghỉ lại rừng Kiên cố
Dạy các Tỳ-kheo rằng:
“Nay vào lúc nửa đêm
Ta sẽ nhập Niết-bàn
Các ông phải y pháp
Chính là chỗ cao quý
Cái gì không Khế kinh
Cũng không thuận giới luật,
Trái với nghĩa chân thật
Thì không nên tu tập.
Trái pháp, cũng trái luật
Lại chẳng phải Ta nói
Đó là lời nói sai
Các ông nên mau bỏ
Thọ trì lời nói đúng
Đó là không điên đảo
Đó là lời Ta nói
Như pháp, như luật dạy.
Thọ trì pháp luật Ta
Thì đó là đáng tin
Ai nói pháp Ta sai
Đó là không đáng tin,
Không hiểu nghĩa sâu nhiệm
Tin xằng theo văn tự
Thì đó là người ngu.
Không đúng pháp nói bậy
Không phân biệt chân ngụy
Không thấy nên nhận lầm
Như vàng thau lẫn lộn.
Lừa dối người thế gian
Người ngu, trí cạn cợt
Không hiểu nghĩa chân thật
Thọ trì pháp tương tợ
Cho là pháp chân thật
Vậy nên phải xét kỹ
Quán sát pháp luật chân
Như người thợ luyện vàng
Đốt, đập lấy vàng ròng.
Không hiểu các kinh luận
Thì không phải trí tuệ
Chẳng nên nói “sở ưng”
Nên làm, chẳng nên thấy
Phải thọ trì bình đẳng
Nghĩa lý như thuyết hành.
Cầm kiếm không biết cách
Thì trở lại đứt tay
Từ ngữ không khéo léo
Ý nghĩa khó biết rõ.
Như đi đêm tìm nhà
Nhà rộng đâu biết chỗ
Mất nghĩa thì quên pháp
Quên pháp tâm rong ruổi
Cho nên người trí tuệ
Không trái nghĩa chân thật.”
Nói lời dạy này rồi
Ngài đến thành Ba-bà
Các chúng lực sĩ kia
Bày các thứ cúng dường,
Có con vị Trưởng giả
Tên gọi là Thuần-đà
Thỉnh Phật đến nhà mình
Cúng bữa cơm sau rốt.
Thọ trai, nói pháp xong
Ngài đến thành Cưu-di,
Qua hai sông Quyết quyết
Và với sông Hi-liên.
Kia có rừng Kiên cố
Chỗ an ổn vắng lặng
Xuống sông Kim tắm gội
Thân như núi vàng ròng.
Phật bảo A-nan-đà:
“Trong rừng Song thọ kia
Quét dọn cho sạch sẽ
Mắc võng Ta nằm nghỉ
Ta vào nửa đêm nay
Sẽ nhập vào Niết-bàn!”
A-nan nghe Phật dạy
Nghẹn ngào lòng tê tái
Rơi lệ mà vâng làm
Mắc võng xong, bạch Phật.
Như Lai đến nằm võng
Nghiêng phải, đầu hướng Bắc
Chân chồng, tay gối đầu
Như Sư tử đầu đàn
Thân sau cùng hết khổ
Nằm rồi không dậy nữa.
Các đệ tử vây quanh
Ôi mắt thế gian nhắm
Gió dừng, rừng lạnh ngắt
Tiếng chim thú ngừng bặt
Cây ứa lệ nhựa trào
Hoa, lá rụng lao xao,
Người, trời chưa lìa dục
Thảy đều rất hoảng hốt
Như người đi đồng rộng
Đường hiểm, chưa đến làng
Chỉ sợ đi không tới
Tâm sợ, thân luống cuống.
Như Lai đã nằm xong
Ngài bảo A-nan rằng:
“Đến bảo các Lực sĩ
Đến giờ Ta Niết-bàn
Nếu họ không gặp Ta
Mãi hận, sinh khổ lớn!”
A-nan vâng lời Phật
Đi dọc đường than khóc
Bảo các Lực sĩ rằng:
“Thế Tôn sắp Niết-bàn”.
Các Lực sĩ nghe tin
Sinh tâm rất sợ hãi
Trai, gái đều chạy vội
Đến chỗ Phật khóc thương
Tóc bù, áo xốc xếch
Thân mồ hôi nhễ nhại
Gào khóc kéo đến rừng
Giống như phước trời hết.
Rơi lệ, lễ chân Phật
Thân buồn rầu, héo hắt.
Như Lai an ủi rằng:
“Các ngươi chớ buồn thương
Lúc này nên tùy hỷ
Không nên sinh buồn bã.
Ta tu hành nhiều kiếp
Đến nay mới đạt được
Đã độ xong căn, cảnh
Chỗ mát mẻ vô tận
Lìa đất, nước, lửa, gió
Vắng lặng, không sinh diệt
Dứt hẳn sự buồn khổ
Sao vì Ta đau đớn?
Trước ở núi Già-xà
Ta muốn bỏ thân này
Vì nhân duyên đời trước
Nên tại thế đến nay.
Giữ thân mong manh này
Như ở chung rắn độc
Nay vào cõi vắng lặng
Các duyên khổ đã hết
Chẳng còn thọ thân nữa
Khổ vị lai dứt hẳn
Các ngươi cũng đừng nên
Vì Ta mà sợ hãi”.
Lực sĩ nghe Phật nói
Ngài sẽ nhập Niết-bàn
Tâm rối loạn, mắt mờ
Thấy cả trời tối tăm
Chắp tay, bạch Phật rằng:
“Phật dứt khổ sinh tử
Mãi vui với vắng lặng
Chúng con thật vui mừng
Như ngôi nhà bị cháy
Tự chạy ra khỏi lửa.
Các trời còn vui mừng
Huống chi người thế gian
Sau khi Phật Niết-bàn
Chúng sinh không còn thấy
Không còn được cứu giúp
Cho nên sinh buồn khổ.
Như những người đi buôn
Đi trên đồng rộng xa
Chỉ một người dẫn đường
Bỗng nhiên chết giữa đường
Mọi người mất chỗ nương
Làm sao không buồn lo.
Hiện đời tự chứng biết
Được tất cả tri kiến
Mà không được lợi ích
Bị thế gian chê cười
Thí như qua núi báu
Người ngu vẫn nghèo khổ!”
Các vị Lực sĩ này
Hướng về Phật buồn thương
Giống như người một con
Buồn thương nhớ cha hiền.
Phật dùng lời khéo léo
Nêu bày nghĩa bậc nhất
Bảo các Lực sĩ rằng:
“Thật như lời ngươi nói
Cầu đạo phải tinh tấn
Không chỉ thấy Ta được
Mà hành theo lời Ta
Thoát ra lưới các khổ
Hành đạo ở trong lòng
Cần gì phải có Ta
Cũng như người bị bệnh
Theo toa thuốc uống hay
Thì bệnh tự nhiên hết
Không cần thấy thầy thuốc.
Không làm theo lời Ta
Thấy Ta cũng chẳng lợi
Tuy rằng xa cách Ta
Hành pháp vẫn gần Ta
Ở chung, không hành pháp
Nên biết vẫn xa Ta.
Giữ tâm, chớ buông lung
Tinh tấn tu chánh nghiệp
Người sống ở thế gian
Các khổ mãi bức bách
Dao động không yên được
Cũng như đèn trước gió”.
Bấy giờ các Lực sĩ
Nghe Phật từ bi dạy
Cảm động, nhưng không khóc
Gắng nén lòng ra về.