SỐ 192
PHẬT SỞ HÀNH TÁN
Nguyên tác: Mã Minh Bồ-tát.
Hán dịch: Đời Bắc Lương, Tam tạng Pháp sư Đàm Vô Sấm, người xứ Thiên trúc.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 5

Phẩm 26: ĐẠI BÁT-NIẾT-BÀN

Bấy giờ, có Phạm chí
Tên Tu-bạt-đà-la
Có đầy đủ đức tốt
Tịnh giới, giúp chúng sinh
Lúc nhỏ theo tà kiến
Xuất gia theo ngoại đạo
Muốn đến gặp Thế Tôn
Bảo ngài A-nan-đà:
Rằng: “Ta nghe đạo Phật
Nghĩa sâu, khó đo lường
Vô Thượng Giác thế gian
Điều Ngự Sư bậc nhất
Nay sắp nhập Niết-bàn
Khó có thể gặp lại.
Người khó thấy, khó gặp
Khó thấy, thấy được, khó
Cũng như trăng trong gương
Nay ta muốn được thấy
Bậc Đạo Sư vô thượng
Vì cầu dứt các khổ
Qua bờ sinh tử kia
Mặt trời Phật sắp lặn
Tôi mong được tạm thấy!”
Lòng A-nan thương cảm
E rằng việc thưa hỏi
Làm bận rộn Thế Tôn
Nên chẳng cho gặp Phật.
Biết vị ấy mong mỏi
Xứng đáng là pháp khí
Phật bảo A-nan rằng:
“Cho phép ngoại đạo kia
Ta vì độ chúng sinh
Thầy chớ làm khó người!”
Tu-bạt-đà nghe vậy
Sinh tâm rất vui mừng
Tâm ưa pháp càng sâu
Cung kính đến trước Phật
Lúc ấy tùy thuận nói
Lời êm dịu thăm hỏi
Vui vẻ chắp tay thưa:
“Nay có điều muốn hỏi
Đời có người biết pháp
Bằng như con rất nhiều
Chỉ nghe Phật chứng được
Đạo giải thoát lạ thường
Xin nói lược con nghe
Thấm nhuần tâm khao khát
Không vì tranh luận nhau
Cũng không tâm thắng thua!”
Phật vì Phạm chí kia
Nói lược tám chánh đạo
Nghe liền hết lòng nhận
Như lạc gặp đường chánh
Hiểu được điều trước học
Không phải đạo rốt ráo
Liền được chưa từng được
Lìa bỏ con đường tà
Hết cả chướng si ám
Suy nghĩ điều trước tu
Toàn sân nhuế, ngu si
Nuôi lớn nghiệp bất thiện
Các ái, nhuế, si thảy
Sinh khởi các nghiệp lành
Tuệ học rộng tinh tấn
Cũng do có ái sinh
Nếu dứt bỏ nhuế si
Thì lìa được các nghiệp.
Các nghiệp đã dứt bỏ
Gọi là Giải thoát nghiệp
Người giải thoát các nghiệp
Không tương ứng với nghĩa
Thế gian nói tất cả
Thảy đều có tự tánh.
Người có ái, sân, nhuế
Si mà có tự tánh
Thì phải nên thường còn
Làm sao mà giải thoát?
Dù cho nhuế, si hết
Có ái lại sinh nữa
Như tự tánh nước lạnh
Nhờ lửa nên thành nóng
Hết nóng trở lại lạnh
Do tự tánh là thường.
Nên biết tánh hữu ái
Văn, tuệ tiến không thêm
Không tăng cũng không giảm
Làm sao mà giải thoát?
Trước cho sinh tử kia
Vốn từ trong tánh sinh
Nay xem ra nghĩa ấy
Là không được giải thoát
Tánh thì phải thường trụ
Làm sao có rốt ráo?
Thí như đèn thắp sáng
Làm sao có tối được
Đạo Phật nghĩa chân thật
Duyên ái sinh thế gian.
Ái hết thì Niết-bàn
Nhân diệt thì quả mất.
Vốn cho ngã khác thân
Chẳng thấy, không tác giả
Nay nghe chánh giáo Phật
Thế gian không có “ta”
Các pháp do duyên sinh
Không hề có Tự tại!
Nhân duyên sinh nên khổ
Nhân duyên diệt cũng thế.
Quán đời nhân duyên sinh
Thì dứt được đoạn kiến
Duyên lìa, thế gian diệt
Thì xa lìa thường kiến.
Bỏ hết cái đã thấy
Hiểu sâu chánh pháp Phật
Đời trước trồng nhân lành
Nghe pháp liền giác ngộ
Được vắng lặng hoàn toàn
Chỗ mát mẻ vô tận
Lòng thông, tịnh tính tăng
Tâm mở tin thêm vững.
Chiêm ngưỡng Như Lai nằm
Chẳng nỡ thấy Như Lai
Bỏ đời vào Niết-bàn
Và Phật chưa diệt độ
Ta phải diệt độ trước.
Chắp tay lễ từ Phật
Rồi ngồi ngay một bên
Xả thọ vào Niết-bàn
Như mưa tắt lửa nhỏ.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Đệ tử cuối của Ta
Giờ đây đã Niết-bàn
Các thầy phải cúng dường.”
Trời đầu hôm đã qua
Trăng sáng, sao lung linh
Cả khu rừng vắng lặng.
Phật khởi tâm đại bi
Dạy đệ tử lần chót
Rằng: “Ta Niết-bàn rồi
Các thầy phải cung kính
Ba-la-đề-mộc-xoa
Đó là thầy các vị
Đèn sáng trong đêm dài
Của báu cho người nghèo.
Những điều đã dạy bảo
Các thầy phải thuận theo
Không khác thờ phụng Ta
Phải giữ gìn thân, miệng
Bỏ các nghề sinh sống
Ruộng, nhà, nuôi gia súc,
Chứa tiền của, ngũ cốc
Phải lìa xa tất cả
Như tránh hố lửa lớn.
Đào đất, trồng cây cỏ
Chế thuốc, trị các bệnh
Ngước xem các lịch số
Tìm vận hạn lành dữ
Xem tướng coi tốt xấu
Tất cả không nên làm.
Tiết chế, ăn đúng giờ
Không nhận làm sứ giả
Không hòa hợp chế thuốc
Cũng không được nịnh hót
Vật nuôi sống đúng pháp
Thọ nhận, nên biết lượng,
Vừa đủ, không chứa để.
Đó là lược nói giới
Là gốc của các giới
Cũng là gốc giải thoát
Nương pháp này sẽ sinh
Tất cả các chánh thọ.
Tất cả trí chân thật
Nhờ đó được rốt ráo
Cho nên phải giữ gìn
Chớ để cho đoạn diệt.
Tịnh giới không đoạn diệt
Nên có các pháp lành
Nếu không, không pháp lành
Nhờ giới được xây dựng.
Nên sống với tịnh giới
Khéo giữ gìn các căn
Như người chăn trâu giỏi
Không để trâu hung hăng,
Không giữ ngựa các căn
Rong ruổi theo sáu cảnh
Đời này bị tai họa
Đời sau vào đường ác.
Thí như ngựa không điều
Làm người rơi xuống hố
Cho nên người trí sáng
Chẳng nên buông các căn
Các căn rất hung dữ
Là kẻ thù của người.
Chúng sinh yêu các căn
Trở lại bị chúng hại.
Oán sâu hơn rắn độc
Cọp dữ và lửa hừng
Điều ác nhất trên đời
Mà người trí không sợ
Chỉ sợ tâm lao chao
Dẫn người vào đường ác
Vì ưa chút mật ngọt
Không thấy chỗ hiểm sâu
Voi điên mất móc bén
Khỉ, vượn vào rừng cây
Tâm lao chao như thế
Người trí phải giữ gìn.
Tâm tha hồ buông lung
Không hề được vắng lặng
Cho nên phải giữ tâm
Chóng đến nơi an tịnh.
Ăn uống biết tiết chế
Phải như cách uống thuốc
Chớ vì việc uống ăn
Mà sinh tâm tham sân,
Ăn uống dứt đói khát
Như thoa mỡ xe cũ.
Như ong hút mật hoa
Không hại hương sắc hoa
Tỳ-kheo đi khất thực
Chớ hại lòng tin tốt;
Nếu người mở tâm cho
Nên xét khả năng họ
Không lượng sức của trâu
Chở nặng bị thương tổn.
Ba thời sáng, trưa, chiều
Lần lượt tu chánh nghiệp
Đầu hôm và gần sáng
Cũng chớ ham ngủ nghỉ
Giữa đêm nhiếp tâm nằm
Buộc niệm trong tướng sáng
Chớ ngủ nghỉ trọn đêm
Để cuộc đời luống qua
Lửa thời gian đốt thân
Tại sao lại yên ngủ?
Các kẻ thù phiền não
Thừa dịp mà theo hại.
Tâm mờ mệt ngủ nghỉ
Chết đến, ai giác được?
Rắn độc trốn trong nhà
Chú hay đuổi ra được
Rắn đen ở trong tâm
Chú hay minh giác đuổi
Không đuổi mà ngủ mãi
Là người không hổ thẹn.
Thẹn là áo làm đẹp
Thẹn là móc giữ voi
Hổ thẹn giúp tâm định
Không thẹn mất căn lành
Hổ thẹn đời gọi hiền
Không thẹn, đồng cầm thú.
Nếu người dùng dao bén
Xẻ thân thành từng phần
Tâm chẳng nên tức giận
Miệng không nói lời ác.
Nghĩ ác và nói ác
Hại mình, không hại người.
Giữ thân tu khổ hạnh
Không gì hơn nhẫn nhục
Chỉ có hành nhẫn nhục
Sức vững bền khó phục
Cho nên chớ mang hờn
Dùng lời ác với người.
Giận phá hoại chánh pháp
Phá hoại vẻ xinh đẹp
Mất hết mọi tiếng khen.
Lửa sân tự đốt tâm
Kẻ thù của công đức
Yêu công đức chớ sân.
Tại gia nhiều phiền não
Nên giận hờn không lạ
Xuất gia mà tức giận
Điều đó thật trái lý.
Như khiến trong nước lạnh
Mà có lửa phát ra
Nếu sinh tâm kiêu mạn
Phải tự tay rờ đầu
Cạo tóc, mặc y nhuộm
Tâm cầm bát khất thực
Bên lề đời tự sống
Sao lại sinh kiêu mạn?
Người tục dựa dòng họ
Kiêu mạn còn có lỗi
Huống gì người xuất gia
Chí cầu đạo giải thoát
Lại sinh tâm kiêu mạn
Là điều không thể được.
Tánh cong, thẳng trái nhau
Như sương, lửa không chung
Xuất gia tu đường ngay
Thì không nên tà vạy.
Dua nịnh và luống dối
Chỉ pháp, không lường gạt
Cầu nhiều chính là khổ
Ít muốn thì an vui.
Vì an nên ít muốn
Huống cầu chân giải thoát.
Bỏn sẻn, sợ người xin
Làm hao tài sản mình
Người thích thí cũng sợ
Sợ không đủ của thí.
Cho nên phải ít muốn
Thí họ tâm không sợ
Nhờ tâm ít muốn này
Mà được đạo giải thoát
Nếu muốn cầu giải thoát
Cũng nên phải biết đủ.
Biết đủ thường vui vẻ
Vui vẻ chính là pháp.
Vật nuôi sống tuy xấu
Biết đủ nên thường an.
Người mà không biết đủ
Tuy được sinh cõi trời
Lửa khổ vẫn đốt tâm
Vì họ không biết đủ.
Giàu mà không biết đủ
Đó cũng là nghèo khổ
Dù nghèo mà biết đủ
Chính là giàu bậc nhất.
Người mà không biết đủ
Cảnh năm dục càng rộng
Càng tham cầu không chán
Đêm dài ruổi theo khổ.
Ham nhiều tâm lo lắng
Trái lại với biết đủ.
Không nhận nhiều quyến thuộc
Tâm kia thường được yên.
Vì yên ổn, vắng lặng
Người, trời đều thờ phụng
Cho nên phải xa lìa
Hai quyến thuộc thân, sơ
Như cây cối giữa đồng
Bầy chim bu đậu nhiều
Chứa chúng đông cũng thế
Đêm dài chịu các khổ.
Nhiều chúng, nhiều trói buộc
Như voi già sa lầy
Nếu người siêng tinh tấn
Không lợi gì không được.
Vậy nên ngày đêm phải
Tinh tấn không biếng nhác
Khe núi, dòng nước con
Chảy mãi đá cũng mòn.
Dùi lửa không tinh tấn
Luống nhọc, không được lửa
Vậy nên phải tinh tấn
Như người khỏe dùi lửa.
Bạn lành tuy là tốt
Cũng không bằng chánh niệm
Trong tâm có chánh niệm
Các ác chẳng xâm nhập.
Cho nên người tu hành
Thường phải niệm thân mình
Nếu mất niệm đối thân
Tất cả thiện đều quên.
Thí như viên dũng tướng
Mặc giáp ngăn địch tiến.
Chánh niệm là áo giáp
Chế ngự giặc sáu trần
Chánh định giữ tâm giác
Quán thế gian sinh diệt
Cho nên người tu hành
Phải tu “Tam-ma-đề”.
Tam-muội đã vắng lặng
Dứt trừ tất cả khổ
Trí tuệ chiếu sáng ngời
Xa lìa sự nhiếp thọ
Quán bình đẳng suy nghĩ
Tùy thuận theo chánh pháp
Tại gia và xuất gia
Đều do đường này ra.
Biển lớn sinh, già, chết
Trí tuệ là thuyền nan
Vô minh toàn tối tăm
Trí tuệ là đèn sáng.
Các bệnh cấu buộc ràng
Trí tuệ là thuốc hay
Phiền não là rừng gai
Trí tuệ là búa sắc.
Si ái dòng nước trôi
Trí tuệ là chiếc cầu
Cho nên phải siêng tu
Văn, tư, tu sinh tuệ.
Đầu đủ ba thứ tuệ
Tuy mù, mắt tuệ sáng.
Không tâm tuệ, dối luống
Nên chẳng phải xuất gia.
Vì vậy phải giác biết
Lìa các pháp hư dối
Đạt được vui nhiệm mầu
Nơi vắng lặng an ổn.
Tôn sùng không buông lung
Buông lung: Kẻ thù thiện
Nếu người không buông lung
Được sinh chỗ Đế Thích
Người phóng tâm buông lung
Thì đọa A-tu-la.
Nghiệp từ bi an ủi
Nên làm Ta đã làm
Các thầy nên tinh tấn
Khéo tự tu nghiệp ấy
Nơi rừng núi an nhàn
Tâm vắng lặng thêm lớn
Phải cố gắng siêng năng
Chớ để sau hối hận.
Như vị thầy thuốc giỏi
Tùy bệnh mà cho toa
Người bệnh không chịu uống
Chẳng phải lỗi thầy thuốc?
Ta đã nói chân thật
Chỉ con đường bằng phẳng
Nghe mà chẳng chịu đi
Chẳng phải lỗi người chỉ.
Đối nghĩa bốn chân đế
Có chỗ nào không rõ
Các thầy hãy nên hỏi
Chớ che giấu điều nghi!”
Thế Tôn thương xót dạy
Chúng hội đứng lặng yên.
Bấy giờ A-na-luật
Quán sát các đại chúng
Im lặng, không còn nghi
Chắp tay bạch Phật rằng:
“Trăng nóng, mặt trời lạnh,
Gió yên, tánh đất động
Bốn thứ lầm như vậy
Thế gian đều không có.
Khổ, tập, diệt, đạo đế
Chân thật chưa từng trái
Như lời Thế Tôn nói
Chúng hội đều không nghi
Nhưng Thế Tôn Niết-bàn
Mọi người đều tiếc thương
Đối với lời Phật dạy
Đều nghĩ là rốt ráo,
Dù cho mới xuất gia
Tâm chưa hiểu sâu xa
Nghe Phật ân cần dạy
Dứt bỏ hết thắc mắc.
Đã qua biển sinh tử
Vô dục, không mong cầu
Nay đều sinh buồn thương
Than Phật sao chóng diệt.”
Phật vì A-na-luật
Nói các thứ lo buồn
Lại dùng tâm thương xót
An ủi, mà bảo rằng:
“Dù cho sống một kiếp
Rồi cũng phải chia ly
Khác thể mà hòa hợp
Lý tự không thường chung
Tự lợi, lợi tha rồi
Trụ Không cầu làm gì?
Trời, người đáng được độ
Ta đã độ giải thoát.
Này đệ tử các thầy!
Xoay vần theo chánh pháp
Biết có sinh sẽ diệt
Chớ sinh lo buồn nữa
Phải tự siêng tìm cách
Đến chỗ không biệt ly.
Ta đã đốt đèn tuệ
Soi sáng cho thế gian
Thế gian không bền chắc
Các thầy phải tùy hỷ
Như gần người bệnh nặng,
Chữa trị hết khổ nạn
Đã dứt hết khổ rồi
Ngược dòng biển sinh tử.
Dứt hẳn các khổ nạn
Đó cũng nên tùy hỷ
Các thầy khéo tự giữ
Chớ sinh tâm buông lung
Có sinh ắt có diệt
Nay Ta vào Niết-bàn
Từ đây hết nói năng
Đây là lời dạy cuối
Vào Sơ thiền tam-muội
Thứ lớp chín chánh thọ
Ngược thứ lớp chánh thọ
Lại nhập vào Sơ thiền
Sau đó xuất Sơ thiền
Nhập vào đệ Tứ thiền
Xuất định tâm vô ký
Liền nhập vào Niết-bàn.
Vì Phật nhập Niết-bàn
Mặt đất rung chuyển khắp
Không trung mưa lửa nóng
Không củi mà tự cháy,
Lại từ đất khởi lên
Tám phương đều cháy bừng
Cho đến các cõi trời
Cũng cháy hừng như thế.
Sấm chớp vang trời đất
Sét đánh rền núi non
Như tiếng trống chiến đấu
Giữa trời và Tu-la;
Gió bão nổi khắp nơi
Núi đổ, mưa tro bụi
Mặt trời, trăng lờ mờ
Nước trong đều dậy sóng;
Rừng Kiên cố héo úa
Hoa lá rụng tả tơi
Rồng bay cỡi mây đen
Rũ năm đầu rơi lệ;
Bốn vua và quyến thuộc
Ngậm ngùi đến cúng dường.
Trời Tịnh cư xuống trần
Đứng hầu giữa hư không
Xem vô thường biến đổi
Không buồn cũng không vui
Than đời lìa Thiên sư
Mất đi sao nhanh quá!
Tám bộ, các Thiên thần
Đầy khắp trong hư không
Tung hoa để cúng dường
Tâm lo lắng không vui,
Chỉ có Ma vương vui
Tấu nhạc để tự vui.
Cõi Diêm-phù mất sáng
Như núi đổ, non lở
Voi lớn bị gãy ngà
Hai sừng trâu chúa lìa
Hư không chẳng trời trăng
Hoa sen gặp sương giá
Đời tiêu điều như thế
Khi Phật nhập Niết-bàn(3)
———————————–
(3). Dịch đảo câu.