SỐ 202
KINH HIỀN NGU
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, xứ Kinh châu, quận Cao xương,
Sa-môn Tuệ Giác và các vị khác cùng dịch.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.
QUYỂN 4
Phẩm 22: ƯU-BÀ-DI MA-HA TƯ-NA
Tôi nghe như thế này.
Một thời Đức Phật trú tại tinh xá Kỳ hoàn, nước Xá-vệ, cùng với chúng đại Tỳ-kheo cung kính vây quanh. Bấy giờ Đức Phật ca ngợi một hành giả có trí tuệ rằng:
– Muốn thành Phật đạo cần phải vui thích diễn thuyết và đọc tụng kinh pháp, ngay cả giới bạch y thuyết pháp mà chư Thiên và Quỷ thần cũng đều đến nghe nhận, huống là bậc xuất gia kể cả lúc đang đi trên đường mà tụng kinh, nói kệ, thường có chư Thiên theo để nghe nhận; vì vậy cần phải siêng năng tụng kinh thuyết pháp. Vì sao cần phải biết?
Đức Phật lúc mới đến tinh xá Kỳ hoàn, công đức của Ngài được lưu truyền rộng khắp không ai mà không nghe biết. Bấy giờ có một người tốt nghe danh tiếng và đức độ của Phật, hoan hỷ vô lượng, tán dương và ca ngợi. Vì sao? Trong thế gian khi người ác mà nghe danh tiếng của người tốt thì sinh lòng đố kỵ ganh ghét, họ vui thích điều xấu ác. Bậc Hiền thiện thì luôn luôn ngăn chận điều ác, tán dương điều lành, muốn điều lành quảng bá rộng rãi, thấy người làm ác biết đó là trói buộc phiền não đáng thương xót, tha thứ. Cho nên người lành khi nghe Đức Phật ra đời ca ngợi và tuyên dương cùng khắp các nước. Vào thời Ba-tư-nặc có một nước nhỏ lân cận goi là Tỳ-nựu-càn, trong đó có một ngôi làng nhiều người có tà kiến, không tin vào Phật, Pháp và Tăng. Trong ngôi làng đó có một người nữ tên là Ma-ha Ưuba-tư-na có công việc đi đến nước Xá-vệ chỗ vua Ba-tư-nặc. Sau khi công việc xong cùng tháp tùng theo các Ưu-bà-tắc nghe về công đức của Phật, muốn được gặp Phật nên nàng đến tinh xá Kỳ hoàn, thấy tướng hảo của Phật rực rỡ trang nghiêm, liền cúi đầu mặt đảnh lễ ngang chân Đức Phật.
Khi ấy Đức Thế Tôn đang thuyết về năm giới cho đại chúng nghe: Không sát sinh thì được thọ. Không trộm cắp thì được giàu có. Không tà dâm thì được mọi người ái kính. Không nói dối thì lời nói được người khác tin. Không uống rượu thì được thông minh sáng suốt. Nàng nghe xong rất hoan hỷ, bạch Phật:
– Cúi mong Đức Thế Tôn trao cho con năm giới để con suốt đời phụng trì thanh tịnh. Dẫu cho thân mạng này có mất đi trọn đời không hủy phạm, giống như kẻ đói coi trọng thức ăn, người khát yêu quý nước uống, như người bệnh được chăm sóc, con nay hộ trì giới cấm cũng như vậy.
Đức Phật trao năm giới cho Ưu-ba-tư-na. Sau khi thọ giới xong,
Ưu-ba-tư-na bạch với Đức Thế Tôn:
– Chỗ ở của con rất xa trên đường trở về mong Ngài ban cho con một vật nhỏ gì để con thọ trì.
Đức Phật dạy:
– Quá khứ chư Phật nhiều như số cát sông Hằng đều nói kinh Pháp Cú, chư Phật vị lai số lượng như cát sông Hằng cũng nói kinh đó. Khi ấy Đức Thế Tôn dạy kinh Pháp Cú cho Ưu-ba-tư-na phụng hành. Nghe xong nàng làm lễ nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi. Trở về làng của mình, Ưu-ba-tư-na suy nghĩ và tưởng nhớ về tinh xá của Phật và lời Kinh Phật dạy, vào nửa đêm ở trên lầu cao nghĩ về công đức của Phật và đọc tụng kinh Pháp Cú. Khi ấy Tỳ-sa-môn Thiên vương muốn đến chỗ của Tỳ-lâu-lặc-xoa ở phương Nam, đem theo một ngàn Dạ-xoa ngang qua trên lầu của Ưu-ba-tư-na nghe tiếng tụng kinh tất cả đều ở trên không trung để lắng nghe, tán thán:
– Lành thay, lành thay! Chị em nào đang khéo nói về pháp yếu. Nay ta để lại Thiên bảo thì không thích hợp mà nên có những lời tốt lành.
Tỳ-sa-môn nói:
– Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên từ Xá-vệ đến đang ở lại trong rừng này, sáng ngày mai ngươi đến đó thỉnh về nhà để cúng dường khi chú nguyện nhớ xưng danh tánh của ta. Ưu-ba-tư-na nghe những lời này ra nhìn lên không trung không thấy hình bóng giống như người mù trong đêm tối, không thấy ai liền hỏi:
– Các người là ai mà không nhìn thấy hình bóng, chỉ nghe được tiếng.
Ở trên không đáp xuống:
– Ta là quỷ vương Tỳ-sa-môn thiên đi qua đây nghe được tiếng Kinh pháp liền ở lại đây.
Ưu-bà-di liền nói:
– Ngài thuộc trời, tôi thuộc về người không liên quan gì sao gọi tôi là chị em.
Thiên vương đáp:
– Đức Phật là Pháp Vương cũng là Từ Phụ của trời người, tôi là Ưu-bà-tắc, người là Ưu-bà-di đều là pháp hữu, nên tôi gọi là chị em. Khi ấy Ưu-bà-di lòng rất hoan hỷ hỏi:
– Này Thiên vương khi tôi cúng dường mà xưng danh tánh của
Thiên vương có lợi ích gì?
Thiên vương đáp:
– Ta là Thiên vương có Thiên nhĩ nghe được xa, xưng danh tánh ta thì tăng thêm thế lực của ta và oai đức của quyến thuộc, ta sẽ dùng thần lực này mà bảo các quỷ thần hộ niệm cho người này để tăng phước lộc cho họ và trợ giúp cho họ khỏi bị những tai ương hoạn nạn. Nói vậy rồi Thiên vương liền ra đi. Bấy giờ Ưu-bà-di hân hoan vui mừng, thầm nhủ: “Đức Phật trải qua hàng trăm kiếp tinh tấn tu hành khổ hạnh chỉ vì chúng ta, nhờ ân đức của Phật khiến cho quỷ vương trở thành chị em với ta.” Trong đêm đó nàng không hề ngủ say, trời vừa tờ mờ sáng mới ngủ được chút ít. Mỗi sáng trong nhà thường sai người vào rừng lấy củi, sáng hôm đó vừa sai người vào rừng leo lên cây để lấy củi, trông từ xa thấy
Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên và năm trăm vị Tỳ-kheo đang trú tại ngôi rừng này tinh tấn tọa thiền tụng kinh. Trong khi đó người đi hái củi lười biếng leo lên cây sa thảo nằm, thầm nghĩ: “Lúc trước ta cùng đại gia đi đến nước Xá-vệ cho nên từ xa thấy hai vị Tôn giả đó, đã biết là hai vị Tôn giả đó đại gia rất cung kính, nay ở trong ngôi rừng này đại gia ta không biết, nếu như ta từ từ hái củi cho xong rồi về thưa lại với đại gia e rằng sẽ có người khác đến thỉnh trước đi ắt ta có lỗi. Đối với việc này chưa cần thiết, trước hết phải lo xong việc quan trọng này đã sau đó mới hái củi. Việc này cũng chẳng mệt nhọc gì!” Vị ấy liền leo xuống đến chỗ các Tôn giả đầu mặt lạy ngang chân rồi thưa với Tôn giả:
– Thưa chư Tôn giả, đại gia của con tên là Ưu-ba-tư-na xin đảnh lễ và thăm hỏi chư Tôn giả.
Các Tôn giả đáp:
– Chúc phúc cho Ưu-ba-tư-na được yên ổn, an lạc và giải thoát sinh tử.
Vị ấy thưa:
– Thưa chư Tôn giả, đại gia của con cung thỉnh chư Tôn giả hôm nay đến nhà để thọ trai. Cúi mong chư Tôn giả quang lâm.
Các Tôn giả đáp:
– Người trở về nhà, nói với Ưu-bà-di Ưu-ba-tư-na cần phải biết lúc nào là hợp thời. Đức Phật tán thán năm trường hợp bố thí sẽ đem lại phước đức vô lượng: Bố thí cho người từ xa đến, bố thí cho người đi xa; bố thí cho người bệnh hoạn; bố thí thức ăn uống cho người đói khát và bố thí cho người hiểu biết chánh pháp. Năm trường hợp bố thí như vậy trong hiện tại đạt được phước đức lớn. Vị ấy nhận lời chỉ giáo rồi từ biệt ra khỏi rừng cấp tốc về nhà. Về đến nhà vị ấy hỏi người hầu:
– Đại gia hiện đang ở đâu?
Đáp:
– Đang ở trên lầu cao kia, đầu đêm cuối đêm không ngủ nay vừa mới chợp mắt.
Vị ấy bảo người hầu hãy lên đánh thức dậy. Thị tỳ nói không dám. Vị ấy liền nói:
– Nếu bạn không dám để tôi lên đánh thức. Thị tỳ nói tùy ý bạn. Vị ấy liền lên lầu trên đánh thức đại gia dậy. Ưu-ba-tư-na hỏi:
– Ngươi có chuyện gì?
Vị ấy nói:
– Thưa đại gia, Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên đang trú trong khu rừng kia. Ưu-ba-tư-na rất hoan hỷ liền lấy hai chiếc bông tai bằng kim hoàn thưởng cho vị ấy. Vị ấy nói tiếp:
– Tôn giả có những lời giáo huấn tốt đẹp cho đại gia.
– Giáo huấn điều gì ngươi nói ra đi. Vị ấy nói cặn kẽ năm trường hợp bố thí cho nàng nghe. Nghe xong, Ưu-bà-di càng thêm hoan hỷ giống như hoa sen thấy được ánh sáng mặt trời liền nở bung ra, sự khai nở của Ưu-bà-di cũng như thế.
Nàng liền lấy chuỗi anh lạc, châu báu tặng thêm cho người ấy. Vị ấy thưa tiếp:
– Đại gia dậy rửa tay rồi lo sắm sửa đầy đủ vật thực để cúng dường. Con đã nhận lời chỉ bảo của đại gia vào cung thỉnh hai Tôn giả và năm trăm vị đệ tử trong ngày hôm nay đến thọ thực, mong cho thời cúng dường được tốt đẹp.
Sau khi nghe vậy sự hân hoan của nàng càng tăng thêm và nói:
– Ta muốn thực hiện việc đó. Vì ngươi đã khiến ta vui mừng không nói nên lời, nay ta phóng thích ngươi, ngươi không thuộc về ta nữa. Như những lời tốt đẹp của người, tại gia hay xuất gia, thành ấp làng xóm tùy theo chỉ mà gặp được ánh sáng tốt đẹp đó.
Bấy giờ Ưu-ba-tư-na dậy rửa tay và bảo gia nhân và những người chung quanh, người làm thức ăn, người lo đốt lò, người lo nước non, người trải chiếu, người lo cắm hoa, phân bố các công việc xong, tự tay mình lấy thuốc giã hòa vào nhau. Mọi vật thực đã bày biệ xong, nàng cho sứ giả đó đến chỗ các Tôn giả kịp thời thưa:
– Thức ăn đã bày biện xong xin thỉnh chư Tăng. Hai Tôn giả và các vị Tỳ-kheo vận y cầm bát, đến nhà Ưu-bà-di theo thứ tự mà ngồi. Khi ấy Ưu-ba-tư-na tự tay lấy nước rưới xuống các loại thức ăn. Sắc, hương và mùi vị đầy đủ. Tất cả các hành tùy theo nghiệp mà thọ nhận quả báo. Bố thí thức ăn có màu sắc đẹp thì kết quả có nhan sắc tốt đẹp. Thức ăn có hương thơm thì kết quả được danh tiếng thơm xa, đầy đủ các mùi vị thì kết quả được ăn uống tùy thích, sức lực khỏe mạnh.
Sau khi thọ thực xong Tôn giả Xá-lợi-phất nói lời chú nguyện. Khi đang chú nguyện Ưu-ba-tư-na bạch:
– Thưa Tôn giả, xin Tôn giả xưng tên Tỳ-sa-môn Thiên vương.
Tôn giả Xá-lợi-phất chú nguyện xong rồi quay lại hỏi: Cô và Tỳ-sa-môn Thiên vương có nhân duyên gì mà xưng danh tánh ra.
Ưu-ba-tư-na thưa:
– Thưa Tôn giả, sự việc thật là hy hữu! Đêm hôm trước khi con đang tụng kinh Pháp Cú, vị Thiên vương kia đang trú trên không trungnghe con tụng kinh tán thán rằng: “Lành thay, lành thay! Chị em khéo nói diệu pháp.” Con ra nhìn lên không trung hỏi: “Ông là ai mà không thấy hình mà chỉ nghe tiếng.” Có tiếng đáp rằng: “Ta là quỷ vương Tỳ-sa-môn nghe ngươi tụng kinh cho nên dừng lại đây để nghe, định để lại Thiên bảo cho người nhưng không thích hợp. Nay nói những lời tốt đẹp cho ngươi.” Con liền hỏi: “Những lời tốt đẹp đó là gì?” Thiên vương nói: “Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên ngày mai đến nơi ngôi rừng kia, ngươi nhớ đến cung thỉnh về nhà cúng dường thọ thực, khi nói lời chú nguyện nhớ xưng danh tánh của ta.” Con liền hỏi: “Xưng danh tánh của ngài có lợi ích gì?” Thiên vương đáp: “Như sự việc đã nói ở trên…” Vì sự việc đó nên con xưng danh tánh kia.
Tôn giả Xá-lợi-phất nói:
– Thật là kỳ diệu! Cô là người, vị ấy là trời mà có thể hiểu ý nhau và cùng người trao đổi, sao lại gọi là chị em?
Ưu-bà-di đáp:
– Con lại có một sự việc rất là thân thiện với con như chị em gái cùng qua lại với nhau. Khi con bố thí vị thần này nói với con: “Đây là A-la-hán, đây là A-na-hàm, đây là Tư-đà-hàm, đây là Tu-đà-hoàn, đây là phàm phu, đây là trì giới, đây là trí tuệ, đây là ngu si.” Con tuy nghe nói về sự phân biệt này nhưng tâm ý của con không phân biệt. Đối với phàm phu, phạm giới… con cũng cúng dường như A-la-hán. Ngài Xá-lợi-phất nói:
– Cô thật là kỳ diệu! Trong việc làm này mà sinh được tâm bình đẳng.
Ma-ha Tư-na nói:
– Lại nữa, con còn có một sự việc rất kỳ diệu, thân con là nữ lại ở tại gia, mà trừ được hai mươi thân kiến đắc quả Tu-đà-hoàn.
Ngài Xá-lợi-phất tán thán:
– Cô thật là kỳ diệu! Làm thân nữ mà chứng đắc được quả vị Tu-đà-hoàn.
Ưu-bà-di thưa:
– Con còn có một sự việc rất là kỳ diệu nữa, con có bốn người con đều có ác tà kiến, chồng con cũng là tà kiến rất sâu nặng. Đối với Tam bảo Phật, Pháp, Tăng không hiểu không kính. Nếu con có cúng dường Tam bảo và bố thí cho người bần cùng, liền sinh tâm đố kỵ ganh ghét. Còn nói rằng gia nghiệp này do chúng tôi siêng năng lao động cực nhọc mới có được mà đem làm những chuyện không đâu. Tuy nghe nói những lời như vậy mà đạo tâm của con và những việc tu tập hành thiện không bao giờ thoái thất và hờn giận. Tôn giả Xá-lợi-phất dạy:
– Theo quy ước bình thường của người phụ nữ, trong tất cả mọi lúc thường không được thoải mái. Thuở nhỏ thì được cha mẹ chăm sóc; vào tuổi tráng niên lập gia đình thì được chồng bảo hộ; về già thì được con cái nuôi dưỡng. Vậy mà cô vượt ra ngoài vòng cương tỏa của chồng con để được tự do tu tập và hành thiện. Này Ưu-bà-di, nay tôi có vài lời như sau, hãy cố gắng ghi nhớ. Đây là một việc rất quan trọng, đó là Đức Phật, Thế Tôn chiều nay sẽ đến ngôi rừng Tỳ-nựucàn-đặc này, tôi báo cho thí chủ biết như vậy rồi tôi sẽ trở về trú xứ. Vị Ưu-bà-di thưa:
– Điều mà Tôn giả cho biết thật là tốt đẹp không gì hơn.
Sau khi Tôn giả ra đi, thí chủ Ưu-ba-tư-na lo sửa soạn vật thực để cúng dường Thế Tôn. Khi Đức Thế Tôn đến ngôi rừng kia, Ma-ha Tư-na rất hoan hỷ gọi tất cả những Ưu-bà-di đến chiều cùng đi đến chỗ Phật. Từ xa họ đã thấy hào quang của Đức Thế Tôn rất là thù diệu, năm căn hoan hỷ. Tất cả đều vui mừng phấn khởi đến gần làm lễ dâng lên cúng dường Phật các loại hoa hương, rồi ngồi qua một bên nghe Phật thuyết pháp: Luận về bố thí và giới pháp, về đoạn dục và sinh Thiên; luận về Niết-bàn.
Sau khi nghe pháp xong, các Ưu-bà-di muốn trở về nhà, chắp tay bạch Phật:
– Những người trong thôn của con đều theo tà kiến, không hiểu Phật pháp, chẳng biết ân đức của Phật, không thích bố thí. Các Sa-môn, Bà-la-môn khi vào thôn này khất thực thường đến nhà con. Cúi mong Đức Thế Tôn lúc nào đó đến trú tại thôn của chúng con để chúng con cúng dường bốn loại vật dụng cho Đức Phật và các đệ tử của Ngài. Bạch xong, họ đảnh lễ lui ra và lần lượt xem qua các chỗ nghỉ ngơi của các vị Tỳ-kheo. Cuối cùng thấy một vị Tỳ-kheo đang bị bệnh nằm trong lều cỏ, nàng liền hỏi Đại đức:
– Thưa Đại đức, Đại đức bị bệnh gì?
Vị Tỳ-kheo đáp:
– Trên đường đến đây, bốn đại không điều hòa, khốn khổ bị bệnh.
Ưu-bà-di thưa:
– Đại đức bị bệnh nên ăn thức ăn gì?
Đáp:
– Theo thầy thuốc nói nên ăn loại nước thịt mới hầm.
Ưu-bà-di nói:
– Xin ngài yên tâm ngày mai con sẽ dâng cúng.
Đại đức đáp:
– Vâng.
Ưu-bà-di đảnh lễ rồi trở về nhà, tự suy nghĩ và nói thầm: “Ta có được một lợi ích lớn là diện kiến được Đức Phật Thế Tôn, Xá-lợi-phất và các đại Tôn giả khác.” Niềm vui càng tăng thêm, đến nỗi nàng không nhớ ra ngày mai là vào ngày mười lăm, vào ngày này theo quốc pháp là không được giết hại, nếu giết hại là trái với lệnh nước. Sáng ngày mai, nàng liền sai người cầm tiền tìm mua loại thịt mới còn nóng, người giúp việc vâng lời đi khắp các chợ tìm mua nhưng không có đành trở về không, thưa với đại gia:
– Hôm nay là ngày mười lăm chợ không giết thịt.
Ưu-bà-di nói với người giúp việc:
– Ngươi hãy cầm một ngàn đồng tiền chỉ mua một trăm tiền thịt số còn lại cho ngươi. Người hầu cầm tiền ra đi cố tìm cho ra nhưng vì hình phạt của vua quá nặng không có ai dám. Vị ấy trở về trình bày sự việc như vậy,
Ưu-bà-di lo lắng buồn rầu nói:
– Ngươi hãy đem hết số tiền này ra mua cho được. Người giúp việc cầm tiền đến các hàng thịt cố mua cho được, mặc dầu các người hàng thịt rất ham lợi, nhưng phép vua quá nghiêm, quá nặng, sợ mất mạng nên không ai dám. Người giúp việc trở về chẳng được việc gì.
Khi ấy Ưu-bà-di càng thêm ưu não, nghĩ về bệnh tình của vị Tỳ- kheo đã nhận lời cầu thỉnh của ta, mà ta đã tìm hết cách không thể cúng dường cho Đại đức được. Sợ rằng Đại đức sẽ mất mạng, ta sẽ mang tội. Đang suy nghĩ tìm cách gì, Ưu-ba-tư-na tự nhiên nhớ đến tích xưa Bồ-tát vì con chim bồ câu tự cắt thịt nơi thân mình để cứu sống, huống nay so với một vị Tỳ-kheo thì hơn nhiều, ta nào có tiếc chi thân mạng của mình mà không cứu giúp. Suy nghĩ xong, nàng lựa một người đáng tin cậy nhất dẫn bà ta vào một tịnh thất, tắm sửa sạch sẽ ngồi trên chiếc giường, rồi sai người hầu cắt lấy thịt trong thân mình. Người hầu vâng theo lệnh lấy cây dao thật sắc cắt đi một thớ thịt. Khi lát dao vừa xuyên qua thịt, nàng đau đớn vô cùng chết ngất nằm bất tỉnh. Người hầu dùng loại vải trắng gói vào trong trộn với các thứ thảo dược khác nấu thành một loại thuốc “thần dược” đem đến cho thầy Tỳ-kheo chữa bệnh. Vị Tỳ-kheo nhận lấy phương thuốc của một đàn-việt đầy niềm tin dâng cho, uống vào liền khỏi bệnh. Người chồng của bà, thuộc dòng Bà-la-môn không có mặt tại đó, từ xa về hỏi:
– Ma-ha Tư-na đang ở đâu?
Đáp:
– Ở phòng trong.
Người chồng vào trong thấy nhan sắc khác thường liền hỏi vì lý do gì mà nhan sắc tiều tụy như vậy?
Đáp:
– Thiếp nay vì bệnh xâm nhập.
Người chồng ưu sầu cho tìm các vị lương y đến để chẩn bệnh. Lương y hỏi:
– Bà đau thế nào? Phát bệnh ra sao? Từ lúc bị bệnh đến giờ có lúc nào không đau nhức không? Nàng Ưu-ba-tư-na đáp:
– Bệnh của tôi lúc nào cũng đau, như hiện giờ đau nhức ghê gớm, không hết cơn đau!
Vị lương y xem mạch không biết được nguyên nhân của bệnh nên im lặng ra về. Người chồng khóc lóc, hỏi nàng bị bệnh gì? Vì tình nghĩa giữa chúng ta nên nói ra đi.
Người vợ đáp:
– Các vị lương y sáng suốt vô cùng mà còn không biết, huống gì thiếp làm sao biết được!
Vị Bà-la-môn hỏi những người trong nhà:
– Mọi người có biết bệnh tình của Ma-ha Tư-na không?
Mọi người đều trả lời:
– Thưa đại gia, chúng tôi không biết. Đại gia có thể hỏi người hầu thân cận bà chủ sẽ rõ.
Khi đó vị Bà-la-môn gọi người hầu cận đang ở trong chỗ vắng vẻ lại hỏi:
– Tại sao bà chủ bị bệnh?
Người thị tỳ đáp:
– Do có một Tỳ-kheo bị bệnh, bà chủ phải cắt thịt làm thuốc dâng cho thầy đó.
Người chồng nghe vậy tức giận đem lòng làm hại Phật, Pháp, Tăng, vừa đi vừa lớn tiếng nói rằng:
– Sa-môn Thích tử ăn thịt người, giống như bọn Ban túc vương.
Bấy giờ có một Ưu-bà-tắc tín tâm nghe Bà-la-môn hủy báng Phật Pháp, Tăng, buồn rầu không vui, đến chỗ Đức Phật đảnh lễ. Đứ Thế Tôn hỏi:
– Các ngươi có việc gì mà buồn rầu không vui như vậy?
– Bạch Đức Thế Tôn có một Bà-la-môn đi khắp nơi lớn tiếng hủy báng Phật, Pháp, Tăng giống như bọn Ban túc vương trước đây ăn thịt người. Nay Sa-môn Thích tử, ăn thịt người cũng như vậy không khác. Cúi mong Đức Thế Tôn dạy cho các Tỳ-kheo chớ ăn thịt người.
Bấy giờ Đức Thế Tôn, nhân sự việc này truyền nhóm họp các Tỳ-kheo Tăng, gọi các Tỳ-kheo bị bệnh. Khi đó các Tỳ-kheo bị bệnh nghe Đức Thế Tôn dạy trong lòng hoan hỷ suy nghĩ: “Thế Tôn là Bậc Đại Từ quan tâm đến chúng ta.” Thân tuy ốm yếu nhưng họ cố gắng đến nơi Thế Tôn đảnh lễ rồi ngồi sang một bên. Đức Phật dạy:
– Này các quý tử, các vị bị bệnh gì?
Vị Tỳ-kheo bạch Phật, con bị bệnh làm sinh sầu não, nay gặp được Đức Thế Tôn bệnh được thuyên giảm phần nào.
Đức Thế Tôn hỏi tiếp:
– Hôm nay ông ăn uống gì?
Vị Tỳ-kheo thưa:
– Hôm nay con đã ăn nước hầm thịt.
Đức Phật hỏi:
– Thịt ông đã ăn là thịt tươi hay thịt khô?
Đáp:
– Là thịt tươi (nước Thiên trúc thịt nấu không để qua đêm. Thịt ăn hoặc tươi hoặc khô).
Đức Phật nói:
– Này thiện nam tử, khi con ăn thịt có hỏi, thịt này là tịnh hay bất tịnh?
Đáp:
– Bạch Thế Tôn, bệnh con đã lâu ngày gặp được liền ăn thật sự chưa hỏi.
Đức Phật dạy:
– Này Tỳ-kheo, tại sao ông ăn thịt bất tịnh, pháp của Tỳ-kheo là khi đàn việt cúng dường thức ăn trước hết phải hỏi đây là thịt gì? Nếu đàn-việt nói, đây là tịnh nhục, phải quan sát nhiều lần tin xong mới ăn, nếu không tin thì không ăn.
Bấy giờ Đức Thế Tôn ngăn cấm các Tỳ-kheo nếu các bất tịnh nhục đều không được ăn; nếu thấy, nghe là thịt bất tịnh cũng không được ăn. Như thế cần phải phân biệt, nên hay không nên ăn.
Bấy giờ Ưu-bà-di nghe Đức Phật, Thế Tôn chính do mình mà cấm các Tỳ-kheo ăn thịt rất là đau khổ, vì mình mà các Tỳ-kheo không được ăn thịt liền nói với chồng:
– Nếu chàng quan tâm đến tôi thì ngày mai thỉnh Đức Phật và chúng Tăng về đây thiết lễ cúng dường thật chu đáo. Nếu không làm vậy, thà tôi bỏ mạng, tôi sẽ lấy thịt từ thân tôi đem bố thí cho mọi người. Ông đừng có hối tiếc. Vì thương vợ nên vị Bà-la-môn mới thực hiện, nhưng Bà-la-môn này vốn không có lòng tin và tôn kính Tam bảo, chiều theo ý vợ vào trong rừng đến nơi Đức Phật trú nói rằng:
– Thưa Sa-môn Cù-đàm và chúng đệ tử, ngày mai tôi mời đến nhà thọ thực.
Đức Phật im lặng nhận lời vị Bà-la-môn biết Đức Phật nhận lời mời liền trở về nhà nói với vợ là Sa-môn Cù-đàm đã nhận lời mời. Vị Ưu-bà-di sai các người giúp việc trong nhà lo bày biện các loại thức ăn, hương hoa, chỗ ngồi đầy đủ, sáng ngày mai khi đến giờ sai người vào trong rừng bạch với Đức Phật:
– Thức ăn đã sửa soạn xong, cúi mong Bậc Sáng Suốt biết thời gian thích hợp.
Đức Phật và các Tỳ-kheo vận y cầm bát đến nhà Bà-la-môn kia, theo thứ tự mà ngồi. Sau khi an tọa xong, Đức Phật hỏi:
– Ma-ha Tư-na hiện nay ở đâu?
Người chồng đáp:
– Ở tại trong phòng.
Đức Phật dạy:
– Hãy gọi lại đây!
Vị Bà-la-môn liền đến nói:
– Thầy của em gọi em đến.
Vị Ưu-bà-di bảo chồng:
– Nhờ chàng nói là Ma-ha Tư-na cúi đầu đảnh lễ Phật, Pháp, Tăng vì bệnh không ngồi dậy được.
Đức Phật dạy Tôn giả A-nan:
– Ông qua gọi Ưu-ba-tư-na ngồi dậy gặp Phật.
Ngài A-nan liền qua nói với Ưu-ba-tư-na:
– Thế Tôn gọi cô đến gặp Ngài.
Khi ấy Ưu-ba-tư-na nằm ở trên giường chắp tay bạch:
– Con xin đảnh lễ Phật, Pháp, Tăng, trong tư tưởng muốn gặp Phật như đói cần ăn, khát cần uống, lạnh cần ấm, nóng cần mát, như mất đạo cần được đạo. Con nay trong tư tưởng muốn gặp Phật cũng như thế, tâm tuy muốn qua nhưng thân không chìu theo. Ngài A-nan bạch Phật như Ưu-ba-tư-na đã nói. Đức Phật dạy:
– Này A-nan, ông hãy cho người khiêng cái giường đến đây. Ngài A-nan vâng lời cho người khiêng giường đến đặt trước Đức Phật. Bấy giờ Đức Như Lai phóng đại quang minh, bất cứ ai tiếp xúc được ánh sáng của chư Phật thì người cuồng hóa ra chánh, người loạn hóa ra định, người bệnh hóa ra lành. Sau khi Ưu-ba-tư-na tiếp xúc được ánh sáng của Phật liền hết thống khổ. Khi ấy có vị Thần trong nhà dùng loại nước rửa sạch vết thương và cho uống thuốc vào, thân thể vị ấy được bình phục như cũ. Ưu-ba-tư-na liền đứng dậy xuống khỏi giường tự tay cầm bình vàng rắc một loại nước vào từng món thức ăn, sắc hương, mùi vị đầy đủ. Đức Phật thọ thực xong rửa tay dọn bát và thuyết vi diệu pháp cho Ma-ha Tư-na. Ngài giảng về Bố thí, Trì giới, quả báo Nhân, Thiên, đau khổ sinh tử, sự tổn hại của tham dục, xuất ly và diệt, lạc, mười hai nhân duyên luân chuyển không dừng. Ưu-ba-tư-na nghe Phật dạy đoạn trừ được xan tham, tật đố, đắc đạo quả A-na-hàm. Tất cả quyến thuộc trong gia đình đều thọ năm giới. Còn vị Bà-la-môn xả ly tà kiến, kính tín Tam bảo, thọ giới Ưu-bà-tắc. Bấy giờ trong bốn hội chúng có người đắc quả Tu-đà-hoàn, có người đắc quả Tư-đà-hàm, có người đắc quả A-na-hàm, A-la-hán. Có người phát đại đạo tâm. Tất cả lớn nhỏ đều hoan hỷ. Bấy giờ trong chúng có người khiếp sợ sinh tử, suy nghĩ rằng: “Người phụ nữ này có một sức mạnh như thế, lấy thịt nơi thân mình để cúng dường Sa-môn thật là kỳ diệu! Chúng ta xả bỏ làng xóm ruộng vườn có gì là khó.” Liền sau đó, có một số người xả bỏ làng xóm, gia đình, quyến thuộc, xuất gia cầu đạo, siêng năng tinh tấn, đoạn trừ kết lậu thành A-la-hán. Khi ấy mọi người ở trong xóm làng ấy tin và thực hành Phật pháp, lưu truyền rộng rãi. Nhờ nhân duyên này mọi người có ý chí vững mạnh. Cho đến người nữ đọc tụng kinh điển, không tiếc thân mạng, đắc các đạo quả. Huống nữa đối với bậc Trượng phu cần phải siêng năng thực hành đạo nghiệp sao mà không thành đạo quả được. Nhờ nhân duyên này, các thiện nam tử siêng năng tu tập thiện pháp, khiếp sợ sinh tử, liền giảm trừ bớt các kết sử, xa lìa được sinh tử. Tuy rằng vào thời mạt pháp không thể được độ thoát, nhưng nhờ công đức này mà nhận được phước đức vô cùng. Đức Di-lặc Thế Tôn không lâu nữa, còn năm mươi sáu ức mười ngàn vạn năm nữa sẽ ra đời thành Phật. Sẽ rộng nói diệu pháp cho các người. Ở trong đó tùy theo sở cầu mà thành được đạo quả Tam thừa, tất giải thoát. Tất cả hội chúng đảnh lễ và phụng hành.