SỐ 202
KINH HIỀN NGU
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, xứ Kinh châu, quận Cao xương,
Sa-môn Tuệ Giác và các vị khác cùng dịch.

Việt dịch:  Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 13

Phẩm 64: VUA ĐẢNH SINH

Tôi nghe như thế này:

Thuở nọ, Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá- vệ cùng với chúng Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị. Bấy giờ Thế Tôn thấy các Tỳ-kheo tham ưa đồ đẹp, dính mắc danh lợi, phần nhiều gom chứa không biết chán, Ngài thấy như vậy rồi bèn nói về cái hại của tham lợi:

– Phàm người tham lợi hiện tại tổn thân mạng, sau khi chết đọa vào ba đường, thọ khổ vô lượng. Tại sao thế? Ta nhớ thuở quá khứ, do tham mà phải đọa lạc chịu các khổ não.

Khi ấy ngài A-nan chắp tay quỳ bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn, thời quá khứ do tham mà Ngài phải đọa lạc, việc ấy như thế nào? Mong Thế Tôn nói cho chúng con được biết. Đức Thế Tôn bảo:

– Về thời quá khứ vô lượng vô biên kiếp a-tăng-kỳ, ở cõi Diêmphù-đề này có một vị đại vương tên Cù-tát-ly, thống lãnh tám vạn bốn ngàn nước nhỏ, có hai vạn phu nhân thể nữ, một vạn đại thần.

Khi ấy trên đỉnh đầu nhà vua mọc một khối u hình dáng như một cái kén, trong trẻo, không đau đớn gì cả, sau dần dần lớn lên như trái bầu, bèn mổ ra xem thì được một đứa bé, tướng mạo rất đoan chánh, tóc xanh mượt, thân sắc vàng tím, mời thầy tướng xem tướng tốt xấu. Thầy tướng xem xong nói với vua:

– Đứa bé này rất có phúc đức, dung nghi hiếm có sau này ắt là Thánh vương, thống trị bốn thiên hạ. Nhân đó đặt tên là Văn-đà-kiệt (Tần dịch là Đảnh Sinh). Khi trưởng thành, vua ban cho một nước riêng phong cấp cho Đảnh Sinh.  Sau này đại vương bị bệnh khốn cùng, các tiểu vương đều đến chăm sóc nhưng không thể thuyên giảm rồi phải băng hà. Các tiểu vương cùng đến chỗ Đảnh Sinh thưa:

– Đại vương đã băng hà, xin ngài lên ngôi kế vị.

Đảnh Sinh đáp:

– Nếu như ta có phước đáng làm vua thì phải khiến trời Tứ thiên và Đế Thích tới nghênh đón để đăng quang vương vị. Lập thệ xong, Tứ Thiên vương liền bay xuống, mỗi vị cầm bình báu đựng đầy nước hoa thơm, dùng tưới trên đỉnh đầu vua Đảnh Sinh. Trời Đế Thích cầm mão báu tới đội lên đầu vua, sau đó gọi các tiểu vương khuyên đến đại quốc để cai trị. Vua Đảnh Sinh lại nói:

– Nếu như ta có phước đáng làm vua thì nước nên đến ta, t không đến nước. Lập thệ xong, trong đại quốc, tất cả cung điện, vườn rừng, ao hồ đều đến nơi vua; kim luân, voi ngựa, ngọc nữ, thần châu, điển tàng, điển binh, đều vân tập đến. Vua bốn thiên hạ vì vua Chuyển luân tuần hành quốc giới, thấy các thần dân cuốc cày đất trồng ruộng, vua hỏi sứ thần:

– Các quần sinh ở đây muốn làm gì?

Đáp:

– Vì có hình tướng do ăn mới sống còn, cho nên gieo trồng ngũ cốc để nuôi mạng sống.

Vua lập thệ rằng:

– Nếu ta có phước đáng làm vua tự nhiên nên có trăm vị ăn uống no nê tất cả khiến không ai bị đói khát. Phát nguyện xong, liền có thức ăn uống. Một hôm, vua bèn ra ngoài dạo chơi thấy những người dân may dệt, lại hỏi:

– Họ đang làm gì thế?

Quan cận thần đáp:

– Người dân thức ăn tự nhiên có rồi, nhưng cũng cần áo mặc, nên họ dệt vải may đồ để phục sức.

Vua lại lập thệ:

– Nếu ta có phước đáng làm vua thì y áo đẹp tự nhiên có để ban  cho vạn dân khiến họ không nghèo thiếu. Nguyện xong thì các thân cây tự nhiên sinh ra y phục, màu đẹp lạ thường, tất cả người dân cần dùng không hết. Một hôm đi dạo chơi, vua thấy người ta tu tạo nhạc khí, vua lại hỏi:

– Họ làm gì thế?

Quan cận thần đáp:

– Tâu bệ hạ, dân chúng ăn mặc đã được đầy đủ, chỉ thiếu âm nhạc, do đó họ tạo nhạc khí dùng để giúp vui.

Vua lại lập thệ:

– Nếu ta có phước đáng làm vua thì các nhạc khí hay lạ tự nhiên đến.

Nguyện xong, tức thời các thân cây có các nhạc khí treo lơ lửng trên cành, nếu có ai cần thì lấy xuống mà dùng, âm thanh hòa xướng, người nghe không ai chẳng vui mừng. Đức nhà vua sâu dày, muôn điều thiện vân tập đến, trời mưa bảy báu khắp các cõi nước. Vua hỏi các quan:

– Đây là đức của ai thế?

Các thần tâu:

– Thưa đây là đức của nhà vua, cũng là phước của quốc dân. Vua lại lập thệ: “Nếu là phước của dân thì của báu nên mưa xuống khắp nơi, nếu riêng đức của ta thì chỉ mưa trong cung nội”. Nói xong, chỉ mưa riêng trong cung bảy ngày bảy đêm. Vua Đảnh Sinh ở cõi Diêm-phù-đề ngũ dục tự vui, trải qua tám vạn bốn ngàn tuổi. Lúc đó có một Dạ-xoa, vọt ra trước cung điện lớn tiếng xướng:

– Ở phương Đông có nước tên Phất-bà-đề, nơi đó vui vẻ khoái lạc không thể bì, đại vương có thể đến đó xem. Vua liền hứa khả ý muốn tuần hành. Kim luân lại chuyển bay lên hư không mà đi, quần thần bảy báu thảy đều theo sau. Đến nước đó, các tiểu vương đồng đến triều bái. Vua ở nước đó ngũ dục tự đầy đủ. Trải qua tám ức năm thì Dạ-xoa đến xướng:

– Ở phương Tây có nước tên Cù-da-ni, cũng rất khoái lạc, vua có thể đến đó.

Vua liền nhận lời đi đến nước đó, hưởng phước trải qua mười  bốn ức năm. Dạ-xoa lại đến xướng:

– Ở phương Bắc có nước tên Uất-đan, an ổn giàu đẹp nhân dân đông đảo xung túc. Vua chịu đi đến nước đó ở lại thọ hưởng ngũ dục thỏa mãn ý chí, trải qua mười tám ức năm. Dạ-xoa lại đến xướng rằng:

– Có cõi Tứ Thiên vương, nơi đó vui vẻ sung sướng khôn lường. Vua liền đi đến đó cùng quần thần và bốn bộ binh cỡi hư không mà đi. Tứ Thiên vương từ xa trông thấy rất là sợ hãi, liền hợp binh chủng ra ngoài chống cự, rốt cùng không chống cự lại, đành trở về.

Vua Đảnh Sinh ở đó ưu du thọ lạc trải qua mười ức năm. Trong ý vua lại nghĩ muốn lên cõi trời Đao-lợi, liền cùng quần thần, binh chủng cỡi hư không mà bay lên. Lúc đó có năm trăm Tiên nhân, ở bên hông núi Tu-di, voi ngựa của vua phóng uế rơi xuống dơ uế thân các Tiên nhân.

Các Tiên nhân đến hỏi:

– Có duyên gì mà rớt thứ này?

Có Tiên nhân nói:

– Ta nghe nói vua Đảnh Sinh muốn lên tầng trời thứ Ba mươi ba, ắt voi ngựa làm rớt đồ bất tịnh xuống đây. Tiên nhân phẫn hận, bèn kết thần chú khiến vua Đảnh Sinh và các quan binh đều đứng lại không đi được. Vua Đảnh Sinh biết liền thệ nguyện:

– Nếu ta có phước thì các Tiên nhân này đều sẽ đến đây phụng sự ta.

Đức của vua rộng lớn có thể cảm đến năm trăm Tiên nhân đến bên cạnh vua, giúp dìu ngựa xe, cùng đi lên trời. Từ xa vua nhìn thấy thành trời tên là Khoái kiến, màu sắc trắng tinh, cao hiền, đặc biệt khác thường. Thành Khoái kiến này có một ngàn hai trăm cửa, các trời sợ sệt đều đóng cửa lại, ba lớp cổng sắt, binh chủng của vua Đảnh Sinh đi thẳng không nghỉ. Vua liền lấy vỏ ốc thổi, trương cung nạp tên thì một ngàn hai trăm cánh cửa đồng thời mở ra. Vua Đế Thích bước ra, hai vua gặp nhau, nhân đó thỉnh vua Đảnh Sinh vào cung rồi cùng mời ngồi. Vua trời và dân trời tướng mạo một loại, mới nhìn không thể phân biệt, chỉ nhìn thấy đôi mắt nhanh chậm mà biết khác thôi. Vua ở trên trời thọ ngũ dục lạc, tận cùng ba mươi sáu vua, cuối cùng là trời  Đế Thích (Đại Ca-diếp). Khi đó vua A-tu-la dấy binh lên trời cùng Đế Thích đánh nhau. Quân Đế Thích đánh không lại, thoái quân vào thành. Vua Đảnh Sinh lại lấy vỏ ốc thổi, tra cung tên. Vua A-tu-la liền băng đọa. Vua Đảnh Sinh tự nghĩ: “Sức ta mạnh như vậy không có ai bằng, nay cùng Đế Thích ngồi chung coi sao cho được, chi bằng tiêu diệt ông ta, một mình thống lãnh ở đây hưởng lạc thú.” Tâm ác vừa sinh, liền bị sa đọa, đang ở trước cung điện thì bỗng chết ngay. Các dân trời đến hỏi:

– Vua Đảnh Sinh vì sao mạng chung? Bị quả báo thế nào?

Vua Đế Thích đáp:

– Nếu có người hỏi thì nên trả lời. Vua Đảnh Sinh do tham mà chết, ông thống lãnh bốn thiên hạ, sống bốn mươi ức tuổi, mưa bảy báu ngày, cho đến làm vua hại trời không có biết đủ, cho nên bị đọa lạc.

Nói đến đây, Đức Phật nhắc lại:

– Do vậy, này các Tỳ-kheo, nói về lợi dưỡng thật là đại hoạn, nên suy nghĩ xa lìa mau cầu chân đạo. Ngài A-nan bạch Phật:

– Vua Đảnh Sinh này, đời trước gieo trồng phước gì mà được đại phước vô lượng như thế? Mong Thế Tôn vì chúng con giải nói.

Đức Phật bảo:

Về đời quá khứ, số kiếp không thể tính, có Đức Phật ra đời hiệu là Phất-sa, Ngài cùng đồ chúng du hóa nhân gian. Bấy giờ có con trai của một vị Bà-la-môn muốn lấy vợ, tay cầm đại đậu để dùng tán phụ, đó là lễ của thế tục, giữa đường gặp Phật, tâm ý chàng vui mừng, liền cầm nắm đậu ấy dâng cúng cho Phật bốn hạt vào bát, một hạt để ở đỉnh. Do nhân duyên đó, thọ phước vô lượng. Bốn hạt vào bát nên được làm vua bốn thiên hạ, một hạt để trên đỉnh, hưởng thọ hai cõi trời.

Khi đó các đệ tử nghe Đức Phật nói xong, có người đắc được Sơ quả, Nhị quả, Tam quả cho đến quả A-la-hán không thể tính kể, thọ trì lời Đức Phật dạy hoan hỷ phụng hành.