SỐ 202
KINH HIỀN NGU
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, xứ Kinh châu, quận Cao xương,
Sa-môn Tuệ Giác và các vị khác cùng dịch.

Việt dịch:  Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 4

Phẩm 23: XUẤT GIA CÔNG ĐỨC THI-LỢI-BẬT-ĐỀ

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Phật cư ngụ ở vườn trúc Ca-lan-đà, tại thành Vương xá thuộc nước Ma-già-đà.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn khen ngợi về công đức của sự xuất gia, do nhân duyên này nên được phước rất nhiều. Nếu cho nam, nữ, nô tỳ hay dân chúng hoặc tự mình xuất gia vào đạo thì công đức vô lượng. Phước báo của sự bố thí, dù có hưởng phước mười đời trong trời,  người, qua lại mười cõi cũng không thù thắng bằng công đức cho người xuất gia và tự mình xuất gia. Vì sao vậy? Vì phước báo bố thí thì có giới hạn, còn phước xuất gia thì vô lượng vô biên. Lại nữa, quả báo của Trì giới, phước báo cõi trời của những vị Thần tiên có năm thần thông, cho đến phước báo cùng tột của Phạm thiên đi nữa thì đối với trong Phật pháp, quả báo của việc xuất gia là không thể nghĩ bàn, cho đến đạt được đạo quả Niết-bàn, nên xuất gia được phước không cùng tận. Giả sử có người xây tháp bảy báu cao đến cõi trời Ba mươi ba, công đức của người này đạt được không bằng công đức của người xuất gia. Vì sao vậy? Vì tháp bảy báu thì người tham ác, ngu si đều phá hoại được, còn pháp xuất gia thì không ai có thể hủy hoại. Muốn cầu pháp lành, ngoài pháp Phật ra không còn pháp nào thù thắng hơn. Như có trăm người mù, có vị thầy thuốc giỏi có thể trị lành mắt cho họ, cùng lúc, tất cả đều được lành; lại có trăm người khác bị xử tội móc mắt, gặp người có thế lực có khả năng cứu những người này thoát khỏi tội, khiến cho họ không bị mất mắt, phước của hai người này tuy đã vô lượng cũng không bằng cho người xuất gia và tự mình xuất gia, hai việc này phước cực lớn. Vì sao? Tuy có khả năng bố thí mắt cho hai hạng người trên, nhưng người bố thí này chỉ hưởng lợi ích trong một đời. Lại nữa, tánh của bắp thịt là tánh có tan rã. Cho phép người xuất gia hoặc tự mình xuất gia là lần lượt dần dắt chúng sinh muôn kiếp đạt được mắt Tuệ vô thượng. Tánh của mắt Tuệ dù trải qua bao nhiêu kiếp vẫn không tan rã. Vì sao? Vì trong phước báo của trời, người, chỉ được tự ý hưởng lạc, còn phước báo xuất gia thì không cùng không tận, cho đến rốt ráo thành Phật. Vì sao vậy? Vì pháp xuất gia diệt trừ quyến thuộc của ma, tăng trưởng hạt giống Phật, bẻ dẹp pháp ác, nuôi lớn pháp lành, diệt trừ tội lỗi, dấy khởi phước nghiệp vô thượng. Cho nên, Đức Phật dạy: “Công đức xuất gia cao như núi Tu-di, sâu như biển cả, rộng như hư không.” Nếu có người muốn xuất gia mà tìm mọi cách ngăn cản, khiến họ không đạt được chí nguyện, người này tội rất nặng; như đêm tối đen như mực, không thể thấy gì, tội báo của người này cũng vậy, sẽ bị đọa vào địa ngục sâu thẳm, tối đen lại không có mắt. Ví như trăm dòng sông suối… đều đổ về biển cả, tội báo của người này cũng vậy, tất cả các điều ác đều chứa nhóm ở đó.  Như núi Tu-di đang bừng cháy vào kiếp Hỏa, không còn một thứ gì cả, người này cũng vậy, bị lửa thiêu đốt trong địa ngục, không bao giờ chấm dứt. Ví như thuốc Ca-lưu-lâu-ê-ni, là loại thuốc đắng cực độc, đem so sánh với đường phèn, thì quả báo thiện, ác của hai người kia cũng như vậy.

Công đức khuyên người xuất gia và tự mình xuất gia rất lớn, vì người xuất gia dùng Tu-đa-la (Kinh) làm nước, rửa sạch các nhơ uế kết sử, có công năng diệt trừ khổ sinh tử, làm nhân Niết-bàn; dùng Tỳ-ni (Luật) làm chân, bước lên đất Giới thanh tịnh; dùng A-tỳ-đàm (Luận) làm mắt, nhìn thấy thiện, ác ở đời, tùy ý dạo đi trên con đường Tám chánh, đến thành vi diệu Niết-bàn. Do vậy, khuyên người xuất gia, hoặc tự mình xuất gia, dù già dù trẻ, phước đức rất thù thắng.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn đang cư ngụ ở vườn trúc Ca-lan-đà thuộc thành Vương xá.

Khi ấy, ở thành này, có trưởng giả tên Thi-lợi-bật-đề (Phước Tăng), đã một trăm tuổi, khi nghe công đức xuất gia nhiều vô lượng như vậy, liền suy nghĩ: “Hôm nay, sao ta không xuất gia tu đạo trong Phật pháp?” Trưởng giả liền từ giã tất cả vợ con, tôi tớ…:

– Ta muốn xuất gia.

Do trưởng lão quá già nua, mọi người trong nhà ai cũng nhàm chán, đều chê bai là vô dụng, nên khi nghe trưởng lão muốn xuất gia, tất cả đều rất vui mừng nói:

– Ông nên đi sớm đi, còn chần chờ gì nữa! Nay là đúng lúc! Thi-lợi-bật-đề liền đi khỏi nhà, đến vườn Trúc, muốn diện kiến Đức Thế Tôn để cầu pháp xuất gia. Khi đến vườn Trúc, trưởng giả hỏi các Tỳ-kheo:

– Thưa các Tỳ-kheo, Đức Phật Thế Tôn Đại Tiên, Đấng Đại Bi làm lợi ích cho trời, người, nay đang ở đâu?

Các Tỳ-kheo đáp:

– Đức Như Lai Thế Tôn đã đi giáo hóa, làm lợi ích ở nơi khác rồi, Ngài không có ở đây!

Trưởng giả lại hỏi:

– Xin hỏi bậc Đại sư Trí tuệ Thượng túc kế vị Phật là ai?

Các Tỳ-kheo chỉ đến Tôn giả Xá-lợi-phất.  Trưởng giả chống gậy đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, bỏ gậy làm lễ, thưa:

– Thưa Tôn giả, cho phép con được xuất gia.

Tôn giả Xá-lợi-phất nhìn rồi nghĩ: “Người này quá già, cả ba việc đều thiếu: không thể học hỏi, không thể tọa thiền cũng không thể giúp việc cho chúng Tăng”, liền nói:

– Ông hãy về đi, ông đã quá già nên không được xuất gia.

Trưởng giả đi đến Tôn giả Ma-ha Ca-diếp, Tôn giả Ưu-ba-ly, Tôn giả A-nậu-lâu-đà… lần lượt hết năm trăm đại A-la-hán. Các vị đều hỏi:

– Trước tiên ông đã đến xin vị nào chưa?

Trưởng giả đáp:

– Trước hết, con nghĩ sẽ đến xin Đức Thế Tôn, nhưng Ngài đã đi hoằng hóa, kế đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất. Các vị hỏi:

– Tôn giả ấy nói gì?

Trưởng giả đáp:

– Tôn giả ấy nói đã quá già, không được xuất gia.

Các Tỳ-kheo nói:

– Tôn giả Xá-lợi-phất là bậc Trí tuệ bậc nhất, còn không cho phép ông xuất gia, nên chúng tôi cũng không thể cho phép ông xuất gia được! Như thầy thuốc giỏi biết rõ người bệnh không còn chữa trị được, thì các thầy thuốc khác cũng đành bó tay. Vì biết chắc người này có tướng chết nên Tôn giả Xá-lợi-phất đại trí không chấp nhận thì các Tỳ-kheo khác cũng vậy, không thể chấp nhận. Thi-lợi-bật-đề cầu xin các Tỳ-kheo nhưng vẫn không được xuất gia, liền trở về vườn Trúc, đứng ở cửa ngõ, buồn rầu khóc lớn, than:

– Từ khi sinh ra đến giờ, ta không gây tai họa gì lớn, sao lại không cho phép ta xuất gia? Như Ưu-ba-ly –người hớt tóc hạ tiện, Ni-đề -người hốt phân dơ, Ương-quật-ma-la – giết vô lượng người, Đà-tắc-ky -là giặc đại ác… những người như vậy còn được xuất gia. Ta có tội gì mà không được xuất gia?

Khi nói lời này, Đức Thế Tôn liền xuất hiện trước mặt, phóng ra ánh sáng lớn, tướng tốt trang nghiêm, như vua Đế Thích có xe cao lớn bằng bảy báu ở cõi trời Đao-lợi. Đức Phật hỏi Thi-lợi-bật-đề:

– Vì sao ngươi khóc?

Trưởng giả nghe Phạm âm của Phật, rất đỗi vui mừng, như con  gặp được cha, liền gieo năm vóc sát đất, đảnh lễ Phật, rơi lệ thưa:

– Bạch Đức Thế Tôn, tất cả chúng sinh từ người giết người, làm giặc, nói dối, chê bai, đến người thấp hèn… đều được xuất gia, riêng con có tội gì mà không được xuất gia trong Phật pháp? Cả nhà con, từ lớn đến nhỏ đều chê bai con già nua, không còn dùng con. Nay trong Phật pháp, con cũng không được xuất gia. Giả sử con trở về nhà thì cũng không được chấp nhận, con nên đi đâu? Hôm nay, con quyết định tự sát.

Lúc ấy, Đức Phật bảo Thi-lợi-bật-đề:

– Ai có thể chỉ tay lên hư không nói rằng người này thì nên xuất gia, người này già cả không nên cho xuất gia?

Trưởng giả bạch Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn, Ngài là Bậc Pháp Vương, người đệ tử Trí tuệ bậc nhất kế tiếp Ngài –bậc Đạo sư thứ hai của thế gian, Tôn giả Xá-lợi-phất– đã không cho phép con được xuất gia trong Phật pháp.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng tâm Đại bi, an ủi Phước Tăng, như người cho từ bi an ủi con hiếu thảo:

– Ông chớ lo buồn! Ta sẽ cho ông được xuất gia.

Trong ba a-tăng-kỳ kiếp, Ta siêng năng tu hành khổ hạnh tu phước cả trăm kiếp, chẳng phải Xá-lợi-phất; chẳng phải Xá-lợi-phất đời đời tu hạnh khó, chặt đầu khoét mắt, đem tủy não, máu thịt, da xương, tay chân, tai, mũi… để bố thí; chẳng phải Xá-lợi-phất gieo mình cho hổ đói, nhảy vào hầm lửa, đóng ngàn cây đinh lên thân, khoét thân đốt ngàn ngọn đèn; chẳng phải Xá-lợi-phất đem nước thành, vợ con, nô tỳ, voi ngựa, bảy báu… để bố thí; chẳng phải Xá-lợi-phất trong a-tăng-kỳ kiếp giữa cúng dường chín vạn chín ngàn chư Phật, a-tăngkỳ kiếp sau cũng cúng dường mười vạn chư Phật Thế Tôn, xuất gia trì giới, đầy đủ Giới ba-la-mật; chẳng phải Xá-lợi-phất được tự tại nơi pháp, thì sao lại được phép nói: “Người này nên xuất gia, người này không nên xuất gia.” Chỉ có một mình Ta là tự tại đối với pháp. Chỉ có một mình Ta đi xe báu sáu Độ, mặc áo giáp nhẫn nhục, ở bên gốc cây Bồ-đề, ngồi nơi tòa Kim cang để hàng phục ma vương, chỉ có Ta là duy nhất thành tựu Phật đạo, không có ai sánh bằng. Ông hãy đi theo Ta, Ta sẽ cho ông xuất gia.

Đức Thế Tôn dùng đủ lời lẽ để an ủi như vậy, Phước Tăng dứt  sạch lo buồn, tâm rất hoan hỷ, liền đi theo Đức Phật. Vào đến tinh xá, Đức Phật bảo Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:

– Hãy xuất gia cho người này. Vì sao? Vì chúng sinh tùy duyên mà được độ. Người có duyên với Như Lai thì người khác không thể độ, người khác có duyên với người khác thì Như Lai không thể độ. Người có duyên với Xá-lợi-phất, Mục-liên, Ca-diếp, A-na-luật, Kim-tỳ-la… thì tất cả đệ tử khác không ai có thể độ, lần lượt như thế, tùy theo người có duyên, còn người khác thì không thể độ.

Bấy giờ, Tôn giả Mục-liên cũng suy nghĩ: “Người này đã quá già nua, ba việc tụng kinh, ngồi thiền, giúp việc cho chúng Tăng đều không thể làm, nhưng Phật là Đấng Pháp Vương, dạy ta cho xuất gia, có lý nào dám làm trái?”

Tôn giả liền cho xuất gia, thọ giới Cụ túc. Người này do đời trước đã gieo trồng nhân duyên nên được độ, đã nuốt lưỡi câu Pháp như cá nuốt câu nên chắc chắn được xuất gia, không nghi ngờ. Trưởng giả này đã từng tu tập các công đức lành, ngày đêm tinh tấn tu tập, đọc tụng Kinh, Luật, Luận, thông suốt tạng Kinh, nhưng nay do tuổi quá cao, không thể theo thời cung kính, nghênh đón, lễ bái, thưa hỏi các bậc Thượng tọa, các Tỳ-kheo nhỏ tuổi do xuất gia trước nên thành Thượng tọa – thường nói lời gắt gỏng. Các Tỳ-kheo Trưởng lão đó ỷ mình hạ lạp cao, có tụng kinh, học hỏi nên ngã mạn tự cao, không cung kính lẫn nhau. Tỳ-kheo già nua này suy nghĩ: “Lúc ta ở nhà, cả nhà ta từ nhỏ đến lớn đều làm ta buồn phiền, hôm nay đến đây xuất gia, hy vọng được ngơi nghỉ thì lại bị các Tỳ-kheo nhỏ tuổi này châm chọc, ta có tội gì mới như vậy, phiền não càng tăng thêm.” Lại nghĩ: “Hôm nay, ta thà chết còn hơn.”

Khi ấy, Phước Tăng đến bên bìa rừng, chỗ dòng sông lớn rất sâu, lại chảy xiết. Khi đến bờ sông, ông ta liền cởi ca-sa treo trên cành cây, quỳ xuống hướng về y, khóc lóc tự phát thệ nguyện:

– Hôm nay, con không muốn bỏ Phật, Pháp và chúng Tăng, chỉ muốn bỏ thân mạng. Thân con đã được đắp y này để bố tát, trì giới, tinh tấn tụng kinh, nếu có phước báo thì nguyện sau khi con bỏ thân này, được sinh vào nhà giàu có an lạc, quyến thuộc hòa thuận, đối với pháp thiện của con, họ không ngăn cản, thường được gặp Tam bảo, xuất gia tu đạo; gặp được Thầy hiền thiện, chỉ bày cho con chứng đắc Niết-bàn.

Phát nguyện xong, Phước Tăng liền gieo mình xuống chỗ nước chảy xiết và sâu nhất của dòng sông.

Bấy giờ, Tôn giả Mục-liên dùng Thiên nhãn quán sát vị đệ tử già nua của mình, xem thử đang làm gì. Tôn giả liền thấy đệ tử đang lao mình xuống dòng sông. Trong khoảnh khắc, Phước Tăng chưa đến mặt nước, Tôn giả dùng năng lực thần thông đưa Phước Tăng trở lại bên bờ, rồi hỏi:

– Này Pháp tử, ông đang làm gì vậy?

Thi-lợi-bật-đề rất hổ thẹn, suy nghĩ: “Nên trả lời thế nào đây! Hôm nay, ta không nên nói dối với Thầy. Nếu nói dối Thầy thì muôn kiếp phải chịu tội về thiệt căn. Lại nữa, Hòa thượng của ta thần thông vi diệu, dù ta nói dối thì Thầy cũng biết hết. Ở đời, người nào có trí tuệ sáng suốt, tánh thật thà ngay thẳng thì chư Thiên cung kính. Nếu người có trí tuệ mà luôn dối trá, dù có khả năng làm Thầy thì chỉ được loài người cúng dường. Nếu người không có trí tuệ mà tánh ngay thẳng, tuy không được cúng dường nhưng họ tự tiến lên bằng đôi chân của mình; nếu người ngu si lại còn dối trá thì đó là người thấp kém, xấu ác nhất trong chúng, giả sử có nói ra điều gì thì mọi người đều biết là dối trá, rồi nói: ‘Người này lừa dối, không chân thật’, nếu có nói thật đi nữa thì cũng không ai tin. Cho nên, nếu ta nói dối với Hòa thượng chẳng phải là cách của ta, mà phải nói sự thật”, liền bạch:

– Bạch Thầy, con nhàm chán gia đình nên xuất gia, muốn tìm sự nghỉ ngơi, nhưng nay lại không được an lạc nên muốn bỏ thân mạng này.

Tôn giả Mục-liên nghe xong, liền suy nghĩ: “Đối với người này, nếu ta không đem việc khủng khiếp của sinh tử để làm cho ông ta sợ hãi thì chắc không đạt được lợi ích của việc xuất gia”, liền bảo:

– Nay, ngươi nên chí tâm nắm chéo y của ta đừng buông ra. Phước Tăng liền làm theo lời Thầy dạy. Như tánh của gió, dù thổi rất nhẹ nhàng nhưng cũng khiến những hạt bụi, lá cỏ bay vút lên hư không; cũng như dùng thần thông đi lại trong hư không mà cầm theo một sợi lông thì đi đến đâu tùy ý. Thần thông của Tôn giả Mục-liên cũng vậy, giống như chim Ưng mạnh mẽ ngậm con chim nhỏ, bay vút lên hư không. Trong khoảnh khắc co duỗi  cánh tay, Tôn giả bay lên hư không, đến bên bờ biển cả, bên bờ biển này có một người nữ mới qua đời, sắc mặt đẹp đẽ, thân tướng đoan chánh, đầy đủ vẻ đẹp; thấy có một con trùng bò ra từ miệng người nữ ấy, rồi bò vào mũi, chui ra ở mắt, rồi bò lại vào tai, Mục-liên đứng nhìn, nhìn xong, bỏ đi. Thi-lợi-bật-đề thưa:

– Bạch Hòa thượng, người nữ này là ai mà hình tướng như vậy?

Tôn giả Mục-liên đáp:

– Đúng lúc thì ta sẽ nói.

Bước tiếp vài bước, Phước Tăng thấy một người nữ khác vác cái vạc bằng đồng đang lặn hụp dưới nước, bỗng lửa thổi đến làm nước sôi sùng sục, cô ta liền cởi áo tự nhảy vào trong vạc, tóc, móng rơi rụng trước, kế đến thịt chín rã ra lìa khỏi xương, nước sôi làm văng bộ xương ra ngoài, rồi gió thổi đến, lập tức trở lại thành người, lại tự bốc thịt mà ăn. Thấy rồi, Phước Tăng quá đỗi kinh sợ, thưa:

– Bạch Hòa thượng, người đó là ai mà tự ăn thịt của mình vậy?

Tôn giả Mục-liên đáp:

– Đúng lúc thì ta sẽ nói.

Bước tiếp vài bước, Phước Tăng thấy một thân cây to lớn, có rất nhiều trùng vây quanh rúc rỉa khắp trên thân cây, không có một chỗ hở dù chỉ bằng đầu cây kim. Khi ấy, có tiếng gào khóc, la hét thất thanh làm chấn động khắp nơi như tiếng địa ngục. Phước Tăng thưa:

– Bạch Hòa thượng, tiếng ghê sợ này là của người nào vậy?

Tôn giả Mục-liên đáp:

– Đúng lúc thì ta sẽ nói.

Tiếp đến, có người đàn ông cao lớn, có rất nhiều loài thân người đầu thú vây quanh, các quỷ thần hung dữ, tay cầm cung nỏ, chĩa ba, mũi tên độc… đầu mũi nhọn đều bốc lửa tranh nhau bắn vào người đó, lửa bốc cháy sém khắp thân. Phước Tăng thưa:

– Bạch Hòa thượng, người này là ai mà chịu khổ đau, lại khôn có lối thoát như vậy?

Tôn giả Mục-liên đáp:

– Hãy ở đây, đúng lúc thì ta sẽ nói.

Lát sau, có ngọn núi lớn, dưới chân núi toàn dao, kiếm, có một người nhảy từ trên núi xuống, dao đâm kiếm chém, khiến thân thể tan  rã, liền tự gom lại trở thành thân như cũ, trở lại đỉnh núi nhảy xuống, như lần trước vậy, không hề ngừng nghỉ.

Thấy rồi, Phước Tăng thưa:

– Bạch Hòa thượng, người này là ai mà chịu khổ đau như vậy?

Tôn giả Mục-liên đáp:

– Đợi một lát, đúng lúc thì ta sẽ nói.

Thứ đến, lại thấy phía trước mặt có một ngọn núi xương sừng sững, cao bảy trăm do tuần, che khuất ánh sáng mặt trời khiến biển cả tối đen. Tôn giả Mục-liên cùng đệ tử đi kinh hành trên một xương sườn lớn nơi núi xương này. Phước Tăng suy nghĩ: “Hiện tại, Hòa thượng của ta đang thư thả, ta có thể thưa hỏi những việc vừa rồi đã thấy chăng?”

Nghĩ xong, Phước Tăng thưa:

– Cúi xin Hòa thượng giảng nói những sự việc vừa thấy cho con được rõ.

Tôn giả Mục-liên đáp:

– Bây giờ đã đúng lúc.

– Bạch Hòa thượng, người nữ đầu tiên con thấy là ai vậy?

Tôn giả Mục-liên đáp:

– Này Phước Tăng, đó là vợ của Đại Tát-bạt ở thành Xá-vệ, có nhan sắc tuyệt trần, được chồng yêu mến. Bấy giờ, Tát-bạt sắp đi biển, vì quyến luyến vợ nên không thể cách xa, ông ta liền dẫn vợ cùng năm trăm khách buôn lên thuyền vượt biển. Người vợ thường hay trang điểm, chải chuốt soi gương, do tự thấy mình xinh đẹp nên khởi tâm kiêu mạn, tham đắm sắc đẹp của chính mình. Khi ấy, có một con rùa lớn dùng chân đạp thuyền, thuyền thủng rồi chìm xuống biển. Tát-bạt, vợ cùng năm trăm khách buôn đều chết. Quy luật của biển cả là không dung nạp thây chết nên những con sóng hoặc Dạ-xoa, La-sát đẩy tất cả thây chết lên bờ. Khi qua đời, chúng sinh tùy theo tâm luyến tiếc điều gì thì lập tức sinh vào nơi ấy.

Có người sẽ hỏi vặn: “Nếu nói tham đắm nơi nào thì sinh vào nơi ấy, vậy ai ưa thích địa ngục mới bị đọa vào địa ngục sao?” Nên trả lời: “Chúng sinh nào trộm cắp tài sản của Tam bảo, của cha mẹ, cho đến giết người, những tội nặng như vậy phải bị đọa vào địa ngục lửa thiêu đốt. Người này bị bệnh lạnh, bệnh phong hàn bức bách, liền nghĩ đến lửa, muốn được vào trong lửa. Cứ nghĩ như vậy, nên khi qua đời bị đọa vào địa ngục này. Người nào trộm cắp của cải và đèn cúng Phật, hoặc lấy đèn, đuốc, củi cỏ của Tăng, hoặc phá hoại phòng nhà, giảng đường của Tăng, hoặc khi trời rét lại lột áo của người khác, hoặc ỷ thế lực nên khi mùa đông lạnh giá lấy nước tạt lên nô tỳ và những người khác, hoặc cướp bóc, lột y phục của người… Những tội báo như vậy phải bị đọa vào địa ngục băng giá.

Người này bị bệnh nóng bức bách nên thường nghĩ đến những nơi lạnh giá, khi nhớ nghĩ như vậy liền bị đọa vào địa ngục này. Những địa ngục Ưu-bát-la, Bát-đầu-ma, Câu-vật- đầu và địa ngục Phân-đà-lợi cũng vậy. Người chịu tội trong địa ngục băng giá này, thân thể lạnh buốt, khô cứng như hạt đậu cháy sém, tán nhỏ, tủy não như hạt gạo nứt ra, xương đầu bể vụn ra trăm ngàn vạn phần, xương khắp thân gãy nát như mũi tên vót nhọn. Người nào tham lam keo kiệt, cướp giật thực phẩm khiến chúng sinh chết đói thì phải bị đọa vào loài ngạ quỷ, bị bệnh “nghịch khí” (đầy hơi), ăn không tiêu. Thầy thuốc khám bệnh, lấy đủ loại thức ăn đến dỗ dành: “Cái này ngon ngọt, thức ăn này ngon, dễ tiêu, hãy cố gắng ăn.” Người bệnh này liền giận dữ: “Khuyên bảo làm gì, bây giờ ta không muốn nhìn thấy thức ăn.” Khi chết, người này sẽ bị đọa vào loài ngạ quỷ.

Người nào ngu si, không tin Tam bảo, chê bai khinh lờn đạo thì bị đọa vào loài súc sinh, bị bệnh bức ngặt, chỉ được nằm co, không được nằm ngửa, nằm nghiêng, không thích lời nói thiện, mọi người đều biết chắc người này sẽ chết, liền khuyên bảo: “Ngươi nên nghe pháp, thọ trai, giữ giới, sẽ được thấy hình tượng Phật, thấy Tỳ-kheo Tăng, ngươi nên bố thí.” Nhưng người này không vui vẻ, những người khác lại cố khuyên răn nhưng chỉ làm cho người này tăng thêm ý nghĩa xấu ác: “Cho ta được một điều nguyện là: Không nghe tên Tam bảo, và tên các cõi lành, nhất định không nói thêm điều gì nữa!” Khi chết, người này bị đọa vào loài súc sinh.

Người nào tu pháp lành, gieo trồng nhân ở cõi trời, cõi người thì không bị bệnh tật bức ngặt, khi chết, tâm họ không tán loạn, những người thân quyến biết người ấy sắp chết, liền khuyên bảo: “Ngươi có thích nghe pháp, muốn thấy hình tượng Phật, muốn gặp Tỳ-kheo để nghe kinh không? Người có thích được thọ trai giới, muốn có tài sản để cúng dường tượng Phật không?” Người ấy đều đáp: “Tốt lắm!” Lại  bảo: “Cúng dường hình tượng Phật thì được thành Phật đạo, cúng dường Pháp thì sinh ra bất cứ nơi nào cũng đạt được trí tuệ sâu xa, thông suốt Pháp tướng; bố thí cho chúng Tăng thì ở đâu cũng có được châu báu, tùy ý sử dụng, không hề thiếu thốn.” Người bệnh nghe rồi, hoan hỷ phát nguyện: “Nguyện cho tôi sinh ở chỗ nào cũng thường gặp ngôi Tam bảo, nghe pháp được khai ngộ.” Khi qua đời, người ấy được sinh trong loài người.

Người nào gieo trồng nhân lành để cầu sinh lên cõi trời, hoặc bố thí, trì giới thanh tịnh, ưa thích nghe kinh Pháp, thọ trì mười điều thiện thì khi sắp qua đời, được nằm ngửa an ổn, thấy hình tượng Phật, cung nữ cõi trời và được nghe âm nhạc cõi trời, nhan sắc tươi vui, đưa tay hướng lên. Khi lâm chung, người này được sinh lên cõi trời.

Vợ của Tát-bạt này do yêu thích, tham đắm thân mình nên khi chết, phải sinh trở lại làm thân trùng nơi thân cũ, khi bỏ thân trùng này, liền bị đọa vào địa ngục chịu vô lượng khổ.

Thi-lợi-bật-đề thưa:

– Bạch Hòa thượng, còn người phụ nữ kia sao lại tự ăn thịt mình?

Tôn giả Mục-liên đáp:

– Đó là đứa tớ gái của một Ưu-bà-di ở nước Xá-vệ. Ưu-bà-di này thỉnh một vị Tỳ-kheo trì giới thanh tịnh đến cúng dường thực phẩm trong chín mươi ngày vào mùa hạ an cư. Ưu-bà-di lấy tiền của mình xây phòng cho vị Tỳ-kheo ở, tự nấu món ăn ngon tuyệt, cứ đến bữa chiều liền sai tớ gái bưng thức ăn đến cúng dường vị Tỳ-kheo. Đến chỗ khuất, người tớ gái lựa thức ăn ngon ăn hết, phần còn lại đem đến cho Tỳ-kheo. Dần dần, chủ nhà thấy tôi tớ sắc mặt tươi tắn, thân hình mập mạp nên nghĩ là nó lấy trộm thức ăn, liền hỏi: “Ngươi có lấy trộm thức ăn của Tỳ-kheo không?” Người tớ gái đáp: “Thưa chủ nhân, con cũng có lòng tin, chẳng phải là người tà kiến thì lý do gì lại ăn trước vị Tỳ-kheo? Khi Tỳ-kheo ăn xong, còn dư thức ăn nên cho con, con mới ăn thức ăn đó. Nếu con ăn trước thì thề rằng đời đời con tự ăn thịt của con.” Do nhân duyên này, nên trước tiên, người tớ gái kia phải chịu tội về quả báo khinh lờn, sau khi chết sẽ bị đọa vào địa ngục lớn, chịu quả báo chính thức, đau khổ vô cùng.

Phước Tăng lại thưa:

– Bạch Hòa thượng, thân cây lớn có các trùng rúc rỉa mà con đã  thấy, lại phát ra tiếng ghê sợ kia là ai vậy?

Tôn giả Mục-liên bảo:

– Đó là Tỳ-kheo trông coi việc chúng Tăng tên Lại-lợi-tra. Tỳ-kheo này tự ý lấy hoa quả, thực phẩm… của chúng Tăng cho bạch y nên chịu quả báo, sau khi qua đời sẽ bị đọa vào địa ngục lớn, còn những con trùng rúc rỉa ấy chính là những người đã nhận vật của chúng Tăng.

Phước Tăng thưa:

– Bạch Hòa thượng, người gào khóc thống thiết, bị bắn tên tới tấp, lửa cháy sém toàn thân là ai vậy?

Tôn giả Mục-liên đáp:

– Người này đời trước làm thợ săn, giết hại nhiều cầm thú, do tội này nên chịu khổ sở như vậy, khi chết bị đọa vào địa ngục lớn, trải qua thời gian lâu dài, khó thoát ra được.

– Bạch Hòa thượng, người tự nhảy từ trên núi cao xuống, bị dao kiếm đâm chém, thân thể tan nát rồi lên núi, nhảy xuống lại là ai vậy?

Tôn giả Mục-liên đáp:

– Người ấy là một vị đại tướng ở thành Vương xá, do rất mạnh mẽ nên luôn đi tiên phong, dùng dao kiếm để đâm chém làm thương tổn muôn loài nên chịu quả báo này, sau khi chết sẽ bị đọa vào địa ngục lớn, chịu khổ lâu dài.

Phước Tăng lại thưa:

– Bạch Hòa thượng, còn núi xương này là ai vậy?

Tôn giả Mục-liên đáp:

– Ngươi muốn biết ư? Đây chính là xương thân ngươi đời trước đó!

Nghe xong, Thi-lợi-bật-đề rất đỗi kinh sợ, hoảng hốt toát mồ hôi, thưa:

– Bạch Hòa thượng, hôm nay, tâm con tăm tối chưa biết được, xin Thầy nói rõ đầy đủ nhân duyên cho con.

Tôn giả Mục-liên đáp:

– Sự xoay vần của sinh tử không có bờ bến mà nghiệp báo thiệ ác thì không hề tan mất, tạo bao nhiêu nghiệp thì chắc chắn nhận bấy nhiêu quả báo, tùy theo từng việc làm. Vào đời quá khứ, ở Diêm-phù đề này có một vị vua tên Đàm-ma-bật-đề (Pháp Tăng), ưa thích bố thí,  trì giới, nghe pháp, có tâm Từ bi, tánh không bạo ác, không làm tổn thương các loài vật, có đầy đủ tướng của vị quốc vương, dùng chánh pháp để trị nước suốt hai mươi năm, lúc rảnh rang trong việc nước, vua cùng đánh bạc với chơi với mọi người. Lúc đó, có một phạm nhân phạm tội giết người, các quan liền đến tâu: “Tâu đại vương, bên ngoài có phạm nhân phạm tội, phải trị thế nào?” Do vua mãi chơi, không suy xét mà đáp: “Cứ theo pháp nước mà trị.” Các quan căn cứ theo luật: “Giết người thì phạm tội chết” lập tức đem tội nhân ra giết. Nhà vua vui chơi xong, bèn hỏi các cận thần: “Tội nhân lúc nãy đâu rồi, nay trẫm sẽ xử.” Các quan tâu: “Tâu bệ hạ, thần chiếu theo phép nước để trị nên đem đi giết rồi.” Nghe xong, nhà vua bất tỉnh ngã xuống đất. Các cận thần lấy nước lạnh rưới lên mặt, hồi lâu vua mới tỉnh lại, liền khóc lóc, nói: “Cung tần mỹ nữ, voi ngựa, bảy báu, tất cả đều đang ở đây, chỉ có một mình ta phải đọa vào địa ngục chịu mọi khổ đau. Khi ta chưa làm vua thì cung điện này có vua cai trị, chẳng bao lâu ta chết đi thì ở đây cũng có vua khác tiếp tục cai trị, ta xưng là vua mà giết người thì cũng như vua của bọn Chiên-đà-la, không biết đời đời kiếp kiếp, ta sẽ đi về đâu. Nay ta quyết định không làm vua nữa.” Vua liền bỏ ngai vàng vào núi để tu tập. Khi vua qua đời, sinh làm con cá Ma-kiệt trong biển cả, thân lớn dài bảy trăm do tuần. Cá ma và Đại thần tự ỷ vào thế lực, ức hiếp dân chúng, khiến nhân dân ly tán, bóc lột chúng sinh, khi chết sẽ sinh làm nhiều cá lớn Ma-kiệt, có nhiều trùng đến rúc rỉa thân, chui vào vảy để ăn thịt, như những lưỡi câu móc vào mình, lúc mình cá ngứa ngáy, nó cọ vào núi Pha lê, giết những con trùng nát thân, máu chảy đỏ ngầu trong biển cả trăm dặm, vì tội này nên khi chết, bị đọa vào địa ngục lớn. Khi cá Ma-kiệt ngủ một giấc là một trăm năm, tỉnh giấc, chúng quá đói khát nên há miệng lớn để nước biển chảy vào, như chảy vào sông lớn. Bấy giờ, có năm trăm khách luôn đi biển tìm châu báu, gặp lúc cá há miệng lớn nên thuyền trôi thật nhanh vào trong miệng cá, mọi người quá kinh sợ nên khóc lóc gào thét, có người nói: “Hôm nay ta chắc chắn sẽ bị chết”, người khác thì cung kính; hoặc xưng danh hiệu Phật, Pháp và Tăng; hoặc gọi tên chư Thiên, Thần sông, Thần núi, cha mẹ, anh em, bà con…: “Hôm nay là lần cuối cùng chúng ta được nhìn thấy Diêm-phù-đề, chắc vĩnh viễn không thấy nữa!” Khi thuyền sắp tới miệng cá Ma-kiệt, mọi người đồng thanh niệm: “Nam-mô Phật!” Nghe tiếng niệm Phật, cá liền ngậm miệng lại, nước biển ngừng chảy, tất cả khách buôn như từ cõi chết trở về. Do bị đói khát giày vò nên cá liền chết, được sinh trong thành Vương xá. Dạ-xoa, La-sát liền vớt cá lên, để trên bờ biển, trải qua những ngày mưa nắng, thịt đã tiêu tán, chỉ còn xương, chính là núi xương này. Này Phước Tăng, vua Pháp Tăng thuở đó nay chính là ông, do tội giết người nên đọa làm cá Ma-kiệt ở biển cả này. Hôm nay đã được làm thân người, sao ông không nhàm chán sinh tử? Nếu ông chết ở đây thì sẽ bị đọa vào địa ngục, muốn ra khỏi cũng thật khó.” Khi ấy, thấy thân cũ của mình, được nghe Thầy thuyết giảng xong, Phước Tăng rất sợ sinh tử, liền ghi nhớ thứ lớp các pháp tu, chú tâm giữ ý, quán sát thân cũ của mình, hiểu rõ pháp vô thường, nhàm chán sinh tử, trừ sạch các kết sử, lậu hoặc, chứng đắc quả vị A-la-hán. Tôn giả Mục-liên hoan hỷ, nói:

– Pháp tử, hôm nay, việc nên làm ông đã làm xong, lúc đến đây, ông đã nương vào thần lực của ta mà đến, bây giờ ông có thể tự dùng thần lực của mình mà đi.

Bấy giờ, Tôn giả Mục-liên bay lên hư không, Thi-lợi-bật-đề bay theo sau Hòa thượng, như chim con bay theo mẹ, cùng trở về Trúc lâm.

Lúc này, các Tỳ-kheo trẻ tuổi chưa biết Phước Tăng đắc đạo nên vẫn châm chọc như trước. Do tâm đã điều thuận, Thi-lợi-bật-đề vẫn giữ oai nghi đĩnh đạc, yên lặng không phân trần. Đức Phật biết việc này, vì muốn hộ trì các Tỳ-kheo không để họ khởi nghiệp ác, cũng muốn hiển bày đức của Tỳ-kheo già này nên ở trong đại chúng, Ngài gọi:

– Phước Tăng, hãy đến đây! Hôm nay, ông đã đến bên bờ biển sao?

– Bạch Đức Thế Tôn, thật con có đến.

– Ông có thể trình bày lại những điều đã thấy không?

Tỳ-kheo Phước Tăng bạch Phật đầy đủ về những điều đã thấy.

Đức Phật dạy:

– Lành thay! Lành thay! Này Phước Tăng, những điều ông thấy đều là sự thật. Hôm nay, ông đã xa lìa khổ sinh tử, đạt được an vui của  Niết-bàn, xứng đáng thọ nhận tất cả sự cúng dường của trời, người, những việc của Tỳ-kheo phải làm, ông đã làm đầy đủ.

Nghe lời Phật dạy, các Tỳ-kheo trẻ tuổi rất lo sợ, hối hận: “Đây là bậc Hiền thiện trí tuệ, chúng ta không có trí tuệ, dùng tâm ác châm chọc, thế nào chúng ta cũng nhận lấy quả báo của tội này!” Các Tỳ-kheo trẻ tuổi liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến chỗ Tỳ-kheo Phước Tăng, gieo năm vóc sát đất, thưa:

– Các bậc Thiện nhân xuất hiện thì tâm Bi cũng phát sinh theo; cũng vậy, hôm nay Đại đức sinh khởi thì tâm Bi cũng phát sinh. Cúi xin Đại đức thương xót chúng tôi mà nhận lời sám hối lỗi lầm.

Phước Tăng đáp:

– Đối với các vị, lúc nào tôi cũng có tâm thiện để tiếp nhận lời sám hối lỗi lầm. Thấy các Tỳ-kheo trẻ tuổi còn sợ hãi, Phước Tăng liền thuyết pháp. Các Tỳ-kheo nghe xong, lập tức nhàm chán pháp sinh tử, siêng năng tu tập, dứt sạch kết sử, lậu hoặc chứng đắc đạo quả A-la-hán. Do nhân duyên này, tiếng khen về Phước Tăng vang khắp thành Vương xá, mọi người đều nói:

– Lạ thay! Thật là đặc biệt! Trưởng giả trong thành này già nua không thể tưởng, nay xuất gia trong Phật pháp lại được thành đạo, lại thuyết pháp vi diệu hiếm có như vậy!

Bấy giờ, mọi người trong thành đều phát tâm thanh tịnh, có người cho phép nam, nữ, nô tỳ, dân chúng xuất gia, hoặc tự mình xuất gia, tất cả đều hoan hỷ, cùng khuyến khích nhau xuất gia. Do nhân duyên này nên nói công đức xuất gia thật vô lượng vô biên. Phước Tăng một trăm tuổi mới xuất gia mà thành tựu các công đức lớn lao như vậy, huống là những người trẻ tuổi, muốn cầu quả báo lớn thù thắng vi diệu thì nên siêng năng tu theo pháp xuất gia để học đạo.