SỐ 202
KINH HIỀN NGU
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, xứ Kinh châu, quận Cao xương,
Sa-môn Tuệ Giác và các vị khác cùng dịch.

Việt dịch:  Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 13

Phẩm 68: CÔN TRÙNG TRONG VŨNG NƯỚC

Tôi nghe như thế này:

Thuở nọ Đức Phật ở nước La-duyệt-kỳ, trong núi Kỳ-xà-quật.

Bấy giờ ở bên thành có một cái vũng nước rộng, bùn sình bất tịnh, Mphần nhiều là phẩn uế trong đó. Người dân trong nước, những người hèn hạ thường đem những thức dơ bẩn quăng vào trong đấy. Có một con trùng lớn, hình như con rắn lại có bốn chân ở trong vũng nước ấy, chạy đi qua lại, lúc hụp lúc trồi, trải qua mấy năm thọ khổ vô lượng.

Bấy giờ Đức Thế Tôn dẫn các Tỳ-kheo vây quanh vũng nước ấy, hỏi:

– Này các Tỳ-kheo, các ông có biết con trùng này túc duyên tạo hạnh nghiệp gì không?

Bấy giờ các Tỳ-kheo đều suy nghĩ mà không thể biết kiếp trước nó tạo nghiệp gì, đều bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn, chúng con không biết.

Bấy giờ Đức Phật nói:

– Các ông hãy lắng nghe, ta sẽ vì các ông mà nói nó tạo hạnh nghiệp gì.

Thời quá khứ có Đức Phật Tỳ-bà-thi ra đời, giáo hóa xong Ngài thu thần Niết-bàn. Lúc đó, trong Phật pháp có mười vạn Tỳ-kheo tịnh tu phạm hạnh, nhàn cư lạc tịnh nương vào một ngọn núi. Bên phải, bên trái ngọn núi có nhiều cây cối hoa lá sum suê tươi tốt không cùng. Giữa khu rừng ấy có suối nước trong veo mát mẻ. Bấy giờ các Tỳ-kheo thích trụ nơi ấy để hành đạo siêng năng không lười mỏi. Họ đều đạt đến Sơ quả cho đến Tứ quả, không có vị nào là phàm phu cả. Khi ấy có năm trăm người thương buôn, cùng hội họp muốn đi ra biển. Trên đường phải đi ngang ngọn núi này, các nhà buôn thấy các Tỳ-kheo siêng năng tu tập, trong lòng thầm quý kính, suy nghĩ định cúng dường. Khi đó các thương buôn tụ tập đi đến thỉnh chúng Tăng xin được cúng dường, nhưng đã có đàn-việt khác thỉnh cúng dường hằng ngày rồi. Sự việc không theo ý muốn, bèn đến từ giã chúng Tăng đi ra biển:

– Giả sử chúng tôi yên ổn trở về sẽ mở tiệc cúng dường, xin thương xót hứa khả. Khi ấy chư Tăng im lặng hứa khả thọ thỉnh. Những thương buôn ra biển được nhiều châu báu, bình an trở về, đến chỗ chúng Tăng, chư Tăng muốn tuyển các thứ báu lạ đẹp để cúng dường, nếu có cần tiêu  dùng gì thì tùy ý. Khi ấy chúng Tăng nạp thọ báu vật, gởi cho vị Tăng Ma-ma-đế. Sau này thức ăn đều hết, đem thứ của báu ấy đổi ra để tiêu dùng. Khi đó Ma-ma-đế đáp lại chúng Tăng rằng:

– Trước kia các vị khách thương tự cho tôi của báu, nay duyên cớ gì mà lại xin tôi.

Các bậc Thượng tọa, Duy na nói với Ma-ma-đế:

– Trước kia đàn-việt đem của báu cúng dường chúng Tăng nhờ ông giữ giùm, nay chúng Tăng hết lương thực nên lấy thứ ấy ra dùng đỡ.

Lúc đó Ma-ma-đế nổi sân mà nói rằng:

– Những của báu này là của tôi, duyên cớ gì mà đòi hỏi. Nếu có thiếu hãy lấy phẩn mà ăn.

Khi ấy chúng Tăng thấy Ma-ma-đế khởi ác ý rồi bèn bỏ ra đi. Do lời ác khẩu khi dễ chúng Tăng, sau khi thân hoại mạng chung, đọa địa ngục A-tỳ, thân thường lăn lộn trong phẩn uế. Trải qua chín mươi hai kiếp, từ trong địa ngục ra, nay lại sinh vào trong ao phân uế này, trải qua mấy năm chưa được giải thoát. Tại vì sao? Vì thời quá khứ có Đức Phật Thi-khí dẫn các Tỳ-kheo đi ngang qua hầm này, bảo các đệ tử nói rõ ngọn nguồn. Kế đến có Đức Phật tên Tùy-diệp cũng dẫn các Tỳ-kheo đi đến đó nói rõ nhân duyên. Từ đó mạng chung lại rơi vào địa ngục. Trải qua vạn ức năm, sau đó mạng chung lại sinh vào trong đây. Kế đến có Đức Phật tên Câu-lưu-tôn, cũng cùng đồ chúng đi quanh ao này, chỉ bày nói rõ nguồn gốc con trùng trong ao nước này cho các Tỳ-kheo nghe. Kế đến có Đức Phật Câu-na-hàm Mâu-ni cũng cùng các đệ tử, đi đến ao này. Lại đến Đức Phật Ca-diếp cũng dẫn các đệ tử đến đây thuyết về nhân duyên cái ao này. Lần lượt bảy vị Phật, đến Ta là Thích-ca Mâu-ni, hôm nay chỉ bày ngọn nguồn nhân duyên của ao nước nay. Trông thấy con trùng ấy ở đời hiện kiếp và tương lai đều mang thân hình như vậy.

Khi ấy các Tỳ-kheo nghe Đức Phật nói kinh sợ lông tóc dựng ngược, cùng nhau cố gắng tu, giữ gìn thân miệng ý, tin thọ lời Đức Phật, hoan hỷ phụng hành.