SỐ 192
PHẬT SỞ HÀNH TÁN
Nguyên tác: Mã Minh Bồ-tát.
Hán dịch: Đời Bắc Lương, Tam tạng Pháp sư Đàm Vô Sấm, người xứ Thiên trúc.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 4

Phẩm 18: HÓA ĐỘ CẤP CÔ ĐỘC

Có vị Đại trưởng giả
Tên là Cấp Cô Độc
Rất giàu có vô lượng
Rộng thí kẻ nghèo khổ
Xa từ ở phương Bắc
Nước Kiều-tát-la đến
Nghỉ nhờ nhà người quen
Người chủ tên Thủ-la
Nghe có Phật ra đời
An trụ trong rừng trúc
Nghe danh, trọng đức Ngài
Đêm đó đến rừng kia.
Như Lai đã biết ông
Căn thuần, tâm tịnh tín
Tùy nghi khen chỗ Phật
Nói pháp ông nghe rằng:
“Ông ưa thích chánh pháp
Tâm tịnh tín khao khát
Giảm bớt việc ngủ nghỉ
Đến đây kính lễ Ta
Giờ Ta sẽ vì ông
Bầy cách đón khách mới.
Ông trước trồng cội đức
Giữ vững nguyện thanh tịnh
Nghe hiệu Phật vui mừng
Xứng đáng làm pháp khí
Vô tư hành thí khắp
Cung cấp kẻ khổ nghèo
Tiếng khen vang khắp nơi
Do nhân trước, quả thành
Nay sẽ hành pháp thí
Dốc lòng chân thành thí
Khi thí, vắng lặng thí
Thọ trì cả tịnh giới.
Giới là vật trang nghiêm
Chuyển đổi được đường ác
Khiến người được sinh Thiên
Hưởng năm lạc cõi trời.
Đa cầu là khổ lớn
Ái dục nhóm các tôi
Nên phải lìa điều ác
Lìa dục vui vắng lặng.
Biết khổ, già, bệnh, chết
Là khổ lớn thế gian
Chánh quan sát chúng sinh
Lìa sinh, già, bệnh, chết
Đã thấy ở nhân gian
Có khổ, già, bệnh, chết
Sinh Thiên cũng như thế
Không có gì thường còn
Vô thường chính là khổ
Khổ thì không có ngã
Vô thường, khổ, vô ngã
Đâu có ngã, ngã sở.
Biết khổ chính là khổ
Nhóm họp chính là tập
Khổ dứt là vắng lặng
Đạo là nơi yên ổn.
Chúng sinh tính lưu động
Nên biết là gốc khổ
Chỉ chưa lấp được nguồn
Chẳng mong “hữu, phi hữu”
Lửa hừng sinh, già, chết
Cháy rực khắp thế gian
Thấy sinh tử dao động
Phải tu theo vô tưởng
Tam-ma-đề rốt ráo
Chỗ vắng lặng cam lộ
Không ngã, ngã sở
Thế gian đều như huyễn
Nên quán sát thân này
Các đại chúng đến nhóm.”
Trưởng giả nghe nói pháp
Liền chứng được Sơ quả
Biển sinh tử cạn khô
Chỉ còn một giọt thừa
Thảnh thơi tu lìa dục
Hữu vô thân bậc nhất,
Chẳng như người tục nay
Thấy đế, chân giải thoát
Không lìa các khổ hạnh
Các thứ lưới dị kiến
Tuy đến “Hữu bậc nhất”
Không thấy nghĩa chân thật
Nghĩ tà, đắm phước trời
Hữu ái buộc càng chặt.
Trưởng giả nghe nói pháp
Ấm cái chợt lìa bỏ
Bèn có được Chánh kiến
Các tà kiến dứt hẳn
Như gió thu mạnh mẽ
Thổi tan hết mây đùn
Chẳng chấp nhân tự tại
Cũng chẳng sinh tà nhân
Cũng chẳng phải không nhân
Mà sinh ra thế gian.
Nếu trời Tự tại sinh
Không lớn, nhỏ, trước, sau
Không lên xuống năm đường
Nếu sinh không phải diệt
Cũng không có tai họa
Làm ác cũng không tội
Nghiệp tịnh, nghiệp bất tịnh
Đều do trời Tự tại!
Nếu trời Tự tại sinh
Thế gian chẳng nên nghi
Như con từ cha sinh
Ai chẳng biết trời quý.
Khi người bị nghèo khổ
Không nên lại oán trời
Đều phải tôn Tự tại
Không nên thờ thần khác.
Tự tại được làm ra
Thì không gọi Tự tại
Vì trời được làm ra
Thì trời phải thường làm
Thường làm thì tự nhọc
Sao gọi Tự tại được?
Nếu vô tâm mà tạo
Như trẻ con đã làm
Nếu có tâm mà làm
Có tâm chẳng Tự tại.
Khổ vui do chúng sinh
Thì chẳng Tự tại làm
Tự tại tạo khổ, vui
Thì trời có yêu, ghét
Mà đã có yêu ghét
Không nên gọi Tự tại.
Lại nếu Tự tại làm
Chúng sinh nên yên lặng
Mặc sức Tự tại kia
Nghiệp lành cần gì tu?
Dù làm ác, tu thiện
Không nên có nghiệp báo!
Nếu Tự tại nghiệp sinh
Thì tất cả nghiệp chung
Nếu là nghiệp chung thì
Đều nên gọi Tự tại!
Nếu Tự tại vô nhân
Tất cả cũng nên không
Nếu do Tự tại khác
Tự tại phải vô cùng
Cho nên các chúng sinh
Đều không có người tạo.
Nên biết nghĩa Tự tại
Do lý này bị phá
Tất cả nghĩa trái nhau
Không nói thì có lỗi
Nếu cho tự tánh sinh
Thì lỗi cũng như thế.
Các luận giả Nhân minh
Không hề nói như vậy
Không chỗ nương, không nhân
Mà có chỗ tạo tác!
Các thứ đều do nhân
Giống như nương hạt giống
Cho nên biết tất cả
Thì chẳng tự tánh sinh
Tất cả mọi tạo tác
Không chỉ một nhân sinh
Mà nói: Nhất tự tánh
Cho nên chẳng phải nhân.
Nếu nói tự tánh kia
Trùm khắp ở mọi nơi
Nếu trùm khắp mọi nơi
Cũng không thể tạo tác
Đã không thể tạo tác
Thì chẳng phải là nhân.
Nếu ở khắp mọi nơi
Tất cả có tạo tác
Thế thì tất cả thời
Thường nên có tạo tác.
Nếu nói thường tạo tác
Không đợi thời tạo vật
Vậy cho nên phải biết
Tự tánh chẳng phải nhân.
Lại nói tự tánh kia
Lìa tất cả tâm đó
Tất cả việc tạo tác
Cũng nên lìa các tâm.
Tất cả các chúng sinh
Đều thấy có nhiều tâm
Cho nên biết tự tánh
Cũng chẳng phải là nhân.
Nếu nói: Tự tánh kia
Khác với tâm đó thì
Cho thường chính là nhân
Tánh ấy không nên khác.
Chúng sinh, tâm khác biệt
Tự tánh chẳng phải nhân
Nếu tự tánh là thường
Việc cũng không nên hoại
Cho tự tánh là nhân
Lý nhân quả phải đồng.
Vì chúng sinh thấy hoại
Nên biết có nhân riêng.
Nếu tự tánh là nhân
Không nên cầu giải thoát
Bởi vì có tự tánh
Nên mặc sinh diệt kia
Dù cho được giải thoát
Tự tánh lại sinh buộc
Nếu tự tánh không thấy
Mà thấy được nhân pháp
Đây cũng không phải nhân
Lý nhân quả sai khác.
Các việc thấy ở đời
Nhân quả thảy đều thấy
Nếu tự tánh vô tâm
Không nên có nhân tâm!
Như thấy khói biết lửa
Loại nhân quả cùng tìm
Ngoài nhân kia không thấy
Mà sinh ra việc thấy.
Như vàng làm trang sức
Trước sau không rời vàng
Tự tánh là việc “nhân”
Trước sau đâu có khác.
Nếu cho “thời” tạo tác
Không phải cầu giải thoát
Vì thời kia là thường
Nên mặc thời tiết kia.
Thế gian là vô biên
Thời tiết cũng như thế,
Cho nên người tu hành
Không nên phương tiện cầu.
Đà-la-phiêu tâm kia
Một dị luận thế gian
Tuy có rất nhiều thuyết
Nên biết chẳng một nhân.
Nếu nói ngã tạo tác
Nên tùy ý muốn sinh
Mà nay không tùy ý
Thì sao nói ngã tạo?
Không muốn mà lại được
Muốn ấy lại trái ngược
Khổ vui không tự tại
Vì sao nói ngã tạo?
Nếu cho ngã tạo tác
Thì không nghiệp đường ác!
Các thứ nghiệp quả sinh
Nên biết chẳng ngã tạo
Nói ngã tùy thời tạo
Thì chỉ nên làm thiện
Thiện, ác tùy duyên sinh
Nên biết chẳng ngã tạo.
Nếu cho vô nhân tạo
Không cần tu phương tiện
Tất cả tự nhiên định
Tu nhân để làm gì?
Các thứ nghiệp thế gian
Đạt được các thứ quả
Cho nên biết tất cả
Chẳng phải vô nhân tạo!
Hữu tâm và vô tâm
Đều từ nhân duyên khởi!
Tất cả pháp thế gian
Chẳng phải vô nhân sinh”
Trưởng giả tâm mở tỏ
Thông đạt nghĩa nhiệm mầu
“Thật trí nhất tướng” sinh
Quyết định rõ chân đế
Kính lễ chân Thế Tôn
Chắp tay khải thỉnh rằng:
“Ở tại Xá-bà-đề
Vùng đất giàu, an vui
Đức vua Ba-tư-nặc
Sư tử dòng vọng tộc
Phước đức tiếng đồn vang
Xa gần đều tôn kính
Muốn xây dựng tinh xá
Cúi mong thương xót nhận
Biết tâm Phật bình đẳng
Chỗ ở chẳng cầu an!
Thương các chúng sinh ấy
Không từ chối con thỉnh.”
Phật biết tâm trưởng giả
Nay phát tâm đại thí
Không nhiễm, không mê đắm
Khéo hộ tâm chúng sinh
Ông đã thấy chân đế
Muốn hành thí hết lòng
Tâm thành thích bố thí
Của vô thường không quý
Tiền tài, báu vô thường
Phải nên mau bố thí
Như kho tàng bị cháy
Lấy được nhiều tốt nhiều
Người trí biết vô thường
Xuất tiền bố thí khắp
Người xan tham tiếc giữ
Sợ hết, không dám xài
Cũng không sợ vô thường
Luống mất, thêm âu lo.
Nên bố thí kịp lúc
Như kẻ mạnh gặp địch
Có khả năng chiến đấu
Đó mới là người mạnh.
Bố thí được người mến
Tiếng lành vang khắp chốn
Người lành thích làm bạn
Khi chết tâm thường vui
Không hối cũng không sợ
Không đọa vào ngạ quỷ
Đó chính là hoa báo
Quả này khó nghĩ bàn
Luân hồi trong sáu nẻo.
Bạn lành không hơn thí
Nếu sinh lên trời, người
Được mọi người hầu hạ
Nếu đọa vào súc sinh
Nhờ thí cũng được vui.
Người trí tu thiền định
Không toan tính, không nương
Dù được đạo cam lộ
Còn nhờ thí mà thành
Nhờ việc bố thí kia
Tu tám việc đại nhân
Tùy niệm tâm vui mừng
Quyết định Tam-ma-đề
Tam-muội tăng trí tuệ
Quán sát được sinh diệt.
Quán sát sinh diệt rồi
Lần lượt được giải thoát
Người xả của bố thí
Dứt bỏ được tham đắm
Từ bi, cung kính cho
Dứt cả ganh, tức, mạn.
Thấy rõ quả bố thí
Dứt si kiến không thí
Các phiền não kết tan
Đó là do bố thí!
Nên biết việc bố thí
Chính là nhân giải thoát
Giống như người trồng cây
Vì để được hoa trái
Bố thí cũng như thế
Để được Niết-bàn vui.
Thí của không bền chắc
Thu được quả bền chắc
Thí thực được sức khỏe
Cho áo được sắc đẹp
Nếu xây dựng tinh xá
Các quả được đầy đủ
Hoặc thí cầu năm dục
Hoặc tham cầu tài vật
Hoặc thí vì tiếng khen
Hay cầu sinh cõi trời
Hoặc vì thoát nghèo khổ
Chỉ ông thí vô tâm
Trên hết trong các thí
Không lợi nào không được
Tâm ông rộng mở ra
Giúp cho mau thành tựu
Tâm si ái dứt mất
Mắt thanh tịnh mở sáng”.
Trưởng giả vâng lời Phật
Tâm bố thí thêm sáng
Mời Ưu-ba-đê-xá
Bạn hiền cùng trở về
Nước Kiều-tát-la kia
Đi khắp chọn chỗ tốt
Thấy vườn cây Thái tử
Rừng suối rất thanh vắng
Đi đến chỗ Thái tử
Xin mua một khoảnh vườn.
Thái tử tiếc vườn báu
Không ý bán nên bảo:
“Dù trải khắp vàng ròng
Ta vẫn còn không bán ”.
Tâm trưởng giả vui mừng
Đem vàng ròng trải khắp
Kỳ nói: “Ta không bán
Sao ngươi trải vàng vào?”
Trưởng giả đáp: “Không bán
Sao bảo vàng trải khắp?”
Hai người tranh cãi nhau
Kéo đến quan xử kiện
Mọi người lấy làm lạ
Kỳ biết ông tâm thành
Bèn hỏi rõ lý do
Đáp: “Rằng cất tinh xá
Cúng dường Đức Như Lai
Và các Tỳ-kheo Tăng.
Thái tử nghe nói Phật
Tâm ông liền tỏ ngộ
Chỉ lấy nửa số vàng
Xin được cùng xây dựng
Ông đất, ta rừng cây
Hợp chung cúng dường Phật.
Trưởng giả đất, Kỳ rừng
Giao cho Xá-lợi-phất
Bắt đầu xây tinh xá
Ngày đêm cho mau xong
Trang nghiêm, cao lồng lộng
Như cung bốn vua trời
Thuận theo nghi đạo pháp
Khen Như Lai ứng hiện.
Thế gian chưa từng có
Thêm sáng thành Xá-vệ
Như Lai hiện ân thần
Các Thánh nhóm an cư
Không kẻ hầu bận rộn
Có hầu giúp đạo nghi
Trưởng giả nhờ phước này
Chết được sinh cõi trời
Con cháu nối nghiệp ông
Nhiều đời gieo ruộng phước.