KINH BỒ-TÁT ANH LẠC

Hán dịch: Đời Dao Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người Lương Châu.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 18: ĐẠT ĐẾN VÔ LƯỢNG

Đức Phật nói:

–Các vị thiện nam, thiện nữ dốc tâm phụng trì tu tập ba pháp Thiền hành ấy thì liền đạt được đầy đủ mọi công đức thiện, đi đến khắp các cõi Phật để cúng dường phụng sự chư Phật Thế Tôn.

Bấy giờ Đức Thế Tôn ở nơi đại chúng liền đọc bài kệ:

Hằng sa Phật quá khứ
Đều từ ba pháp Thiền
Pháp vô tướng, vô nguyện
Nên hợp nẻo giới Thánh
Ba Thiền, pháp cội rễ
Tự đạt đến Nê-hoàn
Chính khiến tụng vô lượng
Chưa thể hết pháp ấy.
Như khiến một sĩ phu
Thọ mạng vô lượng kiếp
Trong ấy muốn tuyên giảng
Chẳng hết được ba Thiền.
Tự quán thức quá khứ
Chẳng phải ý nêu được
Thức vị lai cũng thế
Thức chẳng có chẳng không
Vô hình chẳng thể thấy
Nhưng gốc mọi sinh tử
Tư duy pháp Cửu địa
Sau mới được giác ngộ.
Pháp phạm hạnh thanh tịnh
Ủng hộ pháp Như Lai
Nhằm mỗi mỗi phân biệt
Chưa suốt thân Như Lai
Bậc tôn quý ba đời
Phá tan mọi lưới dục
Mọi trói buộc dẫn dắt
Thảy đều được dứt sạch
Quán thế gian biến đổi
Đời đời mãi nối nhau
Huống muốn rõ gốc thức
Hiện thân sáu hang hốc
Gốc ngã chẳng tạo nghiệp
Do nhiễm nên sinh cấu
Đều nhờ ba pháp Thiền
Mới tọa gốc Bồ-đề
Nếu có Tộc tánh tử
Tâm trí nhằm tính lường
Phân biệt thân Như Lai
Thảy đều như vi trần
Các pháp giới quá khứ
Mỗi mỗi chẳng nghĩ bàn
Đều từ ba Thiền ấy
Nên được xưng danh hiệu
Nếu muốn đạt gốc thức
Nhận rõ pháp chẳng có
Nẻo hướng vô số biến
Mới hợp ba hành Thiền.
Đời ta đã tự an
Cũng khiến chúng nhân an
Nhưng người nhiều nhớ nghĩ
Ta dẫn dắt chỉ nẻo
Ta từ gốc các Định
Hành quán ngộ ba Thiền
Chẳng có tưởng thức địa
Vượt hết hành quá khứ
Gốc sinh từ ta, người
Lưu chuyển theo năm cõi
Năng dứt nhiễm một đời
Mới hợp với ba Thiền
Có ba pháp rốt ráo
Soi rõ gốc mọi nhiễm
Hai là Tuệ hiện tại
Quán đạo đó là ba.
Nên tận nẻo nghĩa ấy
Hành vô lượng ba Thiền
Điều ấy chẳng thể nghĩ
Ba pháp hành dốc đạt
Lại rõ gốc ân ái
Dần dần chuyển nhập Định
Đã dốc chí theo thầy
Sau mới thành đạo quả
Hoặc hiện ba ngàn cõi
Như ngọc nơi tay người
Mỗi mỗi nhập quán định
Rửa sạch mọi bụi bặm
Như người nhằm đo định
Muốn dùng hộc đấu lường
Tuy tâm kia lập được
Đâu lại có lẽ ấy!
Tâm niệm không bến bờ
Sinh khởi luôn nối tiếp
Như nước xuôi về biển
Chẳng thấy có tăng giảm
Huống người muốn lường được
Cội nguồn của tâm kia
Muốn tìm nẻo tâm niệm
Đâu lại có lẽ ấy!
Bậc Thánh sở dĩ xuất
Thị hiện nơi cuộc đời
Như muốn lượng tính Không
Khiến rõ lượng hộc đấu
Nhận rõ niệm dấy khởi
Trước sau cùng khoảng giữa
Mỗi mỗi thảy đều rõ
Dứt gốc giống sinh tử
Tâm người chẳng một loại
Hành tạo từng ấy đường
Tự đánh mất cõi gốc
Nên bị hãm vực sâu
Quá khứ mọi hằng sa
Các pháp thảy cùng đồng
Đều nhờ ba hành Thiền
Thành tựu đạo Vô thượng
Chư Như Lai vị lai
Cũng sẽ giữ hành ấy
Mọi chúng sinh xứ yên
Cùng đều thành đạo giác
Như ta nay thành Phật
Pháp vương ba cõi này
Cũng do ba nẻo tuệ
Thành tựu đạo Vô thượng.

Đức Thế Tôn nói xong bài kệ ấy liền nói với các vị thiện nam, thiện nữ:

–Trong vô số hằng sa kiếp về thời quá khứ có Phật xuất hiện ở đời hiệu là Kiến Vô Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ, cũng ở nơi xứ ấy thành Phật. Bấy giờ có vị quốc vương tên là Cát Mãn, ở cõi đó cai trị, giáo hóa dân chúng, đem lại sự thịnh vượng hết mực. Năm thứ lúa thóc luôn dồi dào, thành tựu đầy đủ bảy thứ báu: đó là châu báu, xe báu, ngọc nữ báu, ngựa báu, voi báu, quan giữ kho tàng và quan coi việc binh quý giá. Nhà vua lại có tới một ngàn người con toàn là hạng nhiều tài năng dũng mãnh hơn người, sáu nghệ gồm đủ.

Lúc này đại vương Cát Mãn tuổi tác đã cao, muốn lìa bỏ ngôi vua để theo Đức Như Lai Kiến Vô nhằm tịnh tu phạm hạnh, tức thì trao lại ngôi báu cho vị Thái tử thứ nhất, rồi đi đến chỗ Đức Phật Kiến Vô dốc cầu tu tập phạm hạnh. Suốt trong mười hai năm luôn gần gũi với Đức Phật để tu học ba pháp Thiền ấy, hãy còn chưa thấu đạt diệu nghĩa của một cú. Sau khi Đức Như Lai Kiến Vô diệt độ trở đi, trong khoảng hai mươi đại kiếp không có Phật, sau đấy mới có Phật xuất hiện thì nhà vua Cát Mãn lại tìm đến Đức Phật đó tu tập phạm hạnh. Như thế là trải qua mười hai ức na-thuật chư Phật, đối với mỗi mỗi vị Phật, nhà vua cũng đều dốc tu phạm hạnh. Lại theo các Đức Phật ấy cúng dường vô số chư Phật. Mãi về sau này mới gặp đức Quang Minh Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Từ lúc được nhận nơi Đức Phật ấy ba pháp Thiền tuệ cho tới hôm nay mới được thành tựu.

Đức Phật bảo các vị trong chúng hội:

–Quốc Vương Cát Mãn thời bấy giờ nào phải là một người nào xa lạ? Chớ nên nghĩ như vậy, vì vị quốc vương thời đó hiện tại chính là ta, là Phật Thích-ca Văn Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Từ đó trở đi cho tới nay mới đạt được ba pháp Thiền ấy làm cái gốc cho sự tu tập tự đạt thành Phật an tọa nơi đạo tràng. Bấy giờ Đức Thế Tôn liền đọc bài tụng: Nhớ ta chứa công đức

Trải qua vô số Phật
Gặp phải bao phiền não
Chưa thể tự xua diệt
Khoảng ấy lại cúng dường
Hằng sa vô lượng Phật
Vợ con, của, nước, thí
Ba pháp ấy chưa đạt
Sau gặp đức Quang Minh
Mới được tuệ quý đó
Luôn dốc tu hạnh tịnh
Mới ngộ ba pháp Thiền
An nhiên dứt lo sợ
Không sinh, không cấu nhiễm
Chúng tướng thêm trang nghiêm
Nên hiệu Nhân Trung Tôn
Do ta tuệ bình đẳng
Chẳng dấy mọi tưởng chấp
Hóa độ trời, thế gian
Bậc tôn quý ba cõi.

Đức Thế Tôn nói xong bài kệ này, lúc ấy nơi tòa ngồi có hàng trăm ngàn ức chúng sinh đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Lại có nhiều chư Thiên, người đời theo chỗ nhớ nghĩ về đạo pháp của mình mà thảy đều thành tựu.

Bấy giờ có một vị Bồ-tát tên là Tịnh, liền đến trước Đức Phật cung kính thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Phàm bậc Chuyển luân thánh vương cai trị bốn cõi thiên hạ nên có thể gồm đủ bảy thứ báu, sau đấy mới được gọi là Chuyển luân thánh vương. Đức Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác có bảy pháp Ba-la-mật, sau đấy mới được tôn xưng là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nay con xin được hỏi Đức Như Lai, bảy pháp ấy là hữu hình hay vô hình?

Đức Phật nói:

–Này vị Tộc tánh tử! Hãy nên thận trọng! Ta nay sẽ nêu bày những điểm then chốt để cho Bồ-tát rõ. Như chỗ thưa hỏi của Bồ-tát thì bảy pháp của Như Lai rõ ràng là không có hình tướng. Vì sao? Vì pháp ấy hết sức thâm diệu chẳng thể cùng tận, chỉ vì nhằm để giáo hóa chúng sinh nên hiện ra có sự cùng tận. Nhưng gốc của bảy pháp ấy là không có cùng tận.

Bồ-tát Tịnh thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Bảy báu của bậc Chuyển luân thánh vương là hữu hình hay vô hình?

Đức Phật nói:

–Có hữu tình hữu hình, cũng có vô tình hữu hình. Thế nào là Hữu tình hữu hình? Như ngọc nữ báu, voi báu, ngựa báu, vị quan coi kho tàng báu, vị quan giữ việc binh báu. Đó là hữu tình hữu hình.

Thế nào là Vô tình hữu hình? Như xe báu, châu ngọc báu. Đó là Vô tình hữu hình.

Bồ-tát Tịnh thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Như bậc Chuyển luân thánh vương an tọa nơi cõi trời, ý có chỗ suy nghĩ, liền theo chỗ nghĩ nhớ ấy mà đến. Bấy giờ thì các thứ báu Hữu tình hữu hình biết được chỗ nghĩ nhớ của nhà vua liền đến, hay là Hữu tình, vô tình đều cùng đến cả?

Đức Phật nói:

–Trường hợp ấy tuy hữu tình đã liền đến theo ý nghĩ nhớ của nhà vua, nhưng chẳng phải họ đã biết ý của vua mà đến.

Bồ-tát Tịnh thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Thế thì các thứ báu Hữu tình hữu hình ấy có khác gì với xe báu, châu ngọc báu?

Đức Phật nói:

–Này vị Tộc tánh tử! Ý ông nghĩ sao? Xe báu, châu ngọc báu cũng do sự nhớ nghĩ mà đến. Nhưng hai thứ đó có âm vang của lời chỉ dạy chăng?

Bồ-tát Tịnh thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Không có lời chỉ dạy.

Đức Phật nói:

–Này vị Tộc tánh tử! Như thế thì chỉ đám báu Hữu tình hữu hình do ý nghĩ nên liền đến, không cần phải chọn lấy ngôn giáo sao?

Bồ-tát Tịnh thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Như bậc Chuyển luân thánh vương tâm niệm liền đến, vậy muốn sai khiến xe báu, châu ngọc báu thì có dùng đến ngôn giáo được chăng?

Đức Phật nói:

–Được. Vì sao? Vì bậc Chuyển luân thánh vương uy lực đầy đủ, có sẵn trong ngôn giáo.

Bồ-tát Tịnh thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Bậc Chuyển luân thánh vương chẳng phải là hàng hoàn toàn thông đạt, cảm ứng, làm sao khiến những loài vô tình qua các ngôn giáo?

Đức Phật nói:

–Bậc Chuyển luân thánh vương có được sự thông đạt về thế tục, có thể sai khiến các vật ở đời thích ứng theo chỗ nhớ nghĩ của mình.

Chỉ chưa có thể khiến các vật hữu tình trở nên vô tình.

Bồ-tát Tịnh thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là khiến cho các vật có hữu tình trở nên vô tình?

Đức Phật nói:

–Này vị Tộc tánh tử! Nay sẽ vì Bồ-tát mà mỗi mỗi phân biệt về các vật hữu tình khiến thành vô tình, các vật vô tình khiến thành hữu tình. Bồ-tát hãy khéo suy nghĩ và ghi nhớ, ta sẽ vì Bồ-tát mà nêu bày. Như Chuyển luân thánh vương quan sát về chúng sinh hữu tình hữu hình, do yêu mến, ham thích đối tượng ấy nên chưa thể xa lìa được, muốn khiến chúng vĩnh viễn tồn tại, chung cuộc không hề biến đổi, tự nghĩ rằng: “Bản thân mình đang ở ngôi vị Thánh vương, chỉ muốn trông thấy phước đức chứ không thấy sự hao mòn hủy diệt.” Đó gọi là các vật vô hình muốn sai khiến hữu tình. Còn như các hàng thiện nam, thiện nữ đã thành tựu được nẻo đạo, luôn tự tư duy: “Ta nay do đã lìa bỏ nên không trở lại nẻo ái dục ham thích, chỉ muốn trừ diệt hình tướng ấy, không cho chúng cấu nhiễm nơi thức mình.” Đó gọi là hữu hình nhằm hủy diệt nơi tình.

Đức Phật nói tiếp:

–Này vị Tộc tánh tử! Như bốn pháp giới, một pháp giới tăng thì các cõi khác hao tổn, các cõi đều tăng thì một cõi bị hao tổn. Đó là do hữu hình mà tăng chứ không do vô tình mà tăng.

Bồ-tát Tịnh lại thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Như Đức Thế Tôn nói: “Ta nay sẽ nói về Hữu tình đến Vô tình, từ vô tình đến hữu tình.” Nay Đức Như Lai chỉ nói Hữu tình đến vô tình, chưa được nghe Đức Như Lai nói tới Vô tình đến hữu tình?

Đức Phật nói:

–Lành thay! Lành thay! Này vị Tộc tánh tử! Những điều mà Bồ-tát nêu hỏi hiện nay đều thuộc lãnh vực uy thần của Phật. Ta nay sẽ hỏi lại Bồ-tát, Bồ-tát sẽ mỗi mỗi trả lời đầy đủ.

Này vị Tộc tánh tử! Ý ông nghĩ sao? Nếu có các hàng thiện nam, thiện nữ, bắt đầu nơi cõi học đã thành tựu được pháp tu học bảy thứ quán vô lậu. Vậy vào lúc này lại còn có tâm phàm phu với các nẻo quá khứ, hiện tại, vị lai chăng?

Bồ-tát Tịnh thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Không còn có.

Đức Phật nói:

–Đúng vậy! Đúng vậy! Này vị Tộc tánh tử! Đó gọi là vô tình nơi hữu tình.

Đức Phật lại hỏi Bồ-tát Tịnh rằng:

–Này vị Tộc tánh tử! Như hiện nay các bậc Vô học tu tập chín con đường thanh tịnh, thế thì lúc này còn có bảy pháp quán vô lậu chăng?

Bồ-tát Tịnh thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Không còn.

Đức Phật lại nói:

–Này vị Tộc tánh tử! Bồ-tát Không thoái chuyển đạt quán hư không, tu tập mười sáu hành của Bậc Giác Ngộ. Vậy lúc này có còn bậc Vô học tu tập chín đường thanh tịnh chăng?

Bồ-tát Tịnh thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Chẳng còn.

Đức Phật nói:

–Đúng như vậy! Này vị Tộc tánh tử! Đó gọi là vô tình đối với hữu tình.

Đức Phật lại hỏi:

–Này vị Tộc tánh tử! Thế nào? Như hiện nay hàng Bồ-tát tám trụ có được hình tướng của Phật đạt đủ ba mươi hai Thánh đế, vậy lúc này còn có bậc tu chín con đường thanh tịnh chăng?

Bồ-tát Tịnh thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Không còn.

Đức Phật nói:

–Đúng như vậy, này vị Tộc tánh tử! Đó gọi là vô tình nơi hữu tình.

Đức Phật lại hỏi Bồ-tát Tịnh:

–Này vị Tộc tánh tử! Bồ-tát đã đạt Địa thứ chín, vậy thì lúc này còn có ba mươi hai Thánh đế chăng?

Bồ-tát Tịnh thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Không còn.

Đức Phật nói:

–Đúng như vậy! Này vị Tộc tánh tử! Đó gọi là vô tình nơi hữu tình.

Đức Phật lại hỏi Bồ-tát Tịnh:

–Này vị Tộc tánh tử! Như hiện nay Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, sau rốt đã hàng phục mười bốn thứ phiền não cấu nhiễm, vậy thì lúc này có ba pháp Thiền hành chăng?

Bồ-tát Tịnh thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Không còn.

Đức Phật nói:

–Đúng như vậy! Này vị Tộc tánh tử! Đó gọi là vô tình nơi hữu tình.

Đức Phật bảo Bồ-tát Tịnh:

–Nay ta đã vì Bồ-tát mà nêu giảng về hữu tình nơi vô tình và vô tình nơi hữu tình. Thiện nam, thiện nữ như thế là liền có thể gồm đủ đạo giáo của Như Lai, đạt được quả vị Bồ-tát, đi tới đạo tràng, cũng như ánh trăng sáng ngời trong đám tinh tú, tỏa rạng đến hết thảy mọi nơi, không gì là không được soi tỏ. Đại Bồ-tát có đủ được các pháp hữu tình nơi vô tình, vô tình nơi hữu tình thì sẽ đạt đầy đủ các hạnh Thánh của Như Lai, thân ánh màu vàng ròng, các đức lồng lộng, chẳng khác gì ngọn núi cao chứa đầy vàng tinh ròng, mọi trí tuệ tự tại.

Bấy giờ Bồ-tát Tịnh thưa với Đức Phật:

–Kính bạch Thế Tôn! Như hôm nay Đức Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác có thể thể hiện các pháp hữu tình nơi vô tình, vô tình nơi hữu tình chăng?

Lúc này Đức Thế Tôn nghe Bồ-tát Tịnh nêu hỏi về diệu nghĩa ấy, liền từ nơi các chi thể trên thân tướng phóng ra ánh hào quang tỏa sáng, chiếu khắp vô lượng quốc độ của chư Phật, rồi ánh hào quang ấy được thu giữ trở lại nơi thân tướng màu vàng ròng, bèn bảo Bồ-tát Tịnh rằng:

–Lành thay! Lành thay! Này vị Tộc tánh tử! Nay Bồ-tát đã đem các pháp Vô tướng để hỏi Như Lai về diệu nghĩa ấy. Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác do đã vượt qua Địa thứ chín, vượt qua pháp hữu tình nơi vô tình, đạt đến đạo quả Phật-đà nơi đạo tràng, đó gọi là vô tình nơi hữu tình. Vì sao? Vì đều do chúng sinh dấy tưởng chấp.

Bồ-tát Tịnh thưa với Đức Phật:

–Như Thế Tôn vừa nói, do chúng sinh dấy tưởng chấp nên có pháp vô tình nơi hữu tình. Như Lai hôm nay chưa lìa bỏ chăng?

Đức Phật nói:

–Đã lìa bỏ. Tuy ở đấy nhưng không bị cấu nhiễm.

Bồ-tát Tịnh lại hỏi:

–Kính bạch Thế Tôn! Như Lai vốn đã khác tình nên mới khiến vô tình nơi hữu tình. Vậy chỉ riêng có vô tình nơi hữu tình chăng?

Đức Phật nói:

–Này vị Tộc tánh tử! Như Lai lại không phải là khác tình, lại chỉ có vô tình nơi hữu tình, do là chỉ nêu bày diệu nghĩa bậc nhất nên mới nói tới vô tình nơi hữu tình.

Bồ-tát Tịnh lại hỏi:

–Thế nào là ở nơi vô tình? Thế nào là ở nơi hữu tình?

Đức Phật nói:

–Này vị Tộc tánh tử! Ta không có tâm của hàng A-la-hán, Bích-chi-phật, nhưng có bốn Tâm vô lượng là Từ, Bi, Hỷ, Hộ (Xả).

Đó gọi là vô tình nơi hữu tình.

Bồ-tát Tịnh thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Như Lai hôm nay nêu bày về vô tình nơi hữu tình, vẫn còn có vô tình nơi vô tình chăng?

Đức Phật nói:

–Có chứ!

Bồ-tát Tịnh hỏi:

–Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là có?

Đức Phật nói:

–Ta nay tâm đã tịch diệt, hòa nhập với pháp vô vi. Đó gọi là vô tình nơi vô tình.

Bồ-tát Tịnh thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Vô vi cũng như hữu tình, vô tình cũng như hữu tình, thảy đều là giả danh cả. Sao Thế Tôn lại nói: Ta nay tâm đã tịch diệt, hòa nhập với pháp vô vi?

Đức Phật nói:

–Này vị Tộc tánh tử! Đúng vậy! Đúng vậy! Như Bồ-tát vừa nêu, tất cả các pháp đều là giả hiệu. Đó cũng là ý nghĩa hữu tình nơi vô tình, vô tình nơi hữu tình.

Bồ-tát Tịnh lại thưa với Đức Phật:

–Như Thế Tôn vừa dạy, các pháp là vọng động, các pháp không an định, các pháp là vô thường. Thế thì làm sao ở trong các pháp giả hiệu ấy lại nêu được và vô tình nơi hữu tình, hữu tình nơi vô tình?

Đức Phật nói:

–Này vị Tộc tánh tử! Ta nay sẽ dùng diệu nghĩa bậc nhất để hỏi Bồ-tát, Bồ-tát sẽ lần lượt trả lời những điều ta hỏi. Bồ-tát hiện nay là hữu tình chăng, là vô tình chăng?

Bồ-tát Tịnh thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Hữu tình.

Đức Phật nói:

–Thế thì tình của Bồ-tát đứng ở nơi nào?

Thưa:

–Đứng ở nơi vô tình.

Đức Phật nói:

–Bồ-tát nay là hữu tình, làm sao lại đứng nơi vô tình?

Thưa:

–Lìa hữu tướng tới vô, nên đứng ở nơi vô tình.

Đức Phật nói:

–Vô tình đã là vô vi, vậy đứng ở chỗ nào?

Thưa:

–Đứng ở nơi không có chỗ đứng.

Đức Phật nói:

–Bồ-tát nay dùng các pháp gì để đứng nơi không có chỗ đứng?

Thưa:

–Con nay chẳng thấy có hữu tình, chẳng thấy có vô tình, nên đã đứng ở chỗ không có chỗ đứng.

Đức Phật nói:

–Này vị Tộc tánh tử! Bồ-tát đã cho rằng tất cả các pháp đều là giả hiệu, làm sao ở trong pháp giả hiệu ấy lại nói hữu tình nơi vô tình, vô tình nơi hữu tình? Như đã nói: Các pháp là vọng động, các pháp là không an định, các pháp là vô thường, thì sao Bồ-tát lại nói: Cũng chẳng hữu tình cũng chẳng vô tình nên mới đứng nơi không có chỗ đứng.

Lúc này Bồ-tát Tịnh im lặng không đáp.

Đức Phật nói:

–Này vị Tộc tánh tử! Bồ-tát đang nghĩ đến ý nghĩa gì mà đã im lặng không trả lời?

Bồ-tát Tịnh thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Con đang quán về diệu nghĩa bậc nhất, trong ấy dứt hết mọi ngôn từ thuyết giảng nên đã im lặng vậy.

Đức Phật nói:

–Đúng vậy! Đúng vậy! Này vị Tộc tánh tử! Tất cả các pháp thảy đều là giả hiệu, ở trong các pháp giả hiệu ấy là chẳng phải chân, chẳng phải có. Do tâm bị cấu nhiễm nên chúng sinh không thấu đạt được, mỗi người đều tự nêu bày: đây là Nê-hoàn, đây là sinh tử. Đứng ở diệu nghĩa bậc nhất với pháp quán thanh tịnh thì cũng không Nê-hoàn, cũng không sinh tử.

Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói bài kệ:

Hết thảy mọi pháp giới
Gốc không, không chốn có
Quán sinh tử chẳng đạt
Đó là pháp như chân
Trải qua khắp ba đời
Dốc cầu đạo Bồ-tát
Thoái chuyển như hằng sa
Có đạt được gốc không?
Mười lực xót vì đời
Thương xót muôn loài ấy
Nên nêu pháp giả hiệu
Khiến tìm đến đạo sáng
Giải thoát không gì sánh
Mau chóng diễn pháp âm
Vô lượng loài chúng sinh
Nhuần thấm pháp cam lồ.
Đạo lớn không hình tượng
Chẳng hữu tình, vô tình
Do tâm bị cấu nhiễm
Chẳng đạt gốc ba Thiền.
Như muốn tu tập gốc
Bảy thanh tịnh dứt lậu
Nêu rõ chín Địa tịnh
Đó là hương cửa đạo
Bắt đầu hướng đạo tràng
Gắn chặt mười bốn tâm
Đạt đạo nên tâm diệt
Sau đấy thành đạo quả
Mười sáu các Thánh đế
Các pháp ấn Bồ-tát
Trao, đạt tuệ cam lồ
Nên hiệu là Như Lai
Gốc ba mươi hai pháp
Tuệ thần thông Bồ-tát
Tiêu trừ khổ ba đời
Dần đến được Nê-hoàn
Phàm muốn cầu Phật đạo
Trang nghiêm nơi cõi Phật
Tiếng vang khắp mười phương
Tu thiền nên đạt được
Ba hành thiền dứt lậu
Chư Phật tạng sâu xa
Vì chúng sinh lập thệ
Nêu giảng pháp giải thoát
Hành hết không tạo hành
Quả cũng không quả báo
Đạo từ Tuệ bình đẳng
Tâm chuyên, dứt niệm tà
Bốn tin Như Lai báu
Sáu thứ là bụi trần
Bảy giác nẻo thanh tịnh
Tám đường đủ nên thành
Thế gian năm lối thông
Như chim vút cõi rộng
Mang gắn nơi đất liền
Chẳng khỏi nạn sinh tử
Sáu thông đường Đại thừa
Du hóa khắp hư không
Rốt ráo không thoái chuyển
An định không gì hơn
Quán tuệ đạt thanh tịnh
Chiếu khắp cõi tối tăm
Không chấp cũng dứt nhiễm
Nên hiệu là Thiên Tôn
Đạo sinh chẳng tự sinh
Nhân duyên nên có đạo
Pháp pháp chẳng tự biết
Hư tịch là đạo chăng?
Gốc người nơi sinh tử
Trôi dạt chẳng tự ngộ
Tinh tấn không biếng trễ
Dần dần hợp giới Thánh
Tâm ngọc trắng tự sáng
Chẳng nhớ ánh sáng ngoài
Nhật nguyệt bị năm lớp
Che ngăn khó tỏa sáng.
Bản hạnh Phật thanh tịnh
Tâm tuệ không cáu bợn
Tự cứu lại cứu người
Nẻo đến không trở ngại
Năng dứt mọi mong cầu
Xua trừ bao trói buộc
Đem đạo pháp sáng chiếu
Xóa tối tăm ngu si
Tánh Nê-hoàn thanh tịnh
Chẳng thấy lối đi về
Thâm diệu vượt nhãn giới
An nhiên chẳng biến đổi
Nhập pháp thiền định ý
Cảm ứng khắp mười phương
Thần túc đạo lực hùng
Tám bậc chẳng hề thiếu
Thệ nguyện lớn được lập
Lệ từ thấm muôn loài
Luôn nhớ, nhận khổ thay
Điều ấy thật kỳ diệu
Người chẳng rõ vô thường
Tham đắm vinh ba cõi
Như gió thổi lá rụng
Trôi dạt theo muôn nẻo
Hư không chẳng cùng tận
Cõi đạo cũng không bờ
Đem âm vang lan khắp
Hư tịch chẳng cội nguồn
Người gốc từ thai mẹ
Hành nhiễm theo năm đường
Thiện ác đuổi hình người
Như bóng theo với thân
Như dốc diệt năm ấm
Thần túc hoàn về không
Chặn lại nẻo sinh tử
Là cõi thực an lạc
Như rõ các Phật tạng
Thâm diệu vượt mắt trần
Vượt cả cõi, ba đời
Trông lại bờ tử sinh
Gốc ngã vì ngu chấp
Rơi vào vạc lửa dữ
Nay được lìa họa ấy
Vui dạo cõi thanh tịnh
Ta nay tuy khỏi khổ
Tự lìa, chúng chẳng lìa
Riêng thiện, chẳng thệ lớn
Cần gì chọn diệt độ
Trở lại với cõi đời
Chốn phiền não quyền hóa
Rộng cứu độ muôn loài
Vô số kiếp không chán
Luôn độ như hằng sa
Như mình không kẻ sánh
Chẳng quản bao nhỏ nhặt
Nêu bày rõ công đức
Chẳng niệm kẻ độ dần
Kẻ chưa độ là xa
Tâm thức luôn an nhiên
Cứu cánh không trở ngại
Sắc tướng thân ấy đủ
Dung nạp thật vô song
Các căn thảy thuần thục
Đem lại mọi vui hòa
Căn tốt, hành đầy đủ
Dần dà đạt giác ngộ
Gặp gỡ kẻ ngu si
Đấy mới thật là khó
Bồ-tát nhập Định ý
Chẳng dấy tưởng có không
Riêng bước, dứt sợ hãi
Đức lớn như núi cao
Hành giả có năm pháp
Tiến, thoái, pháp trung gian
Chí lập thêm an định
Tâm vững chẳng hề động
Sáu độ Thần tuệ lớn
Thần túc đi đến thông
Pháp giới dứt ba niệm
Nên dốc chuyển pháp luân
Gốc chứa thiện vô lượng
Tự đạt bậc Thánh từ
Nẻo đạo dứt ba gốc
Tâm gồm trong ngoài tịnh
Tánh hạnh với từng ấy
Pháp hành không hề khác
Chỉ vì kẻ biện luận
Phân biệt có sai khác
Hành qua bao nhiêu kiếp
Chưa từng dấy tưởng, niệm
Nên tâm tỏa không cùng
Hư không chẳng chút vướng
Đất là gốc chí thành
Năng nhẫn uế, chẳng uế
Tâm sáng nẻo dung nạp
Chẳng thấy độ, không độ
Bậc Thánh hành diệu kỳ
Năng nhẫn mọi khổ ấy
Ức kiếp tạo công đức
Mới nên một pháp gốc
Ba định, không, vô tướng
Các pháp hành vô nguyện
Mọi trí, mười Lực tuệ
Vượt quá cõi vô minh
Tuệ âm hưởng gốc tu
Tám thanh thật tịnh diệu
Nhận rõ hành năm ấm
Dứt trừ mọi tham chấp
Chìm đắm chốn sinh tử
Chẳng mong được nẻo ra
Ba gốc chẳng rời gốc
Mới xuất nơi đạo chính
Túc mạng thông tự biết
Pháp thân chẳng nghĩ bàn
Hủy hữu nên hơn hết
Lực ấy chẳng thể hoại
Hư không vô lượng cõi
Chẳng phải một, hai, ba
Hành theo gốc thệ nguyện
Tịnh tu đạo vi diệu
Sinh tử pháp chìm đục
Chốn ham vui kẻ ngu
Tuệ quán dứt đắm nhiễm
Dứt sạch pháp mê muội
Bồ-tát luôn tịch diệt
Tư duy vô lượng pháp
Hiện tại chẳng diệt sinh
Chẳng phải không hay có
Túc mạng trí tự rõ
Quán cội rễ sinh tử
Như người qua sông biển
Nước sâu sợ rét lạnh
Thệ lớn Ba-la-mật
Đường đi đất bằng phẳng
Ngồi, nằm nhập pháp diệu
Luôn lìa nẻo nhiễm ô
Đất nước gió lửa không
Chỗ dựa của thần thức
Muốn cầu chốn thiền thẳm
Chẳng rõ hướng thần thức
Người cũng tin như thế
Nhân duyên cùng hội họp
Thức lìa bốn đại, không
Chẳng biết mọi nẻo hướng
Biển pháp không bến bờ
Bụi trong ngoài đều nhận
Bản tánh vốn thanh tịnh
Chẳng hề phân ô nhiễm
Đạo lớn gốc không pháp
Quán pháp trong ngoài tịnh
Chẳng niệm cả ba đời
Trí, đời không kẻ vượt
Thấu rõ hết thảy âm
Pháp hữu lượng, vô lượng
Số kiếp, pháp mòn diệt
Há có gì thường còn
Năng dứt khổ muôn loài
Lìa trọn bốn cõi ma
Tánh gốc chẳng tham ghét
Nên hợp pháp quán tịnh
An tọa gốc Bồ-đề
Đầu đêm, giữa cũng vậy
Cùng dốc hết tâm ý
Pháp Định ý dứt loạn
Bảy ngày thân chẳng lay
Pháp ba đời cùng tỏ
Diệt một, không lại một
Từ ấy mới giác ngộ
Nay đã thành quả Phật
Thương xót kẻ còn mê
Chuyển pháp luân vô thượng
Tại nơi vườn Lộc dã
Trước nêu bốn tuệ sáng
Khổ, Tập, Tận, Đạo tuệ
Vì kẻ chưa giác ngộ
Ba lần thuyết thành tựu
Tất cả chúng vô lượng
Mới nghe pháp cam lồ
Đều đạt tâm vô sinh
Không còn nẻo sinh diệt
Tuy hiện nơi đời này
Thần đến vô lượng cõi
Thảy đều chuyển pháp luân
Chốn chốn hiện biến hóa
Nơi này hiện làm Phật
Mười tháng với thai mẹ
Bậc Thánh dứt nhiễm cấu
Năm dục lạc không đắm
Vì vậy dốc tấn tu
Niệm lìa thức không, có
Hành thể tánh như nhiên
Không hủy hoại pháp giới
Quá khứ chẳng thể lường
Vị lai cũng vô tận
Hiện tại lại biến đổi
Thần thức là hiện có
Thức là gốc sinh tử
Lưu chuyển thật chẳng cùng
Muốn đến bờ giải thoát
Ba Thiền là bậc nhất
Nguyện được pháp vô sắc
Dùng vô hình trùm nhiễm
Nơi vô tự an lạc
Chẳng mong nơi ba cõi
Ta nhớ gốc thệ vững
Làm cõi gốc muôn loài
Nên lại theo người đời
Chẳng thiếu tâm nguyện lớn
Bồ-tát hành ba gốc
Tâm hơn kém tương hợp
Ta nay mới tự đạt
Luôn dốc mọi tinh tấn
Nẻo biến hiện Như Lai
Chẳng thể nào nghĩ lường
Hoặc ẩn nơi non cao
Tĩnh lặng không ngôn thuyết
Phân biệt rõ sáu phần
Dứt hết tưởng nhân, ngã
Pháp ngoài cũng như thế
Thưởng thường chẳng tưởng thường
Ta từ mới phát tâm
Hạnh lập chẳng vì mình
Nay tuy đạt nẻo ngộ
Đâu chẳng vì mọi người
Do dốc sức tu tập
Sở nguyện gốc nặng nề
Nên độ kẻ chưa độ
Đó chính nguyện Như Lai
Gốc Phật mới phát nguyện
Không niệm kiếp số khó
Tuy ở chốn bụi dục
Khổ ấy cũng chẳng lâu
Chánh pháp gốc một, không
Phẩm khác có ba hiệu
Đạo như nhật nguyệt tỏa
Tâm chẳng phân thấp cao
Một trí cùng một tuệ
Theo gốc một nguyện thành
Ta nay không rời một
Nên hiệu Đệ Nhất Tôn
Hai quán từ một pháp
Theo niệm vượt ba khổ
Gốc không cảnh giới khổ
Pháp thân tự nhận rõ
Bồ-tát dùng quyền tuệ
Dạy người pháp dứt tưởng
Bậc chân ý luôn tịnh
Chẳng niệm dấy không dấy
Thường đem tâm Từ bi
Không chấp lỗi chúng sinh
Do vậy tự trang nghiêm
Diệu nghĩa pháp gồm đủ
Gốc đạo vốn vô ngã
Phát từ miệng mọi loài
Chẳng thể vì chúng sinh
Nêu bày gốc vô ngã
Nay nên thuyết có hành
Dần khiến nhập nẻo đạo
Khiến rõ tưởng vô thường
Lâu sẽ tự giác ngộ
Tại đời tu hạnh Thánh
Trọn chẳng mất nghĩa gốc
Do chẳng dùng văn tự
Hiện rõ nơi người đời
Theo chư Phật thọ giáo
Pháp Định ý tự tại
Trong loài người, long, thần
Đạt bốn Vô sở úy
Như Lai riêng nẻo giác
Mỗi mỗi chẳng nghĩ bàn
Không dựa, không chốn nhiễm
Nên hiệu Nhân Trung Tôn
Kẻ phàm dốc học hỏi
Đều đạt được vô tưởng
Chẳng bằng một cú nghĩa
Chẳng cùng chốn sinh tử.

Đức Thế Tôn nói xong bài kệ trên, liền bảo Bồ-tát Tịnh:

–Này vị Tộc tánh tử! Ý ông nghĩ sao? Đã lãnh hội thấu đáo về ý nghĩa của Hữu tình, Vô tình chăng?

Bồ-tát Tịnh thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Đúng như vậy! Thật chẳng gì có thể sánh được. Nếu có các vị thiện nam, thiện nữ thọ trì đọc tụng pháp hữu tình nơi vô tình, vô tình nơi hữu tình thì liền có thể đạt được đầy đủ các pháp. Vì sao? Vì hết thảy chư Phật Thế Tôn cùng các vị Hiền thánh đều từ việc tu tập chứng đạt diệu nghĩa ấy mà được thành Phật. Từ hôm nay trở về sau này, chúng con, các hàng thiện nam, thiện nữ đều nên dốc lòng ủng hộ các vị thiện nam, thiện nữ ấy đã thọ trì đọc tụng pháp hữu tình nơi vô tình, vô tình nơi hữu tình. Vì sao? Vì như con đã lãnh hội nơi Đức Như Lai nêu giảng thì hết thảy chư Phật trong quá khứ, hiện tại, và vị lai đều do từ việc tu tập chứng đắc diệu nghĩa đó mà thành tựu đạo quả Phật-đà. Chúng con cũng dốc tu tập để đạt được diệu nghĩa của pháp ấy.

Bấy giờ có vị Bồ-tát tên là Vô Quán, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, để trần vai bên hữu, đến trước Đức Phật, quỳ mọp chắp tay cung kính thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Chúng con tám người ở trong Hiền kiếp này sẽ xin dốc lòng ủng hộ các hàng thiện nam, thiện nữ kia đã thọ trì đọc tụng cú nghĩa thâm diệu ấy, nên sẽ đạt được mười thứ công đức phước báo. Những gì là mười?

  1. Đạt được pháp Vô hình tướng.
  2. Hội nhập vào Pháp tạng sâu xa.
  3. Đạt được biện tài bậc nhất.
  4. Được vô lượng pháp.
  5. Đạt được trí tuệ mẫn tiệp, nhanh nhạy.
  6. Không hề rời tâm với thệ nguyện lớn lao.
  7. Đạt được các pháp Định ý tự tại.
  8. Biết được những điều ngược với tâm niệm của chúng sinh.
  9. Tâm vô sinh luôn được đứng vững.
  10. Hành luôn hợp với gốc tự nhiên.

Nếu các vị thiện nam, thiện nữ dốc tâm thọ trì đọc tụng cú nghĩa thâm diệu ấy thì liền có thể được mười thứ công đức như trên. Như khiến cho các vị thiện nam, thiện nữ khắp nơi các quốc độ trong tam thiên đại thiên thế giới, thảy đều thành tựu được đạo quả Bồ-tát, thì công đức ấy không bằng các hàng thiện nam, thiện nữ kia đã thọ trì đọc tụng một cú nghĩa đó. Vì sao? Vì các thứ công đức thiện đều từ cú nghĩa thâm diệu kia sinh ra.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Tịnh:

–Này vị Tộc tánh tử! Ý ông nghĩ sao? Như khiến cho chúng sinh nơi các quốc độ trong tam thiên đại thiên thế giới thảy đều là Thích Đề-hoàn Nhân, thế thì phước đức ấy nên xem là nhiều chăng?

Bồ-tát Tịnh thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Công đức ấy là hết sức nhiều.

Đức Phật nói:

–Nhưng không như các hàng thiện nam, thiện nữ đứng vững trong niềm tin dốc tu tập gốc ba pháp Thiền, công đức phước báo ấy càng hết sức nhiều hơn nữa.

Đức Phật nói:

–Này vị Tộc tánh tử! Như có thể khiến cho mọi chúng sinh nơi các quốc độ trong tam thiên đại thiên thế giới đều là bậc Phạm thiên, mỗi mỗi vị Phạm thiên đều có thần đức vô lượng. Vậy thì công đức phước báo ấy nên xem là nhiều chăng?

Bồ-tát Tịnh thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Công đức phước báo ấy là hết sức nhiều!

Đức Phật nói:

–Nhưng không như hàng Đại Bồ-tát trụ Địa thứ nhất dốc tu tập ba pháp Thiền hành thì công đức phước báo này là không thể lường tính, không thể dùng ví dụ để so sánh, diễn tả.

Đức Phật lại bảo Bồ-tát Tịnh:

–Này vị Tộc tánh tử! Như có thể khiến cho các hàng thiện nam, thiện nữ đã ở nơi Địa thứ nhất thảy đều đạt được quả vị Bồ-tát đầy khắp trong tam thiên đại thiên thế giới, thế thì công đức phước báo ấy được xem là nhiều chăng?

Bồ-tát Tịnh thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Công đức phước báo ấy là hết sức nhiều!

Đức Phật nói:

-Nhưng không như hàng Đại Bồ-tát trụ Địa thứ hai dốc sức tu tập ba pháp Thiền hành thì công đức phước báo này là chẳng thể lường tính được. Vì sao? Vì sự thực hiện ba pháp thiền hành của hàng Bồ-tát trụ Địa thứ hai chẳng phải là chỗ của hàng trụ Địa thứ nhất có thể đạt được.

Đức Phật bảo Bồ-tát Tịnh:

–Này vị Tộc tánh tử! Như có thể khiến cho hàng Bồ-tát trụ Địa thứ hai thảy đều thành tựu đạo quả, số lượng ấy đầy khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, thế thì công đức phước báo đó có thể xem là nhiều chăng?

Bồ-tát Tịnh thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Phước báo công đức ấy là hết sức nhiều.

Đức Phật nói:

–Nhưng không như hàng Đại Bồ-tát ở Địa thứ ba dốc tu tập ba pháp Thiền hành thì phước báo công đức ấy thật chẳng thể lường tính. Vì sao? Vì hàng Bồ-tát trụ Địa thứ ba chẳng phải là hàng trụ Địa thứ hai có thể đạt được.

Đức Phật bảo Bồ-tát Tịnh:

–Này vị Tộc tánh tử! Như có thể khiến cho hàng Đại Bồ-tát trụ Địa thứ ba có được đầy đủ ba pháp Thiền và số lượng ấy đầy khắp trong tam thiên đại thiên thế giới, thế thì công đức phước báo đó có thể xem là nhiều chăng?

Bồ-tát Tịnh thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Công đức phước báo đó là hết sức nhiều.

Đức Phật nói:

–Nhưng không như hàng Đại Bồ-tát ở Địa thứ tư dốc sức tu tập ba pháp Thiền hành, công đức phước báo này là chẳng thể lường tính, nêu bày hết được. Vì sao? Vì hàng Bồ-tát trụ Địa thứ tư thực hiện ba pháp Thiền chẳng phải là hàng Bồ-tát trụ Địa thứ ba thực hiện ba pháp Thiền có thể sánh được.

Đức Phật bảo Bồ-tát Tịnh:

–Này vị Tộc tánh tử! Như có thể làm cho các hàng Bồ-tát trụ Địa thứ tư có được đầy đủ ba pháp Thiền, số lượng ấy đầy khắp tam thiên đại thiên thế giới, thế thì công đức phước báo đó xem là nhiều chăng?

Bồ-tát Tịnh thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Công đức phước báo ấy là hết sức nhiều.

Đức Phật lại nói:

–Nhưng không như hàng Đại Bồ-tát đạt Địa thứ năm dốc sức tu tập ba pháp Thiền hành, công đức phước báo này là chẳng thể lường tính, nêu bày. Vì sao? Vì hàng Bồ-tát trụ Địa thứ năm thực hiện ba pháp Thiền vượt hơn hẳn đối với Bồ-tát trụ Địa thứ tư thực hành pháp ấy.

Đức Phật bảo Bồ-tát Tịnh:

–Này vị Tộc tánh tử! Như có thể khiến cho hàng Đại Bồ-tát trụ Địa thứ năm có được đầy đủ ba pháp Thiền, số lượng ấy đầy khắp trong tam thiên đại thiên thế giới, thế thì công đức phước báo đó được xem là nhiều chăng?

Bồ-tát Tịnh thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Công đức phước báo ấy là vô cùng nhiều!

Đức Phật nói:

–Nhưng không bằng hàng Đại Bồ-tát ở Địa thứ sáu dốc tu tập ba pháp Thiền hành. Công đức phước báo này là chẳng thể nêu bày, lường tính được. Vì sao? Vì hàng Bồ-tát trụ Địa thứ sáu thực hiện ba pháp Thiền chẳng phải là hàng trụ Địa thứ năm có thể đạt được. Đức Phật bảo Bồ-tát Tịnh:

–Này vị Tộc tánh tử! Như có thể khiến cho hàng Bồ-tát trụ Địa thứ sáu có được đầy đủ ba pháp Thiền, số lượng ấy đầy khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, vậy thì công đức phước báo ấy được xem là nhiều chăng?

Bồ-tát Tịnh thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Công đức phước báo đó là hết sức nhiều.

Đức Phật nói:

–Nhưng không bằng hàng Bồ-tát ở Địa thứ bảy dốc tu tập ba pháp Thiền hành. Công đức phước báo này là không thể nêu bày, lường tính được. Vì sao? Vì hàng Bồ-tát trụ Địa thứ bảy thực hiện ba pháp Thiền chẳng phải là hàng trụ Địa thứ sáu thực hiện ba pháp ấy có thể đạt được.

Đức Phật bảo Bồ-tát Tịnh:

–Này vị Tộc tánh tử! Như có thể khiến cho hàng Bồ-tát trụ Địa thứ bảy có được đầy đủ ba pháp Thiền, số lượng ấy đầy khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, thế thì công đức phước báo ấy được xem là nhiều chăng?

Bồ-tát Tịnh thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Công đức phước báo ấy là hết sức nhiều.

Đức Phật nói:

–Nhưng không bằng hàng Bồ-tát đạt Địa thứ tám dốc sức tu tập ba pháp Thiền hành thì công đức phước báo này thật không thể nêu bày lường tính được. Vì sao? Vì hàng Bồ-tát trụ Địa thứ tám thực hành ba pháp Thiền chẳng phải là hàng trụ Địa thứ bảy thực hành ba pháp ấy có thể đạt được.

Đức Phật bảo Bồ-tát Tịnh:

–Này vị Tộc tánh tử! Bồ-tát đạt Địa thứ chín có được đầy đủ ba pháp Thiền có thể khiến cho số lượng ấy đầy khắp cả trong tam thiên đại thiên thế giới, thế thì phước đức ấy được xem là nhiều chăng?

Bồ-tát Tịnh thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Công đức phước báo ấy là vô cùng nhiều.

Đức Phật nói:

–Nhưng không bằng hàng Bồ-tát đạt Địa thứ mười dốc sức tu tập ba pháp Thiền hành, công đức phước báo này thật không thể nêu bày, tính kể được! Vì sao? Vì hàng Bồ-tát đạt Địa thứ mười thực hiện ba pháp Thiền chẳng phải là hàng trụ Địa thứ chín thực hành pháp ấy có thể đạt được.

Đức Phật bảo Bồ-tát Tịnh:

–Này vị Tộc tánh tử! Đại Bồ-tát đạt Địa thứ mười thực hiện đầy đủ ba pháp Thiền có thể khiến cho số lượng ấy đầy đủ khắp cả trong tam thiên đại thiên thế giới. Thế thì công đức phước báo đó được xem là nhiều chăng?

Bồ-tát Tịnh thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Công đức phước báo ấy là hết sức nhiều.

Đức Phật nói:

–Nhưng không bằng hàng Đại Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ dốc sức tu tập ba pháp Thiền. Vì sao? Vì hàng Đại Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ thực hiện ba pháp Thiền chẳng phải là hàng Bồ-tát trụ Địa thứ mười thực hiện ba pháp ấy có thể đạt được.

Đức Phật bảo Bồ-tát Tịnh:

–Này vị Tộc tánh tử! Như các bậc Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ dốc tu tập ba pháp Thiền hành, có thể khiến cho số lượng ấy đầy khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, thế thì công đức phước báo ấy được xem là nhiều chăng?

Bồ-tát Tịnh thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Công đức phước báo ấy là hết sức nhiều.

Đức Phật nói:

–Nhưng không bằng Đức Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, chỉ trong khoảng chốc lát nhớ nghĩ tu tập ba pháp Thiền đạt được công đức, phải nói là không thể nào nêu bày lường tính được. Tất cả chư Phật Thế Tôn đều từ sự tu tập ba pháp Thiền ấy mà có được đầy đủ hết thảy các pháp.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Ba thiền, mẹ các pháp
Sinh ra tất cả pháp
Cứu độ khổ chúng sinh
Nên gọi Nhân Trung Tôn.
Bồ-tát với mười Địa
Nẻo Thiền đạt chẳng đồng
Tuệ gốc không phân chia
Tâm dừng là bậc nhất
Hiện tại mười sáu pháp
Trong ấy tự an vui
Chẳng dựa gốc ba độc
Nên hợp mười cú nghĩa
Vượt hơn vô lượng cõi
Chẳng mất hành quán gốc
Độ thoát cho muôn loài
Đó là ba Thiền hành.
Các pháp như mộng huyễn
Chẳng có cũng chẳng không
Hóa tận tất cả loài
Đó là ba Thiền hành.
Tuy chưa đạt Thập địa
Thực hiện mọi Phật sự
Cùng hiện biến đủ loại
Đó là ba Thiền hành.
Mười hai pháp hơn hết
Diễn rõ gốc hành không
Nhận nhập mọi cội rễ
Đó là ba Thiền hành.
Sinh tử thật khó lường
Ba đường ấy chẳng ngừng
Thần thức chuyên tự nhiên
Đó là ba Thiền hành.
Người đã rõ vô thường
Chẳng đắm vinh thế tục
Bậc chân dứt bỉ thử
Đó là ba Thiền hành.
Hữu tình chẳng hữu tình
Vô tình cũng lại thế
Nẻo đạo vượt ba cõi
Đó là ba Thiền hành.
Sinh tử gốc không mối
Nhân duyên có các pháp
Lớp lớp chẳng cùng biết
Đó là ba Thiền hành.
Từ bi nuôi dưỡng khắp
Chẳng tưởng chấp gốc thân
Pháp tánh không cao thấp
Đó là ba Thiền hành.
Nẻo hành gốc Bồ-tát
Chỉ không, vô tướng nguyện
Đạt đến cửa Nê-hoàn
Đó là ba Thiền hành.
Đạo từ bốn tâm lớn
Thệ nguyện rộng chẳng lay
Mười Tuệ vượt mọi đường
Đó là ba Thiền hành.
Đủ Thí ba-la-mật
Cứu vớt kẻ thấp hèn
Niệm ấy theo chốn đủ
Đó là ba Thiền hành.
Giữ giới không chút phạm
Như giữ bình an lành
Niệm niệm chẳng tưởng tạp
Đó là ba Thiền hành.
Nhẫn nhục gốc mọi hạnh
Gặp nghịch tâm không thay
Tưởng lặng như hư không
Đó là ba Thiền hành.
Vô số kiếp tinh tấn
Trọn chẳng hề biếng trễ
Dạy dỗ muôn chúng sinh
Đó là ba Thiền hành.
Chánh thọ ba pháp Thiền
Dốc một niệm không chuyển
Cảm ứng khắp mười phương
Đó là ba Thiền hành.
Trí tuệ như biển rộng
Bình đẳng không hai nẻo
Xua trừ mọi vọng tưởng
Đó là ba Thiền hành.
Phương tiện với pháp không
Biến hiện thật khó lượng
Chẳng chấp nẻo sang hèn
Đó là ba Thiền hành.

Đức Thế Tôn nói xong bài kệ này thì liền có hàng trăm ngàn ức chúng sinh thảy đều phát tâm Bồ-đề vô thượng, mong tu tập đạt ba pháp Thiền hành.