KINH BỒ-TÁT ANH LẠC

Hán dịch: Đời Dao Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người Lương Châu.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 43: VÔ NGÃ

Bấy giờ, có vị Bồ-tát tên là Tâm Trí đến trước Đức Phật cung kính thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Như có Đại Bồ-tát quán thân phân biệt lãnh hội dứt mọi tưởng về ngã, như vậy thì làm thế nào để thành tựu được pháp quán về con đường tu tập của Bồ-tát?

Đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Tâm Trí:

–Như có Bồ-tát muốn thành tựu được pháp quán về con đường tu tập của Bồ-tát thì phải nên thực hành mười pháp.

Những gì là mười pháp?

Như có Đại Bồ-tát chưa trụ được nơi quả vị Bồ-tát ở chốn an định giải thoát, bây giờ nhằm thành tựu thệ nguyện lớn, đạt đến gốc đạo pháp một cách trọn vẹn rốt ráo, thì phải tự quán tưởng vô ngã, cũng lại giáo hóa chúng sinh được như mình không khác. Đó gọi là Đại Bồ-tát hành hóa vô ngã.

Lại nữa, này Bồ-tát Tâm Trí! Lại như Đại Bồ-tát, có thể biến hóa từ không thân hiện thành thân hữu hình, lại hóa từ có thân hình thành thân vô hình, dùng hữu ngã làm vô ngã, lấy vô ngã làm hữu ngã, qua đấy hóa độ dẫn đắt hết thảy chúng sinh. Đó gọi là Đại Bồtát đã đạt được đầy đủ tất cả các pháp tâm trí.

Lại nữa, này Bồ-tát Tâm Trí! Như Đại Bồ-tát muốn thành Bậc Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì phải thành tựu tâm vô sinh, thông tỏ gốc của các pháp là chẳng có thể vui thích tham đắm các pháp. Đó gọi là Đại Bồ-tát, với tâm vô ngã thành tựu được quả vị Như Lai Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lại nữa, này Bồ-tát Tâm Trí! Lại như Đại Bồ-tát đã đạt được tâm không, nhận rõ ngã là không có, cũng là không sinh diệt, lại đem pháp ấy giáo hóa tất cả để biết rõ về tưởng vô ngã, có được trí tuệ ấy nhưng không hề tự đề cao, ở nơi các pháp thâm diệu là bậc nhất là tối thượng. Đó là Đại Bồ-tát tu tập hành vô ngã bậc nhất.

Lại nữa, này Bồ-tát Tâm Trí! Như Đại Bồ-tát hay các thiện nam, thiện nữ phân biệt nhận rõ về hình tướng các pháp, cũng không thấy gốc của tướng các pháp, cùng gốc của tất cả các pháp cũng đều như thế, từ đấy khiến cho mọi chúng sinh khởi tưởng vô ngã trong khi quan sát trong ngoài các pháp cùng Nhất thiết trí. Đó gọi là Đại Bồtát tu tập hạnh vô ngã.

Lại nữa, này Bồ-tát Tâm Trí! Như các hàng thiện nam, thiện nữ, nhận thức về kiếp thành hoại hay chẳng thành hoại, không do thành mà vui mừng, cũng không vì bại mà lo buồn, ở trong hai trường hợp ấy không dấy tưởng tôi ta. Đại Bồ-tát như thế là đã đạt được pháp vô ngã.

Đức Phật bảo Bồ-tát Tâm Trí:

–Như có các hàng thiện nam, thiện nữ, nhập pháp Tam-muội Diệt tận lìa bỏ tất cả các tưởng về thân, nhận rõ gốc hành, biết từ chốn nào đến, từ đó theo nẻo vô vi hết sức cần thiết cho sự tu tập để đến với đạo lớn giác ngộ. Đó gọi là Đại Bồ-tát đạt được hành vô ngã.

Lại nữa, này Bồ-tát Tâm Trí! Như có các hàng thiện nam, thiện nữ, đạt được tâm vô ngã, nhận rõ về mọi nẻo của mười hai nhân duyên, sinh không biết do đâu sinh, diệt cũng không tường do đâu diệt, đối với gốc của tất cả các pháp thảy đều dứt mọi tưởng về ngã. Đó gọi là Đại Bồ-tát đối với gốc của các pháp đã hành theo vô ngã.

Lại nữa, này Bồ-tát Tâm Trí! Lại như Đại Bồ-tát, phân biệt nhận rõ gốc của hết thảy các pháp, chẳng thấy có gần hay xa, gốc là không chốn sinh cũng không chốn khởi. Đó gọi là Đại Bồ-tát đã hành theo vô ngã.

Lại nữa, này Bồ-tát Tâm Trí! Như có Đại Bồ-tát, ở nơi pháp nhẫn Bất Khởi thấu đạt tâm thức thảy là không chốn có từ đấy đạt đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không thấy có thành cũng không thấy chẳng thành. Đó gọi là Đại Bồ-tát hành đúng nẻo vô ngã.

Này Bồ-tát Tâm Trí! Như có các hàng thiện nam, thiện nữ, muốn được tu học đầy đủ về các hành vô ngã thì tất dốc tu tập bền vững trọn thành đạo quả Vô thươn g Chánh đẳng Chánh giác. Lại nữa, này Bồ-tát Tâm Trí! Như có các hàng thiện nam, thiện nữ muốn đạt được đầy đủ hết thảy các pháp, thì phải tu học pháp vô ngã. Thế nào là vô ngã? Chỗ gọi là vô ngã ấy, như sự thành tựu rốt ráo ấy cũng là vô ngã. Phân biệt rõ về bốn đại, tư duy nguồn gốc ấy cũng là vô ngã, hết thảy các pháp xuất thế gián để giáo hóa chúng sinh được độ thoát, an tọa nơi cội Bồ-đề hàng phục quân ma thảy là không chốn có, đó gọi là Bồ-tát hành đúng nẻo vô ngã. Không thấy gốc các pháp Tổng trì trong ba đời, trí tuệ đã dứt hết mọi tham vướng cũng không ở trong hay ngoài, tư duy nhận rõ thảy là không chốn có, đó gọi là Đại Bồ-tát hành đúng nẻo vô ngã.

Đức Phật bảo Bồ-tát Tâm Trí:

–Lại như các hàng thiện nam, thiện nữ, nhập pháp Định ý không, đạt được một cách trọn vẹn kho tàng các pháp thâm diệu của Như Lai, chẳng phải ở nơi đây cũng chẳng phải không ở tại nơi kia, thấu rõ tất cả thảy là không chốn có. Lại như hàng thiện nam, thiện nữ, dùng diệu lực thần túc nhập pháp Định ý, làm hiện rõ hết thảy các pháp quán về vô tướng. Thế nào là vô tướng? Như chư Phật Thế Tôn với con đường giáo hóa độ thoát tất cả chúng sinh không dùng ngôn ngữ để giáo hóa, đó là vô tướng. Như hết thảy chư Phật ở nơi gốc của chúng sinh mà tự du hóa tự tại an lạc, đó là vô tướng. An tọa nơi gốc cây Bồ-đề mà thành tựu được đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đó là hành theo vô tướng.

Này Bồ-tát Tâm Trí! Như các hàng Đại Bồ-tát tu tập giữ vững pháp ấy đạt được pháp vô ngã thì liền thành tựu được đạo quả Vô thượng Bồ-đề.