KINH ĐẠI BÁT NÊ HOÀN
Hán dịch: Đời Đông Tấn, sa-môn Pháp Hiển, người Bình Dương
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 16: LẤY MẶT TRĂNG LÀM THÍ DỤ

Đức Phật lại bảo với Ca-diếp:

–Này thiện nam! Giống như mặt trăng không hiện ra, mọi người cho là mặt trăng lặn mất, hết thảy dân chúng đều dấy lên tư tưởng lặn mất, mặt trăng xuất hiện ở phương khác thì dân chúng ở phương khác bảo rằng mặt trăng mọc, thế nhưng mặt trăng kia không lặn cũng chẳng mọc, nhân vì sự xuất hiện của núi Tu-di nên có sự xuất hiện và tàng ẩn. Như vậy, Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác ở Đại thiên thế giới hoặc cõi Diêm-phù-đề nương tựa nhân duyên cha mẹ mà thị hiện sinh ra làm con, người trong cõi Diêm-phù-đề đều dấy lên tư tưởng sinh ra. Lại nữa, Ta thị hiện vào Nê-hoàn ở lên tư tưởng diệt độ, thật ra Như Lai chẳng sinh chẳng diệt.

Lại nữa, này thiện nam! Gion g như mặt trăng ở phương khác xuất hiện tròn vành vạnh, chúng sinh ở phương kia đều dấy lên ý tưởng tròn đầy; cõi Diêm-phù-đề này hiện có trăng non, dân chúng phương này dấy lên ý tưởng trăng non mới mọc, mặt trăng dần dần lớn thêm, cho đến khi vầng trăng tròn vành vạnh, họ bèn dấy lên ý tưởng tròn đầy. Thế nhưng vầng trăng kia không thêm cũng chẳng bớt, bởi vì núi Tu-di hiện có tăng giảm. Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác cũng như thế, hoặc Ta ở cõi Diêm-phù-đề thị hiện có Nê-hoàn, thế rồi các chúng sinh đều dấy lên ý tưởng diệt độ. Hoặc Ta ở cõi Diêm-phù-đề thị hiện sinh ra đời giống như mặt trăng mới mọc, người ở cõi Diêm-phù-đề dấy lên tư tưởng trẻ con như mặt trăng mọc ngày mồng ba. Ta thị hiện hành động đi bộ dạo chơi như trăng mọc ngày mồng bốn. Ta thị hiện hành động học tập sách vở như trăng mọc ngày mồng tám. Ta thị hiện xuất gia tu hành cho đến khi mặt trăng tròn vành vạnh. Ta thị hiện ánh sáng rõ ràng phá hoại vô lượng chúng ma, tốt lắm thì thị hiện vào Nê-hoàn. Trang nghiêm thân của mình bằng ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp. Giống như vầng trăng sáng, các tinh tú chung quanh lặn mất mà chẳng hiện ra. Người ở cõi Diêm-phù-đề, hoặc dấy lên tư tưởng sinh, hoặc dấy lên tư tưởng diệt. Thật ra Như Lai không thêm cũng chẳng bớt, thường như vầng trăng tròn vành vạnh, do đó nên biết rằng Như Lai thường trụ.

Lại nữa, này thiện nam! Giống như vầng trăng sáng rỡ, tất cả mọi người ở chốn ao đầm, núi non, xóm làng, thành ấp, khắp nơi đâu đâu cũng trông thấy. Tùy theo đồ đựng lớn nhỏ, nước chứa trong các thứ ấy, mặt trăng đều hiện ra tất cả. Nếu người đi chơi xa trăm ngàn do-tuần mà mặt trăng thường theo, rồi những hạng người kia dấy lên ý tưởng thế này, có người cho đó là vầng trăng ban đầu, có người cho đó là vầng trăng khác. Người ngu trông thấy mặt trăng dường như chiếc gương soi mặt, người bậc trung trông thấy mặt trăng dường như bánh xe, bậc thượng nhân thấy mặt trăng tròn năm do-tuần, cho đến chúng sinh còn lại, đều trông thấy tùy theo sức mình. Mặt trăng sáng ngời, Như Lai cũng như thế, tất cả đều trông thấy, thế rồi các chúng sinh, mỗi người dấy lên sự suy nghĩ thế này, họ bảo rằng, Đức Phật Thế Tôn thương xót chúng ta cho nên trú tại nhà chúng ta, cho đến các loài ở đường súc sinh cũng như thế. Người bị điếc, đui, câm, và những kẻ tàn tật, ngọng ai nấy đều bảo rằng, Như Lai là vị giống như mình, các thứ ngôn ngữ, các thứ sách vở, các thứ thân thể. Mọi người đều dấy lên sự suy nghĩ này, chư Phật Như Lai chỉ nói ngôn ngữ của ta, học sách vở của ta, thị hiện thân như ta, ăn món ăn như ta. Họ lại còn dấy lên tư tưởng khác, có người cho Như Lai là Thanh văn, có người bảo Như Lai là Duyên giác, có người cho rằng Như Lai xuất gia ở đạo khác, có người cho Như Lai vì ta mà làm hưng thịnh ở đời. Thế nhưng, pháp thân chân thật của Như Lai ấy không có sự biến đổi khác, vì chúng sinh nên dùng thân phương tiện thị hiện đủ mọi tướng giống như cây thuốc hay. Như Lai cũng vậy, vì chúng sinh nên thị hiện trăm ngàn sự thay đổi thuận theo thế gian, vì thế cho nên Như Lai chính là pháp thường trụ.

Lại nữa, này thiện nam! Giống như khi La-hầu A-tu-la nắm giữ mặt trời và mặt trăng, các chúng sinh ấy cho là A-tu-la kia ăn mặt trăng, vị kia bỏ mặt trăng xong họ cho là vị kia nhả mặt trăng. A-tu-la kia ngăn ánh trăng không hiện ra ở thế gian, họ bèn dấy lên ý tưởng thực. Vị kia bỏ mặt trăng xong, mặt trăng xuất hiện trở lại ở thế gian, họ cho là vị kia bỏ mặt trăng. Thế nhưng mặt trăng kia khi ẩn mất khi lộ rõ, thật ra không có thêm bớt. Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác cũng như thế, giống như ông Điều-đạt kia làm tổn thương hủy hoại thân Phật, gây ra những nghiệp vô gián cho đến hạng Nhất-xiển-đề, đều là vì các chúng sinh trong đời sau mà thị hiện làm thương tổn thân Phật, hoại Pháp, phá Tăng. Thật sự pháp thân Như Lai không có sự thương tổn hủy hoại, cho dù số ma trời có hàng ức trăm ngàn, cũng không thể nào dứt bỏ Pháp và phá hoại Tăng được. Cho nên pháp thân Như Lai chân thật không có sự tổn thương và hủy hoại, Ta thị hiện tướng tổn hoại là thuận theo thế gian.

Ví như hai người đánh nhau, tùy theo sự tổn thương và hủy hoại của họ mà so lường tội nhẹ hay nặng. Chư Phật Như Lai cũng như thế, các vị thị hiện tướng tổn thương hủy hoại, biểu hiện tội vô gián là nhằm chế ra pháp luật để răn dạy người đời sau.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như người thầy thuốc giỏi khéo chỉ dạy con mình, khiến cho nó học cách thức chữa bệnh, nhận biết các thân rễ, hoa lá, mùi thơm, màu sắc, hình dạng của cây thuốc, ông đều khiến cho nó hiểu rõ. Sau khi vị lương y qua đời, người con ấy nối tiếp sự gây dựng, khéo biết phương pháp chữa bệnh. Chư Phật Như Lai cũng như thế, các vị biến hóa đủ mọi cách để điều trị chúng sinh, thị hiện năm tội trái ngược với đạo lý và bôi nhọ chê bai kinh pháp, ngay cả hạng Nhất-xiển-đề, chư Phật cũng đều hóa hiện là vì chúng sinh đời sau. Sau khi Phật vào Nê-hoàn, khiến cho các vị Tỳ-kheo thuận theo kinh luật. Giống như lời của Như Lai nói, các vị ấy biết tội nặng nhẹ để tự mình thận trọng dè chừng.

Lại nữa, này thiện nam! Như mặt trăng ở nhân gian, nguyệt thực một lần sáu tháng, thế mà ở trên cõi trời, chư Thiên thấy nguyệt thực vào ban ngày, hoặc lại thấy nguyệt thực trong giây lát. Vì sao? Vì ngày tháng ở cõi trời thì dài, còn ở nhân gian thì ngắn. Chư Phật Như Lai cũng như thế, hoặc cho là chư Phật sống lâu như sáu tháng nguyệt thực, cho đến chư Phật vào Nê-hoàn trong phút chốc. Vì ma phiền não, ma ấm, ma chết, ma cõi trời Tự tại, hàng ức trăm ngàn loại vốn không thể nào phá hoại, Ta thị hiện vô lượng sự sinh ra là thuận theo thế gian. Tuổi thọ của Như Lai thật sự không có đo lường nổi, do đó Như Lai là pháp thường trụ.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như vầng trăng sáng ngời, tất cả chúng sinh thảy đều yêu thích. Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác cũng như thế, đem lại pháp an vui, chúng sinh đều ưa thích, an lạc.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như mặt trời mọc có ba mùa thay đổi, mùa xuân, mùa hạ, mùa đông khác nhau. Ngày mùa đông thì ngắn, ngày mùa xuân ở mức trung bình, ngày mùa hạ rất dài. Mặt trời Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác cũng như thế, thị hiện ba thứ tuổi thọ. Ta thị hiện tướng thọ mạng ngắn ngủi cho các chúng sinh, Thanh văn và Duyên giác, hạng này thấy Ta diệt độ rồi thì trong lòng buồn bã than thở: “Sao mà kỳ lạ vậy, tuổi thọ của Như Lai ngắn ngủi quá”. Ta vì các Bồ-tát mà thị hiện tuổi thọ bậc giữa, hoặc đến một kiếp, hoặc hơn một kiếp. Chỉ có Phật xem xét Phật thì tuổi thọ ấy không lường nổi.

Lại nữa, này thiện nam! Giáo pháp vi diệu bí mật Phương đẳng Đại thừa do Như Lai nói, thị hiện tuôn trận mưa pháp lớn cho thế gian, nếu có chúng sinh ở đời sau này đem phẩm Ma-ha-diễn chánh pháp này để khai thị thế gian, thì nên biết hạng người này là Bồ-tát chân thật giống như cơn mưa vào mùa hạ. Cũng như ngày mùa đông, có nhiều nỗi lo lạnh rét khiến tuổi thọ của con người giảm bớt, hàng Thanh văn và Duyên giác nghe giáo pháp phương tiện vi diệu bí mật của Phật, Phật thị hiện báo thân thọ mạng ngắn ngủi cho những vị ấy, giống như ngày mùa đông. Những hàng Bồ-tát thành tựu trí tuệ vi diệu, thế rồi Phật thị hiện thường pháp của bậc Như Lai cho những vị kia, ví dụ như ngày mùa xuân. Như thế, Như Lai thuận theo thế gian thị hiện thọ mạng ba mùa.

Ví như ban ngày, những vì sao không hiện ra, kỳ thật chúng chẳng mất. Như thế, Như Lai cùng với các Thanh văn và Phật-bích-chi đều xuất hiện ở đời và đều thị hiện Nê-hoàn, không phải riêng một mình tất cả Thanh văn và Duyên giác có sự vô thường vậy. Nên biết đó cũng là pháp thường trụ giống như các ngôi sao vào ban ngày vậy.

Lại nữa, này thiện nam! Cũng như bầu trời râm, mặt trời và mặt trăng không hiện ra, người phàm ngu si nói rằng, mặt trời và mặt trăng lặn mất, thời kỳ chánh pháp của Như Lai diệt hết, Ba ngôi báu hiện giờ ẩn mất cũng như thế, không phải là diệt mãi mãi. Nên biết Như Lai chính là pháp thường còn, cũng chẳng thay đổi, cũng chẳng phai mờ tiêu diệt, không phải các lỗi lầm kia có thể làm nhiễm ô.

Lại nữa, này thiện nam! Chỉ như sao Đẩu và mặt trăng vào lúc cuối đêm sắp hết, giữa lúc tranh tối tranh sáng, tạm thời hiện ra ánh sáng, mọi người trông thấy rồi, chẳng bao lâu liền diệt mất trở lại. Mọi người cho rằng ánh sáng ấy tắt mất song thật ra không diệt. Như thế, này thiện nam! Giống như thời kỳ chánh pháp Như Lai diệt hết, các hàng Phật-bích-chi xuất hiện ở đời, khai thị giáo hóa vô lượng chúng sinh, kiến lập chánh pháp, rồi chẳng bao lâu các vị ấy liền diệt độ, kỳ thật các vị ấy tồn tại lâu dài mà chẳng diệt độ mãi mãi, nhưng mà các chúng sinh không thể nào thấy biết được.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như mặt trời mọc thì mọi sự tăm tối đều tiêu trừ. Như thế, Thiện nam Kinh Ma-ha-diễn Bát-nê-hoàn này xuất hiện ở thế gian, nếu có người nghe, thì tội nghiệp vô gián tích tụ vô lượng thảy đều tiêu diệt. Như thế, Thiện nam! Cảnh giới hết sức sâu xa của Ma-ha-diễn Đại Bát-nê-hoàn này không thể nghĩ bàn, khéo nói tính vi diệu của Như Lai. Nếu thiện nam hay thiện nữ nào muốn biết Như Lai là pháp thường trụ, chánh pháp không có sự cùng tận, ngôi báu Tăng không bao giờ mất được, nên chăm chỉ phương tiện tu học kinh này, ta nói người này là được gần gũi với địa vị Phật.