KINH ĐẠI BÁT NÊ HOÀN
Hán dịch: Đời Đông Tấn, sa-môn Pháp Hiển, người Bình Dương
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 15: LẤY CHIM LÀM THÍ DỤ

Phật lại bảo Ca-diếp:

–Chim nhạn, chim hạc, chim xá-lị, điều gọi là các thứ pháp vô thường, khổ, không và vô ngã thì giống như những loài chim nhạn, chim hạc, chim xá-lị.

Ca-diếp bạch Phật:

–Ý nghĩa này thế nào?

Phật bảo Ca-diếp:

–Có pháp vô thường, có pháp là thường; có pháp là khổ, có pháp là vui; có pháp là ngã, có pháp là vô ngã. Ví như người làm ruộng gieo trồng năm thứ lúa dùng hạt để ăn và các cây ăn quả. Từ khi chúng nảy mầm cho đến mọc ra hoa lá, người ấy thường xuyên khởi lên tư tưởng phi thường. Đến như khi chúng chín muồi, thu hoạch trái cây ấy, lúc được thọ dụng mà nảy sinh tư tưởng thường còn. Vì sao? Vì sự chân thật hiện rõ ra.

Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Sao gọi là sự thường còn của ngũ cốc? Sự thường còn đó không hoại diệt giống Như Lai chăng?

Phật bảo Ca-diếp:

–Cũng như đem Như Lai tỉ dụ núi Tu-di, lúc thế giới bại hoại, núi Tu-di ấy lẽ nào không hoại chăng? Thiện nam! Không nên đối với thí dụ mà đặt ra câu hỏi ấy, tất cả các pháp đều trở về với sự hoại diệt, chỉ có Nê-hoàn là pháp thường còn mà thôi, lời nói tùy theo thế gian nên lấy núi kia làm ví dụ.

Ca-diếp bạch Phật:

–Thưa vâng, bạch Thế Tôn! Hay thay lời nói này!

Phật bảo Ca-diếp:

–Như thế, này thiện nam! Việc tu tập các Tam-muội theo tất cả khế kinh, cho đến việc chưa nghe khế kinh Phương đẳng Đại Bát Nê Hoàn, các hàng chúng sinh tu quán tưởng vô thường, khi họ nghe kinh này rồi, nếu thiện nam và thiện nữ vốn ôm lòng phiền não thì mãi mãi lìa khỏi sự trói buộc bởi lòng nghi ngờ, hiểu rõ pháp thường. Vì sao? Vì tính của Như Lai ở tự thân mỗi người được hiện ra rõ ràng.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như thợ vàng nung chảy kim loại ấy, đến mức đồ dùng chưa thành thì người thợ ấy dấy lên tưởng phi thường, khi đồ quý báu dã hoàn thành thì thường được thọ dụng. Như thế, Thiện nam! Việc tu tập các Tam-muội theo tất cả khế kinh, ngay cả việc chưa nghe khế kinh Phương Đẳng Đại Bát Nê Hoàn, các chúng sinh ấy tu tưởng vô thường, khi họ nghe kinh này xong thì vĩnh viễn lìa khỏi sự trói buộc bởi lòng nghi ngờ và điều phiền não ôm ấp trong lòng, hiểu rõ pháp thường. Vì sao? Vì tánh Như Lai ở tự thân mỗi người được hiện ra rõ ràng.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như có người trồng cây mía, cây mè, cả đến lúc cây và hạt chưa chín, họ thường dấy lên tư tưởng đủ mọi thứ mùi vị. Khi đã chế thành dầu mè, đường phèn xong xuôi, người ấy mới biết mùi vị thật sự. Như thế, này thiện nam! Sự tu tập các Tam-muội theo tất cả khế kinh, ngay cả việc chưa nghe khế kinh Phương Đẳng Đại Bát Nê Hoàn, các chúng sinh ấy tu tưởng vô thường, khi họ nghe kinh này xong, thì mãi mãi lìa khỏi sự trói buộc bởi lòng nghi ngờ và điều phiền não ấp ủ, hiểu rõ pháp thường còn. Vì sao? Vì tánh Như Lai ở tự thân mỗi người được hiện ra rõ ràng.

Ví như trăm sông đều đổ về biển, như thế hết thảy khế kinh và các Tam-muội đều trở về với kinh Phương đẳng Bát-nê-hoàn. Vì sao? Vì tính của Như Lai là rốt ráo nhất, do đó ta nói có pháp vô thường, có pháp là thường, như chim xá-lị, kiếm đâm lo buồn Như Lai đã cắt đứt, thế mà có nhiều người nghi ngờ đối với luận này. Nhưng sự lo buồn của Như Lai ấy là hiện có trước mắt, không giống như sự lo buồn của hàng người, trời và chúng sinh khác. Như phi tưởng xứ làm sao có tưởng, nếu không có tưởng thì không cần phải có tuổi thọ, có sống lâu song không có tưởng, thì làm gì có tên gọi của tưởng ấm, giới và nhập.

Lại nữa, như cây rừng đều có thần nương dựa, nếu cây có thần nương dựa, là nương dựa vào thân rễ, hay là nương dựa vào nhánh cây. Các chỗ như thế thảy đều không hiện, gọi là trụ vào chỗ nào để nương dựa. Như vậy, giáo pháp Như Lai rất sâu sắc, nên biết sự lo buồn của Như Lai là thị hiện, đối với La-hầu-la mà khởi lên lòng từ, cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ cũng như thế, chỉ có Phật với Phật mới biết ý nghĩa này. Những điều này đều là pháp của chư Phật mà còn không có tâm ý thì làm sao có lo buồn, lo buồn nếu không có thì giáo pháp trái nhau. Ý tưởng xem như con một đó là lời nói suông, nói tất cả pháp đều không thể nào tin được, nhưng lời Như Lai nói là không thể nghĩ bàn, giáo pháp của chư Phật cũng chẳng thể nghĩ bàn, pháp Phật của Như Lai không thể nghĩ bàn, đó là chân thật.

Ví như hư không, không thể tạo lập cung điện hay nhà cửa ở trong đó, thế mà nhà ảo thuật có thể tạo ra ở trong đó, kẻ phàm phu ngu si trông thấy xong rồi dấy lên ý nghĩ thế này, làm sao giữa hư không mà có thể an lập như sự chuyển đổi của tâm ý, lời nói như thế còn không có tâm ý thì làm gì có sự lo buồn, lo buồn nếu như không có, thì ví dụ về La-hầu-la ấy là chẳng chân thật. Như giữa hư không, Như Lai lo buồn là việc không thể được, như sự huyễn hóa ấy, tùy theo sự chuyển đổi của tâm ý, Như Lai thì có tâm tưởng lo buồn, nghe bát Nêhoàn mà dấy lên sự suy nghĩ như thế này, làm sao có lo buồn, người nghe sự chuyển đổi ấy thường có sự lo buồn. Do đó Như Lai thường trụ, nếu vô thường thì có lo buồn, nhưng nay Như Lai không phải là vô thường. Như Lai lo buồn và không có nỗi lo buồn đều không thể biết được.

Dưới là biết dưới mà không biết giữa và trên; giữa là biết giữa và dưới mà chẳng biết trên ấy; chỉ có trên là tất cả đều biết. Các hàng Thanh văn và Phật-bích-chi ấy ai nấy đều tự biết, nhưng không thể biết cảnh giới của Như Lai, Như Lai đều biết hết, cho nên gọi là xa lìa mọi chướng ngại.

Ví như nhà ảo thuật thị hiện biến hóa đủ mọi thứ, Như Lai cũng vậy, tùy thuận thế gian mà thị hiện đủ mọi thứ, có thể biết đây gọi là người thông tuệ, tưởng của người phàm phu mắt thịt là vô tưởng, không phải cảnh giới của họ, thế mà đối với Như Lai, họ dấy lên tưởng buồn lo và không buồn lo. Cho nên Ta nói, có pháp là ngã, có pháp là không phải ngã, giống như chim xá-lị.

Lại nữa, này thiện nam! Giống như chim nhạn, chim hạc và chim xá-lị, vào tháng mùa hạ, lúc trời mưa nước sông tràn ngập, chúng lựa chọn chỗ cao ráo mà xếp đặt cho con mình yên ổn, rồi sau mới bay đi. Như thế, Như Lai xuất hiện và làm hưng thịnh cho đời, hóa độ vô lượng chúng, khiến cho họ đi vào chánh pháp, phương tiện nói pháp cho người chịu sự giáo hóa, hoặc nói pháp khổ, hoặc nói pháp vui. Các hành hữu vi gọi là khổ, Nê-hoàn rất mực vui sướng, lìa khỏi các hành hữu vi thì Ta nói tên gọi là vui.

Ca-diếp bạch Phật:

–Nghĩa ấy là thế nào?

Phật bảo Ca-diếp:

–Điều đó gọi là như như.

Ca-diếp bạch Phật:

–Sao gọi là chúng sinh được vui thú Nê-hoàn?

Phật dạy:

–Này Ca-diếp! Như trước đây Ta nói tất cả các hành không có sự sinh, già và chết, điều đó gọi là:

Nếu không buông lung
Chỗ ấy bất tử
Nếu kẻ buông lung
Đó là đường chết.
Người không buông lung
Được chỗ chẳng chết
Nếu người buông lung
Thường ở sinh tử.

Nếu người buông lung là hành hữu vi, người kia có hành hữu vi thì đó là pháp khổ. Không phải Nê-hoàn, đó là chỗ chết. Nếu tạo tác sự buông lung thì đó gọi là tạo tác hành, nên biết hành này thì gọi là rất khổ, không hướng đến Nê-hoàn gọi là con đường chết, người không có sự buông lung là không tạo tác hành, tuy lại tạo tác hành cũng chẳng sinh tử, đó gọi là thân kim cương chẳng hủy hoại. Kẻ thế tục ấy gọi là buông lung, người xa lìa thế tục là không có sự buông lung, khỏi sinh, già, chết là khoái lạc Nê-hoàn, cho nên Như Lai có nói pháp khổ, có nói pháp vui, có nói phi ngã, có nói đó là ngã. Như chim bay giữa hư không, chẳng trông thấy dấu tích của nó. Người không có thiên nhãn, phiền não chưa dứt bỏ, không tự nhìn thấy thân và tính của Như Lai. Cho nên Ta nói có pháp vô ngã, vì phiền não nên nói giáo pháp bí mật vi diệu. Các chúng sinh ấy không có thiên nhãn mà tính toán so đo ngã và ngã sở, tạo tác hành hữu vi vô lượng phiền não, cho nên Ta nói các pháp vô thường cho họ. Do đó Ta nói có pháp vô thường:

Giống như mắt sáng trụ đỉnh núi
Biết rõ hạng phàm phu nơi ấy
Như Lai đạo nhãn lên đài tuệ
Không còn lo nghĩ loại quần sinh.

Như thế, vô lượng phiền não đều tiêu diệt, gọi là trụ đỉnh núi, nhìn vô lượng phiền não ấy rực cháy, chúng sinh thấp kém ai là người bước lên đài tuệ. Thế nào gọi là không có sự lo lắng, nếu người không có sự lo lắng, thì sao gọi là lo nghĩ thế gian. Nếu Nê-hoàn diệt tận, thì sao có việc xem xét kẻ ngu. Ví phỏng Như Lai Nê-hoàn diệt tận, sao gọi là có thể bước lên đài cao trí tuệ. Nếu cho rằng Nê-hoàn, làm sao ở đỉnh núi có thể nhìn xuống dưới ấy. Đài trí tuệ là nói rằng, diệt tận Nêhoàn là người không có nỗi lo và lo nghĩ, gọi là Như Lai lo nghĩ vô lượng quần sinh trong thế gian. Đỉnh núi là nói giải thoát, trụ là người thực hành, địa là hành hữu vi, người ngu là người không có phương tiện khéo léo khi nói. Hiểu rõ kỹ càng là chánh giác. Như Lai là mãi mãi xa lìa sự lo lắng khổ sở vì đó là pháp thường còn. Nhờ tự mình lìa khỏi âu lo, thấy chúng sinh bị đồ sắc bén đâm vào, lo lắng buồn bực, rồi phát sinh nỗi lo lắng cho họ. Nếu như Như Lai vĩnh viễn xa lìa sự lo lắng thì không gọi là bậc Chánh giác, tùy chúng sinh kia mà đáp ứng sự thâu giữ giáo hóa, Như Lai Đẳng Chánh Giác liền thị hiện cho họ, do đó nên biết Như Lai thường trụ, thị hiện mọi thứ giống như chim nhạn, chim hạc và chim xá-lị.