KINH ĐẠI BÁT NÊ HOÀN
Hán dịch: Đời Đông Tấn, sa-môn Pháp Hiển, người Bình Dương
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 14: VĂN TỰ

Phật lại bảo Ca-diếp:

–Tất cả lời lẽ, chú thuật, ký luận được Như Lai nói là nguồn gốc của hết thảy.

Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nghĩa ấy thế nào?

Phật bảo Ca-diếp:

–Thoạt đầu Ta bày rõ bán tự làm nguồn gốc của tất cả. Hết thảy chú thuật, ngôn ngữ vốn nắm giữ và tích tụ pháp chân thật, chúng sinh thơ dại ngây ngô từ căn bản của văn tự này mà học tập thông suốt các pháp, đó là pháp hay phi pháp và biết sự sai biệt của nó. Cho nên Như Lai biến hóa thị hiện gốc của chữ mà không gọi là phi pháp.

Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Sao gọi là gốc của chữ?

Phật bảo Ca-diếp:

–Mười bốn âm đầu tiên gọi là căn bản của chữ, mười bốn âm ấy thường gọi là căn bản bất tận của tất cả. Bất tận có nghĩa gì? Nghĩa chẳng thể bị phá hoại, nghĩa chẳng tiết lậu, nghĩa Như Lai gọi là nghĩa bất tận. Pháp thân Như Lai là kim cương không thể bị phá hoại, cho nên gọi là chẳng hoại. Như Lai không có các lậu của chín đường, cho nên gọi là chẳng tiết lậu. Như Lai thường trụ, cho nên nói ý nghĩa của sự vô tác bất tận.

Âm a ngắn đầu tiên nghĩa là tốt, tốt là ý nghĩa của Ba ngôi báu. Thứ hai, âm a dài (à) nghĩa là hiện Thánh trí, tên gọi của nó là bậc Thánh lìa khỏi số thế gian, thanh tịnh, ít sự ham muốn, có khả năng vượt qua tất cả biển của ba cõi, cho nên gọi là Thánh. Thánh là chân chính, có thể làm đúng khuôn phép, hành xử luật nghi và phép tắc mực thước của thế gian, đó là ý nghĩa của những chữ ấy vậy.

Lại nữa, âm a là có sự nuôi lớn đều nương dựa vào bậc Thánh, là gốc rễ của tất cả chánh hạnh chân thật. Hiếu dưỡng cha mẹ đều dựa vào sự hiểu biết ấy, hiểu rõ chánh pháp trụ ở Ma-ha-diễn, thiện nam, thiện nữ, Tỳ-kheo và Bồ-tát giữ giới, điều mà những vị ấy thực hành như thế đều nương dựa vào bậc Thánh.

Lại nữa, âm a là chỗ nương dựa của quy luật và sự cấu tạo ngôn ngữ thế giới, như nói thiện nam A-già-xa, như nói nam tử đừng làm Ana-giá-la, cho nên a cũng là chỗ nương dựa của ngôn ngữ thế gian.

Âm i ngắn là “đây”, nói pháp này chính là pháp Như Lai, phạm hạnh, xa lìa, nhiễm bẩn của mọi phiền não, thanh tịnh. Vì chư Phật Thế Tôn giống như mặt trăng vành vạnh lộ rõ pháp này mà thể hiện tên gọi này.

Lại nữa, âm i là như nói rằng, đây là nghĩa đúng, đây là nghĩa sai trái, đây là ma nói, đây là Phật nói, nương dựa vào sự phân biệt ấy nên gọi là này.

Âm i dài (ì) ấy gọi là tự tại, gọi là đại tự tại. Phạm vương tự tại có thể đối với giáo pháp Như Lai khó có được, đem sức tự tại để hộ trì chánh pháp. Vì nguyên do đó nên gọi là tự tại.

Lại nữa, âm i là tự tại đối với kinh Đại Thừa Phương Đẳng Bát Nê Hoàn này, tự tại thâu giữ, khiến cho giáo pháp này tự tại rực cháy, khiến cho chúng sinh khác tự tại chịu sự học tập kinh Phương Đẳng này.

Lại nữa, âm i là tự tại, Phương đẳng có năng lực tiêu trừ âm i là ghen ghét và tà kiến, giống như sửa sang lúa mầm ở ruộng đồng, nhổ bỏ các loài cỏ dại. So sánh những việc như thế, do đó cho nên Như Lai nói âm i tự tại.

Âm u ngắn là ở trên vậy, Ta nói nghĩa cao nhất đối với khế kinh này, có lẽ là điều mà các hàng Thanh văn và Phật-bích-chi chưa từng nghe qua tai dù một câu, một chữ, một vài lời. Ví như Uất-đan-việt là châu đứng hàng đầu về sự phước đức trong các phương, Đại Thừa Phương Đẳng cũng như thế, hễ một lời được nghe qua tai, nên biết hạng người ấy là bậc cao thượng của trong loài người, gọi là Bồ-tát, vì thế cho nên Như Lai nói chữ u này.

Âm u dài (ù) là giống như sữa bò thơm, mùi vị thơm của sữa ấy chính là mùi vị cao nhất của kinh Đại Thừa, giảng nói rộng rãi về tính chân thật của Như Lai, sự kiêu mạn trái ngược chánh pháp thảy đều tiêu diệt.

Lại nữa, âm u còn tên gọi là u lớn. Đối với Như Lai tạng, người ấy cắt đứt cội rễ trí tuệ và thọ mạng mà dính mắc vào thuyết vô ngã, nên biết hạng người ấy gọi là đại ưu, vì thế cho nên Ta nói âm u.

Âm ai là như thế vậy. Nói đó là pháp Phật; Như Lai Nê-hoàn, cũng nói pháp ấy. Âm ai là Như Lai, có nghĩa là đến và đi, bởi thế cho nên nói Như Lai, Như Khứ.

Âm o là dưới thấp vậy. Phiền não thấp hèn đều trừ diệt xong thì gọi là Như Lai, cho nên Ta nói âm o.

Âm au chính là Ma-ha-diễn. Ở trong số mười bốn âm thì âm au là rốt ráo, cho nên Ta nói tên gọi là Ma-ha-diễn, đối với tất cả luận đó là luận rốt ráo, cho nên Ta nói âm au.

Âm ạm là tất cả vậy. Giáo pháp của Như Lai xa lìa hết thảy tiền tài vật báu. Âm ạm nghĩa là che ngăn, nghĩa là Nhất-xiển-đề.

Âm ạh cuối cùng là hết vậy. Tất cả khế kinh Ma-ha-diễn là hết sức cùng tận.

Âm ka là suy nghĩ hết thảy chúng sinh như con một, đối với tất cả các chúng sinh đều khởi lên lòng từ bi, cho nên Ta nói âm ka.

Âm kha là đào lên vậy, khai phát đào lên pháp tạng hết sức sâu

xa của Như Lai, trí tuệ ăn sâu vào không có sự bền chắc, do đó Ta nói âm kha.

Âm ga là tàng chứa vậy. Tất cả chúng sinh có Như Lai tạng cho nên Ta nói âm ga.

Âm gha đọc nặng là tiếng gầm vậy. Thông thường con sư tử gầm nên nói Như Lai thường trụ.

Âm na là giòn vậy. Hết thảy các pháp hữu vi do nhân duyên sinh ra lưu chuyển trong ba đời, thoắt khởi thoắt diệt, cho nên gọi là na.

Âm ca là hành vậy. Vì thành tựu chúng sinh nên gọi là ca.

Âm cha là soi sáng. Tính thường trụ của Như Lai, cho nên Ta nói âm cha.

Âm ja là sinh vậy. Sinh ra các sự giải thoát, không phải như sinh của sinh tử nguy hiểm dễ vỡ, cho nên Ta nói âm ja.

Âm jha đọc nặng là thiêu đốt vậy. Tất cả phiền não thiêu đốt khiến dập tắt mau chóng, cho nên nói là jha.

Âm na là trí vậy. Thật sự biết pháp cho nên nói là na.

Âm tạ là tỏ rõ vậy. Ở cõi Diêm-phù-đề biểu hiện chẳng đầy đủ, thế mà pháp thân của Như Lai kia thường trụ cho nên nói là tạ.

Âm tha là biểu thị sự thỏa mãn đầy đủ vậy. Đầy đủ một cách bình đẳng cho nên nói là tha.

Âm da là nhẹ nhàng tự tại không ẩn mất, cho nên Ta nói âm da.

Âm dha đọc nặng là chẳng biết hổ thẹn, không báo đền ân sâu cho nên Ta nói âm dha.

Âm na là không chính đáng giống như các kẻ ngoại đạo, cho nên nói là na.

Âm ta là che lấp tất cả hữu, khiến cho nó không nối tiếp nhau, cho nên nói âm ta.

Âm tha là không biết vậy. Giống như con tằm làm kén, cho nên nói là tha.

Âm da là phương tiện vui vẻ đối với Ma-ha-diễn, cho nên nói âm da.

Âm dha đọc nặng là gìn giữ vậy. Hộ trì Ba ngôi báu giống như không làm cho núi Tu-di chìm lỉm, cho nên nói là dha.

Âm na là giống như cờ phướn của Nhân đà la bên cạnh cửa thành, dựng lên Ba ngôi báu, cho nên nói âm na.

Âm pa là khởi lên tưởng đảo ngược. Ba ngôi báu chìm lỉm mà tự mê loạn, cho nên nói âm pa.

Âm pha là thế giới thành bại, giữ giới thành bại, tự mình thành bại, cho nên nói âm pha.

Âm ba là sức lực vậy. Như các Đức Như Lai có vô lượng thần lực, không phải chỉ mười lực, cho nên nói âm ba.

Âm bha đọc nặng là có thể làm mái che chánh pháp là Bồ-tát đạo, cho nên nói âm bha.

Âm ma là giới hạn vậy. Vào ngưỡng cửa khuôn phép của hàng Bồ-tát, tự cứng rắn ý chí của mình, làm lớp mái che cho chúng sinh, cho nên nói âm ma.

Âm ya là tập thực hành bốn thứ công đức của Bồ-tát, cho nên nói là ya.

Âm ra là diệt bỏ sự dâm sục, giận dữ, ngu si; đi vào pháp chân thật, cho nên nói âm ra.

Âm la đọc nhẹ là không lĩnh thọ thừa Thanh văn và Phật-bích-chi mà nhận lãnh sự học tập Đại thừa, cho nên nói là âm la.

Âm va là chú thuật của tất cả thế gian đặt ra, hàng Bồ-tát đều nói, cho nên nói âm va.

Âm sa là ba thứ gai độc thảy đều đã nhổ, cho nên nói là âm sa.

Âm sạ là nghĩa đầy đủ, đều có thể nghe và lĩnh thụ khế kinh Phương đẳng, cho nên Ta nói âm sạ.

Âm sa là dựng lên chánh pháp, cho nên Ta nói âm sa.

Âm ha là tiếng làm kinh động vậy. Kỳ lạ thay các pháp hữu vi do nhân duyên sinh ra, lưu chuyển trong ba đời thảy đều rốt ráo. Kỳ lạ thay Như Lai mà vào Nê-hoàn rời xa các sự vui sướng, cho nên nói âm ha.

Âm kta là ma vậy. Thiên ma hàng ức ngàn không có ai năng lực phá hoại vị Tăng chân chính Như Lai, vì thuận theo thế gian mà thị hiện có sự hủy hoại.

Lại nữa, thuận theo thế gian làm cha mẹ và các người họ hàng thân thuộc cho nên nói âm ksa.

Âm r, r, l, l, bốn chữ này là trưởng dưỡng bốn nghĩa Phật và

Pháp, Tăng; thị hiện có đối đãi thuận theo thế gian, thị hiện hữu đối (chướng ngại) giống như Điều-đạt phá hoại Tăng. Ngôi báu Tăng thật sự không bị phá hoại, Như Lai phương tiện thị hiện việc phá hoại Tăng, hóa làm hiện tượng như thế là để kết thành giới luật. Nếu người biết nghĩa phương tiện của Như Lai thì chẳng nên sợ hãi, nên biết đó gọi là thuận theo thế gian, do vậy Ta nói bốn chữ sau cùng này. Thanh âm hút khí, thanh âm lưỡi, thanh âm theo mũi, âm thanh vượt lên cao, âm thanh dài, lấy những ý nghĩa đó mà hòa hợp với chữ này, giống như những chữ này hòa thuận các thanh, đi vào âm thanh ngôn ngữ của mọi người, đều y theo lưỡi và răng mà có sai biệt, vì nhờ các chữ này, thân tích tụ vô lượng các tai họa phiền não, làm nhân duyên hòa hợp ấm, giới, các nhập; tịch diệt nghỉ ngơi, vào Như Lai tánh, Phật tánh hiện ra rõ ràng, thành tựu trọn vẹn tột cùng. Cho nên, bán tự gọi là căn bản của hết thảy các chữ. Nếu quán xét lý chân thực của các pháp và sự giải thoát của Như Lai cũng không có tướng của văn tự ngôn ngữ, tướng của chữ và tướng của vị thảy đều xa lìa. Cho nên, hết thảy sự xa lìa gọi là giải thoát, sự giải thoát ấy tức là Như Lai. Nhân bán tự này có thể khởi lên các pháp, mà không có tướng của các pháp nương theo chữ, đó gọi là khéo hiểu ý nghĩa của văn tự. Nếu khác như thế là không hiểu văn tự phân biệt các pháp là pháp hay phi pháp. Tính của Như Lai và Ba ngôi báu giải thoát, nhưng không thể biết đó là kinh hay không phải kinh, đó là luật hay không phải luật, đó là ma nói hay Phật nói, tất cả đều không thể biết lời nói của Ta. Do hạng người ấy không biết chữ, cho nên này thiện nam, các ông cần phải khéo học bán tự, cũng nên đi vào sự hiểu rõ số văn tự kia.

Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Con sẽ khéo học những bán tự này. Nay Thế Tôn của chúng con bắt đầu cho người con Phật có được bậc thầy cao cả trên hết, nay con mới vào trường học tập.

Phật bảo Ca-diếp:

–Quý hóa thay! Quý hóa thay! Này thiện nam! Người ưa thích tu tập chánh pháp cần phải học như thế.