KINH ĐẠI BÁT NÊ HOÀN
Hán dịch: Đời Đông Tấn, sa-môn Pháp Hiển, người Bình Dương
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN VI

Phẩm 17: HỎI VỀ BỒ TÁT

Ca-diếp bạch Phật:

–Hạng người nào là Đại Bồ-tát?

Phật bảo Ca-diếp:

–Người đã phát ý và chưa phát ý, hết thảy đều gọi là Bồ-tát. Này thiện nam! Ví như ngày mùa đông, dầu bơ đông đặc không có trơn nhuần, như thế người tu tập khế kinh và các Tam-muội khác, phát tâm mong cầu quả vị Bồ-đề, hạng người ấy gọi là chưa phát ý đạo, không thể chóng thành đạo quả của Bồ-tát. Vì sao? Vì không có phương tiện siêng năng thì giống như ngày mùa đông. Thiện nam! Lại còn như ngày mùa xuân, trời nóng gắt gao, tất cả thứ dầu bơ thảy đều trơn nhuần, còn lại những thứ bị đóng băng, hết thảy đều tan chảy, nước trong những ao hồ cũng lại khô cạn hết. Như thế, Ca-diếp! Nếu thiện nam và thiện nữ, người trong đạo hay kẻ ngoại đạo, hoặc giả có tâm rất mực chân thành, cho đến kẻ ưa thích tiếng tăm và lợi dưỡng, nghe qua tai hoặc cất giấu trong lòng kinh Phương Đẳng Đại Bát-nê-hoàn này, có người phát tâm Bồ-đề hoặc là người chưa phát tâm, như những hạng người này, hết thảy trong thân họ đều trơn nhuận làm nhân Bồ-đề, cho nên Ta nói rằng, thiện nam và thiện nữ đó đều trở thành Bồ-tát. Công đức tích tụ và giác tuệ vô tận của kinh Phương Đẳng Đại Bát-nê-hoàn như thế, cho nên Ta nói tên gọi là sự thấm nhuần của mùa xuân. Vì sao? Vì kinh này mở mang phát huy pháp thường trụ của Như Lai.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như ánh sáng mặt trời và mặt trăng soi chiếu, các ánh sáng khác đều không hiện ra nữa. Như thế, ánh sáng kinh Đại thừa Bát-nê-hoàn soi chiếu, thì ánh sáng công đức của các khế kinh khác cho đến các Tam-muội đều không hiện ra nữa. Cho nên, thiện nam và thiện nữ nào nghe Phương Đẳng Đại Bát-nê-hoàn này, tuy rằng họ chưa thể phát tâm đạo vô thượng, song ánh sáng mặt trời Nê-hoàn đã vào trong thân làm nhân Bồ-đề, do đó gọi là Đại Bát-nêhoàn.

Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh ắt hẳn có nhân duyên Bồ-đề nhập vào trong thân là do nguyên cớ gì? Bạch Thế Tôn! Nói rằng người phạm bốn pháp đọa, gây ra tội vô gián, phỉ báng kinh pháp, cho đến hạng Nhất-xiển-đề đều làm gai độc ở trong chánh pháp chăng? Như điều Phật nói, nếu người chưa phát ý và người có nhân Bồ-đề, có sự khác biệt gì? Bốn hạng người kia phải là người không có tội lỗi hung ác chăng?

Phật bảo Ca-diếp:

–Trừ hạng Nhất-xiển-đề ra, các chúng sinh còn lại, trong số đó có người nào nghe khế kinh Phương Đẳng Đại Bát-nê-hoàn này, làm nhân Bồ-đề, nên biết hạng người ấy đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, cho nên được nghe kinh này, còn các tội khác không có năng lực để làm vậy. Vì sao? Vì sức phương tiện lớn lao Ma-ha-diễn này mở mang phát huy tất cả Như Lai tánh.

Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Người chưa phát tâm không có sự ưa thích hướng về, nghe thì quay lưng vứt bỏ, làm sao có thể làm nhân Bồ-đề được?

Phật bảo Ca-diếp:

–Người chưa phát ý tuy không ưa thích hướng về mà quay lưng bỏ đi, song vẫn còn nhớ lại kinh này, lòng chẳng quên mất, thì trong giấc mơ khi nằm ngủ, người ấy thấy đại quỷ thần hiện ra tướng khủng bố rồi bảo: “Ô hay, Thiện nam! Ông nên nhớ nghĩ Bồ-đề, nếu không ưa thích hướng về ta, thì ta sẽ giết nhà ngươi”. Lập tức người kia liền sợ hãi bèn nhớ nghĩ Bồ-đề, cho đến khi thức rồi, tâm vẫn còn nhớ nghĩ liên tục. Lại nữa, sau khi mạng sống chấm dứt, người kia đọa vào trong địa ngục, thấy tội báo của mình cũng lại nhớ nghĩ, đọa vào trong ngạ quỷ cho đến sinh lên cõi trời cũng đều nhớ nghĩ: Đối với tâm Bồ-đề mà người kia có thể phát, đối với kinh Đại thừa Bát-nê-hoàn này, tâm không ưa thích từ đây mãi mãi tiêu diệt, như thế chính là nhân của Bồđề. Làm nhân như thế, làm duyên như thế, tức là dựng lập Bồ-đề.

Lại nữa, này thiện nam! Giống như trong hư không nổi lên đám mây lớn và mưa xối xả, trời mưa xuống khắp cả quả đất, nước mưa ấy không trụ lại ở chỗ cây khô, đá núi và các vùng cao nguyên mà chảy xuống tưới mát đồng ruộng, ao hồ đều tràn ngập. Chúng sinh thọ dụng trận mưa pháp Ma-ha-diễn Đại thừa này, mưa xuống hạng Nhất-xiểnđề giống như mưa xuống vùng đất cao nguyên, cây khô, đá núi; không thọ nhận sự thấm ướt của nhân duyên Bồ-đề.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như rang hạt giống làm cho nó cháy khô, tuy trời mưa hợp thời trở đi trở lại trăm ngàn muôn kiếp đi nữa, hạt giống cũng không thể mọc mầm. Hạng Nhất-xiển-đề cũng như thế, đối với kinh Phương Đẳng Bát-nê-hoàn này, dù cho họ có nghe kinh trải qua trăm ngàn kiếp đi nữa, cuối cùng cũng không thể phát mộng đâm chồi Bồ-đề. Vì sao? Vì giống như hạt giống lúa cháy, căn lành bị diệt mất.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như viên ngọc sáng cho vào trong nước vẩn đục, tức thì nước lắng trong; ném nó vào bùn, không thể khiến cho bùn trong. Kinh Ma-ha-diễn Bát-nê-hoàn này cũng như thế, đặt vào trong nước đục các chúng sinh gây ra năm tội vô gián hay phạm bốn pháp đọa, vẫn còn có khả năng lắng trong mà phát tâm Bồđề; nếu ném vào trong bùn Nhất-xiển-đề, dù qua trăm ngàn muôn năm đi nữa, cũng không thể khiến cho nó trong, khởi lên nhân Bồ-đề. Vì sao? Vì hạng đó không có cội rễ tốt lành vậy.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như cây thuốc tên là Dược vương, không có bệnh gì mà không trị được, nước là hương của thân rễ hoa lá của thuốc, hoặc có người uống, hoặc lại xoa vào mình mẩy, hoặc chỉ cần ngửi mùi thơm, ý ưa thích hay chẳng ưa thích, bệnh của người ấy đều trừ diệt. Chỉ trừ bệnh ắt phải chết, thì không thể làm cho khỏi bệnh. Như thế, này thiện nam! Kinh Ma-Ha-diễn Bát-nê-hoàn này, đối với bệnh nặng nghiệp ác của hết thảy chúng sinh, đều có thể điều trị. Nếu người phạm bốn pháp đọa, tội nghiệp vô gián, cho đến các người ngoại đạo không ưa thích Bồ-đề, một khi nghe kinh Phương đẳng này qua tai, thì đó gọi là nhân Bồ-đề. Vì sao? Vì kinh Ma-ha-diễn Bát-nêhoàn này đối với tất cả các điều ác, không gì mà kinh này chẳng trị được, chỉ trừ hạng Nhất-xiển-đề. Vì sao? Vì hạng ấy không có nhân Bồ-đề. Giống như thân người có chỗ thương tổn, thuốc cỏ bính được ngấm vào thì trừ được mọi tật bệnh, nếu không bị thương tổn hư hoại thì thuốc trở thành vô dụng. Hạng Nhất-xiển-đề cũng như thế, không thể thương tổn hư hoại để thọ nhận nhân Bồ-đề.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như kim cương có năng lực phá hoại mọi thứ báu, nhưng sức không thể phá hoại sừng linh dương màu trắng. Kinh Ma-ha-diễn Bát-nê-hoàn đều có thể phá hoại pháp thành tựu tất cả các điều ác, dựng lập nhân Bồ-đề, chỉ không thể phá hoại việc ác của hạng Nhất-xiển-đề để khởi lên nhân Bồ-đề.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như các cây cối, nếu chặt đứt thân cây và cành của nó, thì chúng lại mọc ra như cũ. Như thế, chúng sinh gây ra các tội nghiệp, nghe kinh Ma-ha-diễn Bát-nê-hoàn thì sinh ra nhân Bồ-đề, nhưng chặt đứt cây Đa-la thì thân và cành chẳng mọc ra lại, hạng Nhất-xiển-đề cũng như thế, cuối cùng không thể nảy sinh cành lá Bồ-đề.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như giữa hư không nổi lên đám mây và mưa lớn, thế nhưng giọt mưa kia chẳng trụ giữa không trung. Kinh Ma-ha-diễn Bát-nê-hoàn này mưa xuống trận mưa pháp khắp nơi, đối với hạng Nhất-xiển-đề thì mưa không trụ lại.

Không tu chân thật cũng không đến
Chỗ rốt ráo kia không thể thấy
Gọi nghiệp chẳng tốt các ác kia
Là rất quê kệch của thế gian.

Người tu điều thiện ấy gọi là tu Bồ-đề. Không đến là nếu tự mình không tu, thì cuối cùng không thể tự mình chứng đắc. Chân thật là hành nghiệp thù thắng vi diệu bí mật, hành nghiệp thù thắng như thế, đối với người nào không đến gọi là hạng Nhất-xiển-đề, mãi mãi xa lìa tâm thiện gọi là Nhất-xiển-đề, các hạng Nhất-xiển-đề, tăng thượng mạn lấy gì làm gốc? Nghiệp bất thiện phỉ báng kinh pháp, lấy đó làm gốc. Phỉ báng kinh pháp, hung nghịch, tàn hại bạo ngược, nên biết hạng người như thế làm cho kẻ trí sợ hãi. Ví như con đường nguy hiểm có nhiều giặc cướp, kẻ phàm phu ngu si kiêu mạn bạo ngược chẳng biết sợ hãi, cố tình đi thẳng đến đó thì bị giặc làm hại. Đấng Pháp vương có sức mạnh lớn lao đi dạo chơi ở con đường này thì không có nỗi sợ hãi. Không thấy chỗ rốt ráo là mãi mãi không thấy nghiệp ác rốt ráo của hạng Nhất-xiển-đề kia, cũng chẳng thấy chỗ rốt ráo vô lượng sinh tử của họ. Ta nói rút gọn việc tích tụ các điều ác kia, nếu nghe đầy đủ thì rất đáng sợ hãi. Cho dù khiến tất cả chúng sinh phát tâm một lúc thành đạo vô thượng, các bậc Chánh giác này vẫn còn không thấy các việc ác rốt ráo của hạng Nhất-xiển-đề kia. Lúc thành chánh giác, các vị ấy lại không thấy sự rốt ráo đối với những điều gì? Hết thảy chúng sinh phá hoại sự sống chết đều thành Phật đạo, chẳng thấy Vô dư Nê-hoàn của chư Phật, vô thường diệt tận như ánh đèn tắt. Gọi các nghiệp ác kia là việc rất hèn kém của thế gian, nghĩa là hạng Nhất-xiển-đề vĩnh viễn xa lìa công đức nhân duyên Bồ-đề, những kẻ này gọi là hạng bỉ lậu trong thế gian. Đối với Đại thừa sau cùng này mà giác ngộ được làm Phật, đó cũng gọi là bỉ lậu, pháp tự nhiên của chư Phật là như vậy.

Kẻ đã gây nghiệp ác
Như tát xà bơ sữa
Người ngu khinh bị đốt
Như tro phủ trên lửa.

Có hạng Nhất-xiển-đề tựa như bậc A-la-hán mà có hành vi trái với đạo lý, có bậc A-la-hán tựa như hạng Nhất-xiển-đề mà thực hành lòng từ. Có hạng Nhất-xiển-đề tựa như bậc A-la-hán, ấy là những chúng sinh phỉ báng Phương đẳng; có bậc A-la-hán tựa như hạng Nhấtxiển-đề là hạng chê bai Thanh văn, nói Phương đẳng một cách rộng rãi, vị ấy nói với chúng sinh: “Ta và các ông đều là Bồ-tát. Vì sao? Vì tất cả chúng ta đều có Như Lai tánh”. Thế nhưng chúng sinh kia cho họ là hạng Nhất-xiển-đề mà nói rằng, Như Lai trao cho chúng ta lời quyết đoán, ông cũng như thế, tôi và các ông đều sẽ lìa khỏi vô lượng phiền não và nghiệp ác của chúng ma như đập vỡ bình nước. Đối với khế kinh này ắt hẳn thành Bồ-đề, chớ phát sinh lòng nghi ngờ nữa. Ví như bậc liệt sĩ vâng theo mệnh lệnh của nhà vua sai đi sứ, người ấy đến bên trong nước khác để khen ngợi đạo đức của nhà vua, thà chịu mất thân mạng chứ chẳng thay đổi. Hôm nay chúng ta cũng như thế, Như Lai nói lời ghi nhận tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, chúng ta phải không tiếc thân mạng, ở trong người phàm phu ngu si mà giảng nói kinh này một cách rộng rãi, đó gọi là hạng chúng sinh có tấm lòng lớn tựa hồ Nhất-xiển-đề.

Nếu kẻ ngu si không có trí ở chốn tịch mịch vắng vẻ, dáng hình giống như bậc A-la-hán mà chê bai Phương đẳng, hạng phàm phu ngu đần cho kẻ ấy là bậc A-la-hán chân thật mà gọi đó là bậc Đại sĩ. Hạng Tỳ-kheo xấu ác ấy thị hiện ở nơi yên ắng A-luyện-nhã mà tự xử trí tựa hồ bậc A-la-hán chân thật, đối với hạnh A-luyện-nhã mãi mãi người ấy không thuận theo, rồi tạo ra lý thuyết quái lạ, khởi lên bốn nhân duyên. Họ nói rằng kinh Phương đẳng đều là do ma nói, nói rằng Ma-ha-diễn chính là lưỡi kiếm đâm vào chánh pháp của những người thông minh trí tuệ, chư Phật Thế Tôn đều sẽ vô thường mà nói là thường trụ. Nên biết đó là tướng hủy diệt chánh pháp và phá Tăng, người nói lời như thế gọi là hạng Nhất-xiển-đề, cho nên nói:

Kẻ đã gây nghiệp ác
Như tát xà bơ sữa
Người ngu khinh bị đốt
Như tro phủ trên lửa.

Như thế, này thiện nam! Nên biết kinh Phương Đẳng Bát-nêhoàn là lời nói quyết định của chư Phật Như Lai. Ma-ha-diễn là vô thượng tối cao giống như viên ngọc ma-ni sáng chói sạch trong lìa mọi dơ bẩn.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như hoa sen, ánh sáng mặt trời chiếu rọi rồi, không có hoa nào là không nở rộ, tất cả chúng sinh cũng như thế, kinh Ma-ha-diễn Bát-nê-hoàn này, một khi đã nghe qua tai, nếu người chưa phát ý, chẳng ưa thích Bồ-đề, thì những điều đó nhất định là nhân của Bồ-đề. Hạng Nhất-xiển-đề kia sở dĩ đoạn tuyệt mãi mãi đối với Như Lai tánh, đây là do sự phỉ báng và gây ra nghiệp ác lớn lao, giống như loài tằm kia dệt tơ tự ràng buộc mình mà không có chỗ thoát ra. Hạng Nhất-xiển-đề cũng như thế, đối với Như Lai tánh, họ không thể khai phát làm khởi dậy nhân Bồ-đề, cho đến tất cả cõi sinh tử cùng tột.

Lại nữa, này thiện nam! Giống như hoa Ưu-bát-la, Bát-đàm-ma, Câu-mâu-đầu, Phân-đà-lợi mọc lên ở trong bùn lắng mà không bị bùn lắng kia làm vấy bẩn. Nếu có chúng sinh tu tập kinh Ma-ha-diễn Bátnê-hoàn cũng như thế, họ không bị phiền não làm ô nhiễm. Vì sao? Vì tính của Như Lai không chịu sự lây nhiễm.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như ở đất nước nọ, ngọn gió mát mẻ nổi lên, những lỗ chân lông trong thân thể của hết thảy chúng sinh gặp được ngọn gió này đều trừ diệt hết sự nóng bức. Như thế, này thiện nam! Pháp vị cam lộ của kinh Ma-ha-diễn Bát-nê-hoàn này, tất cả chúng sinh không ai là không được thấm nhuần phát khởi nhân Bồ-đề, trừ hạng Nhất-xiển-đề.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như vị lương y hiểu rõ tám thứ phương thuật thì tất cả các bệnh thảy đều có thể điều trị, chỉ trừ bệnh a-tát-xà. Như thế này, Thiện nam! Tất cả khế kinh và các Tam-muội có năng lực trị hết thảy các bệnh phiền não dâm dục, tức giận, ngu si v.v…, nhưng không thể nào trị được kẻ phạm vào bốn giới cấm nặng và tội nghiệp vô gián.

Này thiện nam! Lại có vị lương y hiểu hơn tám thứ phương thuật, các tật bệnh của chúng sinh mắc phải mà số mạng và tuổi thọ chưa hết đều có khả năng trị liệu, chỉ có số mạng và tuổi thọ hết thì không thể khiến cho người ấy khỏi bệnh. Kinh Ma-ha-diễn Bát-nê-hoàn này cũng như thế, những bệnh hoạn phiền não của tất cả chúng sinh, cho đến người không ưa thích Bồ-đề mà chưa phát tâm, thảy đều có thể điều trị khiến cho họ phát Bồ-đề, chỉ trừ hạng Nhất-xiển-đề.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như người mù chẳng thấy năm màu sắc, vị thầy thuốc tài giỏi có khả năng điều trị khiến cho mắt mở sáng, chỉ có điều là không thể nào chữa cho người mù bẩm sinh kia. Kinh Ma-ha-diễn Bát-nê-hoàn này cũng như thế, hết thảy chúng sinh, Thanh văn, Duyên giác không ưa thích Bồ-đề mà chưa phát tâm, thảy đều trị liệu làm cho họ mở con mắt tuệ và phát tâm Bồ-đề, chỉ trừ hạng Nhấtxiển-đề bị mù bẩm sinh.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như vị lương y giỏi hơn tám thứ phương thuật, tất cả chúng sinh mắc tật bệnh, thầy thuốc viết chú thuật ấy dán vào trên thân thể, có thể khiến cho các bệnh tật đều được trừ khỏi. Kinh Ma-ha-diễn Bát-nê-hoàn này cũng như thế, các phiền não họa hoạn của tất cả chúng sinh, người không ưa thích Bồ-đề mà chưa phát ý, cho đến phạm bốn giới cấm nặng và tội nghiệp vô gián, đều có thể trừ diệt và an lập Bồ-đề.

Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Người phạm vào bốn giới cấm nặng và tội vô gián giống như chặt đứt cây Đa-la, cho đến người không ưa thích Bồ-đề mà chưa phát tâm, làm thế nào có thể khiến cho họ phát khởi nhân Bồđề?

Phật bảo Ca-diếp:

–Các chúng sinh đó hoặc ở trong giấc mơ, hoặc khi mạng sống chấm dứt, đọa vào trong địa ngục mà sinh lòng hối hận, rằng xót thương thay, chúng ta hủy phạm chánh pháp, tự mình chuốc lấy tội này, mà phát sinh tâm thề nguyện, ở đây được khỏi phải sinh về nơi khác, ở bất cứ nơi đâu đều cần phải phát tâm làm đạo Bồ-tát, vì đó là sức uy thần của kinh Ma-ha-diễn Bát-nê-hoàn. Những hạng chúng sinh ấy sinh vào trong cõi trời hay loài người, ắt hẳn được phát tâm làm nhân Bồ-đề, cho nên Ta nói người phạm bốn điều cấm nặng cho đến nghiệp vô gián đều được phát tâm làm nhân Bồ-đề.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như người thầy thuốc giỏi hòa hợp các phương thuốc tên là A-già-đà, vị thuốc hay như thế tích chứa ở chỗ nào, thì tất cả các thứ độc hại thảy đều tiêu tán, chỉ trừ một loại rắn độc tăng thượng, không thể nào tiêu phục. Kinh Ma-ha-diễn Bát-nê-hoàn này cũng như thế, tất cả bốn rắn độc kiêu mạn, người phạm bốn điều cấm nặng cho đến nghiệp vô gián, người không ưa thích Bồ-đề và chưa phát ý, kinh này đều an lập họ ở đạo Bồ-đề. Vì sao? Vì kinh Ma-hadiễn Bát-nê-hoàn này là phương thuốc hay bậc nhất không gì hơn được, chỉ trừ hạng Nhất-xiển-đề rắn độc tăng thượng.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như người thầy thuốc giỏi hợp các vị thuốc để bôi lên chiếc trống của mình, nếu có chúng sinh đánh nhau bị thương, họ nghe tiếng trống kia, tất cả vết thương đều lành lại, chỉ trừ người hết số mạng thì ắt phải chết. Âm thanh trống pháp của kinh Maha-diễn Bát-nê-hoàn này cũng như thế, tất cả chúng sinh nghe âm thanh ấy, thì mũi tên dâm dục, tức giận, ngu si; người không ưa thích Bồ-đề và chưa phát ý, kẻ phạm bốn pháp đọa cho đến tội vô gián, tất cả đều trừ khỏi bệnh, chỉ trừ hạng Nhất-xiển-đề ra.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như đêm tối, tất cả công việc nhà của người ở cõi Diêm-phù-đề thảy đều bỏ dở để nghỉ ngơi, khi ánh mặt trời ló dạng rồi, các dân chúng ấy mới có thể sửa sang công việc gia đình. Như vậy, chúng sinh nghe các khế kinh và các Tam-muội giống như đêm tối, họ nghe giáo pháp bí mật vi diệu của kinh Đại thừa Bát-nêhoàn này giống như mặt trời mọc thấy các chánh pháp, như người làm ruộng kia gặp trời tuôn mưa vào mùa hạ. Trong kinh Ma-ha-diễn, vô lượng chúng sinh thảy đều được ghi nhận sự quyết định hiện bày Như Lai tánh; ở kinh Pháp Hoa, tám ngàn vị Thanh văn được Phật ghi nhận các việc ở đời vị lai, chỉ trừ hạng Nhất-xiển-đề băng giá mùa đông.

Lại nữa, này thiện nam! Giống như có người bị loài phi nhân nắm giữ, nếu bị độc ác mà được người thầy thuốc tài giỏi, hoặc sai khiến chú thuật, hoặc sai khiến chú dược, thì tai họa kia liền tiêu trừ. Như thế, này thiện nam! Kinh Ma-ha-diễn Bát-nê-hoàn này, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, cho đến kẻ ngoại đạo ở khắp mọi nơi, nếu họ viết chép và diễn nói cho mọi người, trong số đó có chúng sinh hoặc đọc hoặc nghe, những việc này đều là nhân của Bồ-đề. Những sự độc ác tà vạy, việc chẳng ưa thích Bồ-đề, chưa phát sinh ý đạo, cho đến bốn điều cấm nặng, năm tội nghịch đọa vào ngục vô gián thảy đều tiêu diệt, chỉ trừ hạng Nhất-xiển-đề.

Lại nữa, này thiện nam! Giống như trong thân thể của vị đại vương có loài trùng bí mật ăn thịt của mình mà vị vua ấy chưa hay biết, bấy giờ có vị lương y biết tướng bệnh của vị vua ấy, bèn nói với nhà vua kia: “Trong thân thể của ông có bệnh, hãy nên mau chóng chữa trị bệnh ấy”. Khi ấy nhà vua chẳng tin, không muốn ra lệnh chữa trị. Người thầy thuốc ấy sợ hãi không dám cho vua dùng thuốc, bèn bí mật gia trì chú thuật khiến cho loài trùng tự nhiên lọt ra. Nhà vua thấy bệnh rồi mới tin lời nói của thầy thuốc và đãi ngộ trọng hậu. Các hàng chúng sinh cũng như thế, họ nghe kinh Ma-ha-diễn Bát-nê-hoàn song không ưa thích Bồ-đề và chưa phát ý, chư Phật Bồ-tát phương tiện nói cho họ, tuy rằng họ không lĩnh thọ ngay lập tức, nhưng ở trong giấc mơ hoặc khi kết thúc mạng sống, họ liền tự giác ngộ và phát ra nhân Bồ-đề, trừ hạng Nhất-xiển-đề.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như người thầy thuốc giỏi khéo chỉ

dạy cho đứa con của mình học tám thứ phương thuật, phương thuật bí mật cốt yếu hàng đầu thì ông giấu kín mà chưa truyền thụ, người con biết tám thứ phương thuật và khéo thông đạt rồi, sau đó ông mới chỉ dạy toàn bộ phương thuật bí mật cốt yếu hàng đầu. Cũng như thế, Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác dạy bảo cho Pháp vương tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, trước tiên học tập cách diệt trừ vô lượng phiền não, tu tập quán tưởng không bền chắc đối với thân, mọi khổ não tích tụ, vô thường biến hoại, trống rỗng và không có ngã sở. Như Lai lại còn dạy bảo học chín bộ khế kinh, khiến cho họ khéo thông hiểu một cách sắc bén, rồi sau mới dạy bảo học tập kinh Ma-hadiễn Bát-nê-hoàn này, khiến cho biết chúng sinh có Như Lai tánh chính là pháp thường trụ, đều phát khởi cái nhân Bồ-đề vô thượng, trừ hạng Nhất-xiển-đề ra. Như thế, này thiện nam! Kinh Ma-ha-diễn Bátnê-hoàn này vô lượng vô số không thể nghĩ bàn, nên biết kinh này là phương thuật vô thượng, là bí mật cốt yếu của vị lượng y.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như người làm nghề lái đò đáp thuyền đưa người qua sông, đến bờ bên kia rồi, người ấy trở lại đưa người khác. Cũng như thế, chư Phật Như Lai đáp thuyền Ma-ha-diễn Bát-nêhoàn, tùy theo chúng sinh kia cần phải nhận lĩnh sự giáo hóa mà tế độ họ. Bát-nê-hoàn xong, chư Phật lại đến nơi khác để độ các chúng sinh, cho nên Như Lai tên là Đại Thuyền Sư, cho nên Như Lai là pháp thường trụ, vì cứu độ mọi người cho nên thị hiện có sự xuất hiện và tàng ẩn.

Lại nữa, này thiện nam! Giống như người đáp thuyền muốn vượt qua biển cả, nếu được gió thuận lợi thì người ấy đến bờ bên kia nhanh chóng; nếu không được thuận gió, hoặc trải qua bao năm, hoặc có thể bị chết đuối. Như vậy, chúng sinh được gió Ma-ha-diễn Bát-nê-hoàn, mau chóng vượt qua sinh tử, đến bờ Bồ-đề. Nếu như không được thuận gió, thì mãi mãi chìm đắm trong biển khổ sống chết luân hồi.

Lại nữa, này thiện nam! Giống như người vào biển gặp phải làn sóng cả, toan tính không có cách nào cứu giúp, bèn ngồi ngay ngắn chờ cái chết. Bỗng dưng, người ấy gặp ngọn gió lớn thổi đến một nước, không ngờ mình đến đây một cách âm thầm, người ấy vui mừng khôn xiết, nảy sinh ý tưởng lạ lùng. Như thế, kinh Ma-ha-diễn Bát-nê-hoàn này là ngọn gió lớn lao, chúng sinh không biết mà chẳng ưa thích hướng về để phát tâm Bồ-đề. Ngọn gió Bát-nê-hoàn kín đáo thổi khiến cho họ đến cảnh giới Bồ-đề, mới biết sự chân thật và sinh ra ý tưởng lạ lùng.

Lại nữa, này thiện nam! Giống như con rắn lột da, lại đi sang nơi khác song thật ra nó không chết. Như thế, Thiện nam! Như Lai Nêhoàn bỏ thân cũ kia như lột bỏ da, cho nên Như Lai tên là Thiện Thệ, bỏ thân phương tiện cây thuốc độc, hoặc lại phương tiện thị hiện sự giáo hóa ở cõi Diêm-phù-đề khác, cho nên này thiện nam, nên biết Như Lai là pháp thường trụ.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như người thợ vàng được loại vàng thật và tốt, tùy ý người ấy có thể tạo ra những đồ trang nghiêm, đủ mọi thứ đồ phục sức. Cũng như thế, chư Phật Như Lai tùy theo sự thâu giữ giáo hóa kia ở hai mươi lăm cõi, các Ngài đều có thể hiện thân mà độ thoát họ, cho nên Như Lai gọi là Vô lượng thân, cũng gọi là thường trụ.

Lại nữa, này thiện nam! Giống như cây am-la và cây diêm-phù thay đổi ở ba mùa, có mùa lá cây tốt tươi, có mùa đơm hoa kết trái, có mùa úa rụng, không phải là cây kia khô rồi mọc lại. Như thế, Thiện nam! Thân phương tiện của Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, vì sự giáo hóa cho nên cũng hiện ra ba thời kỳ. Như Lai thị hiện có sự sinh ra, thành Phật, thị hiện Bát-nê-hoàn, kỳ thật Như Lai thường còn mà chẳng diệt tận.

Lại nữa, này thiện nam! Thân bí mật của Như Lai là như thế, mật khẩu của Như Lai và mật giáo phương tiện cũng lại khó biết. Thiện nam tử! Mật giáo phương tiện là ví như vị đại vương mệnh lệnh cho các quần thần cũng có lời dạy bảo giấu kín như thế. Như có lúc vua nói: “Hãy cầm tiên-đà-bà đến”. Thế nhưng, tiên-đà-bà là một tên gọi mà có bốn nghĩa thực: một là muối, hai là chậu tắm, ba là ngựa, bốn là kiếm. Đó là bốn thứ vật đều gọi là tiên-đà-bà. Nếu khi vua dùng bữa, ông ra lệnh cho người hầu hạ hai bên của mình để đòi tiên-đà-bà, các bầy tôi của vua nên biết rằng, nhà vua ắt hẳn đòi muối. Nếu nhà vua ăn xong rồi mà đòi tiên-đà-bà, các bầy tôi cần phải biết rằng, nhà vua nhất định đòi chậu tắm. Vua muốn đi đến khu cây cảnh mà đòi tiên-đàbà, những bầy tôi phải nên biết rằng, chắc chắn nhà vua đòi ngựa. Khi lâm trận đánh nhau mà vua đòi tiên-đà-bà, các bầy tôi phải nên biết rằng, ắt hẳn nhà vua đòi gươm bén. Vua có lời nói bóng khó hiểu như thế, các bầy tôi của vua cũng cần phải biết ý nghĩa ấy.

Như thế, này thiện nam! Giáo pháp bí ẩn Ma-ha-diễn này cũng có bốn thứ. Như nói sự vô thường, điều đó các thiện nam nên biết, Như Lai sinh ra ở cõi Diêm-phù-đề, nên sẽ phải thị hiện Nê-hoàn, ấy là tu tập quán tưởng vô thường của Ma-ha-diễn. Nếu Như Lai nói chánh pháp sẽ diệt, thì điều ấy các đệ tử cần phải biết thế này, Như Lai nói sự khổ để tu hành quán tưởng sự khổ của Ma-ha-diễn này. Như Lai nói thân là đồ chứa đựng mọi họa hoạn, lại nói ngôi báu Tăng cũng sẽ trở về sự diệt tận, những điều đó các đệ tử hãy nên biết thế này, Phật nói không có cái ta, thì tu quán tưởng vô ngã của Ma-ha-diễn này. Nếu nói vô tưởng, không, vô sở hữu và giải thoát, những điều đó các đệ tử hãy nên biết thế này, Ma-ha-diễn này nói hai mươi lăm cõi mà được giải thoát, cho nên nói không. Mọi nỗi khổ đều diệt nên nói không có sở hữu. Cõi Vô tưởng hết sức vui sướng, sự vô thường biến đổi vốn không thể nào hủy hoại, cho nên gọi là thường trụ, không phải pháp biến đổi, nên biết sự giải thoát tức là Như Lai, Như Lai ấy chính là Như Lai tánh, trong thân của tất cả chúng sinh đều có, người nào biết như thế chính là đệ tử của Ta, khéo hiểu rõ giáo pháp bí mật vi diệu của Như Lai.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như trời hạn hán, cỏ thuốc, hoa thơm, quả ngọt, cây cối thảy đều héo tàn, không kết thành quả trái. Tất cả các cây cỏ mọc ở trên cạn dưới nước khác cũng đều bị khô cạn mà không tươi tốt, lại thêm vào sang năm, cây khó sinh trưởng được nữa. Như thế, này thiện nam! Kinh Ma-ha-diễn Bát-nê-hoàn này, sau khi Ta diệt độ, các người đệ tử ấy giống như trời hạn hán, hoa quả không thể nào kết thành trái, như tòa thành bị giặc cướp mất của báu chân thực, chỉ gom giữ trấu cám. Chúng Tỳ-kheo xấu ác đã mất của báu rồi, họ sao chép qua loa, gom góp biên soạn, mà không khéo giải thích ý nghĩa buông thả, kiêu mạn, thoái chuyển. Xót thương thay! Mối hiểm nguy lớn! Trong đời sau này rất đáng sợ hãi. Vui sướng thay! Sự lợi ích lớn! Chúng sinh ở đời sau được nghe qua kinh Ma-ha-diễn Bát-nê-hoàn này, tùy theo điều được nghe trong kinh mà thọ trì, phúng tụng, hiểu rõ ý nghĩa và mục đích của kinh ấy rồi giảng nói rộng rãi cho mọi người, nhờ những việc này vị ấy sẽ được Bồ-đề chân thật.

Lại nữa, này thiện nam! Như có đất nước, thành ấp, thôn xóm, ở đó có người bán sữa. Có người đem thứ nước táp-nham để lừa dối người khác mà cầu tiền của, người bán sữa ấy cũng như thế, lấy nước táp-nham bán hết người này qua người khác mà lừa bịp nhau, người mua ăn uống thứ đó song không có mùi vị sữa. Như thế, này thiện nam! Sau khi Ta Nê-hoàn, chánh pháp chưa diệt còn hơn tám mươi năm, ở cõi Diêm-phù-đề kinh Ma-ha-diễn Bát-nê-hoàn này lưu hành ở đời. Những vị Tỳ-kheo xấu ác buông thả biếng nhác, gây bè kết đảng với chúng ma, phá hoại và làm rối loạn chánh pháp. Họ tự tạo ra kinh luận, làm bài kệ tụng khen ngợi, lấy trái cho là phải, lấy phải cho là trái, sao chép lược bỏ, thêm bớt. Vì sự lợi dưỡng nên họ muốn tích chứa nhiều của cải phi pháp, phá hoại và làm rối loạn mùi vị chính khiến cho pháp nhạt nhẽo, lại còn thêm văn tự không chính đáng của học thuyết xằng bậy nữa. Người nhận sự học tập lầm lẫn cũng chẳng tôn trọng và cung kính cúng dường, bên trong ôm lòng nịnh nọt gian tà, vì sự lợi dưỡng nên họ thị hiện tướng ưa thích pháp. Vào lúc đó, kinh Maha-diễn Bát-nê-hoàn này sẽ bị những hạng người này làm hủy nhục.

Lại nữa, này thiện nam! Do ý nghĩa này, cho nên thiện nam hay thiện nữ đối với kinh Ma-ha-diễn Bát-nê-hoàn hãy nên siêng năng phương tiện lập chí trượng phu. Vì sao? Vì Như Lai tánh là pháp trượng phu. Ý chí của người nữ là đối với tất cả pháp phần nhiều sinh ra sự bám víu, sức không gánh vác nổi để phát khởi ý vị vi diệu của kinh Ma-ha-diễn sâu sắc.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như thân thể con muỗi và con ve tiết ra nước dãi thấm ướt, song không thể nào khiến cho quả đất này thấm ướt. Pháp nữ nhân ấy dường như quả đất nhiều những sự khao khát ái dục. Ví như biển cả, trời đổ mưa xuống và mọi dòng nước chảy của trăm con sông, tất cả đều trở về với biển, thế nhưng biển lớn kia chưa hề tràn đầy. Pháp của nữ nhân cũng như thế, tham lam thụ hưởng năm thứ dục mà không có sự chán đủ. Cho nên, này Ca-diếp! Nếu thiện nam hay thiện nữ muốn được phương tiện lìa khỏi pháp nữ nhân, thì hãy nên chăm chỉ tu tập kinh Ma-ha-diễn Bát-nê-hoàn này. Vì sao? Vì kinh Ma-ha-diễn Bát-nê-hoàn này nói về pháp trượng phu của Như Lai tánh. Nếu có chúng sinh không biết tự thân có Như Lai tánh, thì thế gian gọi họ là người nữ. Nếu người nữ có thể biết tự thân có Như Lai tánh, thì tuy thế gian gọi họ là người nữ, song Ta nói hạng người này là người nam vậy.

Như thế, này thiện nam! Kinh Ma-ha-diễn Bát-nê-hoàn tích tụ vô lượng vô biên công đức, nói rõ chúng sinh có Như Lai tánh. Nếu thiện nam hay thiện nữ muốn được mau chóng thành tựu Như Lai tánh, thì hãy nên chuyên cần phương tiện tu tập kinh này.

Ca-diếp bạch Phật:

–Quý hóa thay! Bạch Thế Tôn! Nay con tu tập kinh Bát-nê-hoàn, ban đầu con biết tự thân có Như Lai tánh, nay mới quyết định chính là nam tử vậy.

Phật bảo Ca-diếp:

–Quý hóa thay! Quý hóa thay! Này thiện nam! Hãy nên chăm chỉ phương tiện học pháp sâu xa này, giống như con ong chọn lấy hoa, hãy lấy hết vị ngon của diệu pháp sâu xa. Này Ca-diếp! Ví như nước bọt của loài muỗi không thể nào khiến cho quả đất lớn này thấm ướt. Như thế, này thiện nam! Trong đời sau này, chúng Tỳ-kheo xấu ác phá hoại và gây rối loạn kinh pháp, vô số vô lượng như ruộng cạn trên cao, không phải kinh Đại Thừa Bát-nê-hoàn này vốn có thể thấm ướt. Vì sao? Vì nên biết rằng, khi chánh pháp diệt tận thì tướng suy hiện ra.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như cuối mùa hạ đầu mùa đông, mưa thu đổ liên miên không ngớt, nước ngập che khuất ao đầm. Như thế, này thiện nam! Kinh Ma-ha-diễn Bát-nê-hoàn này, sau khi Ta vào Nêhoàn, chánh pháp suy diệt. Vào lúc đó, kinh này lưu truyền khắp cả phương Nam, bị mây mưa phi pháp của những học thuyết quái lạ không chính đáng làm chìm đắm trôi giạt. Bấy giờ, vị Bồ-tát hộ pháp ở phương Nam kia sẽ nắm giữ khế kinh này đi đến nước Kế-tân để cất giấu trong lòng đất, cho đến hết thảy những khế kinh Ma-ha-diễn Phương đẳng ở đây rồi biến mất. Thương thay, lúc ấy tướng pháp diệt tận, mây mưa phi pháp tràn đầy thế gian, người tu tập được thấm nhuần ân đức mưa pháp của Như Lai, Bồ-tát hộ pháp và kẻ hùng mạnh trong loài người thảy đều ẩn náu.

Bấy giờ, Bồ-tát Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Tánh của chư Phật Như Lai, Thanh văn, Duyên giác không có sự sai biệt, xin mong Như Lai giảng nói rộng rãi, khiến cho tất cả chúng sinh đều được mở rộng sự hiểu biết.

Phật bảo Ca-diếp:

–Ví như có người nuôi nhiều bò sữa, làm thành đàn bò với đủ màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng khác nhau. Khi sắp làm lễ tế trời, người ấy tập trung tất cả con bò lại rồi vắt hết sữa của chúng, tích chứa trong một đồ đựng cùng một màu ngọc kha như nhau. Như thế, này thiện nam! Chư Phật Như Lai, Thanh văn, Duyên giác, tính của các vị ấy thanh tịnh đều cùng một màu. Vì sao? Vì các vị ấy cùng dứt bỏ hết mọi phiền não giống nhau.

Ví như người thợ vàng chọn lấy quặng kim loại đủ các thứ màu sắc khác nhau, rồi đem quặng ấy nung chảy và tinh luyện thành một thứ vàng óng không pha tạp. Vì sao? Vì vô lượng vô số quặng thô phiền não đều tiêu diệt, do đó phải nên tin tưởng kinh Ma-ha-diễn Bátnê-hoàn này, tất cả chúng sinh đều có tính chân thật của Như Lai, thảy đều cùng một sắc như nhau.

Ca-diếp bạch Phật:

–Như lời Thế Tôn nói, tất cả chúng sinh đều có Phật tánh mà không có sự sai biệt. Đối với điều này con chưa được rõ, tạm thời để yên ổn chúng sinh, như Thế Tôn nói, Thanh văn, Duyên giác và các Bồ-tát không được Đại Bát-nê-hoàn, chỉ có Như Lai mới được Đại Bátnê-hoàn này. Vì thế, phải biết rằng, không phải Thanh văn, Duyên giác và các Bồ-tát giống như Như Lai. Nếu không có sự sai biệt, thì tại sao chỉ có một mình Thế Tôn tu hành phương tiện và tích lũy công đức ở vô lượng a-tăng-kỳ kiếp?

Phật bảo Ca-diếp:

–Điều Ta nói trước đây, đó chính là giáo pháp bí mật phương tiện của Như Lai, nói rằng các Thanh văn chẳng được Nê-hoàn, do đó nên biết rằng, tất cả đều nhờ kinh Đại Bát Nê Hoàn này mà vào Nê-hoàn, chỉ có cảnh giới của Phật, vì thế kinh này tên gọi là Đại Bát-nê-hoàn.

Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Đó chính là sự khác lạ. Như điều Phật nói, Thanh văn, Duyên giác và các Bồ-tát đều sẽ trở về sự Nê-hoàn của Như Lai, giống như trăm con sông đổ dồn về biển cả là pháp thường trụ.

Phật bảo Ca-diếp:

–Ta là tối thường trụ vậy.

Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Sao gọi là tính của Như Lai không khác mà khác chăng?

Phật dạy:

–Có sự khác nhau.

Ca-diếp bạch Phật:

–Sao gọi là khác?

Phật bảo Ca-diếp:

–Ví như sữa bò, tánh Như Lai của tất cả Thanh văn cũng như thế; giống như sữa tươi trở thành sữa cô đặc chế, tánh Như Lai của tất cả Duyên giác cũng như thế; giống như sữa cô chế thành bơ, tánh Như Lai của Đại Bồ-tát cũng như thế; giống như đề hồ, tính ấy của chư Phật Như Lai cũng vậy. Như thế, này thiện nam! Đó là bốn thứ sai biệt của kinh Ma-ha-diễn Bát-nê-hoàn này.

Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Tánh ấy của tất cả chúng sinh là thế nào?

Phật bảo Ca-diếp:

–Như sữa chưa thành mà hòa hợp cùng với nước và máu, vô lượng phiền não che lấp tính chân thực của Như Lai.

Ca-diếp bạch Phật:

–Như lời Thế Tôn nói, thành Câu-di có người thuộc hạng Chiênđà-la tên là Hoan Hỷ, người ấy sẽ thành Phật đạo trong số một ngàn Đức Phật ở thế giới này. Thế Tôn ghi nhận, một khi phát khởi ý niệm trong chốc lát thì người ấy liền thành Phật đạo. Vì những cớ gì mà Thế Tôn không ghi nhận Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên v.v… chóng thành Phật đạo?

Phật bảo Ca-diếp:

–Hoặc giả có Thanh văn, cho đến Phật-bích-chi, các Bồ-tát không phát nguyện mau chóng; có người phát nguyện mau chóng để hộ trì chánh pháp, vì hạng người này phát nguyện có sự chênh lệch, nên nhờ sức Bồ-đề, Thế Tôn thụ ký cho người ấy chóng thành Phật đạo.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như người buôn bán chở ngọc báu ma-ni, đi qua đường sá xóm làng của người quê mùa để rao bán đồ quý báu. Những hạng người quê mùa nghe tiếng rao bèn đến nhìn xem của báu song chẳng nhận biết, họ liền cười khanh khách cho đó là gạch đá. Như thế, này thiện nam! Như Lai ghi nhận cho các hàng Thanh văn sẽ thành Phật đạo, được chỗ tốt đẹp hơn hẳn. Vào đời sau này có các Tỳkheo phóng túng biếng nhác, không nhận biết của báu chân thật giống như người quê mùa, họ xuất gia với sự nghèo nàn, khốn khổ và tật bệnh, lòng tin nông cạn, làm những việc bị giới luật cấm để mà sinh sống, dua nịnh quanh co. Nếu họ nghe Như Lai trao lời ghi nhận cho hàng Thanh văn nhất định sẽ thành Phật, tức thời họ cười lớn, nên biết hạng đó là người có hình dáng Sa-môn song không phải là Sa-môn chân thật. Cho nên, này thiện nam! Hoặc có người phát nguyện chóng nắm giữ chánh pháp, lại còn có người chẳng phát nguyện chóng nắm giữ nữa, cho nên Như Lai tùy theo sự nhanh hay chậm ấy mà trao lời ghi nhận cho người kia.

Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Đại Bồ-tát sẽ được quyến thuộc bất hoại?

Phật bảo Ca-diếp:

–Chăm chỉ tu tập phương tiện hộ trì chánh pháp, ấy là Đại Bồ-tát hùng mạnh trong loài người, là quyến thuộc bất hoại.

Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Những hạng chúng sinh nào không biết sáu mùi vị?

Phật bảo Ca-diếp:

–Không biết Ba ngôi báu tồn tại lâu bền từ đầu đến cuối, đó là những hạng chúng sinh không biết sáu mùi vị. Như người bị đớ miệng nên không biết sự sai khác của sáu mùi vị là ngọt, đắng, cay, chua, mặn, nhạt, hết thảy chúng sinh cũng như thế, họ ngu si không có trí, chẳng biết Ba ngôi báu là pháp trường tồn, cho nên gọi là người không biết mùi vị.

Lại nữa, này thiện nam! Những chúng sinh ấy chẳng biết Như Lai là pháp thường trụ, Ta nói hạng người này là mù bẩm sinh. Chúng sinh mắt thịt biết tính của Như Lai chính là thường trụ, Ta nói hạng người ấy tên là Thiên nhãn. Nếu có chúng sinh nghe Ma-ha-diễn mà có thể tin tưởng và ưa thích, Ta nói hạng người ấy cũng gọi là Thiên nhãn. Cho dù chúng sinh có thiên nhãn đi nữa, nhưng không biết Như Lai là pháp thường trụ, Ta nói hạng người này là nhục nhãn. Vì sao? Vì tính của Như Lai thường trụ chân thật, mà người kia không thể chăm chỉ tu tập.

Lại nữa, này thiện nam! Nên biết Như Lai vì tất cả chúng sinh mà làm cha mẹ. Vì sao? Vì Như Lai đều có thể hóa hiện đủ mọi thứ hình loại của tất cả chúng sinh, cùng chung cảnh giới với chúng sinh mà nói pháp cho họ. Như Lai dùng một âm thanh mà thuyết pháp, mọi loài khác nhau kia, mỗi loài đều tự hiểu được. Chúng khen ngợi: Quý hóa thay! Đức Như Lai dùng âm thanh của ta mà nói pháp.

Lại nữa, này thiện nam! Giống như người sinh ra đứa con mới mười sáu tháng, lời nói không đúng. Thế nhưng cha mẹ kia muốn dạy cho con tiếng nói của mình, thì trước tiên họ phải nói giống như âm thanh của con, rồi dần dần chỉ dạy cho con học. Nên biết, cha mẹ không phải thật sự không đúng. Chư Phật Như Lai cũng như thế, vì sự giáo hóa nên chư Phật cùng một hình loại, âm thanh và ngôn ngữ như họ, thế nhưng thực ra Như Lai ấy không giống với họ, mà là phương tiện thị hiện thuận theo thế gian.