KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN
Hán dịch: Căn cứ vào bản dịch của Tam tạng Pháp sư Đàm Vô Sấm, đời Tống
Sa-môn Tuệ Nghiêm, Tuệ Quán và Cư sĩ Tạ Linh Vận sửa lại
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN IX
Phẩm 15: NGUYỆT DỤ
Đức Phật bảo Ca-diếp:
–Ví như có người thấy trăng chẳng hiện thì nói rằng trăng lặn, mà tưởng là mất. Nhưng tánh của trăng này thật ra không lặn mất mà chuyển đi hiện ở nơi khác. Chúng sinh ở nơi trăng hiện đến lại gọi là trăng mọc nhưng tánh của trăng này thật không có mọc. Vì sao? Vì do núi Tu-di ngăn chận nên chẳng hiện. Trăng ấy, tánh thường sinh không có mọc ra hay lặn mất. Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri cũng như vậy, xuất hiện ở cõi đại thiên thế giới, hoặc ở cõi Diêm-phù-đề thị hiện có cha mẹ, chúng sinh đều gọi là sinh ở cõi Diêm-phù-đề. Hoặc ở cõi Diêm-phù-đề thị hiện Niết-bàn mà tánh của Như Lai thật ra không có Niết-bàn, nhưng các chúng sinh đều gọi là Như Lai thật sự nhập Niếtbàn, ví như vầng trăng lặn mất. Này thiện nam! Tánh của Như Lai thật không sinh diệt nhưng vì hóa độ chúng sinh nên thị hiện có sinh diệt. Này thiện nam! Như ở đây trăng tròn đầy mà phương khác thấy một nửa, ở đây trăng xuất hiện đầu tiên thì đều gọi là ngày mồng một, khởi lên ý tưởng đầu tháng. Nếu họ thấy trăng tròn đầy thì đều gọi là ngày mười lăm, sinh ra tưởng tròn đầy thật ra tánh của trăng này không có vơi, đầy mà do núi Tu-di nên có tăng giảm. Này thiện nam! Như Lai cũng vậy, ở cõi Diêm-phù-đề, hoặc hiện mới sinh, hoặc hiện Niết-bàn. Khi hiện thai sinh thì giống như trăng non đầu tháng, tất cả đều gọi là đồng tử. Mới sinh đi bảy bước như trăng ngày mồng hai, hoặc lại thị hiện vào thư đường thì như trăng ngày mồng ba, hoặc thị hiện xuất gia như trăng ngày mồng tám. Phóng ra ánh sáng đại trí tuệ vi diệu có thể phá vô lượng chúng ma của chúng sinh như trăng tròn đầy của ngày mười lăm. Hoặc lại thị hiện ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp để
tự trang nghiêm mà hiện Niết-bàn thì ví như nguyệt thực. Như vậy sự nhìn thấy của chúng sinh chẳng đồng, hoặc thấy nửa trăng, hoặc thấy trăng tròn, hoặc thấy nguyệt thực mà tánh của trăng này thật không tăng giảm, xâm thực luôn luôn là trăng tròn đầy. Thân Như Lai cũng như vậy. Vậy nên gọi là thường trụ bất biến. Lại nữa, này thiện nam! Ví như trăng tròn đầy thì tất cả đều hiện. Ở tại khắp nơi, thành ấp, xóm làng, núi đầm, trong nước, hoặc giếng, hoặc ao và những đồ đựng nước tất cả đều hiện. Có các chúng sinh đi một trăm do-tuần, trăm ngàn dotuần, thấy trăng luôn đi theo. Người phàm phu ngu si phát sinh vọng tưởng rằng: “Ta vốn ở nhà tại thành ấp đó, thấy trăng như vậy. Nay lại ở đầm trống này cũng thấy trăng nưã . Đó là trăng cũ hay là trăng khác? Họ đều nghĩ tưởng về hình dạng trăng lớn, nhỏ. Hoặc nói như miệng chậu, hoặc nói như bánh xe, hoặc nói bằng bốn mươi chín do-tuần. Tất cả đều thấy ánh sáng của trăng, hoặc thấy tròn trịa giống như cái mâm vàng, tánh của trăng đó là một mà đủ loại chúng sinh đều thấy hình tướng khác. Này thiện nam! Như Lai cũng vậy, xuất hiện ở đời, hoặc có người, trời nghĩ: “Như Lai nay trụ ở trước ta”. Hoặc có người câm điếc cũng thấy Như Lai có tướng câm điếc. Chúng sinh đủ loại, ngôn ngữ khác nhau mà đều cho là Như Lai đồng ngôn ngữ với mình, cũng đều sinh ra ý nghĩ là ở tại nhà cửa của mình, nhận sự cúng dường của mình. Hoặc có chúng sinh thấy thân Như Lai to lớn không lường, hoặc thấy nhỏ xíu. Hoặc có người thấy Phật là hình dáng Thanh văn. Hoặc lại có người thấy là hình dáng Duyên giác. Có những ngoại đạo lại nghĩ rằng: “Đức Như Lai nay ở trong pháp của ta xuất gia học đạo”. Hoặc có chúng sinh lại nghĩ: “Đức Như Lai nay riêng vì một mình ta nên xuất hiện ở đời”. Thật tánh của Như Lai ví như vầng trăng kia, tức là thân pháp, là thân vô sinh, thân phương tiện thuận theo đời mà thị hiện vô lượng nhân duyên nghiệp dụng. Ở tại khắp nơi Như Lai thị hiện có sinh giống như vầng trăng kia. Do ý nghĩa này nên Như Lai thường trụ không có biến đổi. Lại nữa, này thiện nam! Như vua A-tu-la La-hầu-la dùng tay ngăn che mặt trăng mà những người thế gian đều gọi là nguyệt thực. Vua A-tu-la thật ra chẳng thể nuốt mặt trăng mà vua A-tu-la chỉ ngăn che ánh sáng của vầng trăng ấy nên vầng trăng này vẫn trọn trịa không có khuyết tổn. Chỉ dùng tay ngăn che nên khiến cho không thấy, nếu khi vén tay lên thì thế gian đều gọi là trăng mọc trở lại, và đều nói rằng, trăng đó chịu nhiều khổ não. Nhưng giả sử có hàng trăm ngàn vua A-tu-la cũng chẳng thể não hại được trăng đó. Như Lai cũng vậy, thị hiện có chúng sinh đối với Như Lai, đã sinh lòng thô ác, làm chảy máu thân Phật, khởi lên tội ngũ nghịch cho đến Nhất-xiển-đề. Vì chúng sinh đời vị lai nên thị hiện sự phá hoại Tăng, đoạn diệt pháp như vậy mà tạo tác chướng nạn. Giả sử vô lượng trăm ngàn ma chẳng thể xâm phạm làm chảy máu thân Đức Như Lai. Vì sao? Vì thân Như Lai không có máu thịt, gân, mạch, xương, tủy, Như Lai chân thật không có não hại. Chúng sinh đều cho là Pháp, Tăng hủy hoại, Như Lai diệt tận mà tánh của Như Lai chân thật, không biến dịch, không bị phá hoại. Như Lai thuận theo thế gian mà thị hiện như vậy thôi. Lại nữa, này thiện nam! Như hai người đánh nhau. Hoặc dùng dao, gậy đả thương thân chảy máu, tuy gần chết nhưng chẳng khởi lên tư tưởng sát hại. Nghiệp tướng như vậy nhẹ chứ chẳng nặng. Đối với Như Lai, vốn không có lòng sát hại nên tuy làm thân chảy máu nhưng nghiệp đó cũng vậy, nhẹ chứ chẳng nặng. Như Lai cũng vậy, vào đời vị lai, vì hóa độ chúng sinh nên thị hiện nghiệp báo. Lại nữa, này thiện nam! Giống như vị lương y siêng dạy bảo con mình về căn bản của y phương: “Đây là thuốc rễ, đây là thuốc thân, đây là thuốc màu sắc, đủ thứ tướng mạo của thuốc, con phải biết rành”. Người con ấy kính vâng sự dạy bảo của cha, tinh cần học tập, giỏi biết các thứ thuốc. Thời gian sau vị lương y đó thọ tận mạng chung, người con ấy gào khóc luyến mộ mà nói: “Cha vốn dạy con thuốc rễ như vầy, thuốc thân như vầy, thuốc hoa như vầy, sắc tướng như vầy”. Như Lai cũng vậy, vì hóa độ chúng sinh, thị hiện chế ra giới luật: cần phải như vầy mà thọ trì chớ phạm phải tội ngũ nghịch, bài báng chánh pháp đưa đến Nhất-xiển-đề, vì đời vị lai sẽ khởi lên những việc đó nên Ta thị hiện ra, muốn khiến cho Tỳkheo, sau khi Phật diệt độ nên tạo ra sự hiểu biết như vậy. Đây là nghĩa sâu xa của khế kinh. Đây là tướng khinh, trọng của giới luật. Đây là pháp cú phân biệt A-tỳ-đàm giống như con của vị lương y kia.
Lại nữa, này thiện nam! Như người thấy trăng sáu tháng một lần nguyệt thực mà trên chư Thiên thì trong giây lát đã thấy nguyệt thực. Vì sao? Vì ngày của trời dài, của nhân gian ngắn. Này thiện nam! Như Lai cũng vậy, hàng trời, người đều cho là Như Lai thọ mạng ngắn như người trời kia, trong giây lát đều thấy nguyệt thực. Như Lai lại ở trong giây lát, thị hiện trăm ngàn vạn ức lần Niết-bàn, đoạn trừ ma phiền não, ma ấm, ma chết. Vậy nên trăm ngàn vạn ức thiên ma đều biết Như Lai vào Niết-bàn. Lại nữa, Như Lai thị hiện vô lượng trăm ngàn nhân duyên nghiệp đời trước, thuận theo đủ tánh của thế gian. Như Lai đã thị hiện vô lượng vô biên, chẳng thể nghĩ bàn như vậy. Vậy nên Như Lai thường trụ không biến dịch. Lại nữa, này thiện nam! Ví như trăng sáng chúng sinh ưa nhìn. Nên xưng hiệu của trăng là Nhạo Kiến. Chúng sinh nếu có tham dục, sân hận, ngu si thì chẳng được xưng là Nhạo Kiến. Như Lai cũng vậy, tánh của Như Lai thuần thiện, thanh tịnh, không cấu bẩn, nên rất đáng xưng là Nhạo Kiến. Chúng sinh ưa pháp nhìn Như Lai không chán, còn người có tâm ác chẳng ưa nhìn Như Lai. Do ý nghĩa đó nên nói Như Lai ví như trăng sáng. Lại nữa, này thiện nam! Ví như mặt trời mọc có ba thời kỳ khác. Đó là mùa xuân, mùa hạ và mùa đông. Ngày mùa đông thì ngắn, ngày mùa xuân thì trung bình, còn ngày mùa hạ thì rất dài. Như Lai cũng vậy, ở trong ba ngàn đại thiên thế giới này vì người thọ mạng ngắn ngủi và vì các Thanh văn mà thị hiện thọ mạng ngắn ngủi. Mọi người thấy thế rồi đều cho là thọ mạng của Như Lai ngắn ngủi ví như ngày mùa đông. Phật vì các vị Bồ-tát thị hiện thọ mạng trung bình, hoặc đến một kiếp hay non một kiếp ví như ngày của mùa xuân, chỉ có Phật thấy thọ mạng của Phật là vô lượng, ví như ngày của mùa hạ. Này thiện nam! Như Lai đã nói giáo pháp vi mật Phương Đẳng Đại Thừa, thị hiện ở thế gian, tuôn mưa pháp lớn. Vào đời vị lai, nếu có người có thể hộ trì kinh điển đó mà khai thị, phân biệt, tạo lợi ích cho chúng sinh thì phải biết hạng người đó là những Bồ-tát chân thật, ví như vào mùa hạ lúc qua nóng bức, trời tuôn mưa cam lồ. Nếu có hàng Thanh văn, Duyên giác nghe giáo lý vi mật của Phật Như Lai thì ví như ngày mùa đông gặp nhiều lạnh lẽo. Hàng Bồ-tát, nếu nghe lời dạy bảo vi mật là Như Lai thường trụ, tánh không biến dịch như vậy là ví như ngày mùa xuân, mầm chồi nảy nở. Nhưng mà tánh Như Lai thật sự không có dài ngắn, vì thế gian nên thị hiện như vậy. Đó tức là pháp tánh chân thật của các Đức Phật. Lại nữa, này thiện nam! Ví như mọi vì sao, ban ngày thì chẳng hiện mà mọi người đều cho là ban ngày sao diệt mất, nhưng kỳ thật chẳng mất mà sở dĩ chẳng hiện là vì ánh sáng của mặt trời làm lòa đi. Như Lai cũng vậy, Thanh văn, Duyên giác chẳng thể thấy được, giống như người đời chẳng thấy sao vào ban ngày. Lại nữa, này thiện nam! Ví như trong bóng tối không thấy mặt trời, mặt trăng. Người ngu nói rằng mặt trời, mặt trăng mất tiêu, mà thật ra mặt trời, mặt trăng đó không mất. Khi chánh pháp của Như Lai diệt tận, Tam bảo biến mất cũng như vậy, chẳng phải diệt mất vĩnh viễn. Vậy nên phải biết là Như Lai thường trụ, không có biến dịch. Vì sao? Vì chân tánh của Tam bảo chẳng sợ bị sự ô nhiễm của những cấu bẩn.
Lại nữa, này thiện nam! Ví như đêm không trăng, sao chổi xuất hiện. Ánh sáng của sao ấy sáng chói, xuất hiện chốc lát lại biến mất. Chúng sinh thấy sao ấy rồi sinh tư tưởng chẳng tốt đẹp. Các Phật-bíchchi cũng như vậy, xuất hiện ở đời không có Phật, chúng sinh thấy rồi đều cho là Như Lai chân thật. Sau khi những vị ấy diệt họ đều sinh tư tưởng ưu bi, mà thân Như Lai thật chẳng diệt độ, như mặt trời, mặt trăng kia không có diệt mất.
Lại nữa, này thiện nam! Ví như mặt trời mọc thì mọi sương mù đều tan. Kinh điển Đại Niết-bàn vi diệu này cũng như vậy, xuất hiện ở đời, nếu có chúng sinh một lần nghe kinh rồi có thể diệt trừ hết tất cả những tội nghiệp ác vô gián. Cảnh giới thâm diệu của Đại Niết-bàn đó chẳng thể nghĩ bàn, khéo nói tánh vi mật của Như Lai. Do ý nghĩa đó nên các thiện nam, thiện nữ v.v… đối với Như Lai sinh tâm thường trụ, không có biến dịch, chánh pháp chẳng đoạn, Tăng bảo chẳng diệt. Vậy nên cần phải tu nhiều phương tiện, siêng học kinh điển đó thì người này chẳng bao lâu sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vậy nên kinh này gọi là sự thành tựu của vô lượng công đức, cũng gọi là Bồ-đề chẳng thể cùng tận. Do chẳng cùng tận nên được xưng là Đại Bát-biết-bàn, có ánh sáng thiện nên giống như ngày mùa hạ, thân vô biên nên gọi là Đại Niết-bàn.