SỐ 228
KINH PHẬT MẪU XUẤT SINH TAM PHÁP TẠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
Dịch Phạn ra Hán: Đời Triệu Tống, Tam tạng Pháp sư Thi Hộ
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 13

Phẩm 13: KHÔNG THỂ NGHĨ BÀN

Bấy giờ, Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa này tối thượng sâu xa. Vì đại nhân duyên nên xuất hiện, là việc không thể nghĩ bàn, không thể nói, không thể lường, không thể tính, không gì sánh bằng.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đúng vậy, đúng vậy! Pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa này là tối thượng rất sâu xa, vì là đại nhân duyên nên mới xuất hiện, là việc không thể nghĩ bàn, không thể nói, không thể lường, không thể tính, không gì sánh bằng.

Này Tu-bồ-đề! Vì việc không thể nghĩ bàn gì mà xuất hiện? Vì pháp Như Lai, pháp Phật, pháp Tự nhiên trí, pháp Nhất thiết trí. Các pháp như vậy không thể nghĩ bàn, chẳng phải tâm, chẳng phải tâm sở pháp mà có thể thay đổi. Trong đó không có phân biệt cho nên pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa là việc không thể nghĩ bàn mà xuất hiện.

Này Tu-bồ-đề! Vì pháp không thể nói nào mà xuất hiện ở thế gian? Vì pháp Như Lai, pháp Phật, pháp Tự nhiên trí, pháp Nhất thiết trí. Các pháp như vậy chẳng phải chỗ tâm nêu ra được, cho nên pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa vì việc không thể nêu ra ấy mới xuất hiện trong thế gian.

Này Tu-bồ-đề! Vì việc không thể lường gì mà xuất hiện trong thế gian? Vì pháp Như Lai, pháp Phật, pháp Tự nhiên trí, pháp Nhất thiết trí. Các pháp như vậy vượt qua các sự so lường không có hạn lượng, cho nên pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa vì việc không thể lường này mới xuất hiện trong thế gian.

Này Tu-bồ-đề! Vì việc không thể tính đếm gì mà xuất hiện trong thế gian? Vì pháp Như Lai, pháp Phật, pháp Tự nhiên trí, pháp Nhất thiết trí. Các pháp như vậy không thể nghĩ bàn, phi tâm, pháp phi tâm số trong chúng hội không có phân biệt, cho nên pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa vì việc không thể nghĩ bàn ấy mà xuất hiện trong thế gian.

Này Tu-bồ-đề! Vì việc không gì sánh bằng gì mà xuất hiện trong thế gian? Vì pháp Như Lai, pháp Phật, pháp Tự nhiên trí, pháp Nhất thiết trí. Các pháp như vậy không có pháp ngang bằng, huống gì là vượt hơn, cho nên pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa vì không gì sánh bằng mới xuất hiện trong thế gian.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu pháp Như Lai, pháp Phật, pháp Tự nhiên trí, pháp Nhất thiết trí, các pháp như vậy không thể nghĩ bàn, không thể nói, không thể lường, không thể tính, không gì sánh bằng. Sắc kia cũng không thể nghĩ bàn, không thể nói, không thể lường, không thể tính, không gì sánh bằng; thọ, tưởng, hành, thức cũng không thể nghĩ bàn, không thể nói, không thể lường, không thể tính, không gì sánh bằng chăng?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đúng vậy, đúng vậy, này Tu-bồ-đề! Sắc không thể nghĩ bàn, không thể nói, không thể lường, không thể tính, không gì sánh bằng; thọ, tưởng, hành, thức cũng không thể nghĩ bàn, không thể nói, không thể lường, không thể tính, không gì sánh bằng; cho đến tất cả các pháp cũng không thể nghĩ bàn, không thể nói, không thể lường, không thể tính, không gì sánh bằng. Vì sao? Vì sắc ở trong pháp tánh không có tâm và tâm sở pháp; thọ, tưởng, hành, thức ở trong pháp tánh cũng không có tâm và tâm sở pháp; cho đến tất cả các pháp trong pháp tánh cũng không có tâm và tâm sở pháp. Tu-bồ-đề! Sắc, thọ, tưởng, hành, thức ở trong pháp tánh không có tâm và tâm sở pháp nên không thể nghĩ bàn, không thể nói, cho đến tất cả pháp cũng không thể nghĩ bàn, cũng không thể nói.

Này Tu-bồ-đề! Sắc, thọ, tưởng, hành, thức không thể lường cho đến tất cả các pháp cũng không thể lường. Vì sao sắc, thọ, tưởng, hành, thức không thể lường? Cho đến tất cả pháp không thể lường? Vì không thể được nên sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến tất cả pháp không có tạo tác. Do không tạo tác nên sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến tất cả pháp không sinh. Vì không sinh nên sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến tất cả pháp không không thể lường.

Này Tu-bồ-đề! Do sắc, thọ, tưởng, hành, thức không thể tính cho đến tất cả pháp cũng không thể tính. Vì sao? Vì vượt qua số đếm.

Tu-bồ-đề! Do sắc, thọ, tưởng, hành, thức không gì sánh bằng cho đến tất cả pháp cũng không gì sánh bằng. Vì sao? Vì như hư không bình đẳng, tất cả pháp cũng vậy.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Hư không có tâm và tâm sở pháp không?

Tu-bồ-đề đáp:

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Tất cả pháp kia cũng lại như vậy. Hư không không thể nghĩ bàn, tất cả các pháp cũng không thể nghĩ bàn. Hư không không thể nói, tất cả các pháp cũng không thể nói. Hư không không thể lường, tất cả các pháp cũng không thể lường. Hư không không thể tính đếm, tất cả các pháp cũng không thể tính đếm. Hư không không gì sánh bằng, tất cả các pháp cũng không gì sánh bằng. Cho nên các pháp lìa các phân biệt, nếu phân biệt đều là do nghiệp thức.

Này Tu-bồ-đề! Trừ diệt các sự so lường tính toán gọi là không thể nghĩ bàn, chẳng phải chỗ nói được gọi là không thể nói; không có lường gọi là không thể lường, vượt qua sự tính đếm gọi là không thể tính, như hư không nên gọi không gì sánh bằng. Do đó nên biết pháp Như Lai, pháp Phật, pháp Tự nhiên trí, pháp Nhất thiết trí cho đến tất cả các pháp đều như hư không, không thể nghĩ bàn, không thể nói được, không thể lường, không thể đếm, không gì sánh bằng.

Khi Phật nói pháp môn không thể nghĩ bàn, cho đến không gì sánh bằng này. Trong chúng hội có năm trăm Bí-sô và hai mươi Bísô-ni không còn dính mắc các pháp, dứt sạch các lậu, tâm được giải thoát, sáu mươi Ưu-bà-tắc, ba mươi Ưu-bà-di xa lìa trần cấu được Pháp nhãn thanh tịnh, ở trước Phật đều được thọ ký, hai mươi Bồ-tát đều chứng pháp Nhẫn vô sinh, các Bồ-tát ấy ở trong Hiền kiếp sẽ được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Bấy giờ, Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa tối thượng rất sâu xa, trước đấy Thế Tôn nói vì nguyên nhân lớn nên xuất hiện, vậy tướng ấy thế nào?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Ông nên biết, pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa vì nhân duyên lớn nên mới xuất hiện. Vì pháp Phật, pháp Duyên giác, pháp Thanh văn đều ở trong Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Này Tu-bồ-đề! Ví như trong thế gian vương tử dòng Sát-đế-lợi sau khi được quán đảnh thì ở quả vị vua, các việc của vua như việc nước, thành ấp, muôn dân… đều giao phó cho đại thần, sau khi nhận rồi các đại thần thống lĩnh thi hành. Pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng lại như vậy. Vì pháp Phật, pháp Duyên giác, pháp Thanh văn đều ở trong Bát-nhã ba-la-mật-đa, Bát-nhã ba-la-mật-đa bao quát các pháp. Như vậy các pháp gọi là việc lớn. Cho nên Bát-nhã ba-la-mậtđa vì việc lớn này nên mới xuất hiện trong thế gian.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa không thọ nhận và dính mắc sắc nên mới xuất hiện; không thọ nhận, không dính mắc thọ, tưởng, hành, thức nên mới xuất hiện; không thọ nhận, không dính mắc quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán nên mới xuất hiện; không thọ nhận, không dính mắc quả Duyên giác và Nhất thiết trí nên mới xuất hiện.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Vì sao Bát-nhã ba-la-mật-đa không thọ nhận, không dính mắc Nhất thiết trí mà xuất hiện?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Ý ông nghĩ sao? Ông đã chứng đắc pháp A-la-hán, đối với pháp ấy, ông có thể thấy có thọ nhận và dính mắc không?

Tu-bồ-đề đáp:

–Bạch Đức Thế Tôn, không! Pháp con chứng đắc trong ấy con không thấy có, cũng không thọ nhận và không dính mắc.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng lại như vậy. Pháp Như Lai cho đến pháp Nhất thiết trí, trong các pháp ấy không chỗ thấy, không thọ nhận và không dính mắc. Vì thế, Bát-nhã ba-la-mật-đa không thọ nhận và không dính mắc Nhất thiết trí nên mới xuất hiện.

Khi ấy, Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Như lời Thế Tôn nói thì Bát-nhã ba-lamật-đa không thọ nhận, không dính mắc là pháp tối thượng, rất sâu xa, hiếm có, khó được. Vậy thì Đại Bồ-tát mới an trụ vào Đại thừa, nếu nghe lời này mà tâm không kinh sợ cũng không thoái chí, lại tin hiểu thì biết Bồ-tát đó có đầy đủ chánh nhân. Vì đã từng gieo trồng thiện căn ở các Đức Phật trước cho nên ngày nay nghe pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa này không những không có tâm kinh sợ mà còn tin hiểu.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đúng vậy, đúng vậy, như lời ông nói!

Lúc ấy, các Thiên tử ở cõi Sắc và cõi Dục bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Chánh pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa là tối thượng, rất sâu xa, khó hiểu, khó vào. Nếu người nghe được chánh pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa này mà sinh lòng tin hiểu, nên biết người ấy đã từng gieo trồng thiện căn với các Đức Phật trước.

Bạch Đức Thế Tôn! Giả sử chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới đều đã an trụ vào quả vị tín, hạnh. Các chúng sinh ấy như lý tu hành trọn trong một kiếp hoặc ít hơn một kiếp, thì không bằng có người chỉ trong một ngày đối với chánh pháp Bát-nhã ba-lamật-đa như lý tư duy mà an trụ vào pháp nhẫn, công đức người này hơn gấp bội công đức của các chúng sinh kia.

Phật bảo các Thiên tử:

–Đúng vậy, đúng vậy! Chánh pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa tối thượng, rất sâu xa. Giả sử chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới đều đã an trụ vào quả vị tín, hạnh. Các chúng sinh ấy như lý tu hành trọn trong một kiếp hoặc ít hơn một kiếp, thì không bằng có người như lý tư duy mà an trụ vào pháp nhẫn, công đức người này hơn gấp bội công đức của các chúng sinh kia. Vì vậy các ông đối với chánh pháp này phải tôn trọng cung kính như lý tu hành.

Các Thiên tử bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa là Bát-nhã bala-mật-đa tối thượng, rất sâu xa, hiếm có, khó được. Chúng con đều tùy hỷ cung kính thọ trì.

Các Thiên tử khen ngợi như vậy rồi đảnh lễ sát chân Phật đi quanh bên phải ba vòng, rồi từ giã. Đi cách chúng hội không xa họ liền biến mất mỗi một đều về cõi trời của mình.