SỐ 228
KINH PHẬT MẪU XUẤT SINH TAM PHÁP TẠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
Dịch Phạn ra Hán: Đời Triệu Tống, Tam tạng Pháp sư Thi Hộ
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 14

Phẩm 14: THÍ DỤ

Bấy giờ, Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát nghe chánh pháp Bátnhã ba-la-mật-đa sâu xa mà tâm không kinh sợ, không thoái chí, không nghi ngại, không do dự, không hối hận, không bỏ qua và tin hiểu thì Bồ-tát này từ cõi nào mà sinh đến đây?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Nếu Đại Bồ-tát nghe chánh pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa mà tâm không kinh sợ, không thoái chí, không nghi ngại, không do dự, không hối hận, không bỏ qua thì Bồ-tát này từ trong hạng người tối thượng mà sinh đến đây, lại được nghe chánh pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, thích nghe ghi nhớ và luôn gần gũi Pháp sư, như trâu nghé không rời xa mẹ. Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát cũng lại như vậy. Đối với chánh pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tin hiểu chắc chắn ưa thích, nghe nhận và luôn gần gũi Pháp sư. Vì không xa rời vị Pháp sư nên không bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có Đại Bồ-tát đầy đủ công đức như vậy có phải vị Bồ-tát ấy từ cõi Phật ở phương khác mất rồi liền sinh đến cõi này không?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đúng vậy, đúng vậy! Nếu có Đại Bồ-tát đầy đủ công đức như vậy. Nên biết Bồ-tát ấy ở các cõi Phật nơi phương khác, cung kính, nghe nhận pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, lại thưa hỏi nghĩa

lý trong ấy và từ cõi kia sinh đến cõi này, vì nhân duyên đó, nay khi được nghe chánh pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, được công đức cũng lại như vậy.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Có các Bồ-tát ở cõi trời Tri túc chỗ của Đại Bồ-tát Từ Thị nghe chánh pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, không còn nghi ngại, lại ở trong pháp ấy thưa hỏi nghĩa lý. Do nhân duyên này, từ cõi kia mà sinh đến đây, khi được nghe chánh pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này cũng lại đầy đủ công đức như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Nếu có Đại Bồ-tát tuy đời trước đã từng nghe pháp sâu xa này nhưng không thưa hỏi như thật nghĩa lý ấy, tâm còn nghi ngờ. Nên biết Bồ-tát này chuyển thân sinh đến đây, nếu được nghe chánh pháp sâu xa này thì tâm vẫn còn nghi ngờ. Vì sao? Vì đời trước không thưa hỏi đến chỗ tột cùng nghĩa lý ấy.

Này Tu-bồ-đề! Nếu có Đại Bồ-tát trong đời trước khi nghe chánh pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, từ một đến năm ngày có thể sinh lòng tin thanh tịnh, thưa hỏi nghĩa lý ấy. Bồ-tát này khi chuyển thân sinh đến đây, nghe chánh pháp này liền tin hiểu không còn nghi ngờ, lại cũng trong ấy mà thưa hỏi nghĩa lý. Vì sao? Vì pháp là như thế.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Nếu có Bồ-tát trong đời trước khi nghe chánh pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nhưng không thưa hỏi nghĩa lý cũng không thể theo lời dạy mà thực hành. Cho nên bấy giờ có khi thích nghe, khi không thích nghe. Vì tâm dễ dao động nên không thể quyết định giống như tấm vải mịn nhẹ thì bay theo gió. Tu-bồ-đề! Nên biết Bồ-tát này mới trụ vào pháp Đại thừa, tâm chưa thanh tịnh, không thể phát sinh sự tin hiểu chắc chắn, không gìn giữ Bát-nhã ba-la-mật-đa, không thực hành theo Bát-nhã ba-la-mật-đa, cho nên rơi vào trong quả vị Thanh văn hay Duyên giác.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Ví như có người đi thuyền vào biển bỗng nhiên thuyền bị vỡ, người ấy không nắm được phao hoặc khúc cây hay miếng ván… nên biết người ấy sẽ bị chết chìm. Do đó không thể đến được bờ bên kia.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát cũng lại như vậy. Đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác có tin nhận, có ưa thích mong cầu, có hiểu biết thực hành, có hỷ lạc, có xả ly, có tinh tấn, có tâm tôn trọng sâu xa, tâm thanh tịnh xa lìa phóng dật, không tán loạn, tuy đầy đủ công đức như vậy, nhưng không có Bát-nhã ba-la-mật-đa, phương tiện thiện xảo giữ gìn, thì Bồ-tát ấy không thể thành tựu quả vị Nhất thiết trí, nửa đường sẽ bị thoái chí. Tu-bồ-đề! Vì sao gọi là nửa đường? Lại thoái chí pháp gì? Nữa đường ấy là quả vị Thanh văn, Duyên giác và pháp thoái chí đó là quả vị Nhất thiết trí.

Này Tu-bồ-đề! Lại như có người đi thuyền vào biển, trên đường đi bỗng nhiên thuyền bị vỡ, người ấy liền nắm được phao hoặc khúc cây hay miếng ván… nên biết người ấy thoát khỏi nạn, không bị chết chìm, được yên ổn đến bờ kia.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát cũng lại như vậy. Đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác có tin nhận, có ưa thích mong cầu, có hiểu biết thực hành, có hỷ lạc, có xả ly, có tinh tấn, có tâm tôn trọng sâu xa, tâm thanh tịnh xa lìa phóng dật, không tán loạn, đầy đủ công đức như vậy, rồi còn được Bát-nhã ba-la-mật-đa, phương tiện thiện xảo giữ gìn, thì Bồ-tát ấy nửa đường không thoái chí, không rơi vào quả vị Thanh văn, Duyên giác, có thể thành tựu quả vị Nhất thiết trí.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Ví như có người cầm bình sành đến sông, ao, giếng hoặc suối để lấy nước, nửa đường đi không lâu thì bình ấy bị vỡ, do đó không lấy được nước. Vì sao? Vì bình nung chưa chín nên bị vỡ trở lại như đất.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát cũng lại như vậy. Đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác có tin nhận, có ưa thích mong cầu, có hiểu biết thực hành, có hỷ lạc, có xả ly, có tinh tấn, có tâm tôn trọng sâu xa, tâm thanh tịnh xa lìa phóng dật, không tán loạn, tuy đầy đủ công đức như vậy, nhưng không có Bát-nhã ba-la-mật-đa, phương tiện thiện xảo giữ gìn, nửa đường ấy sẽ bị thoái chí rơi vào quả vị Thanh văn, Duyên giác, không thể thành tựu quả vị Nhất thiết trí.

Tu-bồ-đề! Lại như có người cầm bình sành đến sông, ao, giếng hoặc suối muốn lấy nước, người ấy tùy theo chỗ đi đến lấy được nước đem về, bình ấy cứng chắc không bị phá vỡ. Vì sao? Vì bình ấy được nung chín.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát cũng lại như vậy. Đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác có tin nhận, có ưa thích mong cầu, có hiểu biết thực hành, có hỷ lạc, có xả ly, có tinh tấn, có tâm tôn trọng sâu xa, tâm thanh tịnh xa lìa phóng dật, không tán loạn, đầy đủ công đức như vậy, rồi còn được Bát-nhã ba-la-mật-đa, phương tiện thiện xảo giữ gìn, thì Bồ-tát ấy trong hành trình không thoái chí, không rơi vào quả vị Thanh văn, Duyên giác, được thành tựu quả vị Nhất thiết trí.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Như trong thế gian có những thương gia thiếu trí tuệ, đến bờ biển lấy một chiếc thuyền chở các của cải đi vào trong biển, đi chưa bao lâu thuyền ấy bị nước vào làm tan vỡ. Vì sao? Vì thuyền ấy làm không được kiên cố, các bộ phận của thuyền không được hoàn bị. Do các thương gia thiếu trí tuệ nên không biết, mới dùng chở bảo vật nữa đường thuyền đã vỡ tài sản lại tiêu tan. Các thương gia bấy giờ trở về với sự ưu buồn.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát cũng lại như vậy. Đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác có tin nhận, xa lìa phóng dật, tâm không tán loạn, tuy đầy đủ công đức như vậy, nhưng không có Bát-nhã ba-lamật-đa, phương tiện thiện xảo giữ gìn, thì nên biết Bồ-tát ấy nửa đường sẽ bị thoái chí. Tu-bồ-đề! Nửa đường tức là rơi vào quả vị Thanh văn hay Duyên giác, mất ở đây là mất bảo vật Nhất thiết trí, không thành tựu hạnh tự lợi và lợi tha.

Này Tu-bồ-đề! Lại như có các thương gia có trí tuệ đến bờ biển, tìm chiếc thuyền thật tốt, biết chiếc thuyền này làm kiên cố đầy đủ tiện nghi, các bộ phận đều hoàn bị mới dùng chở bảo vật vào biển. Thuyền ấy không bị trở ngại đi đến đích, tài vật cũng không bị mất mát. Vì sao? Vì thương gia kia có trí tuệ nên nửa đường không bị ưu buồn.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát cũng lại như vậy. Đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác có tin nhận, cho đến xa lìa phóng dật, tâm không tán loạn, đầy đủ công đức như vậy rồi, lại được Bát-nhã ba-lamật-đa, phương tiện thiện xảo giữ gìn, nên biết Bồ-tát này nửa đường không có thoái chí, không rơi vào quả vị Thanh văn hay Duyên giác, có thể thành tựu quả vị Nhất thiết trí.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Lại như trong thế gian có người già một trăm hai mươi tuổi bỗng một lúc bị các chứng bệnh phong, vàng da… do vậy chịu khổ trên giường. Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Nếu khi ấy không có người nâng đỡ thì người ấy có thể tự mình ngồi dậy được không?

Tu-bồ-đề bạch:

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Người ấy giả sử có thể ngồi dậy được cũng không thể đi một dặm hoặc hai dặm cho đến một do-tuần. Vì sao? Vì người ấy đã già lại còn bị bệnh gây khổ.

Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát cũng lại như vậy. Đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác có tin nhận, xa lìa phóng dật, tâm không tán loạn, tuy đầy đủ công đức như vậy, nhưng không có Bát-nhã ba-lamật-đa, phương tiện thiện xảo giữ gìn, nên biết Bồ-tát ấy nữa đường sẽ bị thoái chí, rơi vào quả vị Thanh văn hay Duyên giác, không thể thành tựu quả vị Nhất thiết trí.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Người già một trăm hai mươi tuổi kia tuy lại mang bệnh chịu khổ trên giường. Nhưng khi ấy có hai lực sĩ đến nói với ông ta: “Hai chúng tôi dìu ông hai bên và đưa đến nơi ông muốn, không nên sợ không đến nơi.” Nghe lời họ ông già đứng dậy, nhờ họ nên đi đến nơi.

Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát cũng lại như vậy. Đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác có tin nhận, xa lìa phóng dật, tâm không tán loạn, đầy đủ công đức như vậy, nên biết Bồ-tát ấy nửa đường không thoái chí, không rơi vào quả vị Thanh văn hay Duyên giác, có thể thành tựu quả vị Nhất thiết trí. Vì sao? Vì pháp là như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Nếu các Đại Bồ-tát đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, có lòng tin nhận, cho đến xa lìa phóng dật, tâm không tán loạn, đầy đủ công đức như thế rồi, lại được Bát-nhã ba-lamật-đa, phương tiện thiện xảo giữ gìn, nên biết Bồ-tát này quyết định không rơi vào quả vị Thanh văn hay Duyên giác, thành tựu quả vị Nhất thiết trí, đều đem công đức này hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.