SỐ 228
KINH PHẬT MẪU XUẤT SINH TAM PHÁP TẠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
Dịch Phạn ra Hán: Đời Triệu Tống, Tam tạng Pháp sư Thi Hộ
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 12-13

Phẩm 12: HIỂN BÀY THẾ GIAN

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Ví như người mẹ ở đời sinh và nuôi dưỡng các con hoặc một người, mười người, trăm người, ngàn người… thời gian sau bỗng nhiên người mẹ bệnh, nên các người con đều tìm cách để chữa trị. Họ nghĩ: “Làm cách nào để mẹ ta mau chóng xa lìa các sự khổ do bệnh phong đàm… để các căn mắt, tai, mũi, lưỡi và ý của mẹ ta được điều hòa an ổn, bằng cách nào để mẹ ta ăn uống được nhiều để có sức khỏe, thân thể cứng cáp lìa các sự khổ và được vui sướng, làm sao để mẹ ta trường thọ sống lâu ở đời. Vì sao? Vì ngày nay thân này của ta hiện hữu ở đời là từ mẹ ta sinh ra, nuôi rất khổ nhọc. Vì thế ân của mẹ rất sâu nặng.”

Này Tu-bồ-đề! Các Đức Như Lai Chánh Đẳng Giác hiện tại trong mười phương cũng lại như vậy, đều gia trì hộ niệm pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì thương tất cả chúng sinh trong thế gian và muốn cho họ thọ trì, đọc tụng pháp này. Nên các Đức Như Lai nghĩ: “Làm cách nào để chánh pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa tồn tại lâu dài ở đời, bằng cách nào để chánh pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa xa lìa sự hoại diệt, làm sao để chánh pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa được chúng sinh thọ trì, đọc tụng, giảng nói, lưu truyền rộng rãi trong thế gian mà các ma ác không tìm được chỗ sơ hở.”

Tu-bồ-đề! Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác trong tất cả thời bằng mọi cách khen ngợi, hộ niệm pháp môn Bát-nhã ba-lamật-đa. Vì sao? Vì pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa này là mẹ các Đức Phật, Nhất thiết trí của các Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác sinh ra từ pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa chân thật. Pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa lại là chỉ thị các Đức Phật và hiển bày các tướng thế gian. Các Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác ở quá khứ, vị lai đã được, sẽ được thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đều nhờ pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa và tất cả các Đức Như Lai, Chánh Đẳng Giác hiện tại ở vô lượng, vô số thế giới trong mười phương vì tất cả chúng sinh thuyết pháp, làm lợi ích, cũng nhờ pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa mà thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Tu-bồ-đề! Ông nên biết, ba đời các Đức Như Lai đều từ trong pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa mà đến, pháp Bát-nhã ba-la-mậtđa này hay sinh ra các Đức Như Lai, vì thế pháp Bát-nhã ba-la-mậtđa luôn chỉ thị các Đức Phật và thường hiển bày các tướng thế gian.

Khi ấy, Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Như lời Phật nói pháp Bát-nhã ba-lamật-đa hay hiển bày các tướng thế gian. Vậy thế nào là tướng thế gian? Xin Đức Thế Tôn vì chúng con chỉ dạy.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Năm ấm sắc, thọ, tưởng, hành, thức là tướng thế gian. Pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa hiển bày tướng như vậy.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Tại sao Bát-nhã ba-la-mật-đa chỉ thị pháp năm ấm là thế gian?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Ông nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa hiển bày tướng năm ấm hoại diệt mà không hoại diệt, tự tánh của năm ấm không tạo tác, không sinh diệt, không chỗ diệt. Vì sao? Vì tự tánh Không kia không tạo tác, không sinh diệt, không chỗ diệt. Vô tướng, Vô nguyện tự tánh cũng không tạo tác, không sinh diệt, không chỗ diệt. Tự tánh pháp giới cũng không tạo tác, không sinh diệt, không chỗ diệt. Năm ấm này cũng lại như vậy nên Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác nói Bát-nhã ba-la-mật-đa chỉ dạy tướng thế gian.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đức Như Lai từ trong Bát-nhã ba-la-mật-đa đến, nên biết như thật tánh của vô lượng, vô số chúng sinh. Tại sao Đức Như Lai biết như thật? Vì tự tánh của tất cả chúng sinh tức là tánh như thật, từ trong Bát-nhã ba-la-mật-đa sinh ra, Đức Như Lai cũng từ trong Bát-nhã ba-la-mật-đa sinh ra. Nên Như Lai tùy theo tánh vô lượng, vô số chúng sinh đều biết như thật. Bởi biết như thật tánh của chúng sinh nên tất cả tâm hành của vô lượng, vô số chúng sinh cũng biết như thật. Do hiểu rõ tâm hành vô lượng, vô số chúng sinh nên Phật nói Bát-nhã ba-la-mật-đa chỉ dạy tướng thế gian.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đức Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa nên biết như thật tâm thu phục, tâm loạn động của vô lượng, vô số chúng sinh. Vì sao Như Lai biết được tâm thu phục của chúng sinh? Vì Như Lai biết như thật sự hội hợp và ly tán ở trong pháp tánh, do biết như thật nên biết rõ nhiếp tâm chúng sinh. Vì thế Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa mà biết vô lượng, vô số chúng sinh với nhiếp tâm như vậy. Vì sao Như Lai biết được tâm tán loạn của chúng sinh? Vì Như Lai biết tâm vô tướng ở trong pháp tánh, tâm vô tướng tức là tâm không tận cũng không phải không tận. Nếu biết như thật tướng tận và không tận thì đó là biết rõ tâm loạn động của chúng sinh. cho nên Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa mà biết vô lượng, vô số chúng sinh tâm tán loạn như vậy.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa nên biết như thật tâm vô tận của vô lượng, vô số chúng sinh. Vì sao Như Lai biết tâm vô tận của chúng sinh? Này Tu-bồ-đề! Vì biết tâm không hoại diệt. Tâm không hoại diệt tức là tâm không sinh diệt, tâm không sinh diệt tức là tâm không nương, không trụ, không có tướng tận cùng giống như hư không rộng lớn không cùng tận. Tướng của tâm cũng vậy, cho nên Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-lamật-đa mà biết được tâm vô tận như vậy của vô lượng, vô số chúng sinh.

Này Tu-bồ-đề! Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa nên biết như thật các tâm nhiễm của vô lượng, vô số chúng sinh. Vì sao Như Lai biết tâm nhiễm của chúng sinh? Này Tu-bồ-đề! Vì Như Lai biết rõ tướng như thật của tâm nhiễm, tức là chẳng phải nhiễm, cho nên Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa mà biết vô lượng, vô số chúng sinh tâm nhiễm như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa nên biết như thật tâm lìa nhiễm của vô lượng, vô số chúng sinh. Vì sao Như Lai biết tâm lìa nhiễm của chúng sinh? Tu-bồ-đề! Vì Như Lai biết rõ tự tánh của tâm nhiễm, tức là tâm xa lìa nhiễm mà không lìa tướng tâm nhiễm. Cho nên Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa mà biết được vô lượng, vô số chúng sinh tâm lìa nhiễm như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa nên biết như thật các tâm năng duyên của vô lượng, vô số chúng sinh. Vì sao Như Lai biết được tâm năng duyên của vô lượng, vô số chúng sinh? Tu-bồ-đề! Vì Như Lai biết rõ A-lại-da và các tâm năng duyên không có tướng tâm năng duyên. Cho nên Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-lamật-đa mà biết được vô lượng, vô số chúng sinh tâm năng duyên như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa nên biết như thật các tâm năng thủ của vô lượng, vô số chúng sinh. Vì sao Như Lai biết được tâm năng thủ của vô lượng, vô số chúng sinh? Tubồ-đề! Vì Như Lai biết rõ không có tướng bị nắm giữ lìa tướng nắm giữ, tức là không thể nắm giữ. Cho nên Như Lai nhờ vào Bát-nhã bala-mật-đa mà biết được vô lượng, vô số chúng sinh tâm năng thủ như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa nên biết như thật các tâm hữu lậu của vô lượng, vô số chúng sinh. Vì sao Như Lai biết được tâm hữu lậu của chúng sinh? Tu-bồ-đề! Vì Như Lai biết rõ tâm không có tự tánh, không tự tánh tức là không có phân biệt. Cho nên Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa mà biết được vô lượng, vô số chúng sinh tâm hữu lậu như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa nên biết như thật các tâm vô lậu của vô lượng, vô số chúng sinh. Vì sao Như Lai biết được tâm vô lậu của chúng sinh? Tu-bồ-đề! Vì Như Lai biết rõ tâm không có tự tánh, tức là chẳng phải tâm phân biệt. Cho nên Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa mà biết được vô lượng, vô số chúng sinh tâm vô lậu như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa nên biết như thật tâm tham của vô lượng, vô số chúng sinh. Vì sao Như Lai biết được tâm tham của chúng sinh? Tu-bồ-đề! Vì Như Lai biết trụ vào tham tức là không như thật, tâm như thật tức không trụ vào tham, nhưng trong pháp bình đẳng không có tâm tham thì có thể được. Cho nên Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa mà biết được vô lượng, vô số chúng sinh tâm sân hận như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa nên biết tâm lìa tham của vô lượng, vô số chúng sinh. Vì sao Như Lai biết được tâm lìa tham của chúng sinh? Tu-bồ-đề! Vì Như Lai biết tướng như thật của tâm tham hoặc ly tham đều không thể được, vì không thể được nên không lìa tướng tâm tham. Cho nên Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa mà biết được vô lượng, vô số chúng sinh tâm lìa tham như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa nên biết như thật tâm sân hận của vô lượng, vô số chúng sinh. Vì sao Như Lai biết được tâm sân hận của chúng sinh? Tu-bồ-đề! Vì Như Lai biết tâm ở trong vắng lặng thì lìa tướng trói buộc không có các phân biệt. Cho nên Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa mà biết được vô lượng, vô số chúng sinh tâm tham như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa nên biết như thật tâm xa lìa sân hận của vô lượng, vô số chúng sinh. Vì sao Như Lai biết tâm xa lìa sân hận của chúng sinh? Tu-bồ-đề! Vì Như Lai biết tâm và pháp không phải hai, từ trong chân thật mà sinh ra. Cho nên Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa mà biết được vô lượng, vô số chúng sinh tâm lìa sân hận như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa nên biết như thật tâm si của vô lượng, vô số chúng sinh. Vì sao Như Lai biết được tâm si của chúng sinh? Tu-bồ-đề! Vì Như Lai biết, nếu tâm ở trong si thì tâm không như thật. Nêu tâm như thật thì không ở trong si. Cho nên Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa mà biết được vô lượng, vô số chúng sinh tâm si như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa nên biết như thật tâm lìa si của vô lượng, vô số chúng sinh. Vì sao Như Lai biết được tâm lìa si của chúng sinh? Tu-bồ-đề! Vì Như Lai biết, nếu tâm chấp vào có là tâm chạy theo tướng si, nếu tâm như thật thì không ở trong si mê do đó không có tướng tâm lìa si. Cho nên Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa mà biết được vô lượng, vô số chúng sinh tâm si như vậy.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mậtđa nên biết được như thật tâm tội lỗi của vô lượng, vô số chúng sinh. Vì sao Như Lai biết được tâm tội lỗi của chúng sinh? Tu-bồđề! Vì Như Lai biết, nếu tâm sinh tội lỗi thì tâm không như thật, nếu tâm như thật thì không sinh tội lỗi, nhưng ở trong pháp bình đẳng tìm tâm tội lỗi không thể được. Cho nên Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa mà biết được vô lượng, vô số chúng sinh tâm tội lỗi như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa nên biết được như thật tâm lìa tội lỗi của vô lượng, vô số chúng sinh. Vì sao Như Lai biết được tâm lìa tội lỗi của chúng sinh? Tu-bồ-đề! Vì Như Lai biết rõ, nếu tâm chấp trước thì tội lỗi theo đó sinh, nếu tâm như thật thì không sinh tội lỗi. Do vậy, không có tướng tâm lìa tội lỗi. Cho nên Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa mà biết được vô lượng, vô số chúng sinh tâm lìa tội lỗi như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa nên biết được như thật tâm rộng khắp của vô lượng, vô số chúng sinh. Vì sao Như Lai biết được tâm rộng khắp của chúng sinh? Tu-bồ-đề! Vì Như Lai biết tâm này không tăng, không giảm, không dừng trụ, không đắm trước. Cho nên Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa mà biết được vô lượng, vô số chúng sinh tâm rộng khắp như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa nên biết được như thật tâm không rộng khắp của vô lượng, vô số chúng sinh. Vì sao Như Lai biết được tâm không rộng khắp của chúng sinh? Tubồ-đề! Vì Như Lai biết tâm không có xứ sở, do không có xứ sở nên không sinh khởi cũng không có rộng lớn. Cho nên Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa mà biết được vô lượng, vô số chúng sinh tâm không rộng khắp như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa nên biết được như thật tâm to lớn của vô lượng, vô số chúng sinh. Vì sao Như Lai biết được tâm to lớn của chúng sinh? Tu-bồ-đề! Vì Như Lai biết tâm này tự tánh bình đẳng, không sai khác. Cho nên Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa mà biết được vô lượng, vô số chúng sinh tâm to lớn như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa nên biết được như thật tâm chẳng to lớn của vô lượng, vô số chúng sinh. Vì sao Như Lai biết được tâm chẳng to lớn của chúng sinh? Tu-bồ-đề!

Vì Như Lai biết tâm không có đến đi. Cho nên Như Lai nhờ vào Bátnhã ba-la-mật-đa mà biết được vô lượng, vô số chúng sinh tâm chẳng to lớn như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa nên biết được như thật tâm vô lượng của vô lượng, vô số chúng sinh. Vì sao Như Lai biết được tâm vô lượng của chúng sinh? Tu-bồ-đề! Vì Như Lai biết tâm không nương tựa, dừng trụ. Do không nương tựa, dừng trụ nên không có hạn lượng. Cho nên Như Lai nhờ vào Bát-nhã bala-mật-đa mà biết tâm vô lượng của vô lượng, vô số chúng sinh như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa nên biết được như thật tâm hiển hiện của vô lượng, vô số chúng sinh. Vì sao Như Lai biết được tâm hiển hiện của chúng sinh? Tu-bồ-đề! Vì Như Lai biết tự tánh của tâm không có hiển hiện. Cho nên Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa mà biết được vô lượng, vô số chúng sinh có tâm hiển hiện như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa nên biết được như thật tâm chẳng có hiển hiện của vô lượng, vô số chúng sinh. Vì sao Như Lai biết tâm chẳng có hiển hiện của chúng sinh? Tu-bồ-đề! Vì Như Lai biết tâm không có hình tướng, tự tánh lìa các tướng. Do tự tánh lìa các tướng nên chẳng hiện mà chẳng phải chẳng hiện. Cho nên Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa mà biết được vô lượng, vô số chúng sinh tâm chẳng có hiển hiện như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa nên biết được như thật tâm thắng thượng của vô lượng, vô số chúng sinh. Vì sao Như Lai biết được tâm thắng thượng của chúng sinh? Tu-bồ-đề! Vì Như Lai biết, nếu tâm như thật thì không có sinh khởi cũng không có thắng thượng. Cho nên Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-lamật-đa mà biết được vô lượng, vô số chúng sinh có tâm thắng thượng như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa nên biết được như thật tâm vô thượng của vô lượng, vô số chúng sinh. Vì sao Như Lai biết được tâm vô thượng của chúng sinh? Tu-bồ-đề! Vì Như Lai biết tâm không có chỗ được, lìa các hý luận. Cho nên Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa mà biết được vô lượng, vô số chúng sinh có tâm vô thượng như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa nên biết như thật tâm định của vô lượng, vô số chúng sinh. Vì sao Như Lai biết được tâm định của chúng sinh? Tu-bồ-đề! Vì Như Lai biết tâm này bình đẳng, trong pháp bình đẳng không có tướng loạn và định, cũng giống như hư không vắng lặng không động. Cho nên Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa mà biết được vô lượng, vô số chúng sinh có tâm định như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa nên biết như thật tâm chẳng định của vô lượng, vô số chúng sinh. Vì sao Như Lai biết được tâm chẳng định của chúng sinh? Tu-bồ-đề! Vì Như Lai biết tâm vô đẳng đẳng tức là tâm bình đẳng. Vì tâm bình đẳng nên không thể được tướng tâm chẳng định. Cho nên Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa mà biết được vô lượng, vô số chúng sinh có tâm chẳng định như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa nên biết được như thật tâm giải thoát của vô lượng, vô số chúng sinh. Vì sao Như Lai biết được tâm giải thoát của chúng sinh? Tu-bồ-đề! Vì Như Lai biết tự tánh của chúng sinh là giải thoát, tánh của chúng sinh tức là tánh giải thoát. Cho nên Như Lai nhờ vào Bátnhã ba-la-mật-đa mà biết được vô lượng, vô số chúng sinh có tâm giải thoát như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa nên biết như thật tâm chẳng giải thoát của vô lượng, vô số chúng sinh. Vì sao Như Lai biết được tâm chẳng giải thoát của chúng sinh? Tu-bồ-đề! Vì Như Lai biết tự tánh của tâm không đến, không đi, không dừng, chẳng phải quá khứ, hiện tại, vị lai ba đời có thể được, lìa tánh giải thoát thì không thể được tướng chẳng giải thoát. Cho nên Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa mà biết được vô lượng, vô số chúng sinh có tâm chẳng giải thoát như vậy.

Này Tu-bồ-đề! Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa nên biết được tâm không thể thấy của vô lượng, vô số chúng sinh. Vì sao Như Lai biết được tâm không thể thấy của chúng sinh? Tu-bồ-đề! Vì Như Lai biết tâm của chúng sinh không sinh, không diệt, không phân biệt, không chỗ nắm giữ, lìa các tướng nên không thể thấy, với Tuệ nhãn và Thiên nhãn còn không thể thấy, huống chi là Nhục nhãn. Cho nên Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa mà biết được vô lượng, vô số chúng sinh có tâm không thể thấy như vậy.

Phật bảo:

–Này Tu-bồ-đề! Các tâm như vậy, Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa, tất cả chúng đều được biết như thật. Vì thế nói Bátnhã ba-la-mật-đa hay hiển bày các tướng thế gian.

*********

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa nên biết như thật vô lượng, vô số chúng sinh, các kiến chấp về ngã và sự sinh diệt của các hành. Vì sao Như Lai biết các chúng sinh, các kiến chấp về ngã và sự sinh diệt của các hành? Tu-bồ-đề! Vì Như Lai biết rõ nguyên nhân của chúng sinh và sự sinh diệt của các hành là nương vào sắc mà phát sinh và nương vào thọ, tưởng, hành, thức mà phát sinh. Vì sao nương vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà phát sinh? Vì phát sinh do tà kiến nhân ngã, với tà kiến này thấy ngã và thế gian là thường, sắc là thường; ngã và thế gian là vô thường, cũng thường, cũng vô thường, chẳng phải thường, chẳng phải vô thường; ngã và thế gian là thường; thọ, tưởng, hành, thức là thường; ngã và thế gian là vô thường, cũng thường, cũng vô thường, chẳng phải thường, chẳng phải vô thường; thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, cũng thường, cũng vô thường, chẳng phải thường, chẳng phải vô thường.

Lại nữa, ngã và thế gian hữu biên, sắc là hữu biên; ngã và thế gian là vô biên, sắc là vô biên; ngã và thế gian là vô biên, cũng hữu biên, cũng vô biên, chẳng phải hữu biên, chẳng phải vô biên; sắc là vô biên, cũng hữu biên, cũng vô biên, chẳng phải hữu biên, chẳng phải vô biên; ngã và thế gian hữu biên; thọ, tưởng, hành, thức là hữu biên; ngã và thế gian là vô biên, cũng hữu biên, cũng vô biên, chẳng phải hữu biên, chẳng phải vô biên; thọ, tưởng, hành, thức là vô biên, cũng hữu biên, cũng vô biên, chẳng phải hữu biên, chẳng phải vô biên.

Lại nữa, sắc sau khi chết là tồn tại, hay không tồn tại, cũng tồn tại, cũng không tồn tại, chẳng tồn tại, chẳng phải không tồn tại. Như vậy, thọ, tưởng, hành, thức sau khi chết tồn tại hay không tồn tại, cũng tồn tại, cũng không tồn tại, chẳng tồn tại, chẳng phải không tồn tại.

Lại nữa, thân tức là tự ngã, thân khác tự ngã khác. Như vậy sắc, thọ, tưởng, hành, thức là thân là tự ngã; sắc, thọ, tưởng, hành, thức khác thân, khác tự ngã hiểu biết này đều nương vào năm ấm mà phát sinh. Những quan niệm đó đều là những hiểu biết si mê khác nhau về ngã. Đức Như Lai biết rõ như thật về những kiến chấp ấy.

Này Tu-bồ-đề! Vì thế Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa nên biết vô lượng, vô số chúng sinh những kiến chấp khác nhau về ngã và sự sinh diệt như vậy.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa nên biết như thật về tướng của sắc, thọ, tưởng, hành, thức của vô lượng, vô số chúng sinh. Vì sao Như Lai biết về tướng của sắc của chúng sinh? Tu-bồ-đề! Vì Như Lai thấu rõ sắc như thật. Vì sao Như Lai biết về tướng của thọ, tưởng, hành, thức của chúng sinh? Tu-bồđề vì Như Lai biết đúng như vậy về thọ, tưởng, hành, thức.

Này Tu-bồ-đề! Vì ý nghĩa này Như Lai nói đúng sự sinh diệt của chúng sinh tức là sự thật của năm ấm, sự thật về năm ấm tức là sự thật về thế gian. Vì sao? Vì năm ấm là thế gian. Cho nên sự thật về năm ấm là sự thật về thế gian, sự thật về thế gian tức là sự thật của tất cả pháp, sự thật của tất cả pháp tức là sự thật quả Tu-đàhoàn, sự thật về quả Tu-đà-hoàn tức là sự thật về quả Tư-đà-hàm, sự thật về quả Tư-đà-hàm tức là sự thật về quả A-na-hàm, sự thật về quả A-na-hàm tức là sự thật về quả A-la-hán, quả Duyên giác tức là sự thật của Như Lai. Do đó Như Lai cùng với quả Thanh văn, Duyên giác và năm ấm, thế gian cho đến tất cả pháp đồng nhất. Các sự thật như vậy chẳng phải một tánh, chẳng phải nhiều tánh, tức là mỗi mỗi tánh lìa mỗi mỗi tánh, không hai, không phân biệt, không tạo tác, không cùng tận.

Này Tu-bồ-đề! Như Lai nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa nên chứng đắc như thật. Do chứng đắc như thật nên gọi là Như Lai. Vì nhân duyên này nên Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác nói Bátnhã ba-la-mật-đa chỉ dạy thế gian. Bát-nhã ba-la-mật-đa là mẹ các Đức Phật sinh ra các Đức Phật. Vì từ đó sinh nên Đức Phật biết như thật về tất cả các pháp là như như không khác. Vì chứng sự thật này nên chư Phật xuất hiện ở thế gian đều thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Bấy giờ Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Như lời Thế Tôn nói pháp như như ấy là tối thượng sâu xa. Đức Thế Tôn vì pháp như như này mà được quả Bồ-đề.

Bạch Đức Thế Tôn! Pháp sâu xa này người nào có thể tin hiểu, chẳng lẽ bậc an trụ không còn thoái chuyển quả vị Đại Bồtát, mãn nguyện A-la-hán và người chánh kiến mới có thể tin hiểu chăng?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đúng vậy, đúng vậy, như lời ông nói!

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Pháp như như là tướng vô tận sâu xa tối thượng, Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác giảng thuyết tướng vô tận ấy.

Khi ấy, Đế Thích và các Thiên tử trong Dục giới và hai vạn Thiên tử ở Sắc giới đi đến chỗ Phật đảnh lễ rồi đứng sang một bên.

Bấy giờ, các Thiên tử đều bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Thế Tôn đã nói pháp tối thượng sâu xa. Vậy tướng đó ra sao?

Phật dạy:

–Này các Thiên tử! Các pháp lấy Không làm tướng và Vô tướng, Vô nguyện làm tướng. Tướng đó không sinh, không diệt, không nhơ, không sạch. Pháp giới vắng lặng như hư không, không chỗ nương dựa dừng trụ tức là tướng mà vô tướng. Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác nói tướng của sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy, tức là tướng mà vô tướng, nên các tướng này không bị tướng làm hủy hoại. Trời, Người, A-tu-la… trong thế gian đều không thể hoại. Vì sao? Vì Trời, Người, A-tu-la đều là hữu tướng.

Này các Thiên tử! Nếu có người hỏi hư không do ai tạo ra thì người đó hỏi có đúng không?

Các Thiên tử bạch:

–Bạch Đức Thế Tôn, không! Vì hư không không có tạo tác, hư không là vô vi thì ai có thể tạo lập.

Phật bảo các Thiên tử:

–Đúng vậy, đúng vậy! Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác sinh ra từ pháp không hai, nói các pháp tướng cũng không hai tướng. Vì sao? Vì Như Lai đắc tướng ấy tức là không chỗ trụ, nên Phật nói các pháp không có tướng tạo tác.

Lúc ấy, Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Tướng ấy thật sâu xa. Như Lai đắc tướng ấy thành bậc Đẳng Chánh Giác dùng trí vô ngại thuyết giảng Bát-nhã ba-la-mật-đa. Bát-nhã ba-la-mật-đa này là chỗ hành xứ của các Đức Phật.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đúng vậy, đúng vậy! Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác nhờ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa mà hiển bày tướng như thật thế gian kia. Này Tu-bồ-đề! Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác nương vào vào pháp mà cung kính cúng dường; tôn trọng khen ngợi pháp. Pháp ấy tức là Bát-nhã ba-la-mật-đa; có Phật hay không có Phật trong đời pháp này vẫn thường trú. Cho nên Như Lai dựa vào Bát-nhã ba-lamật-đa, nhờ nương tựa mà Như Lai tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa, do tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa nên chứng Nhất thiết trí.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Ông nên biết, Phật là Bậc biết ân và báo ân. Giả sử có người hỏi: “Ai là người biết ân báo ân?” Nên đáp: “Phật là người biết ân báo ân.” Vì sao? Vì Như Lai hành đạo nhờ vào học pháp mà đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nay lại giữ gìn đạo pháp ấy. Tu-bồ-đề! Chỗ học và hành của Như Lai tức là Bát-nhã ba-la-mật-đa. Do nghĩa này nên Như Lai được gọi là người chân thật báo ân.

Này Tu-bồ-đề! Như Lai biết tất cả các pháp không có tạo tác, không tướng tạo tác nên đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Nay Như Lai nói như thật tất cả pháp không tạo tác, không tướng tạo tác cũng là Như Lai chân thật báo ân.

Này Tu-bồ-đề! Như Lai biết tất cả pháp đều từ trong Bát-nhã ba-la-mật-đa phát sinh, nay lại nói như thật về Bát-nhã ba-la-mật-đa hiển bày thế gian cũng là Như Lai chân thật báo ân.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Tất cả các pháp kia đều không thấy, không biết, thì sao Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác nói Bát-nhã ba-la-mật-đa là để chỉ dạy cho thế gian?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Lành thay, lành thay! Ông có thể hỏi Như Lai nghĩa lý sâu xa này. Đúng vậy, đúng vậy! Tất cả các pháp không ai biết, không ai thấy. Vì sao tất cả các pháp không ai biết, không ai thấy? Vì tất cả các pháp là không, không nương tựa cho nên tất cả các pháp không ai biết, không ai thấy. Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác giác ngộ pháp này nên mới giảng thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa để chỉ dạy cho thế gian. Chỉ dạy cho thế gian như thế nào? Này Tu-bồ-đề! Nếu không thấy sắc, không thấy thọ, tưởng, hành, thức thì đó là chỉ bày cho thế gian.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Sao gọi là không thấy sắc, thọ, tưởng, hành, thức?

Phật dạy:

–Này Tu-bồ-đề! Nếu không duyên nơi sắc phát sinh thức thì gọi là không thấy sắc. Nếu không duyên nơi thọ, tưởng, hành, thức phát sinh thức thì gọi là không thấy thọ, tưởng, hành, thức.

Tu-bồ-đề! Nếu không thấy sắc, thọ, tưởng, hành, thức tức là không thấy thế gian. Nếu không thấy thế gian thì gọi là chân thật thấy thế gian. Vì sao chân thật thấy thế gian? Vì thế gian là không, nên tướng của thế gian là lìa, vắng lặng, không ô nhiễm. Bát-nhã bala-mật-đa đã hiển bày như vậy, Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác cũng nói như vậy.