LUẬN A TỲ ĐẠT MA TẬP DỊ MÔN TÚC
Tác giả: Tôn giả Xá Lợi Tử.
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 10: CHÍN PHÁP

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-tử lại bảo đại chúng: Quý thầy nên biết! Với chín pháp, Đức Phật đã chính mình hiểu biết thấu suốt kỹ càng, rồi đem giảng dạy chỉ bày cho hàng đệ tử của Ngài. Nay chúng ta nên hòa hợp kết tập ôn lại, để sau nầy Đức Phật đã diệt độ thì không có sự tranh cãi với nhau. Và chúng ta nên tu phạm hạnh, tuân giữ luật pháp để đem lại lợi ích lâu dài cho vô số chúng sinh. Hãy nên thương xót hàng trời, người ở thế gian, khiến họ thâu nhận được nhiều nghĩa lý lợi ích và sự an lạc đặc biệt.

Chín pháp là gì? Ở đây tóm tắt có hai thứ chín pháp. Đó là chín kết và chín chỗ ở của hữu tình.

Có chín kết:

  1. Kết ái.
  2. Kết giận dữ.
  3. Kết kiêu mạn.
  4. Kết vô minh.
  5. Kết chấp.
  6. Kết bám chặt.
  7. Kết nghi ngờ.
  8. Kết ganh tỵ.
  9. Kết keo kiệt.

– Thế nào là kết ái? Tham lam ham muốn trong ba cõi thì gọi là kết ái.

– Thế nào là kết giận dữ? Muốn gây tổn hại cho các loài hữu tình, trong lòng luôn ôm ấp sự tàn hại để gây bao sầu não cho mọi người. Đã, sắp và đang giận dữ. Thích gây tai họa và rất thích gây tai họa. Lòng lúc nào cũng toàn giận dữ. Đối với mọi người luôn làm trái nghịch lại, để cố tình gây tai họa. Đã từng, hiện đang và sẵn sàng gây bao tai họa.

Nên gọi là kết giận dữ.

– Thế nào là kết kiêu mạn?

Đáp: Kiêu mạn có bảy thứ:

  1. Mạn.
  2. Quá mạn.
  3. Mạn quá mạn.
  4. Ngã mạn.
  5. Tăng thượng mạn.
  6. Ty mạn. 7. Tà mạn.

Bảy thứ mạn nầy hợp lại gọi chung là kiêu mạn.

– Thế nào là kết vô minh?

Đáp: Ở trong ba cõi ngu si không trí tuệ sáng suốt thì gọi là kết vô minh.

– Thế nào là kết chấp?

Đáp: Có ba thứ kết chấp:

  1. Chấp Tát-ca-da (thân kiến).
  2. Chấp lệch về một bên.
  3. Chấp sai lầm (tà kiến).

Ba thứ đó gọi chung là kết chấp.

– Thế nào là kết bám chặt (chấp lấy)?

Đáp: Có hai thứ bám chặt: Đó là sự thấy biết bám chặt và các điều răn cấm bám chặt (giới cấm thủ). Cả hai thứ đó gọi chung là kết bám chặt.

– Thế nào là kết nghi ngờ?

Đáp: Đối với các điều đúng chắc thật thì lại ngờ vực hoang mang do dự, lừng khừng, nên gọi là kết nghi ngờ. – Thế nào là kết ganh tỵ? (Ganh ghét)

Đáp: Không cam tâm an phận nên gọi là kết ganh tỵ.

Có chín chỗ ở của hữu tình:

1. Loại hữu tình có sắc, có nhiều thứ thân và nhiều thứ tưởng như người và một phần trời, đó là chỗ ở thứ nhất của loài hữu tình.

2. Loài hữu tình có sắc, có nhiều thứ thân và một thứ tưởng như cõi trời Phạm chúng mới được thành lập ở kiếp. Đó là chỗ ở thứ hai của loài hữu tình.

3. Loài hữu tình có sắc, có một thứ thân và nhiều thứ tưởng như cõi trời Quang âm. Đó là chỗ ở thứ ba của loài hữu tình.

4. Loài hữu tình có sắc, có một thứ thân và một thứ tưởng. Như cõi trời Biến tịnh. Đó là chỗ ở thứ tư của loài hữu tình.

5. Loài hữu tình có sắc, không có tưởng, không có tưởng riêng biệt. Như cõi trời Vô tưởng hữu tình. Đó là chỗ ở thứ năm của loài hữu tình.

6. Loài hữu tình không có sắc, vượt ra ngoài tất cả các sắc tưởng, diệt hết “có đối tưởng”, không tư duy siêng năng các thứ tưởng, nhập vào không vô biên, trụ đầy đủ vào Không vô biên xứ, như cõi trời Không vô biên xứ. Đó là chỗ ở thứ sáu của loài hữu tình.

7. Loài hữu tình không có sắc, vượt ra ngoài tất cả Không vô biên xứ, nhập vào thức vô biên, trụ đầy đủ vào Thức vô biên xứ, như cõi trời Thức vô biên xứ. Đó là chỗ ở thứ bảy của loài hữu tình.

8. Loài hữu tình không có sắc, vượt ra ngoài tất cả Thức vô biên xứ. Nhập vào vô sở hữu, trụ đầy đủ vào Vô sở hữu xứ, như cõi trời Vô sở hữu xứ. Đó là chỗ ở thứ tám của loài hữu tình.

9. Loài hữu tình không có sắc, vượt ra ngoài tất cả Vô sở hữu xứ. Nhập vào Phi tưởng, trụ đầy đủ vào Phi phi tưởng xứ, như cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng. Đó là chỗ ở thứ chín của loài hữu tình.

Có sắc, nghĩa là loài hữu tình có sắc đó, bày lập ra cái thân có sắc và các thứ có sắc về xứ, giới uẩn nên gọi là có sắc.

Loài hữu tình, tức là theo nghĩa chắc thật cao quý, thì các loại hữu tình dù không thể thụ nhận được, không thể được, không có, không hiện hữu. Nhưng dựa vào các uẩn xứ giới mà giả lập ra. Các tưởng đều tưởng bày ra mà nói, thay đổi. Tức là loài hữu tình có ý, sinh ra trẻ hài nhi có nuôi dưỡng lớn lên thành hạng người Bổ-đặc-già-la, nên gọi là hữu tình.

Có nhiều thứ thân, là loài hữu tình đó có nhiều thứ sắc rõ ràng, còn thân có nhiều hình, nhiều tướng không phải chỉ có một thứ sắc, một thứ hình, một thứ tướng, nên gọi là nhiều thứ thân.

Nhiều thứ tưởng, là loài hữu tình đó có tưởng vui, tưởng khổ và tưởng không vui không khổ, nên gọi là nhiều thứ tưởng.

Như loài người và một phần hàng Trời, tức là chỉ chung cho loài người và loài trời cõi Dục, nên gọi là như loài người và một phần loài trời.

Đó là hàng thứ nhất, tức là theo thứ tự liên tục đếm dần lên thì nó ở hàng thứ nhất.

Chỗ ở của loài hữu tình, là các chỗ của các loài hữu tình ở trụ sống nương nhờ, nên thích sống, thích được sinh vào đó, tức là chỉ chung trong đó có bao nhiêu thứ sắc thọ tưởng hành thức hữu lậu nên gọi là chỗ ở của loài hữu tình.

Còn loài hữu tình có sắc, có nhiều thứ thân, thì có nghĩa như đã nói trước rồi.

Có một thứ tưởng, là các loài hữu tình đều có thời hạn và phần số. Đối với kiếp thế giới nầy khi sắp hoại (sắp bị tiêu diệt) thì có nhiều người vãng sinh lên cõi trời Quang âm cùng có số phận như nhau. Nơi đó có đầy đủ thức và tạo nên sắc thân, các căn không thiếu sót, các bộ phận đều đầy đủ có hình tướng rõ ràng trong sạch, tuổi thọ sống rất lâu nhưng có thời gian có số phần kiếp sống. Còn với kiếp thế giới nầy khi mới thành lập, thì ở khoảng không gian phía dưới có nhiều cung điện trống rỗng không người ở, bỗng hiện ra. Có một hữu tình (chúng sinh) đã hết tuổi thọ, hết nghiệp và hết phước, từ cõi đó chết đi và được sinh vào cõi Phạm chúng ở trong các cung điện trống vắng đó. Riêng sống một mình ở đó, không có bạn bè nhưng tuổi thọ rất cao. Loài hữu tình ấy sống ở đó trong một thời gian rất lâu bỗng nhiên phát sinh ái dục và lòng buồn rũ rượi nên nghĩ: Phải chi có số hữu tình khác cùng chung số phần sinh lên đây cùng sống làm bạn với ta nhỉ? Khi người đó ước ao như thế thì có các hữu tình khác do vì đã hết tuổi thọ, hết nghiệp, hết phước…, nên ở cõi đó chết đi và sinh vào cung điện cõi Phạm chúng đó mà sống làm bạn bè với người đầu tiên đó. Bấy giờ người sinh vào cõi ấy đầu tiên nghĩ: Dám hữu tình mới lên sau đây vậy là do ta hóa ra. Đối với loại hữu tình nầy và các thế gian khác thì ta luôn được tự do, chính ta làm ra, hóa ra, sinh tạo ra chúng. Vậy thì ta đáng là tổ phụ cõi nầy.

Ngay lúc ấy, đám hữu tình kia cũng nghĩ: Chúng ta là do ông ấy hóa ra. Đối với các loài hữu tình và mọi vật trên thế gian nầy thì ông ta tự tại, tự do. Chính ông ta làm ra, hóa ra, sinh ra…, thật đáng tôn ông ấy lên làm tổ phụ. Cho nên gọi là một ý tưởng.

Như cõi trời Phạm chúng, tức là nghĩa ở đây gọi chung các loài trời sinh ở cõi Phạm chúng có nhiều thứ thân mà chỉ có một thứ tưởng.

Từ kiếp xưa khi mới thành lập, là hàng thứ hai v.v…, thì nghĩa như trước đã trình bày rồi.

Loài hữu tình có sắc, thì cũng như trước nói rồi.

Có một thứ thân, nghĩa là loài hữu tình ấy chỉ có một thứ sắc rõ ràng, còn thân thì chỉ có một hình, một tướng, không có nhiều thứ sắc, nhiều hình tướng, cho nên gọi là một thứ thân.

Có nhiều thứ tưởng, nghĩa là loài hữu tình đó có tưởng vui và tưởng không vui không khổ, nên gọi là có nhiều thứ tưởng. Các điều khác như trước đã nói.

Loài hữu tình có sắc, chỉ có một thứ thân, như trước cũng đã nói rồi.

Có một thứ tưởng, nghĩa là loài hữu tình đó chỉ có một thứ tưởng vui, nên gọi là một thứ tưởng. Các điều khác giống như trước nói.

Loài hữu tình có sắc…, như trước đã nói rồi.

Nói không có tưởng là chỉ chung loài không có tưởng.

Không có tưởng riêng, tức là không có tưởng riêng biệt rõ ràng. Trong đây lấy tưởng làm trên hết mà chỉ rõ không có tất cả tâm và tâm sở.

Như cõi trời vô tưởng hữu tình, nghĩa là riêng chỉ rõ về cõi trời không có tưởng và có tưởng, là hàng thứ năm, thì như trước đã nói.

Không có sắc, nghĩa là loài hữu tình không có sắc đó bày lập ra cái thân không sắc, không có các thứ xứ có sắc, giới có sắc và uẩn có sắc, nên gọi là không có sắc.

Hữu tình, thì như trước đã nói rồi.

Vượt tất cả sắc tưởng v.v…, thì như trong tám giải thoát trước đây đã nói kỹ rồi. Song ở đây chỉ có các thứ sắc, thọ, tưởng, hành, thức…duyên nơi hữu lậu, là chỗ ở của loài hữu tình.