SỐ 272
KINH ĐẠI TÁT-GIÀ NI-KIỀN TỬ SỞ THUYẾT
Dịch Phạn ra Hán: Đầu đời Ngụy, Tam tạng Bồ-đề-lưu-chi,
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 3: NHẤT THỪA

(Từ giữa quyển 1 – đầu quyển 2)

Lúc bấy giờ, sau khi nghe Thánh giả Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử hỏi như thế rồi, Đức Thế Tôn bảo:

–Lành thay, này Pháp vương tử! Lành thay, này Văn-thù-sưlợi! Nay ông khéo hỏi Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri về pháp môn thực hành sâu xa của Bồ-tát. Vì sao? Này Văn-thù-sư-lợi! Vì ông thấy thật nghĩa các pháp bảo đang hiện hữu rõ ràng, không có nghi ngờ, hoàn toàn đạt đến đến bờ kia của Đệ nhất Trí tuệ ba-lamật. Nay, vì muốn đem lại lợi ích cho vô số chúng sinh để họ đi vào đạo Vô thượng của Bồ-tát nên mới hỏi điều đó.

Này Văn-thù-sư-lợi! Ông lại có thể vì chúng sinh trong đời vị lai mà đốt lên ngọn đuốc lớn, quét sạch tăm tối nên mới hỏi pháp này.

Hay thay, hay thay, này Văn-thù-sư-lợi! Giờ ông hãy lắng nghe, ta sẽ nói pháp môn hạnh phương tiện nhanh chóng rốt ráo của Bồ-tát.

Văn-thù-sư-lợi bạch Đức Phật:

–Lành thay, bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn thuyết giảng, con rất muốn nghe.

Bấy giờ, các đại chúng Bồ-tát nhất tâm đồng thanh bạch Đức Phật:

–Lành thay, bạch Thế Tôn! Chúng con rất muốn được nghe.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn thuyết pháp này, nên bảo đại chúng rằng:

Này các thiện nam! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào thành tựu hoàn toàn mười hai pháp thì có khả năng phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Những gì là mười hai pháp?

1. Tự tánh tin pháp Đại thừa, để từ bỏ tâm Tiểu thừa thấp kém nên phát tâm Bồ-đề.
2. Tự tánh thành tựu đại Bi rộng lớn, để muốn đầy đủ các bạch pháp nên phát tâm Bồ-đề.
3. Tâm ngay thẳng, hạnh căn bản vững chắc, để nhàm chán sinh tử, hướng đến bờ kia nên phát tâm Bồ-đề.
4. Khéo tích tập các công đức, vì muốn tu đầy đủ các hạnh nguyện nên phát tâm Bồ-đề.
5. Kheo cúng dường các Đức Phật, vì muốn phát khởi tốt các bạch pháp nên phát tâm Bồ-đề.
6. Ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh, để lìa bỏ tất cả ác hạnh nên phát tâm Bồ-đề.
7. Xa lìa những bạn ác, vì muốn gần gũi những bạn tot nên phát tâm Bồ-đề.
8. Nghe pháp, rồi y theo pháp tu hành, vì không dối gạt chúng sinh nên phát tâm Bồ-đề.
9. Vì muốn lợi ích cho tất cả, tích chứa của cải nhưng không tham lam keo kiệt nên phát tâm Bồ-đề.
10. Vì được các Đức Phật gia hộ, vì xa lìa các ma oán nên phát tâm Bồ-đề.
11. Đối với những chúng sinh thường khởi lòng Từ bi rộng lớn, có thể xả bỏ tất cả trong ngoài các vật, để xa lìa tánh keo kiệt, đố kỵ nên phát tâm Bồ-đề.
12. Vì đầy đủ năng lực pháp hành có thể thành tựu các công đức, nên phát tâm Bồ-đề.

Này thiện nam tử! Đó gọi là mười hai pháp vi diệu. Nếu thiện nam hay nữ nào thành tựu được mười hai pháp này mới có thể phát tâm cầu đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này thiện nam! Lại có mười hai pháp thù thắng, nếu Bồ-tát thành tựu được thì mới gọi là phát tâm cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Những gì là mười hai?

1. Tâm an ổn, làm cho tất cả chúng sinh được an lạc nên phát tâm Bồ-đề.
2. Tâm thương xót, tức là khi người khác mang đến đến cho mình thêm nhiều điều xấu thì ta hãy nhẫn nhục giúp đỡ họ, chớ sinh ý nghĩ khác, nên phát tâm Bồ-đề.
3. Tâm đại Bi, vì gánh nặng cho chúng sinh nên phát tâm Bồđề.
4. Tâm đại Từ rộng lớn, vì nhổ sạch tất cả khổ đau trong đường ác nên phát tâm Bồ-đề.
5. Tâm thanh tịnh, đối với các thừa khác không sinh tâm thỏa mãn, lạc thú nên phát tâm Bồ-đề.
6. Tâm không nhiễm, vì xa lìa tất cả cấu đục phiền não nên phát tâm Bồ-đề.
7. Tâm trong sáng, vì cầu tự tánh Vô thượng thanh tịnh sáng chiếu nên phát tâm Bồ-đề.
8. Tâm huyễn, có khả năng biết các pháp hoàn toàn không có gì cả nên phát tâm Bồ-đề.
9. Tâm không vật, có thể biết tất cả đều không có sở hữu nên phát tâm Bồ-đề.
10. Tâm vững chắc, đối với trong các pháp không bị lay động nên phát tâm Bồ-đề.
11. Tâm không thoái lui, có thể chứng các pháp hoàn toàn rốt ráo nên phát tâm Bồ-đề.
12. Tâm cứu độ tất cả chúng sinh mà không nhàm chán, theo giáo pháp tu hành nên phát tâm Bồ-đề.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói lại kệ rằng:

Hỡi các Thiện nam tử
Nếu có chúng sinh nào
Muốn tu các pháp thắng
Thành tựu pháp vô cấu
Ở giữa oán và thân
Tâm Từ bi bình đẳng
Những Bồ-tát như thế
Đúng phát tâm Bồ-đề.
Nếu có chúng sinh nào
Đã trong vô lượng kiếp
Dẫn dắt ác tri thức
Cúng dường Thiện tri thức
Giữ gìn pháp Bồ-tát
Khởi các hạnh nguyện lớn
Những Bồ-tát như thế
Đúng phát tâm Bồ-đề.
Nếu có chúng sinh nào
Nghĩ về đời quá khứ
Việc vô lượng ức kiếp
Vững chắc như núi chúa
Tâm siêng năng không chán
Thường tu hành không nghĩ
Những Bồ-tát như thế
Đúng phát tâm Bồ-đề.
Nếu có chúng sinh nào
Xa lìa các pháp ác
Tâm Từ bi đầy đủ
Tâm an ổn thành tựu
Dạy bảo các chúng sinh
Tất cả các đường thiện
Những Bồ-tát như thế
Đúng phát tâm Bồ-đề.
Nếu có chúng sinh nào
Thấy những bậc Thắng trí
Nghĩ đến đại Bồ-đề
Công đức Vô thượng thắng
Muốn đổi các thừa khác
Tâm sạch không chút uế
Những Bồ-tát như thế
Đúng phát tâm Bồ-đề.
Bồ-tát được tâm tịnh
Lìa hư dối phan biệt
Xem thế gian, Niết-bàn
Bình đẳng không sai khác
Tuy hành hóa chúng sinh
Như thấy cảnh trong gương
Người phát tâm như thế
Thật là tâm Bồ-đề.
Đã lìa lỗi phiền não
Tất cả những trần lao
Trí thanh tịnh hư không
Không bị nhuốm dơ bẩn
Các tướng hằng tịch diệt
Ra khỏi đường ngôn ngữ
Đó gọi tu đầy đủ
Tâm Bồ-đề thanh tịnh.
Những Bồ-tát như thế
Không lâu ngồi đạo tràng
Đắc đại Đà-la-ni
Biện tài không ai bằng
Đủ ba hai tướng quý
Thân tám mươi vẻ đẹp
Được ở trong công đức
Bản tánh của chư Phật.

Lại nữa, này Văn-thù-sư-lợi! Đại Bồ-tát có thể trụ trong công đức thù thắng như thế, thì có mười hai hạnh bố thí vi diệu, có lợi ích lớn mau chóng đến Bồ-đề. Bồ-tát nên thực hành Bố thí ba-la-mật.

Những gì là mười hai?

1. Bố thí có thể mau chóng tăng trưởng lợi ích, công đức Vô thượng Bồ-đề, cho nên Bồ-tát phải thực hành Bố thí ba-la-mật.
2. Bố thí được sinh ở nơi giàu có đầy đủ, trong tay tuôn ra vô số của báu, cho nên Bồ-tát phải thực hành Bố thí ba-la-mật.
3. Bố thí tùy theo lời nguyện sẽ được sinh ở nơi Đế Thích, Phạm thiên, vua và những nhà quyền quý, cho nên Bồ-tát phải thực hành Bố thí ba-la-mật.
4. Bố thí lìa tất cả lỗi tâm keo kiệt, tham lam, xả bỏ các hữu, không sinh lời nguyện hưởng lạc, cho nên Bồ-tát phải thực hành Bố thí ba-la-mật.
5. Bố thí có thể xả bỏ sự trói buộc tham đắm ở thế gian, cho nên Bồ-tát phải thực hành Bố thí ba-la-mật.
6. Bố thí được ra khỏi loài ngạ quỷ, lìa các đường ác, cho nên Bồ-tát phải thực hành Bố thí ba-la-mật.
7. Bố thí được xa lìa nhiều người cùng với súc vật thế gian, có khả năng đạt được Bồ-đề, không chung cùng với súc vật, cho nên Bồ-tát phải thực hành Bố thí ba-la-mật.
8. Bố thí được chúng sinh khen ngợi, tâm rất vui mừng, cho nên Bồ-tát phải thực hành Bố thí ba-la-mật.
9. Bố thí có thể xả bỏ trong ngoài, thực hành theo hạnh Đức Phật, cho nên Bồ-tát phải thực hành Bố thí ba-la-mật.
10. Bố thí thì đối với trong mọi việc ái dục có thể xa lìa tâm trói buộc, cấu uế, cho nên Bồ-tát phải thực hành Bố thí ba-la-mật.
11. Bố thí có thể thực hành đầy đủ Bố thí ba-la-mật Vô thượng, cho nên Bồ-tát phải thực hành Bố thí ba-la-mật.
12. Bố thí có thể thực hành theo lời dạy của Như Lai và thành tựu sở nguyện, cho nên Bồ-tát phải thực hành Bố thí ba-la-mật.

Này thiện nam! Đó là mười hai pháp tu hành Bố thí ba-la-mật, được lợi ích lớn của Đại Bồ-tát, hồi hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng kệ tụng khen ngợi Bố thí ba-la-mật như sau:

Muốn cầu đạo Vô thượng
Tu hành các công đức
Bỏ keo kiệt, tham lam
Bố thí là bậc nhất.
Phật tử hành tâm Xả
Thấy người đến cầu xin
Hãy sinh tâm vui mừng
Tất cả không luyến tiếc
Đất nước và vợ con
Cho đến chức vua trời
Da thịt và tay chân
Đầu mắt các tủy não
Mắt thanh tịnh trong sáng
Cho rồi tâm vui vẻ
Hành tâm xả như thế
Là thí Ba-la-mật,
Tất cả chư Như Lai
Đầy đủ các công đức
Trọn vẹn đạo Niết-bàn
Đều do bố thí vậy!
Cho nên những Phật tử
Muốn cầu đạo Vô thượng
Thường phải tu tâm Xả
Hành Thí ba-la-mật.
Bố thí được Bồ-đề
Không trụ ở thế gian
Cho nên các Bồ-tát
Thường thực hành tâm Xả.
Bố thí hết nghèo khó
Giàu đủ bảy tịnh tài
Hết keo kiệt, ghen ghét
Thanh tịnh Phật Bồ-đề,
Bố thí được đầy đủ
Thành tựu mười tự tại
Cho nên chư Như Lai
Khen ngợi hạnh bố thí.
Bồ-tát thấy lợi này
Được thành Ba-la-mật
Cho nên tu tâm Xả
Bố thí tất cả vật.

Này thiện nam! Bồ-tát lại có mười hai phương pháp trì giới được lợi ích lớn. Bồ-tát nên thực hành Trì giới ba-la-mật.

Mười hai lợi ích của Trì giới ba-la-mật là gì?

1. Trì giới có thể giữ gìn các thiện căn, cho nên Bồ-tát phải thực hành Trì giới ba-la-mật.
2. Trì giới được vào đạo Bồ-tát, cho nên Bồ-tát phải thực hành Trì giới ba-la-mật.
3. Trì giới được giải thoát các sự trói buộc của phiền não, cho nên Bồ-tát phải thực hành Trì giới ba-la-mật.
4. Trì giới có thể vượt qua tất cả các đường ác, cho nên Bồ-tát phải thực hành Trì giới ba-la-mật.
5. Trì giới có thể dứt hết đau khổ của chúng sinh trong đường ác, cho nên Bồ-tát phải thực hành Trì giới ba-la-mật.
6. Trì giới thì nghiệp thân, khẩu, ý không bị chư Phật Như Lai quở trách, cho nên Bồ-tát phải thực hành Trì giới ba-la-mật.
7. Trì giới được chư Phật Như Lai thường khen ngợi, cho nên Bồ-tát phải thực hành Trì giới ba-la-mật.
8. Trì giới có thể vào trong các cõi nhưng không buông lung, cho nên Bồ-tát phải thực hành Trì giới ba-la-mật.
9. Trì giới thì đem bố thí cho chúng sinh việc không sợ hãi, cho nên Bồ-tát phải thực hành Trì giới ba-la-mật.
10. Trì giới được thành tựu nghiệp thiện của thân, miệng và ý, cho nên Bồ-tát phải thực hành Trì giới ba-la-mật.
11. Trì giới có thể đối với các pháp được tùy thuận tự tại, cho nên Bồ-tát phải thực hành Trì giới ba-la-mật.
12. Trì giới thành tựu nghiệp của Ba-la-mật công đức đến đệ nhất bờ kia, cho nên Bồ-tát phải thực hành Trì giới ba-la-mật.

Này thiện nam tử! Đó là mười hai pháp tu hành Trì giới ba-lamật được lợi ích lớn, hồi hướng về quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của Đại Bồ-tát.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng kệ khen ngợi Trì giới ba-lamật như sau:

Muốn lìa các sinh tử
An ổn đến Niết-bàn
Tất cả Như Lai nói
Trì giới là đệ nhất.
Giới như ao nước mát
Hay sinh các hoa đẹp
Giới như lửa cháy mạnh
Thiêu đốt những cỏ xấu.
Giới, người khéo hành trì
Như chim bay trên không
Không sợ đạo sinh tử
Trong những nẻo đường ác.
Đường ác rồng độc lớn
Vô minh các La-sát
Thấy người trì tịnh giới
Cung kính bỏ tâm hại,
Tất cả chư Như Lai
An ổn trụ Niết-bàn
Chấm dứt các đường ác
Đều do trì giới vậy.
Vì thế, các Phật tử
Muốn cầu đạo Vô thượng
Giữ vững các gốc thiện
Trì giới ba-la-mật.
Bồ-tát nên tư duy
Sống hoàn toàn theo giới
Cởi bỏ dây phiền não
Đóng cửa những đường ác.
Nếu muốn trì tịnh giới
Phải nên như trâu đen
Vì giữ một chiếc lông
Thà chết không tiếc mạng,
Giữ các nghiệp cũng vậy
Đó chính là trì giới
Như Lai thường khen ngợi
Chỗ cầu được thành tựu.
Người hay trì tịnh giới
Có công đức như vậy
Cho nên các Bồ-tát
Thường phải giữ tịnh giới,
Thân, khẩu, ý thanh tịnh
Không làm các điều ác
Có thể đến Niết-bàn
Nhất thiết trí hiện tiền.
Trì giới không phóng dật
Các điều thiện vững chắc
Trong pháp được tự tại
Giữ sạch giới chư Phật,
Bồ-tát trì tịnh giới
Xem vật không oán, thân
Bình đẳng với quần sinh
Người thấy không sợ hãi.
Ta sống theo trì giới
Thường tu không phóng dật
Cho nên nay được lìa
Tất cả mọi đường ác,
Đến bờ kia đệ nhất
Như chỗ báu công đức
Vì thế, các Bồ-tát
Thường phải trì tịnh giới.
Bồ-tát nếu muốn cầu
Công đức Bồ-đề Phật
Trì giới như trâu đen
Chánh niệm không buông lung,
Những Bồ-tát như thế
Chính đó là người trí
Mau chóng đến bờ kia
Trụ Bồ-đề quả Phật.

Này thiện nam! Bồ-tát đã tu hành các pháp như thế, lại có mười ba cách quán tu hành Nhẫn nhục ba-la-mật, được lợi ích lớn. Bồ-tát nên thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật.

Mười ba lơi ích của Nhẫn nhục ba-la-mật là gì?

1. Hạnh nhẫn tức là nhẫn nại, chịu đựng mọi buồn phiền, có khả năng chứng tất cả pháp không, cho nên Bồ-tát phải thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật.
2. Hạnh nhẫn là không thấy có ta bị người khác hại, cho nên Bồ-tát phải thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật.
3. Hạnh nhẫn là không thấy chúng sinh có kẻ thân người oán, cho nên Bồ-tát phải thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật.
4. Hạnh nhẫn là không thấy thân ta, người bị tổn hại, cho nên Bồ-tát phải thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật.
5. Hạnh nhẫn là khi bị người lăng nhục hay khen ngợi tâm thường không bị dao động, cho nên Bồ-tát phải thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật.
6. Hạnh nhẫn có thể đoạn trừ phiền não và các kết sử, cho nên Bồ-tát phải thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật.
7. Hạnh nhẫn có thể đoạn trừ sân hận và các kết sử, cho nên Bồ-tát phải thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật.
8. Hạnh nhẫn có thể đầy đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, cho nên Bồ-tát phải thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật.
9. Hạnh nhẫn là có khả năng từ bỏ con đường ác, sinh lên cảnh giới Phạm thiên, cho nên Bồ-tát phải thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật.
10. Hạnh nhẫn có thể vượt qua các cảnh giới tổn hại, cho nên Bồ-tát phải thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật.
11. Hạnh nhẫn có thể chứng đắc được Tận trí và Vô sinh trí, cho nên Bồ-tát phải thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật.
12. Hạnh nhẫn có khả năng thu phục tất cả ma ác ở các cảnh giới, cho nên Bồ-tát phải thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật.
13. Hạnh nhẫn có khả năng thấy thân Như Lai có vô lượng công đức trang nghiêm, cho nên Bồ-tát phải thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật.

Này thiện nam! Đó là mười ba cách quán chiếu, tu hành Nhẫn nhục ba-la-mật được lợi ích lớn, hồi hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của Đại Bồ-tát.

Khi ấy, Đức Thế Tôn liền dùng kệ khen ngợi Nhẫn nhục ba-lamật như sau:

Muốn vì các chúng sinh
Làm nơi về nương tựa
Khiến sinh tâm không sợ
Nhẫn nhuc là đệ nhất.
Người hay hành nhẫn nhục
Người thấy đều vui vẻ
Kẻ thù bỏ tâm ác
Xem nhau là bằng hữu.
Tất cả các Như Lai
Thành tựu tâm bình đẳng
Chỗ chúng sinh nương tựa
Đều do hành nhẫn vậy.
Vì thế, các Phật tử
Muốn cầu đạo Vô thượng
Để mọi loài nương tựa
Nên nhẫn nhục vững chắc.
Nếu Bồ-tát muốn nương
Tất cả Bồ-đề Phật
Nên quán các pháp không
Chúng sinh không thể đắc.
Hành nhẫn nhục như thế
Đầy đủ công Đức Phật
Vì thế, các Bồ-tát
Thường phải tu nhẫn nhục.
Nếu Bồ-tát tu nhẫn
Nên lìa hai biên kiến
Không thấy thân ta, người
Có kẻ mất người được,
Như Lai từ bi lớn
Khen ngợi quán như thế
Cho nên các Bồ-tát
Thường phải tu nhẫn nhục.
Nếu muốn được Tận trí
Diệt các sử phiền não
Tu nhẫn không hèn nhát
Tâm thương không phân biệt.
Quán các pháp như thế
Thành Nhẫn ba-la-mật
Cho nên các Bồ-tát
Thường phải tu nhẫn nhục.
Bồ-tát muốn trang nghiêm
Tướng tốt thân Như Lai
Lại sinh thế giới Phạm
Ra khỏi các đường ma
Vui hành hạnh nhẫn nhục
Tất cả đều thành tựu
Cho nên các Bồ-tát
Phải nhẫn nhục vững chắc.
Sức nhẫn nhục tối thượng
Không hạnh nào qua được
Tất cả các công đức
Đều trong hạnh nhẫn nhục
Lực bốn ma khó định
Sức nhẫn tiêu diệt nó
Cho nên các Bồ-tát
Thường phải tu nhẫn nhục.
*********
Này thiện nam! Bồ-tát lại có mười hai cách phát tâm dũng mãnh, tu hành Tinh tấn ba-la-mật, được lợi ích lớn. Bồ-tát nên thực hành Tinh tấn ba-la-mật.

Những gì là mười hai?

1. Tinh tấn có thể mau hiểu rõ những biển Phật pháp, nên Bồtát phải phát tâm dũng mãnh tu hành Tinh tấn ba-la-mật.
2. Tinh tấn có thể mau đến nơi của Đức Phật, nên Bồ-tát phải phát tâm dũng mãnh tu hành Tinh tấn ba-la-mật.
3. Tinh tấn có khả năng đi khắp mười phương cung kính cúng dường các Đức Phật, nên Bồ-tát phải phát tâm dũng mãnh tu hành Tinh tấn ba-la-mật.
4. Tinh tấn thì những việc làm của mình hay xứng hợp với ý của tất cả chư Phật, nên Bồ-tát phải phát tâm dũng mãnh tu hành Tinh tấn ba-la-mật.
5. Tinh tấn có thể chuyên cần giáo hóa tất cả chúng sinh, không sinh sự nhàm chán, nên Bồ-tát phải phát tâm dũng mãnh tu hành Tinh tấn ba-la-mật.
6. Tinh tấn có khả năng đưa chúng sinh vào trong pháp của chư Phật, đến thẳng cửa giải thoát, nên Bồ-tát phải phát tâm dũng mãnh tu hành Tinh tấn ba-la-mật.
7. Tinh tấn có thể mau chóng khiến cho tất cả chúng sinh lìa khỏi những ngu si, nên Bồ-tát phải phát tâm dũng mãnh tu hành Tinh tấn ba-la-mật.
8. Tinh tấn có thể nhanh chóng làm cho chúng sinh được trí tuệ của các Đức Phật, nên Bồ-tát phải phát tâm dũng mãnh tu hành Tinh tấn ba-la-mật.
9. Tinh tấn có thể nhanh chóng tâm thanh tịnh các cõi Phật, nên Bồ-tát phải phát tâm dũng mãnh tu hanh Tinh tấn ba-la-mật.
10. Thực hành tinh tấn, có thể lập nguyện đến hết tất cả kiếp số tận đời vị lai, vì tất cả chúng sinh thực hành Bồ-tát hạnh, không sinh tâm mệt mỏi hay từ bỏ, nên Bồ-tát phải phát tâm dũng mãnh tu hành Tinh tấn ba-la-mật.
11. Tinh tấn có khả năng chỉ trong một niệm đi đến khắp các cõi Phật gieo trồng các căn lành, cho nên Bồ-tát phải phát tâm dũng mãnh tu hành Tinh tấn ba-la-mật.
12. Thực hành tinh tấn có khả năng đi đến khắp các cõi Phật, thành đạo Vô thượng, xoay chuyển bánh xe đại pháp, nên Bồ-tát phải phát tâm dũng mãnh tu hành Tinh tấn ba-la-mật.

Này thiện nam! Đó là mười hai cách phát tâm dũng mãnh tu hành Tinh tấn ba-la-mật, được lợi ích lớn, hồi hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của Đại Bồ-tát.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền dùng kệ khen ngợi hạnh Tinh tấn ba-la-mật như sau:

Nếu muốn vì chúng sinh
Tu hành hạnh Bồ-tát
Mau thành đạo Vô thượng
Tinh tấn là đệ nhất.
Như Lai vô lượng kiếp
Đã tu các hạnh khổ
Tất cả đều nhẫn nhục
Không sinh sợ hãi vậy.
Vì thế, các Phật tử!
Muốn mau thành Phật đạo
Luôn siêng năng tu hành
Tinh tấn ba-la-mật.
Bồ-tát hành tinh tấn
Mau đến chỗ thù thắng
Trải qua trăm ngàn nước
Cúng dường hầu chư Phật.
Bồ-tát cầu Đại thừa
Vì dứt khổ chúng sinh
Tu hành đạo Bồ-tát,
Vững chắc không lay chuyển,
Vô số trăm ngàn kiếp
Luôn vì các chúng sinh
Chịu khổ không lười biếng
Đều do tinh tấn vậy.
Ta nguyện thường tinh tấn
Làm thanh tịnh cõi Phật
Kế đến nguyện hiểu rõ
Tất cả pháp chư Phật
Biến khắp các cõi Phật
Chuyển xe lớn diệu pháp
Nguyện các loài chúng sinh
Tất cả đều hiểu biết,
Vào hết trong Đại thừa
Lìa thừa khác, cõi ma
Đầy đủ các nguyện lớn
Mau đến chỗ vô úy.
Bồ-tát tinh tấn thế
Chỉ ở trong một niệm
Ngộ pháp lớn Bồ-đề
Khai mở cửa Niết-bàn,
Hóa làm vô số thân
Biến khắp mười phương cõi
Vì lợi ích chúng sinh
Chỉ dạy việc thù thắng.

Này thiện nam! Bồ-tát lại có mười hai cách quán hạnh Thiền ba-la-mật, được lợi ích lớn. Vậy, Bồ-tát nên tu Thiền ba-la-mật.

Những gì là mười hai?

1. Thiền định có khả năng diệt trừ tất cả những cấu nhiễm phiền não, Bồ-tát nên tu Thiền ba-la-mật, luôn luôn không có tâm phân biệt.
2. Thiền định tâm trụ nơi vắng lặng, niệm không tán loạn, Bồtát nên tu Thiền ba-la-mật, không chấp các cảnh giới.
3. Thiền định tâm không chấp trước, đầy đủ các hạnh, Bồ-tát nên học Thiền ba-la-mật vì có khả năng vượt qua ba cõi.
4. Thiền định có thể vượt ra khỏi thế gian, không chấp vào các cõi, Bồ-tát nên tu Thiền ba-la-mật để vượt qua thế gian.
5. Thiền định có thể quán chiếu pháp thù thắng, tâm không mệt mỏi, Bồ-tát nên tu Thiền ba-la-mật không bao giờ cho là đầy đủ.
6. Thiền định được nhu hòa, tự tại, nhưng không lệ thuộc vào các thiền, Bồ-tát nên tu Thiền ba-la-mật, tự tại thay đổi các bậc thiền.
7. Thiền định đạt được tâm vô tướng, không thấy các vật, Bồtát nên tu Thiền ba-la-mật để lìa các tướng.
8. Thiền định tâm được trong sáng, thấu tỏ vô số cảnh giới, Bồtát phải tu Thiền ba-la-mật, để vượt qua các Tam-muội hữu lượng và vượt các điều đáng chê trách.
9. Thiền định có khả năng chấm dứt tâm quán, không thấy có năng quán, Bồ-tát phải tu Thiền ba-la-mật vì được tâm vắng lặng.
10. Thiền định chứng được tâm điều hòa, diệt các giác và quán, các căn không còn dao động, Bồ-tát phải tu Thiền ba-la-mật, vì đắc được tâm điều phục.
11. Thiền định thì tâm được tịch diệt, nhất quán, các căn không dao động, Bồ-tát phải tu Thiền ba-la-mật vì nó chế ngự được những căn bất thiện.
12. Thiền định thì tâm đối với các pháp co được phương tiện lớn, Bồ-tát phải tu Thiền ba-la-mật, vì không xả tâm đại Bồ-đề. Vì sao? Vì các Bồ-tát luôn ở trong Thiền định ba-la-mật thì không phát khởi tâm kiêu mạn; vì ở trong Thiền định ba-la-mật thì không khởi tâm tà kiến; vì ở trong Thiền định ba-la-mật thì không khởi tâm thương ghét. Vì thế, các vị Bồ-tát có thể học và hàng phục tất cả thiền định của Thanh văn, Bích-chi-phật, ngoại đạo phạm hạnh để đưa vào thiền Tam-muội.

Này thiện nam! Đó là mười hai cách tu hành Thiền định ba-lamật, được lợi ích lớn, hồi hướng về quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của Đại Bồ-tát.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền dùng kệ ca ngợi Thiền ba-la-mật như sau:

Muốn tu trí vô lậu
Ra khỏi bùn lầy dục
Diệt trừ các nghiệp chướng
Thiền định là đệ nhất.
Thiền định khó nghĩ bàn
Là cảnh giới chư Phật
Nhị thừa, các phàm phu
Tam-muội không thể biết.
Đất lớn các núi biển
Kiếp lửa có thiêu hết
Nếu tâm trụ thiền định
An ổn không tổn hại,
Mặt trời tuệ của Phật
Ngọc ma-ni vô lậu
Không từ nơi khác sinh
Sinh từ biển thiền định,
Cho nên các Phật tử
Cầu báu đại trí Phật
Nên trừ tâm tán loạn
Niệm Thiền Ba-la-mật.
Thiền định các Bồ-tát
Diệt trừ những phiền não
Cho nên người trí nói
Tu thiền là bậc nhất.
Tâm sâu thường vắng lặng
Không thích các cảnh giới
Hay gồm những loạn tâm
Trụ nơi thắng Niết-bàn,
Bồ-tát tu thiền định
Không sinh trong tam giới
Cho nên không dựa vào
Không phải chỗ nương ở,
Thiền, Bồ-tát vượt qua
Thế gian xuất thế gian
Bởi thế, thắng Tam-muội
Vượt thế gian Nhị thừa.
Vì thế, xoay chuyển qua
Sinh ở trong cõi Dục
Thiền của Bồ-tát tu
Hơn hẳn mọi thù thắng,
Các thừa chẳng cứu cánh
Nên Phật nói thù thắng
Lìa các tướng chúng sinh
Và lìa các pháp nhơ.
Cho nên, các Bồ-tát
Tu thiền định thù thắng
Chinh phục thiền định khác
Và các thiền nông cạn
Bồ-tát một mực quán
Thanh tịnh các cảnh giới
Tu thiền định như vậy
Từ phương tiện tuệ sinh,
Chánh trí làm căn bản
Không khởi tâm tà kiến
Cho nên thiền Bồ-tát
Không thể nào nghi ngờ.
Bồ-tát nhập thiền định
Không trụ có và không
Vì quán thật cảnh vậy
Hay lìa tướng có, không,
Thiền thắng trí như thế
Không giống cảnh giới khác
Tuệ La-hán, Bích-chi
Không thể so sánh được.

Này thiện nam! Bồ-tát lại có mười hai cách quán tu hành Bátnhã ba-la-mật, được lợi ích lớn. Vậy, Bồ-tát nên tu Bát-nhã ba-lamật.

Những gì là mười hai?

1. Bát-nhã có thể xa lìa nhơ bẩn, phát ra ánh sáng, Bồ-tát nên tu Tue ba-la-mật vì có khả năng lìa các pháp đen tối.
2. Tu Bát-nhã chắc chắn hiểu rõ một cách thông suốt về những điều mờ mịt, chướng ngại, Bồ-tát nên tu Tuệ ba-la-mật, vì hay chiếu sáng, dẹp sạch rừng phiền não.
3. Bát-nhã có thể phóng ra ánh sáng trí tuệ, Bồ-tát nên tu Tuệ ba-la-mật, vì xa lìa tất cả các điều không trí tuệ.
4. Bát-nhã như cày ruộng diệt trừ các loại cỏ xấu, Bồ-tát nên tu Tuệ ba-la-mật, vì có khả năng nhổ sạch gốc rễ vô minh.
5. Bát-nhã như chiếc móc sắt sắc bén, tùy ý móc rách Bồ-tát nên tu Tuệ ba-la-mật, vì có khả năng móc sạch các lưới ái dục.
6. Bát-nhã như chày Kim cang không bị các vật làm hư hoại, Bồ-tát phải tu Tuệ ba-la-mật, vì có khả năng đập nát núi phiền não.
7. Bát-nhã như vầng mặt trời lớn, vượt ra khỏi những đám mây che lấp, Bồ-tát nên tu Tuệ ba-la-mật, vì có khả năng làm khô cạn tất cả các bùn ướt phiền não.
8. Bát-nhã như đống lửa lớn thiêu đốt những cỏ xấu, Bồ-tát nên tu Tuệ ba-la-mật, vì có khả năng thiêu đốt rừng cây phiền não.
9. Bát-nhã như ngọc Ma-ni chiếu sáng khắp tất cả, Bồ-tát phải tu Tuệ ba-la-mật, vì tâm không tối tăm, không mê mờ các pháp.
10. Bát-nhã có thể trụ ở địa vị chân thật hoàn toàn tịch diệt, Bồ-tát phải nên tu Tuệ ba-la-mật, vì không có sở hữu.
11. Bát-nhã diệt trừ các hình tướng, tâm không phân biệt, Bồtát nên tu Tuệ ba-la-mật vì không có hình tướng vậy.
12. Bát-nhã có thể thành mà không nguyện, tâm không cầu khoái lạc, Bồ-tát phải tu Tuệ ba-la-mật, vì vượt qua ba cõi vậy.

Này thiện nam! Đó gọi là mười hai cách tu hành Trí tuệ ba-lamật, được lợi ích lớn của Đại Bồ-tát.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ ca ngợi Trí tuệ ba-la-mật:

Rốt ráo đoạn các hữu
An ổn vào Niết-bàn
Trong các Ba-la-mật
Trí tuệ là đệ nhất.
Như ngọn đèn thế gian
Phá tan các bóng tối
Như ngọn lửa bốc cao
Quán tối thắng trong đời,
Tất cả Đức Như Lai
Ra khỏi nghiệp sinh tử
Thu phục bốn chúng ma
Trí tuệ là mãnh tướng.
Nếu các Phật tử muốn
Tự lợi và lợi tha
Thường phải siêng tu nghiệp
Bát-nhã ba-la-mật,
Giống như người cày đất
Hay trừ các cỏ xấu
Trí diệt cỏ ngu, ái
Như người cày sạch đất.
Chày Kim cang Đế Thích
Diệt A-tu-la ác
Trí phá núi phiền não
Hoại sạch cũng như thế,
Tất cả Đức Như Lai
Nói năng lực trí tuệ
Như trăng vào mùa hạ
Cũng như đèn thế gian,
Khô cạn biển phiền não
Chiếu trừ tối vô minh
Vì thế vượt thế gian
Ngọn lửa sáng vô lậu,
Trí tuệ hay chặt đứt
Cây vô minh tăm tối
Như cây dao sắc bén
Cắt tiệt các cỏ xấu,
Trí như ngọc ma-ni
Bình đẳng chiếu thế gian
Như không chẳng phân biệt
Không trụ cõi Niết-bàn,
Trí tuệ tâm tự tại
Quyết định ở tất cả
Đoạn trừ các nghi hối
Dứt hẳn các hoài nghi,
Nói nghiệp ác thế gian
Và nêu quả Niết-bàn
Thấy khắp các chúng sinh
Như tối thấy ánh sáng,
Chư Phật mặt trăng sáng
Hiện thấy các pháp tướng
Các Bồ-tát cũng vậy
Tu tập trí vô cấu,
Như đi đêm cầm đuốc
Đến đâu đều sáng cả
Trong sinh tử tối tăm
Tuệ sáng vượt qua khỏi.

Này thiện nam! Bồ-tát lại có mười hai cảnh giới tu hành phương tiện sẽ được lợi ích lớn. Vì thế, Bồ-tát phải tu Phương tiện ba-la-mật.

Những gì là mười hai?

1. Phương tiện không lìa cảnh giới Niết-bàn thanh tịnh mà vẫn thị hiện trong các cảnh giới dơ uế của thế gian, vì thế Bồ-tát phải tu Phương tiện ba-la-mật.
2. Phương tiện không xa lìa một cảnh giới vắng lặng nào, nhưng vẫn thị hiện trong cảnh giới quen náo nhiệt của thế gian, cho nên Bồ-tát phải tu Phương tiện ba-la-mật.
3. Phương tiện không xa lìa cảnh giới thiền định sâu xa mà vẫn thị hiện ở cảnh giới cung vua trong thế gian, cho nên Bồ-tát phải tu Phương tiện ba-la-mật.
4. Phương tiện không lìa cảnh giới vô công dụng thanh tịnh, mà vẫn thị hiện trong cảnh giới có hoạt động ở thế gian, nên Bồ-tát phải tu Phương tiện ba-la-mật.
5. Phương tiện không lìa cảnh giới chân thật vô sinh nhưng lại thị hiện ở nơi các cảnh giới, sinh đấy chết kia, chết đấy sinh kia của thế gian, cho nên Bồ-tát phải tu Phương tiện ba-la-mật.
6. Phương tiện có khả năng vượt qua tất cả cảnh giới bốn ma nhưng vẫn thị hiện trong đó để thu phục ma ở thế gian, cho nên Bồtát phải tu Phương tiện ba-la-mật.
7. Phương tiện không lìa tất cả cảnh giới Thánh nhân mà vẫn thị hiện ở cảnh giới phàm phu ở thế gian, nên Bồ-tát phải tu Phương tiện ba-la-mật.
8. Phương tiện không rời cảnh giới xuất thế gian mà vẫn hiện diện trong các cảnh giới của thế gian, cho nên Bồ-tát phải tu Phương tiện ba-la-mật.
9. Phương tiện không lìa các cảnh giới trí tuệ mà vẫn thị hiện trong cảnh giới vô trí ở thế gian, nên Bồ-tát phải tu Phương tiện bala-mật.
10. Phương tiện không lìa thế giới thật tế của Bồ-tát mà vẫn thị hiện ở các cảnh giới Thanh văn, Duyên giác, cho nên Bồ-tát phải tu Phương tiện ba-la-mật.
11. Phương tiện là có năng lực khéo biết tất cả các pháp đều vô tướng nhưng vẫn thị hiện ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp để giáo hóa chúng sinh, cho nên Bồ-tát phải tu Phương tiện ba-la-mật.
12. Phương tiện có năng lực đi vào các cảnh giới ma bình đẳng mà vẫn có thể thị hiện các cảnh giới ma, nên Bồ-tát phải tu Phương tiện ba-la-mật.

Này thiện nam! Đó là mười hai Phương tiện ba-la-mật mà Bồtát trụ ở trong đó thì được lợi ích lớn.

Khi ấy, Đức Thế Tôn liền nói kệ ca ngợi Phương tiện ba-la-mật như sau:

Tất cả những Bồ-tát
Hành các Ba-la-mật
Nếu không có phương tiện
Không thể đến bờ kia
Tự lợi và lợi tha
Ở đời và Niết-bàn
Không tịnh nhiễm như thế
Đều do phương tiện cả.
Tất cả Đức Như Lai
Các cảnh giới hành động
Nhị thừa chẳng nghĩ bàn
Đều do sức phương tiện.
Vì thế, các Phật tử
Muốn hành việc Như Lai
Thường siêng năng tu hành
Phương tiện ba-la-mật
Bồ-tát luôn thanh tịnh
Phương tiện giúp chúng sinh
Thật không các dục cấu
Thị hiện làm hạnh xấu
Tắm trong ao Niết-bàn
Phương tiện hiện các cõi
Gọi là các Bồ-tát
Không trụ ở hai biên.
Thường giữ thân, khẩu, ý
Vắng lặng nghĩa đệ nhất
Vì lợi ích chúng sinh
Phương tiện đồng thế gian
Như ong vào vườn hoa
Không chỉ hút một hoa
Bồ-tát hành phương tiện
Tất cả các cảnh giới.
Hoặc hiện các loại tướng
Tuyệt đẹp trang nghiêm thân
Khắp trong các cung nữ
Thực hành hạnh phóng dật
Hoặc hiện ở địa ngục
Cứu khổ các chúng sinh
Tuy hiện tướng như vậy
Thường không bỏ thiền định,
Không xả các Tam-muội
Mà hiện trong tán loạn
Thị hiện hành tổn hại
Chính là sức phương tiện.
Bồ-tát đã lìa xa
Tất cả hạnh hữu vi
Nhưng trong hữu và vô
Cũng không tâm phân biệt
Lìa hiện hành các nhiễm
Không sinh lửa dâm dục
Thị hiện trong phương tiện
Phân biệt tướng hữu vi.
Bồ-tát trong các cõi
Không sinh cũng không mất
Thị hiện việc sinh mất
Sức trí phương tiện vậy
Từ bỏ chốn ma nghiệp
Ở trong cảnh giới Phật
Trí tuệ không khiếp sợ
Thị hiện các việc ma.
Bồ-tát sức đại Bi
Trí phương tiện nhanh chóng
Trụ nơi Thánh Vô thượng
Nhưng hiện việc phàm phu
Do nhập tướng các pháp
Biết thể các pháp không
Thường ở nơi Niết-bàn
Mà không bỏ thế gian
Tự thể các pháp không
Vắng lặng không tướng trạng
Vì lợi ích chúng sinh
Thân trang nghiêm tướng tốt
Không ngu hiện không trí
Không giận hiện không thương
Để lợi ích chúng sinh
Chính đó là phương tiện.
Các vị Đại Bồ-tát
An trụ vào nơi ấy
Đó gọi là Thánh nhân
Hiện các loại phương tiện.

Lại nữa, thiện nam! Như Lai Ứng Chánh Biến Tri cũng có phương tiện, các ông phải nên biết. Vì sao? Này thiện nam! Các Đức Phật Như Lai có mười hai công đức thù thắng vi diệu, giống như đề hồ đối với các vị thì ngon bổ hơn cả, là vị hàng đầu có thể làm tịnh tất cả cõi của chư Phật. Như Lai ở trong ấy thành tựu Bồ-đề giải thoát vô thượng.

Những gì là mười hai?

1. Thị hiện kiếp xấu xa.
2. Thị hiện thời gian xấu xa.
3. Thị hiện chúng sinh xấu xa.
4. Thị hiện phiền não vẩn đục.
5. Thị hiện mạng sống xấu xa.
6. Thị hiện ba thừa khác nhau xấu xa.
7. Thị hiện cõi Phật bất tịnh xấu xa.
8. Thị hiện chúng sinh xấu xa khó giáo hóa.
9. Thị hiện nói các loại phiền não xấu xa.
10. Thị hiện ngoại đạo xấu xa, lộn xộn.
11. Thị hiện ma xấu xa.
12. Thị hiện nghiệp ma xấu xa.

Này thiện nam! Tất cả quốc độ của chư Phật đều là công đức xuất thế trang nghiêm đầy đủ thanh tịnh, không có các thứ xấu xa. Như lỗi lầm này đều do năng lực phương tiện của các Đức Phật thị hiện để làm lợi ích cho chúng sinh. Các ông nên biết như vậy!

Lúc bấy giờ, Thánh giả Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử bạch Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Như Lai Ứng Cúng Chanh Biến Tri nói về mười hai cõi Phật có công đức thanh tịnh tối thắng này. Vậy thì, Như Lai đang ở cõi nào để thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?

Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Một là, chúng sinh ở cõi Phật kia hoàn toàn thành kiếp thanh tịnh tối thắng, xa lìa các kiếp xấu xa và có đầy đủ công đức. Cõi thanh tịnh như thế, Như Lai ở trong ấy thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Hai là, chúng sinh ở cõi Phật kia hoàn toàn thành tựu thời gian tối thắng vi diệu, hành theo pháp của chư Phật không mất thời tiết. Cõi sạch như vậy, Như Lai ở trong ấy thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Ba là, chúng sinh ở cõi Phật, kia đã hoàn toàn thành tựu pháp khí tối thắng, nhận lấy Chánh giác của Đức Phật. Cõi tịnh như thế, Như Lai ở trong ấy thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Bốn là, chúng sinh ở cõi Phật kia hoàn toàn thành tựu biển trí trong sạch tuyệt đẹp, làm thanh tịnh tất cả các phiền não xấu xa. Cõi tịnh như thế, Như Lai ở trong ấy thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Năm là, chúng sinh ở cõi Phật kia hoàn toàn có khả năng thành tựu tâm nhu hòa, ở trong đó thường là các chúng sinh đã được thu phục. Cõi tịnh như vậy, Như Lai ở trong ấy thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Sáu là, chúng sinh ở cõi Phật kia đã hoàn toàn thành tựu cỗ xe tối thắng vi diệu, có thể dùng cứu cánh Nhất thừa đạt Niết-bàn Vô thượng. Cõi tịnh như vậy, Như Lai ở trong ấy thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Bảy là, chúng sinh ở cõi Phật kia hoàn toàn thành tựu khí thế gian thù thắng, không có các tướng trạng khác. Cõi tịnh như vậy, Như Lai ở trong ấy thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Tám là, chúng sinh ở cõi Phật kia hoàn toàn thành tựu Chánh giáo của Như Lai, không có các pháp tà của ngoại đạo. Cõi tịnh như vậy, Như Lai ở trong ấy thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Chín là, chúng sinh ở cõi Phật kia đã hoàn toàn thành tựu tâm ngay thẳng, không quanh co. Cõi tịnh như vậy, Như Lai ở trong ấy thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Mười là, chúng sinh ở cõi Phật kia hoàn toàn thành tựu công đức không cấu uế, thành tựu tất cả pháp thắng thanh tịnh. Cõi tịnh như vậy, Như Lai ở trong ấy thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Mười một là, chúng sinh của cõi Phật kia hoàn toàn thành tựu các pháp Thánh nhân, ở trong ấy luôn có những ruộng phước thù thắng. Cõi tịnh như vậy, Như Lai ở trong ấy thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Mười hai là, chúng sinh của cõi Phật kia rốt ráo thành tựu đạo tràng thắng diệu mà chư Phật trong quá khứ đã thành đạo ở đó. Cõi tịnh như vậy, Như Lai ở trong ấy thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Văn-thù-sư-lợi! Đó là mười hai công đức tối thắng, thanh tịnh cõi Phật. Cõi tịnh như vậy, Như Lai ở trong ấy thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Văn-thù-sư-lợi! Cõi Phật của ta không nói về sự sai biệt của Thanh văn hay Bích-chi-phật… Vì sao? Vì chư Phật Như Lai đã xa lìa những lỗi lầm chấp tướng.

Này Văn-thù-sư-lợi! Nếu Như Lai nói pháp Đại thừa cho một loại chúng sinh, nói Duyên giác thừa cho một loại chúng sinh, nói Thanh văn thừa cho một loại chúng sinh. Nói như thế thì Như Lai đã có tâm không thanh tịnh, Như Lai có tâm không bình đẳng, Như Lai có tâm đấu tránh lỗi lầm, Như Lai có tâm không từ bi bình đẳng, Như Lai có tâm các tướng lỗi lầm, Như Lai đối với các pháp sinh tâm keo kiệt.

Này Văn-thù-sư-lợi! Ta đã nói những pháp gì cho chúng sinh, thì tất cả những pháp ấy đều tùy thuận Bồ-đề, tùy thuận Đại thừa mà giữ lấy Nhất thiết trí. Nhất định hoàn toàn đến một nơi, nghĩa là đi đến chỗ Nhất thiết trí.

Này Văn-thù-sư-lợi! Vì thế cõi của ta không có thừa sai khác.

Lúc bấy giờ, Thánh giả Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử bạch Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nếu không có ba thừa khác nhau thì tại sao Đức Như Lai nói pháp ba thừa cho chúng sinh, và cho rằng: “Thanh văn học thừa này, Duyên giác học thừa này và Bồ-tát học thừa này?”

Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

–Chư Phật Như Lai nói ba thừa là chỉ bày quả vị khác nhau chứ chẳng phải thừa khác nhau. Chư Phật Như Lai nói ba thừa là nói pháp tướng khác nhau, chẳng phải thừa khác nhau. Chư Phật Như Lai nói ba thừa là nói người khác nhau, chẳng phải thừa khác nhau. Chư Phật Như Lai nói ba thừa là chỉ bày ít công đức và biết nhiều công đức, nhưng Phật pháp thì không có thừa khác nhau. Vì sao? Vì tánh pháp giới vốn không có sự khác nhau.

Này Văn-thù-sư-lợi! Chư Phật Như Lai nói ba thừa để khiến cho các chúng sinh đều được đi vào pháp môn của chư Phật Như Lai, làm cho các chúng sinh dần dần đi vào pháp môn Đại thừa của Như Lai, cũng như người học nghề phải theo thứ tự để luyện tập.

Này Văn-thù-sư-lợi! Như thợ bắn cung đối với sự hiểu biết về bắn cung đã hoàn toàn đạt đến tài bắn cung số một và có thể dùng vô số phương pháp để dạy những đệ tử, khiến tất cả hoàn toàn có khả năng hiểu biết như mình.

Này Văn-thù-sư-lợi! Cũng vậy, Như Lai như thợ bắn cung, ở trong các pháp đều hoàn toàn đến bờ kia. Như Lai liền dùng Nhất thiết trí phân biệt để nói, để chỉ dạy các chúng sinh ở ba thừa khác nhau, như người thợ bắn cung dạy các đệ tử.

Này Văn-thù-sư-lợi! Như một đóm lửa nhỏ của đống lửa lớn, nó dần dần lớn lên lan khắp cả thế giới, cho đến thành một kiếp lửa thiêu đốt. Văn-thù-sư-lợi! Lửa trí tuệ của Như Lai cũng như vậy. Tánh sáng suốt của trí kia dần dần tăng trưởng thành tựu tất cả ánh sáng tri kiến của đại trí Như Lai. Ánh sáng đại trí có thể đốt cháy tất cả các phiền não xấu xa.

Này Văn-thù-sư-lợi! Như các núi lớn Tu-di không có tâm phân biệt, chúng sinh đến đó đều đồng một màu sắc, đó là màu vàng. Này Văn-thù-sư-lợi! Cũng vậy, vua núi Tu-di Như Lai Thế Tôn Vô thượng đại trí đối với các chúng sinh không có tâm phân biệt. Nếu chúng sinh nào vào pháp của Đức Phật thì những chúng sinh ấy đều thành một màu sắc, đó là màu sắc vi diệu Nhất thiết chủng trí.

Này Văn-thù-sư-lợi! Như ngọc báu ma-ni Nhân-đà-la có màu xanh trong sạch vi diệu; đem nó đặt trong tất cả vật đựng ở trong thế giới. Tất cả các màu sắc tướng trạng trong những cảnh giới có đặt ngọc ma-ni kia, do năng lực của ngọc ma-ni đều trở thành một màu, đó là màu xanh. Này Văn-thù-sư-lợi! Cũng vậy, Như Lai Thế Tôn như là ngọc báu ma-ni màu xanh vô thượng, trí tuệ sáng suốt, khi chiếu đến thì chúng sinh đều đồng một màu sắc, đó là màu sắc Nhất thiết chủng trí.

Này Văn-thù-sư-lợi! Ví như biển lớn, nước từ vô lượng trăm ngàn con sông chảy vào đó. Khi chảy vào biển rồi thì tất cả đều đồng một vị mặn và giữ nguyên như vậy. Văn-thù-sư-lợi! Nước trong biển lớn như là Nhất thiết trí tuệ của Như Lai, còn nước từ những con sông chảy vao biển tượng trưng cho Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát. Khi chảy vào biển thì tất cả đều đồng một vị mặn gọi là Nhất thừa, thường trụ gọi là Nhất thiết chủng trí không phân biệt.

Này Văn-thù-sư-lợi! Căn cứ vào nghĩa này, ông nên biết không có thừa khác nhau.

Này Văn-thù-sư-lợi! Bởi thế, Đức Phật nói quả vị khác nhau là nhằm chỉ cho các chúng sinh tu tập trong ba thừa rồi thứ tự đi vào. Nói pháp tướng sai biệt là chỉ dạy cho chúng sinh về Như Lai chủng trí để thứ tự đi vào. Nói ít công đức, biết nhiều công đức là chỉ cho các chúng sinh có ba hạng khác nhau, chỉ dạy Như Lai phương tiện nhanh chóng bằng biện tài không ngăn ngại.

Này Văn-thù-sư-lợi! Chư Phật Như Lai dựa vào Tục đế để nói ba thừa, chư Phật Như Lai dựa vào Đệ nhất nghĩa đế để nói Nhất thừa; nhưng Đệ nhất nghĩa chỉ là Nhất thừa, không có thừa thứ hai.

Này Văn-thù-sư-lợi! Ngoại đạo ở cõi Phật ta như là Tăngkhư, Tỳ-thế-sư, Già-lê-ca Ni-kiền Tử… đều là do phương tiện của các Đức Như Lai, đều là thần lực của Như Lai muốn hộ trì thế gian mà hiện ra. Vì sao? Vì các Đức Như Lai khéo trừ tất cả các oán thù.

Này Văn-thù-sư-lợi! Chư Phật Như Lai được gọi là Thiện Thệ. Nếu có oán thù thì không được địa vị ấy.

Này Văn-thù-sư-lợi! Ví như vua Chuyển luân thánh vương trong thế gian, chỉ thành tựu một phần nhỏ công đức thiện căn, căn lành đoạn dứt, chẳng phải pháp cứu cánh, vẫn còn đầy đủ tất cả tham, sân, si…, các kết phiền não, không lìa ba cõi, không từ bỏ tất cả sử phiền não, không lìa tất cả cấu nhiễm phiền não. Vua Chuyển luân kia van hoàn toàn không có những oán đối, rốt ráo không có những kẻ thù. Vì sao? Vì vua Chuyển luân không còn oán thù.

Này Văn-thù-sư-lợi! Huống nữa Như Lai đã thành tựu tất cả công đức trí tuệ, đạt đến tâm đại Từ, đại Bi không gián đoạn, hành động nơi pháp giới hư không vô lậu, đầy đủ các công đức thiện của bảy Giác chi, rốt ráo thành tựu pháp không quên mất, và có khả năng vận chuyển bánh xe chánh pháp vi diệu vô thượng, hoàn toàn thành tựu Bồ-đề vô thượng mà lại còn có những gai nhọn của ma oán, đâm chém của kẻ thù, thì không thể có.

Này Văn-thù-sư-lợi! Những ngoại đạo ở cõi Phật này như Tăng-khư, Tỳ-thế-sư, Già-lê-ca Ni-kiền Tử… sở dĩ có là đều do năng lực giữ gìn của Như Lai mà phương tiện hiện.

Này Văn-thù-sư-lợi! Những thiện nam tử ngoại đạo này, tuy thực hành các tướng của Nhị thừa, nhưng đều đồng Phật pháp, cùng đi qua một chiếc cầu, không có một con đường nào khác.

Này Văn-thù-sư-lợi! Tất cả cầm thú không thể đứng rống trước sư tử chúa. Văn-thù-sư-lợi! Như Lai là Sư tử chúa Đại trượng phu, đầy đủ mười Lực, bốn Vô sở úy. Tất cả ngoại đạo Ni-kiền Tử không co một ai dám ở trong cảnh giới Như Lai tranh luận phải trái với Phật Thế Tôn để rống lên tiếng rống Sư tử, đó là điều không thể có. Chỉ trừ khi năng lực phương tiện của các Đức Như Lai thị hiện mà thôi!

Này Văn-thù-sư-lợi! Ví như mặt trời mọc lên tỏa ánh sáng lớn bao trùm khắp nơi, tất cả những ánh sáng của những loài côn trùng, đom đóm đều lụi tắt; tất cả ánh sáng ngọc ma-ni và ánh sáng của lửa đều không xuất hiện.

Văn-thù-sư-lợi! Như Lai xuất hiện ở thế gian, phóng ánh sáng mặt trời đại trí tuệ thì các ánh sáng trí tuệ đom đóm của các ngoại đạo Ni-kiền Tử đều lụi tắt không thể xuất hiện.

Này Văn-thù-sư-lợi! Ví như sắt chúa tên là A-tắc-kiền-đà. Ở chỗ nào các thứ sắt phàm đều không dám ở. Vì sao? Vì tướng nó riêng biệt nên không cùng chung một chỗ với sắt phàm. Văn-thùsư-lợi! Cũng vậy, Như Lai như sắt chúa xuất hiện ở thế gian; dù bất cứ quốc độ nào thì tất cả sắt phàm phu ngoại đạo đều không phát sinh được. Vì sao? Vì chư Phật Như Lai có tướng xuất thế riêng biệt.

Này Văn-thù-sư-lợi! Bất cứ ở nơi nào có ngọc báu ma-ni Như ý xuất hiện thì ở nơi đó không sinh những ngọc lưu ly giả. Văn-thù-sưlợi! Như Lai chúa như ngọc báu Như ý đại trí xuất hiện ở thế gian, dù bất cứ quốc độ nào thì nơi ấy đều không phát sinh ngoại đạo.

Này Văn-thù-sư-lợi! Ví như những vật báu nào mà được làm ra từ vàng ròng thì nơi ấy không thể lấy ra các loại đồng sắt… Văn-thùsư-lợi! Cũng vậy, bảo tánh của Như Lai xuất hiện ở thế gian, dù ở bất cứ quốc độ nào thì nơi ấy không thể phát sinh ngoại đạo.

Này Văn-thù-sư-lợi! Căn cứ vào nghĩa này, ông nên biết, Như Lai xuất hiện ở thế gian, dù ở quốc độ nào thì nơi đó ngoại đạo không xuất hiện. Vì sao? Văn-thù-sư-lợi! Quốc độ của ta sở dĩ có các ngoại đạo Ni-kiền Tử là đều do năng lực bảo trì của Như Lai, để muốn chỉ bày cảnh giới phương tiện chẳng thể nghĩ bàn. Vì sao? Vì những ngoại đạo này đều ở trong pháp môn giải thoát chẳng thể nghĩ bàn, đều là môn trí cứu cánh Bát-nhã ba-la-mật; tất cả đều được năng lực lớn phương tiện tự tại, nhanh chóng; tất cả được niệm không lìa bỏ Phật, Pháp, Tăng; tất cả đều rốt ráo đến bờ kia, dùng thần lực lớn giáo hóa chúng sinh; tất cả đều được Như Lai trợ giúp năng lực giáo hóa chúng sinh.

Khi Như Lai nói pháp môn Nhất thừa này, có tám ngàn Thiên tử nương vào hạnh Thanh văn được Nhất thừa, rồi phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Năm trăm Tỳ-kheo được ở trong Tam-muội, ngọn đuốc sáng Nhất thưa bình đẳng đại trí. Một ngàn hai trăm vạn Bồ-tát được Vô sinh nhẫn. Tam thiên đại thiên thế giới này đều chấn động sáu cách. Tất cả chư Thiên ở giữa hư không mưa xuống hoa trời Ưu-bát-la, hoa Bát-đầu-ma, hoa Câu-mâu-đầu, hoa Phân-đà-lợi; mưa xuống hương bột Chiên-đàn của cõi trời; tất cả đều đầy khắp dưới chân Như Lai. Vô lượng trăm ngàn Thiên tử ở giữa hư không tấu lên trăm ngàn loại âm nhạc, phát ra những âm thanh thật vi diệu cung dường Như Lai. Lại mưa xuống những tấm vãi thượng diệu, đánh các loại trống trời và thưa rằng:

–Chúng con ở trong thế gian chưa từng được nghe pháp môn hy hữu tối thắng thượng diệu này.

Rồi bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nguyện xin pháp môn này mãi mãi ở trong cõi Diêm-phù-đề để tất cả chúng sinh được lợi ích lớn.

Tám ngàn Tỳ-kheo-ni, mỗi người tự cởi Thượng y trên thân cúng dường Như Lai.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Văn-thù, ông nên biết
Thắng phương tiện của Phật
Ta ra đời thuyết pháp
Phương tiện hiện thời trược
Tất cả thời có pháp
Rốt ráo thường thanh tịnh
Tùy chúng sinh nhận pháp
Nên hiện chúng sinh trược
Chư Phật, Bậc Thắng Trí
Xuất hiện kiếp vi diệu
Quốc độ thường thanh tịnh
Cho nên nói không trược
Ta ở vô lượng kiếp
Tu đủ các khổ hạnh
Thanh tịnh các nghiệp chướng
Được công đức thắng trí
Ở trong vô lượng kiếp
Tuổi thọ không cùng tận
Ngoài sức phương tiện Phật
Thì không có mạng trược
Chúng sinh khởi tưởng thường
Nên ta hiện vô thường
Vì sống vô số kiếp
Thị hiện tướng đoản thọ
Như Lai công đức thắng
Tu từ vô lượng kiếp
Chúng sinh phước mỏng manh
Nghe sinh tâm sợ hãi
Vì những chúng sinh này
Phân biệt nói khác nhau
Cuối cùng đều thành Phật.
Lại không có thừa khác
Ta vì độ chúng sinh
Phân biệt nói đạo khác
Độ khiến vào Nhất thừa
Không có ba thừa khác
Như thầy bắn cung giỏi
Thích biết lực của tên
Vì dạy các đệ tử
Một nghề nói các cách
Như Lai cũng như vậy
Vì chúng sinh thành tựu
Mà ở trong một pháp
Nói những loại khác nhau
Ta đối với chúng sinh
Không có tâm sai khác
Vì trình độ không đồng
Nên nói có phân biệt
Nếu không tâm bình đẳng
Người nói ta ghen ghét
Tự giữ thừa Tối thượng
Cho chúng sinh pháp thấp
Thượng báu Nhân-đà-la
Tùy chỗ sắc sáng xanh
Chiếu sáng khắp các vật
Nhưng báu không phân biệt
Phật trí báu Vô thượng
Ánh sáng chiếu thế gian
Đồng một màu Bồ-đề
Lìa các tâm phân biệt.
Giống như đóm lửa nhỏ
Tăng trưởng thành sáng lớn
Trí nhỏ của La-hán
Tăng trưởng thành Phật tuệ
Tất cả các chúng sinh
Đi đến núi Tu-di
Nương lực sáng Tu-di
Tất cả đồng một màu
Các chúng sinh cũng vậy
Trụ pháp Phật Tu-di
Nhờ pháp lực Như Lai
Sắc thân đồng như Phật.
Giống như ong hút mật
Tập hợp các loài hoa
Đặt chung trong một nơi
Hòa hợp chung một vị
Vậy, Phật nói ba thừa
Vì thuần căn chúng sinh
Nói ra các loại pháp
Thành vị Bồ-đề Phat.
Giống như vua Chuyển luân
Ra ngoài không oán thù
Ta pháp ứng ra đời N
goại đạo cũng không có.
Giống như mặt trời mọc
Ánh sáng khác lụi tắt
Mặt trời Phật mọc rồi
Ngoại đạo tự tiêu diệt
Chỗ đã sinh chúa sắt
Khong sinh sắt phàm khác
Chỗ Đức Phật ra đời
Không sinh các ngoại đạo
Nơi sinh vàng quý đẹp
Đồng và sắt ẩn mất
Nơi nào Phật thành đạo
Tự nhiên không ngoại đạo.
Giống như báu ma-ni
Không chung với tạp uế
Chỗ sinh ra như vậy
Ngọc lưu ly không giả,
Như Lai ngọc ma-ni
Xuất hiện đâu cũng vậy
Không lẫn các ngoại đạo
Cùng đồng một quốc độ,
Thần thông lớn ngoại đạo
Bồ-tát đều tự tại
Ông nên biết phương tiện
Thị hiện tướng như vậy.
Tất cả các Bồ-tát
Nghe thấy các ngoại đạo
Đầy đủ Lực phương tiện
Đều phát tâm vui mừng,
Tất cả đều tôn trọng
Hiến dâng lòng cung kính
Rải hoa cúng dường Phật
Các hương thơm vi diệu.
Chỗ ấy khi nói pháp
Đại địa động sáu cách
Hư không phát tiếng rằng
“Hiếm có chưa từng nghe”
Vô số các Thiên tử
Giữa không chắp tay khen
Đồng thanh nói “Lành thay!”
“Hay thay, Tu-già-đà!”