SỐ 272
KINH ĐẠI TÁT-GIÀ NI-KIỀN TỬ SỞ THUYẾT
Dịch Phạn ra Hán: Đầu đời Ngụy, Tam tạng Bồ-đề-lưu-chi,
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 1

Phẩm 2: VẤN NGHI

Lúc bấy giờ, Thánh giả Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử thấy vô số đại chúng vân tập, thấy Đức Thế Tôn thị hiện tướng rất thù thắng hiếm có, mới nghĩ: “Hôm nay, vì nhân duyên gì mà Đức Thế Tôn lại thị hiện tướng này trước? Hôm nay có điều nghi vấn, ta phải nên hỏi. Vì sao Đức Như Lai Thế Tôn ngồi trên tòa Sư tử được trang nghiêm bằng trăm ngàn vạn phước báu, uy nghi sáng chói rất đặc biệt, tỏa ra rực rỡ và có vô lượng đại chúng tập hợp như thế? Đây là điều khó có thể gặp được.”

Nghĩ như vậy rồi, Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo bên phải, quỳ gối phải chạm đất, chắp tay hướng về Đức Phật dùng kệ tán thán Đức Như Lai:

Thế Tôn tỏa mười Lực
Trời người các thế gian
Ba cõi không ai bằng
Lẽ đâu có người hơn?
Như núi chúa Tu-di
Vượt biển lớn, núi nhỏ
Vững chắc không lay động
Các trời nhờ an ổn
Như Lai vua Tu-di
Vượt qua biển sinh tử
Đầy đủ các công đức
An trụ không lay động
Thân Tu-di công đức
Hiện trong các thế gian
Tất cả nương Như Lai
An ổn trụ Niết-bàn
Như hư không không chướng
Trăng tròn chiếu sáng nhất
Ánh sáng những vì sao
Lại tắt không xuất hiện
Như Lai mười Lực tịnh
Trăng trí tuệ sáng trong
Thần thông các đệ tử
Chỉ như sao lập lòe
Như ánh sáng mặt trời
Chiếu sáng các thế gian
Trừ sạch mọi tối tăm
Làm mờ ánh sáng nhỏ
Trí mặt trời Như Lai
Trừ si ám thế gian
Ánh sáng các Phạm vương
Lụi tắt không xuất hiện
Như đóm lửa trong đêm
Cháy trên đỉnh núi cao
Vì thể ánh sáng trong
Mười phương tối đầu thấy
Lửa Như Lai sáng rực
Trí tuệ tỏa núi cao
Chiếu cõi tối phiền não
Pháp tánh được hiện ra
Giống như vua sư tử
Hùng mạnh át các thú
Không hiện tướng uy hiếp
Nhưng các thú quy phục
Như Lai vua sư tử
Đầy đủ Lực; Vô úy
Tâm từ với ngoại đạo
Tự nhiên đều quy phục
Giống như ngọc ma-ni
Tỏa sáng chiếu thế gian
Theo các nguyện chúng sinh
Mưa thỏa mãn tất cả
Như Lai ngọc ma-ni
Cờ trí tuệ chiếu xa
Hay tuôn mưa đại pháp
Đầy đủ nguyện chúng sinh
Giống như vua Chuyển luân
Đầy đủ bảy phước báu
Đi khắp bốn thiên hạ
Oán thù thành bằng hữu
Như Lai vua Chuyển luân
Đầy đủ báu mười Lực
Thu phục bốn chúng ma
Đều về đạo Như Lai
Giống như vua Đế Thích
Chủ trời Tam thập tam
Xếp đặt Thiện pháp đường
Chư Thiên vui mừng thọ
Như Lai trời Đế Thích
Vua đại pháp ba cõi
Yêu thương nhìn các cõi
Ngồi pháp đường Niết-bàn
Khởi mây Từ bi lớn
Mưa xuống pháp cam lồ
Trời người vui thọ nhận
Tu tập đạo Vô thượng.

Bấy giờ, Thánh giả Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử nói các kệ tụng khen ngợi Đức Phật xong, chắp tay bạch Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn! Như Lai có thể vì đại chúng nói về pháp môn hạnh Bồ-tát nhanh chóng trong cảnh giới phương tiện. Vì khi nghe kinh này các chúng sinh có thiện căn ưa tin Đại thừa Vô thượng đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và những chúng sinh tin theo Tiểu thừa thấp kém cũng phát tâm Vô thượng Bồ-đề. Chúng sinh đã phát tâm lớn đối với Vô thượng Bồ-đề thì có thể tăng trưởng niệm Bồ-đề. Những chúng sinh hạnh thấp kém, thấy hẹp hòi cũng có khả năng phát khởi hạnh lớn, từ bỏ con đường chúng sinh, tiến lên nhận lấy đạo lớn Bồ-đề. Những chúng sinh đã nhận lấy đạo thù thắng Bồ-đề, thì có khả năng đi vào pháp thâm mật trang nghiêm trí tuệ của Như Lai.

Khi ấy, Đức Phật bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử:

–Này Văn-thù-sư-lợi! Pháp thâm mật của các Đức Phật Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri rất khó tin, khó biết, khó hiểu, khó nhận thức, khó suy tính và rất khó thể nhập. Tất cả trời người đều không biết Như Lai dựa vào đâu để nói.

Này Văn-thù-sư-lợi! Như đối với pháp cao xa vi diệu này, nếu có chúng sinh nào thực hành ác hạnh thì không biết pháp này, không hiểu pháp này. Những người phá giới cũng không biết pháp này, không hiểu pháp này. Người thích hạnh Tiểu thừa là không tin pháp này; người phá hoại tâm là không thích pháp này, người bị ác tri thức dẫn dắt là không nhập vào pháp này. Những người không được Thiện tri thức dẫn dắt thì không vào được pháp này. Những chúng sinh nào không được chư Phật giữ gìn là không nghe pháp này. Nếu người không được năng lực Như Lai gia trì mà tin được pháp này thì không có chuyện đó.

Bấy giờ, vì muốn lặp lại nghĩa này, Đức Thế Tôn nói bài kệ rằng:

Pháp tử bằng lời hay
Khéo hỏi ta việc này
Nay ông hãy lắng nghe
Ta sẽ nói cho ông
Chúng sinh vô minh che
Chỉ tin hạnh Tiểu thừa
Nghe pháp Đại thừa này
Không tin nên không nói
Nếu trong vô lượng đời
Quá khứ các Đức Phật
Tu hành các hạnh thiện
Thiện căn đã thành thục
Các chúng sinh như thế
Thường được Như Lai hộ
Nghe nói sinh vui mừng
Khéo tin thọ vững chắc
Nếu vì ác tri thức
Như nọc của rắn độc
Từ bỏ Thiện tri thức
Không nghe pháp cam lồ
Ở trong các thắng pháp
Khởi lên tâm phóng dật
Rơi hầm lớn tà kiến
Nghe nói không tin theo
Tâm chúng sinh hẹp hòi
Không thể nhận pháp lớn
Nghe thời sinh bất tín
Khởi lên tâm chê bai
Vĩnh viễn rơi đường ác
Mãi không nghe Phật pháp
Vì kia khởi tâm Từ
Nên ta không nói vội.

Bấy giờ, Thánh giả Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử bạch Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn! Đại chúng trong hội này đều thanh tịnh hoàn toàn, giỏi thực hành các hạnh; có thể cúng dường chư Phật Như Lai, hay phục vụ các Thiện tri thức; khéo tu tập tín căn thanh tịnh; giỏi nhập vào các cảnh giới đại trí tín; khéo thanh tịnh đầy đủ tâm sâu xa, rộng lớn. Đại chúng trong hội này, tất cả đều có khả năng thấy rõ các cảnh giới, có thể biết pháp này và nhận thức được pháp này.

Lành thay, bạch Thế Tôn! Xin hãy vì tấm lòng khao khát muốn nghe của con và đại chúng mà khéo nói pháp này. Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử nói kệ rằng:

Chúng sinh trong hội này
Trải qua vô lượng kiếp
Ở nơi các Đức Phật
Gieo đầy đủ thiện căn.
Những chúng sinh như vậy
Vào được cảnh giới Phật
Là đầy đủ pháp khí
Nay xin Phật nói mau.
Tất cả đều chiêm ngưỡng
Dung nhan Thầy trời, người
Cung kính chắp tay nhìn
Khát ngưỡng không rời mắt.
Xin Thế Tôn thương đây
Tâm chúng sinh khát ngưỡng
Mưa xuống pháp vi diệu
Khiến sinh mầm pháp thiện.
Nay con thỉnh Như Lai
Vua đại pháp Vô thượng
Xin mở cửa cam lồ
Chuyển xe pháp tối thắng.
Tất cả những chúng sinh
Nếu được nghe Phật thuyết
Sẽ sinh đạo Vô thượng
Pháp cứu cánh Niết-bàn.