KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN
Hán dịch: Căn cứ vào bản dịch của Tam tạng Pháp sư Đàm Vô Sấm, đời Tống
Sa-môn Tuệ Nghiêm, Tuệ Quán và Cư sĩ Tạ Linh Vận sửa lại
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 3: AI THÁN

Thuần-đà đi chưa bao lâu thì lúc đó đất này sáu thứ chấn động cho đến cõi Phạm cũng như vậy. Đất động có hai, hoặc có địa động hoặc đại địa động. Động nhỏ thì gọi là địa động. Động lớn thì gọi là đại địa động. Có tiếng nhỏ thì gọi là địa động. Có tiếng lớn thì gọi là đại địa động. Chỉ riêng đất động thì gọi là địa động. Động tất cả núi rừng sông biển thì gọi là đại địa động. Động một hướng thì gọi là địa động. Xoay chuyển cùng khắp thì gọi là đại địa động. Động gọi là địa động. Khi động có thể khiến cho lòng chúng sinh động gọi là đại địa động. Khi Bồ-tát mới từ cõi trời Đâu-suất xuống cõi Diêm-phù-đề thì gọi là đại địa động. Bồ-tát từ sơ sinh xuất gia thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chuyển bánh xe chánh pháp và vào Niết-bàn thì gọi là đại địa động. Ngày hôm nay, Đức Như Lai sẽ vào Niết-bàn nên đất này động lớn như vậy.

Khi ấy các trời, rồng, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lưu-la, Khẩn-nala, Ma-hầu-la-già, người và chẳng phải người nghe lời nói này rồi thì thân đều run sợ, đồng thanh buồn khóc mà nói kệ:

Cúi đầu Đấng Điều Ngự
Chúng con nay khuyến thỉnh
Xa lìa bậc Tiên nhân
Mãi không ai cứu giúp.
Nay thấy Phật Niết-bàn
Chúng con chìm bể khổ
Bi luyến ôm lo buồn
Như trâu nghé mất mẹ.
Bần cùng không ai cứu
Giống như người bệnh khốn
Không thuốc tùy ý mình
Ăn cái chẳng nên ăn.
Chúng sinh bệnh phiền não
Bị các kiến hại luôn
Xa lìa vua thuốc pháp
Uống độc dược tà môn.
Vậy nên Phật Thế Tôn
Thấy chẳng nên bỏ sót
Như nước không có vua
Muôn dân đều đói khổ.
Cũng như vậy, chúng con
Mất bóng che vị pháp
Nay nghe Phật Niết-bàn
Lòng chúng con mê loạn.
Như đại địa chấn động
Mê mất các phương hướng
Đại tiên vào Niết-bàn
Mặt trời Phật rơi xuống.
Nước pháp đều khô khan
Chúng con nhất định chết
Như Lai vào Niết-bàn
Chúng sinh rất khổ não.
Như con ông trưởng giả
Mới chôn cha mẹ mất
Như Lai vào Niết-bàn
Như họ chẳng sống lại.
Chúng sinh và chúng con
Đều không người cứu giúp
Như Lai vào Niết-bàn
Cho đến loài súc sinh.
Tất cả đều lo buồn
Khổ não đốt lòng họ
Ngày hôm nay chúng con
Làm sao chẳng sầu não.
Như Lai thấy buông bỏ
Giống như nhổ nước bọt
Như mặt trời mọc lên
Ánh sáng rất sáng rỡ.
Có thể soi lại mình
Cũng diệt tất cả tối
Ánh sáng thần của Phật
Trừ khổ não cho con.
Phật ở trong đại chúng
Giống như núi Tu-di.

Bạch Thế Tôn! Thế Tôn ví như vị quốc vương sinh ra và nuôi nấng các con, hình mạo đoan nghiêm, luôn thương yêu nhớ nghĩ. Trước tiên dạy kỹ nghệ khiến cho chúng đều thành thạo, sau đấy giao họ cho Chiên-đà-la. Thưa Thế Tôn! Chúng con hôm nay làm con của vua pháp, nhờ Phật dạy bảo đã đủ chánh kiến, xin Thế Tôn chớ buông bỏ chúng con. Như Thế Tôn buông bỏ chúng con thì đồng với các vương tử kia. Nguyện xin Phật trụ lại lâu dài, chớ hội nhập Niết-bàn. Thưa Thế Tôn! Ví như có người học giỏi các luận, nhưng đối với các luận này mà phát sinh kinh sợ. Như Lai cũng vậy, chúng con thông đạt các pháp mà đối với các pháp lại sinh ra kinh sợ. Giả sử nếu Như Lai ở lâu nơi đời, nói vị cam lồ làm sung túc cho tất cả, thì như vậy chúng sinh chẳng sợ rơi vào địa ngục nữa. Thưa Thế Tôn! Ví như có người mới học làm việc bị quan bắt nhốt vào ngục tù. Có người hỏi: “Ngươi thọ việc gì?”. Người ấy đáp: “Tôi nay chịu ưu khổ lớn”. Nếu người ấy được thả ra thì được yên vui. Thế Tôn cũng vậy, Ngài vì chúng con nên tu những hạnh khổ mà nay chúng con còn chưa thoát khỏi khổ não sinh tử thì làm sao Như Lai được hưởng an vui? Thưa Thế Tôn! Ví như vị y vương hiểu rành phương thuốc, dùng phương thuốc bí truyền trao dạy cho con mình, ngoài ra chẳng dạy phương thuốc ấy cho người ngoài thọ học. Như Lai cũng vậy, Ngài chỉ đem pháp tạng bí mật thâm diệu dạy cho một mình Bồ-tát Văn-thù, bỏ sót chúng con, chẳng thấy Như Lai đoái hoài thương xót. Như Lai đối với pháp không nên giữ bí mật tiếc rẻ như vị y vương kia chỉ dạy riêng cho con mình, chẳng dạy cho người ngoài đến thọ học. Vị y vương sở dĩ chẳng thể dạy cùng khắp là vì tình còn hơn thua nên còn bí mật tiếc rẻ. Tâm của Như Lai nhất định không hơn thua thì vì sao chẳng thấy Như Lai dạy bảo như vậy? Ví như người già ít bệnh khổ lìa bỏ con đường bằng mà đi vào đường nguy hiểm. Đường hiểm nhiều khó khăn, chịu đủ mọi thứ khổ. Lại có người khác thấy họ mà thương xót liền bày ra con đường bằng phẳng đẹp đẽ. Thưa Thế Tôn! Con cũng như vậy, cái mà gọi là người trẻ là dụ cho người chưa tăng trưởng pháp thân. Cái mà gọi là người già là dụ cho phiền não nặng. Cái mà gọi là bệnh khổ là ví cho chưa thoát khỏi sinh tử. Cái mà gọi là đường hiểm là dụ cho hai mươi lăm cõi. Nguyện xin Như Lai bày đường dẫn lối cho chúng con đi vào con đường cam lồ chân chính.

Xin Thế Tôn ở lâu nơi đời, chớ nhập vào Niết-bàn.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

–Này các Tỳ-kheo! Các ông chớ như những người, trời v.v… phàm phu mà lo buồn kêu khóc, các ông phải siêng năng tinh tấn buộc tâm vào chánh niệm.

Những người, trời, A-tu-la v.v nghe lời nói của Đức Phật thì dừng lại, chẳng kêu khóc nữa, giống như có người làm đám tang đứa con yêu quý của mình đưa đi chôn cất xong, nén lòng chẳng khóc nữa. Lúc này, Đức Thế Tôn vì các đại chúng mà nói kệ:

Các ông nên thấu suốt
Chẳng nên sầu khổ lắm
Pháp Phật đều như vậy
Cho nên phải im lặng.
Ưa hạnh chẳng buông lung
Giữ tâm nhớ nghĩ chánh
Xa lìa các phi pháp
Tự an ủi thọ lạc.

Lại nữa, này các Tỳ-kheo! Nếu các ông có sự nghi hoặc thì hôm nay đều phải hỏi: Hoặc không hay chẳng không, hoặc thường hay vô thường, hoặc khổ hay chẳng khổ, hoặc nương hay chẳng nương, hoặc đi hay chẳng đi, hoặc về hay chẳng về, hoặc hằng hay chẳng hằng, hoặc đoạn hay thường, hoặc chúng sinh hay chẳng phải chúng sinh, hoặc có hay không, hoặc thật hay chẳng thật, hoặc chân hay chẳng chân, hoặc diệt hay chẳng diệt, hoặc mật hay chẳng mật, hoặc hai hay chẳng hai trong đủ thứ pháp như vậy v.v… có điều gì nghi hoặc thì hôm nay nên thưa hỏi. Ta sẽ tùy thuận vì các ông đoạn trừ các nghi hoặc đó. Ta cũng sẽ vì các ông trước nói pháp cam lồ sau đó mới nhập Niết-bàn. Này các Tỳ-kheo! Phật ra đời khó, thân người khó được, gặp Phật mà sinh niềm tin thì việc này cũng khó, có thể nhẫn được điều khó nhẫn cũng là việc khó, thành tựu giới cấm đầy đủ không khiếm khuyết đắc quả A-la-hán thì việc này cũng khó như cầu cát vàng, hoa Ưu-đàm-bát. Này các Tỳkheo! Các ông lìa khỏi tám nạn được thân người là khó, lại gặp được Ta chẳng nên để luống qua. Ta thuở xa xưa, tu đủ thứ hạnh khổ, nay mới được phương tiện vô thượng như vậy. Vì các ông nên trong vô lượng kiếp Ta xả bỏ thân, tay, chân, đầu, mắt, não, tủy. Vậy các ông chẳng nên buông lung. Này các Tỳ-kheo! Sao gọi là trang nghiêm thành báu chánh pháp đầy đủ các thứ châu báu công đức? Dùng giới, định và trí tuệ làm tường vách, hào nước. Các ông hôm nay gặp được thành báu pháp Phật này thì chẳng nên chọn lấy vật hư ngụy. Ví như vị thương chủ gặp được thành châu báu mà chọn lấy những sành, sỏi đem về nhà. Các ông cũng vậy, gặp được thành báu mà chọn lấy vật hư ngụy. Này các Tỳ-kheo! Các ông chớ dùng tâm thấp kém mà sinh ra biết đủ. Các ông hôm nay tuy được xuất gia nhưng đối với Đại thừa này chẳng phát sinh ngưỡng mộ. Này các Tỳ-kheo! Các ông tuy thân được mặc áo ca-sa nhưng lòng còn chưa nhuộm pháp Đại thừa thanh tịnh. Này các Tỳ-kheo! Các ông tuy đi khất thực trải qua nhiều nơi nhưng trước đây chưa từng cầu pháp thực Đại thừa. Này các Tỳ-kheo! Các ông tuy cạo bỏ râu tóc nhưng chưa vì chánh pháp trừ bỏ các kiết sử. Này các Tỳ-kheo! Hôm nay Ta sẽ chân thật dạy bảo các ông. Hiện nay, đại chúng của Ta hòa hợp, pháp tánh của Như Lai chân thật chẳng điên đảo. Vậy nên các ông cần phải tinh tấn thâu tóm lấy tâm, dũng mãnh tiêu diệt các kiết sử. Mặt trời tuệ mười lực ẩn mất rồi thì các ông sẽ bị sự che phủ của vô minh. Này các Tỳ-kheo! Ví như thảo dược trên đất đai, các núi non được chúng sinh sử dụng. Pháp của Ta cũng vậy, sinh ra vị pháp cam lồ diệu thiện làm thuốc hay chữa đủ thứ bệnh phiền não của chúng sinh. Ta nay sẽ khiến cho tất cả chúng sinh và các con của Ta, bốn bộ chúng, đều an trụ trong tạng bí mật. Ta cũng lại sẽ an trụ trong đó mà vào Niết-bàn. Thế nào gọi là tạng bí mật? Giống như chữ Y ba chấm, nếu ngang bằng cũng chẳng thành y, dọc cũng chẳng thành. Như ba mắt trên mặt của Ma-hê-thủ-la mới được thành y. Ba chấm nếu khác biệt cũng chẳng thành. Ta cũng như vậy, pháp giải thoát cũng chẳng phải Niết-bàn, thân Như Lai cũng chẳng phải Niếtbàn, Ma-ha Bát nhã cũng chẳng phải Niết-bàn. Ba pháp khác cũng chẳng phải Niết-bàn. Ta nay an trụ vào ba pháp như vậy vì chúng sinh nên gọi là vào Niết-bàn như chữ Y của đời.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Đức Phật Thế Tôn nhất định vào Niết-bàn đều lo buồn, toàn thân run sợ, lệ rơi chan hòa, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, đi quanh vô lượng vòng rồi bạch:

–Bạch Thế Tôn! Thế Tôn thích nói về vô thường, khổ, không, vô ngã. Thưa Thế Tôn! Ví như trong dấu chân của tất cả chúng sinh thì dấu chân voi là to nhất. Tưởng về vô thường này cũng như vậy, ở trong các tưởng nó là tối đệ nhất. Nếu có người tinh cần tu tập thì có thể trừ được tất cả tham ái của Dục giới và ái, vô minh, kiêu mạn và tưởng về vô thường của Sắc giới, Vô sắc giới. Thưa Thế Tôn! Như Lai nếu lìa khỏi tưởng về vô thường thì hôm nay chẳng nên vào Niết-bàn. Nếu chẳng lìa khỏi thì sao nói rằng, tu tưởng về vô thường thì lìa khỏi ái, vô minh, kiêu mạn và tưởng về vô thường của ba cõi? Bạch Thế Tôn! Ví như nhà nông vào thời tiết tháng mùa thu, cày sâu đất của mình thì có thể trừ hết cỏ xấu. Tưởng về vô thường này cũng như vậy, có thể trừ tất cả tham ái của Dục giới, ái, vô minh, kiêu mạn và tưởng về vô thường của Sắc giới và Vô sắc giới. Thưa Thế Tôn! Ví như cày ruộng thì cày vào mùa thu là thượng sách, như trong các dấu chân thì dấu chân voi là to nhất, ở trong các tưởng thì tưởng về vô thường là trên hết. Bạch Thế Tôn! Ví như vị đế vương biết mạng mình sắp hết nên ân xá cho thiên hạ. Những người bị ngục tù, trói buộc, giam giữ đều khiến cho giải thoát. Sau đấy nhà vua mới bỏ mạng. Như Lai hôm nay cũng nên như vậy. Ngài độ các chúng sinh, những kẻ vô tri, vô minh, bị trói buộc giam giữ đều khiến cho giải thoát, rồi sau đấy vào Niết-bàn. Chúng con hôm nay đều chưa được độ thì tại sao Như Lai lại muốn buông bỏ mà vào Niết-bàn? Bạch Thế Tôn! Ví như có người bị quỷ ám gặp được thầy bùa chú giỏi. Nhờ sức chú nên họ liền được trừ bớt. Như Lai cũng vậy, vì các Thanh văn trừ quỷ vô minh, khiến cho được an trụ vào pháp Đại Bát nhã giải thoát v.v… như chữ y ở đời. Bạch Thế Tôn! Ví như con hương tượng bị người bắt trói. Tuy có quản tượng giỏi nhưng chẳng thể điều khiển, nó bứt đứt dây cột mà đi theo ý của mình. Chúng con chưa thoát khỏi năm mươi bảy phiền não trói buộc mà sao Như Lai liền muốn buông bỏ vào Niết-bàn. Thưa Thế Tôn! Như người bị bệnh sốt rét gặp được thầy thuốc giỏi thì sự khổ được trừ diệt. Chúng con cũng vậy, có nhiều khổ hoạn, tà mạng, nhiệt bệnh v.v… tuy gặp được Như Lai, nhưng bệnh của chúng con chưa trừ khỏi, chưa được thường lạc yên ổn vô thượng thì sao Như Lai liền muốn buông bỏ mà vào Niếtbàn. Thưa Thế Tôn! Ví như người say rượu chẳng tự hay biết, chẳng nhận thức được thân sơ, mẹ, con gái, chị em v.v… mà mê man dâm loạn, nói năng buông thả, nằm trong chỗ bất tịnh. Có thầy thuốc giỏi cho thuốc bảo uống, uống xong, người ấy mửa ra, lại tự nhớ biết nên mang lòng xấu hổ, tự khắc phục, thống trách. Rượu là cội rễ của các ác, bất thiện, nếu có thể đoạn trừ thì xa được mọi tội lỗi. Bạch Thế Tôn! Chúng con cũng như vậy, từ xưa đến nay luân chuyển trong sinh tử, đắm say tình sắc, ham thích năm dục, chẳng phải mẹ tưởng là mẹ, chẳng phải chị tưởng là chị, chẳng phải con gái tưởng là con gái, chẳng phải chúng sinh tưởng là chúng sinh. Vậy nên luân chuyển chịu khổ nơi sinh tử như người say kia nằm trong bất tịnh. Như Lai hôm nay ban cho con thuốc pháp, khiến cho con mửa ra rượu ác phiền não mà con chưa được tâm tỉnh thức thì sao Như Lai liền muốn buông bỏ vào Niết-bàn. Bạch Thế Tôn! Ví như có người khen cây chuối là chắc thật thì cũng không có việc đó. Chúng sinh cũng vậy, nếu khen ngã, nhân, chúng sinh, thọ mạng, dưỡng dục, tri kiến, tác giả, thọ giả v.v… là chân thật thì không có việc đó. Chúng con tu tưởng về vô ngã như vậy. Bạch Thế Tôn! Ví như nước uống cặn đục không dùng được. Thân này cũng vậy, vô ngã, vô chủ. Bạch Thế Tôn! Như hoa bảy cánh không có mùi hương. Thân này cũng vậy, vô ngã, vô chủ. Chúng con lòng thường tu tập tưởng về vô ngã như vậy. Như Phật đã nói, tất cả các pháp không ngã và ngã sở, các Tỳ-kheo nên thường tu tập. Tu tập như vậy rồi thì trừ được ngã mạn. Lìa ngã mạn rồi thì liền vào Niết-bàn. Bạch Thế Tôn! Ví như dấu vết chim hiện ra trong hư không thì không có việc đó.

Có thể tu tập tưởng về vô ngã mà có các kiến thì không có việc đó.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn khen các Tỳ-kheo:

–Hay thay! Hay thay! Các ông có thể khéo tu tập tưởng về vô ngã.

Các Tỳ-kheo liền bạch:

–Bạch Thế Tôn! Chúng con chẳng những tu tập tưởng về vô ngã mà còn tu tập các tưởng khác nữa. Như là tưởng về khổ, tưởng về vô thường v.v… Bạch Thế Tôn! Ví như người say rượu, lòng họ mê loạn, nhìn thấy những núi sông, thành quách, cung điện, mặt trời, mặt trăng, tinh tú v.v… đều xoay chuyển. Bạch Thế Tôn! Nếu có người chẳng tu tập tưởng về khổ, tưởng về vô thường, tưởng về vô ngã v.v… thì người như vậy chẳng gọi là Thánh mà nhiều buông lung, lưu chuyển trong sinh tử. Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên này nên chúng con khéo tu tập những tưởng như vậy.

Bấy giờ, Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Hãy lắng nghe! Các ông hướng về sự dẫn người say rượu làm dụ. Các ông chỉ biết nó về mặt văn tự, chưa đạt đến ý nghĩa của ví dụ ấy. Như người say rượu kia thấy mặt trời, mặt trăng ở trên, thật sự chẳng phải xoay chuyển mà sinh ra tưởng về xoay chuyển. Chúng sinh cũng vậy, họ bị các phiền não, vô minh che phủ nên sinh lòng điên đảo: ngã cho là vô ngã, thường cho là vô thường, tịnh cho là bất tịnh, vui cho là khổ v.v… Do bị sự che phủ của phiền não nên tuy sinh ra tưởng này nhưng chẳng đạt được ý nghĩa của chúng, như người say rượu kia đối với việc chẳng phải xoay chuyển mà sinh tưởng về xoay chuyển. Ngã tức là nghĩa Phật, Thường tức là nghĩa pháp thân, Lạc tức là nghĩa Niết-bàn, Tịnh tức là nghĩa pháp. Này các Tỳ-kheo! Vì sao mà nói rằng, có ngã tưởng thì kiêu mạn, cao ngạo, lưu chuyển sinh tử? Này các ông! Nếu nói rằng, ngã cũng tu tập tưởng về vô thường, tưởng về khổ, tưởng về vô ngã thì ba thứ tu này không có thật nghĩa. Ta nay sẽ nói ba pháp tu thù thắng. Khổ thì cho là vui, vui thì cho là khổ, đó là pháp điên đảo. Vô thường cho là thường, thường cho là vô thường, đó là pháp điên đảo. Vô ngã cho là ngã, ngã cho là vô ngã, đó là pháp điên đảo. Bất tịnh cho là tịnh, tịnh cho là bất tịnh, đó là pháp điên đảo. Có bốn pháp điên đảo như vậy thì người này chẳng biết chánh tu các pháp. Này Tỳ-kheo! Ở trong pháp khổ mà sinh tưởng về vui, ở trong vô thường mà sinh tưởng về thường, ở trong vô ngã mà sinh tưởng về ngã, ở trong bất tịnh mà sinh tưởng về tịnh. Thế gian cũng có thường, lạc, ngã, tịnh, xuất thế gian cũng có thường, lạc, ngã, tịnh. Pháp thế gian thì có chữ không có nghĩa. Pháp xuất thế gian thì có chữ, có nghĩa. Vì sao? Vì pháp thế gian có bốn điên đảo nên chẳng biết nghĩa. Vì sao? Vì có tưởng về điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo. Do ba điên đảo nên người thế gian trong vui thấy khổ, trong thường thấy vô thường, trong ngã thấy vô ngã, trong tịnh thấy bất tịnh. Đó gọi là điên đảo. Do điên đảo nên thế gian biết chữ mà chẳng biết nghĩa. Những gì là nghĩa? Vô ngã tức là sinh tử, ngã tức là Như Lai. Vô thường là Thanh văn, Duyên giác, thường là pháp thân của Như Lai. Khổ là tất cả ngoại đạo, lạc tức là Niết-bàn. Bất tịnh tức là pháp hữu vi, tịnh là chánh pháp của các Đức Phật, Bồ-tát. Đó gọi là chẳng điên đảo. Do chẳng điên đảo nên biết chữ, biết nghĩa. Nếu người muốn xa lìa bốn điên đảo thì nên biết thường, lạc, ngã, tịnh như vậy.

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Như Phật đã nói, lìa bốn điên đảo thì biết rõ về thường, lạc, ngã, tịnh, Như Lai hôm nay vĩnh viễn không có bốn điên đảo thì đã rõ biết về thường, lạc, ngã, tịnh. Nếu đã biết rõ thường, lạc, ngã, tịnh thì vì sao Như Lai chẳng trụ một kiếp hay nửa kiếp để dạy bảo, dẫn đường chúng con khiến cho chúng con lìa khỏi bốn điên đảo mà lại buông bỏ chúng con vào Niết-bàn. Như Lai nếu đoái hoài nghĩ đến, dạy bảo thì chúng con sẽ hết lòng thọ lĩnh để tu tập. Như Lai nếu phải vào Niết-bàn thì chúng con làm sao với tấm thân độc hại này đồng ở chung tu tập phạm hạnh. Chúng con cũng sẽ theo Phật Thế Tôn vào Niết-bàn.

Bấy giờ, Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Các ông chẳng nên nói ra lời như vậy. Chánh pháp vô thượng của Ta hôm nay đều đem phó chúc cho Ma-ha Ca-diếp. Ma-ha Ca-

diếp này sẽ vì các ông làm nơi nương tựa lớn, giống như Như Lai vì các chúng sinh làm chỗ nương tựa. Ma-ha Ca-diếp cũng như vậy, sẽ vì các ông làm chỗ nương tựa. Ví như vị đại vương thống lĩnh nhiều việc, khi đi tuần thì đem hết việc nước phó chúc cho đại thần. Như Lai cũng vậy, cũng đem chánh pháp mà phó chúc cho Ma-ha Ca-diếp. Các ông phải biết, việc tu tập tưởng về vô thường, tưởng về khổ trước đây chẳng phải là chân thật. Ví như vào mùa xuân có những người ở tại ao lớn tắm rửa, ngồi thuyền dạo chơi, làm rớt lưu ly báu chìm sâu trong nước. Lúc đó, mọi người đều cùng xuống nước tìm kiếm vật báu này. Họ đua nhau nhặt lấy ngói, đá, cỏ cây, cát sỏi mà ai cũng đều tự cho là được ngọc lưu ly, vui mừng mang ra khỏi nước, mới biết rằng chẳng phải là thật. Lúc đó ngọc báu vẫn còn ở trong nước, do sức của ngọc nên nước lắng trong, đại chúng mới thấy ngọc báu còn ở dưới nước giống như ngước xem hình dáng vầng trăng trong hư không. Lúc đó, trong chúng có một người trí dùng sức phương tiện từ từ vào trong nước, liền lấy được ngọc. Này Tỳ-kheo! Các ông chẳng nên tu tập tưởng về vô thường, tưởng về khổ, tưởng về vô ngã, tưởng về bất tịnh v.v… như vậy mà cho là thật nghĩa, như những người kia đều lấy ngói, đá, cỏ cây, cát sỏi mà cho là ngọc báu. Các ông cần phải giỏi học phương tiện để tại khắp nơi nơi luôn luôn tu tập tưởng về ngã, tưởng về thường, tưởng về lạc, tưởng về tịnh. Các ông lại cần phải biết việc tu tập tướng mạo của bốn pháp trước đây đều là điên đảo. Người muốn được chân thật tu các tưởng thì phải như người trí kia, khéo léo tìm ra ngọc báu, gọi là tưởng về ngã, tưởng về thường, tưởng về lạc, tưởng về tịnh.

Lúc này, các vị Tỳ-kheo bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Như Phật đã nói, các pháp vô ngã, các ông phải tu học, tu học đó rồi thì lìa khỏi tưởng về ngã, lìa khỏi tưởng về ngã thì lìa kiêu mạn, lìa kiêu mạn thì được vào Niết-bàn. Nghĩa ấy như thế nào?

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Hay thay! Hay thay! Hôm nay, các ông có thể hỏi ý nghĩa này là đã tự đoạn nghi hoặc rồi. Ví như vị quốc vương tối tăm, đần độn, ít trí có một người thầy thuốc, người đó tánh khí lại ngang ngạnh tự đắc, nhà vua chẳng ban riêng cho ông bổng lộc hậu. Ông ấy trị liệu mọi bệnh thuần dùng thuốc sữa, cũng lại chẳng biết căn nguyên của sự khởi bệnh. Tuy ông biết thuốc sữa nhưng lại chẳng biết rành bệnh phong lãnh nhiệt. Tất cả các bệnh ông đều cho uống sữa. Vị vua này chẳng phân biệt được vị thầy thuốc đó biết sữa tốt xấu, lành dữ. Lại có vị thầy thuốc sáng suốt, thông hiểu tám thứ thuật giỏi trị liệu mọi bệnh, biết các phương thuốc, từ phương xa đến. Lúc đó người thầy thuốc cũ chẳng biết học hỏi, trái lại sinh lòng cao ngạo, khinh mạn. Vị thầy thuốc sáng suốt liền cận kề thỉnh làm thầy, hỏi han pháp bí áo của y phương và nói với người thầy thuốc cũ: “Tôi nay thỉnh ông làm thầy. Xin ông vì tôi mà giảng nói”. Người thầy thuốc cũ đáp: “Ông nay nếu có thể làm kẻ sai bảo cho ta ba mươi tám năm thì sau đó ta mới dạy cho ông y pháp”. Khi đó vị thầy thuốc sáng suốt liền nhận lời rồi nói: “Tôi sẽ làm như vậy, tôi sẽ làm như vậy! Tùy theo khả năng của tôi, tôi sẽ đáp ứng sự sai khiến của ông”. Lúc này, người thầy thuốc cũ liền đem vị khách y cùng vào yết kiến nhà vua. Vị khách y liền vì nhà vua nói đủ thứ y phương và các kỹ nghệ khác: “Thưa đại vương! Đại vương phải biết rằng, nên khéo phân biệt: Pháp này như vậy có thể dùng trị nước. Pháp này như vậy có thể dùng chữa bệnh”. Bấy giờ, vị quốc vương nghe lời nói này rồi mới biết người thầy thuốc cũ si ám vô trí nên liền đuổi đi, lệnh cho ra khỏi nước, sau đấy cung kính vị khách y bội phần. Khi đó vị khách y khởi niệm: “Muốn giáo hóa nhà vua thì hôm nay chính là lúc”. Ông liền nói với nhà vua: “Thưa đại vương! Đối với thần nếu đại vương thật sự thương mến thì thần sẽ yêu cầu đại vương một nguyện vọng”. Nhà vua liền đáp: “Từ cánh tay phải này và bộ phận khác của thân thể, theo ý cầu xin của ông ta đều cho tất cả”. Vị khách y đó nói: “Nhà vua tuy hứa cho thần tất cả bộ phận thân thể, nhưng thần chẳng dám có sự cầu xin nhiều. Việc cầu xin của thần hôm nay là nguyện xin đức vua truyền lệnh cho tất cả trong nước, từ nay về sau chẳng được uống thuốc sữa của vị thấy thuốc cũ. Vì sao? Vì thuốc đó độc hại gây nhiều thương tổn. Nếu ai còn uống thì sẽ chém đầu. Đoạn dứt thuốc sữa rồi, nhất định không có người chết oan uổng nữa mà thường sống yên vui, nên thần cầu xin nguyện vọng đó”. Nhà vua đáp: “Sự cầu xin của ông chẳng có gì quá đáng”. Nhà vua liền vì ông ấy mà tuyên lệnh cho tất cả trong nước, phàm những người bệnh đều chẳng được phép lấy sữa làm thuốc. Nếu ai lấy nó làm thuốc thì sẽ bị chặt đầu.

Bấy giờ, vị khách y hòa hợp mọi thứ thuốc, đủ các vị cay, đắng, mặn, ngọt, chua v.v… để trị liệu mọi bệnh thì không bệnh gì chẳng khỏi. Sau đó chẳng bao lâu nhà vua lại bị bệnh, liền ra lệnh cho vị thầy thuốc này: “Ta nay bệnh khốn phải điều trị làm sao?”. Vị thầy thuốc xem bệnh nhà vua rồi thấy nên dùng thuốc sữa, liền tâu với vua: “Như bệnh của nhà vua thì cần phải uống sữa. Việc đoạn dứt thuốc sữa lúc trước của thần là chẳng phải lời nói thật. Hôm nay, nếu đại vương uống thì có thể trừ được bệnh. Bệnh nóng sốt của nhà vua hôm nay là nên uống sữa”. Nhà vua nói với vị thầy thuốc: “Ông nay điên hay sao? Bị bệnh sốt chăng? Sao nói uống sữa có thể trừ được bệnh này? Trước đây ông bảo uống sữa là độc, nay sao lại bảo uống? Muốn lừa dối ta sao? Thầy thuốc trước khen sữa, còn ông cho rằng nó độc, khiến ta đuổi ông ấy đi. Hôm nay ông lại cho rằng sữa rất tốt có thể trừ bệnh. Như lời nói của ông thì người thầy thuốc cũ của ta nhất định là hơn ông”. Lúc đó vị khách y lại nói với vua: “Nhà vua nay chẳng nên nói lời như vậy. Như loài trùng ăn gỗ tạo thành chữ thì loài trùng này chẳng biết là chữ hay chẳng phải chữ. Kẻ trí thấy chữ đó chẳng cho rằng loài trùng này hiểu được chữ, cũng chẳng kinh ngạc, quái lạ. Đại vương phải biết, vị thầy thuốc cũ cũng vậy, ông chẳng phân biệt được các bệnh mà đều cho thuốc sữa như đường ăn gỗ của loài trùng kia ngẫu nhiên thành chữ. Vị thầy thuốc cũ lúc trước chẳng hiểu biết sự tốt xấu lành dữ của thuốc sữa”. Nhà vua hỏi: “Sao gọi là chẳng hiểu biết?”. Vị khách y đáp: “Thuốc sữa đó cũng là độc hại, cũng là cam lồ. Sao gọi sữa đó là cam lồ? Nếu con trâu lấy sữa này chẳng ăn cặn rượu, cỏ trụi, rơm rạ, nghé con của nó điều phục, thuần tánh, bãi chăn thả chẳng ở tại vùng cao, cũng chẳng ở dưới thấp ẩm ướt, uống bằng nước trong, chẳng giong ruổi đuổi chạy, chẳng cho trâu nghé ở chung bầy, ăn uống điều hòa thích hợp, đi đứng đúng chỗ thì sữa của con trâu như vậy có thể trừ các bệnh. Sữa đó gọi là cam lồ diệu dược. Trừ loại sữa đó ra, còn tất cả đều gọi là độc hại”. Bấy giờ, vị đại vương nghe lời nói đó rồi liền khen: “Hay thay! Hay thay! Ta từ hôm nay mới biết được sự lành dữ tốt xấu của thuốc sữa”. Nhà vua liền uống thuốc sữa và bệnh được trừ khỏi, tức thì ra lệnh cho tất cả trong nước từ nay về sau phải uống thuốc sữa. Muôn dân nghe lệnh đó đều sinh ra sân hận, nói với nhau: “Hôm nay nhà vua bị quỷ ám hay bị điên đảo rồi sao mà lừa gạt chúng ta lại ra lệnh uống sữa”. Tất cả dân chúng đều ôm lòng sân hận, đều tập họp ở chỗ vua. Nhà vua nói: “Các người chẳng nên đối với ta mà sinh ra sân hận. Như thuốc sữa này uống hay chẳng uống đều là thầy thuốc dạy chẳng phải là lỗi của ta”. Bấy giờ, đại vương cùng dân chúng phấn khởi vui mừng vô cùng cung kính cúng dường vị thầy thuốc đó. Tất cả người bệnh đều uống thuốc sữa, bệnh đều trừ khỏi hết.

Đức Phật dạy:

–Này Tỳ-kheo! Các ông phải biết rằng, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn cũng như vậy, là Đại Y Vương xuất hiện ở thế gian hàng phục tất cả ngoại đạo, tà y, ở trong bốn chúng xướng lên như vầy: “Ta là Y Vương!”. Ta muốn hàng phục ngoại đạo nên xướng lên rằng: “Không ngã, không nhân, không chúng sinh, không thọ mạng, không dưỡng dục, không tri kiến, không tác giả, không thọ giả”. Này Tỳ-kheo! Các ông phải biết, lời nói của các ngoại đạo này về ngã như loài trùng ăn gỗ ngẫu nhiên thành chữ. Vậy nên Như Lai ở trong pháp Phật xướng lên vô ngã là vì điều phục chúng sinh, vì biết thời. Nói vô ngã như vậy là có nhân duyên nên Ta cũng nói hữu ngã, như vị thầy thuốc giỏi kia giỏi biết sữa là thuốc, hay chẳng phải thuốc, chẳng phải như việc tự cao tự phụ của kẻ phàm phu. Việc tự cao tự phụ của kẻ phàm phu ngu muội thì hoặc có người nói rằng, lớn như ngón tay cái, hoặc như hạt cải, hoặc như vi trần. Như Lai nói về ngã đều chẳng như vậy. Vậy nên nói rằng các pháp vô ngã, thật ra chẳng phải vô ngã. Cái gì là ngã? Nếu pháp là thật, là chân, là thường, là chủ, là y tánh chẳng biến dịch thì đó gọi là ngã. Như đại y kia giỏi lý giải thuốc sữa, Như Lai cũng vậy, vì các chúng sinh nên nói trong các pháp chân thật có ngã. Bốn chúng các ông cần phải tu tập pháp này như vậy.