KINH PHÁP CÚ THÍ DỤ
Dịch từ Phạn văn: Pháp sư Pháp Cự và Pháp sư Pháp Lập ở Thế Kỷ 4
Dịch sang Tiếng Việt: Tại gia Bồ-tát giới Thanh tín nam Nguyên Thuận

 

 QUYỂN 1

PHẨM 1: VÔ THƯỜNG

Thuở xưa, khi năm đức trời của Năng Thiên Đế lìa khỏi thân [và xuất hiện năm tướng suy], ngài tự biết thọ mạng sắp hết, rồi sẽ sanh xuống thế gian và thác vào thai của một con lừa ở trong nhà của một người thợ gốm. Năm tướng suy là những gì?

1. ánh sáng nơi thân diệt mất
2. hoa báu trên đầu héo úa
3. không thích ngồi yên ở tòa báu
4. dưới hai nách chảy mồ hôi và bốc mùi
5. đất bụi dính nơi thân

Với năm việc này mà Năng Thiên Đế tự biết phước của mình sắp hết. Thế nên ngài hết sức buồn bã.

Rồi tự nghĩ thầm:

“Trong ba cõi, ai có thể cứu người thoát khỏi khổ ách? Duy chỉ có Đức Phật mà thôi.”

Và thế là, ngài liền chạy vội đến chỗ của Phật.

Khi ấy Đức Phật đang ngồi thiền và nhập Phổ Tế Chánh Định trong một hang đá ở trên núi Thứu Phong. Khi thấy Phật, thiên đế cúi đầu, rồi đảnh lễ sát đất, và với lòng chí thành mà Quy Y Phật Pháp Tăng. Đương lúc vẫn còn chưa đứng dậy, thần thức hốt nhiên rời khỏi và liền đến nhà của một người thợ gốm, rồi vào trong bụng của một con lừa mẹ để làm con.

Bấy giờ con lừa mẹ tự làm cho dây cột bị lỏng ra, rồi nó chạy đến chỗ làm gốm mà phá vỡ những đồ sành. Lúc ấy, do bị ông chủ đả thương nên nó liền sẩy thai. Nhờ đó mà thần thức của Năng Thiên Đế liền trở về, rồi vào lại trong thân cũ với năm đức trời trọn đủ.

Khi ấy Phật vì thiên đế mà từ chánh định dậy, rồi Ngài ngợi khen rằng:

“Lành thay, thiên đế! Ông đã ở khoảnh khắc cuối cùng trước khi lìa đời mà có thể Quy Y Tam Bảo. Do nghiệp tội đã hết nên ông không còn phải chịu khổ nữa.”

Lúc bấy giờ Thế Tôn nói kệ rằng:

“Tất cả hành vô thường
Đều là pháp hưng suy
Mới sanh liền phải diệt
Tịch diệt an vui nhất

Ví như người thợ gốm
Trộn đất nắn làm đồ
Chúng thảy rồi vỡ nát
Mạng sống cũng như vậy”

Khi nghe kệ xong, Năng Thiên Đế biết được trọng yếu của vô thường, thông đạt sự biến đổi của phước cùng tội, và hiểu rõ căn gốc của pháp hưng suy. Rồi ngài nương theo Pháp tịch diệt, hoan hỷ phụng trì, và đắc Quả Nhập Lưu.

Thuở xưa Đức Phật ở tại Tinh xá Kỳ Viên gần thành Phong Đức để thuyết Pháp cho chư thiên, rồng, quỷ thần, và loài người.

Bấy giờ mẹ của vua Thắng Quân, với tuổi đã ngoài 90, bỗng hốt nhiên lâm trọng bệnh. Tất cả y dược đều không chữa khỏi, và chẳng bao lâu thì liền mạng chung. Sau đó, nhà vua cùng quần thần làm lễ chôn cất đúng như pháp. Khi linh cữu đã đưa vào phần mộ và việc mai táng cũng đã hoàn tất, nhà vua ghé qua chỗ của Phật. Lúc đến nơi, vua Thắng Quân cởi xuống tang phục và đi chân trần đến trước Phật, rồi đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật.

Phật bảo hãy ngồi xuống, rồi hỏi nhà vua rằng:

“Đại vương từ đâu đến? Sao lại mặc áo thô và hình tướng kỳ dị như thế? Đại vương đã làm những gì?”

Nhà vua cúi đầu và thưa rằng:

“Thưa Thế Tôn! Quốc thái phu nhân đã ngoài 90 tuổi, bỗng hốt nhiên lâm trọng bệnh và liền mạng chung. Sau đó, con sai người làm lễ chôn cất và đưa linh cữu vào phần mộ. Nay mới vừa xong, nên con sẵn dịp ghé qua chỗ của Thánh Tôn.”

Phật bảo nhà vua rằng:

“Từ xưa đến nay, có bốn điều đáng sợ nhất.

[1] Có sanh tất phải già nua.
[2] Sắc lực sẽ không tươi sáng khi bị bệnh.
[3] Lúc mạng chung thì thần thức sẽ rời khỏi.
[4] Khi ấy thân thuộc phải biệt ly.

Đây là bốn điều mà chẳng một ai có thể thoát miễn. Vạn vật vô thường và khó ai sống được dài lâu. Một ngày đã trôi qua, mạng sống cũng giảm dần. Ví như năm con sông, ngày đêm cứ chảy mãi không ngừng. Đời người vụt thoáng cũng lại như thế.”

Lúc bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ rằng:

“Như nước sông chảy xiết
Trôi xuôi chẳng ngược dòng
Đời người cũng như thế
Qua rồi không trở lại”

Phật bảo nhà vua rằng:

“Thế gian đều là như vậy; không ai có thể sống mãi. Tất cả đều sẽ chết và chẳng một ai thoát khỏi.

Các quốc vương, chư Phật, Đạo Nhân, và những vị tiên nhân đắc năm loại thần thông ở thuở xưa, cũng đều phải ra đi và chẳng ai có thể sống mãi. Bởi vậy, đại vương chớ nên quá thương cảm mà khiến thân tâm tiều tụy. Nếu là một người con hiếu thảo và xót thương người quá cố, thì hãy tu tạo phước đức, rồi hồi hướng cho họ. Phước ấy sẽ như tư lương được gửi cho người đi xa mang theo.”

Khi Phật nói lời ấy xong, nhà vua cùng quần thần, không ai là chẳng hoan hỷ, và nỗi sầu muộn của họ cũng được tiêu trừ. Bấy giờ, tất cả những ai đến gặp Phật thảy đều thấy dấu Đạo.

Thuở xưa Đức Phật ở tại Tinh xá Trúc Lâm gần thành Vương Xá. Bấy giờ Thế Tôn dẫn các đệ tử vào thành thọ thỉnh. Khi đã thuyết Pháp xong, lúc đó là buổi quá trưa, Đức Phật ra khỏi thành. Ở giữa đường Ngài gặp một người đang lùa một đàn bò đông đúc trở lại vào thành. Các con bò đã được cho ăn no nê và béo phì. Chúng nhảy cẫng lên và húc chạm lẫn nhau.

Lúc bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ rằng:

“Như người cầm roi trông
Chăn bò cho ăn cỏ
Già chết cũng như thế
Nuôi lớn rồi cướp đi

Trăm ngàn chẳng được một
Hào quý bất cứ ai
Tích trữ chứa tài sản
Không gì chẳng suy tàn

Bề bộn suốt ngày đêm
Mạng sống tự giảm dần
Tuổi thọ khi tiêu hết
Như giếng khô cạn nước”

Khi đã về lại Tinh xá Trúc Lâm, Đức Phật rửa chân, rồi ngồi xuống.

Lúc đó ngài Khánh Hỷ liền cúi đầu ở trước Phật và hỏi rằng:

“Thưa Thế Tôn! Vừa rồi ở giữa đường, Ngài đã nói ba bài kệ. Tuy nhiên, con không hiểu ý nghĩa của nó. Kính mong Thế Tôn khai thị.”

Phật bảo ngài Khánh Hỷ:

“Vừa rồi ông có thấy một người lùa một đàn bò chăng?”

“Dạ, con có thấy!”

Phật bảo ngài Khánh Hỷ:

“Đây là đàn bò của một nhà làm nghề mổ giết. Xưa vốn có 1.000 con. Mỗi ngày kẻ làm nghề mổ giết sai người lùa đàn bò ra ngoài thành để kiếm cỏ non nước ngọt mà vỗ béo chúng. Mỗi ngày họ lựa những con bò nào béo phì rồi mang đi giết. Số lượng bò bị giết đã hơn phân nửa. Thế nhưng, những con bò còn lại thì chẳng hay biết gì, nên chúng mới húc chạm lẫn nhau, nhảy cẫng lên, và kêu rống gọi bầy. Ta thương cảm chúng vô trí nên mới nói các bài kệ trên.”

Phật bảo ngài Khánh Hỷ:

“Đâu chỉ riêng đàn bò này mà thôi! Nhiều người ở thế gian thì cũng như thế. Họ suy tính ngã nhân và chẳng biết lẽ vô thường. Họ háu ăn năm dục để nuôi dưỡng bản thân. Lòng họ khoái ý và còn tàn hại lẫn nhau. Họ không biết vô thường sẽ chợt đến mà chẳng đợi một ai. Mù mịt không rõ như thế thì chẳng khác nào như đàn bò kia vậy.”

Bấy giờ có 200 Bhikṣu tham lam lợi dưỡng đang ngồi trong chúng hội. Khi nghe Phật thuyết Pháp, họ tự gắng sức tu hành. Sau đó, họ chứng đắc sáu loại thần thông và thành bậc Ứng Chân. Khi ấy, đại chúng đang ngồi nghe Pháp vừa buồn vừa vui. Họ đảnh lễ Đức Phật, rồi lui ra.

Thuở xưa Đức Phật thuyết Pháp cho các đệ tử ở tại vườn Cấp Cô Độc, trong Rừng cây Chiến Thắng gần thành Phong Đức.

Bấy giờ có một bé gái thuộc dòng dõi Phạm Chí, tuổi chừng 14, 15, xinh đẹp thông minh, và được cha nàng yêu thương hết mực. Thế nhưng, cô bé bỗng nhiên lâm trọng bệnh và đột ngột qua đời. Đồng thời, cánh đồng lúa tẻ đang chín của cha cô thì bị lửa hoang thiêu rụi. Do Phạm Chí gặp các việc như thế nên ưu sầu khổ não. Tâm ý hoảng hốt ví như kẻ điên cuồng, và chẳng thể tự mình cởi bỏ nỗi đau buồn.

Ông nghe người ta nói rằng:

“Phật là bậc Đại Thánh, là thầy của trời người. Ngài có thể diễn nói Kinh Đạo để diệt trừ lo âu và hoạn nạn.”

Và thế là, Phạm Chí liền đi đến chỗ của Phật. Sau đó, ông đảnh lễ Phật, quỳ hai gối, rồi thưa rằng:

“Thưa Thế Tôn! Đứa con bé bỏng của con vừa mới chết. Con chỉ có một đứa con gái duy nhất. Thế mà nó bỗng nhiên lâm trọng bệnh và đột ngột qua đời. Con thương tiếc vô vàn và chẳng thể kiềm chế được tình cảm của mình. Cầu mong Thế Tôn hãy rũ lòng thương xót mà khai thị để tháo gỡ nỗi ưu sầu của con.”

Phật bảo Phạm Chí rằng:

“Thế gian có bốn việc mà chẳng thể lâu dài. Những gì là bốn?

1. Có thường tất có vô thường.
2. Có phú quý tất có bần tiện.
3. Có hội họp tất có biệt ly.
4. Dù khỏe mạnh rồi cũng sẽ chết.

Lúc bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ rằng:

“Kẻ nghèo đều lìa đời
Kẻ giàu cũng phải chết
Có hợp ắt có tan
Có sanh ắt có tử”

Khi Phạm Chí nghe kệ xong, tâm lập tức khai ngộ, rồi xin làm Bhikṣu. Lúc đó râu tóc của Phạm Chí tự rụng và liền trở thành Bhikṣu. Sau đó, ngài lại tư duy vô thường và đắc Đạo Ứng Chân.

Thuở xưa Đức Phật ở trên núi Thứu Phong gần thành Vương Xá. Bấy giờ trong thành có một dâm nữ tên là Liên Hoa, dung nhan mỹ lệ và xinh đẹp vô song. Con cháu và anh em của các đại thần, chẳng ai mà không tìm đến để tỏ lòng.

Một ngày nọ, do thiện tâm của Liên Hoa tự nhiên sanh khởi, nên nàng muốn lìa bỏ chuyện đời mà làm Bhikṣuṇī. Thế là cô ta liền vào trong núi để đến chỗ của Phật. Trên đường đi, Liên Hoa gặp một dòng suối chảy, nên dừng lại để uống nước và rửa tay. Khi nhìn xuống nước, nàng tự thấy gương mặt ửng hồng mỹ miều, với mái tóc mượt mà, và hình mạo xinh đẹp kiều diễm mà chẳng một ai có thể sánh bằng.

Thế nên trong lòng cảm thấy hối tiếc và tự nghĩ rằng:

“Với nhan sắc thế này ở trên đời, sao mình phải lìa bỏ để trở thành người xuất gia? Ta tốt hơn hãy nắm lấy cơ hội của tuổi thanh xuân và vui sướng theo ý thích của mình.”

Nghĩ như thế, nàng liền quay về. Lúc ấy Đức Phật biết Liên Hoa đáng được hóa độ, nên Ngài biến thành một người phụ nữ xinh đẹp tuyệt trần và còn đẹp hơn Liên Hoa gấp ngàn vạn lần, rồi từ hướng ngược chiều mà đi đến. Khi thấy người phụ nữ này, lòng của Liên Hoa hết sức kính mộ.

Nàng liền hỏi hóa nhân rằng:

“Cô từ đâu đến? Chồng con, cha anh, và quyến thuộc của cô đang ở chốn nào? Sao lại đi một mình mà chẳng ai theo cùng?”

Hóa nhân đáp rằng:

“Tôi từ trong thành đi ra và muốn trở về nhà. Tuy chúng ta không quen biết, nhưng cô có muốn cùng tôi đi đến ở phía trên của con suối để ngồi xuống và chuyện trò chăng?”

Liên Hoa đáp rằng:

“Được!”

Và thế là, hai người cùng đi đến ở phía trên của con suối để nghỉ ngơi và trò chuyện. Một lát sau, hóa nhân kê đầu mình trên đùi của Liên Hoa mà nằm ngủ. Chỉ trong khoảnh khắc, hóa nhân bỗng nhiên chết mất. Thân xác trương sình và bốc mùi hôi thối; vùng bụng nứt vỡ và có trùng chui ra; răng và tóc rơi rụng; tứ chi và thân thể rữa nát.

Khi Liên Hoa thấy thế, lòng kinh hoàng hãi sợ và nghĩ rằng:

“Tại sao người đẹp dường ấy mà bỗng nhiên trở thành như vậy? Kẻ đó mà vẫn bị như thế, còn mình chắc sao tránh khỏi. Mình nhất định phải đến chỗ của Phật và tinh tấn học Đạo.”

Liên Hoa lập tức đến chỗ của Phật và cúi đầu đảnh lễ sát đất. Khi đảnh lễ xong, nàng hướng về Đức Phật và kể rõ tường tận về những gì đã thấy.

Phật bảo Liên Hoa rằng:

“Con người có bốn việc mà không thể bảo hộ. Những gì là bốn?

1. trẻ mạnh rồi cũng phải già
2. cường tráng rồi cũng phải chết
3. thân quyến sum họp vui vẻ rồi cũng phải biệt ly
4. tiền của dành dụm rồi cũng phải tiêu tan”

Lúc bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ rằng:

“Lúc già nhan sắc tàn
Bệnh tật hủy hoại ta
Thân thể thối rữa nát
Cái chết là lẽ thường

Thân này để làm gì?
Nơi luôn tiết đồ dơ
Bệnh hoạn làm khốn khổ
Già suy rồi phải chết

Tham dục ý buông lung
Sai quấy ngày càng tăng
Không thấy cũng chẳng nghe
Thọ mạng là vô thường

Chẳng con chẳng cha anh
Có thể cậy nương nhờ
Bị chết làm khổ bức
Không ai có thể hộ”

Khi nghe Pháp xong, Liên Hoa rất vui mừng và thấu hiểu nghĩa lý. Nàng quán thân như huyễn hóa, mạng sống chẳng ở lâu, và chỉ có Đạo tịch diệt mới là an vui vĩnh viễn.

Rồi liền ở trước Phật thưa rằng:

“Thưa Thế Tôn! Con muốn xuất gia làm Bhikṣuṇī.”

Đức Phật khen:

“Lành thay!”

Lúc đó, tóc trên đầu của Liên Hoa tự rụng và liền trở thành Bhikṣuṇī. Sau đó, Bhikṣuṇī Liên Hoa tư duy Chỉ Quán và liền đắc Đạo Ứng Chân. Bấy giờ, những thính giả đang ngồi nghe Phật thuyết giảng, không ai là chẳng hoan hỷ.

Thuở xưa Đức Phật thuyết Pháp ở trong Tinh xá Trúc Lâm gần thành Vương Xá.

Bấy giờ có bốn anh em thuộc dòng dõi Phạm Chí. Do ai nấy đều đắc năm loại thần thông, nên biết bảy ngày sau họ đều sẽ chết.

Thế nên, họ cùng bàn luận rằng:

“Thần lực của năm loại thần thông mà chúng ta đã đắc, có thể lật ngược trời đất, có thể lấy tay che mặt trời và mặt trăng, có thể dời non và ở trong dòng nước; không gì mà chẳng có thể. Chẳng lẽ lại không thể tránh khỏi cái chết này hay sao?”

Người thứ nhất nói rằng:

“Huynh sẽ vào biển cả. Huynh sẽ trú ở trong đó và không ngoi lên khỏi mặt nước hay lặn xuống đáy. Thế thì sát quỷ vô thường làm sao biết được chỗ trú của huynh?”

Người thứ nhì nói rằng:

“Đệ sẽ vào trong núi Diệu Cao, rồi lấp kín lối vào để không còn vết tích gì. Thế thì sát quỷ vô thường làm sao biết được chỗ trú của đệ?”

Người thứ ba nói rằng:

“Đệ sẽ nhẹ nhàng vọt lên và ẩn náu trong hư không. Thế thì sát quỷ vô thường làm sao biết được chỗ trú của đệ?”

Người thứ tư nói rằng:

“Đệ sẽ ẩn náu trong phố chợ đông đúc. Giả như sát quỷ vô thường đã bắt được một người nào đó, thì cần gì phải kiếm đệ chi nữa?”

Khi đã bàn luận xong, bốn anh em cùng nói lời từ biệt nhà vua rằng:

“Tâu đại vương! Chúng tôi đã tính toán và biết rằng thọ mạng của mỗi người chúng tôi chỉ còn bảy ngày. Nay chúng tôi muốn từ giã để lánh nạn, và hầu mong sẽ được thoát miễn. Mai này chúng tôi sẽ trở lại bái kiến đại vương. Kính chúc đại vương siêng tu công đức và làm phước cho muôn dân!”

Sau đó, họ từ biệt ra đi và mỗi người mỗi nẻo. Bảy ngày trôi qua, ai nấy đều mạng chung, tựa như trái chín rơi rụng.

Khi ấy, người cai quản phố chợ tâu với nhà vua rằng:

“Tâu đại vương! Có một Phạm Chí bỗng nhiên chết ở trong phố chợ.”

Nhà vua mới tỏ ngộ rằng:

“Bốn anh em cùng nhau lánh nạn. Nay một người đã chết. Ba người còn lại, chắc gì được thoát khỏi?”

Và thế là, nhà vua liền ra lệnh chuẩn bị xe ngựa và đi đến chỗ của Phật. Lúc đến nơi, ngài đảnh lễ rồi ngồi xuống.

Sau đó, nhà vua bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Gần đây có bốn anh em thuộc dòng dõi Phạm Chí. Ai nấy đều đắc năm loại thần thông và tự biết thọ mạng sắp hết nên cùng nhau lánh nạn. Chẳng hay giờ thì họ có được thoát miễn không?”

Phật bảo nhà vua rằng:

“Con người có bốn việc mà không thể tránh khỏi. Những gì là bốn?

1. Một khi đã ở trong thân trung uẩn, thì sẽ không được chuyển sanh.
2. Một khi đã sanh, không ai là chẳng bị già.
3. Một khi đã già, không ai là chẳng mắc bệnh.
4. Một khi đã bệnh, không ai là chẳng bị chết.”

Lúc bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ rằng:

“Vào biển trú hư không
Dù vào tận hang núi
Chẳng có một nơi nào
Thoát miễn khỏi phải chết

Việc này do mình tạo
Nghiệp báo sẽ như thế
Ai siết bởi phiền não
Thẳng tiến già chết sầu

Thanh tịnh khéo tự biết
Sanh tận thấy như thế
Bhikṣu nhàm phiền não
Ra khỏi chốn sanh tử”

Khi nghe Phật dạy, nhà vua tán thán rằng:

“Lành thay! Đúng như lời Thế Tôn đã dạy. Bốn anh em cùng nhau lánh nạn. Nay một người đã chết. [Ba người còn lại cũng không thoát khỏi.] Phước lộc và thọ mạng đều có nhân duyên. Tất cả những việc khác thì cũng vậy.”

Bấy giờ các quần thần đi theo, không ai là chẳng tín thọ.



KINH PHÁP CÚ THÍ DỤ