NHẤT CHI MAI

 

Từ thuở nào… hoa Mai đã được mọi người chiêm ngưỡng, tượng trưng cho nét đẹp thanh tao. Mỗi khi hoa Mai nở rộ là lúc lòng người nao nao, là dấu hiệu mùa xuân đang về, là ngày lễ của các dân tộc đón Tết Âm lịch (cổ truyền) ở Đông Á.

Nói đến hoa Mai thì ta lại nghĩ ngay đến sắc vàng của nó (mai vàng chỉ phù hợp khí hậu nhiệt đới ở phía Nam) tương phản với sắc hồng đỏ của hoa Đào (cũng là một loại hoa tượng trưng cho ngày Tết, phù hợp với khí hậu ôn đới). Trong văn học nghệ thuật Á Đông thì hoa Mai (hoa Đào) đã đóng một vai trò quan trọng và là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm thi ca, hội họa…

Các cao tăng đời Lý (1010-1225) học rộng, tinh thông Phật pháp lại giỏi Hán học nên được xã hội kính trọng. Đạo Phật được tôn vinh nên nhiều người muốn tìm học triết lý Phật giáo. Ngoài việc thuyết giảng, các nhà sư còn dùng “kệ” – một thể thơ ngắn; nhằm truyền đạt những ý cao siêu, uyên thâm của Phật pháp bằng những hình ảnh, những câu thơ ngắn, gọn, sinh động mà dễ hiểu, dễ ngộ…

Thiền Sư Mãn Giác满覺 (1052 – 1096) cao tăng đời Lý, qua bài kệ: Cáo tật thị chúng 告疾示眾hay Nhất Chi Mai 一枝梅 đã phản ánh một tâm hồn lắng đọng, ung dung tự tại, tĩnh lặng nhìn thế sự, đất trời đổi thay, hiểu rõ quy luật của vạn vật: Thành – Trụ – Hoại – Diệt, từ đó thấu triệt đạo lý, đắc Đạo viên mãn, thoát vòng tử sinh.

Đời người như bốn mùa xuân – hạ – thu – đông, hết vòng tuần hoàn, luân chuyển như cây cối, trăm hoa úa tàn, rơi rụng… Nhưng Nhất Chi Mai vượt trên muôn loài hoa, vượt qua cái giá lạnh đông hàn, để rồi khai nở trong cái “thảng thốt” của Thiền Sư: “…Đình tiền tạc dạ nhất chi mai…”

春去百花落,
春到百花開.
事逐眼前過,
老從頭上來.
莫謂春殘花落盡,
庭前昨夜一枝梅.

Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Bản dịch:

Xuân trỗi trăm hoa rụng
Xuân tới, trăm hoa cười.
Trước mắt, việc đi mãi,
Trên đầu, già đến rồi!
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua, sân trước, một cành mai.

Ngô Tất Tố

***

Xuân đi muôn vạn hoa tàn
Xuân về thắm lại ngập tràn những hoa
Việc đời thế sự đi qua
Trên đầu tuyết đểm một vài cọng sương
Chờ cho xuân hết hoa tàn
Đêm qua sân trước nở vàng cành mai

Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu

***

Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu, già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua – sân trước – một cành mai.

Thiền sư Thích Thanh Từ

***

Một đóa mai vàng
Xuân đi hoa rụng ngậm ngùi
Xuân về hoa nở, niềm vui ngập tràn.
Dòng đời thấm thoát mơ màng
Trên đầu tóc bạc ngỡ ngàng trăm năm
Đừng tưởng xuân hết hoa tàn
Đêm qua – một đóa mai vàng trước sân.

Thích Giác Toàn (Trần Quê Hương)

***

Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa nở
Việc đời qua trước mắt
Trên đầu già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai!

Minh Đức Triều Tâm Ảnh

***

Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa cười.
Việc đời qua trước mắt,
Già đến trên đầu rồi !
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Ngoài sân đêm trước một cành mai.

Lê Mạnh Thát

***

Thực vậy, chúng ta đừng nghĩ rằng: lúc xuân tàn tất cả mọi bông hoa đều rụng hết, cây cối trở nên trơ trụi, bởi vì vừa mới đêm qua thôi ở trước sân đã có một cành hoa mai nở rồi. Cành hoa mai ở đây tiêu biểu cái bất sinh bất diệt của vũ trụ (thiên nhiên), mà nếu con người cố gắng tu luyện thì sẽ có thể vượt lên khỏi sự tuần hoàn của tạo hóa, để hội nhập vào cái trường tồn của vũ trụ…

Thiền sư Mãn Giác đã dạy: chúng ta không nên quá bi quan trước sự tuần hoàn của vũ trụ (thiên nhiên), chớ quan tâm nhiều tới cảnh xuân đến thì hoa nở, xuân đi thì hoa tàn, cũng như sự đời trôi qua trước mắt vô cùng tận và đem đến cái già trên đầu mình…

Kỳ Thanh (sưu tập) Xuân Giáp Thìn 2024.

 

Ghi chú: “Nhất Chi Mai” là loài Mai quý hiếm, chỉ sống ở những nơi có mùa đông và giá lạnh, còn gọi là Mai trắng (Bạch Mai, Hàn Mai, Lưỡng Nhị Mai, Nhị Độ Mai). Tên khoa học là Prunus mume Sieb. & Zucc, thuộc họ hoa hồng (Rosaceae). Tuy tên dân dã là Mai nhưng thực sự là một loài cùng họ với đào, anh đào, mơ, mận. Nhất Chi Mai chỉ sống ở những nơi có mùa đông và giá lạnh, chậm lớn, gốc xù xì, thân đen óng, nụ màu đỏ, khi nở thì chuyển dần sang màu trắng với nhiều tầng cánh xếp vào nhau (là lúc đẹp nhất), tàn thì lại chuyển dần về màu đỏ. Đặc biệt Nhất Chi Mai có thể tái nở hoa vào tháng hai âm lịch, sau khi tàn đợt nở đón xuân. Đúng lúc xuân tàn, thiên hạ đã hết hoa mai rồi, thì Nhất Chi Mai tái nở với những chồi lộc non tươi… (tham khảo “Nhất chi mai” Fb Hoài Nguyễn 19/01/2019)