Ánh hoàng hôn…
KỲ THANH tổng hợp tháng 03/2024.

 

Ngày xưa: “nhân sinh thất thập cổ lai hy”. (Người thọ đến bảy mươi tuổi, xưa là hiếm).

Ngày nay: “nhân sinh thất thập kim hữu đa”. (Ngày nay, thọ đến bảy mươi tuổi là khá nhiều).

Bảy mươi chưa gọi là già. Tuổi già (mãn chiều xế bóng) mới là cái tuổi đẹp nhất, êm ả và thong thong, chẳng gì đẹp bằng ráng đỏ trời chiều (ánh hoàng hôn).

Cái đẹp của trời chiều là cái đẹp yên tĩnh, không huênh hoang, không giả tạo. Cái đẹp của cuộc sống không ở tuổi mới lớn, không ở tuổi thanh xuân, nó như trời chiều (hoàng hôn), như vẻ đẹp ngời ngời bùng lên khiến người ta trầm trồ tấm tắc.

Về già, người ta càng ưa yên tĩnh, thích trầm tư, hay ngồi một mình suy ngẫm, những ý nghĩ phóng như bay trên những nẻo đường không gian và thời gian trong quá khứ.

*

Khi già, thời gian mới là thực sự của mình, vì không còn phải chạy ngược chạy xuôi để kiếm sống nữa. Không còn bị bó buộc bởi trách nhiệm, bổn phận. Nay có thể ngồi mơ mộng hàng giờ trên ghế đá công viên; du ngoạn thưởng thức và hòa mình vào thiên nhiên, muôn thú; có thể tìm được giây phút an bình, tự tại. Không như thời còn trẻ, khi đi du lịch, mà thỉnh thoảng cũng bị công ăn việc làm, nhà cửa ám ảnh, nhắc nhở…

Vấn đề sức khỏe là mối quan tâm hàng đầu. Người lớn tuổi, thì sức khỏe sẽ yếu dần, bệnh hoạn lần lượt đến tấn công, không ai thoát khỏi đau nhức, mỏi mệt… Nhưng họ lại cảm nhận được cái vui sướng của một ngày khi bệnh thuyên giảm. Một ngày khi cảm thấy gân cốt ít nhức mỏi hơn, dễ chịu trong từng khớp xương hơn. Người trẻ đâu có thấy được những nỗi “hạnh phúc” này? Vì họ chưa kinh nghiệm, chưa trải qua, nên chưa biết. Họ có sức khỏe, nhưng họ không biết đó là “vốn quý”, nhiều lúc tự xem như chẳng có giá trị gì. Thời trẻ ít quan tâm, chưa biết trân trọng câu: “sức khỏe là vàng”.

Còn nhớ câu chuyện Thượng Đế khi đuổi tổ phụ loài người là ông Adam và bà Eva xuống trần gian, chỉ mặt mà phán rằng: “Từ nay chúng mi phải đổ mồ hôi trán mới có hạt cơm vào mồm”… Đó là lời phán ý nghĩa nhất, là con người phải sống trong nhọc nhằn. Sách Phật cũng dạy rằng: đời là đau khổ, và tu để tránh khổ. Đúng là đời nầy đáng sống lắm, nhưng cũng lắm nhiều khổ đau…

Già rồi, bôn ba và buồn bã là chuyện đã qua. Biết “sống chậm” và cảm nhận được hạnh phúc trong sự biết đủ. Sống như mình thích, thuận theo tự nhiên, gửi tình cho sông núi, dửng dưng trước danh lợi, biết buông xả, yêu đời… Già mà không suy, tuổi cao thân mạnh, sống lương thiện đến khi ra đi.

Người già về cuối đời lo nhất không phải là lo chết mà là lo làm sao giữ được cho mình có sức khỏe tốt, có cuộc sống hạnh phúc, tránh được bị bệnh tật hành hạ.

Khi được hỏi về bí quyết sống lâu, cụ Châu Hữu Quang周有 (1906-2017)* đã nói:

– Người ta không chết vì đói mà chết vì ăn.

Tôi xưa nay chưa bao giờ uống thuốc bổ. Tôi được biếu nhiều thuốc bổ nhưng không bao giờ dùng. Khi được mời ăn nhậu cũng ăn rất ít. Tùy tiện ăn uống chỉ có hại cho sức khỏe. Không nên ăn các món ăn dầu mỡ, ăn vừa phải các món đậu phụ, rau xanh, trứng gà, sữa, nhưng chỉ ăn vừa phải; ăn nhiều sẽ làm tăng cholesterol.

– Có tấm lòng khoan dung, luôn có thái độ lạc quan.

Hồi trẻ tôi từng mấy đợt bị mất ngủ; công việc căng thẳng lại được phái xuống nông thôn công tác. Mới đầu thấy khó chịu. Sau không ngờ trị được bệnh mất ngủ. Từ đó tôi tin vào câu nói “Tái ông thất mã, yên tri phi phúc” (塞翁失馬,焉知非福. May rủi khôn lường). Nếu đã không đủ sức thay đổi hiện trạng thì hãy mở rộng lòng mình một chút, hãy sống với thái độ lạc quan tích cực.

– Sống càng đơn giản càng tốt.

Sau về hưu rất ít ra ngoài, ít ăn nhậu, chủ yếu ở nhà viết lách. Việc chăm làm nhất là tu thân dưỡng tính, ngày ngày sống trong bận rộn cho nên không cảm thấy cô đơn, lo lắng. Chớ có bỏ phí quãng thời gian nghỉ hưu. Bạn sẽ làm được khối việc hữu ích cho bạn và cho nhân quần đấy. Và dường như càng làm việc ta càng được trời ban cho thêm thứ ta cần nhất…

*

Nữ sĩ Quỳnh Dao (sinh năm 1938)*, tên thật Trần Triết . Năm 2017, bà đã có một tâm thư dặn dò hai con (Tú Quỳnh và Trung Duy) lo lắng cho chuyện hậu sự sau này (chia sẻ tâm thư của mình cho tất cả mọi người được biết) của bà: …”Năm nay mẹ 79 tuổi, năm sau đã là 80. Quả là đời người đã dài, mẹ không vì chiến tranh, bệnh tật, nghèo đói, thiên tai… mà đi trước một bước. Sống đến tuổi này đã là sự ban ơn của Thượng Đế đối với mẹ. Chính vì lẽ đó, từ giờ trở đi, mẹ sẽ đón nhận cái chết với nụ cười trên môi… “Khi còn sống, nguyện là ánh lửa, cháy hết mình tới phút cuối cuộc đời. Lúc chết đi, nguyện là hoa tuyết, lất phất rơi, hóa thành cát bụi”…

Nữ sĩ quyết định: bà không muốn mai táng theo nghi thức tôn giáo truyền thống mọi người vẫn hay làm. Bà dặn con không đăng cáo phó, không làm lễ truy điệu, không đốt vàng mã… Bà muốn mọi việc diễn ra lặng lẽ, đơn giản, không phô trương. “Cái chết là việc riêng, đừng làm phiền người khác, càng đừng làm phiền những người yêu mến mẹ. Nếu thật lòng yêu mẹ, họ sẽ hiểu cho mẹ…”, “sau này, tiết Thanh Minh cũng không cần cúng bái mẹ, vì mẹ đã không còn tồn tại”.

Bà còn dặn con cháu rằng: “Trái đất đang ngày càng ấm lên, đốt giấy đốt hương đều đang phá hoại quả địa cầu này, Chúng ta có nghĩa vụ giữ gìn môi trường sống sạch sẽ cho những sinh mệnh mới đang nối tiếp nhau chào đời”…

*

Vô Thường: Được sống là mừng, mà được chết cũng đừng buồn!

Biết đâu chỉ là khởi điểm của một cuộc rong chơi…

Tôi đi trước, hẹn gặp nhau ở đó…
Ai thay da mãi mãi sống muôn đời?
Kẻ trước, người sau xếp hàng xuống mộ,
Biết đâu là khởi điểm cuộc rong chơi…
(không rõ tác giả?)

*

Ghi chú: * Những lời dạy của Giáo sư Châu Hữu Quang周有光 và Nữ sĩ Quỳnh Dao瓊瑤 là dẫn chứng gần gũi với phong tục tập quán, suy nghĩ của người Á Đông. Những thành quả đóng góp của hai vĩ nhân, mọi người đều rõ… Có thể tìm hiểu thêm về tiểu sử và sự nghiệp của họ, qua mạng internet như sau:

Google search.

百度: https://baike.baidu.com/

Wikipedia Viet: https://vi.wikipedia.org/wiki/

*

 Nguồn tham khảo:

– Bí quyết sống lâu của cụ Châu Hữu Quang (1906-2017); “一位111岁老人的长寿秘诀,他总结为3句话,健康长寿并不难”. 秀丽医生谈健康2022-05-24山东 . Fb Nguyễn Hải Hoành 12/03/2024.

– “Buông bỏ nhẹ nhàng”. Theo: sohu https://m.facebook.com/story.php…Fb Dac Thanh Vuong 08/03/2024.

– “Non xanh vẫn còn đó, hoàng hôn đỏ bao lần!” Lê Thanh Dũng lược dịch 15.06.2017 by khoahocnet.com

– “Tuổi già” Fb Ky Thanh Quach cuối năm 2021.