Khai bút đầu năm.Vui với chữ nghĩa.

LỄ & NGHĨA
Kỳ Thanh

 

Tiên học lễ, hậu học văn” là phương châm cho việc giáo dục; vẫn đúng, vẫn giá trị xuyên suốt từ xưa đến nay.

***

Chiết tự chữ lễ禮: bên trái bộ thị 示 (礻) với 2 vạch ngang là hướng lên trên; 3 vạch đứng là mặt trời, mặt trăng và (các) vì sao. 示hướng về đấng thần linh. Bên phải trên chữ khúc曲: cong, không thẳng, là âm điệu lên xuống (vũ điệu, âm nhạc). Bên phải dưới là chữ đậu豆 : ý nói lễ vật. Vậy lễ là nghi thức mà người xưa dùng để cầu xin hay tạ ơn các đấng thần linh, tổ tiên. Từ nghi thức chuyển hóa dần thành cách cư xử, mối quan hệ giữa người với người; giữa người với thiên nhiên…

Lễ không chỉ gói gọn trong lễ nghi, lễ nghĩa mà còn là tôn ti trật tự… và cả luật pháp nữa. Lễ là cốt để giữ chừng mực cho hành vi của con người (khác với loài vật). Lễ khiến cho hành vi của con người hợp với Đạo (đạo đức, luật lệ, tôn giáo…). Để cho con người tự hạn chế bớt các dục vọng, khỏi làm điều bậy bạ, xâm hại đến người khác… thì phải có Lễ.

Còn chữ nghĩa義: bên trên chữ 羊dương: con dê, cừu (đồng âm với chữ 陽 dương – tốt, đẹp); bên dưới chữ我 ngã: tôi (bên trái với bộ 手thủ: tay, viết liền với bộ戈 qua: vũ khí. Trên tay có vũ khí, tức là tự bảo vệ, đã trưởng thành). 義nghĩa: cá nhân phải sống tốt, hoàn thiện bản thân và hành động hữu ích cho xã hội; (như cống hiến cho đời của loài dê, cừu…là những con chiên của Chúa, là con của Phật…)

Lễ Nghĩa là tinh hoa của nền giáo dục nước nhà ngày xưa; tiếc rằng ngày nay chúng ta không còn xem trọng; mà còn phủ nhận, xem đó là phong kiến, là cổ hủ. Dân ta có câu “Nhân chi sơ tính hướng thiện”… bản chất con người sinh ra vốn dĩ hiền lành, lương thiện. Nhưng khi trưởng thành vào đời, không ít người đã tự đánh mất lễ, nghĩa mà trở nên hiểm ác? Phải chăng do môi trường xã hội và do chất lượng nền giáo dục không coi trọng giáo dục làm người?

Những bài thơ, những câu ca dao, bài văn xuôi ngắn gọn trong sách giáo khoa ngày xưa dạy những điều thiết thực dễ hiểu dễ nhớ, đi vào tiềm thức con người thuở còn thơ, dần dần hình thành nhân cách làm người khi trưởng thành. Cùng với giáo dục trong gia đình, ông cha răn dạy con cháu nghiêm khắc theo gia phong, lễ tiết lấy hiếu, nghĩa làm đầu; “Gọi dạ, bảo vâng… Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy… Thương người như thể thương thân… Tôn sư trọng đạo …”

Như lời cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela nói rất chí lý: “…Thất bại của nền giáo dục là sự suy vong của một quốc gia. Hủy diệt một quốc gia không cần bom nguyên tử hay tên lửa tầm xa, chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và dung túng gian lận thi cử: – Bệnh nhân mất mạng chỉ vì thầy thuốc học từ đó mà ra – Nhà sập chỉ vì kỹ sư học từ đó mà ra – Tiền của mất sạch chỉ vì nhà kinh tế, nhà kế toán học từ đó mà ra – Nhân tính mất hẳn chỉ vì những nhà tôn giáo học từ đó mà ra – Công lý không còn chỉ vì quan tòa học từ đó mà ra…”

Nhiều thập niên qua nền giáo dục nước nhà, từ nhà trường, gia đình và xã hội buông lỏng giáo dục làm người, chính trị hóa nền giáo dục, gây ảnh hưởng xấu đời sống xã hội, nếu không muốn nói làm hỏng một bộ phận thế hệ con người Việt Nam ngày nay, làm cho đời sống xã hội bất an, tội ác lộng hành, đạo đức suy đồi, những giá trị truyền thống gia đình Việt Nam bị hủy hoại… Là nổi day dứt, trăn trở khôn nguôi với những ai quan tâm đến vận nước và tương lai dân tộc! Phải chăng bắt nguồn từ “lỗ hỏng” của nền giáo dục?

***

Kế thừa tinh hoa Nho học hoàn toàn không có nghĩa là quay trở lại với xã hội ngày xưa. Xã hội “vương quyền chuyên chế” đã qua không bao giờ trở lại. Đoạn tuyệt với tư duy “ăn mày dĩ vãng”… không còn phù hợp với xã hội hiện tại. Nhưng những tư tưởng của Nho học vẫn là công cụ hữu ích cho quá trình phát triển xã hội ngày nay. Rất nhiều những lời dạy, chỉ dẫn của Khổng Mạnh; vẫn đúng, vẫn giá trị, đáng trân trọng trong đời sống xã hội đương đại…

Với thiển ý, luôn lấy lời dạy “ôn cố tri tân温故知新” (hiểu rõ đời xưa, thông tỏ đời nay) làm phương châm cho việc học, là kim chỉ nam cho cuộc sống. Vận dụng các bài học giáo huấn và những kinh nghiệm của các bậc tiền bối để tự tu dưỡng.

Ví dụ: để trở thành một công nhân viên chức có năng lực được dân tin yêu phải tuân thủ 8 điều mục nhỏ (bát điều mục), bao gồm: cách vật (tiếp cận và nhận thức sự vật), trí tri (đạt tri thức về sự vật), thành ý (làm cho ý của mình thành thực), chính tâm (làm cho tâm của mình được trung chính), tu thân (tu sửa thân mình), tề gia (xếp đặt mọi việc cho gia đình hài hòa), trị quốc [khiến cho nước (địa phương) được an trị], bình thiên hạ [khiến cho thiên hạ (mọi người) được yên bình]. Từ thiên tử (vua) cho đến kẻ thứ dân, tất cả đều lấy việc sửa mình làm gốc *.

Itô Jinsai (1627 – 1705) nhận xét rằng: “… Khổng Tử là một nhà giáo dục có thể nói rất tân tiến ngay cả đối với quan điểm giáo dục của hiện nay (mặc dù ông đã sống cách đây trên hai ngàn năm). Có lẽ ông là người đầu tiên xem trọng việc học và việc có bạn bè để trao đổi ý kiến trong việc học và cùng làm việc tốt. Học thuyết ông thực dụng, tránh đề cập đến vấn đề trừu tượng khó hiểu như ít đề cập đến đạo của trời (Thiên Đạo), quỷ thần và không bao giờ nói đến bói toán… Mục đích học thuyết của ông là xây dựng một xã hội thái bình nên lấy nhân 仁, tức tình thương yêu làm đầu. Học thuyết của ông lấy việc thực hành, áp dụng vào đời sống là chủ yếu không phải truy tìm triết lý cao xa…” (“Ngữ Mạnh Tự Nghĩa” của Itô Jinsai. Nguyễn Sơn Hùng dịch. Diễn Đàn Khai Phóng, tháng 02/2024).

***

Từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây, niềm ao ước của con người…thật đơn giản: Với ý tưởng hài hòa, xã hội công bằng, mưu cầu hạnh phúc, xem trọng nhân quyền, cũng là tôn chỉ, mục tiêu mà các tôn giáo đều hướng đến… như Khổng Tử đã dạy (Tử viết – cách đây trên hai ngàn năm) Tử viết: Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiếu giả hoài chi. 子曰:老者安之,朋友信之,少者怀之 . Khổng tử nói: Người già được nuôi dưỡng đầy đủ, bạn bè tin cậy lẫn nhau, trẻ em được quan tâm chăm sóc. (Sách Luận Ngữ / Công Dã Tràng).

Kim chỉ nam làm người, không phân biệt màu da, sắc tộc, giai tầng xã hội (tuổi tác, giới tính) đều tự thực hiện và hoàn thiện…thì mọi người sống hòa mình với nhau, chiến tranh sẽ không còn cơ hội xảy đến với con người… Tử viết: Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân. 子曰: 己所不欲 ,勿施於人 . Khổng tử nói: Việc gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác. (Sách Luận Ngữ / Vệ Linh Công).

Tử viết: Phu nhân giả, kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân. 子曰:  夫仁者, 己欲立而立人, 己欲达而达人 . Khổng tử nói: Người có nhân (tâm) muốn thành người nhân đức thì cũng muốn người khác như mình, người có nhân (tâm) đã làm được việc gì cũng muốn người khác đạt như thế. (Sách Luận Ngữ / Ung Dã). 

Nhờ có tu thân, SĨ phu (giới trí thức) sẽ hiểu giá trị của mình (dù ai không biết, không hiểu mình cũng không sao) nên tự (tu thân) trông cậy vào chính mình và chú trọng vào nhân nghĩa … Mạnh Tử viết: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất,” (Tức là giàu sang mà không hoang dâm, nghèo hèn mà không đổi chí khí, gặp uy vũ không chịu khuất phục富貴不能淫, 貧賤不能移, 威武不能屈 …); vẫn đúng, vẫn giá trị xuyên suốt từ xưa đến nay. Là chân lý của nhân loại. Là phương châm cho việc giáo dục làm người từ Đông sang Tây.

Bậc cai trị phải có lòng nhân, tức là phải yêu thương dân, vui cái vui của dân và lo cái lo của dân. Thực ra là phải lo trước cái lo của dân và vui sau cái vui của dân. Bậc cai trị phải lấy dân làm gốc và phải tâm niệm lời của Mạnh Tử rằng: “Quý nhất là dân, sau đó là quốc gia, và thấp nhất là nguời cai trị.” (Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh 民為貴, 社稷次之 , 君為輕 ). Cho nên người cai trị phải mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân là CHÍNH, là ưu tiên, là trên hết (Sách Mạnh Tử / Tận Tâm hạ)

Will Durant (1885 – 1981) nhận xét về học thuyết, tư tưởng Khổng Tử: “…Không nên trách Khổng Tử về tất cả những nhược điểm ấy… Không ai lại đòi một triết gia phải suy tư cho hơn hai chục thế kỷ. Trong một đời người làm sao có thể tìm được con đường đưa tới tri thức cho hết thảy các đời sau. Mà rất ít người làm nhiệm vụ ấy một cách đầy đủ như Khổng Tử. Càng hiểu rõ ông, chúng ta càng ngạc nhiên rằng chỉ có một phần nhỏ trong đạo của ông là không hợp với khoa học, với những sự biến đổi do thời gian… Khi ta nhận thấy rằng ngay ở thời đại chúng ta, ông vẫn còn là người chỉ đường chắc chắn cho chúng ta thì chúng ta quên những lời đôi khi hơi nhàm của ông và đức độ quá hoàn toàn của ông làm cho ta có lúc chịu không nổi…” (Will Durant, Lịch sử văn minh Trung Hoa, Nguyễn Hiến Lê dịch. Nxb VHTT).

Cần phân biệt rõ: Tư tưởng Nho Học của Khổng Mạnh thời Tiên Tần (trước năm 221 TCN), là đỉnh cao tư tưởng, tự do học thuật, là kim chỉ nam, phương châm của Nho gia. 

Nhưng đến đời Hán, từ Đổng Trọng Thư (Hán Nho), Chu Hy (Tống Nho), Vương Dương Minh (Minh Nho) đã sửa đổi, thiên lệch, phiến diện tư tưởng Nho học của Khổng Mạnh thời Tiên Tần, với mục đích là phục vụ, cũng cố cho tầng lớp vương quyền chuyên chế. Tầng lớp cai trị đã lợi dụng (Hán, Tống, Minh Nho) để mị dân, đầu độc tư tưởng; hầu tiếp tục duy trì, được hưởng những đặc quyền, đặc lợi…(Giáo sư Đài Loan傅佩榮  Phó Bội Vinh – 论语的智慧与孔子的大道).

Will Durant còn có lời khuyên: “… Ngày nay cũng như ngày xưa, cho thanh niên hấp thụ nhiều tư tưởng Khổng Mạnh, là phương thức tốt nhất cho những dân tộc nào bị nhiễm cái hại của một nền giáo dục thiên về trí dục, luân lý suy đồi, từ cá nhân đến toàn thể dân tộc đều kém tư cách…” (Nguyễn Hiến Lê dịch)

Tuy rằng nền giáo dục Âu Mỹ, ít đặt trọng tâm vào việc dạy Lễ, nhưng đừng quên rằng đã được nhà thờ, và các đoàn thể tôn giáo làm thay chức năng (giáo huấn về Lễ, Nghĩa) hằng ngày, hàng tuần; dù không trực tiếp nhưng lại có hiệu quả cao: đã kết hợp tốt giữa giáo dục và tôn giáo, đạo đức và tín ngưỡng… 

***

Ghi chú: * 物格而后知至,知至而后意诚,意诚而后心正,心正而后身修,身修而后家齐,家齐而后国治,国治而后天下平。自天子以至于庶人,一是皆以修身为本

Vật cách nhi hậu tri chí; tri chí nhi hậu ý thành; ý thành nhi hậu tâm chính; tâm chính nhi hậu thân tu; thân tu nhi hậu gia tề; gia tề nhi hậu quốc trị; quốc trị nhi hậu thiên hạ bình. Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản. (Giáo sư Đài Loan傅佩榮  Phó Bội Vinh – 活出儒家风采).

Đầu năm Giáp Thìn 2024, Kỳ Thanh.