Nhân quả lớn lao để thành Phật và
giải thích đại lược những nghĩa lý trọng yếu của Tứ Liệu Giản

Trích Khai Thị Của Đại Sư Ấn Quang

 

Hai ngày hôm trước, tôi đã bàn qua về nhân quả. Hôm nay tôi vẫn bàn về nhân quả, [quý vị] cần biết là [nhân quả] đã được nói trong hai bữa trước là tiểu nhân, tiểu quả, [nhân quả] được bàn trong ngày hôm nay là đại nhân, đại quả.

Sở dĩ đức Phật thành Phật thường hưởng pháp lạc chân thường, sở dĩ chúng sanh bị đọa địa ngục, vĩnh viễn chịu khổ luân hồi kịch liệt, [cả hai việc này] đều chẳng ra ngoài nhân quả. Hễ con người muốn trị thân tâm thì trọn chẳng thể ra ngoài nhân quả được. Con người hiện tại ham ăn nói lớn lối, chẳng cầu thực tế, bộp chộp bảo nhân quả là pháp Tiểu Thừa, thật là lầm lẫn lớn. Nào biết Ðại Thừa hay Tiểu Thừa trọn chẳng ra ngoài hai chữ “nhân quả” được! Tiểu Thừa là tiểu nhân quả, Ðại Thừa là đại nhân quả. Tiểu nhân (nhân nhỏ bé) là y theo Sanh Diệt Tứ Ðế, biết Khổ, đoạn Tập, hâm mộ Diệt, tu Ðạo; tiểu quả là chứng quả A La Hán. Ðại nhân (nhân lớn lao) là tu Lục Ðộ vạn hạnh; đại quả là chứng Phật Quả rốt ráo. Trồng dưa được dưa, gieo đậu được đậu. Có nhân nào ắt sẽ có quả đó, chưa hề sai sót. Vì vậy, chẳng riêng người thế gian đều thuộc trong nhân quả mà ngay chính Bồ Tát, Phật cũng chẳng ra ngoài nhân quả được! Nếu bảo nhân quả là Tiểu Thừa, hóa ra Phật, Bồ Tát cũng là Tiểu Thừa ư? Ðủ biết lời lẽ ấy ngông cuồng, trái nghịch đến thế nào!

Pháp hội này là pháp hội Hộ Quốc Tức Tai. Tôi chỉ mới bàn đến việc ngưng dứt tai nạn đao binh, nước lửa, vẫn chưa phải là rốt ráo. Lại cần phải dứt tai nạn phiền não sanh tử thì mới là biện pháp triệt để. Chúng ta mê muội Pháp Thân của chính mình, dứt huệ mạng của Phật, đáng buồn, đáng đau! So với việc sắc thân bị họa, [mê lầm mất Pháp Thân] nào phải chỉ gấp trăm ngàn vạn lần nặng nề hơn! Vì thế, phải hộ trì Pháp Thân huệ mạng, đoạn sanh tử phiền não mới đáng kể là biện pháp tức tai (dứt trừ tai chướng) trọn vẹn.

Phật giáo, [nói] đại cương, chẳng ngoài năm tông, năm tông chính là Luật, Giáo, Thiền, Mật, Tịnh. Luật là căn bản của Phật pháp, nghiêm trì tịnh giới để mong tam nghiệp thanh tịnh, nhất tánh viên minh, Ngũ Uẩn đều không, các khổ đều độ. Giáo là nương theo giáo pháp mà tu Quán, rời khỏi “ngón tay [chỉ mặt trăng] để thấy được mặt trăng”, triệt ngộ Phật tánh sẵn có của đương nhân, kiến tánh thành Phật. Nhưng chữ “thành Phật” đó có nghĩa là thấy được đức Phật thiên chân[27] trong tự tánh bèn gọi là “thành Phật”, chứ chưa phải là thành tựu, chứng được quả Phật nơi Bồ Ðề đạo. Mật dùng tam mật (thân mật, khẩu mật, ý mật) gia trì, chuyển Thức thành Trí, gọi là “tức thân thành Phật” (thành Phật ngay trong thân này). Ðây cũng chỉ là coi “liễu sanh thoát tử từ ngay nơi thân này là thành Phật”, chứ chưa phải là thành đức Phật phước huệ viên mãn! Ba tông này đều có thể gộp vào Thiền vì khí phận giống nhau. Do vậy, tu trì Phật pháp trọng yếu chẳng ngoài hai môn Thiền và Tịnh. Thiền chuyên cậy tự lực, nếu chẳng phải kẻ túc căn chín muồi thì chẳng thể được lợi ích thật sự. Tịnh là kiêm nhờ Phật lực, hễ ai đầy đủ tín, hạnh, nguyện chân thật thì đều có thể đới nghiệp vãng sanh. Sự khó – dễ giữa hai pháp môn này khác nhau một trời, một vực. Vì thế, đầu đời Tống, ngài Vĩnh Minh Diên Thọ thiền sư dùng thân “cổ Phật” thị hiện sanh trong thế gian, triệt ngộ nhất tâm, tu trọn vạn hạnh; mỗi ngày làm một trăm lẻ tám Phật sự, đêm đi qua ngọn núi khác kinh hành niệm Phật. Ngài rất lo cho kẻ học trong đời sau chẳng hiểu rõ tông yếu[28], nên đặc biệt viết một bài kệ Tứ Liệu Giản ngõ hầu [mọi người] biết chỗ tiến theo.

Bài kệ ấy như sau:

Hữu Thiền, hữu Tịnh Độ,
Do như đới giác hổ,
Hiện thế vi nhân sư,
Lai sanh tác Phật, Tổ.
Vô Thiền, hữu Tịnh Độ,
Vạn tu, vạn nhân khứ,
Nhược đắc kiến Di Đà,
Hà sầu bất khai ngộ?
Hữu Thiền, vô Tịnh Độ,
Thập nhân cửu tha lộ,
Ấm cảnh nhược hiện tiền,
Miết nhĩ tùy tha khứ.
Vô Thiền, vô Tịnh Độ,
Thiết sàng tịnh đồng trụ,
Vạn kiếp dữ thiên sanh,
Một cá nhân y hỗ

(Có Thiền, có Tịnh Ðộ,
Khác nào hổ thêm sừng,
Hiện tại làm thầy người
Ðời sau làm Phật, Tổ.
Không Thiền, có Tịnh Ðộ,
Vạn tu, vạn cùng sanh,
Nếu được thấy Di Ðà,
Lo gì chẳng khai ngộ.
Có Thiền, không Tịnh Ðộ
Mười người, chín chần chừ
Ấm cảnh nếu hiện tiền
Chớp mắt đi theo nó.
Không Thiền, không Tịnh Ðộ
Giường sắt cùng cột đồng
Muôn kiếp với ngàn đời
Không một ai nương dựa)

Tám mươi chữ này là cương yếu cả một đời giáo hóa của đức Như Lai, là khuôn mẫu huyền diệu để người học [Phật] liễu thoát ngay trong đời này. Người đọc trước hết cần phải hiểu rõ thế nào là Thiền? Thế nào là Tịnh Ðộ? Thế nào là có Thiền? Thế nào là có Tịnh Ðộ? Thiền và Tịnh Ðộ là ước về Lý, ước về Giáo mà nói. “Có Thiền, có Tịnh Ðộ” là ước về căn cơ, ước về tu mà luận. [Luận theo] Lý – Giáo, hai pháp [Thiền và Tịnh] trọn chẳng khác gì nhau. Xét về mặt Cơ – Tu (căn cơ và sự tu hành), hai pháp khác nhau rất xa. Lời tuy tương tự, ý nghĩa thật khác biệt, cần phải rất chú ý thì mới chẳng cô phụ tấm lòng đau đáu của tổ Vĩnh Minh.

Gì là Thiền? Ðấy chính là Chân Như Phật tánh chúng ta sẵn có, nhà Thiền thường gọi là “bản lai diện mục trước khi cha mẹ sanh ra”. Tông môn chẳng nói toạc ra để người ta tự tham cứu, tự lãnh ngộ, nên nói như thế. Thật sự, nó chính là tâm thể thuần chân ly niệm linh tri, không Năng, không Sở, vừa Tịch vừa Chiếu[29] vậy (“Ly niệm linh tri” là trọn không có ý niệm suy lường nhưng hiểu rành rẽ tất cả cảnh tượng trước mắt). Tịnh Ðộ tức “tín nguyện trì danh, cầu sanh Tây Phương”, chứ chẳng phải chỉ riêng nói đến “duy tâm Tịnh Ðộ, tự tánh Di Ðà”.

“Có Thiền” tức là dốc sức tham cứu đến cùng cực, niệm vắng lặng, tình[30] mất đi, thấy thấu suốt diện mục sẵn có trước khi cha mẹ sanh ra, minh tâm kiến tánh. “Có Tịnh Ðộ” là chuyện thực sự phát Bồ Ðề tâm, sanh lòng tin, phát nguyện, trì danh hiệu Phật, cầu sanh Tây Phương. Nếu như tham Thiền chưa ngộ, hoặc ngộ chưa triệt để đều chẳng được gọi là “có Thiền”. Nếu như niệm Phật nhưng thiên chấp duy tâm, không có tín – nguyện, hoặc có tín – nguyện nhưng chẳng thân thiết đều chẳng được gọi là “có Tịnh Ðộ”. Thậm chí, tuy tu Tịnh Ðộ nhưng tâm nghĩ đến trần lao[31], hoặc cầu phước báo trời – người, hoặc cầu đời sau xuất gia làm Tăng, nghe một hiểu cả ngàn, đắc Đại Tổng Trì, hoằng dương Phật pháp, giáo hóa chúng sanh đều chẳng được gọi là “người tu Tịnh Ðộ” vì chẳng chịu theo đúng kinh giáo Tịnh Ðộ trong Phật pháp. Nếu lầm lạc lấy giáo nghĩa thông thường làm chuẩn [để phê phán, suy luận pháp môn Tịnh Độ] thì trong đời sau, trong cả vạn người, khó có được một, hai kẻ có thể chẳng mê để được liễu thoát. Bị phước báo mê hoặc, từ mê vào mê, thật có lắm kẻ! Nếu thật sự hiểu sâu xa ý nghĩa này thì mới đúng là người tu Tịnh Ðộ.

Kẻ có mắt không tròng thường tưởng tham thiền là “có Thiền”, niệm Phật là “có Tịnh Độ”, tự lầm, lầm người, há chẳng phải là tai hại cùng cực hay sao? Ở đây, tôi đã thuyết minh [thế nào là] có hay không có Thiền, Tịnh; nay sẽ lại đem lời kệ, dựa theo từng đoạn để phân tích [thì quý vị] mới biết tám mươi chữ này khác nào trời tạo đất dựng, không một chữ nào chẳng xác đáng, không một chữ nào có thể thay đổi được!

Bài kệ thứ nhất nói: “Có Thiền, có Tịnh Ðộ, khác nào hổ thêm sừng, hiện tại làm thầy người, đời sau làm Phật, Tổ”, nghĩa là: Người đã triệt ngộ Thiền Tông, minh tâm kiến tánh, lại còn thâm nhập kinh tạng, biết trọn vẹn các pháp môn Quyền – Thật của Như Lai, nhưng trong các pháp, lại chỉ chọn lấy một pháp “tín nguyện niệm Phật” để làm đường lối chung cho chánh hạnh tự lợi, lợi tha. Phần nói về Thượng Phẩm Thượng Sanh trong Quán kinh [có câu]: “Ðọc tụng Ðại Thừa, hiểu Ðệ Nhất Nghĩa” chính là nói về hạng người này. “Khác nào hổ thêm sừng” là người này song tu Thiền Tịnh, có đại trí huệ, có đại Thiền Ðịnh, có đại biện tài, tà ma ngoại đạo nghe danh vỡ mật, giống như hổ mọc thêm sừng, oai mãnh khôn sánh. Có kẻ nào đến học hỏi sẽ tùy cơ thuyết pháp. Thấy nên dùng Thiền Tịnh Song Tu để tiếp độ thì dùng Thiền Tịnh Song Tu tiếp độ. Nên dùng Chuyên Tu Tịnh Ðộ để tiếp độ thì dùng Chuyên Tu Tịnh Ðộ tiếp độ. Bất luận là thượng, trung, hạ căn, không một ai chẳng được lợi lạc. [Người như vậy] há chẳng phải là “nhân thiên đạo sư” ư? Ðến lúc mạng chung, được Phật tiếp dẫn vãng sanh Thượng Phẩm, trong khoảng khảy ngón tay, hoa nở thấy Phật, chứng Vô Sanh Nhẫn, thấp nhất cũng là chứng bậc Sơ Trụ trong Viên Giáo. Cũng có người đốn siêu[32] địa vị, đạt tới Ðẳng Giác. Bậc Sơ Trụ trong Viên Giáo đã có thể hiện thân làm Phật trong trăm cõi; huống hồ là những địa vị sau đó càng lên cao càng thù thắng hơn, tính thẳng đến địa vị thứ bốn mươi mốt là địa vị Ðẳng Giác [thì càng thù thắng đến mực nào] nữa? Vì thế nói: “Lai sanh tác Phật, Tổ” (Đời sau làm Phật, Tổ).

Bài kệ thứ hai là: “Không Thiền, có Tịnh Ðộ, vạn tu, vạn cùng sanh, nếu được thấy Di Ðà, lo gì chẳng khai ngộ”. Do người ấy tuy chưa minh tâm kiến tánh, nhưng cứ quyết chí cầu sanh Tây Phương. Trong kiếp xưa, Phật từng phát đại thệ nguyện nhiếp thọ chúng sanh như mẹ nhớ con. Nếu chúng sanh thật sự như con nhớ mẹ, chí thành niệm Phật thì cảm ứng đạo giao, liền được Phật nhiếp thọ. Kẻ tận lực tu Ðịnh – Huệ được vãng sanh đã đành, mà kẻ Ngũ Nghịch, Thập Ác lúc lâm chung bị sự khổ bức bách, phát tâm hổ thẹn lớn lao, xưng niệm Phật danh hoặc đến mười tiếng hoặc chỉ một tiếng rồi liền mạng chung, cũng đều được hóa thân của Phật tiếp dẫn vãng sanh. Ðấy chẳng phải là “vạn tu, vạn người sanh” hay sao? Tuy kẻ ấy niệm Phật chẳng bao lâu, nhưng do [niệm Phật] cực kỳ mãnh liệt nên đạt hiệu quả lớn lao, chớ nên đem người niệm Phật hờ hững, lững lờ để so sánh nhiều – ít! Ðã sanh về Tây Phương, gặp Phật nghe pháp, tuy có nhanh – chậm khác nhau, nhưng đều đã cao dự dòng Thánh, vĩnh viễn chẳng lui sụt. Tùy theo căn tánh sâu hay cạn sẽ hoặc dần dà hoặc nhanh chóng chứng đạt các quả vị. Đã được chứng quả thì chuyện khai ngộ cần gì phải nói tới nữa, bởi thế mới bảo: “Nếu được thấy Di Ðà, lo gì chẳng khai ngộ”.

Bài kệ thứ ba là: “Có Thiền, không Tịnh Ðộ, mười người, chín chần chừ. Ấm cảnh nếu hiện tiền, chớp mắt đi theo nó”. Do người ấy tuy triệt ngộ Thiền Tông, minh tâm kiến tánh, nhưng Kiến, Tư phiền não chẳng dễ đoạn trừ, cần phải qua bao duyên rèn luyện khiến cho [phiền não bị] đoạn trừ sạch không còn sót thì mới có thể xuất ly phần đoạn sanh tử[33] . Còn như kẻ chưa đoạn được mảy may nào ta chẳng cần bàn đến. Nếu như đoạn [phiền não] mà vẫn còn sót chút mảy may nào chưa thể đoạn sạch thì sáu nẻo luân hồi vẫn y như cũ, khó bề trốn tránh. Biển sanh tử sâu thăm thẳm, đường Bồ Ðề xa vời vợi, nếu chưa về đến nhà đã liền mạng chung thì trong mười người đại ngộ, tám chín người đã giống như thế. Vì thế, mới nói: “Thập nhân cửu tha lộ” (Mười người, chín chần chừ). Chữ “tha” (蹉) ở đây nghĩa là “tha đà” (蹉 跎), nếu nói thông tục là “chần chừ”. “Ấm cảnh” là cảnh tượng của thân Trung Ấm, tức là các cảnh tượng do nghiệp lực thiện, ác trong đời này và bao kiếp trước cùng hiện ra khi lâm chung. Khi cảnh này hiện ra, chỉ trong nháy mắt, sẽ theo nghiệp lực thiện hay ác nào mạnh mẽ nhất đi thọ sanh trong đường thiện hay ác, chẳng thể tự làm chủ được mảy may nào, giống như người mắc nợ, chủ nợ nào mạnh sẽ lôi đi trước. Tâm tình lắm mối, sẽ nghiêng lệch về chỗ nào tâm mình đặt nặng. Ngũ Tổ Giới tái sanh làm Tô Ðông Pha, Thảo Ðường Thanh lại sanh làm Lỗ Công[34]. Ðấy vẫn còn là bực thượng[35], nên nói: “Ấm cảnh nếu hiện tiền, chớp mắt đi theo nó”.

Chữ Ấm (陰) âm đọc và ý nghĩa giống chữ Ấm (蔭), có nghĩa là “che đậy”. Ý nói: Do nghiệp lực này ngăn che nên chân tánh chẳng thể hiển hiện. Chữ Miết (瞥) cùng âm với chữ Phiết (撇), nghĩa là “chớp mắt”. Có kẻ cho rằng chữ Tha (蹉) nghĩa là lầm lạc, “Ấm” là cảnh Ngũ Ấm Ma thì đều là vì chưa hiểu ý nghĩa chữ Thiền và chữ Có nên mới hiểu sai lầm như thế. Lẽ đâu bậc đại triệt đại ngộ trong mười vị, hết chín người lầm đường, lạc lối, lầm đi theo cảnh Ngũ Ấm Ma, bị ma dựa phát cuồng ư? Phàm kẻ bị ma dựa phát cuồng chính là hạng tăng thượng mạn[36] chẳng hiểu giáo lý, chẳng rõ tự tâm, tu mù luyện đui. Sao chẳng biết tốt – xấu, lại đem gán cho bậc đại triệt, đại ngộ vậy? Ðiều này quan hệ rất lớn, chẳng thể không biện bác rõ.

Bài kệ thứ tư là: “Không Thiền, không Tịnh Ðộ, giường sắt cùng cột đồng, muôn kiếp với ngàn đời, không một ai nương dựa”. Có người bảo “không Thiền, không Tịnh Ðộ” chính là kẻ vùi đầu tạo nghiệp, chẳng tu thiện pháp. Lầm lẫn lắm thay! Bởi lẽ, pháp môn vô lượng, nhưng chỉ có Thiền và Tịnh là phù hợp căn cơ nhất. Kẻ đó đã chưa triệt ngộ, lại chẳng cầu vãng sanh, cứ hời hợt, hờ hững tu các pháp môn khác thì chẳng thể giữ cho Ðịnh, Huệ quân bình, đoạn Hoặc, chứng Chân, lại chẳng cậy vào Phật lực để đới nghiệp vãng sanh, dùng công đức tu trì cả đời để cảm lấy phước báo trời người trong đời sau. Đời này đã không có chánh trí, đời sau ắt bị phước chuyển, đắm say Ngũ Dục, rộng tạo ác nghiệp. Ðã tạo nghiệp ác sẽ khó tránh khỏi ác báo. Một hơi thở ra không hít vào được nữa liền đọa địa ngục, rõ ràng là trải qua kiếp dài lâu, nằm lăn giường sắt, ôm ấp cột đồng để đền trả các món ác nghiệp tham thanh sắc, giết sanh mạng v.v… Chư Phật, Bồ Tát tuy rủ lòng từ mẫn, nhưng [do kẻ ấy] bị ác nghiệp chướng ngăn nên cũng chẳng được lợi ích gì.

Thiền sư Triệt Lưu đời Thanh bảo: “Người tu hành nếu không có chánh tín cầu sanh Tây phương, tu lung tung các điều thiện khác thì gọi là oan gia đời thứ ba”, chính là nói về ý này. Bởi lẽ, đời này tu hành, đời sau hưởng phước; cậy phước làm ác, ắt bị đọa lạc. Vui chỉ tạm hưởng trong đời sau, khổ vĩnh viễn suốt kiếp. Nếu như nghiệp địa ngục đã tiêu, lại chuyển sanh làm quỷ, súc sanh. Muốn lại được thân người, khó nhất trong những điều khó! Bởi thế, đức Thích Ca dùng tay bốc đất, hỏi ngài A Nan rằng: “Ðất trên tay ta nhiều hay đất trên đại địa nhiều?” A Nan bạch Phật: “Ðất trên đại địa nhiều”. Phật dạy: “Ðược thân người như đất trên tay; mất thân người như đất trên đại địa”. Câu “vạn kiếp và ngàn đời, không một ai nương dựa” vẫn còn là do âm vận bài kệ bó buộc nên chỉ nói thiển cận như vậy đó thôi!

Vĩnh Minh thiền sư sợ người đời chẳng hiểu được nghĩa chân thật của Thiền – Tịnh, [chẳng] quán sát rõ ràng, nên mới viết bài kệ này để giảng rõ. Có thể nói [bài kệ này] là chiếc bè báu để thoát bến mê, là người dẫn đường lìa nẻo hiểm, công lao rất lớn. Bởi lẽ, hết thảy pháp môn chuyên cậy vào tự lực, pháp môn Tịnh Ðộ kiêm nhờ Phật lực. Trong hết thảy pháp môn phải hết sạch Hoặc nghiệp thì mới có thể liễu sanh tử; pháp môn Tịnh Ðộ đới nghiệp vãng sanh liền dự vào dòng Thánh. Người đời chẳng xem xét, coi Tịnh Ðộ là thừa thãi, vụn vặt, thật đáng than thở lớn lao! Hiện tại, người ta hay cho rằng khán thoại đầu là cách tu thích hợp nhất, [cứ cho rằng] hễ lâm chung được chết an lành là liễu thoát. Nào hay lời ấy là lời nói mớ của kẻ chưa mở Chánh Nhãn. Ở đây, tôi dẫn chuyện cũ để làm thí dụ:

Vào khoảng đời Càn Long – Gia Khánh nhà Thanh, có ba vị Thiền tăng cùng tham thiền với nhau. Chết đi, một vị sanh tại Giang Tô, tên là Bành Văn Chương; một vị sanh ở Vân Nam, tên là Hà Quế Thanh; một vị sanh ở Thiểm Tây tên là Trương Phí. Trong ba người, chỉ ông Bành nhớ được chuyện kiếp trước. Sau lên kinh đô thi Hội, gặp hai người kia liền kể chuyện kiếp trước cùng làm Tăng. Hai người kia tuy không nhớ được [việc cũ], nhưng vừa thấy ông Bành đã như [gặp lại] cố nhân, trở thành bạn thân thiết. Vào Điện Thí (thi Ðình), ông Bành đậu Trạng Nguyên, ông Hà đậu Bảng Nhãn, ông Trương trúng Truyền Lô[37]. Họ Bành sau từng làm Chủ Khảo, Học Ðài, nhưng khá tham sắc, sau chết tại nhà. Họ Hà giữ chức Chế Ðài ở Nam Kinh. Giặc Hồng Dương nổi dậy, Nam Kinh thất thủ, ông bị hoàng thượng bắt tội chết. Ông Trương từng làm thầy dạy hoàng đế Hàm Phong, dân Hồi Hồi[38] muốn làm phản bèn lừa giết phăng ông đi. Ba vị này chẳng thể coi là Tăng nhân bình thường, đáng tiếc là chẳng biết cầu sanh Tây Phương, tuy được đôi chút phước lớn nhưng hai người chẳng được chết yên lành. Rốt cuộc, ông Bành tham đắm nữ sắc, e trong đời sau sẽ chẳng được như đời này!

Lại nữa, tiên sinh Ngô Dẫn Chi ở Tô Châu, đậu Thám Hoa dưới đời Thanh. Học vấn, đạo đức, tướng mạo, đều tốt đẹp cả. Năm Dân Quốc thứ mười (1921), đi triều bái Phổ Ðà, gặp tôi, tự bảo kiếp trước ông ta là hòa thượng ở Vân Nam. Vì khách đến dâng hương đông đảo, chẳng thể chuyện trò nhiều, cũng chưa hỏi tường tận nguyên do. Năm [Dân Quốc] thứ mười một (1922), tôi qua Dương Châu khắc in sách, đến ở nhà một người đệ tử tại Tô Châu, liền dò hỏi về việc ấy, nghĩ rằng ông ta chưa quên mất túc nhân, khi gặp mặt sẽ hỏi chuyện, nhưng rồi hoàn toàn quên mất. Từ đó, chẳng qua lại với nhau nữa. Ðến năm [Dân Quốc] thứ 19 (1930), tôi bế quan tại chùa Báo Quốc. Đến tháng Mười Một, ông ta cùng hai tiên sinh Lý Ấn Tuyền, Lý Hiệp Hòa đến thăm. Tôi hỏi: “Sao ông biết kiếp trước là nhà sư ở Vân Nam?” Ông ta bảo: “Năm hai mươi sáu tuổi, tôi nằm mộng đến một ngôi chùa kia, biết là chùa X… ở huyện X… thuộc tỉnh Vân Nam. Trông thấy hình dạng điện đường, phòng xá, cây cối đều như thường thấy, cũng thấy mình là Tăng. Tỉnh dậy, nhớ rất rõ, ghi chép lại từng điều. Sau đấy, một người bạn đi làm quan ở Vân Nam (tiên sinh Trương Trọng Nhân còn biết tên họ người này), đem đối chiếu những lời ông ta chép thì không sai lệch mảy may”.

Tôi bảo: “Tiên sinh đã tám mươi tuổi, không còn được bao nhiêu ngày nữa, hãy nên khôi phục sự nghiệp hòa thượng kiếp trước, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì mới chẳng phụ công khó tu trì đời trước!” Ông ta đáp: “Niệm Phật có gì là hy hữu, lạ lùng?” Tôi nói: “Niệm Phật tuy chẳng phải là hy hữu, lạ lùng gì, nhưng thế gian chẳng có mấy người niệm. Chuyện chẳng hy hữu, chẳng lạ lùng nhất là chuyện ăn cơm, cả thế giới không một ai là chẳng ăn; đấy là sự chẳng hy hữu, lạ lùng bậc nhất, vì sao ông vẫn cứ phải làm?” Ông ta chẳng đáp được, nhưng vẫn không chịu niệm. Ông ta hỏi hai vị Lý Tiên sinh: “Các vị có niệm không?” Họ đáp: “Niệm chứ!” Ông ta vẫn không nói gì; đến tối ngày Ba Mươi tháng Chạp, lúc sắp thắp đèn, qua đời, vừa tròn tám mươi tuổi. Vị này đời trước tu trì cũng rất khá nên đời này mới cảm được công danh lớn lao, tuổi thọ lâu dài, nhưng đời này chỉ giữ trọn luân thường, chẳng còn tin vào Phật pháp nữa, há chẳng phải là đáng xót xa lắm sao?

Cả bốn vị trên chưa ai chứng đắc, mà dù có sở chứng đi nữa, nếu chưa đoạn hết Phiền Hoặc thì vẫn khó thể lìa khỏi sanh tử được! Thậm chí như thiền sư Viên Trạch đời Ðường, biết được chuyện quá khứ, vị lai, nhưng vẫn không thể thoát được, huống hồ là kẻ chỉ được chết an lành lại có thể giải quyết xong chuyện sanh tử sao? Cha ông Lý Nguyên đời Ðường, trấn thủ Ðông Ðô, bị An Lộc Sơn làm phản giết chết. Lý Nguyên chẳng muốn làm quan, biến căn nhà mình đang sống ở Lạc Dương thành chùa Huệ Lâm, thỉnh Viên Trạch làm Hòa Thượng; Lý Nguyên cũng tu hành ở chùa ấy. Mấy năm sau, Lý Nguyên muốn triều bái Nga Mi, mời Viên Trạch cùng đi. Viên Trạch muốn đi theo đường Thiểm Tây, nhưng Lý Nguyên chẳng muốn đến kinh đô nên nhất định đi theo đường thủy qua ngã Kinh Châu. Viên Trạch đã tự biết mình chẳng trở về được nên liền [viết thư] dặn dò hậu sự, mỗi mỗi đều rành rẽ, kẹp trong cuốn kinh nhưng chẳng để lộ ra, theo Lý Nguyên ngồi thuyền ra đi.

Thuyền bơi đến miền thượng du Kinh Châu, gần đến Giáp Sơn, vùng đất ấy thế nước chảy xiết, chưa đến tối đã phải cắm thuyền. Chợt có một người đàn bà mặc quần gấm, kéo nước bên sông. Viên Trạch vừa trông thấy, hai mắt ứa lệ. Lý Nguyên hỏi nguyên do, Viên Trạch đáp: “Ta chẳng chịu đi theo đường này là vì sợ gặp người đàn bà này. Bà ta mang thai đã ba năm, chờ ta sanh làm con. Chẳng thấy còn có thể trốn lánh, chứ nay đã thấy, không cách nào chẳng làm con bà ta được! Ông nên tụng chú, giúp ta mau sanh. Tới ngày thứ ba, hãy đến nhà thăm ta. Ta trông thấy ông, cười một tiếng làm tin. Mười hai năm sau, đêm Rằm tháng Tám, đến bên bờ giếng Cát Hồng tại chùa Thiên Trúc ở Hàng Châu gặp ta”. Nói xong, Viên Trạch tọa thoát (ngồi qua đời). Bà nọ liền sanh con. Ngày thứ ba, Lý Nguyên đến thăm, đứa bé liền cười. Sau đấy, Lý Nguyên quay về chùa Huệ Lâm, thấy trong quyển kinh đã viết sẵn lời dự ngôn về hậu sự, càng thêm tin [sư Viên Trạch] chẳng phải là kẻ tầm thường. Mười hai năm sau, Lý Nguyên đến Hàng Châu. Tới đêm Rằm tháng Tám, ông đến chỗ ước hẹn chờ đợi; chợt thấy bên sông có đứa bé trai chăn trâu, ngồi trên lưng trâu, dùng roi gõ sừng trâu, xướng:

Tam sinh thạch thượng cựu tinh hồn,
Thưởng nguyệt, ngâm phong bất yếu luân.
Tàm quý tình nhân viễn tương phỏng,
Thử thân tuy dị, tánh thường tồn.

(Trên đá ba sinh[39], vẫn nguyên hồn
Ngâm gió, thưởng trăng lọ phải bàn
Thẹn thấy người xưa tìm đến gặp
Thân này tuy khác, tánh thường còn)

Lý Nguyên nghe xong bèn đến chào hỏi. Hàn huyên xong xuôi, đứa bé lại đọc:

Thân tiền, thân hậu sự mang mang,
Dục thoại nhân duyên khủng đoạn trường[40]
Ngô, Việt giang sơn du dĩ biến
Khước hồi yên trạo thượng Cù Đường

(Thân trước, thân sau sự vấn vương
Bàn chuyện nhân duyên luống đoạn trường
Ngô,Việt giang sơn chơi khắp cả,
Quẩy chèo mây khói, vượt Cù Đường[41])

Rồi ruổi trâu đi mất. Thân phận như thế còn chưa liễu thoát được, huống hồ là những kẻ chỉ mới lãnh hội được câu thoại đầu, được chết an lành mà coi là đã liễu thoát ư? Cậy vào tự lực để thoát sanh tử khó khăn như thế đó; cậy vào Phật lực để thoát sanh tử dễ dàng như thế đó; vậy mà người đời vẫn cứ buông bỏ Phật lực để cậy vào tự lực, cũng là vì chưa hiểu rõ lẽ mầu nhiệm. Nay dùng hai câu sau đây để nói toạc ra: Chỉ là vì tri kiến sai lầm “muốn tỏ vẻ ta là hạng người bậc thượng, chẳng chịu làm chuyện tầm thường, không hy hữu, lạ lùng” vậy. Xin hết thảy mọi người hãy suy nghĩ chín chắn chuyện đã qua của năm người này rồi tự lợi, lợi tha, sốt sắng tu Tịnh Nghiệp như lo chôn cất cha mẹ, như cứu đầu cháy thì mới khỏi luống uổng đời này và lần gặp gỡ này.

     


 

[27] “Thiên chân” có nghĩa là chân lý tự nhiên sẵn có không cần phải tạo tác. Sách Chỉ Quán Phụ Hành Truyền Hoằng Quyết, quyển 1, giảng: “Lý không phải tạo tác thì gọi là thiên chân”. Như vậy, “thiên chân Phật” chính là Phật sẵn có trong chân tâm, tức Pháp Thân.

[28] Tông yếu: Điều quan trọng mấu chốt trong giáo pháp của các tông. Sách Pháp Hoa Kinh Huyền Nghĩa quyển 1 giảng: “Tông yếu nghĩa là trọng yếu, tức là nhân quả của chính đức Phật đã hành thì gọi là Tông. Thế nào là Yếu? Vô lượng các điều thiện, hễ nói là Nhân thì đều bao gồm hết. Vô lượng sự chứng đắc, hễ nói là Quả thì đều bao gồm hết. Như giở cái lưới lên, không mắt lưới nào chẳng động. Nắm một góc áo, không sợi vải nào chẳng dính theo, nên gọi là Tông Yếu”.

[29] Năng: Đối tượng chủ thể, Sở: đối tượng thụ động. Chẳng hạn, chúng ta đọc sách thì nhãn thức và ý thức là Năng, cuốn sách được đọc là Sở. Tịch và Chiếu là hai mặt của chân tâm, chân tâm thường hằng bất biến, không bị ngoại duyên nhiễm ô, không bị mất đi dù chúng sanh luân hồi bao nhiêu kiếp nên gọi là Tịch (vắng lặng). Công dụng chiếu soi (tức nhận hiểu sự vật vạn pháp) của Tâm được gọi là Chiếu.

[30] Theo Duy Thức Học, tác dụng của sáu thức dưới ảnh hưởng của mê hoặc, vô minh thì gọi là Tình, hoặc đôi khi còn gọi là Tình Thức hoặc Tình Tưởng. Chữ Tình này thường được dùng để chỉ mọi ý niệm phân biệt, chấp trước đối với sự nhận thức của sáu căn.

[31] Trần Lao là tên khác của phiền não, do phiền não khiến cho tâm bị nhiễm ô giống bụi bặm nên gọi là Trần. Phiền não khiến cho thân tâm nhọc mệt, không an ổn nên gọi là Lao.

[32] Đốn siêu địa vị: Vượt nhanh qua các địa vị, không cần phải tu chứng từ từ theo từng bậc. Như ngài Quán Thế Âm nghe đức Thế Tịnh Quang Vương Phật nói chú Đại Bi bèn vượt thẳng từ Sơ Địa lên Thập Địa thì gọi là “đốn siêu địa vị”.

[33] Phần Đoạn Sanh Tử (còn gọi là Phần Đoạn Tử, hoặc Hữu Vi Sanh Tử) là sanh tử trong tam giới. Gọi là “phần đoạn” (có giai đoạn, có thời gian) vì do quả báo sai khác mà có hình dáng, thọ lượng nhất định. Như vậy “xuất ly phần đoạn sanh tử” có nghĩa là thoát khỏi tam giới.

[34] Ngũ Tổ là tên núi, đồng thời là tên chùa. Sư Giới thiền sư, người thời Tống, thuộc tông Vân Môn, nối pháp của ngài Song Tuyền Sư Khoan, trụ trì chùa Ngũ Tổ núi Ngũ Tổ tại Tô Châu, nên thường gọi là Ngũ Tổ Giới, chấn hưng tông phong mạnh mẽ. Theo Tây Quy Trực Chỉ, quyển ba: “Thiền sư Thanh Thảo Đường khá có giới hạnh, tuổi ngoài chín mươi, thường được nhà họ Tăng cúng dường hậu hĩ, bèn hứa thác sanh vào nhà ấy làm con. Sau họ Tăng sinh được một người con, cho người đến tìm Thảo Đường thì Sư đã tọa hóa”. Theo pháp sư Viên Anh, Thảo Đường Thanh là người đời Tống, là bậc tông tượng trong nhà Thiền, tuổi già, thấy vị tể tướng đã cáo lão hồi hương hết sức vinh diệu, chợt khởi tâm niệm hâm mộ, bèn thác sanh vào nhà ấy. Về sau, trở thành tể tướng Tăng Lỗ Công. Do một tâm niệm tham luyến mà công hạnh tu Thiền cả đời bị vứt bỏ!

[35] Gọi là bực thượng vì thân sau còn chưa lâm vào hoàn cảnh tệ hại lắm. Trong Ấn Quang Văn Sao, có thuật chuyện vị Tăng ở núi Nhạn Đãng thân sau trở thành Tần Cối, một vị Tăng khác trở thành con gái ông Châu Phòng Ngự. Có nhiều trường hợp còn đọa vào ác đạo nữa!

[36] Tăng thượng mạn (Abhimāna): Đối với giáo lý hoặc cảnh giới, địa vị tu hành chưa hề có chứng ngộ mà đã khởi tâm kiêu hãnh, ngạo nghễ. Do coi mình cao hơn người khác nên gọi là “tăng thượng”, cũng như do tự đề cao mình quá phận nên gọi là “tăng thượng”.

[37] Điện Thí là vào cung vua dự thi dưới sự chứng kiến của vua. Theo thể lệ thời Minh – Thanh, thi cử gồm ba giai đoạn: Hương Thí, Hội Thí, và Điện Thí. Do thi trong cung vua (thường là điện Thái Hòa) nên gọi là Điện Thí (hoặc Đình Thí), người Việt thường gọi là thi Đình. Trong khoa thi này, người đậu đầu gọi là Trạng Nguyên, người thứ hai gọi là Bảng Nhãn, người thứ ba là Thám Hoa. Ông Trương không dự vào ba hạng này, chỉ đỗ Tiến Sĩ, được vua cho xướng danh trong sân chầu nên Tổ nói ông đậu Truyền Lô. Truyền Lô gọi đủ là “kim điện truyền lô” (xướng danh trong điện vàng), tức là hai ngày sau khi yết bảng ghi danh các sĩ tử thi đậu, các vị tân khoa tiến sĩ sẽ được triệu tập vào điện Thái Hòa, được nội quan xướng danh đến trước mặt vua lạy tạ và được vua ban thưởng ngự tửu, đãi yến.

[38] Hồi tộc là sắc dân thiểu số của Trung Hoa, sống chủ yếu tại các tỉnh Thanh Hải, Cam Túc, Hà Nam, Hà Bắc. Thật ra họ gồm nhiều sắc dân khác biệt có nguồn gốc từ Trung Á, Tây Á, chủ yếu là gốc Ả Rập, di cư đến Trung Hoa. Do họ theo đạo Hồi nên người Hán thường gọi chung họ là Hồi tộc, hoặc Hồi Hồi.

[39] Theo sách Quần Ngọc Chú, Tỉnh Lang đến vãn cảnh chùa Nam Huệ Lâm, nằm chơi, chợt ngủ thiếp đi, thấy hồn mình đến Bồng Lai. Nơi đó có một vị Tăng đang tụng kinh, trước mặt có một nén nhang đang cháy. Hỏi đến nguyên do, vị Tăng cho biết cây nhang ấy do một người đàn-việt thắp lên để khấn nguyện, cầu phước, nhang chưa cháy hết mà người thắp nhang đã chuyển kiếp ba lần. Lần thứ nhất làm Đường Huyền Tông, lần thứ hai làm Đường Hiến Tông, lần thứ ba chính là Tỉnh Lang. Do đó, về sau từ ngữ “tam sinh hương hỏa” thường dùng để chỉ lời nguyền có hiệu lực đến ba đời.

[40] “Đoạn trường”: Ý nói vô cùng đau xót, như đứt từng khúc ruột. Theo điển tích cổ, vua Sở đi săn thấy vượn con bị bắn chết, vượn mẹ trông thấy ôm con kêu khóc rồi chết, mổ bụng ra xem thấy ruột nó đứt thành từng khúc. Do đó cổ văn thường dùng chữ “đoạn trường” để diễn tả nỗi đau xót.

[41] Cù Đường (còn gọi là Quỳ Hiệp, tức khe quỷ) là tên một kẽm núi hiểm trở, quanh co trên sông Dương Tử ở tỉnh Tứ Xuyên. Kẽm núi này dài đến 8 km, từ huyện Phụng Tiết cho đến thành Bạch Đế. Thế nước chảy xiết, rất nguy hiểm khi phải vượt qua.