Ngày xuân nghĩ về hạnh hỷ xả của Bồ-tát Di Lặc
Viên Thắng

 

Sau những ngày mưa to, bão lụt làm cho cây cối ngả nghiêng, từng cơn gió lạnh buốt giá tràn về của mùa đông đã đi qua, trong cái gió se lạnh và cơn mưa phùn lất phất, cây cối bắt đầu xanh tươi trở lại căng đầy nhựa sống, báo hiệu một mùa xuân nữa lại về. Ngước nhìn tượng Bồ tát Di Lặc ngồi phơi ngực bày cái bụng to tướng, miệng cười toe toét, làm tôi chợt nhớ đến bốn câu thơ:

Đức Di Lặc ngồi trơ bụng đá
Mặc bụi trần bám đã rồi rơi
Dẫu cho trần thế đầy vơi
Dửng dưng như một nụ cười vô duyên
[1].

Có thể nói Bồ-tát Di Lặc là vị Bồ tát duy nhất được các tông phái Phật giáo như Tiểu thừa, Đại thừa và Mật tông đều tôn kính. Trong các kinh điển cổ ngữ tiếng Phạn, Pali, cũng như kinh điển Đại thừa chữ Hán và tiếng Tây Tạng đều có nói đến vị Phật tương lai này. Đặc biệt theo truyền thống Phật giáo Việt Nam, Bồ-tát Di Lặc có một vị trí khá quan trọng. Bởi vì, người Việt đã tôn thờ Bồ-tát gần cả nghìn năm kể từ thời Lý cho đến ngày nay.

Trong các kinh điển chép lại, Bồ-tát Di Lặc phát nguyện tu hạnh từ, bi, hỷ, xả đem đến sự an lạc giải thoát cho mọi người. Bởi vì ngài thấy các pháp do nhân duyên sanh khởi không thật, nên ngài không còn bị trói buộc vào ngã chấp[2] và pháp chấp[3]. Câu chuyện sau đây là một minh chứng hạnh tu buông xả của ngài.

Một hôm, Hòa thượng Bảo Phước gặp Hòa thượng Bố Đại[4] liền hỏi:

Thế nào là đại ý Phật pháp?

Hòa thượng Bố Đại thả cái bao lớn xuống đất, đứng thẳng khoanh tay.

Hòa thượng Bảo Phước hỏi tiếp:

Chỉ có như vậy, hay còn có việc hướng thượng nào nữa?

Hòa thượng Bố Đại mang bao lên vai đi thẳng.

Đọc qua câu chuyện chúng ta thấy rõ hạnh tu buông xả của ngài – là biểu hiện hành động thả cái bao xuống đất. Vì thế, khi nào đó chúng ta chiêm ngưỡng kỹ hình tượng ngài thể hiện qua ánh mắt từ bi và nụ cười an lạc. Ngài thường nở nụ cười như thế là biểu hiện tâm hồn từ bi, hỷ xả, luôn luôn hoan hỷ đem sự an lạc, yêu thương đến cho mọi người; nhìn miệng ngài cười làm cho chúng ta quên đi những lo lắng buồn rầu xảy ra trong cuộc sống hằng ngày; ngắm kỹ đôi mắt hoan hỷ của ngài như chưa hề biết đau khổ là gì, làm cho chúng ta quên đi bao oán giận ai đó gây cho mình đau khổ. Đặc biệt, ngài phanh cái bụng to đùng phơi trần ra cho cả tam thiên đại thiên thế giới cùng ngắm, như để dung chứa tất cả những thói hư tật xấu của chúng sanh mà ngài sẵn sàng bao dung, tha thứ cho họ. Do đó, mọi người thường tán thán ngài:

“Miệng cười hoan hỉ thứ tha
Bao dung tất cả chan hòa thế nhân
Tay mang túi dạo hồng trần
Bụng to dung chứa vô ngần pháp tu”.

Hay:

Bụng to, má lún đồng tiền,
Vây quanh sáu trẻ ngửa nghiêng reo hò.

Còn hàng phàm phu chúng ta luôn bị trói buộc đau khổ triền miên vì chấp ‘cái tôi’ và ‘của tôi’. Những điều này chúng ta thấy nhan nhản trước mắt xảy ra cuộc sống hằng ngày là ai cũng muốn mình hơn người khác. Vì muốn mình tài giỏi, giàu sang địa vị, danh vọng hơn mọi người nên họ ra sức tranh đua học tập và làm việc, không còn thời gian dành cho người thân. Thế nhưng có những người khi có đầy đủ tiền tài, danh vọng trong tay, vẫn chưa thỏa lòng, lại còn muốn quyền cao chức trọng hơn nữa nên lo chạy chức, chạy quyền. Điều này đức Phật dạy: “Lòng người như túi tham không đáy”. Lại có người thấy người nào hơn mình thì tâm ganh tỵ nổi lên tìm cách bôi nhọ họ, có khi làm cho họ bị thân bại danh liệt. Có người vì chiếc ghế địa vị mà họ sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn hạ gục đối phương để mình đạt đến mục đích. Vì họ tiến thân bằng tâm bất thiện nên địa vị cũng không giữ được lâu dài:

Một dãy giang sơn cảnh đẹp thay
Cơ đồ người trước kẻ sau giành
Người sau cướp được khoan cười vội
Chẳng bấy lâu sau có gã tranh
[5]

Còn về những vật sở hữu bên ngoài thuộc về ‘của tôi’ thì ai cũng muốn mình hơn người khác, nên từ nhà cửa, vợ con, xe cộ v.v… Bất cứ việc gì mình cũng phải hơn mọi người. Vì họ có tâm tham vọng như vậy, nên khi con còn bé bắt đầu bước vào lớp một, thì các bậc phụ huynh đều muốn cho con mình được học tập trong một ngôi trường tốt nhất, để sau này các bé lớn lên có sẵn kiến thức cơ bản để thi vào học các trường danh tiếng, khi con mình ra trường sẽ làm ông này bà nọ, làm rạng danh cho cha mẹ, ông bà, dòng họ tổ tiên, nên gần tới kỳ nhập học là họ chạy đua chọn trường chuyên, lớp chọn. Họ phờ phạc vận dụng triệt để các mối quan hệ, dốc cả ‘tình’ lẫn ‘tiền’ để đặt chỗ cho con. Họ không biết là vô hình trung gây cho con một tâm trạng áp lực học rất nặng nề…

Bởi vì chúng ta tham vọng quá nhiều, không chịu bằng lòng sống với hiện tại những gì mình đang có, là vì chấp ‘cái tôi’ và ‘của tôi’ quá lớn nên chúng ta bị trói buộc trong đau khổ triền miên. Thấy được tâm tham chấp của chúng sinh nên đức Phật dạy: “Buông xả tất cả sẽ được tất cả”.

Nhân dịp Xuân về, ngày mùng 1 tết cũng là vía của Bồ-tát Di Lặc. Tôi ngồi suy ngẫm về hạnh nguyện của Bồ-tát cũng là để sách tấn mình cố gắng tu tập thực hành theo một chút hạnh nguyện của ngài, là tập buông xả từ từ những pháp bất thiện trong tâm như tham, sân, si, mạn, nghi… cho đến vật chất bên ngoài để cảm nhận sự an lạc từ trong tâm mình. Tôi xin mượn bốn câu thơ của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương để kết thúc bài viết:

Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
Chuyện đời như nước chảy hoa trôi
Lợi danh như bóng mây chìm nổi
Chỉ có tình thương để lại đời
[6].

***

[1] . Trích bài Tín ngưỡng Di Lặc của Thích Nguyên Hiền.

[2] . Ngã chấp (còn gọi là nhân chấp): Vì hàng phàm phu không biết thân người là do năm uẩn giả hòa hợp , nên cố chấp năm uẩn trong thân có nhân ngã thường nhất và chủ tể.

[3] . Pháp chấp: Vì hàng phàm phu không rõ các pháp do nhân duyên sanh như huyễn, như hóa nên cố chấp pháp có thật tánh.

[4] . Hòa thượng Bố Đại là hóa thân của Bồ tát Di Lặc.

[5] . Hòa thượng Thích Từ Thông

[6] . Bài thơ Còn Gặp Nhau